QUÀ CỦA BIỂN - Tạp bút Lãng Du


Chiều nay tôi lại ra biển, ngồi trên bãi cát vàng ngắm nhìn những con sóng vỗ bờ. Lòng miên man suy tưởng theo dòng nhật ký của thời gian, tôi chợt nghĩ đến “món quà của bố”, một món quà của biển và kỷ niệm của tuổi thơ. Có lẽ tuổi thơ là cái tuổi đẹp nhất đời người thì phải, cái tuổi thơ ngây không ưu tư và đầy mơ mộng.
Trẻ thơ ai cũng có nhiều kỷ niệm đẹp khó phai và với tôi cũng có nhiều dấu ấn để lại. Ngày ấy tôi nhớ mình chỉ khoảng mười tuổi, không như những đứa trẻ khác, tôi luôn có những sở thích đặc biệt. Với các bạn cùng trang lứa thì đồ chơi mà các bạn có là xe, là súng, hay những đồ dùng bằng nhựa khác có bán đầy trên chợ. Còn với tôi thì chỉ thích tìm tòi những con ốc biển, vỏ sò, vỏ hến... Những thứ ấy là vô cùng quý giá trong suy nghĩ của tôi, bởi có nhiều cách cho tôi tự tạo ra trong việc sử dụng và làm nên những món đồ chơi thật hấp dẫn và thú vị.
Những ngày hè không phải đi học, tôi thường đi dạo dọc bãi biển để tìm những vỏ ốc, sò, hến đã chết rồi được sóng biển cuốn dạt lên bờ, bị bào mòn trong cát. Những thứ đó đối với tôi là nguồn tài nguyên vô giá! Tôi trân trọng và thu nhặt chúng về nhà cất giữ. Có lẽ với nhiều người vẫn nghĩ đây chỉ là thứ vô giá trị, không dùng làm chi được ngoài việc cho trẻ con chơi vậy thôi. Nhưng tôi đã tạo ra biết bao món đồ chơi với sự sáng tạo và niềm đam mê của mình. Tôi đã có một “bảo tàng biển” thật sống động và đầy màu sắc. Mấy đứa bạn học của tôi trên thị trấn vẫn mãi trầm trồ mỗi lần ghé nhà tôi chơi…
Biết tôi có sở thích ấy nên bố tôi đã đem về từ biển cho tôi một món quà mà tôi luôn ao ước và mong mỏi tìm kiếm, đó là san hô. Hôm đó là ngày sinh nhật tôi, bố cũng kịp trở về đất liền sau chuyến đánh bắt xa bờ. Bố tặng cho tôi “món quà của biển” là hai đóa hoa san hô thật đẹp mà tôi chưa hề thấy, hai cụm san hô đỏ và trắng rất lạ khiến tôi hạnh phúc đến sững sờ. Chúng như hiểu được lòng tôi nên cũng sáng rực rỡ và óng ánh lên lạ thường!
Tôi rất quý món quà ấy và giữ gìn rất cẩn thận. Tôi biết ơn bố tôi nhiều lắm, vì cho đến bây giờ dù đã sống xa biển tôi vẫn không phai nhạt tình yêu với biển, và cũng còn rất nhiều mơ ước về biển. Tôi muốn lưu giữ mãi những “món quà của biển” như lưu giữ những kỷ niệm đẹp, để nhớ về một tuổi thơ bên sóng nước quê hương.
L.D
Read more…

DẤU CHÂN Ở LẠI - Thơ Ngọc Diệp


Xa dần... mất hút... bóng mờ
Dấu chân ở lại như chờ đợi ai
Dã Tràng xe cát miệt mài
Tìm người khuất dạng, nối dài ước mong
Niềm riêng còn thắm, vẫn nồng
Sóng ơi đừng xóa dẫu lòng đa mang

N.D
Read more…

HÃY ÔM EM ĐI ANH! - Thơ Anh Nguyên

Anh Nguyên

Hãy ôm em và xin đừng ngần ngại
Một chút thôi cho em nhớ một đời
Một chút thôi thay hàng vạn tiếng lời
Cứ như thế hằng đêm đêm anh nhé.

Hãy ôm em qua nhạc thơ tha thiết
Đừng bận lòng lo lắng chuyện ngày mai
Quên đi anh cả dĩ vãng đắng cay
Anh sẽ thấy phiên khúc tình nồng ấm.

Hãy ôm em bằng vòng tay thèm khát
Phút giây thôi cho em được thỏa lòng
Bao năm rồi vẫn chưa hết chờ mong
Người tình hỡi đêm về thật trống vắng.

Hãy ôm em trước khi trời hừng sáng
Một chút thôi anh yêu có hiểu không?
Dẫu hồn em lệ nóng chảy từng dòng
Giây phút ấy em buông đời nghiệt ngã.

A.N
Read more…

BAY RA VÙNG NƯỚC NỔI - Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây


Nhà văn Nguyễn Thị Mây



          Tôi đưa tay ra phía trước, đôi cánh trắng lấp lánh ánh mặt trời, căng thẳng như một mảnh lụa. Bàn tay phải của tôi nắm chặt chiếc gậy bạc có đính một ngôi sao ở đỉnh. Chiếc khăn quàng đỏ lộng lẫy nổi bật trên cổ áo kiểu dạ hội màu thiên thanh dài phết gót. Tôi đã trở thành tiên nữ. Một cô tiên nho nhỏ!
          Tôi hân hoan vỗ cánh. Người chợt nhẹ hẩng đi rồi bay vụt lên không. Ngôi nhà thân yêu của tôi nằm lại dưới kia, nhỏ dần rồi khuất hẳn trong tầm mắt. Lũy tre xanh ngắt hiện ra. Cây lá rì rào như chào đón. Xa xa, có tiếng trống trường vọng lại. Những cái bóng nhỏ bay túa ra. Tôi reo lên:
          - Các bạn!  Các bạn đã đến rồi!
          Thủy, Hạnh, Hằng, Thông… Các bạn học chung một lớp với tôi cũng mọc cánh. Các bạn đã biến thành đàn tiên nhỏ. Chúng tôi chụm đầu vào nhau. Thúy hỏi:
          - Đi đâu đây?
          - Bay ra vùng nước nổi! Hằng bảo.
          Cả nhóm nhao nhao lên:
          - Đúng rồi! Đồng Tháp! Bay ra Đồng Tháp!
          Thông, người bạn trai mang đôi cánh xám chen vào:
          - Cô dặn bọn mình mang quà tặng đến đó rồi về ngay. Thời tiết còn xấu lắm.
          Một vùng đất Đồng Tháp điêu tàn, đổ nát. Nước đã rút nhưng hơi ẩm dầy đặc. Tôi cảm thấy mỏi rã rời vì đôi cánh ướt đẩm sương mù. Các bạn tôi cũng thế. Chúng tôi đành đáp xuống một ngôi trường gần đó. Chiếc cổng gãy gục. Mái trường đã trôi mất. Vách đỗ, cột xiêu!
          Bàn ghế, bảng lớp bị nước lũ cuốn đi nơi nào mất biệt. Chỉ còn lại khoảng nền gạch trơ vơ, loang lổ bùn đất. Chung quanh vắng lặng. Hằng thương cảm sụt sùi. Thủy mủi lòng nức nở. Bạn Thông nóng nảy đưa cao chiếc gậy thần. Một ánh chớp lóe lên. Khói bốc mịt mù. Một cái bàn học hiện ra. Nhưng cây gậy thần của Thông không còn nữa. Tôi kinh ngạc hỏi:
          - Ủa, bửu bối của bạn đâu rồi?
          Thông giải thích:
          - Bạn quên lời cô nói rồi sao? Khi đã dùng hết phép thần thì gậy sẽ không còn.
          Tôi nhớ lại lời cô chủ nhiệm:
          - Mỗi đóng góp của các em như một chiếc gậy thần. Đóng góp càng nhiều. Hiệu quả càng cao, mức mầu nhiệm của phép tiên càng phong phú. Qua việc làm tốt là giúp đỡ học sinh tỉnh Đồng Tháp đang bị lũ lụt, các em đã trở thành những thiên thần, những tiên đồng, ngọc nữ giàu lòng nhân ái, luôn cứu giúp người khổ sở, không may như trong truyện cổ tích.
          Tôi nhìn cây gậy nhỏ bé của mình. Phải chi tôi bổ con heo đất của mình ra để đóng góp thì cây gậy nầy chắc sẽ mầu nhiệm hơn. Còn bây giờ, nó chỉ có thể biến thành một tấm bảng con mà thôi. Tôi xấu hổ nhớ lại thái độ của mình khi rút tờ giấy bạc mười nghìn nhưng xin cô thối lại chín nghìn  để ăn quà bánh. Cô nhìn tôi ánh mắt buồn bã nhưng tôi vẫn thản nhiên cất tiền vào túi. Tôi ân hận khóc nức nở…
          Tiếng mẹ trầm ấm:
          - Nga, Nga… dậy đi con!
          Tôi choàng tỉnh. Mẹ nhìn tôi mỉm cười:
          - Học bài như con thì không mau giỏi mà lại mau mập đó nghen!
          Thay vì ngồi nghiêm chỉnh ở góc học tập, tôi lại nằm trên giường đắp mền để học bài. Gió mát, gối êm. Thế là tôi đánh một giấc ngon lành. Tôi bẽn lẽn đến bên mẹ. Mẹ cú nhẹ vào đầu tôi, âu yếm hỏi:
          - Con nằm mơ thấy gì mà la khóc dữ vậy?
          Tôi kể lại giấc mơ vừa đẹp vừa buồn cho mẹ nghe. Mẹ kéo tôi ngồi xuống bên cạnh rồi nói:
          - Cô giáo nói đúng! Khi đau khổ hay gặp tai nạn người ta thường mong mỏi được thần thánh, tiên, bụt… hiện ra cứu giúp. Vì thế, những cánh chim bồ câu, ông bụt hiền hòa, bà tiên hạnh phúc… là những nhân vật được dân gian dựng nên để nói lên mơ ước có người phò trợ. Con làm việc thiện thì chính con  đã là một cô tiên rồi đó. Một nàng tiên đã thật sự giúp ích cho mọi người. Dĩ nhiên, nếu con là một đứa trẻ ngoan, biết suy nghĩ sau này, mẹ tin con sẽ có cử chỉ đẹp hơn nhiều.
          Tôi sung sướng ôm chầm mẹ và thầm nghĩ: cô chủ nhiệm và mẹ là những bà tiên hiền dịu, đã ban cho tôi biết bao ý nghĩ đẹp đẽ, biến đời sống của tôi thành những ngày ấu thơ đầy hạnh phúc.

N.T.M (Trà Vinh)
                                                                                  
Read more…

MÙI PHỐ - Thơ Nguyễn Văn Thảo


Tôi trở về cái ngày lên phố
Lẽo đẽo theo cô bán bánh giò
Học lời rao như lời ru của mẹ
Góp nhặt tiếng còi xe làm vốn
Quên làm sao cái thuở lên mười.

Nay trở về quê hương - đất mẹ
Có biển có sông, có cánh đồng
Tiếng nhạc lòng vang lên
Thứ âm thanh cái thời lên phố
Ru tôi đi vào giấc chiêm bao.

Có cô em vừa tròn mười tám
Sáng mỉm cười, nhẹ gót quay đi
Trái tim tôi bỗng chết chìm
Trong nỗi nhớ chênh vênh
Tỉnh giấc về theo cánh thiệp hồng trao...

N.V.T 
Read more…

TẢN MẠN GIÓ - Tản văn Phan Nam

Cây bút trẻ Phan Nam, sinh viên lớp Báo chí khoa Ngữ văn ĐHSP - Đại học Đà Nẵng

 Những cơn mưa cuối hạ lặng lẽ đến trong bâng khuâng đất trời, biền biệt sắc màu tuổi thơ long lanh đợi chờ. Đôi chân mùa hạ bỗng dưng muốn bước thật nhanh đến với núi đồi trập trùng. Ở trên triền đồi gió như du ca cất lời vút mãi lên trời xanh nhẹ vương mái tóc, khẽ ngã vào đôi vai lành lạnh. Không hiểu sao mầm thu chớm dậy con tim lại rộn rã đến thế, vì thu đượm buồn phảng phất trong cơn ru nhọc nhằn của bóng người thân. Lại nhớ hương hoa đồng nội đón gió toả vào linh hồn sức sống mãnh liệt đưa đôi chân ấu thơ khắc khoải đi tìm. Nhớ ngày xưa gió lất phất mái đầu ru hời niềm vui tuổi thơ vội vàng lên rừng xanh hoà nhịp đập với gió với nắng. Chợt gió thổi bạc mái đầu tuổi xanh với biết bao lo nghĩ cho mai sau. Dẫu sao vẫn phải bước tiếp trên con đường dài với bao ngã rẽ thất thường có khi gió cuốn tâm muốn tĩnh tại nên lại khép nép cựa mình nắm lấy cơn gió đầu mùa.

Chiều nay lặng lẽ lắng nhịp với bản tình ca cuối hạ vừa vi vu trong cơn gió hiu hiu rung rinh lá cành. Ta ngắt nhịp cánh hoa cuối hạ mà lòng lỡ nhịp những điều chưa nói, dẫu rất muốn mở cửa đón gió gởi bao tâm tình. Khi gió mỉm cười hoà nhịp với nắng tim khẽ đong đưa mà quên mất nhịp đập cuộc sống xung quanh mình vồn vã biết chừng nào. Gió thì thầm cân đo đong đếm mối tình ngàn năm của bao bóng người in hình trên mảnh đất quê hương. Gió cất lời bảo ta bước tiếp trên con đường mà cứ xập lên xập xuống. Có lúc vấp té dưới đồng mà tâm trí vẫn muốn nắm chặt gió để bớt xót bớt đau. Lặng câm níu kéo ước mơ tuổi xanh còn dang còn dở: “Nó chiếm hồn ta bằng nắng nhạt/ Bằng mây nhè nhẹ, gió hiu hiu...” (Xuân Diệu).

Có lúc gió rầm gió thét trong những cơn mưa chiều mùa hạ nhưng vẫn làm vui lòng người. Phải chăng gió bước qua khổ đau mới thấu hiểu nỗi khắc khoải chờ mong gió gọi mưa đến. Ta cứ lặng nhìn gió reo vui với cơn mưa chiều. Gió khẽ ngắt cành cây đùa vui cùng mưa. Đất hả hê uống nước thấm ngọt mạch liền quê hương. Cây cối tốt tươi đợi gió rì rào. Có đứa trẻ ngày nào sợ gió sợ sấm quấn chăn tròn khi gió vội vàng đập nhẹ cánh cửa. Có đứa trẻ ngày nào trần truồng tắm mưa không sợ dị chạy nhảy khắp sân nhà ngõ xóm. Có đứa trẻ ngày nào bị gió thổi bụi cay cay mi mắt vẫn tìm được cho mình chút niềm vui mỏng manh trong đời...

 Chiều nay gió lặng, trời dứt cơn mưa chiều. Khi ta lớn ta muốn nắm cả làn gió trong tay để gió nhấc bổng lên bầu trời với bao điều si mê. Nhẹ bước hôm nay nhưng vút mồ hôi vác chân lên cẳng mà chạy vào ngày mai. Có phút giây nhìn lại cũng chỉ xem mấy chiếc lá vàng trên cành đang đong đưa đã rụng hay chưa? Nhịp thở còn mạnh mong đôi chân nhỏ có mỏi gối trong nửa cuối đời. Có lẽ giấc mơ ngày xưa chưa hoá thành cổ tích. Gió ơi!

P.N (Quảng Nam)
                                                                                         


Read more…

HƯƠNG XƯA - Thơ Nguyễn Thái Huy



Nghe như con sóng vỗ về
Ru êm theo mái tóc thề nhẹ bay
Chiều thu vàng nắng đầy tay
Vươn ai liễu rủ cỏ dày tương tư
Mong tìm một chút tàn dư
Mà sao sương khói vẫn mù mịt bay
Hương xưa còn đọng chút này
Lẽ nào như ánh trăng gầy bên song!

N.T.H (Huế)
 
Read more…

TỰ TÌNH BUỒN - Tản văn Ngô Thúy Nga

Cây bút trẻ Ngô Thúy Nga


Có lẽ… tôi có quá nhiều khát khao, quá nhiều nỗi niềm muốn chôn giấu, nên… luôn cảm thấy đời đau, luôn nhìn thấy những nỗi buồn ơ thờ trong những niềm vui lớn nhỏ. Mà niềm vui thì chóng vánh qua đi, chỉ có nỗi buồn là âm thầm khoét thêm vết mờ trống huơ trống hoác trong lòng. Tôi không phản đối khi người ta bảo tôi đang lấy gai thép tự trói mình, tuổi trẻ mà, cứ chơi cho hết mình, sống cho hết mình. Nhưng chưa nghe ai nói với tôi rằng, ừ, hãy buồn đi, buồn cho hết mình, rạn vỡ cho hết mình. Hãy đi đến tận cùng của nỗi buồn đi, và xem nó là gì, sự cô đơn đến rỉ máu, hoang hoải đến tàn tạ, hay một thế giới khôi nguyên như những hạt mưa không bao giờ vỡ, hay là một cảm xúc nào đó chưa thể gọi tên bao giờ? Đôi khi, tôi vẫn thường thắc mắc tại sao người ta lại không muốn sống với nỗi buồn? Nỗi buồn cùng với sự cô đơn là con đường đưa ta đến bản thể của chính mình, tôi vẫn thường nghĩ thế.
Đôi khi… muốn bỏ tất cả đi, để lòng rỗng không, để nghe thấy được mình đang thật sự cần điều gì. Tôi có đủ sự dịu dàng và chân thành để mọi người quý mến. Có đủ bình yên để nhiều người muốn neo lại. Tôi có đủ sự mỏng manh để bao người muốn chở che. Và… có đủ đam mê để sống chết với nghề. Vậy mà… lòng cứ trống trải chênh vênh. Vậy mà… cứ tìm kiếm nỗi buồn để gặm nhấm. Vậy mà… cứ luôn thấy đời đau. Ừ, tuổi thơ tôi nhiều nước mắt và nỗi sợ hãi, nhiều cơn điên cuồng ập đến, bất ngờ có, mà sẵn sàng đón nhận cũng có. Ừ, đó là một vết xước, sâu và dài mà chắc rằng nó sẽ chẳng lành lại bao giờ. Tuổi thơ tôi nhiều khát khao, đôi khi, khát khao đến điên cuồng, ám ảnh tôi trong những giấc mơ lặp đi lặp lại nhiều lần. Tôi nghèo, nhưng không mơ tiền bạc, chỉ mong mỏi một ánh nhìn của mẹ, một cái ôm đủ dài và một chút bình yên đủ để không làm sóng sánh nỗi sợ hãi trong lòng. Ừ! Tôi sợ hãi trong cả từng giấc ngủ và ngay khi còn thức.
Nhiều đêm… ngồi thật lâu với ly café đặc quẹo, đắng nghét không đường, chỉ để nhìn đời trôi đi vô thường. Rồi chợt nghĩ, nỗi buồn cũng vô thường thôi, sao người ta chạy trốn nó nhiều đến thế? Tôi không sống được nhanh, nhưng vẫn muốn chậm lại thêm nữa, không biết để làm gì, chỉ là muốn thế thôi. Tôi chưa đủ già để suy tư về những đoạn đời của chính mình, những khúc ngoặt của định mệnh, hay một cái gì đó lớn lao và ý nghĩa hơn thế, chỉ trệu trạo ăn bóng đêm, nghĩ về đôi ba lỗi lầm rồi nhìn mình thật lâu trong nỗi buồn chẳng bao giờ có tên gọi. Rồi bật khóc như vô thức, tự hỏi rằng tôi là ai, tôi từ đâu tới và tôi đi về đâu? Chẳng bao giờ tìm được câu trả lời. Có lẽ, vì thế mà thấy đời đau, mà ôm nỗi buồn rao bán, cũng chẳng biết để làm gì…
Không biết từ bao giờ… tôi, nghiện lang thang. Nhiều khi, cứ đi thế thôi, chẳng bao giờ biết đích đến hay một điểm dừng nào đó nhất định. Cũng có lúc ngủ vùi bên vệ cỏ, dưới lòng đường không bước ai qua. Thấy đời mệt quá, ồn ã quá, và… chênh chao quá, nên… cứ thấy lòng rơi nghiêng, cứ muốn bấu víu vào một cái gì đó không thuộc về con người, tạm bợ như cuộc sống và thân xác ta, mà mấy ai nhận ra được… Ai cũng sợ nỗi buồn, sợ cô đơn, nên tìm cách trốn tránh, tìm cách lấp đầy những khoảng lặng trong lòng, thay vì đối diện và tìm cách vượt qua. Thì kệ, cứ thử một lần sống với nó, đi cho hết xem nó thực sự là cái gì, biết đâu đó, ta sẽ nhận ra, nỗi buồn cũng nên thơ, cô đơn cũng có vị ngọt, và biết đâu đó, ta lại nhận ra điều mà lâu nay ta đang hoài công tìm kiếm. Một lúc nào đó, thử im lặng thật sự để ngồi đối diện với lòng mình, lắng nghe xem khi tâm mình tĩnh lặng, điều gì sẽ hồi sinh?
Đôi khi, sự im lặng chính là bản thể con người…

N.T.N (TP. HCM)


Read more…

SAU LƯNG THIÊN ĐƯỜNG - Truyện ngắn Đào Phạm Thùy Trang

Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang



Những vệt đèn đường hiếm hoi quét qua rồi cũng lịm tắt. Chiếc xe cà tàng của hắn tự dưng đứt bóng. Có lẽ do đường dằn xóc quá. Lùi lũi dắt qua những đụn đá 4x6 rải đầy đường, phía sau hắn là ông chú già tuổi gần bảy mươi đang cố sức đẩy cho xe về phía trước. Tiếng máy nằng nặng nổ, chiếc xe đã quá mệt mỏi như hai con người đang đi cùng nó.
Ba mươi lăm tuổi mà trông hắn nhão nhè hơn đàn ông sáu mươi. Bụng to, mặt xề xệ bợt bạt vì nắng gió, lưng cong khuỳnh khuỳnh và đôi tay sần sần “Vì ngày nào cũng chạy trăm cây số”.
- Nhà một mẹ một con sao để bà già đi chi vậy?
- Chị không biết đó chứ… cảnh mẹ chồng nàng dâu khổ lắm…
- Mình đứng giữa, là người có “uy” nhất, sao để xãy ra “chiến tranh”?
- Ai mà biết… phải chi hồi đó bà già có hai, ba thằng con chắc không đến nỗi?
- Rồi giờ sao?
- Muốn chị chỉ cho đường nào đó rước bà già về.
- Cũng có cách, chỉ có điều sau đó anh có thể dung hòa mẹ và vợ không. Nếu để bả đi nữa thì tìm về làm gì?
- Chắc… không có chuyện đó nữa đâu chị.
Tôi biết ông chú hắn trước. Chả gì, ông là em kết nghĩa của ba tôi. Mãi năm mươi tuổi mới lấy vợ, nói rằng do làm ăn khó khăn quá. Nhà mười mấy anh em, làm ăn chưa có được nhà riêng thì sao dám lấy vợ. Mãi năm mươi thì cưới một bà bốn hai. Ngày cưới của ông ấy là niềm vui của cả xóm vì ông “mua trâu được nghé”. Cô dâu chết chồng, hai con đứa vào cấp hai, đứa đang cấp một. Ông không những có nhà riêng, còn có 4000 mét vuông đất trồng mì tươi. Năm một vụ mì, còn lại xen canh sả, ớt, bầu, bí. Ở với nhau bốn năm, bà vợ làm tròng làm tréo nói rằng không làm nông nổi, nắng cháy nám cả da mặt bả vừa lột. Thì bịt kín vào. Lại nắng đen người bả mới vừa tắm trắng. Ông làm công nhân lò mì, bà có nghề “cò con” là lám móng, lột mụn. Làm ngày nào lủm ngày đó, mớ đất này là để đẻ ra tiền cho con cái học hành, cho mấy cái giỗ quải trong năm có chút ít mà “thủ” sẳn. Tui với bà con không dám có con chung nữa là… Thôi ông xã yêu ạ, thì mình bán đất cho em lấy vốn đầu tư vào ngành công nghiệp không khói là chắc ăn như bắp. Bà mở công ty du lịch à? Không… em làm chủ thảo hụi, cho tiền góp. Chồng à, mười ăn mười hai lận đó! Hụi của em toàn chơi với người uy tín cả. Dây nào cũng mười, hai mươi triệu/tháng. Anh thấy không, chỉ cần mỗi tháng “bẻ cò” một dây thôi là mình dư cơm dư cá.
Bùi tai, ông chú hắn bán liền miếng đất được hơn nửa tỉ đồng. Lận lưng chục triệu đi “rửa mắt” với bạn bè, còn bao nhiêu đưa vợ hết. Ai ngờ bả làm ăn kiểu gì mà có tám tháng đã bay mất bốn công đất! Bả khóc bù lu bù loa nói “già mà còn dại/sắp có cháu ngoại mà còn ngu” không có “máu mặt” làm sao trụ vững với nghề này. Thôi, xem như bắt đền cho ông vậy, mình cho tui đi hợp tác lao động nhé! Lương tháng hai mươi triệu, tui đi ba năm là nhà mình khá lên mấy hồi. Chừng đó ông mà vui, thì tui sẽ đi thêm ba năm nữa. Tiền gửi về cho ông sắm “con Mẹc” chạy xèn xẹt chơi mà ngẩng mặt với đời. Nhà nóc Thái ông nhé, phòng vợ chồng mình sắm luôn cái máy lạnh “ba ngựa” cho mát tận răng. Ông chú hắn không cho, nói bà sắp năm mươi rồi, đi làm cái gì nỗi mà đi? Tiền mất hết nhưng mình cũng còn công việc, ở đâu sống tốt bằng ở quê mình? Mà còn thế chân thế cẳng nữa, tiền đâu? Ông khỏi lo, công ty này tuyển người không cần thế chân, không giới hạn tuổi tác, dưới 60 tuổi là ô kê hết. Đất người ta là xứ thiên đường mà, cái gì cũng tốt hết, chủ nhà tốt, dịch vụ y tế tốt, chế độ lương thưởng tốt… Người tuyển dụng nói với tôi như vậy mà!
Ông chồng còn chần chừ, bà vợ đã nhanh tay nộp hồ sơ và đi mất. Trước khi đi còn nhắn chồng ráng chăm giùm hai đứa con, ba năm sau bà về sẽ “hậu tạ”.
Bà chị dâu đi chưa được bao lâu, chồng bà đang lùng sục tìm về thì cô em họ cũng đi mất. Mà không phải vì gia cảng túng thiếu, mà vì “không chịu được con dâu nên đi cho bõ ghét”.
- Tôi là nhân viên tiếp thị mà chị. Ngày đi trăm cây số là chuyện thường. Bữa tôi đang bỏ hàng bên Bình Long thì bà già kêu về ký giấy cho bả đi. Tôi về, nhưng chần chừ nói tối rồi, mệt, không đọc rõ hồ sơ được nên sáng mai coi lại sẽ ký. Sáng mai, bà già chưa dậy, tôi đã đi mất, nói công việc gấp, chiều về tính. Là tôi trù trừ vậy để bả suy nghĩ lại. Ai ngờ bà già tôi “gân” lắm, nhờ người khác ký giả tên tôi rồi cầm hồ sơ đi luôn. Báo hại tôi phải mấy phen sặc gạch đi kiếm. Nghe chỗ nào có tuyển dụng lao động nước ngoài không thế chân là tôi tới, nhưng bóng người như bóng chim.
- Bà già anh đi bao lâu rồi?
- Mới trước tết tới giờ thôi, nhưng tuần trước điện về, bảo tôi làm sao “cứu” mẹ. Ở đó không phải thiên đường, tiên cảnh gì hết. Không có chuyện ngày làm tám tiếng, lương hai chục triệu đâu. Làm bất kể giờ giấc. Chỉ là giúp việc gia đình nhưng mười giờ tối vẫn chưa xong, sáng 4 giờ đã dậy làm. Lương tháng 6 triệu tiền Việt nhưng bốn tháng nay chưa lãnh đồng nào, bệnh thì tự mua thuốc, mà có biết tiếng người ta đâu mà tự đi bác sĩ. Khổ bất biết luôn!
- Mẹ anh bệnh nhiều lắm à?
- Cũng không nhiều, cao huyết áp, thấp khớp và hở vài cái van tim thôi! Giờ than chết than sống kêu tôi cứu về. Mẹ mình mà chị, có chết cũng chết ở quê hương mình, chứ nói thật là tôi cũng bực lắm. Lại còn con vợ tôi nữa, phen này về tôi “xử” hết. Tôi đi làm cực khổ không ai biết, ở nhà mẹ chồng nàng dâu rảnh quá ăn rồi sinh chuyện với nhau thôi!
Hắn về rồi, tự dưng tôi ước có một phép màu nào đó để chừng 1 tuần là mình “dốt đặc” 1-2 ngày, cho khỏi đọc báo, khỏi thấy chữ, khỏi nghe những gì trái tai, buồn bã của xã hội. Nào nông dân hết bị thương lái xứ ta o ép, tới bị thương lái xứ người dụ khị, phân bón giả, tiền mua thật, bán nông sản không bù công lao động… Ra đường hết gặp tai nạn giao thông thì thấy cảnh mấy tay choai choai đánh nhau vì tranh… trả tiền nhậu, vì giành “em út”. Ra bệnh viện huyện gặp cảnh ông già bà cả hết xí quách chen nhau ngồi thở hừ hừ chờ lãnh vài bụm thuốc để bị kẻ đáng tuổi con cháu mình gọi tên trông trổng. Hóa ra vì nạn “dịch vụ con ruột, bảo hiểm con ghẻ” mà ra cả. Đi chứng cái giấy tờ cho con cháu thì bị nạn quan liêu, bởi cái thời “kính thưa ô sin” đang lên giá. Phô tô cái này thiếu, cái kia dư, cái nọ chưa có bác nhá; tám mươi tuổi mất chứng minh thư đi làm lại thì bị cô gái tầm hơn hai mươi hỏi đon hỏi ren “Giấy khai sinh ông đâu? Không có thì khó làm lại chứng minh lắm à!”.
Về xóm trên nghe bà già chồng nọ bảy mươi sáu tuổi còn khó với con dâu mấy chục năm nay. Dù cô dâu này cũng đã lên chứ bà nội, bà ngoại nhưng hàng ngày vẫn phải đi chợ theo “thực đơn” của bà già chồng, tiền vợ chồng cô làm đều “nộp” hết cho bả. Hỏi sao cô giỏi chịu đựng vậy? Cứ bung bét ra coi ai cần ai cho biết? “Làm một trận” không gì khó cả, nhưng mẹ già sống được bao năm nữa? Cứ giữ nhà cửa yên ổn cho con cái được tiếng với đời mà vững vàng chỗ làm, mà giữ gìn hạnh phúc bé mọn của nó. Làm mẹ, phải hi sinh vì con, cháu ạ!
Xuống xóm dưới nghe cô con dâu mới hơn hai mươi mà quá quắt, mới cưới về mà đòi mẹ chồng phải sang tên hết nhà đất cho vợ chồng nó “để mai mốt mẹ chết rắc rối lắm’. Bà già chồng lên cơn cao huyết áp vì lời trù ẻo của con dâu. Bà bảo, nhà có một mẹ một con mà chưa gì nó đã vội chia tài sản. Rồi trên tivi hôm nay đưa tin con mẹ nọ vì giận thằng cha nó mà ném đứa con 3 tháng xuống đất, xí lắc léo mấy cọng dây thần kinh. Hôm qua báo chí giật tít rần rần chuyện thằng cha phó trưởng ấp nọ làm chuyện bậy bạ với cô gái đáng tuổi con chả, còn bị tâm thần nhưng nhà nạn nhân gửi mấy cái đơn rồi, bụng cô bé đã lùm lùm mà “cha’ này vẫn nhở nhơ như người ngoài cuộc. Chắc phải có tiền nhiều số không lắm mới che nỗi mấy lá đơn hàng trăm chữ với tội trạng tày đình như vậy.
Đời, có tiền là sướng nhất, hèn nào người ta chẳng lao đi kiếm tiền.
***
Hắn lại gõ cửa nhà tôi. 6 giờ sáng, chưa kịp dọn quét gì cả. Hẹn hắn, sớm gì cũng 7 giờ, chứ giờ mắc lo cho con ăn sáng rồi đưa đi học, không thể tiếp chuyện. Hắn quay xe còn “trả giá”: “Sáu rưỡi nghe chị, bà già em ở bển đang khổ lắm…”. Ai cũng kêu khổ, vậy đời này ai sướng hả trời?
Cái áo màu cháo lòng, dáng khuỳnh khuỳnh và tiếng kèn tin… tin… khuấy động buổi bình minh minh của hắn ám ảnh tôi suốt mấy ngày. Cứ hửng sáng là tự hỏi “không biết chút nữa hắn có đến quậy” nữa không? Chả quậy gì, chỉ là cái cảnh đang trong nhà tắm, chồng con còn ngủ, không nhờ được ai mở cửa mà kèn xe cứ tin… suốt mấy mươi giây. Tạm “đình chỉ” mọi việc để ra hé cánh cổng nói câu duy nhất “Bảy giờ vui lòng trở lại” là khi quay vô mọi thứ về trang thái “quy hoạch treo” hết rồi.
Hắn bảo, bà già hắn quá năm mươi nên không thể đi lao động nước ngoài bằng tuổi thật, phải đổi tên, sửa tuổi, nói chung là lao động “chui” í mà. Hồi bắt đầu đi, người ta nói lương 20 triệu VNĐ/tháng, cơm chủ nuôi ngày ba bữa, làm việc tám tiếng/ngày. Ai ngờ qua tới nơi thì không phải thiên đường mà là… sau lưng thiên đường thôi. Ngày bắt đầu làm việc từ 4 giờ sáng, kết thúc lúc 23 giờ đêm. Mà không phải làm cho một chủ đâu, tất cả lao động bị “lùa” vào một trại, rồi ngày hôm sau sẽ được quản lý trại ‘điều” đi bất cứ nơi nào mà chủ nhà cần. Nói nôm na giống như lao động theo giờ ở xứ ta, nhưng có điều là ngày làm từ 12-14 giờ đồng hồ chứ không phải làm tám tiếng như ở xứ mình! Ăn uống không hợp khẩu vị, tiếng người ta mình không biết, lương bao nhiêu cũng không hay, chỉ thấy nếu ai đủ sức khỏe đi làm suốt tháng thì cuối tháng quản lý trại kêu lại “ký lương”, sau khi trừ hết các khoản từ chỗ ở, xe đưa rước, tới… can nước tắm thì nói “còn bốn triệu đồng”. Nhưng người lao động chỉ “ký khống” vậy thôi, tiền quản lý trại vẫn “cất giùm” nói, “Chừng nào hết hạn 3 năm hợp đồng thì trả cho một cục về nước luôn”. Bây giờ bệnh tim bà già hắn tái phát, có lẽ do ăn uống kham khổ và lao động quá sức mà thuốc men không có. Mấy chứng thấp khớp, cao huyết áp, gai cột sống… lâu nay “bế quan luyện công” giờ đồng loạt xuất quân quật cái thân gầy 38kg của bả. Vậy giờ làm sao đưa mẹ tôi về hả chị? Dễ ợt thôi, thì anh hỏi bả, công ty nào đưa bà đi, cho biết tên và địa chỉ, anh tới đó “kiện” đòi họ đưa mẹ anh về thôi mà.
Hắn lập cập móc điện thoại, gấp gáp như người chết hụt vừa vớ được chiếc phao. Sau những hồi chuông dài là âm giọng nhỏ dịu yếu ớt ở xa lắc xa lơ đáp lại. Bà bảo, không biết công ty nào đưa mình đi cả, trong tay có tờ hợp đồng “Nhưng toàn tiếng gì không đọc được”.
Hắn chạy mấy nơi nữa, nào là Cục quản lý người lao động người nước ngoài; Đại sứ quán nước sở tại nơi mẹ hắn đang là lao động “chui” ở đó, công an tỉnh… Nhưng nơi nào cũng đòi địa chỉ chỗ làm việc của bà, hoặc nơi bà đang cư ngụ. Liên lạc duy nhất của hai mẹ con chỉ là chiếc điện thoại rám nắng của hắn, nhưng luôn phải trong tư thế nạp card gọi đi vì mẹ hắn cả tiền mua card cũng không. Mà bà thì không có nơi làm việc ổn định, làm sao cho hắn biết. Địa chỉ nơi ở cũng được, nhưng bà bảo, bà không biết đọc tiếng tây tiếng u!!! Cơ quan chức năng nói, cái gì liên quan tới mình mà mình cũng không biết, thì làm sao họ biết mà giúp được? Vậy nên giờ tôi tính… bán nhà qua bển tìm mẹ. Biết đâu mà tìm? Mà đi cũng bạc trăm triệu đấy! Thì cứ tới Đại sứ quán rồi từ từ gọi điện thoại cho bả riết chắc cũng ra, trăm triệu cũng phải tìm chứ không lẽ để bà già chết bên xứ người? Chỉ khổ là không biết tiếng người ta để hỏi thăm đường.
Hắn về rồi, tôi không còn biết cách nào mà giúp cả, chỉ dặn chừng nào quyết định đi thì cho tôi gửi vài triệu gọi là phụ tiền ăn cơm hộp dọc đường.

Đ.P.T.T (Tây Ninh)



Read more…

TÔI TÌM - Thơ Nguyễn Trí Tài



tôi tìm trong chốn thinh không
giữa trời và đất bềnh bồng mây đen
tôi tìm trong chốn lặng yên
để nghe giông bão, ưu phiền trôi qua.

tìm gì trong cõi ta bà
một hình bóng cũ nhạt nhòa như sương
tìm xem trong cõi vô thường
có còn đọng chút mùi hương thuở nào.

tìm gì trong cõi chiêm bao
mơ hồ chợt thấy những lao xao tình
đêm khuya ẩn hiện dáng hình
giật mình thức giấc, bóng mình với ta.


N.T.T (TP. HCM)
Read more…

GỌI MÙA - Thơ Hoàng Chẩm

Nhà thơ Hoàng Chẩm


 Úa phai gọi mùa 
Từng chiếc lá bay nghiêng 
Thu về qua ngõ vắng 
 Ngỡ giấc mơ quanh đời chao liệng
 Em vùi sâu mùa nhớ 
 Tít tắp một mùa thu. 
 Nốt trầm giao hưởng tay cầm tay.
 Lối quen tôi về mùa thu giăng
 Cỏ mềm ướt ngọt 
 Sương khói miền xa xăm
 Chút màu phai trên tóc vẻ nét thời gian.    
Bụi đời nhàu vai áo mỏng 
Lỗi hẹn với trăm năm
 Một bước ngược xuôi dặn lòng lui tới 
Hỏi han một tiếng như tình gọi thuở ban sơ. 
Ngắt một cánh hoa 
 Nụ hôn vội vàng gọi mùa hôn phối
 Áo lụa thênh thang mở cánh cửa tàn phai
Tóc gió ngậm ngùi một khúc lý mười thương 
Ta chải chuốt một bên nhau như chìu lòng giữ mối 
Hẹn hò bên sông nước buông xóa đôi bờ.
Ta gọi mùa... gọi mùa đứng lại
 Chỉ cần một chút ngày xưa 
Gọi thầm kí ức
 Phía hoàng hôn em không ngỡ ngàng dấu tích 
 Có chăng một ngày về chải chuốt một mùa yêu.

H.C (Quảng Trị)


Read more…

ĐI QUA ĐỐNG ĐỔ NÁT - Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang

Nhà văn trẻ Vũ Thị Huyền Trang

Nàng đã đi qua đống đổ nát của cuộc đời mình bằng một cách nào đó tôi không thực sự hiểu. Chỉ biết rằng khi gặp nàng lần đầu tiên tôi rất thích ánh mắt bình thản của nàng ngắm mưa phố núi qua ô cửa nhỏ. Bình thản nhận từ tay tôi tách cafe ấm. Bình thản hỏi tôi về lễ hội mùa xuân ở phố núi sẽ diễn ra sau tết. Tôi thật sự bị lôi cuốn bởi vẻ bình thản ấy, nói đúng hơn là tôi khá tò mò về nàng. Mấy ngày tết, khách sạn trong phố núi vắng tanh, mấy ả lễ tân ngóng ra đường thở dài trong giá lạnh. Ngoài đường người ta đi du xuân có đôi có cặp trong những sắc màu rực rỡ. Trong phòng khách của nhà nghỉ, tách cafe từng giọt rơi lỏng bỏng nghe cô đơn đến cùng cực vậy mà nàng vẫn bình thản đến không ngờ. Mấy ả lễ tân nhìn chúng tôi như muốn hỏi ba ngày tết ai cũng muốn quây quần bên gia đình, sao tôi và nàng lại một mình đi thuê nhà nghỉ thế này?
Nàng hình như chẳng bận tâm gì tới điều đó cả. Cả ngày hôm đó tôi thấy nàng rất bình yên. Lúc thì vừa nhâm nhi cafe vừa đọc sách, lúc thì ngả người trên ghế, nhắm mắt nghe nhạc. Lại có lúc nhìn ra ngoài đường hát khe khẽ một bài hát vui nhộn. Thi thoảng chúng tôi nói với nhau một vài câu chẳng có vẻ gì là ăn nhập. Nàng bảo:
- Còn mưa đến bao giờ nữa nhỉ? Trời đất sậm sùi quá đi chơi hội mất vui.
- Mưa thế mà người ta tài ra đường quá. Lạnh chết.
- Cafe ở đây pha dở thật.
- Ừ! May mà nhờ có trời mưa!
Ả lễ tân đã thôi ngắm vuốt những ngón tay sơn màu đỏ choét, nằm ngủ gục trên quầy. Nàng im lặng khá lâu, tôi ngồi nhấm nháp cafe quan sát đường xá và mường tượng ra những khuôn mặt người lướt qua trong làn mưa xuân lất phất. Miền Bắc mấy ngày này nhiệt độ xuống thấp nên dù chỉ  mưa phùn thôi cũng đủ rét mướt thấu xương. Những người cô đơn như tôi thì càng phải rất khó khăn để chống chọi với những ngày giá lạnh. Tôi không nguôi tự hỏi sao mùa xuân đến tự bao giờ rồi mà đất trời và lòng người vẫn đặc quánh cảm giác của mùa đông. Tôi quay sang bảo nàng:
- Lạnh nhỉ! Lạnh thế này chỉ có ngồi sưởi bên bếp củi là sướng nhất. Lùi lụt khoai sắn, nhấm nháp cái lạnh một cách đầy thú vị bên những người thân.
Nàng nhìn tôi nhoẻn một nụ cười thân thiện, càng làm cho vẻ đẹp vừa dịu dàng, đằm thắm vừa rất đỗi sang trọng của nàng được tôn lên. Tôi cứ thắc mắc mãi tại sao một người phụ nữ đẹp như nàng lại xuất hiện ở phố núi mù sương này có một mình vào vài ba ngày tết. Đàn ông như chúng tôi trôi dạt, lông bông còn có thể hiểu. Nhưng phụ nữ là thuộc về gia đình, tết nhất lo vun vén bếp núc, chăm sóc chồng con. Mà trông nàng chắc chắn là gái đã có chồng, tức là nàng thuộc về một thế giới khác chứ không phải vạ vật nơi đây mấy ngày thiên hạ sum vầy. Tôi cứ định định hỏi nàng nhưng rồi lại sợ chạm vào thế giới rất riêng mà nàng đang cố che lấp bằng vẻ mặt bình thản kia. Trước khi trở về phòng riêng, kết thúc cho một ngày dài đằng đẵng, nàng bảo:
- Cũng may mùa này mưa không đi kèm với sấm chớp.
- Em sợ sấm chớp lắm à?
- Đàn bà hình như ai cũng sợ sấm chớp. Nhất là khi phải ở một mình.
Trong khoảnh khắc tôi bất chợt bắt gặp ánh mắt buồn bã của nàng nhìn qua ô cửa sổ. Khi bước lên bậc cầu thang tôi nhận ra sự mệt mỏi, rệu rã của nàng giấu trong những bước chân tưởng chừng như nhẹ bẫng. Mùi nước hoa của nàng dịu nhẹ, mái tóc xoăn nhẹ bồng bềnh thả buông hờ hững trên vai. Trước khi đóng cửa phòng nàng không quên chào tôi bằng ánh mắt thân thiện. Phòng tôi nằm ngay sát phòng nàng, có ban công thông nhau phía  nhìn ra thung lũng mờ sương. Đêm đêm tiếng của rừng rú, của đơn lạnh, của những loài chim ăn đêm bật tiếng kêu than thảng thốt. Tôi và nàng thường ra ban công đứng phơi sương, tuyệt nhiên không nói với nhau một lời nào. Nàng vẫn giữ vẻ bình thản ấy!

                                             * * *
Chúng tôi rời khỏi phố núi khi lễ hội hoa kết thúc riêng cái lạnh thì vẫn còn dai dẳng. Khi bước ra khỏi cửa khách sạn, thấy nàng đứng tần ngần khá lâu, tôi hỏi:
- Em giờ đi về đâu?
Nàng lắc đầu, thở dài rồi rẽ phải còn tôi bước về phía trái. Có thể nàng sẽ đi về phía trung tâm của phố núi, bắt một chiếc taxi xuôi về thành phố. Cũng có thể nàng sẽ lại tiếp tục cuộc hành trình bình thản một mình. Tôi dời phố núi trở về nhà nhìn căn phòng lạnh tanh, trống rỗng lòng chùng xuống như cạn kiệt sức lực. Ngước nhìn bức ảnh con trai cười khoe hàng răng sún lòng cồn cào, nhói buốt nhớ con khôn tả. Tôi ly hôn đã tròn một năm, căn phòng thiếu tiếng cười nói của con, thiếu bàn tay người đàn bà vun vén đã trở nên vô vị. Đời tôi như rơi không trọng lượng trong cái vòng xoáy cuộc đời mà niềm vui thì ít cay đắng lại nhiều. Tôi không biết phải vượt qua nỗi cô đơn bằng cách nào để tiếp tục sống. Ngay cả cái quyền được gặp và chăm sóc cho con tôi cũng bị người ta tước đoạt. Mà suy cho cùng bi kịch ấy lỗi lầm thuộc về tôi.
Tôi vốn là thằng đàn ông có quá nhiều tham vọng. Ngay tại thời điểm mái ấm bé nhỏ của tôi rất đỗi hạnh phúc nhưng tôi đã không bằng lòng với những gì mình đang có. Tôi muốn thành đạt hơn, kiếm được nhiều tiền hơn để sau này có một nền tảng kinh tế vững chắc. Tôi lao vào kiếm tiền với những hợp đồng được kí kết trong những cuộc nhậu nhẹt triền miên. Lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản là mình lao đầu ra ngoài xã hội xoay xở để vợ con được nhàn hạ, sung sướng. Mà không biết rằng người vợ còn cần ở tôi nhiều thứ khác. Tôi dần dần đánh mất gia đình mình lúc nào không biết. Mâu thuẫn gia đình xảy ra, nhiều cuộc cãi vã nảy lửa. Đôi ba lần vì không kiềm chế được mà xảy ra xô xát. Chính điều đó đã đẩy cuộc hôn nhân của vợ chồng tôi vào bi kịch. Vợ đẹp con khôn giờ tuột khỏi bàn tay đã mỏi nhừ vì gắng gượng níu giữ. Tôi bỏ bê công việc, đạp đổ sự nghiệp mà bấy lâu nay gây dựng, giờ đây tôi gần như trở thành kẻ trắng tay.
Kể từ sau cuộc gặp gỡ tình cờ với nàng vào mùa xuân tại phố núi. Trong những ngày dài bất tận của mình, thi thoảng tôi tôi vẫn nhớ đến ánh mắt bình thản của nàng khi nhìn ra ngoài trời sương giăng bốn phía. Bằng kinh nghiệm sống của mình tôi biết đằng sau sự bình thản ấy rất có thể là bão dông vần vũ. Cái ý nghĩ ấy khiến tôi thoáng giật mình khi nhìn những khuôn mặt người lẩn khuất dòng người qua lại. Người ta mang chiếc măt lạ ấy đi đâu? Hay cứ trôi không điểm dừng trong đại lộ hỉ, nộ, ái, ố này…Còn tôi vẫn quay cuồng với nỗi đau của chính mình, càng cố băng bó càng khó có thể lành.

                                         * * *
Trái đất quả thật rất tròn, đẩy đưa thế nào tôi lại gặp lại nàng trong lễ hội hoa giữa thủ đô vào một ngày nhiều gió. Nàng nhìn tôi cười, vẫn cái nhìn bình thản ấy. Chúng tôi ngồi nhâm nhi cafe giữa phố cổ, nàng bảo thèm một đĩa bún đậu vỉa hè và phở Bát Đàn. Tiện thể nàng dẫn tôi đến thăm  một nhà sách cũ cũng nằm trên phố Bát Đàn để cảm nhận được một không gian cổ xưa, tĩnh lặng mà vô cùng thú vị. Tôi bảo:
- Đã lâu lắm rồi anh mất đi thói quen đọc sách.
Nàng vừa chọn một vài quyển sách cũ vừa nhìn tôi cười:
- Mỗi ngày nên đọc ít nhất một trang sách sẽ thấy bình yên hơn một chút.
- Anh không biết có thể đủ kiên nhẫn để đọc hết một trang sách hay không.
- À! Thế thì một là anh có quá nhiều việc khác để làm. Hai là lòng anh đang cảm thấy bất an.
- Nói đúng hơn thì rất lâu rồi chưa khi nào anh thoát được cảm giác bất an ấy.
- Kể cả khi chúng ta gặp nhau ở phố núi đúng không?
- Phải!
Chúng tôi kết thúc cuộc gặp gỡ tình cờ khi đêm xuống. Mỗi người lại rẽ về một hướng. Nàng tặng tôi một cuốn sách nhỏ mà gáy sách đã bị mối mọt nham nhở, thậm chí tên tác giả cũng không còn nguyên vẹn. Nàng không quên dặn tôi nhớ dành thời gian đọc, ít nhất mỗi ngày một trang sách nhỏ. Trước khi chia tay, nàng hẹn tôi một buổi tối bất chợt nào đó sẽ gọi điện rủ cafe. Tôi nhìn bóng nàng khuất trong con ngõ nhỏ tự nhiên lòng trào lên sự thương cảm một cách lạ kì. Tôi trở về nhà, nhớ về nàng và thấy lòng nhẹ nhõm hơn. Đêm ấy tôi đã cố gắng bình tâm để đọc dù chỉ là một trang sách nhỏ. Rồi ngủ thiếp đi lúc nào không biết. Khi tỉnh dậy thì bình minh đã ùa vào nhà qua ô cửa nhỏ, tiếng chim sẻ líu ríu ngoài ban công, vài tia nắng nhảy nhót trên nhánh cây trúc nhật. Tôi rắc những mẩu vụn bánh mì bên bậu cửa rồi nấp vào một góc, nhìn lũ chim bay vào nhặt nhạnh. Một cảm giác bình yên đến lạ lùng…
Nàng không quên lời hứa, vào một ngày cuối tuần tôi nhận được cuộc gọi từ nàng. Vừa bắt máy thì nàng đã hỏi:
- Thế nào, anh đã đọc hết cuốn sách chưa? Nó hay chứ?
- Cũng được lắm. Một cuốn sách miêu tả về thiên nhiên xung quanh bằng giọng điệu trong trẻo và tinh tế. Thật sự là cuốn sách đã khiến anh biết thêm nhiều điều thú vị mà hàng ngày vẫn tồn tại xung quanh mà mình không biết. Cảm ơn em vì cuốn sách!
- Thôi nào, không phải gọi điện để nghe anh cám ơn suông đâu nhé! Mời em một tách cafe được chứ! Em còn khối sách hay đây này.
Nàng chọn địa điểm hẹn gặp là một quán cafe vườn nằm tít hút trong ngõ nhỏ, mà phải khó khăn lắm tôi mới có thể tìm thấy. Nàng chào tôi bằng  nụ cười có phần rạng rỡ rồi đẩy về phía tôi một hộp quà rất đẹp. Nàng bảo:
- Của anh đấy! Cho những ngày tháng dài đi qua đống đổ nát của cuộc đời.
Tôi cười:
- Để có được vẻ bình thản như em vẫn có sao?
- Anh nghĩ em vẫn mang theo chiếc mặt nạ ư?
- Thì ai cũng vậy thôi có gì lạ đâu em.
Nàng im lặng khá lâu, những búp măng xoay xoay tách cafe trên bàn theo điệu nhạc nhẹ nhàng trong quán. Nàng nói nếu nghe bản nhạc của Phú Quang khi ngồi ngắm những chiếc lá mùa thu rụng ngoài cửa sổ chắc là rất buồn. Vì thế mà nàng không mấy khi nghe nhạc buồn vào những khi chênh vênh nhất. Cũng như cô bé bán diêm trong câu chuyện cổ tích của Andersen. Khi đói lạnh trước mưa tuyết và lòng người vô cảm, cô bé nghĩ về một lò sưởi, một bữa tiệc thịnh soạn và vòng tay ấm áp của người bà. Rồi nàng quay sang nhìn tôi bảo:
- Em có dịp vào khu cư xá An Khánh trong Sài Gòn vào những ngày nơi đây đang được giải tỏa chuẩn bị cho dự án hình thành khu đô thị mới Thủ Thiêm. Anh biết em đã bắt gặp cảnh tượng gì không? Giữa đống đổ nát bề bộn ấy, có rất nhiều hình ảnh đẹp mắt, dễ thương được một ông Tây nào đó vẽ lên những bức tường nham nhở. Trong đó em thích nhất bức tranh một cô gái mặc áo dài với rất nhiều bông hoa nhỏ đang nằm ngủ ngon lành. Khuôn mặt lộ rõ vẻ bình yên. Cuộc sống của chúng ta cũng vậy, có rất nhiều biến cố và nghịch cảnh xảy ra, nhưng mọi chuyện rồi sẽ ổn. Và ngay cả trong đống đổ nát, chúng ta cũng có thể ngủ một giấc thật bình yên được. Phải không anh?
Rồi chúng tôi lại chia tay nhau, mỗi người mỗi ngả. Không ai biết rõ những nỗi đau của nhau. Cũng như tôi không nhìn thấy từng ngày nàng vượt qua nỗi đau ấy như thế nào. Nhưng tôi tin rằng nàng đã thực sự được bình yên khi đi qua mùa xuân, đi qua đống đổ nát của cuộc đời. Tôi tập cho mình thói quen mỗi ngày đọc ít nhất một trang sách từ nàng. Tập cách quan sát những điều thú vị xung quanh như tôi đã từng quan sát vẻ mặt bình thản của nàng khi tình cờ gặp nhau trên phố núi. Nhờ thế tôi thấy bình yên đang gõ cửa…
Tôi gặp nàng lần đầu tiên vào mùa xuân và hôm nay khi chúng tôi chia tay nhau ở quán cafe vườn thì mùa xuân đã sắp sửa đi qua. Chỉ có điều mùa xuân này lòng người đã vui hơn mùa xuân trước…

V.T.H.T (Hà Nội)


Read more…

NHÌN ANH ĐI EM - Thơ Trường Thắng


Ngước mắt nhìn anh đi em
Cho thần lực rót vào tim khát bỏng
Khắp châu thân tràn trề sức sống
Cơn sóng tình trào dâng mơn man
Ngước mắt nhìn anh đi em
Giữa sa mạc cuộc đời là cát bụi
Nhìn anh bằng đôi mắt cười đắm đuối
Chân tình trìu mến mông muội ngây thơ
Ngước mắt nhìn anh đi em
Cho vơi nhẹ niềm khát khao trần thế
Một mai kia thời gian rồi có thể
Gặm nhấm vui buồn những lúc xa nhau
Ngước mắt nhìn anh đi em
Rồi có một ngày chúng mình không thể
Đời ngược xuôi lắm chông gai dâu bể
Xin một lần nhìn say đắm nghe em.


T.T (Huế)
Read more…

M Ư A T H U - Thơ Hoàng Hạ Miên



Mưa Thu – như vũ khúc mềm
Bay trên thành quách êm đềm khói sương

Âm thanh nhè nhẹ qua hồn
Len vào kẽ lá mênh mông tình người

Nhịp cầu Ô Thước giữa trời
Ngưu Lang, Chức Nữ gặp rồi chia tay

Tóc thề Tôn nữ vờn bay
Mưa Thu rơi xuống phương này rưng rưng…


H.H.M (Huế)
Read more…

HOA VÔ THƯỜNG - Thơ Hàn Du Tử




Nhẹ nhàng một góc phố hoa
Em đi tôi đứng vỡ òa yêu thương!

Bóng tôi in  đậm con đường
Giọt châu nặng trĩu vô thường ngóng trông?!

Hoa in bóng, ngọn gió đông
Thổi bay dấu tích bão giông hôm nào.

Gặp nhau ngã một tiếng chào
Hững hờ qua phố xạc xào lá bay!
Em đang giữ một bàn tay
Hôm nay còn đó, rồi ngày mai đi!

Hoa vô thường, những giọt mi
Em quay về lại làm chi hỡi người?
“Chẳng phải em đang tươi cười
Bên tình yêu mới trong mười năm qua?”

Gặp lại hoa vẫn chào ta
Vô thường một đóa, phố xa mịt mờ!


H.D.T
Read more…

TỪ CÂU CHUYỆN CỦA CHÂU PHI - Bài của Xuân Tiến

PGS. N’Goné Fall say sưa trình bày 

Vừa qua, hai buổi nói chuyện của PGS. N’Goné Fall (Trưởng Khoa Công nghiệp sáng tạo, Đại học Senghor, Ai Cập) về những giấc mơ liên lục địa châu Phi đã thu hút sự quan tâm đến nghe của gần một trăm khán giả. Không chỉ là nghệ thuật, phải chăng họ bị cuốn hút bởi ý niệm về một châu lục còn khá xa lạ với Việt Nam?

XÓA BỎ NHỮNG MẶC ĐỊNH
Là một kiến trúc sư, nhà phê bình nghệ thuật và một nhà giám tuyển chuyên nghiệp, PGS. N’Goné Fall cho thấy sự tinh tế của mình khi mở đầu buổi nói chuyện bằng một lời đính chính nhẹ nhàng rằng châu Phi đang được hiểu bởi những suy nghĩ khá xa rời với hiện thực mà nó đang tồn tại. Điều này cũng giống như việc hiện nay đôi khi nhiều người dân ở một số nơi trên thế giới vẫn cho rằng Việt Nam là nước đang còn xảy ra chiến tranh. Đó đôi phần là do lỗi của truyền thông nhưng người tiếp nhận cũng không phải hoàn toàn vô can. Nếu chịu khó để tâm tìm hiểu, chúng ta sẽ có thể thu thập được những kiến thức sát với hiện thực, và cảm thấy thú vị về những hiểu biết mang tính chất khám phá độc lập này. Quả thực, một châu Phi hiện ra sinh động với một không gian lịch sử, địa lý và chính trị của nó qua những câu chuyện chia sẻ của PGS. N’Goné Fall. Từ những chia sẻ này, như một phần mục đích của PGS. N’Goné Fall, bà muốn dẫn người nghe đến với một nhận thức mới về châu Phi qua góc nhìn văn hóa nghệ thuật.
Toàn cảnh buổi nói chuyện của PGS. N’Goné Fall 
Đi sâu giới thiệu về nền văn hóa nghệ thuật đương đại của châu Phi, PGS. N’Goné Fall cho thấy giấc mơ về một lục địa hòa hợp. Ngoại trừ Ethiopia, 54 quốc gia ở châu Phi đều chịu sự đô hộ thuộc địa bởi các đế chế thực dân. Chính việc trải qua sự chia cắt địa lý này đã khiến cho giới nghệ sỹ các nước này nghĩ đến việc dùng văn hóa nghệ thuật như một công cụ để xây dựng đất nước cũng như nền tảng gắn bó lục địa. Nhiều trí thức đã và đang vận dụng lý tưởng vì một Liên lục địa Châu Phi hòa hợp trong các sáng tác nghệ thuật của họ. Đó là “một nơi chốn thương thảo giữa các nền văn hóa đa dạng và phức tạp”, PGS. N’Goné Fall cảm động nói.
Một khán giả đặt câu hỏi trao đổi cùng PGS. N’Goné Fall


LIÊN HỆ VIỆT NAM
Trong buổi nói chuyện thứ hai, PGS. N’Goné Fall chia sẻ những vốn liếng cũng như những thách thức của nghệ thuật đương đại châu Phi. Bà cho rằng văn hóa lục địa này luôn phải đối mặt với những quan niệm rập khuôn về “đặc tính châu Phi”. Tréo ngoe ở chỗ, quan niệm này lại là thứ bị định chế từ bên ngoài, nhất là dưới cái nhìn phương Tây. Chỉ dẫn một loạt ví dụ về các công trình của những nghệ sỹ đến từ nhiều quốc gia ở châu Phi, PGS. N’Goné Fall cho rằng các dự án của các nghệ sỹ này mang tính cập nhật, dịch chuyển và đương thời chứ không gò bó trong ranh giới của chủ nghĩa hiện đại.

Tự nhận là thuần thục tiếng Senegal và tiếng Pháp hơn, PGS. N’Goné Fall cho rằng tiếng Anh của bà là ngôn ngữ thứ ba, thế nên bà lo ngại chưa thể diễn đạt hết những ý tưởng mà mình mong muốn chia sẻ. Thế nhưng, sự hiện diện của khán giả trong buổi nói chuyện thứ hai đã làm tan biến sự lo ngại của PGS. N’Goné Fall (bà diễn thuyết trong hai buổi tối cuối tuần). Khán phòng Marie Curie (Đại học Hoa Sen) vẫn gần như kín người nghe trong buổi thứ hai. Ngoài những khán giả đến nghe từ buổi trước, còn có sự tham gia của nhiều gương mặt mới. Nó cho thấy sức lôi cuốn của chương trình khơi nguồn trí thức này (chương trình nằm trong dự án liên ngành mang tên “Nhận thức Thực tại” do Mạng lưới Quỹ Hoàng tử Claus với Sàn Art tài trợ). Vậy đâu là lý do cho sự cuốn hút đó? Phải chăng là từ những nhận thức mới mẻ này, những khán giả đang chăm chú kia đã có những liên hệ của riêng mình dành cho nước Việt? Cùng chờ đón nghệ thuật nước nhà với những tín hiệu vui từ những buổi nói chuyện khơi nguồn trí thức như vậy.
Bài & ảnh: Xuân Tiến





Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (136) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (3) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (22) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (2) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (32) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (51) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (25) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (22) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (6) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (33) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (611) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3139) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (100) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (519) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (16) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (15) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (1) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2468) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (11) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------