Home » Archives for tháng 6 2013
Lão Mịch cầm chai rượu chuệnh choạng vói tay xô cánh cổng trường lảo đảo đi vào gần dãy phòng học đầu tiên cất giọng hét to: “Cô giáo ơi! Cô giáo…
Tui cho nó nghỉ học chắc là cô ưng bụng lắm phải không? Tui cho nó nghỉ học cho cô vui mừng mà! Ha ha…”. Tiếng gào thét của lão giữa buổi học đang im vắng làm náo động cả khu trường- các phòng học sinh đều nhốn nháo thò đầu ra dòm ngó, thè lưỡi cười: “Lão Mịch say!“ - “Lão Mịch cha của thằng Thị kia mà!”.
Anh Thư rời lớp, bước vội xuống mấy bậc cấp, đến đứng trước mặt lão Mịch như một bức tường, giọng dịu dàng: “Mời bác vào văn phòng chờ cháu một lát, cháu cũng đang muốn thưa chuyện với bác về việc em Thị nghỉ học mà!”- “Tui không muốn nói chuyện với ai cả, tui uống đã rồi, tui quậy phá chơi rồi về ngủ…”. Lão Mịch ngước nhìn trừng trừng lên mặt Anh Thư, đôi mắt lão đỏ ngầu ti hí ẩn chứa bao điều u ám mà có lẽ Anh Thư không đủ kinh nghiệm để hiểu hết! Lão cười gằn: “Tui cho nó nghỉ học cho cô ưng bụng mà! Cô đã ưng bụng chưa? “ Dứt lời, lão quày quả quay lưng khập khiểng bước từng bước như dò dẫm trong đêm tiến dần ra phía cổng…
Đứng nhìn theo lão đã rời khỏi cổng trường một đoạn xa mà lòng Anh Thư vẫn chưa nguôi nỗi bàng hoàng, ray rức. Cô đứng yên như bị chôn chân một chỗ. Gương mặt ngầu đỏ của lão Mịch như nở to dần rồi méo lệch trong đầu nàng. Mắt dõi theo bóng lão đã khuất sâu sau lũy tre cuối xóm mà lòng nàng dường như đang bị bao phủ bởi bao chuyện cũ về lão Mịch, về Thi lại trở về khuấy động không yên? Lời lão Mịch đã trịch thượng bỏ phòng họp phụ huynh chỉa thẳng vào mặt nàng hôm kia như đang dội lại bên tai: “ Để rồi cô coi! Rổi ai sẽ năn nỉ ai cho cô biết tay tui?”.
Hôm họp phụ huynh đầu năm, cũng là lần đầu tiên Anh Thư bước vào nghề sau 4 năm ở trường Sư Phạm- nàng đã nhiệt tình chuẩn bị chu đáo cho buổi gặp gỡ mà nàng nghĩ là sẽ rất ấm cúng thân tình, có thể giúp nàng hoàn thành nhiệm vụ năm học. Chỉ tiêu, kế hoạch đều được phòng và nhà trường quy định giao khoán sẵn rồi, không thể chậm trễ, thiếu sót- nó như một “pháp lệnh” mà giáo viên phải tuân theo, không thể làm khác! Mọi đánh giá quyết định về tư cách, khả năng của giáo viên đều nằm gọn trong đó- không hề có ngoại lệ hay châm chướt... Đó cũng là “thước đo thành tích” dành cho mỗi giáo viên trong các việc khen thưởng, tăng lương, hay xét duyệt vào biên chế của trường và phòng giáo dục. Cái “thước đo” ấy thật khắc nghiệt và có phần cưỡng chế, bởi nó chỉ dựa vào “ thành tích”, vào phần trăm- dù từ ngài Bộ trưởng đến quý vị Giám đốc, Trưởng phòng, cả đến “anh Tư” Hiệu trưởng vẫn luôn luôn nói đến chủ trương đổi mới “ba không”- trong đó có việc chống lại “bệnh thành tích”. Bệnh “thành tích” thì chống, nhưng chỉ tiêu giao khoán thì không hề suy giảm, mà có phần gia tăng! Đối tượng vẫn thế, chỉ tiêu vẫn thế, nhưng phải “chống” vào cái gì thì không ai chịu giải thích? Nhiều lúc, đối diện với thực tế trong lớp, nàng nghĩ- đó như một toa thuốc cực hay nhưng chỉ là tấm giấy, không có thuốc để uống- không ai chịu uống thuốc cả? Lớp Anh Thư chủ nhiệm có nhiều trường hợp rất khó khăn đã gây trở ngại cho “bảng chỉ tiêu” nhưng nàng đã bằng mọi cách xoay xở dần được trong tháng qua, trừ 2 trường hợp không thể giải quyết được.
Buổi họp phụ huynh của lớp không đạt được một nửa, có nhiều vị chỉ đến nộp giấy mời cho cô giáo chủ nhiệm theo quy định cưỡng chế, rồi vội vã mất dạng. Anh Thư cảm thấy một nỗi buồn trống trải, cô độc- và chút gì như thất vọng đang dần nẩy nở trong tâm hồn mình! Cảm giác ấy như một tảng sương mù làm nguội lạnh sức nóng của lòng nhiệt huyết, sự cống hiến mà nàng đã mơ ước từ ngày chưa bước chân vào trường sư phạm.
Các yêu cầu Anh Thư nêu ra trước phụ huynh là: 1. Thường xuyên nhắc nhở con em đến trường, học tốt. 2. Giứ quan hệ thường xuyên với cô giáo chủ nhiệm, 3. Góp ý xây dựng nhà trường, tập thể giáo viên, nhất là với cô giáo chủ nhiệm. 4. Đóng góp các khoản tiền theo quy định. Ba mục đầu tất cả đều im lặng, ngơ ngác nhìn nhau, rồi đồng thanh “Xin cho qua”- nhưng mục 4 đã có nhiểu tiếng xầm xì, không khí có vẻ căng thẳng- họ cùng nhìn nhau chờ đợi người chịu đứng dậy đầu tiên để có thể bật lên tiếng nói của mình. Lão Mịch đứng phắt dậy, mặt đỏ ngầu, giọng sang sảng: “Tui xin có ý kiến, tui không có tiền nộp con tui có được học không? Yêu cầu cô giáo trả lời cho tui rõ?”. Bà Thanh giơ tay: “Tui đã đưa tiền cho nó nộp rồi mà nó đi chơi game, đi uống cà phê hết trơn, tui không có tiền nộp nữa thì làm sao?”.Ông Tích ngồi phía cuối phòng- đứng bật dậy như một chiếc lò xo: “Sau một trăm sáu chục ngàn đồng đây- cô giáo cho lũ tôi biết, còn nộp tiền nào nữa không? Chúng tôi là dân làm ruộng nghèo khổ, có được miễn giàm không? “.
Sau hơn mười phút mời mọc phụ huynh cho biết thêm ý kiến- không có ai chịu đứng lên phát biểu- họ chỉ chụm lại nhỏ to về chuyện tiền bạc đủ thứ để cho con đi học, than thở về những tệ nạn ngày càng nhiều của đám học sinh lêu lỏng ngổ ngáo, rồi tặc lưỡi thở dài... Không muốn kéo dài thêm giây phút nặng nề không mấy vui ấy - Anh Thư xin phép trả lời các ý kiến.
Nàng nói:
- Thưa bác Tích! Sau khoản tiền thu đầu năm học đã thông báo lả một trăm sáu chục ngàn đồng đang tiến hành tồng kết, cháu chưa biết rõ là có còn khoản thu thêm nào vào giữa hay cuối năm học không? Việc này cháu sẽ trình lại ban giám hiệu, sẽ thông báo với bác trong thời gian gần nhất. Về việc "miễn giàm” các khoản thu đã được hướng dẫn hằng năm rồi-những gia đình có công, gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, và các hộ nghèo đã được chính quyền địa phương cấp giấy chứng nhận, mới được miễn hay giảm bớt thôi! Mọi trường hợp khác không cứu xét!
Anh Thư bước lại gần chỗ lão Mịch, giọng nhỏ nhẹ: “ Về câu hỏi của bác, cháu xin thưa rằng, con bác vẫn được đi học, nhưng bác cố gắng đóng góp, có thể chậm trễ!”- Anh Thư thoáng nhìn lên gương mặt như có ngàn chiếc gai nhọn chỉa ra về phía nàng của lão Mịch- giọng ôn tồn: “Thưa bác, cháu sẽ cho em Thị mượn tiền nộp cho đúng thời gian nhà trường yêu cầu- bác sẽ gởi trả lại cho cháu sau nhé? “. Lão Mịch âm ừ không đáp.
Quay về phía bà Thanh- Anh Thư tươi cười: “Cháu sẽ tạm ứng tiền nộp giúp cho thiếm, khi nào có dịp- cháu ghé nhà thiếm nhận lại cũng được. Trường hợp học sinh nhận tiền của cha mẹ rồi không giao nộp cho nhà trường là khá phổ biến- nên nhà trường không chịu trách nhiệm về những trường hợp này. Gia đình cần trực tiếp đến giao nộp cho giáo viên chủ nhiệm.”.
Đã ba tuần lễ trôi qua, và ba lần Anh Thư nhắc Thị về xin tiền lão Mịch để hoàn trả lại cho nàng thì Thị bỏ học mấy hôm liền. Vì bận rộn công việc kiểm tra giáo án của Sở, nàng chưa thu xếp kịp để đến nhà động viên Thi đi học thì chiều nay lão Mịch lại đến. Giao nộp tiền không đủ, trễ hạn cũng sẽ bị cắt tiên tiến, làm kiểm điểm. Mà học sinh bỏ học trên một phần trăm theo quy định cho phép cũng sẽ bị nghiêm khắc phê bình, xử lý. Anh Thư cảm thấy mình như đang bị dồn vào giữa mấy bức tường ngộp ngạt, u ám. Chuyện của Trần kể lại với nàng trước đây khi nàng về trường thực tập tưởng như đùa, nhưng lúc này thì nàng mới cảm thấy cười ra nước mắt! Trần thuật lại mấy lần anh “được mời” lên phòng “thảo luận” về phương pháp dạy khi lớp anh hai năm liền có tỷ lệ học sinh thi lại và ở lại lớp khá cao. Vị phó phòng phụ trách chuyên môn ân cần thảy cho anh xấp giấy: “Anh làm ơn viết lại phương pháp dạy của anh thế nào cho chúng tôi được nắm nhé?”. Và Trần cắm cúi viết đầy mấy trang giấy rồi giao nộp, ra về. Ngày nghỉ hôm sau, anh lại được “mời“ lên phòng làm việc tiếp về “phương pháp dạy học chưa hoàn chình” của anh! Thế là Trần ngồi miệt mài viết tiếp. Ba bốn lần liên tiếp trong tháng Trần được “chiếu cố” mời lên phòng, anh mới “ngộ” ra- sự thành thật của anh là quá dại dột! Cả trường, lớp nào cũng đều đạt tỷ lệ học sinh đủ điếm, lên lớp xấp xỉ trăm phần trăm, nhưng chỉ có một lớp của anh là dưới tám mươi phần trăm! Ban giám hiệu nhiều lần góp ý, yêu cầu anh chỉnh sửa lại kết quả tồng kết nhưng Trần đều từ chối. Lời vị phó phòng như đâm thủng vào tai anh sau mấy lượt đọc bài viết về phương pháp dạy học của anh: “Phương pháp dạy của anh không đạt, không hoàn chỉnh, không tốt, nên học sinh của anh ở lại lớp nhiều vậy là đúng rồi! Anh thật sự không có khả năng dạy học dù anh đã vào nghề gần mười năm nay…”. Trần nhìn Anh Thư, cười: “Sau đó, em biết không, lớp anh chủ nhiệm luôn luôn đạt trăm phần trăm cơ đấy!”…
Sau giờ tan trường, Anh Thư quyết định ghé lại thăm Trần. Cả tuần nay nàng không đến thăm anh, cũng cảm thấy nhớ. Trần là giáo viên hướng dẫn thực tập cho nàng trước đây, sau hơn một tháng được gần gũi, trò chuyện- Anh Thư cảm thấy ở Trần nhiều tính cách rát đáng quý. Từ sự quý trọng, cho đến khi sắp rời xa anh trở lại trường, Anh Thư có cảm giác hình như là mình đã yêu Trần rồi? Cái bâng khuâng mong manh, cái buồn nhớ man mác ấy tuy rất mỏng, rất mờ nhạt, nhưng dường như nó không bao giờ mất, không mất mà ngày càng hiện rõ hơn trong tâm hồn trong trắng dạt dào yêu thương của nàng nữa. Tình yêu như cây hoa đến tiết, đến mùa thì nở- Anh Thư thường ngẫm nghĩ so sánh vậy khi nhớ lại buổi chiều cùng ngồi ở Quán Mây- đáp lại lời yêu thương chân thành của Trần bằng nụ hôn đầu tiên trong đời mình.
Đang ngồi trước máy vi tính đặt trong phòng, nhìn qua khung cửa sổ, thấy Anh Thư đang chào hỏi mẹ anh ở sân-Trần vội click “Turn Off” rồi khoát vội tấm áo bước ra khỏi phòng: “Chào em! Chiều nay cô giáo được thư thả nhỉ?
- Em có chút chuyện cần hỏi anh mà?- Anh Thư cười, tiến đến ngồi vào chiếc ghế salon mousse tự nhiên như mọi khi ghé lại với Trần.
- Em đến là để hỏi chuyện chứ không phải thăm anh sao?- Trần cười tự nhiên- nhìn lươt qua khuôn mặt nhợt nhạt của Anh Thư - Chuyện gì mà gấp vậy em?- Trần thong thả rót trà ra tách- Em uống nước đã…
- Ăn uống gì nỗi nữa anh?- Nàng xịu mặt như chiếc bong bóng bị thủng- lại nhìn Trần, gượng cười.
- Chuyện gì thì cũng phải lo ăn uống đã chứ?- Trần nhìn nàng dò xét- “có thực mới vực được đạo” mà?
Anh Thư đã thuật lai mọi chuyện ở lớp, về lão Mịch, nhất là buổi chiều nay lão đã làm khuấy động cả trường vì việc nghỉ học của Thị.Giọng nàng khẩn thiết:
- Như vậy, theo anh nghĩ, em phải đối phó như thế nào?
Trần cười tỉnh bơ: “Dễ mà!”- và liếc nhìn Anh Thư- “Chuyện của em đơn giản thôi!”
- Dễ nghĩa là sao? Anh Thư vẫn đăm đăm nhìn vào mặt Trần như để tìm kiếm một câu trả lời trên gương mặt bình thản của anh.
- Nghĩa là: Một là em cương quyết để cho Thị nghỉ học cho đến khi nào lão Mịch chịu thực hiện đúng quy dịnh của nhà trương đem tiền đến nộp lại cho em…
Trần nâng tách trà trao cho Anh Thư: “Em uống nước đi!”- và anh cũng bưng một tách uống một ngụm. Anh Thư đỡ lấy tách trà nhưng không uống, nàng giục: “Còn thứ hai là gì?“
- Thứ hai à? Trần lại cười- Em đến ngay nhà lão Mịch năn nỉ lão để cho Thi đi học lại và đừng bao giờ nhắc đến chuyện tiền bạc, quy định, vân vân với Thi nữa…
Anh Thư thở dài: “Vậy thì còn gì thể diện của thầy cô nữa, anh?“
- Thể diện nào? Trần rút một điếu thuốc, bật quẹt, châm lửa- Có thể diện nào nữa mà mất?
Để thuyết phục Anh Thư làm theo “phương án” thứ hai- Trần kể: “Mới tuần trước đây thôi, anh hơi nặng lời với cậu học sinh ngổ ngáo ngồi gác chân lên bàn, cậu ấy nhìn anh như muốn nuốt sống, và hôm sau nghỉ học ngay, dù kỳ thi đang bắt đầu! Anh đã phải đến nhà phụ huynh nhắc nhở, “động viên” nó đi học để thi! Gặp nó ở sân, anh khuyên nó nên đi thi, chỉ còn không đầy 2 tháng là hết năm học, chuyển cấp 3 rồi- nó tỉnh bơ nói em không cần thi nữa! Phải gặp nó thêm lần nữa, nó mới chịu đi thi! Lớp anh có đến 3 chàng “ngự lâm pháo thủ” như vậy em à! Còn “lính lác” thì cũng nhiều!”
- Buồn vậy sao, anh?- Anh Thư hớp một ngụm nước, thở dài.
- Em tưởng học sinh chúng không biết gì sao?- Trần hơi nhíu mày- trầm ngâm giây lâu- Chúng biết rất rõ luật định là thầy cô không được rầy la hay đánh nó, càng không được quyền đuổi học nó- đã có đứa làm đơn gởi xuống Sở rồi chỉ vì cô giáo chủ nhiệm “hăm he” đuổi học và nặng lời trách mắng khi nó quậy phá không cho lớp học trong các giờ của giáo viên khác! May mà cô ta không đánh nó roi nào?.
- Có thật vậy sao anh? Anh Thư ngạc nhiên như từ trên trời vừa rơi xuống.- Mới học lớp 8, lớp 9 mà đã kiện thưa thầy cô rồi sao?
- Còn nữa- Trần cười, chuyện dài mà em- vài năm nữa em cũng sẽ nếm đủ đấy!
Im lặng giây lâu- Trần lại đốt thêm một điếu thuốc, thở khói nhẹ nhàng, nhìn Anh Thư qua làn khói mỏng, anh cảm thấy nàng thật thơ ngây, hiền thục- một mẫu người mà Trần đã từng mơ ước bấy lâu nay đang ngồi trước mặt anh, và cũng đang đi dần vào đời sống anh từng ngày thương nhớ. Trần kể lại chuyện một thư năc danh vu cáo Trương đủ thứ chuyện trên đời- nào là bất chính, đánh mắng hoc sinh, bỏ lớp- dạy không nhiệt tình vân vân – gởi lên Ủy Ban Nhân Dân tình và Sở Giáo dục chỉ vì lòng tị hiềm đố kỵ của một tay “nhà thơ” lơ tơ mơ ba trợn đã bị Trương gạt bỏ không chon đăng bài trong một tạp chí mà anh nhận biên tập giúp! Vậy mà Trương cũng đã phải “vất vả” nhiều phen dự họp, tự khai, mới được yên!
- Thầy Trương hiền vậy mà, anh? Anh Thư dựa lưng ra thành ghế, có vẻ thoải mái, gương mặt đã tươi tỉnh trở lại.
- Trương ra trường trước anh, là một tổng phụ trách gương mẫu, giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, và luôn năng nổ trong các công tác ở trường- Trần cười lớn, nhờ vậy cái thư nặc danh kia mới được các cấp xếp lại nếu không thì không biết sẽ lận đận đến bao giờ?
Anh Thư vui vẻ kể lại chuyện nàng cùng chị Minh đi thăm gia đình phụ huynh học sinh theo chỉ tiêu đã quy định vào chiều thứ bảy tuần trước: Hai người vào đến sân, ông phụ huynh mặc quàn xà lỏn đang đứng trên đống rơm cao nhìn thấy nhưng vẫn thản nhiên chất tiếp những vạt rơm, nói vói xuống: “Hai cô đứng đợi tôi làm xong sẽ xuống nói chuyện nhé?“. Chị Minh ngước lên nhìn, không biết thấy gì- bẻn lẻn kéo tay em “thôi về mày?-đứng ở đây lâu kỳ quá?“.
- Em có thấy gì không?-Trần cười vui-chuyện đi thăm gia đình phụ huynh cũng nhiêu khê lắm, em à!
- Mà anh đã đi thăm “đủ chỉ tiêu” chưa?
- Anh là người địa phương ở đây nhưng họ cũng ít nể nang chịu ngồi lại nói chuyện khi đến thăm, có người gặp anh ở sân đã vội nói: “Thầy đưa giấy tôi ký cho!” rồi vội biến đi với công việc. Họ làm y như mình đi “xin chữ ký” của họ về làm bảo vật không bằng? – Trần thở ra, sự nghèo khổ túng quẩn đôi khi đã làm thay đổi họ như vậy em ạ!
Mẹ của Trần đem hai trái dừa Xiêm đã được bà gọt sạch vỏ, vạt sẵn một vùng ở chỏm- bước vào ngồi bên cạnh Anh Thư: “Con uống nước dừa đi! Bác mới hái xuống đấy, ngọt lắm!”
Anh Thư đỡ trái dừa từ tay mẹ Trần, nhìn Trần, chúm chím cười…
Tháng 3-2010
| |
M.V.L (Bình Định) |
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)