Home » Archives for tháng 4 2021
GỬI PHƯƠNG NAM
Gửi em cô gái miền Tây
Giọng Nam ngọt lịm trái cây miệt vườn
Anh chưa từng gặp đã thương
Đêm mong ngày nhớ vấn vương bóng hình!
Mê câu vọng cổ ru tình
Khúc Nam ai đẫm lệ mình với ta
Đôi bờ sông Hậu ngút xa
Bên bồi bên lở không qua sao đành?
Câu hò dào sóng Mỹ Thanh
Chùa Dơi chứng chiếu lòng thành miền Trung
Sóc Trăng em múa lâm-thôn
Bài chòi Bình Định anh đờn rưng rưng...
Gửi em nắng biển mưa rừng
Đôi ta khác họ… người dưng ngại gì?
Quy Nhơn 3.8.2009
ĐIỆU TÌNH SAPA
SaPa nổi tiếng Chợ Tình
Tôi hằng khao khát đem mình trao duyên
Ngàn hoa khoe sắc cao nguyên
Khoe màu thổ cẩm diệu huyền lung linh
Lên SaPa dạo Chợ Tình
Tôi không còn nhớ nổi mình là ai
Cuối chiều còn tiếc sớm mai
Da em Thái trắng mắt nai em Mường
Ngực hồng em Dao biên cương
Một rừng em cả trời hương nồng nàn!
Cùng em nhảy sạp múa xoan
Điệu khèn, tiếng Pí xoay tròn vòng yêu
Với tiên nữ mấy cũng liều
Không mưa gió cũng liêu xiêu dáng hình
Gặp em một thuở Chợ Tình
Đường về cứ mãi gập ghình lòng anh...
SaPa 6- 2012
ĐÊM TUẦN CHÂU
Có một đêm như thế ở Tuần Châu
Hai ta cùng đi xem nhạc nước
Gió Hạ Long thổi xuôi rồi lại ngược
Như tình ta xuôi ngược đời nhau
Có một đêm như thế ở Tuần Châu
Hai ta lặng ngồi nghe tiếng sóng
Những nhà tầng âm vang biển động
Mình yêu nhau mãi đến ngàn sau
Có một đêm như thế ở Tuần Châu
Ánh trăng khuya sáng hơn điện phố
Những cột đèn chạy dài theo đại lộ
Tay với trời... chân chạm đất yêu thương
Đêm Tuần Châu nào cũng vấn vương
Ngày Hạ Long nào cũng đầy nhung nhớ
Đã hẹn rồi xin đừng bao giờ lỡ
Đất - Trời thường sai hẹn biết không em?
Tuần Châu - Hạ Long
20.7.2014
KÝ ỨC TAM KỲ
Trường Giang - con sông chảy ngang
Hoa sưa vàng bóng mênh mang Tam Kỳ
Sóng xô đò dạt trôi đi
Trăng khuya nín thở thầm thì với ai?
Ngả đầu em tựa vào vai
Hương thơ thơm suốt dêm dài tha hương!
Tôi qua Quảng Nam kiên cường
Bỗng nghe trìu dịu lời thương quê mình
Tri âm với đất nặng tình
Sáng màu Tổ quốc lung linh tâm hồn!
Trường Giang không sóng dập dồn
Mà sao vẫn cứ bồn chồn lâng lâng?
Tam Kỳ ơi! Đến một lần
Yêu người yêu đất bâng khuâng suốt đời…
Tam Kỳ đêm 26.6.2014
THĂM SUI
Ở DAKGLEI
Một lần phố núi thăm sui
Mưa bay trong gió, nắng gùi trong mây
Đường quanh phố núi DakGlei
Qua cầu DakPet lay lay hoa vàng
Từ xuôi lên thăm đại ngàn
Thương con nhớ cháu gian nan sá gì!
Tăng ga… ngựa sắt vụt phi
Rừng thông vùn vụt… gió vi vu rừng
Vượt bao đèo dốc… ngựa dừng
Gặp con gặp cháu mừng mừng vui vui
Một lần phố núi thăm sui
Rượu tình sẻ ngọt chia bùi… mềm môi…
Nhờ con lấy vợ xa xôi
Nên ba có dịp rong chơi khắp miền
Tiếng gà gáy vọng Tam biên(*)
Mênh mông trời đất Tây Nguyên trùng trùng…
Đ.Q.K
(*)Vùng giáp biên 3 nước Việt, Lào, Campuchia.
Khi nhắc tới xã Hiệp Xương, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang, người ta thường nhắc đến câu ca dao “Hiệp Xương là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na”. Câu ấy khi tra cứu trong các tư liệu hầu như không tìm gặp. Có lẽ đó là một biến thể từ câu “Xứ đâu là xứ quê mùa/ Đi thăm cháu ngoại cho vùa cà na” mà anh chị “tài tử” Nam Bộ nào đó đã gắn địa danh cụ thể của quê hương mình vào. Tuy nhiên, chúng tôi được biết còn một dị bản khác chắc hẳn có “tuổi đời” cao hơn, đó là “Cái Đầm là xứ quê mùa/ Đi thăm ông già vợ cho vùa cà na”. Cái Đầm ở đâu? Hóa ra đó cũng là một con rạch chảy qua Hiệp Xương. Những câu ca dao đó ít nhiều cho thấy trong nhận định của cư dân xưa, vùng đất nầy thật sự là xứ… quê mùa!
Nếu so với các thôn làng cố cựu ở An Giang thì Hiệp Xương không phải là vùng đất được khai phá sớm. Dưới triều vua Gia Long, qua tác phẩm Gia Định thành thông chí của Trịnh Hoài Đức, chúng ta được biết chưa có thôn Hiệp Xương. Bước sang triều Minh Mạng, thôn nầy cũng chưa xuất hiện trong Địa bạ tỉnh An Giang. Tuy nhiên, nó cũng không ra đời quá muộn về sau, bởi khi Pháp chiếm Nam Kỳ vào năm 1867, thôn Hiệp Xương đã có mặt trong danh sách các thôn mà Pháp tiếp nhận quản lý. Như vậy đoán chừng thôn nầy có thể được ra đời trong những thập niên 1840 - 1860.
Hiệp Xương có vị trí địa lý khá cách trở, không gần quốc lộ hay tỉnh lộ cũng không gần sông lớn, giao thông đường bộ hay đường thủy đều khó khăn. Sáu xã bao quanh khiến Hiệp Xương như lọt thỏm giữa bè bạn. Suốt mấy mươi năm liền, địa phương nầy luôn được xem là một trong những xã nghèo khó nhứt của huyện Phú Tân. Vậy mà khó có thể ngờ rằng, hiện nay bộ mặt của xã vùng sâu nầy thay đổi hẳn, mọi điều mới mẻ như vừa đang khởi đầu.
Điều đặc biệt nhất ở Hiệp Xương hôm nay có lẽ là cầu. Vốn là vùng đất có nhiều kinh rạch chi chít, người dân phải qua lại các con kinh bằng những chiếc cầu ván ộp ẹp. Đến mùa thu hoạch, nông dân chuyên chở hàng hóa càng khó khăn hơn do không thể đi qua những chiếc cầu xiêu vẹo đó mà phải sử dụng ghe xuồng, nên cần canh con nước lớn ròng để chọn thời điểm vận chuyển phù hợp. Vậy mà trong vài năm gần đây, xã đã xây dựng được hàng loạt những chiếc cầu bê tông trọng tải 8 tấn. Đối với những kinh rạch nhỏ vắt ngang những đoạn đường nội bộ, chưa có điều kiện xây cầu bê tông, thì những chiếc cầu ván lắc lư cũng được thay thế bằng cầu dây văng bền chắc còn thơm mùi gỗ mới.
Tính đến năm 2018, xã Hiệp Xương cơ bản hoàn chỉnh hệ thống cầu nông thôn trên địa bàn với 15 cây cầu kiên cố được xây dựng, trong đó có 7 cầu bê tông và 8 cầu dây văng. Nhìn những chiếc cầu còn mới toanh, chúng tôi nói vui với nhau rằng ở xã nầy… cầu đẹp hơn cả đường! Để hệ thống giao thông nông thôn được hoàn thiện, những ngày nầy người dân Hiệp Xương cũng đang ráo riết nâng cấp nhiều đoạn đường trên địa bàn xã. Những con đường đất gồ ghề và phải chịu cảnh sìn lầy vào mùa mưa đang được thay thế bằng đường nhựa hoặc đường bê tông bằng phẳng và sạch đẹp.
Ngay cả cà na - loại trái cây gắn liền với câu ca dao về xứ nầy cũng đang góp mặt trong hành trình cùng địa phương “vươn ra biển lớn”. Hằng năm cứ vào mùa nước nổi, những hàng cà na lại cho ra trái xanh um cả một vùng quê. Đây vốn là loại trái có vị chua chua, ngọt ngọt, chát chát. Khi ăn cà na, người ta có thể ăn sống và chấm với muối, hoặc ngào đường rồi cũng chấm muối khi ăn. Ăn một trái cà na là có thể cảm nhận đủ đầy nhiều hương vị, quả là một đặc sản mang đậm tính… tổng hòa!
Không cam chịu số phận “quê mùa” của xứ cà na, thanh niên Hiệp Xương bắt đầu thử nghiệm những giải pháp phát triển kinh tế từ loài cây gắn liền với tuổi thơ. Họ trồng tại nhà, thu hoạch và chế biến rồi bán ra thị trường, tạo thành thương hiệu riêng. Câu chuyện thanh niên Hiệp Xương khởi nghiệp bằng chính sản vật quê mình được huyện chọn làm mô hình khởi nghiệp sáng tạo, là điều rất đáng nghĩ suy.
Nhìn những đổi thay ở Hiệp Xương hôm nay mới biết sức mạnh của người nông dân kỳ diệu đến nhường nào!
Di chuyển chậm rãi trên những con đường quê yên ả của Hiệp Xương, chúng tôi cảm nhận nhưng đang được hít thở mùi vị dân dã của miệt vườn. Hình ảnh những cánh đồng xanh rì màu lúa non, lả lướt trong gió như những ngọn sóng, chạy dài tới chân trời rồi chạm phải nền xanh dìu dặt của mây như tấm phông nền vĩ đại, đâu đó được điểm xuyến thêm với những gốc cổ thụ lẻ loi trên bờ đê soi mình xuống dòng mương bình lặng chảy, vài cành lá lòa xòa nghiêng xuống chiếc xuồng ba lá đang đậu ven đê… tất cả tạo thành bức tranh quê vừa gần gũi, yên bình mà cũng vừa sinh động, lôi cuốn.
Nằm ở trung tâm xã, ngôi đình thần Hiệp Xương được xây dựng vào năm 1919, đến nay đã gần tròn một thế kỷ làm chứng nhân cho bao đổi thay của quê nhà. Mặt tiền ngôi đình chạm hình long mã màu vàng trên nền xanh mây trời - biểu tượng của sự thái bình. Ngay từ thời xa xưa, người nông dân đã gửi gắm bao ước vọng về cuộc sống sung túc của quê hương và suốt hàng bao năm qua đã cùng nhau chinh phục hoài bão của mình. Niềm tin như nguồn động lực lớn, cổ vũ cho bao lớp người vượt khó vươn lên.
Hành trình để Hiệp Xương khoác lên màu áo mới như một giấc mơ trong mắt nhiều người. Hành trình ấy - giấc mơ ấy, một nửa đã thành hiện thực, nửa còn lại vẫn đang từng ngày được hiện thực hóa bằng bàn tay và tấm lòng của những người con quê nhà. Không chỉ có Hiệp Xương mà khắp An Giang, bản lĩnh của những người nông dân đã làm nên biết bao đổi thay trên những miền quê heo hút. Phải chăng đó chính là niềm cảm hứng sâu sắc cho nhạc sĩ Hoàng Hiệp viết lên những câu hát da diết:
“Cơn lũ đi qua, cây si già bật gốc
Cây lúa đồng ta, mùa sau còn sai bông hơn trước
Cảm ơn người sáng tối gian lao
Thương sao hạt thóc quê mình
Nửa nuôi ta lớn nửa dành nước non”
V.T
Nhà thơ Hoàng Chẩm (Quảng Trị)
THÌ THẦM HƯƠNG CỎ
Hương cỏ gọi mùa xanh lá
Cho đi nỗi nhớ hanh hao
Bàng hoàng lời yêu sỏi đá
Tình thơ em chút lao xao
Hương cỏ gọi mùa thu tới
Vàng hoa từ độ bên nhau
Ban sơ từng đêm rất mới
Ta về ngủ với ngàn lau
Hương cỏ thầm thì với gió
Một ngày yêu tới trăm năm
Lạ thường mùa yêu bày tỏ
Em ơi trăng đã độ rằm
Hương cỏ bay qua miền nhớ
Ngang đời thiếu phụ ăn năn
Rong rêu phiến buồn vô cớ
Em về xếp lại chiếu chăn.
MỘT EM LỜI NHỦ LÒNG
Về thôi em ngày yêu gõ cửa
Neo đậu đôi bờ thuở hương mơ
Chưa rối tóc gương soi bỏ bữa
Ngón tay mềm đếm lại bơ vơ
Tia nắng ban mai lòng bỡ ngỡ
Rọi chiếu một đời róng riết nhau
Em như khao khát ngày thương nhớ
Bỏng rát ngàn xa mấy niềm đau
Như hương cỏ mềm cong ngậm nắng
Chiều nâng nghiêng phiến lá úa phai
Có phải mùa đi vương tóc trắng
Giọt đông tàn chưa lạnh bờ vai
Về thôi em khép đời sỏi đá
Mưa nắng bên đời dấu tang thương
Bể dâu trăm ngả đường quen lạ
Rộng bước đăng trình chốn khói sương.
HONG ĐỜI DẤU YÊU
Hồn thắp lửa em hong tình đón hạ
Lả lơi đêm trăng rụng xuống đáy sông
Như chao chát gối chăn đời bỗng lạ
Mộng đầu giường em trải hết mênh mông
Lời ru nhau đợi mùa yêu cất giọng
Hong cả chiều hoa nở muộn đường quê
Em cúi mặt lắng nghe hương tình đọng
Bung cả lòng trổi khúc hát hoan mê
Áo chưa cài nhụy tình hong men lạ
Ta ôm hoài cơn sóng cuộn biển mơ
Dẫu biết ngàn khơi không lời từ tạ
Tương tư ngọn ngành đau buốt câu thơ.
THÁNG BA EM VÀ TÔI
Tháng ba chưa hao khuyết vầng trăng
Vịn cái khuôn rằm ta loang dài nỗi nhớ
Mềm thước ngọc mênh mông như sông nước
Mùa chưa cũ vẫn tương tư lòng muôn tơ giăng.
Tháng ba mềm môi chưa vụng về tóc gió
Ngẩn ngơ buồn em buông rớt khung thơ
Lắng nghe trong nhau từng lời đau tê buốt
Lòng dạ cong lên em cau mặt đợi chờ.
Hỏi lại nhau một chút tháng ba như cào cấu
Ngọn gió xuân thì thổi ngược một chiều xưa
Em quay bước phiến lá buồn phai úa
Bỏ mặc con đường hiu hắt... ta với một gửi thưa.
Thưa với đất trời thưa với khói sương
Cơn mê chưa kịp tắt lạ thường ta níu mộng
Tháng ba đan chéo nhau vào hương khăn hương áo
Mênh mang hơi người như dần chín mong thương.
H.C
Tác phẩm Dấu ấn thượng châu thổ của Vĩnh Thông vừa được Nhà xuất bản Tổng hợp TP.HCM phát hành tháng 3/2021. Sách dày 232 trang khổ 13 x 20,5 cm. Nội dung quyển sách các bài nghiên cứu văn hóa tiểu vùng thượng châu thổ Cửu Long được tác giả thực hiện trong những năm qua.
Thượng châu thổ Cửu Long là cách gọi của địa lý học dành cho tiểu vùng tương đối cao và nằm ở phía trên trong thủy trình sông Cửu Long ở Nam Bộ - Việt Nam. Nó cùng với ba bộ phận còn lại là Hạ châu thổ Cửu Long, Đồng Tháp Mười, Bán đảo Cà Mau và ven vịnh Thái Lan, hợp thành đồng bằng sông Cửu Long hay Tây Nam Bộ.
Đây là tiểu vùng phong phú cả về điều kiện tự nhiên lẫn diễn mạo văn hóa. Nơi đó có cả núi rừng, sông rạch, đồng trũng, biên giới… Trên những không gian ấy là sự có mặt của người Việt (Kinh), Khmer, Chăm, Hoa. Nếu sự đa dạng của tự nhiên đã giúp cư dân hình thành những cách thích ứng mới với môi trường, thì sự đa dạng về văn hóa đã tác động làm biến đổi hệ thống các giá trị trong đời sống xã hội của họ.
Ngay từ những bước chân đầu tiên, bao lớp di dân đã gặp muôn vàn khó khăn để chinh phục nơi được ví von là: “Sáu tháng đạp đất đồng khô/ Nửa năm đi trên mặt nước”. Không chỉ phải đương đầu với thiên nhiên khắc nghiệt, họ còn phải đối mặt với những biến cố lớn của xã hội, nhất là giặc ngoại xâm.
Để đứng vững trên mảnh đất nầy đã khó, tiến trình kiến tạo văn hóa cũng không hề đơn giản. Sự tiếp xúc của những làn sóng văn hóa buộc người di dân dù thuộc bất kỳ truyền thống nào cũng phải có biện pháp ứng xử thích hợp. Sau ba trăm năm, thượng châu thổ nói riêng và đồng bằng sông Cửu Long nói chung đã có cho mình một diện mạo văn hóa đặc thù và đặc sắc.
Với niềm say mê khám phá bầu trời tri thức văn hóa, tác giả đã đặt câu hỏi và đi tìm câu trả lời cho nhiều vấn đề liên quan đến miền đất “huyền bí” nầy qua một số nghiên cứu đã công bố trên các tạp chí khoa học hoặc kỷ yếu hội thảo. Để đến hôm nay, Dấu ấn thượng châu thổ ra đời là quyển sách tập hợp những nghiên cứu đó, đóng góp phần nào vào chặng đường tiếp cận diện mạo văn hóa tiểu vùng thượng châu thổ Cửu Long.
Sách có giá bìa là 90.000 đồng. Quý độc giả có nhu cầu mua sách xin vui lòng liên hệ tác giả qua email: vinhthongts@gmail.com. Hy vọng Dấu ấn thượng châu thổ sẽ được bạn đọc gần xa nhiệt tình đón nhận!
Nhà thơ Dung Thị Vân (TP. HCM)
TÌNH GỞI GIẤC CHIÊM BAO
Chiều nay
Tuổi mười lăm em chợt thức
Anh đâu rồi
Em ngơ ngẩn giấc chiêm bao
Ôi nỗi nhớ trên cao
Nhớ ngày anh mười sáu
Bóng đổ dài
Nhìn mà chẳng nói nên câu
Anh về đâu
Bóng mình trôi hai ngả
Em quay quắt bên trời
Tìm lại bóng người xưa
Ơi những cơn mưa đầu mùa
Nhớ về tình một thuở
Ta lầm lạc một thời
Tình nhỏ áo dài bay...
Anh những lá thư say
Tuổi học trò ngơ ngác
Để bây giờ
Tình gởi giấc chiêm bao.
LỐI MỘNG HOANG NGÔN
Tình nhân ơi ta gặp nhau
mà chẳng đỏ câu hẹn ước
Đá còn mòn hao
Nên gặp gỡ đã khoanh tròn
2-
Em biết anh dạ chiều nương khóc
Dù một lần triền dốc ngược non cao
Dù một lần bên hàng cây trầm tích
Trong hoang vu khoảnh khắc kiêu mờ
3-
Đây lối mộng hoang ngôn
Kìa đường loang dài nắng
Ta cứ gọi tháng năm
Xóa hết buổi ban đầu
4-
Ai cũng có một trùng miên
-nhốt vào ngăn tim viễn mộng
Thành giải lụa ngang trời
Bay mãi trắng thinh không
5-
Tình nhân ơi
Đừng khoác áo màu trăn trở
Chiều tím hút trên đồi
Ta đã lạc áo tình nhân.
THÊU ÁO TÌNH NHÂN
1-
Cuối tháng ba
Trời Đông-lộng Tây-bụi Nam- gió Bắc
Người hẹn nhau
Khi trời đất nhả màu
2-
Người đi
- lệ trắng mùa hoa đỏ
Kẻ ở nơi này
- ngậm cánh phượng rưng rưng
3-
Lá vàng xao xác bờ cỏ úa
Nhớ mắt người đi luyến ngập ngừng
Ngàn thương nhỏ mãi trong tim rỏ
Trăm năm ví tựa giấc chiêm bao
4-
Cuối tháng ba
Người có về xâu nỗi nhớ
Vẽ lại khoảng trời đã hóa đá xanh miên
Thêu áo tình nhân ta chưa bao giờ khoác.
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)