THÈM VỀ NGÀY ẤY- Tuỳ bút Vĩnh Thông

                                                     Vĩnh Thông 

 Vĩnh Thông
Sinh năm 1996
Quê quán: Cù lao Năng Gù (An Giang)
Sáng tác từ năm 14 tuổi. Có nhiều tác phẩm văn, thơ đăng trên các báo, tạp chí Trung ương và địa phương. Góp mặt trong 10 tuyển tập văn thơ nhiều tác giả.
Tác phẩm đã xuất bản: Và quá khứ thấy ta (tập thơ, NXB Văn học 2012)



Ta và bạn ngẫu hứng hẹn cà phê cùng nhau trong một ngày trưa ngập nắng - cái nắng miền Nam hắt vào thịt da rát bỏng. Vào thời điểm gần cuối năm học, lại là những năm cuối cấp, hầu như ai cũng không có nhiều thời gian rãnh rỗi để ngồi bên nhau như thế nầy. Ta và bạn cũng vậy, mỗi ngày đều phải tất bật bên đống sách vở chuẩn bị cho những kỳ thi quan trọng, mệt lả người. Hôm nay có được thời gian cà phê tán dóc thế nầy cũng đã là may mắn rồi.

Ta và bạn trầm ngâm bên ly cà phê nâu, nhìn nhau mà chẳng nói được câu nào, nhìn nhau thôi cũng đủ hiểu nhau rồi. Dường tư cả hai muốn thời gian chùng lại, muốn được cảm giác nhẹ nhỏm mãi như lúc nầy, muốn rằng… Ta nói với bạn rằng dạo nầy sao con người ta trở nên lười biếng hơn trước nhiều quá, cảm thấy mệt mỏi và chán nản quá chừng! Bạn gật đầu, nói rằng bạn cũng chẳng khác gì ta, thi cử tới nơi rồi mà tự dưng cũng có cảm giác chán lắm, mệt mỏi lắm. Bạn thở dài, nghiêng cặp mắt tròn giấu sau lớp kính cận nhìn ra phía xa xăm, rồi chợt nói bây giờ tự dưng thèm được trở về những ngày xưa. Ta ngỡ ngàng, hỏi ngày xưa là ngày nào. Bạn không nhìn ta, bảo rằng đó là thời thơ ấu, là khi tụi mình còn nhỏ, còn nhỏ, là khi…

Ôi! Khi nào bạn nhỉ? Sao ta thấy mênh mông quá chừng. Ta ngỡ ngàng không phải vì ước muốn của bạn lạ lẫm, mà vì sao câu đó hay quá, có lẽ ta cũng từng hơn một lần nghĩ đến, nhưng chưa từng có thể nói mạnh dạn như bạn. Sách vở, bài học, chữ nghĩa, dự định… bỗng dưng rủ nhau bay mất. Trong đầu ta dường như trống rỗng. Còn lại chăng là chút nắng vàng nhè nhẹ hắt vào khung cửa sớm mai, khi ta trèo lên xe đạp tung tăng đến trường. Còn đây là những gốc cây, mảng tường, sân gạch mà ta hay chơi trò trốn tìm bịt mắt. Còn những cánh phượng giả làm bướm, những lá thuộc bài ta ép vào trang vở (cái trang vở còn lốm đốm những dấu chéo màu xanh đỏ khi chơi cờ ca rô cùng lũ bạn mà lúc nào ta cũng là người thua cuộc). Và, từ trong một góc nào đó - rất sâu - của ký ức, chợt một ý nghĩ lóe ra và bừng sáng trước mắt ta, rằng ta cũng thèm, thèm lắm được về với tuổi thơ.
Dường như, con người ta sinh ra trên đời nầy hầu hết ai cũng mắc phải chứng “sợ già” (có lẽ ngoại trừ các vị thiền sư). Sợ - không chỉ đơn giản là sợ mất đi vẻ đẹp trong giai đoạn sung mãn nhất của đời người, mà còn sợ nhiều thứ khác. Ta sợ rằng khi thời gian càng trôi qua, ký ức về tuổi thơ ta sẽ không còn giữ được nữa, sợ rằng những ngày tháng bên nhau rồi cũng là gió là mây trôi tít mù, sợ ngày mai ta sẽ lạc nhau giữa thành phố ồn ào, sợ ta quên mất một cái tên nào đó mà ta từng gọi… Và, sợ…
Một ngày nào đó ta cũng chợt hỏi mình liệu đã có bị… “lây lan” chứng bệnh nầy chưa? Và, đâu đó, mang máng trong đầu, hình như ta cũng đã có nỗi sợ nầy rồi, dẫu mình vẫn còn đang rất trẻ. Nói đúng hơn là ta sợ rằng ngày mai, cũng ngay lại chỗ nầy, ta không còn được là ta của hôm nay nữa.
“Chỗ nầy” là khoảng sân gạch rất rộng, nằm giữa ba dãy phòng xếp thành hình chữ U ngay ngắn. Đã có lúc nào đó ta từng nấp sau lùm cây và nhìn trộm cô gái đang tung tăng rời trường. Cũng có khi ta ngồi tỉ tê cùng lũ bạn những chuyện trên trời dưới đất, để rồi cùng nhau phá lên cười giòn tan, vỡ cả nắng trưa hè. Ta cũng đã từng ngồi giữa khoảng sân nầy để đợi một ai đó, biết chắc rằng họ sẽ không đến, nhưng ta vẫn chờ và lặng lẽ mang về nỗi buồn mênh mang.
“Chỗ nầy” là gian phòng nhỏ gọn, vừa vặn chứa đủ 30 cái đầu tinh nghịch, quỷ quái. Đã có lúc nào ta giấu chiếc dép mà thằng bạn bàn trên vừa bỏ khỏi chân, để rồi hắn la oái oái lên làm rộn vang cả lớp. Có khi nào ta tặng một món quà nho nhỏ cho cô bạn học mà chỉ lén để dưới ngăn bàn chứ không dám đưa tận tay. Và, ta cũng có bật khóc trong phòng nầy trong buổi học cuối cùng với câu nói: “Ngày mai thầy về hưu”.
“Chỗ nầy” là cái bục dài vài mét, đủ để thầy đứng giảng bài và trò lên làm bài tập. Rất khiêm nhường như nó lại là nơi thiêng liêng nhất trong đời người học sinh. Có lúc nào đó ta bỗng thấy dáng vẻ thầy cô bỗng cao lớn phương phi, còn ta thì nhỏ nhoi, bé bỏng và khờ khệch. Ta đã từng sướng rân lên khi tại cái bục cao cao ấy, thầy cô đã hướng dẫn gọn hơ cái bài tập mà ta còn đang lúng túng. Vậy mà cũng có đôi lúc, tại nơi ấy, ta thấy thầy cô rơi lệ.
“Chỗ nầy” là con đường ốm teo, dài ngoằn, dẫn từ quốc lộ vào trường. Nơi đó có những chiều tan học ta cùng lũ bạn dầm mưa đùa nghịch. Cũng có những chiều buồn hẹn nhau cà phê, chia sẻ những câu chuyện vặt. Những đêm học tối, ta lang thang tìm quán vỉa hè tán dóc cùng lũ bạn. Rồi sáng sớm mai ta lại mỉm cười cùng nhau đi trên con đường đó vào trường. Con đường ta qua suốt bao năm, quá quen thuộc, thậm chí biết cả từng nhánh cây bên đường. Vậy mà xa rồi vẫn nhớ!
Và ta còn nhiều “chỗ nầy” khác nữa. Nhưng, ngày mai, khi ta trở lại những “chỗ nầy” ấy, ta có còn được trở về với thời áo trắng ngày xưa không?
Bởi vậy bạn ta (và cả chính ta nữa chứ) đều sợ già, đều muốn trở về tuổi thơ. Vì khi con người qua đi khoảng thời gian đẹp nhất nầy, ta không bao giờ tìm lại được. Cũng sân trường cũ nhưng chỉ có thể ngắm nhìn, không còn được nghịch phá như thuở ấy. Cũng bàn ghế cũ nhưng chỉ có thể ngồi, không còn được nghe tiếng thầy cũ, bạn xưa. Cũng con đường cũ, nhưng chỉ có thể lang thang ăn uống, không còn cái cảm giác la cà, chia sẻ ấm cúng nữa.
Một ngày trở về trường cũ, thời áo trắng đã xa, tuổi thơ đã xa, ngày tháng bên bạn bè đã xa, và chính ta - ta cũng đã xa ta của ngày xưa. Thèm mùi ấu thơ và muốn trở về với tuổi thơ là điều mà nhiều người muốn, nhưng có ai làm được? Mai nầy, khi ta chông chênh sẽ không còn thầy cô, bạn bè để nương tựa, chỉ còn chăng những ký ức nhạt nhờ là niềm an ủi cuối cùng cho ta. Ta và bạn, hơn ai hết, là những người chỉ còn lại khoảng thời gian ngắn ngủi trên ghế nhà trường, nên càng thèm được dừng thời gian lại, được quay lại lúc mới bắt đầu. Để ta còn là đứa học trò hồn nhiên bên bạn bè!
Yêu thương xưa ơi, bao giờ quay trở lại? Bao… giờ…
Vĩnh Thông (An Giang)





Read more…

CA DAO CỎ - Thơ Nguyễn Ngọc Thơ



Cỏ hồng
       tựa gót hoang vu
 nghe sương rớt hạt phù du
chạnh buồn
         
Mắt nhung
          đọng ướt mi đàn
         ru em vào mộng cho vàng…
                                  lãng du!
     
 Nửa khuya
         động gió vi vu
  cỏ rơi về chốn hiên thu
nẩy mầm
                      
Ngàn năm
      đất hát thì thầm
          mưa xuân rụng xuống xanh thềm…
                                  ca dao!

Nguyễn Ngọc Thơ (TP. HCM)


Read more…

NHẸ NHÀNG TRONG CÕI VÔ THƯỜNG - Bài của Nguyên Tâm


Cùng với thời gian, cùng với những hỉ, nộ, ái, ố, tham, sân, si đời người đã trải qua - những điều đó lắng lại. Tận thẳm sâu trong tâm hồn, những ngọt ngào, đắng cay ấy luôn cất lên tiếng nói. Những nghĩ suy chắt lọc qua thời gian thành con chữ trên trang giấy đến với bạn đọc. Đó là tiếng nói của sự trải nghiệm, của những “gạn đục khơi trong” dành lại cho đời cái giá trị đích thực cuối cùng mà qua năm tháng mới tìm ra. Giá trị ấy không chỉ là của cá nhân mà nó sẽ trở thành tài sản chung của mọi người. Những điều đó, tôi đã nhận được từ tập thơ Mắt chiều của Phạm Như Vân.

Không phải đến tập Mắt chiều, thơ Phạm Như Vân mới chạm tới cõi vô thường của cuộc đời, mà ngay từ những tập thơ trước đây như Hương xưa (Nhà xuất bản Văn nghệ 1998); Mênh mông lòng mẹ (Nhà xuất bản Trẻ 2000); Giọt nắng (Nhà xuất bản Văn học 2002); Xanh lá bồ đề (Nhà xuất bản Văn học 2012) và Cánh hạc trong mây (Nhà xuất bản Văn học 2006). Phạm Như Vân cũng đã cho thấy nhân cách sống của một thi nhân trong trường đời vô vi.
Ai đã nếm đủ đắng cay mới nhận ra chân giá trị đích thực của cuộc sống. Nỗi niềm rất riêng mà cũng rất chung ấy, chị đã nhờ câu thơ nói hộ.
Câu thơ chất đầy tâm sự
Tình đời dại giấc chiêm bao!
(Mắt chiều 2)
Độ nặng của thơ nhiều khi không phải dùng những mỹ từ to tát, mà câu thơ với ngôn ngữ như thoảng qua, nhẹ như gió như mây chất chứa biết bao tâm sự của người. Đến giấc chiêm bao, chỉ là một hình ảnh ảo cũng còn có khôn, có dại, thì với điều thực, cái đang hiện hữu trong cuộc sống, tránh sao được những khờ dại trước đời. Đau mà không thể nói, buồn mà không thể than, tủi mà không thể kể. Tất cả giữ lại trong dòng thời gian, như con sông đời kia vẫn chảy. Nhưng những ký ức của một thời, tưởng như đã lùi xa, nằm sâu trong quá khứ vẫn vẹn nguyên. Từ sự lặng yên như thế đã đưa trả cuộc đời bao vất vả tảo tần về với chân giá trị của cuộc sống. Đó chính là cái ngày:
... tôi thức trước bình minh
Yên lòng đợi nắng lên
Quên hôm qua trời đầy giông bão
(Có một ngày)
Tâm phải tĩnh, tình phải lắng, ý nghĩ phải sâu và lý trí phải làm chủ thì trước những toan tính những bon chen của người và những chua chát trên đường đời mới có đủ sức mà quên một khoảng “trời đầy giông bão” đã trải. Nếu nói theo lối nói của nhà Phật là phải đạt đến độ căn cơ của đời, trái tim đủ độ lớn, đến độ “tính bản thiện” của kiếp nhân sinh mới có thể làm được. Cũng phải đạt đến độ nhất định, người ta mới có thể quên đi những tháng ngày gian khó. Phải đến độ vô vi trước những tham, sân, si mới có thể từ, bi, hỉ, xả.
Mượn gió trời lau những giọt mồ hôi
Tôi tìm tôi nơi đài sen Phật pháp
Vứt đi đôi giày vạn dặm ngày xưa
                              giờ te tua rách nát
Và những ước mơ vơ vẩn hão huyền
(Về với chánh tâm)
Chỉ khi đã đạt đến được cái ngưỡng “gió trời làm quạt”, biết được đâu là hão huyền, đâu là cái thực, thì khi đó, trước những cám dỗ của đời mới có thể tránh, có thể vững và có thể trụ được. Chỉ khi con người đã nhận thức đúng, đủ và cặn kẽ, hiểu đến tường tận mới có thể giữ được sự thanh thản trước những cám dỗ của đời.
Khuôn mặt nào cũng quen
Nụ cười nào cũng đẹp
Sao có thể hồn nhiên cho phép
Lọt vào tai mình những chuyện ghét ghen?
(Cánh cửa con tim)
Để có thể nhận được đúng chân giá trị của cuộc đời, người ấy đã phải trải qua những đau đớn, thậm chí đau đến tận cùng mới có thể nhận ra.
Từng bơi giữa dòng sông cuộc đời
Biết nơi nào nước trong nước đục
Chỗ cạn chỗ sâu
Chỗ lành chỗ độc...
(Lẽ nào)
Vẫn biết, đời là biển khổ nhưng không phải ai trong biển khổ ấy cũng biết sống như thế nào cho ra sống nếu trái tim không biết tự cháy lên. Có thể làm được điều đó, là khi, trong biển khổ biết chấp nhận, biết tìm ra trong sự vất vả, trong nỗi đắng cay những điều làm điểm tựa cho ta. Điểm tựa duy nhất của cuộc đời chính là tình yêu, một tình yêu cuộc sống đã có, đang có, như dòng máu cha mẹ cho vẫn chảy trong huyết quản. Nói cách khác đó chính là: biết sống và biết yêu cuộc sống.
Dang tay đón lấy
Chiếc lá vàng bay
Lá mang hương say
Ấm tay gầy guộc
(Lời tình gửi lá)
Cuộc sống hiện tại, có biết bao bộn bề lo toan mưu sinh. Trong đó, lại có biết bao trái ngang cơ cực, mấy ai nở được nụ cười. Người có thể nở được nụ cười là người đã trải nghiệm, và nhận đủ đầy những vui buồn, những ngọt bùi cay đắng đã nhân ra một phần của nhân kiếp. Phải có sự lắng lại, lắng đến tận cùng của cuộc sống thì mới có cái nhìn như thế. Những điều lắng đến tận cùng ấy sẽ đưa con người đến với cõi vô thường. Một chân giá trị thực sẽ hiện ra đủ đầy và nguyên vẹn.  
Khoảng trời quanh ta dẫu có lúc mây đen
Sau mây tạnh sắc cầu vồng
                      sẽ theo mây trôi về mọi phía
Và em có quyền ngắm nghía
Chân dung mình rất thực, rất quen                            
(Em cứ ngồi một mình)
Hiểu được cuộc sống, đi được đến tận cùng của lẽ sống, làm chủ được cuộc đời và làm chủ được con đường sẽ đi và sẽ qua là cả một quá trình nhận thức, quá trình rèn luyện. Phải biết chấp nhận song cũng biết hóa giải những điều tưởng như gánh nặng của đời. Chỉ có tình yêu mới có thể hóa giải được hận thù. Sách Cổ ngữ có câu: “Tương tâm tỉ tâm tiện thị Phật tâm; dĩ kỷ chi tâm độ nhân chi tâm”. Nghĩa là: Đem cái lòng của mình ví với lòng người khác. Được như thế đã là có Phật tâm rồi (như lòng nhân từ của Phật). Hãy đem cái tâm của mình mà đo lấy cái tâm của người, như thế mới là tốt. Đó chính là cõi vô thường mà đời người ai cũng mong đạt đến, mong có được.
Vô thường rộn rã tim say
Ta ngồi hát giữa vòng quay vô thường.
(Hát giữa vô thường)
Suốt tập Mắt chiều Phạm Như Vân sử dụng một lối viết, một cách thể hiện những cảm xúc thực, những trải nghiệm thực và với một ngôn ngữ thực từ chính cuộc đời của thi nhân. Điều rất thực đó đã làm nên sự dẫn dụ để bạn đọc hiểu hơn cuộc đời giữa những bộn bề ngang trái, thấy được cái đích cuối của hành trình nhân kiếp rồi ai cũng sẽ đến. Tất cả, những hỉ nộ ái ố, những tham sân si của đời rồi cũng như con tàu trong hành trình sẽ về đến ga cuối. Và ga cuối ấy chính là cõi vô thường, cõi tâm của đời người. Trong hành trình ấy, Phạm Như Vân cũng đã đi, đã qua, đã trải, đã nhận ra, tất cả rồi sẽ  thành hư vô, tất cả rồi sẽ chỉ là kiếp phù du. Và bạn đọc hiểu hơn, cùng sẻ chia với Phạm Như Vân: trong cõi vô thường người thi nhân “ngồi hát”.
Có một Phạm Như Vân đang hát giữa cõi vô thường và một Phạm Như Vân đang hát giữa đời thường với trái tim tịnh độ, vô vi. Một Mắt chiều trong ngan ngát cõi người.


Hà Nội, tháng 6/2013
Nguyên Tâm (Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam)


Read more…

THƠ PHỔ NHẠC: DỊU DÀNG ƠI! (thơ Lê Thiếu Nhơn, nhạc Phú Quang)

Nhạc sĩ Phú Quang
 (XEM THÊM)
Read more…

THƠ PHỔ NHẠC: MỘT KHÚC CA DAO (thơ & nhạc Phú Xuân)

Nhà thơ, nhạc sĩ Phú Xuân
(XEM THÊM)
Read more…

VĂN CHƯƠNG CỦA CÔ BÁN BÚN CHẢ - Truyện ngắn Nguyễn Hiếu

                                                    Nhà văn Nguyễn Hiếu

HQN: Người ta thường nói, phàm sự đời để đến được với nhau thì cũng phải có duyên. Với tôi, gặp được nhà văn Nguyễn Hiếu trên Facebook như là có duyên với nhau vậy. Tôi mạo muội ngỏ lời xin bài của anh để post trên Hương Quê Nhà, thật bất ngờ là anh đồng ý và chuyển  ngay cho tôi 6 tác phẩm (văn & thơ). Hôm nay xin giới thiệu với các bạn một truyện ngắn của anh: VĂN CHƯƠNG CỦA CÔ BÁN BÚN CHẢ 

Nhà văn Nguyễn Hiếu họ tên đầy đủ là Nguyễn Văn Hiếu, sinh ngày 15.10.1948, tuổi Mậu Tý, quê ở Từ Liêm, Hà Nội. Ông tốt nghiệp khoá 12 (1970) Khoa Ngữ văn trường Đại học Tổng hợp Hà Nội, về công tác tại Đài Tiếng nói Việt Nam năm 1971. Từ năm 1971-1973, ông được biệt phái sang làm biên tập, phóng viên tại A7-CP90 (Ban Văn nghệ Đài Phát thanh Giải phóng). Từ năm 1974-2009, ông làm việc tại Ban kinh tế - khoa học - công nghệ (VOV) Đài Tiếng nói Việt Nam.
Ông viết văn từ khi học lớp 10 phổ thông. Bài thơ in báo đầu tiên là Xung quanh một chiến công trên Văn Nghệ năm 1973. Truyện ngắn in báo đầu tiên là Hai chị em cùng nghề trên báo Lao Động năm 1976.
Nguyễn Hiếu là hội viên: Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà văn Hà Nội.

Tác phẩm đã xuất bản:
Tiểu thuyết: 21 cuốn.
- Có hai tiểu thuyết hài Những mảnh trần gian và Tây, tây. Ta, ta
- Tiểu thuyết huyền thoại Chuyện tình người điên
- Một bộ tiểu thuyết 2 tập Dòng sông màu máu vẫn chảy
Các tiểu thuyết mới nhất:
- Con ngố (NXB Lao Động 2007).
- Tình nhân (NXB Hà Nội 2009)
- Mặt nạ để đời (NXB Công An 2011)

Truyện ngắn: 7 tập
- 2 tập truyện hài Chuyện cái vòi nứơc và Cười dành cho tất cả (NXB Thanh niên 1992)
- Tập mới nhất Trên mặt đất lại có người (NXB Hà Nội 2009)

Kịch bản:
- Phim truyền hình: Con tầu lại ra khơi (VTV- 1993); Chuyện đột ngột của làng ven sông (VTV-1996); Vòng quay định mệnh (TH Bình Dương 2000)…
- Kịch bản sân khấu:  Đã dựng  6 kịch bản trong số gần 50 kịch bản đã viết.
- Kịch bản dựng mới nhất  Linh hồn đông lạnh (Nhà hát Kịch nói Việt Nam) đạo diễn Đỗ Kỷ 2008; Dàn mồng tơi gẫy rập” (Nhà hát Kịch nói Việt Nam) đạo diễn Lê Hùng 2011.
- Đã in ba tập kịch bản, mới nhất Trong chiến tranh không có huyền thoại trong Tuyển tập Nguyễn Hiếu (TTNH), NXB Hà Nội 2010.

Thơ:
- Tuyển thơ Hư ảo trong TTNH, NXB Hà Nội 2010

Bộ Tuyển tập Nguyễn Hiếu. NXB Hà Nội 2010 nhân Đại Lễ 1000 Thăng Long, gồm 10 tập, tuyển 19 tiểu thuyết, 100 truyện ngắn, 8 kịch bản và gần 300 bài thơ.

Giải thưởng:
- 2 giải thơ: Giải của Bộ Nội thương và Hội Nhà văn Việt Nam trao cho bài thơ Người đứng giữa ước mơ và mơ ước năm 1973; Giải Thuỵ Điển tài trợ đề tài giáo dục trao cho bài thơ Bốn đứa trẻ bên bờ sông Hàn năm1999.
- 4 giải tiểu thuyết. Mới  nhất: Giải B cuộc thi của Hội Nhà văn VN và Bộ Công an trao cho Mặt nạ để đời, 2010. Giải C văn học đề tài Công nhân và ngưòi lao động với Biển toàn là nước 2010.
- 2 giải truyện ngắn. VNQĐ 1988 với Nhãn lồng nhà ông cả Đoạt; Báo Văn Nghệ - báo Nông nghiệp Việt nam – Đài TNVN TN với Chuyện quan trọng của bà cả Đào.
- Giải bút ký: Giải nhất cuộc thi ký và truyện ngắn Công an Hà Nội với Bố tôi - ngưòi công an Hà Nội
- Giải kịch bản: 2 giải kịch dài cùng một số giải cho kịch ngắn. Giải B của Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam cho Kịch Nguyễn Hiếu 2003; Giải B Hội NSSK Việt Nam cho kịch bản Dàn mùng tơi gẫy rập, 2010.
      



               
    LTG : Đầu phố tôi có một gian phòng bung ra từ tầng một của khu nhà tập thể được xây từ thời bao cấp. Căn phòng này được chủ nhà cho thuê để bán hàng ăn. Hai chị em dâu thuê chung. Buổi sáng cô chị gầy nhẳng bán phở bình dân. Đến xêm xêm 11 giờ thì cô em phốp pháp bán bún chả. Một trưa vì nóng bức, vì lỡ bữa tôi ra ăn ở quán. Cô bán bún chả vừa thấy tôi nhỏn nhẻn cười duyên bảo: “Tuần trước cháu đi phô tô kết quả đề thấy thằng Nịnh híp đang in bài của chú, cháu mới biết chú là nhà văn. Thỉnh thoảng rỗi hay là không ngủ được cháu cũng viết lăng nhăng một ít. Hôm nay cháu liều mang ra. Chú đọc cho cháu nhé. Lúc nào thích chú cứ ra đây ăn, không phải trả tiền mà cháu lại cho chú uống bia chai Hà Nội. Coi như cháu giả công đọc của chú. Được không? Tôi suýt bật cười khi thấy cô bún chả lôi từ dưới tấm cao su kê rổ đựng rau sống một tập giấy nhầu nhĩ, loang lổ những vết mỡ. Tôi vốn nể nang không tiện từ chối, vả cũng tò mò xem cô bún chả viết gì nên cầm tập giấy. Càng đọc càng thấy cô bún chả viết hay hơn ối nhà văn trong đó có cả tôi. Tôi xin phép cô được công bố bản thảo này. Cô bún chả cười tít mắt hỏi: “Công bố là gì hả chú ?”. Tôi bảo: “Là in ấy mà. Nếu được in thì cháu còn được nhuận bút”. “Eo ơi, chú có quyền thế kia á. Nhưng cháu biết rồi nhé. Nhuận bút là tiền đúng không?”. Tôi gật đầu. Cô bún chả hỏi: “Chỗ này được độ bao nhiêu?”. “Chú cũng chưa rõ lắm bởi còn tùy từng báo. Nhưng chí ít cũng được từ ba trăm trở lên”. “Thế kia á?. 17 nghìn một xuất thế là chỗ  viết được gần 23 xuất. Vậy thì thỉnh thoảng cháu phải viết mới được. Hơn chán vạn bán bún chả . Chú tính còng lưng bốc bún, toét mắt nướng chả mà cả ngày lãi không nổi một trăm. Viết ba lăng nhăng lại được những ba trăm. Thích thật. Thảo nào nhà văn các chú hay đi quán, uống bia chai là phải thôi”.  Được sự đồng ý của cô bún chả tôi công bố ghi chép này.

     Ngày đầu tháng:

      Cho con Liệu đĩ ấy biết thế nào là khách hàng kiêng. Mày tưởng mày đẹp, mày đưa mắt lúng liếng, mày mặc áo cổ rộng mà khách hàng họ ào vào quầy hàng của mày đấy. Hôm nay ngày đầu tháng con dở hơi ạ. Đầu tháng nên chỉ có thằng thần kinh, thằng chết đói đến mờ mắt, chẳng còn biết nghĩ suy gì, thằng nứt từ đất lên mới dám lao vào hàng thịt chó. Mày bán hàng bao nhiêu năm mà sao ngu thế không biết. Con này đã nói rồi, mà mày có nghe tao đâu. Bạn bè thân thiết tao mới nói chứ không rỗi hơi. Ông, bà bô tao lúc rỗi chả tua đi tua lại cuộn băng rằng. Ngày xưa đói mốc lên thì bạ cái gì, bất kể ngày giờ người ta chả xơi. Nhà nào, thằng to con bé đều giống nhau cái tem phiếu cứ thế mà dùng không phải cạnh tranh nên kiêng khem cũng chẳng mang lại cái gì. Chứ bây giờ ý à. Làm ăn, buôn bán, mánh mung, chạy dự án, chạy chức tước như cái nhà lão Thịnh dở người ngày xưa lăm le định tán mày nhưng bây giờ làm đến chánh văn phòng ủy ban quận khi thấy mày đứng chém thịt chó bôm bốp lại giả vờ không quen biết ấy thì các vàng cũng không dám xơi thịt chó đầu tháng. Con này có là bạn, có thương mày, mới khuyên nhủ hết lời mày không nghe, tao đành chịu. Lại còn bảo vì thằng chồng nó đang yếu khoản ấy nên cần cật chó. Nói thế mà nghe được. Cần một cái cật chó mà đi mua cả những hai con chó. Mà sao mày ngu thế không biết. Thằng chồng nào chả hay giả vờ. Lấy chồng gần chục năm trời phải biết chất lượng mặt hàng của chồng chứ. Chả nhẽ tao lại nói toạc ra là tay Long mắt cá trê chồng mày (mà tao cũng lấy làm lạ, mày người ngợm đến nỗi nào, đấy là chưa kể hồi thiếu nữ chắc cũng mịn màng, trơn lông đỏ da lắm thế mà ăn phải bùa phải bả thế nào lại đâm đầu vào cái thằng trông đã không muốn ăn). Thôi đành đổ cho số phận vậy, thằng chó chết ấy đang giả chết bắt quạ đấy. Thôi để khi nào có dịp tao kiểm nghiệm lại đã. Hôm kia tao nhìn nó đèo một con mặc áo hai dây, da trắng tởn. Con ranh ôm riết lưng Long cá trê. Hai đứa cười tít mắt nên không nhìn thấy tao. Nhưng tao sợ hôm ấy trời nắng quá, mắt hoa lên. Ngoài đường những hơn 40 độ chứ ít đâu. Nên tao sợ nhìn không rõ lại nhầm thì oan cho nó. Lại làm tan cửa nát nhà mày ra. Cứ cho là tao nhầm là mày may đấy. Chứ cái giống chồng thời nay chẳng chung thủy lắm đâu. Nhà nghỉ, quán mát xa, phòng ka rao kê đầy. Chẳng thế mà đến thanh niên còn ngại lấy vợ nữa là. Túng mình, ngứa ngáy, rậm rật một chút là chúng bỏ ra hai, ba trăm hay cùng nhất năm trăm là có ngay một con nằm ngửa ra ngay. Huống hồ thằng chồng nhà mày chiều nào chả xơi thịt chó. Không có thịt ế thì mày lại phải để dành cho nó. Nốc tì tì cái thứ thịt rừng rực như nuốt phải lửa như thế  thì cứ gọi là… Cái lão ngu nhà tao lại sợ thịt chó thế có hãm không cơ chứ. May lão lại khoái khẩu món thịt dê nên tao cũng đỡ. Đầu tháng chê thịt chó nên dân chúng lao vào bún đậu, giả cầy, bún chả là đúng rồi. Mà nghe nói giống đàn ông năm thì mười họa ăn đậu cho đỡ chán mồm thì được, chứ chơi món này liên tục thì dễ thành sư lắm. Món giả cầy cũng vậy, có phải ai cũng chịu được món giềng mẻ đâu. Thành thử món bún chả của tao mới có số đông người vào. Giá cả tầm tầm nên già, trẻ, gái, trai, người sang, đứa hèn, thằng khôn, thằng dại đều mê tơi là phải. Con dở hơi kia, cứ ngẫm mà suy ra. Trên đời này cái gì để đỡ chán, đỡ lộ cái dở, cái ươn ra đều phải thêm gia vị hết. Mày cứ xem trên ti vi đấy. Trước cuộc họp nghiêm trang đến đâu chả có tí hát hò, nhảy nhót. Bún, rồi chả mà cứ trần cù xì chấm nước mắm thì có ma nó ăn. Phải có dấm ớt, tỏi vào. Thịt vụn, thịt rẻo dù ôi đến đâu mà tẩm khéo. Nước chấm tao pha, rồi xà lách, tía tô, kinh giới…  thì cứ gọi là. Mấy thằng khách trông bề ngoài trí thức ra phết vào đầu tiên ra điều cẩn thận, hỏi đi hỏi lại xem rau có rửa sạch không. Nhưng chỉ được một lúc thì quên sạch ngồm ngoàm chén tất. Dân Việt nam là thế đấy. Dễ nuôi, dễ lừa lắm. Chúng nó dùng đủ mánh khóe bóp cổ, bóp hầu.  Hết tăng giá nọ, giá kia, thít nghẹt lè lưỡi chán nó thả lỏng ra một tí (y như trò tăng giảm giá xăng) thêm mấy câu nước đường thổi vào tai là im thin thít. Mà cái giống rau bẩn này có tọng vào cũng chẳng chết ngay đâu mà lo. Ăn bẩn sống lâu. Người tầu bảo thế.

 Ngày 10 chưa đến rằm
      Bọn kĩ tính vẫn kiêng. Mấy thằng trông vẻ trí thức vẫn mết bún chả. Chúng nhìn mình thì thào. Ừ cứ thoải mải lầm rầm đi. Tai con mẹ này thính lắm, làm như không biết gì nhưng nghe được hết. Á à, các chú đang nhận xét chị đúng không. Cái thằng để ria rậm rì, tay nổi bắp cuồn cuộn vừa liếc vừa lắp bắp, mày tưởng chị mày không nghe ra những lời nói đểu của mày đấy hả. “Trông mụ ta như mâm cố đầy, món nào cũng ứ tràn, hấp dẫn đến vãi nước bọt. Loại này, thôi thì tiện món nào chén món ấy vậy. No, chán thì  đứng dậy. Tội gì. Bỏ thứ gì cũng tiếc. Cốt là có sức”. Thằng chân dài lòng khòng, ngực lép, lông mày xếch ngược chỉ nghe những câu lầu bầu của nó cũng đoán, vợ cu cậu cũng chả nhẹ cân hơn mình “đàn bà ăn nhau ở cái thon thả, chứ ụt à, ụt ịt lúc ệch ra chỉ thấy đống thịt lút mắt. Chưa ăn đã thấy ngấy đến cổ”. Ấy thế mà khi mình mang đĩa bún đến nó lại xòe cái miệng thớ lợ “bà chị trông phúc hậu quá nhỉ. Thế này ông anh tha hồ phát”. Chỉ thiếu một chút mình đổ đĩa bún vào cái mặt lưỡi cầy của nó nhưng may con này chẳng những kìm được mà còn nhăn nhở cười với nó. Thế mới biết cái giống người đứa nào cũng giả dối, đứa nào cũng diễn sự giả dối ấy một cách thành thạo. Mình cùng thế thôi. Có thế mới trôi được hàng bà. Thằng ria rậm xem ra trực tính hơn, bĩu môi: “Nó nịnh bà chị để tí nữa xin thêm nước chấm đấy. Chị cho nó thật chua vào. Thằng này nghiện dấm lắm đấy. Nó muốn vợ nó ăn thật nhiều của chua cho eo ót, dễ ôm nhưng cô ả lại chỉ mê của ngọt thành thử nàng ỉn quá mức. Thành ra cu cậu…”.  “Thôi làm nhanh lên, về còn nghỉ tí cho tỉnh. Chiều họp căng đấy”. Thằng thứ ba thấp, chắc lẳn. Mắt đảo lia lịa như mắt rắn. “Hạ bệ nó chứ?” . Thằng ria rậm  “Còn sao nữa? Thằng ấy chuá tham, nó mà lên trưởng phòng thì bao nhiêu dự án nó ăn sạch. Nuốt  không hết lại dúi cho con em nó bên tài vụ”. Thằng chân lòng khòng giơ cao cọng tía tô lên như soi rồi thủng thẳng: “Tôi sợ nó có ô là ông bí thư”. “Ô cũng chơi. Thời dân chủ rồi, cứ móc thật mạnh vụ nó khai khống mấy tờ công lệnh”. “Xin ông. Dân chủ con khỉ. Trên đã quyết thì giời thay đổi. Với lại đưa mấy tờ công lệnh vào vụ việc chả bõ nó bảo là tủn mủn”. “Thế chả nhẽ để thằng đểu đớp hết của mình à?”. “Thôi làm chai bia cho hạ hỏa đi, bức quá”.  Nghe chúng nó biết ngay là đang tranh ghế. Dân nhà nước là thế. Cứ có ghế là có ăn. Chả thế mà lại vỡ đầu sứt tai tranh giành, mua bán chức quyền. Chứ thả ra như bọn tự lo này có mà khối. Thôi kệ xác chúng mày. Muốn bàn gì thì bàn, bà chỉ cần khách nào cũng bức bối như thế để bà bán được bia thôi. Dạo này bia lấy đã bảy rồi, bên kia bán lẻ lên tám. Mình coi như công nọ công kia lấy tám rưỡi. Cũng hợp lý thôi. Cửa hàng cà phê của con mụ Thịnh chấm phẩy còn quát mười lăm có khách nào ỉ eo đâu, cứ thản nhiên rút tiền ra soàn soạt.

Ngày 16  ta

        Biết ngay. Qua rằm y như rằng khỏi vòng là cong đuôi ngay. Hàng thịt chó của con đĩ Liệu lại tấp nập hẳn lên. Con ranh được thể vênh váo tợn. Thỉnh thoảng giả bộ nghếch sang nom hể hả lắm. Thôi mình là bạn nó cũng chẳng hẹp bụng gì. Nhưng nghĩ đi nghĩ lại, hai thưng vào một đấu cả. Mày giỏi lắm một tháng được mười lăm ngày, còn mình thì vô tư đi. Bún chả muôn năm. Chỉ bực mụ chị dâu gầy nhẳng. Chả biết nói thật hay giả mà tối qua sang ổn thót “trưa nay thím cố bán xong độ ba rưỡi, bốn giờ cho chị nhận lại quán bán thêm mấy cân bánh”. “Đã chia buổi như thế mà chị?”. Mình cố nhũn nhặn mặc dù đã thấy sôi sùng sục. Rõ là đồ tham. Hôm nào cũng lạm đến gần 11 giờ mới giao quán, thành thử mình cập rập bỏ cha. Nướng chả thì cũng phải có thời gian mới chín, chứ làm qua loa, miếng sống, miếng chín để khách nó cuốc mặt ra. Thế mà. Mặt mụ chị dâu chảy dài “khổ qua, chị biết giờ ấy cũng chẳng mấy khách nào ăn phở, nhưng chị vẫn cố kiếm được đồng nào hay đồng ấy đỡ mẹ chị. Mấy hôm nằm bệnh viện tốn quá”. Đã nói thế thì đây chịu. Coi như làm phúc vậy. Vừa mở cửa đã thấy con mụ khách vào. Nom ăn mặc thì có vẻ văn minh, chịu chơi lắm. Váy ngắn trắng, áo hai giây hồng nhưng vừa mở mồm thì may quá mình giả vờ đưa tay lên gãi mũi, bịt mồm được. Hơi mồm con mẹ này nặng thật. Tẩm bao nhiêu nước hoa và cả mùi son phấn mà vẫn không át được thứ mùi đáng sợ đó. Thứ hơi khủng khiếp ấy mà có thằng đàn ông áp môi vào được thì một là tịt mũi, hai là dũng cảm đáng phong là anh hùng. Ừ mồm miệng thế mà mụ ta diện thế. Nhìn bề ngoài chắc thằng nào cũng muốn chén, nhưng có ở gần mới biết cái nõn nà mông má bên ngoài thế nào vẫn khó che cái bên trong. Như nhà con mụ Thịnh chấm phẩy cả phố này đều bảo gia đình ấy lý tưởng đáng học tập. Phường còn tặng cả bằng gia đình văn hóa cơ mà. Nhà mình ở cạnh nên thấy cả tổ chấy nhà mụ ta. Có đêm nào sứt đâu. Cứ đợi hai đứa con đi ngủ là hai vợ chồng lại giở rói chửi bới nhau. Từ khi sửa được cái sân thượng rộng rãi thoáng thì đêm đêm lôi nhau lên hết chửi bới, lại thượng cẳng chân cẳng tay với nhau. Hình như vợ chồng nhà con mẹ ấy làm lại sân thượng để đấu võ mồm, võ chân, tay với nhau cho kín thì phải. Con vợ ghen thằng chồng bồ bịch. Thằng chồng thì nghi vợ dúi tiền cho đứa em giai nghiện hút. Hôm nọ hai thằng con đi vắng nên tay chồng choảng thật lực con vợ. Rõ ràng mình nghe tiếng huỳnh huỵch, giả vờ sang xin mẻ, thấy rõ nước mắt còn đọng trên mi mà chị chàng còn nhoẻn cười bảo: “Có tí bụi vào mắt nhặm quá thành thử nước mắt nước mũi dàn dụa”. Đúng là cái giống người thời buổi này. Bóng bẩy ngoài da, trong thì tim la tám tầng. Đi vào buổi tối, đèn xanh đèn đỏ nhấp nháy cứ như thành phố tây thế mà ban ngày nhìn sông nào cống nào cũng đen kịt, thối inh, rác rưởi lều bều mới hay thành phố này bẩn và lộn xộn chả khác gì bãi rác. Chẳng thà cứ như thằng chồng mình. Trần cù xì, mộc như thế lại hay. Nó mà hứng lên thì bất chấp hết, mình mệt chết nó vẫn không cho yên. Làm thằng bảo vệ, thân phận thấp hèn, cứu lại được cái tốt tính. Mình tin cu cậu .. Ô. A mà con Liễu nó cũng bảo nó tin thằng chồng nó một trăm phần trăm nhưng mình thì lại từng trông thấy thằng chồng nó. Hi vọng hôm ấy nắng quá nên mình quáng gà, nhìn lầm.

Ngày 20 ta rơi vào chủ nhật 

            Vừa trả cửa hàng cho bà chị dâu khôn khéo mồm miệng đỡ chân tay, suốt ngày kêu “anh chị mỏng phúc nên lộc vào không nhiều như chú thím” định tắm một cái cho mát thì con Lụa cháo lòng, con Lương phở gà ta ập vào. Lụa cháo lòng nhếch hàng mi nối lên, mắt đảo, đôi môi rõ ràng vừa phớt nhẹ tí son nâu mấp máy:
- Thằng chồng mày có nhà không?
- Hôm nay trực chiều.
       - Cẩn thận đấy. Thằng nào bây giờ cũng hay bịa lý do để lang thang lắm. Cảnh giác vẫn hơn.  
       - Ôi dào, lão chồng tao. Cù lần lắm. Nhưng thôi nói về các lão ấy làm gì mất thời gian. Dạo này làm ăn phát tài hay sao mà nối mi liền tục thế .
- Nỡm. Bây giờ có hai mươi bảy đồng một hộp mười cặp. Hỏng đâu thay đấy .
       -  Thôi thôi vào chuyện đi. Lương phở gà ta giơ bàn tay có những móng tô hồng nhạt đính cườm lóng lánh, nhưng mu loang lổ nhiều vết hình búp giáo chém chém vào không khí như đang chặt thịt gà .
       - Thì đợi bà Nhã nem chạo một tí, đi đâu mà vội. Gì thì gì chị em mình là đàn bà con gái, lại cùng cánh chân đất mắt toét này phải dựa vào nhau, bảo vệ nhau chứ còn biết trông vào ai.  
- Mà cái mụ Nhã cũng thật lạ. Đã hẹn như thế…
       - Tôi đây, tôi đây. Gớm mấy cô dạo này cũng đổi mới gớm thật. Đúng giờ hơn cả họp phường. Dạo này chắc hàng họ tăng trưởng mạnh hay sao mà máu thế.
         Chị chàng Nhã nem chạo lóe xóe bước vào. Khuôn mặt bầu bình, tươi mưởi của bà nem chạo bỗng căng cứng khi nhìn bàn tay có những móng hồng đính cườm quen chặt thịt gà của Lương loang loáng lên xuống liên tục, phụ họa giọng bực bội :
- Trong cái nhóm của mình bà chị là cao niên nhất.
- Gớm mày cứ làm như tao via lắm ấy.
- Phải nói là chị tài nên mới chài được ông anh trẻ măng…
       - Cái con này. Lão ấy nhỏ xương hóp, nên trông thế thôi. Ông ấy hơn tao tuổi rưỡi cơ đấy nên cũng ọp lắm rồi. Giá người mà cũng cho hàn the vào để giòn để dai hơn một tý thì cũng hay ra phết.
- Khiếp. Bà chị còn phởn gớm nhỉ .
        Lụa cháo lòng bật cười rung rúc, đôi mi giả thiếu chút nữa bong ra. Chụm hai ngón tay lên vừa dán nhẹ vừa lầu bầu:
 “Rõ đồ của rẻ của ôi”, trong khi đó Lương phở gà ta sồn sồn:
- Thôi vào chuyện chính .
       Mình quả tình không biết đầu cua tai nheo có chuyện gì nghiêm trọng mà bỗng nhiên chỉ thiếu con Liệu thịt chó là coi như gần hết bọn hàng ăn của dẫy phố này hẹn hò nhau ào vào nhà mình để bàn bạc ra điều quan trọng Mình nói gần hết là vì dân bán hàng có dính dáng đến ăn ở phố này còn bà Vượng tương cà. Nhưng bà này phần thì già, phần vì lúc nào cũng vênh vênh. “Ông nhà tôi về hưu gần chục năm. Làm đến vụ trưởng nên ông ấy bảo dù là bán dưa cà cũng tạo ra mầm mống tư bản. Nên cấm. Gần đây tôi nói mãi, bảo bán cho vui ông ấy mới đồng ý. Chỉ có điều ông ấy dù có rỗi chết cũng chưa bao giờ vặt hộ núm cà, thái hộ mớ dưa”. Còn con ranh Thủy trứng vịt lộn nữa. Nó cũng chẳng phải đứa khó chơi gì, gặp các đàn chị  cũng ngọt ngào, ăn nói lễ phép dễ nghe chỉ có điều quán nó một tuần thì giỏi lắm mở bán được hơn hai tiếng vào sáng thứ hai sáu ngày còn lại thì bố nó ngồi bán nước hè quen gọi là năm xu nhưng bây giờ đã lên một nghìn một chén rồi. Những ngày ấy con bé đi biền biệt. Thủy trứng vịt lộn cũng mê bún chả nên mỗi khi về quẳng đồ, thay quần áo là ra quán mình ngay. Mình chả hỏi con bé cũng hơn hớn “em vừa đi Hạ Long về. Nghỉ hè có khác. Dưới ấy cái gì cũng đắt. Tôm hùm những triệu rưởi một cân”. Dân phố thì đồn con này đang là gái bao hợp đồng gì đấy. Giá phù hợp là nó đi. Mình không tin lắm. Thủy trứng vịt lộn không xinh. Được cái trẻ, chân dài, da mịn. Mắt thì khỏi nói long la long lánh. Mắt ấy liếc trai thì bụt cũng đổ. Thôi thì ai làm gì  sống được thì kệ người ta.
- Có chuyện gì thì nói đi. - Lụa cháo lòng có vẻ sốt ruột giục khẽ.
       - Sao con Liệu thịt chó không đến nhỉ? - Bà Nhã nem chạo há hốc mồm ngạc nhiên hỏi.
- Thì vì chuyện của nó nên em mới mời các mẹ đến đây.
- Được rồi. - Lụa cháo lòng cố nén nhỏ nhẹ.
        Bàn tay hình búp giáo loang lổ của Lương phở gà ta nâng lên chém xuống:
        - Nó là thế này. Thực ra con Liệu thịt chó cũng không muốn làm to chuyện. Nó chỉ mới tâm sự với tôi. Nhưng tôi thấy nó khóc sụt sùi rồi nó lo nếu vợ chồng nó bỏ nhau thì hai đứa con nó sẽ khổ. Kiểu gì thì tòa nó cũng xử mỗi người nuôi một đứa…
- Nhưng làm sao mà vợ chồng nó bỏ nhau?
       Bà Nhã nem chạo kênh cặp mông chảy bè lên bồn chồn.
       - Thế ra chuyện ấy có thật à? Tôi biết ngay mà. Hóa ra mắt con này cũng tinh ra phết. Mình không nén được nói ngay.
       - Nhưng vợ chồng nó đã xẩy ra chuyện gì để đến nỗi khốn khổ thế. Mà con này nữa. Đã biết rồi sao mày không nói.
       Lụa cháo lòng quay sang tôi. Bàn tay của Lương phở gà ta lại vung lên:
- Có im để tôi nói cho mấy mẹ nghe không. Cứ sồn sồn ra. Khiếp.
- Ừ ừ, mày kể xem nào. Ghê quá thôi mất.
       - Nó là thế này. Tối hôm qua, con Liệu thịt chó sang nhà tôi. May lão dở hơi nhà này đi bia bọt ngay chỗ quầy thịt chó của con Liệu ấy. Nó vừa khóc vừa kể là bắt gặp thằng chồng nó đi vào nhà nghỉ với con bồ đâu như nhân viên phát hay bán thuốc gì ấy bên 108. Con này ế chồng nhưng giầu lắm.
      - Bọn bán thuốc bây giờ phải biết. Vừa không bẩn thỉu, lấm lem hôi mù như mình mà lại lắm tiền. Lũ ấy với cánh bác sĩ cùng ruộc. Ai không may phải vào bệnh viện thì chắc chắn bị chúng nó luộc chín dừ. Hôm nọ bà bô chồng nhà này…
 Lụa cháo lòng than thở.
- Im nghe cái Lương nó kể tiếp đã nào.
       - Con Liệu trông thế nhưng cáy phải gọi bằng cụ. Phải tôi ý à, lành làm gáo vỡ làm môi. Tôi lao ngay vào bắt quả tang trai trên gái dưới thì có mà chạy đằng trời.  Rành rành ra thế mà lại bỏ về nhà sụt sùi. Hỏi thì bảo vì đi một mình sợ bọn bảo kê nhà nghỉ. Tối về nó mới tế thằng chồng. Thằng này mới đầu còn chối, sau con Liệu nói đúng quá thằng này vặc lại, thách “cô không chịu được thì cô làm đơn đi”
       - Rõ là đồ chồng khốn nạn. Ăn cháo đái bát. Hỏi ở cái phố này có ai yêu chồng quí chồng như Liệu thịt chó không. Lụa cháo lòng nổi cáu.
       - Đã bảo rồi, nhìn bề ngoài là biết ngay Long mắt cá trê là thằng hai lòng.
       - Mình không nén nổi buột miệng. Lương phở gà ta hùng hổ.
       - Đàn ông thì thằng chó nào chả cả thèm chóng chán. Làm con đàn bà phải biết giữ. Bọn chồng thích mềm thì cho mềm, thích cứng thì cho cứng.
       - Tự dưng mình nhầy vào cũng khó khó. Đây lại là việc riêng nhà người ta. Mình là người ngoài, thương thì thương con Liệu thịt chó thật. Cơ mà… bà Nhã nem chạo than thở.
       - Nhưng nó ngang tai chướng mắt quá thể. Vả lại con Liệu cùng hội cùng thuyền nên chị em mình phải có trách nhiệm. Cái nữa, mình  làm mạnh vụ này để những thằng chồng khác nhìn vào mà tởn. Trông các bà này lành hiền thế thôi. Nhưng đừng có trêu ngươi mà thiệt.   
- Vẫn biết thế nhưng làm cách nào? Lụa cháo lòng bần thần.
         Lương phở gà ta bặm đôi môi đã nhạt lớp son nâu phớt nhẹ, cúi đầu xuống thì thầm:
       - Nó cũng như vặt lông gà ấy. Muốn gì cũng phải làm thật kĩ, cái lông măng bé nhất cũng phải nhổ. Có thế khách người ta mới tin.
- Biết rồi.- Nhã nem chạo thở dài buột miệng.
       - Theo tôi. Đầu tiên cả bọn mình kéo đến nhà con Liệu thịt chó nói hết nhẽ với thằng chồng nó. Gì thì gì mình cũng phải làm thật tợn để thằng này hết cái thói giăng hoa đi. Vợ con vẫn là trên hết.
       - Nhỡ thằng ấy không nghe, nó lại đuổi mình ra thì sao? - Lụa cháo lòng băn khoăn.
- Thằng mắt cá trê dám đuổi chị em mình á. Các vàng.
       - Đuổi thì nó không đuổi nhưng nó giở bài ngoan ngoãn “tôi xin các bà về xử lý việc nhà các bà đi” có phải tẽn tò không. Mình cố gợi ra sự khó khăn xem ý Lương gà ta thế nào.
       - Tôi đã bảo đấy là sách thứ nhất. Sách thứ hai ác hơn nhưng phải công phu là dò cho bằng được con thổ tả, bồ bịch của thằng Long rồi mấy chị em mình cùng đến. Đầu tiên cứ lấy tình đàn bà con gái với nhau khuyên giải hết nhẽ đã. Nếu con này ngoan cố mấy chị em mình sẽ cho nó biết thế nào là tranh vợ cướp chồng.
- Nhỡ nó báo công an thì sao? - Nhã nem chạo rụt rè.
- Các vàng. Ba bốn chị em, mình nó lại dám à?   
       - Tôi thì tôi nghĩ thế này. - Lụa cháo lòng nuốt khan một cái rồi hạ giọng - Có lẽ nên đến con chết dẫm kia trước. Chuyện này thì bố bảo nó cũng chẳng dám báo công an đâu vì cô nàng cũng biết làm như thế là bậy rồi. Ta cũng cứ mềm trước rắn sau cho hết nhẽ. Làm thế nào bắt con này không chỉ hứa miệng mà phải viết ra giấy càng tốt. Rằng từ nay cạch đến già không tơ vương gì thằng kia nữa. Sau đem cái giấy đó đến đưa cho thằng chồng con Liệu thịt chó.        
      - Bà này thế mà giỏi. Đúng. Đúng.
 Bàn tay loang lổ có những móng tô hồng nhạt dát cườm lại vung lên
      - Tôi cũng thấy thế là hợp nhất. Ta chặn gốc trước rồi xử lý ngọn nó thuận hơn. - Nhã nem chạo gật gù.
       - Cơ mà mình đã biết nhà con phải gió kia đâu. Lụa cháo lòng căng hết mắt gườm gườm nhìn ra cửa.
       - Việc ấy khó gì. Để tôi. Tôi sẽ hỏi con Liệu thịt chó. Không được thì tôi có cách. Lão chồng tôi cũng hay bia bọt với tay Long ấy lắm. Bia ngà ngà thì bọn đàn ông thích kể cho nhau những chuyện kín lắm. Tôi sẽ bảo lão nhà này dò bằng được rồi chọn ngày tốt mình sẽ kéo đến. Được chưa?

18     ta ngày tốt

          Vào đúng ngày cả cả bọn cho là ngày tốt. Lúc ấy lưng lửng chiều. Thời gian chưa mấy bà nội trợ ra mua bán. Lương phở gà ta xem ra sốt sắng nhất. Điện thoại của mình réo liên tục. Hai lần trước còn đỡ, lần thứ ba thì mụ ta gắt om lên. “Làm cái gì cũng phải có giờ giấc chứ. Đã hẹn rồi”. Ra đến đầu phố thấy Lụa cháo lòng đang nghếch mắt về phía hàng nem chạo của Nhã. Lương phở gà ta thì đang rít lên trong máy “có nhanh lên không. Để lão ấy trông cũng được”. Ả phở gà ta vừa dứt lời thì Nhã nem chạo sồng sộc đi ra. Cái áo cổ bèo lắc lay. Mắt cười, mồm bả lả “lão cứ tra mãi đi đâu. Tao phải bảo về mới nói được. Lão nhìn tao chằm chằm rồi bặm mồm bảo: “Cứ liệu hồn đấy”. “Chồng ghen thế là tốt rồi. Thế không mang xe à?” - Lương phở gà ta hỏi giật giọng. Nhã nem chạo cười hị hị: “Đứa nào đèo chị cái. Thằng con lấy xe đi với bạn nó từ trưa. Đã về đâu”. “Thôi lên đây. Lão nhà này trưa hôm nay cũng điện về bảo cơ quan họp. Chắc lại bia rượu với mấy thằng bạn cũ vừa ở miền Nam ra chứ chó gì. May nhà này xe cộ chả ai dính vào ai. Thôi đi đi. Bà lên đây vậy. Khiếp, lại bôi cả nước hoa đấy à? Giời nóng bỏ cha”. “Nó cũng quen đi đấy, tắm xong bao giờ cũng xịt tí”. ”Đang trưa lại tắm. Chắc con đi, vắng nhà. Anh chị lại tí tởn chứ gì”. Lụa cháo lòng tít mắt: “Vợ chồng phải thế chứ. Chả bù lão nhà này. Cứ dửng dưng như không. Chắc công việc cơ quan”. “Cẩn thận đấy”. Tự dưng mình buột miệng trêu Lương phở gà ta. “Tao dính một cái cứ gọi là phăng luôn. Nhưng thôi. Lên xe, nổ máy đi. Bám sát xe tôi vào không lạc đấy. Chỗ nhà con ở… ”. Ba chiếc xe máy rung lên chở bốn ả bán đồ ăn lướt trên đường. Dừng lại một chỗ đèn đỏ, rồi lại thêm ba cái ngã tư, một cái ngã ba, rồi ngoặt vào một ngõ nhỏ ngay cạnh quầy bia vào giờ này chỉ có lờ phờ mấy gã còn sót lại từ trận bia trưa. Chiếc wave tàu xanh nhạt của Lương phở gà ta von vót đi trước. Con mẹ quả là tài luồn lách. Mình vừa đi đến quãng giữa ngõ thì  cô ả đã khuất sau dẫy tường ngõ. Mình đang sợ mất hút thì bất ngờ xe Lương phở gà ta quay lại. Đằng sau xe, bà Nhã nem chạo túm chặt lấy vạt áo mụ Lương. Lương phở gà giơ tay làm hiệu cho mình và Lụa cháo lòng dừng lại “Gì thế ?”- Lụa nhanh mồm hỏi. “Tao cũng chẳng hiểu nữa đang đi thì nó vòng lại”. Nhã nem chạo lào thào. Lương phở gà ta tắt máy, mặt lầm lầm. Bàn tay loang lổ giơ ra. “Bây giờ các bà cứ đứng đây. Bốn chị em mình nên chẳng việc gì phải sợ gì hết. Để tôi vào, nếu đúng xe của lão chó chết ấy thì cùng ập vào. Ba mặt một nhời có mà chạy đằng trời, chối bằng mắt. Họp à, họp gì mà lại…”. “Nhưng mà cái gì thế?”- Nhã nem chạo có vẻ hơi nhát hỏi khẽ. Lương phở gà ta không nói, đút chìa khóa vào túi sau quần bò rồi phăm phăm rẽ vào căn nhà đang mở cửa. Một chiếc ôtô con biển số 45 nép dưới bức tường đối diện, trong nhà có gần chục chiếc xe máy xếp hàng. Mình ngước lên và nhận ra tấm biển đỏ nhạt viền vàng “nhà nghỉ Yên Bình. Có chỗ cho ôtô”…

LTGTập ghi chép của cô bún chả đến đây là hết. Không hiểu là vô tình hay cố ý. Nếu đây là sự chủ định thì  cô bún chả quả là một nhà văn đã biết xử lý thành thạo thủ pháp gây tò mò, hấp dẫn cho người đọc. Tôi cũng không thoát khỏi sự cuốn hút của câu chuyện vì thế nên trưa hôm sau dù không muốn ăn bún chả lắm tôi vẫn ra hàng. Khi tôi hỏi đoạn tiếp cô bún chả toét cười: “Cháu cũng viết được hơn một trang nhưng tay chồng nhà cháu tối hôm kia đi về thấy cháu hí húi viết, nổi cơn ghen. Chưa biết đầu cua tai nheo gì đã rằng lấy xé nát. Tí nữa chú cho cháu mượn lại để cháu phô tô cho nó xem, không lão ấy cứ nghi nghi ngờ ngờ. Sau lúc tỉnh tay chồng cháu cũng hiểu ra. Cháu còn bảo chỗ viết ấy nếu chú nhà văn cho in còn được cả tiền, bét nhất cũng ba trăm. Tay chồng cháu ân hận lắm hỏi, thế còn nhớ mà viết không? Cháu cười bảo vô tư đi. Chỗ cháu viết làm thằng chồng cháu xé ấy cháu kể đúng là xe của tay chồng Lương phở gà ta thật. Chúng cháu tuy cáy nhưng cậy đông cũng ùa vào. Con mẹ kia lạy như tế sao”. “Thế  còn chuyện nhà Liệu thịt chó thế nào rồi?”. “Mấy hôm nay hình như hoà hoãn rồi. Chồng nó xuống nước xin nó. Con Liệu trông thế  cũng thương người. Nó vừa ở đây lúc nãy, nó bảo, vì hai đứa con nên đành nhắm mắt. Thằng chồng nó không biết có phải biết ân hận hay không mà mấy hôm nay toàn đứng hàng, chặt thịt chó bán cho khách. Lúc nãy lại mang cả xe ra đón con Liệu về. A, chú ăn chả riêng hay chả lẫn như mọi khi. Chú uống bia nhé. Chú đọc tài thật đấy. Chỉ khổ cho mấy đứa con nhà Lưỡng phở gà ta. Mấy hôm nay ăn vạ ăn vật . Cơm không nấu mà hàng quán cũng không thấy mở”. “Căng thế kìa”- Tôi hỏi nhỏ . “Chứ sao nữa. À chú này nếu chú cho đăng thì đăng báo An Ninh hay Công An gì đấy, báo ấy cháu và cả chồng cháu hay đọc các vụ án lắm. Khi đăng chú làm thế nào, không có mấy con bà cô đọc được thì …”.  “Đổi tên chứ gì”. Tôi tủm tỉm. “Đúng rồi, chú tài thật đấy. Nhà văn có khác. Chúng nó cáu lên thì mất bè mất bạn chú ạ!”.


Nguyễn Hiếu (Hà Nội) 
Read more…

MÙA HÈ Ở NGÔI TRƯỜNG VEN BIỂN – Thơ Hồ Thanh Ngân

                                                             Nhà thơ Hồ Thanh Ngân
                                                                  
Những chú chim đàm thoại trên mái ngói
          Về sự oi ả của mùa hè
          Những tán lá bàng như bàn tay vẫy
          Xin tiền gió
         
          Trong thinh lặng mùa khô đổ lửa
          Vỡ ra lích chích từng chuỗi liên thanh tiếng chim
          ở xa là biển
          và tiếng máy chạy thật êm

          trên những ống khói đen tràn đầy suy tưởng
          của điếu thuốc khổng lồ vận hành
          tiếng đàn vịt lao nhao ngoài kia
          chỉ có anh, một trời ngợp lửa.


Hồ Thanh Ngân (Cà Mau)
Read more…

CÂY ROI MÂY CỦA NỘI – Tuỳ bút Phạm Tử Văn

                                                Cây bút trẻ Phạm Tử Văn

- Người già đâu mấy ai đủ sức để đợi những lời hứa hẹn của con cháu trở về. Con ráng thu xếp công việc rồi về đi, một ngày cũng được. Bà nội cứ nhắc con không à. Hơn hai năm con không về rồi còn gì nữa.
- Con… con xin lỗi…
- Mẹ sẽ còn phải nghe bao nhiêu từ xin lỗi ấy nữa đây? Con hứa nhưng không thực hiện, sau đó thì xin lỗi. Hay mẹ gửi vào cho con cây roi mây của ông nội nhé?
Từ đầu điện thoại bên kia, mẹ im lặng không nói thêm gì. Nhưng có tiếng thở dài rất khẽ vọng lại. Tôi tự nhiên thấy rưng rức nơi lồng ngực. Hình ảnh cây roi mây của ông nội lại hiện ra, vàng coóng đến nhói lòng.
****
Ngày ông nội mất, tài sản quý giá nhất mà ông để lại cho con cháu là cây roi mây cùng những bài học làm người hữu ích. Trong giây phút lâm chung, ông đã trăng trối: “Đồ của tao, tụi bay vất bỏ thứ gì cũng được nhưng cây roi mây thì ráng mà giữ. Treo nó trong nhà, ra vào trông thấy nó, còn nhắc nhau sống cho tốt. Đừng để bà con lối xóm phiền hà, đặng dưới kia, tao cũng không yên lòng được”. Vậy nên sau khi ông đi, bố tôi đã treo cây roi mây ở nhà thờ. Mỗi lần con cháu tới thắp hương, đều trông thấy cái hình ảnh vàng vàng, cong cong của cây roi ấy.
Theo như những gì bà nội tôi kể thì cây roi mây đó có từ khi bố và các cô chú tôi còn rất nhỏ. Trong số những người em của bố thì người chú giáp út rất hiếu thắng. Một lần, chỉ vì chuyện cái bút đẹp với không đẹp, chú đã đánh cho bạn mình đến chảy máu đầu. Buổi tối, phụ huynh của người kia đến nhà chửi xéo ông bà, nói là quân mất dạy, vô giáo dục. Ông gầm gừ nhìn chú rồi lẳng lặng ra vườn chặt cây mây, tróc vỏ mang về. Ông bắt chú nằm úp xuống sân, ngay trước mặt bác phụ huynh kia. Giọng ông sin sít: “Học làm người không học, muốn làm quân mất dạy hả? Tao đánh coi mày chịu nổi không mà mày đánh con người ta như vậy”. Rồi ông giơ cao cây roi lên, thẳng tay vụt tới tấp xuống. Chú tôi khóc thét lên, van nài ông tha tội. Mọi người thì sợ hãi đứng nhìn, không ai dám vào can.
Kể từ đó, mỗi khi các con phạm lỗi bất kể lớn hay nhỏ, ông đều dùng cây roi mây để giáo huấn. Bố tôi cũng bị ông đánh một lần vì bất cẩn để lửa bén ra ngoài khiến bếp bị cháy. Mọi người trong xóm bảo ông ác. Nhưng ông chỉ tặc lưỡi: “Mỗi cây, mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh. Không ác với chúng thì sau này chúng sẽ ác với đời thì ai chịu”?
Sau này, khi con cái đã khôn lớn, ông không dùng roi mấy để trị nữa. Nó được chuyển giao cho bố tôi và các chú.
Lần tôi bị bố đánh đầu tiên và cũng là duy nhất là năm tôi học lớp 4. Khi tan học, tôi không về nhà ngay mà ra sông tập trận cùng lũ bạn trong lớp. Đến tối mít tôi mò về thì mọi người trong nhà đang dáo dác đi tìm. Bố rất giận nhưng vì mới lần đầu phạm lỗi nên bố chỉ dứ dứ cây roi vào người rồi nhắc nhở. Tôi cũng hứa với bố sẽ không tái phạm nữa. Nhưng đến hai ngày sau, tôi lại ham chơi quên mất giờ về. Lúc bố lôi vào nhà, tôi vừa khóc vừa mếu máo nói lí do thăm bạn ốm ở xóm bên nên mới về muộn như vậy. Nhưng thật xui xẻo cho tôi bữa đó, đúng lúc bố tôi định tha tội thì người bạn kia tung tăng chạy qua nhà mượn sách mà không có biểu hiện của ốm đau. Biết tôi nói dối, bố càng giận hơn. Mặc cho tôi van nài khóc lóc, bố tôi vẫn lấy cây roi mây treo trên cột xuống rồi ấn tôi nằm sấp xuống nhà. Giọng đanh thép, bố tôi nạt: “Mới tí tuổi đầu đã học thói dối cha, lừa bạn. Như vậy sau này còn ai tin tưởng nữa, hả”? Vừa dứt lời thì lằn roi mây từ tay bố cũng hằn lên trên mông tôi. Rồi liên tiếp những roi thứ hai, thứ ba. Khi tôi tru lên khóc thì bố quát: “Im”. Sợ hãi, tôi bặm môi lại thật chặt. Từng tiếng ư ử giữ lại ở cổ họng. Bố lại rành rọt từng tiếng: “Oan ức lắm mà khóc hả? Khi sinh ra, mày đã khóc còn mọi người đã cười. Bây giờ mày phải sống sao cho đến khi nhắm mắt nằm xuống, mày sẽ cười còn mọi người sẽ tiếc thương mà khóc chứ”. Rồi lại thêm tiếng vun vút bổ xuống. Tôi nhắm nghiền mắt lại nhưng lần này nhẹ tênh. Tôi he hé mắt, ngoái lại sau nhìn. Ông nội tôi đang chắp tay đứng bên cạnh bố. Tôi làm bộ khóc to lên.
Sau lần ấy, tôi không dám phạm thêm lỗi nào nữa. Và theo thời gian, cây roi mây cũng đã cùng tôi lớn lên với những bài học làm người bố dạy. Hình ảnh vết hằn của làn roi mây đã luôn bên tôi, cả trong những tháng ngày tôi xa quê sống giữa đất Sài Gòn náo nhiệt. Tự sâu thẳm lòng mình, tôi vẫn luôn trân trọng, cảm ơn những lằn roi ấy. Nó đã luôn nhắc tôi phải sống tốt giữa những bon chen, toan tính của phố phường.
*****
Nhưng tôi đã trở thành người thất hứa với bà nội của mình. Với hai năm quay cuồng giữa cuộc sống phố thị, nhiều khi quay quắt nhớ nhà nhưng những nỗi lo của đời sống thường ngày lại cuốn tôi lao đi. Vậy nên những lời hứa về thăm nhà, thăm bà nội lại đành bỏ ngõ. Giá như khoảng cách giữa Sài Gòn và Thái Bình chỉ là một bước chân thì hay biết mấy.
Chiều nay đi làm về, mẹ lại gọi điện vào. Bà ốm nhưng vẫn cố đi ra đầu ngõ đứng ngóng chuyến xe Bắc- Nam chạy qua nhà. Cây roi mây trong tay của bà như run rẩy. Tôi đã như chết lặng khi nghe mẹ nói vậy. Hai từ xin lỗi, tôi cũng thể bật ra như mọi lần. Phải hồi lâu sau, tôi mới bật ra được tiếng nấc:
- Vâng, sáng mai con sẽ về. Chắc chắn là như vậy. Mẹ nói với bà vào nhà nằm dưỡng sức, để mai con về, bà quất cho con vài roi, mẹ nhé…

Phạm Tử Văn
Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (138) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (5) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) Đan Ngọc (2) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đặng Toán (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (30) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Bích Hà (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (3) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (33) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (52) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (26) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Minh Anh (1) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (30) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (7) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (34) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) Stephen Crane (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (619) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) Tân Vương Huy (1) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3149) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (103) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (528) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (17) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (17) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (2) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2478) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (13) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------