Nhà văn Đào Phạm Thùy Trang
Đã đi mấy tiệm làm tóc quen, nhưng tiệm nào cũng đông khách khiến chị đâm nản. Mái tóc cần cắt gọn, bộ móng tay cũng cần làm sạch sẽ, vì ngày mai chị sẽ nhận việc làm mới, thay cho cả năm nay nằm vùi để khóc một mối tình. Rồi chị ghé vào spa Thu Tâm, một mặt bằng rất sang chảnh mà lâu nay chị không dám ngó.
Mối tình của chị đẹp như thơ, bởi là tình đầu của nhau rồi đi đến hôn nhân. Nhưng sau mười năm chung sống đã chia tay lãng òm bởi chị mắc chứng suy giảm nội tiết tố mà chồng thì không chấp nhận thực tế đó. Anh cho rằng chắc chị từng lén anh chơi bời đâu đó nên giờ sinh ra bệnh tật. Mà nói anh bỗng dưng buông tay chị cũng sai, bởi anh đã từng đi cùng chị tìm các bác sĩ từ nam chí bắc, từ tây y đến đông y nhưng để gom về cả bao thuốc rồi lại nhận cái lắc đầu “do cơ địa”. Rồi có một vài bà lang tận vùng núi Tây Bắc được mách là chữa vô sinh đại tài, chữa bệnh phụ nữ chỉ trong một nốt nhạc bằng các loại cây lá ngoài rừng rất chi là lành tính, không tác dụng phụ.
Anh cũng đưa chị tới, xin nghỉ phép năm rồi đến nghỉ không ăn lương để đưa vợ đi đến hết lời mách bảo. Nhưng rồi tất cả cũng chỉ là khả quan rồi chựng lại, cái kiểu hiệu quả của hi vọng ấy mà.
Tóc chị bắt đầu rụng và bạc trắng ra, có đêm ngủ dậy bạc cả mảng bằng bàn tay xòe. Người ta bày gội cỏ nhọ nồi, tóc sẽ đen như mun, mà ở thành phố thì tìm đâu ra cỏ mực? Vậy mà anh cũng nhờ bè bạn rồi đăng tin lên mạng xã hội, cỏ mực được gửi đến chục ký trong nhà. Chị gội cỏ mực, tắm cỏ mực, sắc cỏ mực uống như trà nhưng kết quả là… da đen trước tóc.
Anh bắt đầu nản trước người vợ mới ngoài ba mươi mà tâm tư “khô như ngói”, có nhiều đêm nằm bên nhau, ham muốn đàn ông tuôn rừng rực nhưng cơn đàn bà của vợ như lặn sâu dưới đáy đại dương, khơi gợi cách mấy cũng không cùng cảm xúc. Chị cũng cố gắng lắm, cố gắng cho vồng lên cho cơ thể mềm đi, cho hơi thở dồn lên, cho má hồng môi đỏ nhưng tất cả chỉ là giả tạo bởi không hiểu sao xúc cảm chẳng tràn về. Chồng chị giận hơn, bảo anh đã hết lòng tại sao vợ còn giả vờ như thế. Ừ thì cứ nói là không chiều chồng được đi, chứ giả vờ làm chi, mọi sự giả dối đều không giống sự thật. Chị khóc, nói mình đã cố gắng hết sức, giả vờ thì không hẳn là giả vờ nhưng cố làm chồng vui thì phải cố gắng.
Chồng chị hậm hực gọi vợ là “xác sống” rồi một ngày anh ấn vào tay chị tờ đơn ly hôn lý do “không hợp nhau”. Chị không trách chồng, bởi biết khi đã không làm vợ được thì còn ràng buộc nhau làm gì. Nhưng chị đau, nỗi đau đời mình bất hạnh. Cõi lòng chị lạnh buốt vì đàn bà mới ngoài ba mươi mà đã thành “phế tích”.
Ngày ra tòa, chị cúi đầu trước chủ tọa như tên tội phạm và chấp nhận hết mọi yêu cầu, đề nghị của chồng. Ừ thì, một chút nữa thôi, bước qua khung cửa này, anh sẽ là “chồng cũ”. Thì còn cân đong đếm tranh luận với nhau làm gì. Căn nhà anh để lại cho chị và con, sổ tiết kiệm trăm triệu anh cũng để chị đứng tên. Nhưng đổi lại anh sẽ không cấp dưỡng, không muốn liên lạc nữa, sẽ xem nhau như người xa lạ vì một người đàn bà khác rất nồng nàn đang chờ đón anh về.
Chị lặng thinh trong căn nhà rộng. Không ngủ, chẳng ăn, mắt luôn đau đáu lên trần nhà vì không biết mình phạm tội gì mà cuộc đời quá khắc nghiệt. Con học bán trú nên không phải lo gì, lâu lâu mẹ chị còn rước cháu giùm, cho nó ăn uống ngủ nghỉ bên nhà bà để mong chị “rảnh tay” mà nghỉ ngơi.
Nhưng rồi mẹ chị phát hiện ra con gái mình mắt thao láo ngây ngây, nói năng câu nọ xọ câu kia không ra chủ ý. Hốt hoảng, bà đưa con gái đi bệnh viện mới hay chứng trầm cảm vừa ghé thăm.
Mẹ chị hốt hoảng đưa con gái và cháu ngoại về nhà mình tá túc để có hơi người mà chống lại cơn khủng hoảng đang hoành hành tâm trí. Mẹ giúp chị xin nghỉ việc để điều trị một lúc hai chứng bệnh.
Lòng mẹ bao la, vừa thang thuốc, vừa tẩm bổ và trò chuyện ngày đêm nên dần dà chị đã lấy lại tình thần, để biết rằng dù người ta có lìa xa mình nhưng thế giới vẫn sống; mình dại dột chết đi thì hoa lá trên đời này vẫn xanh tươi.
Chị bắt đầu sống, đi học khiêu vũ, tập gym, liên lạc bạn bè để lấy lại vóc dáng và niềm vui để không bị lạc hậu sau nhiều tháng nằm với bốn bức tường.
Rồi bỗng dưng chị phát hiện cơ thể mình nóng bừng trước hình thể của một nam học viên phòng đối diện qua khung cửa kính của phòng gym. Cái nắm tay của vũ sư cũng khiến chị rụt rè và một sự thèng thuồng đàn bà bỗng dưng quét qua lòng chị.
Rồi chị chăm chút hơn cho quần áo, giày dép… Một lô đồ trang điểm, nước hoa cũng được tha về.
Chị bắt đầu tìm tới các tiệm nail, đắp mặt nạ, giũa bộ móng sơn vài màu xanh đỏ… Rồi làm hồ sơ xin việc làm mới bởi cả năm nay không đi làm, chỉ ăn nghỉ và trị bệnh thì đã mòn khá nhiều tiền rồi.
Cô gái trẻ có bộ mi cong vòng và chiếc môi đỏ chót của tiệm spa hỏi khẽ:
- Chị xông mặt nhé?
- Xông sao em?
- Nước nóng xông cho lỗ chân lông nở ra, đắp mặt nạ sẽ lấy hết mụn cám, còi mụn…
- Ừm…
Chị không biết nên gật hay lắc vì thật ra vụ xông mặt chị chưa một lần trải nghiệm.
Cô gái mời chị nằm nhích lên để máy xông phả hơi vừa tới. Rồi một làn hơi ấm nhẹ thơm mùi là dứa phả vào mặt chị. Hơi nước mỏng lắm, mỏng như sương vậy nhưng rất ấm và thơm. Cô gái ân cần:
- Xíu nữa chị lại nghiêng qua mặt bên kia cho hơi nước xông đều nha chị!
Cô dặn vậy là để cô đi làm cho khách khác đấy.
Chị nằm im nhìn lên trần nhà, những hình ảnh miếng dán trần nhà thật vui mắt của câu chuyện “con cáo và chùm nho” đủ màu mè. Này là giàn nho cao lúc lỉu có chùm nho màu nâu tím. Này là con cáo cố kiểng chân nhưng không vói tới. Bức kia là con cáo quay lưng đi và lẫm bẫm “nho còn xanh lắm”.
Chị bật cười cho lời của con cáo. Thật ra nho có xanh đâu, nhưng do nó vói không tới nên phải tự an ủi mình thế thôi. Cũng như chị, thật ra chị có hết yêu chồng đâu, nhưng cuộc đời trêu đùa nên phải vậy.
Cơ mặt chị như dãn ra từng milimet, thơm mịn vì mùi lá dứa. Muốn có lời cảm ơn ai đó đã chế tạo ra chiếc máy xông mặt này vì hơi nước mỏng và độ nóng ấm vừa đủ chứ chẳng phải quá hốc như máy nước nóng nhà tắm, cũng chẳng quá lạnh như máy phun sương.
Từng thớ thịt dãn ra, nghe như bao nhiêu bụi bặm, khói xe, nắng nôi cũng trôi theo cùng. Người đời nói chẳng sai, mùi hương có một quyền lực thật ghê gớm, nó làm lồng ngực nở ra để hít thật sâu vào, hít càng sâu, tầng hương thẩm thấu càng dày thì nỗi đau quên đi, niềm hứng khởi tràn về.
Chị nghe nỗi lòng giãn ra đôi chút rồi suy ngẫm. Ừ thì chồng bỏ vì bệnh tật đấy. Nhưng rồi ta chết không? Chắc chắc chắn không nhưng điên điên thì có đấy. Sau điên thì sao? Thì… uống thuốc, rồi cũng phải tỉnh mà đi làm nuôi thân, nuôi con chứ chẳng có ai chết vì chồng bỏ cả. Nhưng lạnh thì lạnh lắm, cái lạnh của cõi lòng sẽ không có chăn mền hai máy sấy, than củi nào hong cho ấm được. Cái lạnh của bất kể trời nóng 38 độ mà nhìn vợ chồng nhà hàng xóm tíu tít bên nhau nó sẽ cồn lên trong lòng nỗi đau như cắt. Đêm về trong mấy lớp chiếu chăn thẫn thờ nhìn màn hình tivi đang chiếu bộ phim tình cảm rồi chợt thắt lòng khi thấy nam nhân vật ẳm nữ nhân vật bệnh tật đi qua con đường gồ ghề đá sỏi.
Một vệt mồ hôi hình như đang rơi xuống cho mắt chợt xót xa. Ừ mà cũng không biết là mồ hôi hay nước mắt, chỉ nghe mặn và xốn xang từ khóe mắt đến cõi lòng.
Chị lại nghiêng qua phía bên kia mặt, làn hơi thơm ấm của máy xông lại phả ra đều đặn nhẹ nhàng, cơ hồ như là mồ hôi cũng bắt đầu rịn ra, chảy xuống cổ nghe nhồn nhột.
Cô gái nhân viên spa đến bên, ấn “tách” chiếc máy xông rồi sẽ sàng lau mặt cho chị. Mùi bạc hà trong chiếc khăn lau lại mang đến một luồng cảm giác mới. Thanh khiết và tươi mát quá. Chị bảo cô gái lau chậm một chút, cho chị hít thêm lần nữa mùi bạc hà này. Cô cười “Chị thích à, tinh dầu thật chứ không phải mùi hóa học đâu ạ”. Ừ thì tinh dầu thật mới nhẹ nhàng thơm tho như thế, như việc gì thật khi đối diện cũng sẽ nhẹ lòng hơn quanh co giả dối.
Chị nhắm mắt lại, bàn tay mềm mại của cô gái đang lướt nhẹ trên mặt chị, rồi day ấn huyệt nào đó thật lành nghề bởi chị nghe khuôn mặt mình giãn ra, giãn ra… nỗi lòng cũng ấm lại vì dư âm hương thơm và ấm áp của chiếc máy xông trong căn phòng sang chảnh này.
Đ.P.T.T