Thủy một bên, Hào một bên. Đứa con nhỏ nằm ở giữa. Thằng bé bụ bẫm, chân tay có ngấn, có khấc. Nó hết quay sang Thủy laị quay sang Hào. Rồi có lúc miệng nó thì ngậm vú Thủy còn một bàn tay thì sờ soạng lên chiếc cằm nham nhám những sợi râu chưa cạo của Hào. Nó làm thành chiếc gạch nối khắng khít giữa hai vợ chồng cô.
Giữa khung cảnh ngọt ngào hạnh phúc đó, Hào quàng tay, luồn dưới cổ, làm gối cho Thủy gối đầu. Anh vừa kéo mặt Thủy quay về phía anh và định nghé môi hôn thì bỗng hai cánh màn từ từ mở ra rồi một người đàn bà đầu tóc xõa xợi, không nói không rằng cứ đứng nhìn trừng trừng vào hai vợ chồng Thủy. Thủy kêu rú lên:
- Ối, ối… Chị Diệp Mỹ… Chị Diệp Mỹ…
Diệp Mỹ thét lên cười sằng sặc, một giọng cười mà chưa bao giờ Thủy nghe thấy ở chị ấy. Cười một thôi dài, Diệp Mỹ mới nghiêm khắc nói:
- Lệ Thủy! Cô nhìn thẳng vào tôi đây này. Thân tàn ma dại lắm phải không? Cô cướp người yêu của tôi… Rồi cô lừa dối anh ấy… Cô trả lại Hào cho tôi… Trả lại đi… Trả lại…
Sau đó Diệp Mỹ quay sang nói với Hào:
- Còn anh nữa. Có biết hối hận không mà nhìn tôi trừng trừng thế này?... Anh phản bội tôi đã đành nhưng rồi chính anh cũng bị phản bội, anh đã biết chưa? Cái đứa con mà anh đang âu yếm, đang coi là hạnh phúc số một của đời anh kia, đâu có phải là con anh… Đâu có phải là con anh! Nghe chưa.
Thủy thấy mặt Hào tái lại, giọng run run hỏi lại:
- Vậy nó là con ai?
Nghe câu hỏi ấy Diệp Mỹ cười phá lên, tiếng cười nghe man rợ hơn lúc trước:
- Con ai anh không biết sao? Anh viết báo thì giỏi, nhận xét việc đời khá sâu sắc, thế sao trong chuyện này anh lại khờ khạo đến thế. Anh nhìn cái mũi, cái miệng thằng bé xem nào. Nào xem đi!
Nói rồi, Diệp Mỹ nhảy bổ vào giường lôi thằng nhỏ ra, thô bạo vạch mắt, vạch mũi, vạch miệng nó ra cho Hào nhìn kỹ từng thứ một.
Cho rằng Diệp Mỹ hành hạ con mình, Thủy dẫy dụa rồi la toáng lên:
- Ối, ối… cứu tôi với… cứu tôi với…
- Kìa, em… em… làm sao đó?
Thủy nghe rõ có tiếng Hào gọi cô và sau đó là tiếng bàn tay của anh đập đập lên người. Cô mở choàng mắt ra. Bấy giờ cô mới hoàn hồn và hiểu rằng mình vừa trải qua một giấc mơ khủng khiếp. Cô nhìn Hào mà tim vẫn còn đập một cách bất bình thường. Thấy ngọn đèn trên bàn làm việc vẫn còn tỏa sáng, Thủy âu yếm hỏi chồng:
- Anh chưa nghỉ à? Mấy giờ rồi anh?
Hào vuốt tóc vợ:
- Mới hơn mười một giờ. Anh cố thức để viết cho xong bài báo. Thôi em ngủ tiếp đi.
Hào trở lại bàn làm việc của mình. Còn Thủy từ lúc đó không thể nào ngủ được. Cô biết giấc mơ vừa qua chỉ là một biểu hiện cụ thể của những dày vò mấy tháng nay kể từ ngày cô và Hào làm lễ cười và cũng là hôm Diệp Mỹ chết. Lâu nay trong quan hệ vợ chồng, Thủy luôn luôn mang tâm trạng mình là một kẻ phản bội, một người vợ không đáng nhận được bất cứ một sự săn sóc nào của chồng.
Cô thấy cô có tội với nhiều người. Người mà cô có tội nhiều nhất lại là Hào. Ôi, giá anh cứ đối xử phũ phàng với cô, cứ vũ phu với cô như nhiều người đàn ông vũ phu khác sau khi chiếm đoạt được các cô gái một cách dễ dàng có phải hơn không. Đằng này anh vẫn cứ tôn trọng cô, vẫn cứ yêu thương cô. Lắm lúc cô cứ day dứt là không hiểu anh có phải hoàn toàn không hề biết gì về cái quan hệ cũ giữa cô với Năm Trắc hay không hoặc có biết nhưng vì đại lượng, vì vị tha mà anh bỏ qua cho cô? Có một hôm trước lúc đi chợ anh nói với cô thế này:
- Ông Năm Trắc là người không tốt!
Cô giật thót người và trái tim đau nhói một cái. Không tốt là sao? Hay là có người nào đó vừa nói với anh về cái điều ấy.
- Ý anh nói gì em không rõ?
Thủy hồi hộp chờ câu trả lời. Hào nghiêm trang:
- Anh nói không tốt là lâu nay ông sử dụng cái chiêu bài đổi mới, cái chủ trương “nói thẳng nói thật” là vì mưu đồ riêng, là nhằm đánh gục ông Tám Hữu.
À ra thế, lúc đó Thủy mới yên tâm mà cầm giỏ đi chợ.
Lại một lần khác, Hào khoe với Thủy rằng sáng hôm nay đi ngang qua tóa án tỉnh thì bà Chín lao công từ trong sân chạy ra ngoắc tay rủ anh vào xem tòa án xử. Tưởng có chuyện gì anh cũng ghé vào hóa ra đó là vụ xử ly hôn với lý do người chồng nghi ngờ người vợ ngoại tình mà đứa con đẻ ra là con ông anh rể chứ không phải con anh ta. Còn người vợ thì không chịu, chỉ bảo đó là con của chồng. Bữa đó tòa cũng chưa xử dứt được vì còn chờ ý kiến của bên pháp y phán quyết xem đứa con đó chính thức là con ai.
Hào kể chuyện tỉnh khô, cứ như chuyện đó không bao giờ có thể liên quan đến anh được. Nhưng Thủy nghe xong lại ớn cả người. Cô tự đặt câu hỏi: Vì sao bà Chín lại rủ anh Hào vào dự cái phiên tòa ấy. Rõ ràng là có ý đồ gì đây. Sau đó, theo như lời Hào kể, thì bà Chín lại còn hỏi anh: “Nếu gặp trường hợp anh thì anh sẽ xử sự ra sao?” Hào trả lời thành thật rằng: “Anh không chấp nhận được sự dối trá, sự phản bội trong tình yêu. Nhưng nếu lỡ có bề gì, nói toạc ra, anh sẵn sàng tha thứ”.
Thủy xao xuyến về câu nói đó và từ đó về sau, câu nói đó cứ ám ảnh cô, dày vò cô. Hào không chấp nhận sự dối trá. Rõ ràng trong thời gian qua, cô đã lừa dối anh. Hào sẵn sàng tha thứ nều một khi có lỡ bề gì, vậy cô có nên nói toạc cái điều ấy ra với Hào không? Nói. Cô sẽ nói! Nhưng mà thôi, cứ giữ kín lấy được ngày nào hay ngày ấy. Bởi ai nỡ nói ra cái điều khủng khiếp ấy khi mà sống bên cô lúc nào anh cũng nhìn cô bằng con mắt tin tưởng tuyệt đối. Ai mà nỡ nói ra khi đêm nào anh cũng đặt tay lên bụng cô mà nói lên những điều ao ước của một người cha đặt vào đứa con đầu lòng. Nào từ cái tên đặt cho nó. Nào là cách thức giáo dục dạy dỗ cho nó nên người. Nào là những dự định, những kế hoạch chi tiêu cho ngày “nằm đấy” của Thủy nữa. “Thằng bạn anh làm lâm nghiệp hứa gần đến ngày em sanh sẽ tặng cho chúng ta hai bao than để em sưởi”. Rồi: “Có lẽ em phải tập uống rượu đi để sanh đẻ xong còn phải uống rượu thuốc mà má đã cho ngâm từ bây giờ…”. Rồi: “Em ạ, chúng mình nghèo thì nghèo cũng phải cố làm sao cho con chúng ta lớn lên nó không phải gặp những cái thua thiệt mà ba má nó phải chịu…” vân vân… Cẩn thận hơn, Hào còn đến nhà in nhờ người ta đóng cho một cuốn sổ bìa cứng cũng khá trang trọng. Đưa cuốn sổ cho Thủy, Hào nói như một chỉ thị: “Em hãy ghi vào cuốn sổ này tất cả những gì liên quan đến con chúng ta từng ngày một. Ví dụ ngày hôm nay nó nóng sốt ra làm sao. Ngày khác mọc răng nó quấy khóc thế nào”. Anh còn ngượng nghịu khoe với cô: “Anh sẽ làm những bài thơ về nó, cho nó…”. Ôi, tóm lại, đứa trẻ trong tương lai, cái sinh vật nhỏ nhoi hiện nay còn đang im lặng nằm trong bụng Thủy là cả một niềm hy vọng, một sự chờ đợi lơn lao của Hào. Nếu mất nó, Thủy không biết Hào sẽ sống ra sao? Và nếu nó không mất nhưng một khi Hào biết nó là của “dởm” thì không biết sự căm thù của anh sẽ bật dậy mạnh mẽ, khủng khiếp đến thế nào…
Có lẽ, Thủy phải nói thật với Hào. Nói hết. Nói tường tận, chi ly và không chút giấu giếm. Rồi sự việc muốn ra sao thì ra. Anh giết Thủy, giết cả đứa bé trong bụng Thủy cũng được!
Lại một ý nghĩ khác lóe lên: Hay là cô lén lút đi phá thai. Phá xong rồi nói dối anh bị sẩy. Có thể thế lại hay, nhưng lập tức cô thấy không nên làm thế. Cô vẫn bị mang tội dối trá… tội phản bội. Nghĩ đi, nghĩ lại, cuối cùng, cô thấy cô nên nói hết sự thật nhưng không biết nên nói ngay sau đây không hay là chờ dịp khác.
Hình như Hào đã viết xong bài báo. Bằng cớ là cô thấy nghe thấy anh đậy nắp bút lại. Cô hồi hộp chờ Hào đến nằm xuống bên cô.
- Em vẫn chưa ngủ được à?
Hào sờ tay lên trán vợ.
Giá như mọi khi thì Thủy đã kéo cái bàn tay ấy của anh xuống miệng và đặt lên nó những cái hôn nồng nàn nhưng lần này thì khác, cô không muốn làm thế.
- Lâu nay chú Năm có nói gì với em không?
Thủy lại giật mình. Anh lại đem chú Năm ra đây làm gì? Hay là ai đó đã nói với anh. Một lần nữa Thủy lại tỏ ra cứng rắn:
- Không! Nhưng mà có chuyện gì thế anh?
- Chuyện đăng bức thư của ba tố giác thằng Mười Khên ăn hối lộ ấy mà!
Thủy ngồi nhổm dậy. Xưa nay cô chưa hề nghe nói chuyện này, không khéo lại lôi thôi đến cô.
- Chuyện ba gởi thơ về tố giác hối lộ à? Sao, anh nói lại cho em nghe đi, anh…
Hào kéo vợ nằm xuống…
- Em hãy bình tĩnh.
Hào đã kể lại cho Thủy nghe nội dung bức thư và sự thúc ép của Năm Trắc bắt Tám Hữu phải đăng. Rồi anh nói về hoàn cảnh gia đình của Mười Khên, về ông anh bà chị đầy quyền lực của y. Nghe xong Thủy không kềm được nỗi lo sợ đã phải lồm cồm bò dậy, chạy ra ngoài, bật đèn sáng choang lên rồi băm bổ:
- Chú Năm giết em rồi… Ôi! Khốn nạn quá!
Hào gắt lên với vợ:
- Sao em lại nói thế?
Thủy:
- Nói thật với anh. Lâu nay chú Năm đã giấu ém chuyện ba em vượt biên với mọi người kể cả với tổ chức. Chính vì thế mà em mới được vào làm tòa soạn báo chính tông Cách mạng này và cũng chính vì thế mà em mới có thể đi đứng nói năng đàng hoàng với mọi người, với các cơ quan. Nay ông ấy vạch ra như thế này thì em còn dám ăn nói làm sao. Đó là chưa kể đến cái nỗi: Ông Ba Khắc biết việc ba em làm thế thì đời nào ông không đánh đập, trù ếm em. Như vậy em làm sao ngóc đầu lên được hả anh? Khổ, anh thấy không, từ nhỏ đến giờ em chỉ muốn làm một người tốt mà thấy khó quá anh ơi… khó quá…
Thủy gục đầu xuống bàn khóc nức nở. Hào an ủi vợ:
- Em đừng nghĩ ngợi nhiều quá ảnh hưởng không tốt đến cái thai trong bụng. Anh nghĩ em không việc gì phải sợ cả, miễn là cứ sống và làm việc cho thật tốt thôi. Đã qua rồi cái thời cha làm bậy con phấn đấu suốt đời không ngóc đầu lên được. Cũng qua rồi cái thời con cái người tố giác bị kẻ có tội hành hạ, đàn áp…Em cứ yên tâm đi…Em không có gì phải sợ cả…
Thủy ngẩng mặt lên. Mắt cô đỏ hoe nhưng giọng nói còn rắn rỏi hơn trước:
- Nhưng dù sao, qua chuyện này anh cũng phải thừa nhận rằng ông Năm Trắc là người không tốt. Ông ấy muốn làm hại em…
Hào xoa dịu vợ:
- Em đừng nghĩ về chú Năm như thế mà tội nghiệp cho ổng.
Thủy xì hơi, cười khẩy:
- Anh đừng có bênh… Ổng làm việc chẳng bao giờ vì việc chung đâu mà toàn vì cái cá nhân nhỏ bé của ông ấy thôi. Em còn lạ gì nữa. Đó là một thằng cha cơ hội, một kẻ khốn nạn, một con rắn độc…
- Thủy, em không được ăn nói hỗn láo như vậy!
Thủy nằm vật xuống giường, khóc lóc lăn lộn. Cô vẫn nói trong cơn xúc động cao độ:
- Em xin lỗi anh… Em khinh bỉ, em căm ghét thằng cha đó… Em khổ điêu đứng vì ông ta nhiều rồi… Đêm nay, trước mặt anh, trước tấm lòng cao quý của anh, em xin anh được cho em nói hết những điều u uất trong lòng em, những điều lâu nay em giấu giếm anh, thậm chí đã lừa gạt anh… Em khổ lắm anh ơi…
Hu... hu… Thủy lại vật mình lăn lộn, khóc nức nở trên giường…
- Hai con làm gì mà um sùm lên vậy? Không để bà con hàng xóm còn ngủ ngáy à…
Bà Tám Thình từ nhà trên hỏi vọng xuống.
Thủy chợt nhận ra cô đã phạm một sai lầm rất vô văn hóa trong một gia đình xưa nay được bà con khu phố coi là có văn hóa nhất.
Cô đã im bặt không nói nữa. Từ đó tới sáng cô chỉ ngồi dựa lưng vào vách tường, không nói không rằng, mặc cho Hào năn nỉ cô đi ngủ.
(Hết chương 26)