-
“Đi khỏi đây mau! Cút đi cho khuất mắt tao. Đời tao coi như bất hạnh khi đẻ ra
đứa con gái như mày.”- giọng bà Hằng rít lên trong cổ họng nhưng âm thanh đủ to
để hàng xóm nghe thấy cái ngữ điệu chua lét của bà. Trước mặt bà, cô con gái
mười tám tuổi với cái bụng hơi lồ lộ dưới lớp áo sơ mi đang quỳ sọp dưới đất.
Nước mắt giọt ngắn giọt dài, cổ họng như bị chẹn đứng, cô lê đôi chân yếu ớt
của mình đến lay gấu quần bà Hằng van xin.
- Mẹ, xin mẹ tha
lỗi cho con,…con làm gia đình mình phải mang tiếng nhục. Nhưng...nhưng…mẹ ơi,
con khổ lắm, con đau lắm...con...con....
- "Mày im đi.
Giờ mày còn nói được những lời đó à? Mới tí tuổi đầu đã muốn biết sướng thì giờ
phải chịu khổ là đúng rồi. Tao với bố mày kiếm tiền khó nhọc cho chúng mày ra
đường không bị kém chị kém em. Để bây giờ mày trả hiếu cho bố mẹ bằng nỗi nhục
như thế này, mày coi có được con mắt không?" - sự tức giận khiến bà Hằng
thốt ra những lời nói vượt quá sức tưởng tượng của người nghe. Bên phòng khách,
ông Văn ngồi lặng yên trên ghế sô pha rít thuốc. Khói bay mù mịt nhưng không
làm ông thay đổi sắc mặt. Dường như những gì ông đang chứng kiến đã ghim đôi
mắt ông vào một điểm duy nhất trên bức tường – bức ảnh gia đình ông chụp chung
hôm Yên nhận phần thưởng cuối khóa với bó hoa ly rực rỡ cùng nụ cười tươi rói.
Xung quanh bức ảnh, gần cả trăm bằng khen của Yên mà ông Văn nâng niu và giữ
gìn như báu vật lần lượt đưa ông trở lại từng mốc thời gian hạnh phúc. Để giờ
đây, nhìn cảnh con gái khóc lóc trước những lời đay nghiến của vợ, ông đau đớn
như thế bị ai đó dùng dao cứa từng nhát vào trái tim mình. Có lẽ ông sẽ ngồi
như thế cho đến chiều, đêm, khuya hay thậm chí là sáng mai, trưa mai nếu bà
Hằng không đang to tiếng rồi tự dưng ngã lăn quay xuống sàn nhà, bất tỉnh.
Đã mấy hôm kể từ
khi bà Hằng vào viện, Yên vẫn không dám vào thăm mẹ mình. Túc trực bên giường
bệnh chỉ có ông Văn và Bình – anh trai của Yên. Bình tốt nghiệp đại học rồi ở
lại ngoài Bắc làm việc. Năm hết tết đến, Bình mới vào thăm nhà. Nhưng lần này, nghe
ông Văn báo tin, Bình tức tốc đặt vé bay vào, bỏ lỡ những công việc còn đang
ngổn ngang.
Thấy vợ vừa cựa
mình, ông Văn đã chạy đôn chạy đáo đi gọi bác sĩ. Đứng cạnh mẹ, Bình vuốt nhẹ
những mớ tóc lòa xòa vương trên mặt bà Hằng. Anh dùng bàn tay còn lại xoa bóp
hai cánh tay cho bà Hằng đỡ mỏi. Vừa mở mắt, nhìn thấy con trai bà Hằng đã toan
vùng dậy ôm lấy Bình nhưng mớ dây truyền dịch đã ngăn bà lại. Nước mắt lưng
tròng, bà nắm lấy tay Bình tha thiết.
- Bình, làm thế
nào bây giờ hả con? Mẹ chán nản quá, còn mặt mũi nào mà nhìn bà con, xóm
giềng…?
- Mẹ hãy bình
tĩnh, có con và bố ở đây, hiện tại sức khỏe của mẹ là mới quan trọng, mẹ…
- “Làm sao mẹ bình
tĩnh được, đứa con gái hư hỏng, mẹ thà không có còn hơn” – bà Hằng cắt ngang
lời Bình.
- “Mẹ, sao mẹ lại
nói vậy, dù sao em nó cũng là con của bố mẹ, là em gái của con” – Bình tỏ ra
bất ngờ khi nghe những lời mẹ mình thốt ra.
- Nhưng mẹ không
cần đứa con gái như thế, nó làm mẹ thấy nhục nhã.
- Mẹ!
Lần này, Bình thật
sự ngán ngẫm nhưng anh không nói gì thêm. Từ hôm về nhà, anh vẫn chưa gặp em
gái mình, điều đó khiến anh rối bời. Cả mấy ngày nay, sự im lặng của ông Văn
khiến Bình không thể hiểu được ông đang nghĩ gì nhưng với Bình, điều đó vẫn còn
tốt hơn là nghe những lời nói cay nghiệt mà bà Hằng vừa thốt ra.
Từ lúc biết nhận
thức, Bình đã hiểu mẹ mình không phải là người phụ nữ dịu hiền và bao dung. Mặc
dù bà luôn chăm chút, chiều chuộng Bình nhưng đã rất nhiều lần anh thấy giận mẹ
bởi những lời to tiếng bà dành cho ông Văn và cả đứa em gái mà Bình rất mực yêu
thương. So với em gái, Bình được bà Hằng thiên vị dù Bình không đòi hỏi. Bình
mơ hồ nhận ra, ẩn sâu trong vẻ mặt đon đả, ẩn sâu trong những lời nói ra vẻ dịu
dàng của mẹ mình là cả một niềm uất ức, cay đắng. Dù thế, Bình vẫn tin bà Hằng
chưa từng làm điều gì có lỗi với chồng, con, với gia đình. Ngược lại, bà tất
bật buôn bán, tất bật làm lụng kiếm tiền nuôi hai anh em Bình ăn học. Chính vì
lẽ đó, Bình vẫn rất mực yêu thương và quý trọng mẹ. Nhưng hôm nay, Bình rất
buồn vì những gì đang xảy ra với gia đình anh, Bình thật sự không hiểu tại sao
mẹ mình lại đối xử với em gái anh như vậy. Dường như, có điều gì đó khuất tất
đã từng xảy ra trong gia đình anh mà cả anh và Yên đều không biết.
Bác sĩ vừa đến, bà
Hằng vẫn còn lẩm bẩm chửi rủa Yên. Bình buồn bã lôi trong túi quần ra hộp thuốc
rồi châm lửa. Để ông Văn ở lại làm việc với bác sĩ, anh chậm rãi bước ngược ra
hành lang, dọc theo khuôn viên bệnh viện. Được dăm bước, Bình nghe tiếng ai đó
khóc nức nở. Nhìn trật sang phải, anh nhận ra bóng em gái mình đang nấp sau cột
trụ qua đôi giày cỏ anh từng tặng Yên.
- “Yên, Yên ơi”-
Bình hét lớn khi thấy Yên ôm mặt vụt chạy ra phía cổng. Dí vội điếu thuốc dưới
đế giày, Bình toan chạy theo và gọi Yên í ới mặc bao ánh mắt khó chịu đang
hướng về anh. Chưa kịp thấy Yên, Bình đã nghe tiếng la thất thanh của người đi
đường và tiếng ô tô thắng gấp ngay giữa dòng xe cộ đặc quánh. Đâu đó tiếng một
người đàn bà vang lên, “bớ bà con ơi, tông chết người, tông chết người, bớ bà
con ơi”.
Bình lao nhanh vào
xé đám đông. Khi anh vừa nghiêng đầu người phụ nữ đặt lên đôi tay rắn rỏi của
mình, những người xung quanh há hốc mồm ngạc nhiên: “Trời đất ơi, là một cô
gái”. Ai đó xì xào, “nhìn bộ đồ với cái nón lá, tui cứ tưởng là lớn lắm,
dễ chừng hơn năm mươi, ai ngờ mặt non choẹt, xinh thế”. Một người khác lại ngập
ngừng, “hình như…con bé có mang”. “Nhìn kìa, máu đang chảy ra, mau mau đưa nó
vô viện cấp cứu”.
Bình nhìn xuống
phía dưới, máu chảy lênh láng trên mặt đường, anh hốt hoảng nhấc bổng Yên lên: “Yên.
Yên. Anh trai đây! Em gái. Em gái tội nghiệp của anh. Ngoan. Em gái. Ngoan nào.
Đừng sợ.” – Bình dịu dàng nhìn em gái trấn an mặc dù lúc này, mắt Yên đã nhắm
nghiền và cơ thể cô hoàn toàn bất động..
Chưa kịp tách đám
đông, một người đàn ông lịch lãm trong bộ comple vội vàng níu lấy cánh tay Bình:
“Anh bạn, thật sự là xe của tôi chưa động đến cô gái. Nhưng cho phép tôi được
đi cùng anh vào viện”. Nhìn vẻ mặt chân thành của anh ta, Bình không từ chối
cũng không đáp trả, tất tả chạy vào bên trong dưới cái nắng gay gắt của một
buổi trưa tháng tám oi nồng.
Yên bị sảy thai.
Chiếc xe ô tô dừng đúng lúc cô ngã quỵ vì suy nhược cơ thể. Ông Văn và Bình dấu
bà Hằng, thay phiên nhau chăm sóc Yên đang nằm hồi sức cách phòng bà Hằng hai
dãy hành lang.
Những ngày
nằm viện, Yên đã tâm sự với anh trai, việc cô bị hãm hiếp sau khi cùng đám bạn
ôn thi đại học vào sàn nhảy dự sinh nhật một người bạn mới quen về. Vốn ngoan
và chăm học, Yên chưa từng tham gia vào các cuộc bù khú, nhậu nhẹt. Nhưng đợt
vừa rồi, bố mẹ tin tưởng cho vào Nam ôn và thi đại học cùng cô bạn
thân, Yên đã không thể chối từ những lời mời mọc rất đỗi chân thành. Oái ăm
thay, người khiến Yên mang thai chẳng phải ai xa lạ mà chính là cha dượng của
Nguyệt - người bạn thân đi cùng Yên. Nhân lúc Yên và Nguyệt say khướt vì mớ
rượu Tây, ông ta đã giở trò tàn nhẫn với Yên. Yên không hề hay biết điều đó,
không mảy may biết mình gặp nạn cho đến một hôm cô tâm sự với Nguyệt về sự khó
ở trong người mình.
Nghe Yên kể,
Nguyệt giật mình toát cả mồ hôi. Nhớ lại hình ảnh đêm hôm ấy, lúc Nguyệt đi vệ
sinh, ngang phòng của Yên và phát hiện ra một người đàn ông lõa lồ đang cấu xé
Yên. Cô toang hét lên thì nhìn kỹ, không ai khác lại chính là cha dượng của
mình – người đàn ông từng hành hạ thân xác cô khi mẹ cô vừa mất không lâu.
Nguyệt đau đớn ôm
bạn vào lòng nhưng Yên lại đẩy mạnh Nguyệt ra. Cô ngẩng mặt lên trời cười ha hả
như một con điên. Một con điên có đôi mắt đẹp long lanh, long lanh vì những
giọt nước đang tràn dần ra khóe mi. Cô đang khóc, khóc mà cười và đẹp đến vô
ngần. Tựa như con người cô vậy, dù cuộc đời có đem đến bao nhiêu nỗi đau, bao
nhiêu buồn phiền đi nữa thì tâm hồn cô vẫn sáng và lung linh như nước. Yên sẽ
không gục ngã như xưa nay cô vẫn thế, dẫu cho những người cô thương yêu và kính
trọng đối xử tàn nhẫn với cô như bà Hằng- mẹ cô.
Yên nhớ, không
biết bao lần cô bị mẹ đánh tàn nhẫn vì đi học về hơi muộn, vì quên nấu cơm, vì
nhỡ cười với một người phụ nữ xinh đẹp đến mua đồ ở cửa hàng nhà mình. Yên luôn
cho rằng, bà Hằng không thương Yên, coi Yên như là một đứa con rơi mà bà vô
tình nhặt được. Nhưng vì được ông Văn dạy dỗ nên đằng sau những tủi thân, mất
mát, Yên vẫn luôn coi trọng mẹ mình. Điều duy nhất khiến Yên luôn trăn trở đó
là tất cả những gì mẹ Yên đối xử với mình, ông Văn biết hết. Nhưng tuyệt nhiên,
chưa bao giờ ông đứng ra can ngăn hay bênh vực Yên dù đêm đêm, khi bà Hằng say
giấc, ông lại lặng lẽ vào phòng Yên, hỏi thăm Yên, xoa dầu vào những nơi Yên bị
đánh, hôn lên trán Yên và động viên Yên vượt qua được những mất mát mà Yên mang
trong mình. Lúc nào, ông cũng bảo với Yên rằng, mẹ rất thương con, chỉ vì mẹ
quá mệt mỏi với công việc, cha con mình phải cảm thông cho mẹ mà cố gắng sống
tốt hơn cho mẹ vừa lòng. Lúc nào, câu cuối cùng trước khi ông Văn rời phòng Yên
cũng là, “tất cả là lỗi ở bố, con đừng buồn mẹ, nghen con”. Dù không hiểu điều
ông Văn nói nhưng Yên cảm nhận, dường như ông Văn đang phải cố gắng nín nhịn
điều gì đó. Nhưng vì yêu thương bố mình, Yên đành chấp nhận tất cả.
- “Đừng khóc nữa
em gái, anh và bố sẽ giải quyết chuyện này” – câu nói của Bình cắt ngang dòng
suy nghĩ của Yên. Cô lấy vạt áo quẹt vội hai khóe mi rồi nhe răng cười với
Bình:
- Anh thấy
bộ đồ em mặc đẹp không nè?
- Nhắc mới nhớ.
Sao nhóc lại mặc bộ đồ kì dị thế này? Lại cầm thêm cái nón lá nữa mới ghê chứ?
Anh nhận ra nhóc qua đôi giày, không thì…- Bình chép miệng, lắc đầu khi nhìn
lại bộ dạng Yên.
- Mặc thế này, sẽ
không ai nhận ra…em là con của mẹ cả – Yên cười hì hì nhưng cái mặt lại ngẩng
cao lên trời như thế Yên sợ anh trai nhìn thấu tận tâm gan cô.
- Với lại, em vào
thăm mẹ, mẹ có thấy cũng chẳng nhận ra em, đúng không hả anh trai iu quý của
em? – Yên nghiêng nghiêng cái đầu, nheo mắt tinh nghịch rồi bất ngờ cô nằm
phịch xuống giường trùm kín chăn lên tận đầu.
- Anh qua chăm mẹ
đi, kẹo mẹ hỏi thì to chuyện, em muốn ngủ chút. – giọng Yên lạc hẳn đi.
- Ngốc à, em hiểu
tính mẹ mà. Chỉ là trong lúc giận, mẹ nóng nảy quá thôi, chứ mẹ thương em lắm.
Vả lại, mẹ cũng chưa biết em bị… – Bình ngập ngừng giây lát.
- Ít bữa mẹ khỏe
hơn, anh sẽ nói cho mẹ hiểu – Bình dịu dàng trấn an em gái mà thấy thương em vô
bờ.
Không nghe Yên trả
lời, Bình đến đầu giường kéo nhẹ tấm chăn ra. Trên gương mặt Yên, nước mắt đang
chảy đầm đìa, máu bật ra trên đôi môi đang nghiến vào nhau, hai tay níu chặt
lấy thành giường và…cô nấc lên. Bình vội nâng Yên dậy để em gái tựa đầu vào
ngực mình.
- Anh…liệu sao
này,…có còn ai chấp nhận em?
- Đó chỉ là một
tai nạn, gia đình mình sẽ giữ kín chuyện này. Việc trước mắt của em là tĩnh
dưỡng rồi đợi kết quả thi..
- Anh à, em có
phải là một đứa con ngoan không? – Yên nhìn mông lung ra cửa sổ với đôi mắt vô
hồn.
- Anh luôn tự hào
khi có đứa em gái như em, bố cũng vậy, bố thương em nhất mà.
- Thế còn mẹ thì
sao? Trong mắt mẹ, em có bằng một đứa con rơi không? Em đã làm điều gì có lỗi
hả anh? Tại sao, tại sao…mẹ luôn cay nghiệt với em? Tại sao? -Yên hất tung gối
và hét toáng lên như một đứa trẻ rồi cô gục mặt xuống giường khóc rấm rức. Bình
chưa kịp phản ứng đã thấy ông Văn đẩy cửa bước vào. Gương mặt ông nhăn nhúm đến
khổ sở.
- Lỗi tại bố, Yên
con, tha lỗi cho bố. Chỉ vì bố mà con phải chịu khổ, bố…xin lỗi các con… - Bình
ngạc nhiên trước hành động của bố mình: “Bố, sao bố lại nói vậy? Bố đâu có lỗi
gì?”. Ông Văn vờ quay mặt đi, lén lau nước mắt rồi đằng hắng, hai đứa nghe bố
kể, đừng ngắt lời.
“Hồi còn trẻ, bố
học hơn mẹ con hai khóa. Mẹ con lúc ấy là hoa khôi của trường, gia đình giàu
có, lại đẹp nết nên rất nhiều người theo. Bố thì nghèo, lại cục mịch. Mẹ bảo mẹ
đồng ý quen vì bố hiền lành, chân thành, giàu tình cảm chứ không như những
người đàn ông hay săn đón mẹ. Lúc ấy, gia đình ngoại các con cản cấm, quyết đưa
bằng được mẹ con sang Mỹ nhưng…”- ông Bình trầm ngâm giây lát rồi tiếp:
“Mẹ con không
chịu, đòi bỏ trốn theo bố. Bố cũng vì quá thương nên đành chìu theo lời bà ấy.
Rồi gia đình ngoại con sang Mỹ định cư. Mẹ con chẳng được thừa kế gì, phải bỏ
ngang việc học, mở sạp bán hàng nhỏ. Mẹ con khổ cực trăm bề, lại chịu điều
tiếng của xóm làng. Bố bảo dọn đi nơi khác, bà nhất quyết không đồng ý. Rồi bố
mẹ sinh ra con – ông Văn quay sang nhìn Bình âu yếm- khoảng thời gian ấy, bố và
mẹ rất hạnh phúc” – mắt ông Văn mơ màng nhìn ra phía chân trời đã buông nắng
như để hồi tưởng lại khoảng thời gian đã qua. Lúc con lên bảy, mẹ mang thai em.
Và bố…”- ông Văn mím chặt môi lại, hít một hơi thật sâu.
- Bố nói đi, chúng
con vẫn đang nghe – Bình khẽ nhắc ông Văn.
- Bố, bố đã hủy
hoại hạnh phúc gia đình mình. Bố có con với người phụ nữ khác.
- Hả? – cả Bình và
Yên đều trố mắt ngạc nhiên nhìn bố mình. Liếc vội ông Văn, Bình giơ tay làm dấu
bảo Yên im lặng.
- Người phụ nữ ấy…là
bạn hàng rất thân của mẹ con. Con trai bố…à không, con trai bà ấy sinh sau bé
Yên ba tháng.
- Thế giờ họ ở đâu
hả bố? – Yên ngồi xổm lên, chồm về phía ông Văn.
- Bố cũng không
biết nữa. Mẹ con là người phụ nữ nhạy cảm, bà phát hiện ra khi chuẩn bị sinh
con. Lúc ấy, bố mẹ tưởng chừng sắp đổ vỡ mặc dù người phụ nữ kia…không đòi danh
phận. Mẹ các con…đã từng hai lần tự tử nhưng không thành.
- Hả? Có chuyện đó
nữa sao? – Yên díu mày tỏ vẻ suy tư trong khi Bình vẫn đứng yên lắng nghe ông
Văn kể. Lâu lâu, anh lại gật gật đầu tỏ vẻ hiểu chuyện hay nhớ ra điều gì đó mà
anh biết.
- Có phải người đã
từng đến nhà mình, dắt theo một đứa nhỏ trắng bóc, mập ú…và cho con mấy hộp
bánh năm con chín, mười tuổi…gì đó phải không bố?
- Ừ, đúng là bà
ấy. Đó là lần duy nhất bà ấy đến nhà mình. Bố bảo rằng, bố lầm lỡ chứ bố không
yêu bà ấy, bố tuyệt đối không thể bỏ vợ bỏ con, bố sẽ chịu trách nhiệm và chu
cấp cho đứa nhỏ. Nhưng sau đó, bà ấy đi biền biệt.
- Bố…bố thật tệ,
bố đã có lỗi với quá nhiều người.- ông Văn ôm mặt đập đầu vào vách tường.
- Nhưng tất cả
những gì bố kể…thì liên quan gì đến việc mẹ không thương con? Bố còn giấu chúng
con chuyện gì nữa sao? Hay là con cũng là một đứa con rơi của bố? Bố nói đi. –
Yên bật ra khỏi giường, lay mạnh vai ông Văn khiến Bình phải giữ tay em lại.
- Em bình tĩnh, để
nghe bố nói hết đã.
- Bố không còn
giấu các con chuyện gì nữa cả. Con là con của bố mẹ. Mẹ không thương con như
anh chỉ vì…lúc ấy mẹ con quẩn quá, đi xem bói rồi bị người ta lừa. Người ta
bảo, con là đầu thai của một người đàn ông vì si tình mẹ mà chết. Sinh con ra,
vì con, gia đình mình mới… Mẹ các con đã bỏ không biết bao nhiêu tiền của và
công sức để “cúng cấp giải hạn”. Và suốt ngày, mẹ con xỉ vả bố. Bố biết lỗi, đã
xin mẹ con tha thứ rồi toàn tâm toàn ý với gia đình. Nhưng có lẽ, trong lòng mẹ
con, bố suốt đời sẽ không gột rửa được. Đó là một điều bất hạnh. Và bố chấp
nhận làm tất cả những gì mẹ con muốn để chuộc lỗi, để được ở bên các con, kể cả
việc bố không được can thiệp vào việc mẹ dạy dỗ con nếu không mẹ con sẽ bỏ đi.
Bố rất yêu mẹ con nhưng thật sự...bố quá…đau khổ. Bố…- lần này ông Văn đã khóc
thật sự, đôi vai rung lên, ông níu chặt song cửa, những giọt nước mắt làm lem
nhem đôi mắt hao gầy và khuôn mặt khắc khổ của ông. Chứng kiến điều đó, cả Yên
và Bình đều xót xa thương cảm cho bố mình. Bình lại gần, vỗ nhẹ lên vai ông
Văn.
- Bố à, ai rồi
cũng có sai lầm trong đời, bố đã biết lỗi và sữa chữa, các con không giận bố mà
vẫn rất mực yêu thương bố vì bố là người bố tuyệt vời nhất của chúng con, đúng
vậy không? Em gái? – Bình nháy mắt về phía Yên
- Anh Bình nói
đúng bố à, chúng con rất thương bố và mãi mãi là như thế.- Nói rồi, cả Bình và
Yên đều ôm chặt lấy ông Văn.
Bên ngoài cánh
cửa, bà Hằng đã nghe hết tất cả. Bà nhẹ nhàng đi ra, nghẹn ngào- “Yên, Bình, mẹ
đã sai, mẹ có lỗi với các con, mong các con hãy tha thứ cho mẹ…” rồi chạy ào
vào bên trong. Cả gia đình ôm nhau mỉm cười trong nước mắt.
Trước khuôn viên,
những vệt nắng cuối ngày đua nhau nhảy nhót trên những khóm hoa hồng đỏ thắm.
Bên ngoài khung cửa sổ, đâu đó, những chú chim ríu rít gọi nhau về. Và xa
xa, hoàng hôn đã nở tự bao giờ.
Hồ Tịnh Thủy