TRANG THƠ CHỦ NHẬT: GIỮA SÀI GÒN NGHE CÂU QUAN HỌ - Thơ Bình Tâm

                                                 Nhà thơ Bình Tâm


       Nhà thơ, dịch giả Bình Tâm chuyên viết thơ tình, có nhiều tác phẩm đã đăng trên sách, báo trong và ngoài nước. Ông hiện sống và làm việc dịch thuật, sáng tác tại thành phố Hồ Chí Minh.

Sách đã xuất bản: Thơ Bình Tâm, 2020 và Thơ Bình Tâm, 2023.

 

Giữa Sài Gòn nghe câu quan họ


Giữa Sài Gòn nghe câu quan họ

Nón quai thao nghiêng cả đô thành

Dòng xe cộ dường như chậm lại

Trong tiếng ca liền chị, liền anh...

 

Giữa Sài Gòn nghe câu quan họ

Dải yếm bay giữa phố đông người

Hàng cao ốc ngây mình ngơ ngẩn

Trong những lời: “Người ở, người ơi...”

 

Giữa Sài Gòn nghe câu quan họ

Áo tứ thân gói chặt hồn người

Tôi – lãng tử tình cờ qua đó

Bỗng thấy chân bị buộc dây rồi...

 

Giữa Sài Gòn nghe câu quan họ

Dáng em xinh chao đảo đất trời

Trái tim tôi dường như nứt vỏ

Bật mầm yêu, xanh với cuộc đời...

 

 

Em đi qua đời tôi

 

Em đi qua đời tôi

Như ngàn hạt sương rơi

Như vạn tia nắng mọc

Cỏ non rợp chân trời...

 

Em đi qua đời tôi

Như sáng xuân lên ngôi

Như đêm hè trăng tỏa

Tiếng nai kêu cuối đồi...

 

Em đi qua đời tôi

Như mây ngàn khơi vơi

Như gió đồng vi vút

Cánh diều yên ả trôi...

 

Em đi qua đời tôi

Như nụ hôn lên môi

Như vòng tay bịn rịn

Tôi rời miền đơn côi...

 

 

Dịu dàng

Dịu dàng ơi, dịu dàng ơi

Không là dây lại buộc người hơn dây...

 

Thân ta say tỉnh kiếp này

Hóa tù nhân của vòng tay... dịu dàng...

 

 

Người dưng

Người dưng... sao chẳng dửng dưng

Cho hồn ta bỗng cháy bừng lửa yêu...


Tiếng em hay tiếng sáo diều

Ru ta về với những chiều tương tư...

 

Em và tôi

Em như một cánh chim trời

Bay qua mộng để rối bời lòng tôi...

 

Tôi là tán lá mồ côi

Khát khao chờ tiếng chim rơi xuống hồn...

 

B.T

Read more…

KHÔNG KỊP TẠM BIỆT - Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang

                                           Nhà văn Vũ Thị Huyền Trang


               Bạc ngồi dựa lưng vào trụ cầu, ngửa cổ lên trời nhìn dòng xe qua lại, hỏi Phi:

– Đố em biết tại sao trước khi nhảy cầu tự tử họ thường bỏ dép ra?

– Hả? Thì như một phản xạ tự nhiên thôi. Hoặc là bỏ dép ra trèo cầu cho dễ. Hoặc là để đó cho người thân biết mình tự tử mà tìm vớt xác. Mà tại sao tự nhiên anh lại hỏi chuyện đó?

Phi gọi Bạc là anh. Bạc rất nhiều anh chị em kiểu đó. Sống cùng trong một nhà dù chẳng máu mủ gì. Phi gọi mẹ Bạc là dì. Bạc gọi cha Phi là dượng. Cho đến bây giờ mẹ đã bảy đời chồng. Gọi vợ chồng cho sang chứ thật ra chẳng cưới hỏi gì. Vui thì ở với nhau, hết vui thì mỗi người mỗi ngả. Mẹ không sinh thêm đứa con nào ngoài Bạc. Chồng của mẹ thì có khi nheo nhóc năm, sáu mụn con. Bữa cơm đầu tiên ngồi với nhau sẽ phân chia xem đứa nào nhiều tuổi làm anh, ít tuổi là em. May thay tụi Bạc đều hòa thuận, dễ thích nghi và chấp nhận nhau. Mẹ về ở với toàn người nghèo nên chẳng lo chia chác tài sản. Đến bữa nhiều khi chỉ có nồi cơm độn, xới mỗi người một bát thì đến đáy. Nghèo nên dễ thương nhau, có củ khoai lang sống cũng bẻ ra chia. Hồi mẹ về ở với dượng sáu trong căn nhà lụp xụp dưới chân cầu Long Biên, tâm trí Bạc còn đang nằm trên núi. Ở đó có cái Hân, thằng Dí, dượng năm. Hàng ngày Bạc dậy từ ba giờ sáng cùng dượng năm mổ lợn cho mẹ mang đi chợ bán. Cái Hân, thằng Dí trước khi đi học phải làm xong dồi lợn, nhặt xong trứng vịt ngoài chuồng. Hôm nào mổ lợn dượng năm cũng để lại ít lòng gan luộc lên nóng hổi bảo Bạc “ăn đi con”. Mấy bộ quần áo trông ra gì nhất của Bạc cũng là dượng năm mua.

Trong bốn năm ở cùng nhà có vài lần Bạc ốm. Người nấu cháo hay vội vàng chạy đi mua thuốc không phải là mẹ. Hai đứa em nhỏ đứng ngay đầu giường lo lắng hỏi anh đỡ đau chưa? Có ăn thêm cháo không? Cái Hân mới hơn bốn tuổi thấy Bạc nằm liệt giường, người run lập cập thì òa khóc “bố ơi anh ấy sắp chết rồi”. Tối đến tụi nhỏ bám lấy Bạc, ngủ lăn lóc sau khi thò đầu qua cửa sổ ngắm trăng. Chúng thường năm nỉ Bạc rủ rỉ kể về cuộc đời mình. Đã đi những đâu? Sống trong những ngôi nhà thế nào? Có nhớ những người anh em cũ hay không? Có khi vừa kể Bạc vừa khóc. Tụi nhỏ lau nước mắt cho Bạc. Chúng hỏi: có khi nào sau này anh em mình cũng phải xa nhau? Bạc bảo “không” nhưng trong thâm tâm biết rằng ngày đó chắc cũng sắp đến rồi. Vì mẹ bắt đầu chán ngồi một chỗ bán thịt lợn mà đòi đi buôn. Thỉnh thoảng mẹ bắt tàu xuôi xuống Hà Nội lấy hàng về bán. Bạc biết đó chỉ là cái cớ. Tính mẹ không chịu đựng được sự yên ổn. Rồi mẹ sẽ ra đi…

“Thực và mơ xa vời khoảng cách”, thơ Quang Hoài

Một buổi sáng mẹ lôi Bạc kéo phăng đi. Lúc ấy hai đứa nhỏ đang lúi húi ngoài chuồng vịt còn dượng năm mới chở thịt lợn ra chợ bán. Như những lần trước, Bạc không kịp mang theo đồ đạc gì cũng chẳng kịp chào tạm biệt ai. Như một cuộc trốn chạy. Bạc giằng tay khỏi mẹ. Bạc không muốn rời khỏi nơi đó. Nhưng Bạc biết mình chẳng bao giờ là lí do buộc mẹ lại một nơi nào đó. Nếu buông ra, mẹ sẵn sàng để Bạc lại nơi này. Nước mắt Bạc rơi xuống nắm lá bỏng vừa kịp tuốt ở hàng rào nhà cũ. Bạc đã có bao nơi gọi là “nhà cũ”? Có bao người đã trở thành cố nhân? Hai từ “cố nhân” là Bạc nghe trong một bài hát nào đó mà người ta vẫn bật rền rĩ mỗi ngày ở xóm chân cầu. Nơi đây buồn quá. Buồn đến mức không có cách nào vui lên được. Những căn nhà lụp xụp dựng kế bên nhau, dựa vào nhau mà tồn tại. Tưởng như nếu căn này sập xuống thì những căn khác cũng sập theo.

Ở đây người ta có thể nhìn thấy bầu trời chói chang nắng trên cao nhưng chẳng hiểu sao đập vào mắt Bạc lúc nào cũng là màu xám xịt của những tấm bờ rô xi măng cũ. Chẳng tấm nào lành lặn, không vỡ chỗ này cũng mẻ chỗ kia. Nhà ở đây được vá víu, đắp đậy bằng cả những tấm gỗ ép nhặt nhạnh đâu đó. Chúng mỏng manh đến mức tưởng như nắng có thể xuyên thấu hoặc vài hạt mưa rơi xuống cũng có thể làm tấm gỗ vỡ tung. Mùa hè thì nóng hầm hập. Mùa đông gió thổi tái tê. Gió luồn qua những rặng chuối len lỏi vào từng ngõ ngách trong xóm nghèo này. Phi đi làm về thường lệt xệt kéo theo khi thì tấm bạt quảng cáo liveshow của một ca sĩ nào đó, khi thì mấy chiếc tải đựng thức ăn gia súc, hoặc biển quảng cá giảm giá của siêu thị điện máy, cửa hàng thời trang. Phi quăng nó lên mái nhà, chằng buộc cửa sổ, cửa chính để che chắn gió. Những ngày mưa buồn Bạc nằm nhà nhìn không chớp mắt vào những dòng chữ giăng mắc khắp nơi. Bạn của nhà nông, sinh đẻ hai con gia đình hạnh phúc, sim số đẹp, sổ số kiến thiết ích nước lợi nhà, café ngon hơn người yêu cũ… Vài chữ đã bạc dần theo những cơn mưa. Bạc như đời người vậy.

Đêm đến cả nhà ra chợ Long Biên kiếm sống. Mẹ tìm nguồn rau củ rẻ, lấy về bán lại trong một khu chợ tạm. Bốn rưỡi sáng là mẹ chất hàng lên xe, có khi rau củ cao quá đầu người. Mẹ vội vàng rời chợ đầu mối để kịp đến chợ tạm lúc trời vừa kịp sáng. Mấy bố con Bạc nhận làm cửu vạn trong chợ. Ai thuê gì làm lấy, bốc xếp, thồ hàng, chẳng lo hết việc. Nghe nói mẹ quen dượng sáu cũng ở chợ này, rồi kéo tuột Bạc về thủ đô. Mẹ gọi đó là cuộc “cách mạng” số phận. Bạc phì cười. Ở trên rừng còn có lúc tâm hồn thảnh thơi, ngó một tán cây cũng thấy lòng dịu lại. Rừng núi bao la, lòng người rộng mở. Về đây Bạc hay thấy ngạt thở giữa đêm. Đang ngủ phải vục dậy mở cửa chạy ra ngoài, ngửa cổ lên trời như con cá đớp oxi để thở. Xuống phố chẳng có buổi sáng nào mẹ kịp soi gương. Bạc cũng chẳng kịp có thời gian ngắm bình minh, nghe tiếng chim hót, nghe lá lao xao. Sáng nào Bạc cũng lết về nhà bằng thân xác mỏi mệt. Đổ ập xuống giường chẳng kịp tắm gội gì. Mê man chìm đi giữa những âm thanh từ phía cầu vọng lại. Bạc thấy thân xác mình nằm đây nhưng hồn vía mình thì neo theo chuyến tàu ngược về với những miền đất cũ. Gặp lại cái Hân, cái Dí, anh Hậu, chị Cần, dượng ba, dượng bốn… Đông đủ những mặt người lướt qua vùng kí ức.

Những người đàn ông từng đi qua đời mẹ ôm chầm lấy Bạc. Con lớn thế này rồi à? Con được học nghề gì? Công việc giờ ra sao? Đã thầm thương trộm nhớ ai chưa? Có nhớ chỗ này ngày xưa dượng và con hay ngồi bện chổi, đan rổ rá hay không? Họ đều già mất rồi. Đầu họ hai thứ tóc. Họ hỏi Bạc về mẹ. Hỏi ngày xưa tại sao tự nhiên hai mẹ con bỏ đi không nói câu nào? Quần áo còn để đây, vẫn cất kĩ trong hòm mà chờ mãi không thấy người quay lại. Bạc khóc như đứa trẻ khi thấy trên cửa sổ của căn nhà cũ vẫn còn treo con quay mà mình đẽo từ mẩu gỗ nhặt được ngoài đường năm mười hai tuổi. Tụi nhỏ đứa níu áo, đứa nắm tay. Anh Bạc còn nhớ cách làm con trâu bằng lá mít không? Nhớ cách làm diều không? Trung thu này anh làm cho tụi em cái đèn ông sao khác nhé? Cái cũ năm 2017 nhà cháy thiêu rụi tất cả rồi. Em định lao vào đám cháy cứu cái đèn lồng của anh làm mà bố níu tay chặt quá. Bố cứ quả quyết tin rằng rồi anh sẽ trở lại. Thế mà em lại nghĩ anh đã quên tất cả ở nơi này. Tụi nhỏ níu Bạc lại ăn chung một bữa cơm. Hay là ngủ ở đây một đêm để ôn chuyện cũ. Tụi em nhớ hết đấy, kể cả lần đầu tiên dì dắt anh bước qua cửa vào nhà. Anh lơ ngơ, đen thui, tay cầm nắm cỏ gà. Anh biết không tụi em thương anh ngay từ lần đầu ấy. Lúc tỉnh giấc Bạc thấy nước mắt đầm đìa trên khuôn mặt mình. Mấy lần Bạc tính hỏi mẹ có khi nào nhớ họ không? Nhưng rồi lại sợ phải nghe câu trả lời từ mẹ. Mẹ không có thời gian để nhớ thương những thứ đã qua. Mẹ chỉ cần biết ngày mai sẽ thế nào?

– Có thể vì họ không muốn mang theo bất cứ thứ gì. Kể cả một đôi dép. Nhẹ bẫng mà đi.

Bạc nhìn xuống đôi dép da đang đi dưới chân mình bất chợt mỉm cười. Từ hồi về đây sống Bạc vài lần nhìn thấy người ta định gieo mình xuống sông tự vẫn. Có người được níu lại, có người không. Giữa đám đông hiếu kì ngó xuống dòng sông, chẳng hiểu sao Bạc luôn nhìn vào đôi dép được bỏ lại trên cầu. Một đôi giày cao gót lấp lánh, đôi dép lê đã mòn vẹt đế, đôi giày da hình như mới được chủ nhân lau chùi bóng lộn. Mỗi đôi giày, đôi dép đều có số phận của mình.

– Em chẳng hiểu tại sao họ lại không muốn sống? Em thì chẳng bao giờ nghĩ về cái chết. Vì để cho em sự sống, mẹ em đã mất trên bàn đẻ.

Bạc không nói gì. Dạo này Bạc hay mường tượng ra cảnh mình bay xuống dòng sông. Như thước phim quay chậm, Bạc thấy mình được bay về miền kí ức. Từ lúc được ngồi sau xe bố trôi qua cánh đồng lúa chín vàng. Những con muồm muỗm bay lên, chuồn chuồn bay xuống. Bố hứa sẽ làm diều cho Bạc thả khi nào lúa gặt hết. Thế rồi bố chỉ còn là nấm mộ nằm lại nghĩa trang đìu hiu gió. Bố ra đi trong một vụ đắm đò, không kịp chào tạm biệt với ai. Không lâu sau mẹ lấy chồng. Dượng đầu có nốt ruồi đằng sau gáy. Thỉnh thoảng uống rượu say dượng hay khóc. Dượng thương Bạc lắm, chẳng đánh mắng bao giờ. Hôm Bạc đi dượng còn chưa tỉnh rượu. Rồi dượng hai, dượng ba, dượng bốn chẳng biết ai còn nhớ đến Bạc không. Bạc bay mãi bay mãi, mặt nước cứ lấp lánh gọi mời trước mặt. Các em ơi, anh Bạc đang về với các em đây. Anh sẽ thăm từng đứa. Thực hiện hết những lời hứa vẫn còn dang dở. Nhưng Bạc cứ bay mãi mà không thể nào trầm mình xuống dòng sông được. Bạc muốn biết khi úp mặt vào dòng sông ấy có phải người ta sẽ quên đi mọi thứ hay không. Bạc đi lên cầu, đưa mắt ngắm xóm nghèo từ trên cao mới thấu hết những phận đời chấp vá. Dượng sáu ngủ li bì sau một đêm dốc hết sức mình cho những kiện hàng để nhận về mấy trăm tiền công. Phi có lẽ đang đeo tai phone nghe nhạc. Mẹ còn mải tính tiền chợ sáng nay lời lãi thế nào.

Bạc để lại đôi dép da của mình. Đôi dép ấy mẹ mua trong một shop ven đường vào chính hôm bỏ trốn khỏi nhà dượng năm. Hôm ấy mẹ lôi tay mạnh quá khiến Bạc đánh rơi đôi dép giữa đường. Phi từng nói rất thích đôi dép này. Phi ướm thử một lần trông vừa vặn lắm. Còn bây giờ Bạc muốn cùng đôi chân trần của mình chu du một chuyến…

V.T.H.T

Read more…

TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT: TIẾNG ĐÀN AI - Thơ Đỗ Văn Tiến

 

                                            Tác giả Đỗ Văn Tiến


CHÚC MỪNG

 

Mừng ngày Nhà Giáo Việt Nam ta

Kính chúc thầy cô của nước nhà

Khắp nẻo ươm mầm xanh sắc lá

Nhiều nơi kết chữ rực ngàn hoa

Đưa đò vượt sóng về muôn ngả

Chở khách qua sông cập bến xa

Trọng đạo tôn sư ngời nghĩa cả

Tâm hồn thấm đậm bản tình ca

20/11/2023

 

TIẾNG ĐÀN AI

 

Đêm đến lai rai thưởng lãm trà

Nghe đàn day dứt nỗi buồn xa

Niềm xưa trắc trở hồn thơ lạnh

Cảnh cũ đìu hiu ánh nguyệt tà

Ngẫm tới lòng ai sầu nốt nhạc

Thương về dáng liễu tủi lời ca

Tình yêu xưa cũ còn da diết

Lại nhớ một thời xuân đã qua

17/12/2023

 

CẢNH CŨ NGƯỜI XƯA

 

Lại đến làng quê một buổi chiều

Trông về xứ cũ cảnh nhà xiêu

Tim nghe bối rối vì thương cảm

Dạ thấy tưng bừng bởi mến yêu

Bẽn lẽn giờ đây nhìn dáng ngọc

Ngô nghê buổi nọ biết bao điều

Tình xa nguyện ước đầy hi vọng

Cảnh cũ người xưa rạng rỡ nhiều

13/12/2023

Đ.V.T

Read more…

THU HOẠCH TỪ “SỰ IM LẶNG CỦA BẦY CỪU” - Bài của Nguyễn Phin

 


 

        Phải nói tôi không ghiền đọc truyện trinh thám, hình sự nhưng sau khi xem phim “Sự im lặng của bầy cừu” tôi mới tìm truyện để đọc vì những tình tiết hấp dẫn trong đó. Ngôn ngữ điện ảnh khó nói thay ngôn ngữ văn học, nhất là những đoạn miêu tả tâm lý nhân vật. Khi xem lại tiểu thuyết mới thấy có vài điều tôi hiểu rõ hơn, đúng ra không xem truyện, tôi không thể liên kết, móc nối vài chi tiết trong điện ảnh.

       Đây là một tiểu thuyết của Thomas Harris được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1987 và ngay lập tức tạo cơn sốt cho độc giả. Nó nổi tiếng đến nỗi hơn 30 năm sau, những giá trị của tác phẩm vẫn nguyên vẹn như thuở ban đầu. Tôi kịp nhận ra, dù yêu thích truyện trinh thám hay không thích thì lựa chọn “Sự Im Lặng Của Bầy Cừu” là một sự lựa chọn đầy mới mẻ nhưng đúng đắn cho tôi. Đây chính là cuốn sách chứa đựng đầy sự thử thách và khám phá, một cuốn sách hay khiến tôi không thể bỏ qua, nhất là đối với những phân tích về tâm lý con người trong đó. Nó lấy một hình ảnh ẩn dụ để trở thành chìa khóa xuyên suốt.



Cốt truyện cơ bản

      Cốt truyện chính của tác phẩm xoay quanh ba nhân vật chính là Clarice Starling – một nữ nhân viên duy nhất trong ban tập sự FBI; Hannibal Lechtor - một bác sĩ tâm lý cừ khôi bị biến chất thành một kẻ thiên tài xấu xa, một kẻ bạo lực đáng sợ có sở thích quái dị là ăn thịt người; và Jame Gumb hay còn được gọi là Buffalo Bill (Bill Bò mộng), một tên giết người hàng loạt, một tên khát máu biến thái.

      Trong một lần tình cờ phải giải quyết công việc được giao, Clarice Starling đã dấn thân vào một vụ án giết người rồi lột da hàng loạt nạn nhân. Cô phải đi gặp bác sĩ Lechter – kẻ ham thích trò đùa trí tuệ, để nhờ tìm ra manh mối, Lechter thường tiết lộ nửa chừng những điều mình biết làm cho mạch truyện càng thêm lôi cuốn.



       Đỉnh điểm của câu chuyện lên đến cao trào khi Lechter quyết định ra tay với một nạn nhân mới là con gái của bà Thượng nghị sĩ. Hắn chỉ ngồi trong khu giam giữ đặc biệt để điều khiển bên ngoài, qua tình tiết hắn nắm được để sai khiến người liên quan. Lúc này, Clarice đã để lộ ra bản thân mình là một cô gái đang cố gắng thoát ra khỏi bóng đen tâm lý, bởi trong ký ức thuở nhỏ của cô là tràn ngập tiếng kêu thảm thiết của bầy cừu. Từ đó, cô quyết định cứu được nạn nhân - con gái của bà Thượng nghị sĩ đang bị Jame Gumb giam giữ, chuẩn bị lột da- để thoát khỏi những ám ảnh của quá khứ của hắn. “Sự Im Lặng Của Bầy Cừu” là tập hợp nhiều các tình tiết khiến người đọc nghẹt thở và bất ngờ.

 

 

 


Tình tiết câu chuyện

      Lúc này, FBI đang điều tra một vụ án về tên giết người hàng loạt Jame Gumb, hay còn gọi là “Bill Bò Mộng”. Đó là một kẻ tâm thần có sở thích bắt cóc phụ nữ để lột da. Tên thật của y là Jame Gumb, theo những gì mô tả của bác sĩ Hannibal thì hắn là một kẻ có quá khứ bất hạnh. Mẹ của hắn đã bỏ hắn đi khi còn rất nhỏ. Là một người đồng tính, Jame Gumb từng có ý định chuyển giới để trở thành phụ nữ. Thế nhưng, do tiểu sử và những hành vi có hướng tâm thần của mình, Jame Gumb đã bị tước quyền, không được phép trải qua bất kỳ một ca phẫu thuật chuyển giới nào. Do vậy, hắn tự nghĩ ra một phương pháp mới, để có thể trở thành một người “phụ nữ” đúng nghĩa, hắn lên kế hoạch bắt cóc những cô gái trẻ, đặc biệt là những người có vấn đề cân nặng. Hắn mang họ về chỗ trú ẩn của hắn và giam cầm nạn nhân trong vài ngày, không cho họ ăn uống một chút gì. Mục đích của phương pháp này là để hắn có thể dễ dàng lột da bọn họ và dùng nó may thành những bộ quần áo. Bởi hắn là một thợ may giỏi, tin rằng bằng cách mặc chúng có thể biến hắn trở thành một người phụ nữ thực sự. Những gì còn lại chỉ là một cái xác bị lột da, thứ hắn sẽ phi tang ở những khu vực sông hồ.

       Jack Crawford, người phụ trách điều tra của FBI gặp khó khăn trong việc điều tra vụ án về Bill Bò Mộng và quyết định tìm đến sự giúp đỡ của Hannibal Lechter. Nhờ đó mà chúng ta có thể chiêm ngưỡng trí tuệ hơn người của tên bác sĩ tâm thần này. Xuyên suốt Sự im lặng của bầy cừu là cuộc trò chuyện giữa Clarice Starling và Hannibal Lecter.

       Cuộc trò chuyện giữa họ là một cuộc đấu trí đầy căng thẳng bởi cả Hannibal Lechtor, Clarice Starling và Jack Crawford đều là những con người thông tuệ. Một bên muốn thu thập thông tin chứng cứ, một bên lại muốn đùa giỡn người khác bằng trí thông minh hơn người của mình. Hannibal Lechter là một gã cực kỳ thông minh và sắc sảo, hắn có thể bị trói, bị giam cầm trong xiềng xích tù ngục nhưng hắn không thể chịu đựng được sự nhàm tẻ và buồn chán. Dù ở trong bốn bức tường phòng giam, đầu óc hắn luôn luôn hoạt động và lúc nào cũng trong tư thế kiêu ngạo của kẻ làm chủ. Hơn nữa, kẻ tên Bill Bò Mộng đã từng là bệnh nhân của hắn nên từ đó, hắn có thể đoán ra được tên này sống ở đâu và làm sao để có thể bắt được gã. Bản chất của cuộc trò chuyện này là một trò chơi đấu trí, nên dù đã có sẵn đáp án cho mình, Hannibal Lechter vẫn chỉ đưa ra gợi ý để Clarice Starling tự mình suy luận. Mạng sống của những nạn nhân nằm trong tay Bill Bò Mộng đang phải phụ thuộc vào Clarice Starling, nếu cô đưa ra phán đoán kịp thời thì họ sẽ được cứu sống. Hannibal vốn là kẻ kiệm lời, những lời mà hắn nói ra dù chỉ là thảng qua cũng sẽ hàm chứa một ẩn ý nào đó. Trong những cuộc trò chuyện với Clarice, hắn luôn đưa cho cô những manh mối, gợi ý nhưng cô buộc phải chú ý và lắng nghe thật kĩ thì mới có thể nắm bắt được. Vụ án mạng vốn thuộc về trách nhiệm của FBI, giờ đây phải nhờ vào một tên sát nhân hàng loạt khác để truy tìm dấu vết của Bill Bò Mộng. Chừng này thôi cũng đủ để độc giả mường tượng ra tài trí của gã bác sĩ tâm thần này.

     Cuối cùng, nhờ có sự trợ giúp của Hannibal Lecter, Clarice Starling đã thành công truy ra dấu vết của Bill Bò Mộng. Để làm được việc này, cô đã phải suy diễn từ những gì mà hắn đã gợi ý rồi mới truy vết được nạn nhân đầu tiên và cuối cùng là phát hiện được tên sát nhân trong một nhà may cũ. Kết truyện là nỗi ám ảnh trải dài khi Lechter trốn thoát khỏi nhà tù và trở thành một mối nguy hại hàng đầu cho xã hội.



 Phép ẩn dụ trong tiểu thuyết

• Ẩn dụ cừu

        Quá khứ của Clarice dần được tiết lộ qua màn đối thoại của cô với Hannibal. Cô vốn sinh ra tại một thị trấn thuộc vùng West Virginia nơi cha của cô giữ vị trí cảnh sát trưởng. Cho đến khi cô 10 tuổi, cha cô bị bắn trọng thương trong khi đang làm nhiệm vụ, một tháng sau ông ta mất. Mẹ của cô không thể đủ sức trang trải cuộc sống cho cả hai mẹ con. Clarice được gửi đến sống với người bác của mình tại Motana, đó là một trang trại chăn ngựa và cừu. Điều khiến cô khiếp sợ hằng đêm là khi phải nghe tiếng gào thét của những con cừu bị đem vào lò mổ. Kể từ đó, cô không bao giờ có thể gạt bỏ được sự nỗi ám ảnh đó.

       Một thời gian sau, Clarice lại bị gửi tới một cô nhi viện, nơi cô dành toàn bộ tuổi thơ tại nơi đây. Khi lớn lên, cô thi vào trường đại học Virginia với hai chuyên ngành chính là tâm lý học và tội phạm học với mong ước được trở thành một đặc vụ FBI.

      “Sự im lặng của bầy cừu” có một cái kết mở để người đọc tưởng tượng và suy diễn, chúng ta không tài nào biết được tiếng cừu trong tâm tưởng của Clarice đã hết la hét hay chưa, hay sau này Hannibal có còn làm gì cô hay không. Tuy vậy, nó vẫn là một cái kết đầy ấn tượng và thích hợp cho một cuốn tiểu thuyết trinh thám xuất sắc.

• Ẩn dụ nhộng

      Tôi đã nói về người và cừu, bây giờ nói về con nhộng trong tác phẩm. Tại sao có con nhộng ở đây, nó liên quan gì đến việc Jame Gumb- “Bill bò mộng” trở thành tên giết người hàng loạt. “Bill bò mộng” bị làm tổn hại từ thuở nhỏ, điều đó khiến cho anh ta thù ghét chính mình, anh ta cảm thấy bản thân gớm ghiết như một con sâu, và anh ta muốn bản thân được xinh đẹp như một con bướm.

     Việc chuyển đổi giới tính mà anh mong muốn đã không thành công, thế là anh ta tìm giết những phụ nữ trong bóng tối để lột da họ, may thành một bộ đồ da che đi sự xấu xí của bản thân. Quá trình đó diễn ra được hắn đắc ý khi con sâu hóa nhộng- lớp áo da người là vỏ con nhộng.

       Một con sâu theo lẽ tự nhiên trở thành bướm, nhưng những tố chất bướm đó ở Bill bò mộng đã bị xã hội hủy hoại mất rồi, vì vậy anh ta giết những “con nhộng còn sống” khác để may cho bản thân một cái vỏ nhộng. Và giả sử như Bill bò mộng có thể hoàn thành nó, anh ta vẫn mãi mãi là một con nhộng, anh ta sẽ tìm cách may một cái vỏ nhộng khác nữa, nghĩa là việc giết người sẽ không bao giờ dừng lại.

        Đọc đến đây tôi lờ mờ nhận ra ẩn dụ, nếu bạn không nghĩ cho chính mình thì hãy nghĩ đến những người thân, hãy học cách thấu hiểu để có thể bảo vệ người thân trong bóng đêm – lúc mà những con “nhộng biến thái” được đặt trong miệng xác chết đang săn mồi.

 Cảm nhận của tôi

       Tác phẩm gợi cho tôi thật nhiều hình ảnh, đó là đàn cừu đã rên rỉ, kêu thét trong đau đớn, một tiếng kêu khiếp đảm và bi ai nhưng rồi nó lại trở về trạng thái im lặng như màn đêm tịch mịch. Phải chăng giống như những con người đang kêu gào trong thảm thiết, la hét trước cái chết đang kề cận để bám víu lấy sự sống và tìm lại sự bình yên hòng tắt đi những cơn bão táp đang cào xé tâm hồn.

        Như bầy cừu năm ấy, những cô gái trong truyện đang la hét, đang kêu gào cầu cứu thoát khỏi địa ngục. Nếu tiếng hét ấy tự tắt, đồng nghĩa với việc họ đã chết. Nhưng không dừng lại ở đó, nó sẽ lại tiếp tục có tiếng hét khác, giống những gì cô nghe được mỗi đêm dù cho con cừu cô mang theo đã chết. Clarice phải hành động, cô phải giải quyết vụ án này, cứu thoát nạn nhân và cũng giải thoát cho chính mình. 

*

       Mọi thời đại đều có những người nhìn thấy điều ác và biết điều đó là sai, nhưng luôn có những người im lặng trước những mối đe dọa của con người. Phải chăng như cảnh tỉnh nhận thức của mỗi người, sự im lặng chính là chấp thuận.  Chúng ta sẽ có những lúc không có lựa chọn, và đó cũng là thời điểm mà ta phải đối mặt với chính bản thân mình, đứng dậy và đi tìm tiếng nói lương tri. 

      Tôi lại liên tưởng đến những ngày cả nước chìm trong đại dịch Covid-19, phải chăng có sự liên hệ nào không mà trong những ngày khiếp đảm ấy, ba ngày một lần ai cũng bị “lùa” ra khu tập trung để lấy mẫu xét nghiệm. Ai cũng biết hiệu quả ít mà nguy cơ và tốn kém thì nhiều, vậy mà tôi cũng như ai đó vẫn cứ im lặng như bầy cừu, lẳng lặng để thiên hạ ngoáy mũi.

 N.P

 

Read more…

SỨC HÚT CỦA MỘT TẤM LƯNG - Truyện ngắn Võ Diệu Thanh

 

                                       Nhà văn Võ Diệu Thanh (An Giang)

Vân nói bệnh tâm thần nó lây hơn tất cả những bệnh khác. Ai ở gần người bệnh cũng sẽ bực bội người bệnh rồi sớm hay muộn cũng sẽ nó quàng nói xiên. Ông già khùng rồi.

Ông già trở thành nhà nghiên cứu về sức hút và những tấm lưng.

Thường ngày, như bị thôi miên dù đã cố tránh, ông già cứ nhìn miết vào những tấm lưng của phụ nữ.

 Ông cảm thấy mình sợ  cái lưng áo một con người hơn cả với cái lưng ghế. Bởi ông thèm cái lưng ghế. Đi đâu ông cũng nhìn lưng ghế như muốn sà ngay vào nó, dựa miết vào nó. Có lúc mệt mỏi, ông thèm ngồi quay mặt vào lưng ghế, ôm chặt  nó, gác đầu lên nó ngủ ngồi một cách ngon lành quên hết mọi thứ trên đời.

Ông không muốn nhìn thấy lưng áo của con người. Những khi đi lấy thuốc nam, đường đèo dốc rắn rết gì ông cũng đi thật nhanh, đi dẫn đầu để khỏi nhìn thấy lưng áo của bất cứ người nào. Vì trong những tấm lưng đó, sao cái nào ông cũng như nhìn thấy nó giống lưng áo của bà vợ hai mươi hai tuổi của mình.

Những cái lưng cứ lồ lộ đáng sợ.

Lúc vô chùa thắp nhang lạy phật là lúc khổ. Trước phật ông thường dặn mình dẹp hết mọi phán xét, xóa hết mọi ám ảnh cả tốt cả xấu. Người giàu người nghèo, người già người trẻ gì cũng được tôn trọng. Lưng hay đầu hay mông gì cũng là bộ phận quý giá của con người. Nhưng không ít lần ông đã  bỏ ngang việc cúng phật đi thẳng một đường ra khỏi chùa vì những cái lưng.

Có khi đang đi kiếm thuốc, có những người áng trước mặt ông bằng một cái lưng hồn nhiên êm ả. Những cái lưng đổ mồ hôi cùng ông kiếm thuốc nam để giúp đỡ cho người bệnh, những cái lưng của những con người không ngại cực khổ chỉ mong sao đạt được một con đường sáng cho lối sống và lối chết.  

Toàn là những cái lưng của người lương thiện.

Ông không thấy gì hết, cả lương thiện hay độc ác. Ông chỉ thấy nó giống lưng áo vợ ông. Có lần ông buộc miệng hỏi

- Bà bệnh hoạn sao không ở nhà đi mấy chỗ nắng nôi này làm chi?

Người đàn bà quay lại. Một gương mặt lạ hoắc. Một dáng người to gấp đôi vợ. Có giống lưng vợ miếng nào đâu mà sao ông lại nhầm lẫn. Dẫu gì ông cũng thấy mình bình tâm hơn khi nhận ra đó là một cái lưng áo lạ.

*

Cái lưng vợ ông, có gì mà ông sợ đến như vậy. Một cái lưng người phụ nữ hai con tuy là già hơn hồi mới cưới nhưng  so với một ông già gần bảy mươi thì tuổi đôi mươi của vợ vẫn là cỏ non dưới mắt trâu già.

Vợ ông vẫn hồn nhiên như ngày nào. Người ta nói ông có lòng, chăm sóc vợ tốt nên dẫu điên điên cô vẫn rất tròn trịa mỡ màng. Ông thấy cái lưng áo, cái đường eo vẫn không thay đổi nhưng sự mỡ màng kia trở nên vô nghĩa. Mà ngay cả những cái lưng khác cũng trở nên ám ảnh, đáng sợ. Lưng là món hiền nhất trong mỗi con người, nó hoàn toàn không làm gì nên tội.

Nhỏ Vân nói ông nuôi vợ bệnh riết bị tâm thần rồi. Nếu ông nuôi nữa là ông chết đó. Chắc ông nên cho bà về với má của bà một thời gian đi. Ông đã già lắm rồi, bệnh thần kinh là không thể chữa được, là đi đứt? Chết chùm đó chớ đừng có giỡn. Lúc đó chẳng biết mình là ai chớ ở đó mà nuôi người khác, ở đó mà kiếm đường sáng cho một kiếp nào khác. Sự chết giữa u mê sẽ mở ra một kiếp sống u mê khác. Sẽ là luân hồi mê muội. Ông không nên dễ ngươi.

Ông già không thể bỏ bà. Ông ở hiền, ông ăn chay. Nếu ông lụm bà ở ngoài đường, ông không có con với  bà thì khi bà bệnh vầy, ông cũng không thể nào để bà đơn độc. Người hung hãn buông hạ đồ đao bao giờ cũng thành khẩn như vậy.  Ông nói với Vân “hồi xưa tao ngang tàng không ai bằng nghe bây". 

 Ông ăn chay vì muốn rèn cho mình lòng nhân. Mà con đường quay đầu thật là kỳ dịêu. Nó làm cho mọi thứ trở nên nhẹ nhàng. Ông nhận ra không gì có thể kéo con người trở về lương thiện dễ dàng bằng sự tĩnh lặng. Ví như một con thuyền chở khẳm cỡ nào mà đưa nó vào ao hồ lặng sóng thì nó sẽ không chìm.  Nghĩa là cứ đưa một thằng ác ôn đi chung với những người hiền, những người yên ổn tịnh tâm, nó không hết ác ngay bây giờ thì thế nào nó cũng hết ác khi sức cùng lực kiệt. Như hạt giống thiện đã gieo rồi chỉ chờ những trận mưa ẩm ướt mát lành để nó nẩy mầm.  Hiền lành là món từ từ mà thấm chớ gấp gáp rất khó lòng. Ông đi lấy thuốc thấy cảnh sống ở đó hay lắm. Ông gặp bao nhiêu là người chẳng bận tâm gì tới no đói được mất. Họ cứ như con ong hút mật mà không cần biết mật kia vào tay ai. Những người son phấn lòe loẹt cũng tốt thôi là tốt. Những người nói chuyện hung hăng như sắp đánh nhau cũng tốt thôi là tốt. Có những người tham lam cũng tốt thôi là tốt. Họ nói là làm phước kiếm chút vốn về quê. Về quê khỉ khô gì.  Làm bậy nhiều sợ tội nên làm phước cho giảm bớt. Nhưng cũng cứ bị ham hố nên tiếp tục làm bậy rồi tiếp tục tạo phước để giảm trừ. Kệ, biết sợ là tốt rồi, cái ác dù gì cũng có chừng mực hơn. Cái hạt giống thiện ít ra cũng đang nằm chờ đó. Đủ duyên nó sẽ nảy mầm.  Chớ cái cảnh giết người hàng loạt mà tỉnh queo còn nói không hối hận sao mà đau đớn quá. Chớ cái cảnh bạo lực, giết chóc tinh thần người khác tơi tả mà mặt mũi cứ tỉnh bơ, miệng cứ nhơn nhơn tao là người một trăm phần trăm lương thiện thì… sợ quá.

 Con đường lương thiện đó đã dắt ông tới cái lưng áo bà ba sờn bạc của bà vợ trẻ măng. Mười tám tuổi, bà ưng ông mà không một chút kỳ kèo. Nay bà có bị gì ông cũng đâu thể nào vì cảnh khó mà giao cho người khác. Kệ thôi, sống cùng sống, chết cùng chết.

Ông chỉ thắc mắc sao mà người ta có lúc mê lúc không mê nhanh như chớp mắt. Ví như nói lúc người ta tâm trí loạn cuồng thì mê, lúc bình tâm thì tỉnh. Như ông lúc này tâm cuồng trí loạn vì cảnh nhà cảnh mình đang oằn oại, ông lại không mê còn năm năm trước, tỉnh táo tinh tấn trong đường tu ông lại mê.

 *

 Một cái lưng áo trong hàng trăm ngàn cái lưng áo bà ba màu xám đang cùng chặt thuốc nam với ông. Ông  đứng từ xa nhìn thấy rồi sững sờ, rồi nói với Vân.

- Tao phải cưới cô đó.

Vân trợn mắt nhìn ông già. Ông tóc bạc da nhăn nheo rồi.

- Chú muốn cưới vợ?

- Ừ, cưới cô đó.

Vân nhìn theo hướng tay ông già. Cô đi về phía cô gái, mặt đối mặt. Vân nhìn kỹ thêm lần nữa, hỏi han thêm nhiều lần nữa.

  Vân quay lại ông già, mắt không trợn nữa mà châu lại, từng tiếng nói đanh thép.  

- Chú gần sáu mươi rồi, ở tới như vậy thì thôi cưới vợ chi cho lùm xùm, người ta cười chết. Người tu nữa, cưới vợ là vướng thêm nợ đời trong khi chú đang muốn trả từng món cho dứt.

Ông trả lời quyết liệt hơn.

- Tao phải cưới.

- Chú biết người ta bao nhiêu tuổi không. Mới mười tám, nhỏ hơn con, cưới nỗi gì?

- Tao…

Ông sượng với con số mười tám.

Nhưng duyên nợ gì không biết mà nhìn thấy cái lưng áo rồi về ông cứ nhấp nha nhấp nhỏm. Đi đâu làm gì cũng nhìn thấy cái lưng áo. Mấy đứa nhỏ nói ông mê gái trẻ, người ta mới có mười tám mà thương gì thương bất nhơn.

Ông cũng dặn mình nên quên đi. Người ta là con nít. Cưới như vậy có khác gì những ông già háo sắc mà thiên hạ đang chê cười.

Hai mươi năm tu hành rồi, ông là thần tượng của bao nhiêu người phụ nữ,  là trượng phu của biết bao nhiêu cô gái tu hành hiền lành. Họ như nhìn thấy con đường tu thật đẹp thông qua ông. Họ đã vì ông mà tin những gì ông tin, làm những gì ông làm. Nếu cưới gái trẻ là mất hết những tiếng thơm, mất hết niềm tin, thậm chí mất hết uy tín của đạo mà ông đang danh nghĩa là đệ tử . Ông nhìn thấy một sự tan rã.

Ông còn nhìn thấy ngày mình về với vô tận sẽ không thể nào siêu thoát  vì tội phá hoại đường tu của mình và đường tu của những người đang noi theo mình.

Ông ngồi ngẫm nghĩ thấy quá sợ hậu quả. Ông  đi lấy thuốc nhiều hơn, làm phước thiện nhiều hơn, tụng niệm nhiều hơn.

Nhưng nhắm mắt lại tụng ông không thấy khoảng trống thanh thản mà thấy cái lưng áo. Bước ra chặt thuốc, nhìn những cái lưng áo của người khác ông lại nhớ cái lưng áo ông thương. Khi vào chùa, nhìn cái lưng áo cà sa ông cũng như nhìn thấy lưng áo người con gái đó rồi tiến lại gần như muốn ôm chầm một người đồng đạo.

Không xong rồi.

- Chết tao cũng cưới.

Vân bỏ ăn hai ngày để chống đối. Những đồng đạo nói chú cưới kiểu đó con không lấy thuốc với chú nữa, con sẽ hư hỏng cho chú vừa bụng.

Có một bà gần sáu mươi bị sốc, tăng huyết áp rồi nhập viện vì bị tai biến.

Ông vẫn cưới. Vì ông biết mình sẽ còn hư hỏng hơn nếu cãi lại những ham muốn đang cuồn cuộn trong lòng. Mà chẳng biết gọi  mớ cuồn cuộn đó là gì. Nếu chỉ là ham xác thịt phụ nữ thì lén lén tìm bồ bịch cũng qua ngày.  Đằng này phải là cảm giác vợ chồng, phải là ăn đời ở kiếp và phải là đúng con người có cái lưng áo mê ly đó.

*

Ông là một người chồng tốt đẹp. Vân thường hay nói như vậy. Cả một đời lang bạt rồi buông hạ đồ đao lập tức trì chí tu hành, rèn tâm dưỡng tánh. Chưa ai chân thật bằng ông.  Cô gái mười tám kia kể ra cũng là may mắn. Được sống với một người đàn ông có tâm hồn, có lòng nhân.

Lòng nhân của ông là cái gì ? Tại sao mới si mê đó, chỉ sau một đám cưới, mọi thứ cuồng nhiệt biến mất. Ông nhìn vợ như nhìn một cái gì đó không thể nào chấp nhận được. Ông tự hỏi con người ông tại sao lại tác tệ. Phải chi người ta thay hình đổi dạng hay thay dạ đổi lòng. Lòng ông lại thay đổi một cách vô cớ.

Cổ bây giờ vẫn còn là trẻ trung trước mắt ông già. Mà thậm chí mông còn đầy hơn, eo còn mịn màng ngọt ngào hơn. Sao không còn chút hấp dẫn nào hết. Không còn một chút nào chớ không phải còn một phần. Những cảm xúc ngày đó đã đi đâu.

Những khi nhìn mấy bà  bạn đạo đi ngang nhìn vô nhà bằng con mắt căm phẫn, những khi nhìn thấy người đàn bà bị tai biến vì ông, ông tự hỏi phải chi ngày đó lòng dạ ông cũng trống như vầy, cũng không rung động như vầy thì đâu tác tệ. Phải chi là một cái từ vô cùng sang cả và xa vời.

*

Ông đi chặt thuốc nam. Ông đứng nhìn lưng áo của những cô mười tám thường theo cơm nước cho đoàn. Có nhiều cô lưng ong, vai mềm.  Có nhiều cô tươi như bông như hoa,  thấy ông chăm sóc vợ họ ao ước, giá như chừng nữa con có người chồng như chú, bệnh hoạn mà cũng được chăm sóc vậy thì dù nghèo dù già con cũng thương. Sao ông cũng thấy không có chút gì động lòng. Gía như hồi đó cũng bình lặng như vầy.

*

- Bây coi hấp dẫn là cái gì?

Ông già buồn quá lôi Vân ra hỏi.

Vân cười khà khà.  Cô quên mất ngày mình tuyệt thực chống quyết định cưới vợ của chú.

- Hấp dẫn gì hả chú. Thầy Tam nó có gì hấp dẫn mà mấy bả theo rần rần. Đạo đức phải không? Thì nói chuyện cũng có duyên, thì mượn lời của thầy tổ nói cộng với âm điệu ngọt ngào đưa đẩy tưởng như là đắc đạo từ hồi nào. Nhưng mấy câu nó nói, đám phụ nữ tụi con cũng nói hoài, còn ngọt hơn, chân thành hơn sao mấy bà đạo không mê.  Trong khi thằng Tam nó mở miệng ra mấy bà mê chết mê sống. Có nhiều cô hai ba con rồi  đi coi bói hỏi “thầy ơi coi giùm con thôi chồng đi theo thầy Tam được khôn?”.

Nói thiệt với chú,  hồi đó đâu có biết thầy Tam tròn méo thế nào. Con nghe nhỏ bạn hỏi thầy bói mới đòi đi cùng coi thầy Tam lồng lộng cỡ nào. Nhỏ bạn nghe vậy mắt mơ màng như đang bay trên chín tầng mây. “Trời ơi, mày đi với tao đi, rồi thấy thầy, mầy đi không nổi luôn. Đẹp trai gì mà không hình dung nổi.”

Con hình dung thầy Tam chắc đẹp như ông Tam Tạng trên phim, chắc là miệng cười có duyên, chắc môi son da hồng như những ông tiên. Con đi gặp thầy Tam.  Rồi khi về,  con quỳ lại tứ phương. Con thiếu điều quỳ lạy nhỏ bạn con luôn. Ông nội Tam? Đẹp gì chú ơi. Ổng đen thui mặt rỗ, cái trán ổng, chèn ơi trợt lớt. Là con ấy à? Ổng quỳ xin cưới con còn không nhìn tới. Vậy mà nhỏ đó bỏ chồng đi theo ổng. Mà ổng đuổi nó về chú ơi. Nó đâu có nhiều tiền. Ổng miệng lưỡi cỡ vậy đâu dễ mà ưng nó ngang xương rồi chui rút khổ sở. Ổng ở một mình như vậy được cô này cho xe, cô kia cho nhà sống sang như… mà thôi. Con nói cho chú hay, người ta tu không phải như chú đâu. Tu là một cái nghề. Ví dụ như người ta giỏi nói chuyện người ta đi làm MC trong đám cưới, trong mấy nhà hàng hay mấy chương trình ở đài  kiếm tiền. Nhưng xấu hoắc như ông Tam ai mà mướn. Vô làm MC trong đường tu hợp lý hơn. Làm MC trong chuyện tu cũng là dễ kiếm người hâm mộ, cũng kiếm tiền, kiếm tình yêu. Đã làm nghề thì nghề nào cũng nghiệp. Mình mang nghiệp mà hướng mấy người mê trai chịu tu cũng là coi như gỡ được tội dụ dỗ. Học thuộc kinh sách phật rồi lan truyền điều tốt đẹp nó cũng là phước hả chú? Con nói cho chú hay, biết luật mà phạm tội  thì còn nặng tội hơn. Lấy chuyện tu hành mà kiếm tiền kiếm tình thì gỡ đường nào cho hết tội. Họ tưởng tội lỗi là cái thứ có thể lấy thu bù chi được sao. Làm gì có. Cái nào tính cái đó nghe chú, không có trừ cấn được đâu.  Mấy bà mê trai đi tu thì xử tội mê trai  xong rồi mới tính tới chuyện đắc đạo nghe chú.

Ông già nhìn Vân ông cười.

- Bà thầy tu này dữ quá, đắc đạo rồi cũng bị xử tội hung dữ hà.

 - Thì vậy thôi. Nhưng sao con người ta vẫn mê muội há chú.

- Thì có mê mới có sống. Nếu không còn gì để mê nữa thì vãng sanh cho khỏe. Cái lưng áo mà còn mê được chớ nói gì cái trán trợt, cái mặt rỗ mày ơi.

- Đó đó. Con thấy vầy nè chú. Hình như là người này mê người kia không phải vì cái đẹp.

- Chớ vì cái gì? Họ thấy đẹp họ mới mê.

- Không đâu chú. Họ thấy đẹp nhưng nó không đẹp.

- Mày không thấy đẹp nhưng họ thấy đẹp.

- Đó đó. Vậy là phải có cái gì khác làm cho họ thấy rằng cái trán trợt kia đẹp,  cái lưng áo của thím đẹp…

- Cái đó là cái gì?

*

 Ông già nằm võng nhìn lưng áo vợ. Ông mệt rồi. Nãy giờ ngồi cản hoài nhưng vợ cứ ngồi ngay hàng ba cởi từng món. Đầu tiên là cởi cái áo. Rồi cởi cái tả lót. Rồi cởi luôn quần.  Cản một hồi ông mệt leo lên võng nằm. Ông đóng các cửa nhà tự nhốt vợ nhốt mình. Mặc kệ cổ ỉa đái và làm gì quanh đó. Ông cảm thấy khi người ta muốn thì dù họ khỏe hay họ bệnh gì cũng khó lòng cản được họ.  Trừ khi tự họ nhận ra điều đó là sai. Cô vợ hiền điên điên của ông thì làm sao mà tự nhận ra cho được. Trói hay nhốt thì không đành. Thôi kệ vậy.

Ông nằm võng nhìn những tàn tích của vợ rồi phân tích mùi, rồi than.

- Đời người nó ngu như vậy đó.

- Ừ, thì ngu mới là đời.

Ông nhìn lại vợ.

- Bà đang nói hả, sao nói hay vậy.

Bà đang tới giai đoạn cởi sạch quần áo và mặc vào từng món. Bà lấy hai chân mặc vô một cái ống quần. Ông định khen thêm một câu vụ bà nói về đời. Bà nói tiếp.

- Đừng có tưởng bở. Tui là tui không phải người thường đâu. Tui là một nhà chính trị à.

- Rồi trớt quớt nữa rồi. Bởi vậy khổ thân tôi. Hồi đó ở một mình, tu hành sướng muốn chết. Tự nhiên gặp cái lưng áo bà làm chi rồi thương, rồi một cưới hai cưới. Giờ khổ cả nhà. Con Vân nó nói phải. Chết chùm chớ chẳng chơi.

- Ông mê cái lưng tui là phải rồi. Ông không nhớ sao, ông đi rồi, quay lại nhìn cái lưng áo tui ông không tha, ông biểu lính ông bắn tui. Viên đạn xuyên chỗ nào ông nhớ không? Chỗ lưng nè. Cái lưng nè.

Ông già nhìn theo bàn tay người vợ điên đang chỉ vào chỗ vói hụt chỗ lưng. Bà đã mặc được áo nhưng một tay xỏ đúng một tay trổ ra ở phần cổ rồi cài nút lại. Ông không thấy ở đó cái lưng  quen thuộc của vợ, cái lưng vẫn làm ông nghiền ngẫm hàng ngày về sự si mê. Ông nhìn thấy nơi lưng vợ  một dáng đàn ông. Những thớ vải bạc màu nhăn nhún. Như là cái áo đã mặc suốt mấy mươi năm, đã lăn lộn giữa chiến trận đạn bom, lặn lội giữa rừng sâu ngập tràn máu lửa.  

 V.D.T

 

 

Read more…

VĂN HỌC NƯỚC NGOÀI: ARABY - Truyện ngắn của James Joyce

 
                 James Joyce

         James Joyce (1882 - 1941) là một tiểu thuyết gia, nhà văn truyện ngắn, nhà thơ, nhà giáo và nhà phê bình văn học người Ireland. Araby đã được xuất bản trong tuyển tập truyện ngắn của James Joyce, Dubliners vào năm 1914. Nó được nhiều người coi là truyện ngắn hay nhất của ông.

                                                                                     Trần Minh Nguyệt dịch

         Khu phố North Richmond, một ngõ cụt, một khu phố yên tĩnh ngoại trừ vào giờ tan trường của các chủng sinh trường Christian Brothers. Một ngôi nhà hai tầng không có người ở nằm ở góc khuất, tách biệt với những ngôi nhà lân cận trong một khu đất vuông vắn. Những ngôi nhà khác trong khu phố, cuộc sống vẫn diễn ra bình yên với những con người mang những khuôn mặt nâu sạm. Người thuê nhà trước đây của chúng tôi là một linh mục, đã chết trong phòng khách phía sau. Không khí, mùi mốc đã được bao phủ từ lâu, bám đầy trong tất cả các phòng, và căn phòng dùng làm nhà kho phía sau nhà bếp ngổn ngang những giấy tờ cũ vô dụng. Trong số này, tôi tìm thấy một vài cuốn sách bìa cứng, những trang sách bị quăn và ẩm ướt: The Abbot, của Walter Scott, Người giao tiếp sùng đạo, và Hồi ký của Vidocq. Tôi thích quyển sách cuối cùng nhất vì những trang sách màu vàng. Khu vườn hoang phía sau ngôi nhà có một cây táo và một vài bụi cây rậm rạp, dưới một trong số bụi rậm đó tôi tìm thấy chiếc máy bơm xe đạp đã gỉ của người thuê nhà trước kia. Ông đã từng là một linh mục rất bác ái; trong di chúc của mình, ông ta đã để lại tất cả tiền bạc của mình cho các tổ chức và đồ đạc trong nhà cho em gái của ông ta.

       Khi mùa đông đến, ngày trở nên ngắn ngủi, hoàng hôn buông xuống trước khi chúng tôi ăn bữa tối. Lúc chúng tôi gặp nhau trên đường phố, những ngôi nhà lẫn trong màn sương ảm đạm. Không gian bầu trời phía trên chúng tôi là một màu tím luôn thay đổi và hướng về phía những ngọn đèn đường tiếp thêm ánh sáng cho những ngọn đèn lồng loe loét trong những ngôi nhà. Không khí lạnh buốt làm cho chúng tôi rét run người vì vậychúng tôi chơi đùa cho đến khi cơ thể nóng lên. Tiếng hò hét của chúng tôi vang vọng trên con phố vắng lặng. Những trò chơi của chúng tôi đã đưa chúng tôi đi qua những con đường lầy lội tối tăm phía sau những ngôi nhà, nơi chúng tôi chạy giữa những lối mòn gồ ghề giữa những ngôi nhà nhỏ đến cửa sau của những khu vườn nhỏ tối tăm nơi có mùi hôi bốc ra từ những đống tro tàn, đến những cái chuồng đen ngòm. Nơi mà người đánh xe chải mượt lông cho ngựa hoặc gắn lục lạc trên nịt cổ của ngựa. Khi chúng tôi trở lại đường phố, ánh sáng từ cửa sổ nhà bếp đã lan tỏa ra khu vực bên ngoài. Khi chúng tôi thấy chú tôi đang rẽ vào góc cua của con đường, chúng tôi sẽ nấp trong bóng tối cho đến khi chúng tôi nhìn thấy chú ấy vào nhà. Hoặc nếu chị gái của Mangan bước ra trước cửa để gọi em trai vào uống trà, chúng tôi sẽ dõi theo bước chân của cô ấy qua lại và tự hỏi liệu cô ấy sẽ đứnglại trước cửa hay đi vào trong, và nếu cô ấy vẫn đứng lại đó, chúng tôi háo hức rời khỏi nơi ẩn nấp bước đến bậc thềm. Cô ấy đang đợi chúng tôi, bóng dáng của cô ấy in hình lên tường bởi ánh sáng từ cánh cửa khép hờ. Em trai cô luôn nghịch ngợm một lúc sau đó mới nghe lời, và tôi đứng bên lan can nhìn cô ấy. Chiếc váy của cô ấy đung đưa khi cô ấy di chuyển cơ thể, và những sợi tóc mềm mại của cô ấy hất từ ​​bên này sang bên kia. Mỗi sáng, tôi nằm trên sàn trong phòng khách nhìn vào cửa phòng của cô ta. Tấm mành một inch được kéo xuống phủ lấy cánh cửa tôi không thể nhìn thấy bên trong căn phòng. Khi cô ấy bước ra trước cửa, trái tim tôi đập loạn xạ. Tôi chạy ra sảnh, thu dọn sách vở và đi theo cô ấy. Tôi luôn để hình bóng của cô ấy trong tim mình và khi chúng tôi đến gần đoạn mà chúng tôi phải rẽ theo hai hướng khác nhau, tôi tăng tốc vượt qua cô ấy. Chuyện này xảy ra sáng này qua sáng khác.

      Tôi chưa bao giờ nói chuyện với cô ấy, ngoại trừ nói một vài từ xã giao, nhưng tên của cô ấy luôn ngự trị trong tim tôi, trong huyết quản của tôi. Hình ảnh của cô ấy đã đi cùng tôi đến mọi nơi, làm cho cuộc sống của tôi thêm phần lãng mạn. Vào một buổi tối thứ bảy khi dì tôi đi chợ, tôi phải đi theo để mang đồ giúp cho dì. Chúng tôi đi qua những con phố rực rỡ, chen lấn với những người đàn ông say rượu và những người phụ nữ mặc cả, giữa những tiếng chửi bới của những người lao động, những tiếng la hét chói tai của những gã bán hàng bên những thùng thịt lợn, những tiếng hát bằng giọng mũi của những người hát rong, hát những bài hát về Donovan Rossa, hoặc một bản ballad về quê hương của chúng tôi. Những âm thanh này đã đi vào lòng và chi phối tâm trí tôi. Tôi nghĩ rằng mình đã quên đi cái cảm giác nhớ chị của Mangan. Tên của cô ấy chợt vang lên trên môi tôi như những lời cầu nguyện mà chính tôi cũng không hiểu tại sao lại như vậy. Đôi mắt tôi thường rưng rưng (tôi không biết tại sao) và đôi khi nỗi nhớ trong tim tôi như muốn trào ra ngực. Tôi không nghĩ nhiều về tương lai, và tôi cũng khôngbiết liệu tôi có bao giờ nói chuyện với cô ấy hay không, hoặc nếu tôi nói chuyện với cô ấy, làm thế nào tôi có thể bày tỏ với cô ấy về sự tôn thờ, nỗi yêu thương và nhớ nhung của tôi khi tôi trong tâm trạng bối rối như thế này. Tôi thấy mình giống như một cây đàn hạc và những lời nói và cử chỉ của cô ấy giống như những ngón tay chạy trên dây đàn.

       Một buổi tối, tôi đi vào phòng khách phía sau, nơi vị linh mục đã chết. Đó là một buổi tối mưa mịt mù và không có một tiếng động nào trong nhà. Qua một trong những tấm kính vỡ, tôi nghethấy tiếng mưa rơi xuống đất, những hạt nước nhỏ li ti không ngừng vờn trên những luống đất khô cằn. Một ngọn đèn xa hay một cửa sổ sáng nào đó hắt bóng vào phòng tôi. Tôi rất biết ơn vì tôi chỉ có thể nhìn thấy mọi thứ lờ mờ. Tất cả các giác quan của tôi dường như muốn nổ tung, tôi ấn hai lòng bàn tay vào nhau cho đến khi chúng run lên, và nhiều lần thì thầm: Hỡi tình yêu! Hỡi tình yêu!  

      Cuối cùng cô ấy đã nói chuyện với tôi. Khi cô ấy nói những lời đầu tiên với tôi, tôi đã rất bối rối không biết phải trả lời như thế nào. Cô ấy hỏi tôi rằng tôi có đến lễ hội Araby không. Tôi quên mất việc trả lời cô ấy là có hay không. Cô ấy còn nói rằng: Nó sẽ là một khu chợ lộng lẫy, cô ấy rất thích đi. 

"Vậy tại sao bạn không đi?" Tôi hỏi. 

Trong khi trả lời tôi, cô ấy xoay một chiếc vòng tay bằng bạc vòng quanh cổ tay của mình. Cô ấy không thể đi, vì sẽ có một cuộc tĩnh tâm vào thời gian đó trong tu viện. Em trai cô ấy và hai cậu con trai khác đang dành nhau những chiếc mũ, còn tôi thì ở một mình trên lan can. Cô ấy cầm một trong những chiếc trâm cài, cúi đầu về phía tôi. Ánh sáng từ ngọn đèn đối diện với cửa nhà chiếu vào đường cong trắng ngần trên cổ cô ấy, làm cho mái tóc của cô ấy sáng lên bồng bềnh, và rơi xuống mơn trớn dịu dàng đôi bàn tay của cô ấy trên lan can. Ánh sáng rơi xuống một bên váy của cô làm hiện lên viền trắng của chiếc váy lót bên trong khi cô đứng bên lan can. 

"Nó tốt cho bạn", cô ấy nói. 

"Nếu mình đi, Mình sẽ mua tặng bạn một cái gì đó", tôi nói.

      Vô số người, vô số việc đã chi phối suy nghĩ của tôi, nhưng tôi đã loại bỏ nó ra khỏi đầu óc. Tôi không muốn có một hành động hay ý nghĩ gì xen kẽ suy nghĩ của tôi dành cho cô ấy. Ở trường, hay ở nhà, ban ngày hay ban đêm hình ảnh của cô ấy cũng hiện diện trong tâm trí tôi. Những âm tiết của từ Araby đã mê hoặc tôi. Tôi xin nghỉ phép để đi chợ vào tối thứ bảy. Dì tôi đã rất ngạc nhiên, và hy vọng đó không phải là một vụ Tam điểm nào đó. Tôi đã trả lời một số câu hỏi trong lớp. Tôi nhìn khuôn mặt của thầy tôi chuyển từ hòa nhã sang nghiêm nghị; ông ấy hy vọng tôi không lơ đãng. Tôi không thể gắn kết những suy nghĩ vẩn vơ của mình lại với nhau. Tôi hầu như không có chút kiên nhẫn nào đối với công việc quan trọng của cuộc sống mà giờ đây ý nghĩ của tôi nằm giữa tôi và mong muốn của tôi, đối với tôi công việc dường như chỉ là trò chơi của trẻ con, trò chơi của một đứa trẻ đơn điệu xấu xí.

        Vào sáng thứ bảy, tôi nhắc chú tôi rằng tôi muốn đi chợ vào buổi tối. Ông ta đang loay hoay ở hành lang, tìm cái chổi dài, trả lời tôi cụt lủn: 

"Vâng, cậu bé, tôi biết rồi". 

Khi ông ấy ở trong sảnh, tôi không thể vào phòng khách phía trước hay nằm bên cửa sổ. Tôi dở khóc dở cười rời khỏi nhà và đi chầm chậm về phía trường. Không khí nặng nề và trái tim tôi chất đầy những âu lo. Khi tôi về nhà ăn tối, chú tôi vẫn chưa về nhà. Vẫn còn sớm. Tôi ngồi nhìn chằm chằm vào đồng hồ một lúc và khi tiếng tích tắc của nó bắt đầu làm tôi khó chịu, tôi rời khỏi phòng. Tôi leo cầu thang lên căn phòng trên gác. Căn phòng cao, lạnh lẽo, trống trải, u ám nhưng tôi có thể tự do hát lớn. Từ cửa sổ phía trước, tôi nhìn thấy những người bạn của tôi đang chơi đó đây trên đường phố. Tiếng la hét của họ truyền đến tôi yếu dần và không rõ ràng. Tôi dựa trán vào tấm kính mát lạnh, nhìn sang ngôi nhà tối nơi cô ấy sống. Tôi có thể đã đứng đó cả tiếng đồng hồ, không nhìn thấy gì ngoài cô gái mặc áo khoác nâu do trí tưởng tượng của tôi, lén chạm một cách kín đáo dưới ánh đèn nơi chiếc cổ cong, bàn tay trên lan can và đường viền bên dưới chiếc váy.

      Khi tôi xuống cầu thang, tôi thấy bà Mercer đang ngồi bên đống lửa. Bà là một người phụ nữ già dặn, xinh đẹp, quả phụ của một tiệm cầm đồ. Bà đã thu thập những con tem qua sử dụng cho một số mục đích ngoan đạo. Tôi phải ngồi nghe những tán gẫu của mọi người khi uống trà. Bữa ăn kéo dài hơn một tiếng đồng hồ mà chú tôi vẫn chưa đến. Bà Mercer đứng dậy định đi: bà xin lỗi vì không thể đợi lâu hơn được nữa. Đã hơn tám giờ và bà không muốn ra ngoài muộn, vì không khí ban đêm không tốt cho sức khỏe của bà. Khi bà ấy đi rồi, tôi bắt đầu đi lên và xuống phòng, với đôi tay nắm chặt chặt. Dì tôi nói: 

"Tôi e rằng bạn không thể đi chợ đêm nay rồi. Là ý của Chúa".

      Vào lúc chín giờ, tôi nghe thấy tiếng chìa khóa của chú tôi ở cửa đại sảnh. Tôi nghe thấy ông ta nói chuyện với chính mình và nghe thấy giá treo áo rung chuyển dưới sức nặng của chiếc áo khoác ngoài của ông ta. Tôi có thể cảm nhận hết những dấu hiệu này. Khi ông ấy đang ăn tối giữa chừng, tôi yêu cầu ông cho tiền tôi đi chợ. Ông ta dường như đã quên. 

"Mọi người sắp đi ngủ rồi", ông nói.

      Tôi không cười nổi. Dì tôi nói với ông ấy một cách hăng say: 

"Anh không thể đưa tiền cho cháu và để nó đi đến chợ được. Anh đã đến quá muộn". 

Chú tôi nói rằng ông rất tiếc vì đã quên mất. Ông ấy nói rằng ông ấy luôn tin vào câu nói của người xưa: Tất cả công việc và không có trò chơi khiến Jack trở thành một cậu bé buồn tẻ. Ông ấy hỏi tôi sẽ đi đâu và khi tôi nói với ông ấy lần thứ hai, ông hỏi tôi có biết Cuộc chia tay của người Ả Rập với chiến mã của ông ấy không? Khi tôi rời khỏi bếp, Ông ấy đã kịp đọc lại những dòng mở đầu của tác phẩm cho dì tôi nghe.

     Tôi cầm chặt một đồng hai silinh trong tay khi sải bước trên phố Buckingham về phía nhà ga. Cảnh tượng đường phố tấp nập người mua bán và đổ xăng làm cho tôi nhớ mục đích của cuộc hành trình. Tôi ngồi vào toa hạng ba của một chuyến tàu vắng vẻ. Sau một khoảng thời gian dừng lại, đoàn tàu chậm rãi rời ga. Nó len lỏi giữa những ngôi nhà hoang tàn và dọc theo một dòng sông lấp lánh. Tại nhà ga Westland Row, một đám đông người dân dồn đến cửa toa tàu; nhưng những người khuân vác đã bảo họ quay trở lại, nói rằng đó là chuyến tàu đặc biệt dành cho chợ. Tôi vẫn một mình trong khoang. Vài phút sau, đoàn tàu chạy đến bên cạnh một sân ga gỗ. Tôi đi ra đường và nhìn thấy mặt đồng hồ sáng đèn đã là 10h kém 10. Trước mặt tôi là một tòa nhà lớn với cái tên trên tấm biển hiệu đầy ma thuật. Tôi không thể tìm thấy bất kỳ lối vào nhà nào và tôi luôn sợ rằng khu chợ sẽ đóng cửa, tôi nhanh chóng đi vào qua một cửa quay, đưa một tờ shilling cho một người đàn ông mang một vẻ mặt mệt mỏi. Tôi thấy mình đang ở trong một hội trường lớn được bao bọc bởi một phòng trưng bày cao bằng một nửa chiều cao của nó. Gần như tất cả các gian hàng đã đóng cửa và phần lớn của hội trường chìm trong bóng tối. Tôi nhận ra một sự im lặng như bao trùm khắp nhà thờ sau buổi lễ. Tôi rụt rè bước vào trung tâm chợ. Một vài người đang tụ tập về các quầy hàng vẫn còn mở. Trước một tấm rèm, trên đó có dòng chữ Caf Chantant được viết bằng đèn màu, có hai người đàn ông đang đếm tiền trên một cái quầy rượu. Tôi có thể nghe thấy tiếng kêu leng keng của những đồng tiền. Tôi nhớ lại những khó khăn và lí do tôi đến đây, tôi đi qua một trong những gian hàng và xem xét những chiếc bình sứ và bộ ấm trà có hoa. Trước cửa quầy hàng, một cô gái trẻ đang nói và cười với hai quý ông trẻ tuổi. Tôi chú ý đến giọng tiếng Anh của họ, nhưng chỉ nghe một cách mơ hồ cuộc trò chuyện.

"O, tôi chưa bao giờ nói những điều như vậy!"

"O, nhưng bạn đã làm!"

"O, nhưng tôi đã không!"

"Cô ấy không nói vậy sao?"

"Đúng. Tôi đã nghe cô ấy."

"O, có một... fib!"

Nhìn thấy tôi, cô gái trẻ bước đến và hỏi tôi có muốn mua gì không. Giọng cô ấy không hào hứng gì. Cô ấy dường như chỉ nói chuyện với tôi vì nghĩa vụ. Tôi chỉ nhìn lướt qua những chiếc chum lớn đứng như những người lính gác phía ở hai bên lối vào tối tăm của quầy hàng và lẩm bẩm: "Không cám ơn".

     Cô gái trẻ đổi vị trí của một trong những chiếc bình và quay lại chỗ hai người đàn ông trẻ tuổi. Họ bắt đầu nói về cùng một chủ đề. Một hoặc hai lần cô gái trẻ liếc nhìn tôi qua vai. 

    Tôi nán lại trước quầy hàng của cô ấy, mặc dù tôi biết tôi không quan tâm gì đến những món hành trên quầy hàng của cô ấy, chỉ là xem một chút lấy lệ mà thôi. Sau đó, tôi từ từ quay đi và đi xuống giữa khu chợ. Tôi thả hai đồng silinh trong tay vào túi cùng với đồng sáu xu trong túi của mình. Tôi nghe thấy một giọng nói từ phòng trưng bày rằng đèn đã tắt. Phần trên của hội trường lúc này đã hoàn toàn tối đen.

      Nhìn vào bóng tối, tôi thấy mình như một sinh vật bị điều khiển và chế nhạo bởi sự phù phiếm, mắt tôi rực cháy vì đau khổ và tức giận.

T.M.N dịch

Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (137) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (3) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) Đan Ngọc (2) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đặng Toán (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (28) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Bích Hà (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (2) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (33) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (52) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (25) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Minh Anh (1) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (28) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (6) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (33) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) Stephen Crane (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (617) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3145) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (101) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (524) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (17) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (17) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (2) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2476) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (13) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------