THƯ TIN: TRAO GIẢI TRUYỆN NGẮN HAY 2013 TẠP CHÍ TIẾP THỊ & GIA ĐÌNH

Read more…

TA MÃI ĐI TÌM NHAU - Thơ Trần Thuận

                                                         Trần Thuận
DUYÊN TÌNH(*) 

Vì kiếp trước duyên tình mình không trọn
Nên kiếp này sợi tơ ấy vấn vương…

Ta mãi đi tìm nhau
Quên lãng theo thời gian
Chạy đua theo mặt trời
Đến nửa vòng trái đất
Ta dừng chân bến đợi
Thả cả đời hồn trong biển xa xăm…

Ngày vẫn trôi… đời ta như ngược lại
Bến mộng chảy về
Biển trở lại sông

Ta tìm nhau trong tiềm thức
Chim én lạc loài hóa cánh hải âu
Vượt biển khơi xa
Giữa đại dương mênh mông
Nhóm đóm lửa tình nóng bỏng
Ấp tan lớp băng dày
Tràn ngập cả thu yêu
Tỏa lấp trùng khơi xa
Nồng men vang đỏ ửng má đào
Say ngất hoa hồng thấm giọt… giọt tim!

Sài Gòn... 26/8/2012

(*)Bài thơ này đã được Nhạc sỹ Nguyễn Vinh (Pháp)  phổ nhạc


THÈM GIẤC XƯA

Ta thèm nụ cười ni
Thèm ánh nắng mai bất chợt
Bên thác cuộn dòng bọt khói nhả hơi sương

Ta thèm đi 
mát tận kẽ chân trong lòng vách núi
Ta thèm về 
vòng tay ấm ôm trọn biển xanh

Ta nhớ 
cái nhìn hôm nao?
trong đôi mắt ấy
Ẩn quanh khúc tình 
một kiếp đa đoan
Rồi phải lụy sông vắng bóng con đò
 Để chìm nổi bão giông miền xa tít…

Ta lại thèm về
xóm nhỏ xưa
 Gió lùa qua cửa sổ nắng chiều
Văng vẳng tiếng trẻ thơ đùa nghịch ngợm
Tung tăng chạy ùm  nghịch sóng biển vung lên
 Rồi lại thèm nồi cá kho ngon ngót
Quẹt  mắm cà, cơm nóng ngạt hương quê

Ta thèm lắm
mùi hương gói trọn vòng tóc nhớ
Tàn trăng, giấc mộng ủ say nồng…

 06/2013
Trần Thuận (TP. HCM)


Read more…

NGÀY MUỘN MÀNG – Thơ Huỳnh Ngọc Phước

                                                        Huỳnh Ngọc Phước

Ngày ba đi theo cuộc tình mới
Mẹ tôi trở thành người đàn bà góa bụa
Tôi cạn nước mắt trong cái nôi đời
Bất hạnh!

Ngày tôi lên ba
Tôi hỏi: “Ba đâu rồi mẹ?”
Mẹ không trả lời
Quay sang ôm tôi vào lòng
Thút thít.

Ngày tôi trưởng thành
Tóc mẹ trắng như chạm cùng sương gió
Áo mẹ bạc màu vì cõng nắng cõng mưa
Nước mắt đã cạn dần trong sâu thẳm
Mẹ tôi - và - thời gian!

Ngày ba trở về
Chái bếp xưa không còn người đàn bà cặm cụi
Chỉ khói đen bám vào mái lá. Nhện giăng đầy!

Ngày muộn màng
Lá khô rơi dày thêm mộ mẹ, cỏ mọc tràn
Giọt nước từ mắt ba ngậm ngùi
Rơi...
Ướt rong rêu!

Huỳnh Ngọc Phước (An Giang)




Read more…

GIÓ BẤC VỀ LẠI NHỚ QUÊ – Tuỳ bút Trần Duy Đức


“Gió bấc mang về nỗi nhớ nhung/ Bờ lau xơ xác dưới mưa phùn...”, tôi không nhớ là hai câu thơ của ai, nhưng cứ đến đông về thì càng nhớ quê, nhớ gió mùa đông- bắc mang hơi lạnh từ phương Bắc tràn vào phương Nam, đặc biệt là miền Trung. Cái lạnh như cắt da cắt thịt, ảnh hưởng đến đời sống và sức khỏe, nhất là đối với trẻ con và người già là đối tượng có sức đề kháng yếu. Mùa đông mưa phùn gió bấc, có năm lạnh đến cóng người, súc vật cũng không chịu nổi, vì thế mà cứ mùa này thì người già chết nhiều, nên cuối năm có nhiều ngày giỗ.

Tôi chưa có dịp sống ở miền Bắc vào mùa đông rét, nên chưa hình dung được cái rét đến cá dưới nước cũng phải nhảy lên bờ, trâu bò cũng ngã lăn ra chết. Người miền Bắc gọi mùa gió tràn về từ phương Bắc khoảng độ tháng chín, tháng mười âm lịch năm trước đến tháng giêng, hai năm sau là gió mùa đông- bắc. Người miền Trung lại gọi là gió bấc, có lẽ do từ gió bắc mà trại thành gió bấc chăng! Ở Nam bộ, nhất là miền Tây còn gọi là gió chướng.

Đã gần bốn chục năm rồi, tôi cư trú ở cái phố huyện, nay đã là trung tâm thị xã, dưới triều Nguyễn là tỉnh thành Bình Định. So với những người đồng hương tha phương ngoài tỉnh, ngoài nước thì nơi tôi ở gần quê nhà hơn, vậy mà cứ mỗi mùa đông đến kèm theo gió bấc, mưa phùn rét mướt tôi lại nhớ quê. Nhớ cái rét ngọt giữa mùa làm ruộng cấy, quê tôi là nơi bắt đầu sông Côn rẽ nhánh, nằm lọt thõm giữa hai dòng sông, ba bề là sông nước ôm gọn xóm làng, đồng ruộng, đến mùa đông thì gió từ hai nhánh sông càng thổi mạnh vào làng. Những dáng nông dân đi làm đồng, người cày thì con trâu đi trước, cái cày cái bừa theo sau, kẻ gánh mạ non, phân chuồng ra ruộng, đàn bà khom lưng đi chà lui dưới mặt ruộng theo luống mạ cấy, trẻ con theo những đàn bừa để bắt cá, bắt cua.v.v...Ai nấy cũng mặt mày lấm lem bùn đất, chân cẳng mốc thếch, đầu đội nón cời, mang tấm ni lông mỏng, một ít người lớn tuổi choàng cái áo tời chằm bằng lá cứ run bần bật, trống trước hụt sau. Quần xắn quá gối, dáng người cứ như nhỏ bé trên cánh đồng mênh mông mưa dầm, gió dãi, thân hình nghiêng nghiêng trên cái bừa có hàng răng sắt vài chục chiếc nhọn hoắt, những người gánh gồng kẽo kẹt đi trên bờ ruộng càng mong manh, không ít người bị gió hất tung xuống mương, xuống ruộng. Những con người lam lũ bán mặt bán cho đất, bán lưng cho trời, đầu đội nón cời cứ chúi về phía trước, từng đợt gió rét cứ đẩy tấm lưng còm ướt đẫm về phía sau như một dấu chấm hỏi đặt ngược, mà đã bao nhiêu năm rồi tôi không dễ gì quên hình ảnh người nông dân trên đồng ruộng quê mình vào mùa gió bấc, cùng với bao day dứt.

Hình ảnh những người phụ nữ kẽo kẹt gánh rau cải, bầu bí dưa củ, gạo, bắp... qua sông đi chợ lúc gà còn gáy. Những cô cậu học học trò, ngày hai buổi qua lại trên con đò nang giữa dòng nước bồng bềnh, gió bấc thổi ào ào làm cho đò cứ chao nghiêng, chòng chành, nước mấp mé mạng xuồng, bao phen mất hồn, hú vía. Những ngư dân ngồi trên chiếc sõng câu nhỏ trông như chiếc lá nổi trên mặt nước cứ nghiêng nghiêng trước gió. Ngày chủ nhật tôi cùng lũ bạn trong xóm thả bò ra gò, đứa nào cũng co ro trong chiếc quần cộc cuộn lên sát háng và áo mỏng phong phanh, chân mốc meo, cùng nhau tìm nhặt phân bò khô nhúm lửa rồi xúm tụm lại cho ấm, khi về nhà quần áo, tóc tai đứa nào cũng bay mùi khói phân bò ngai ngái.

Làm sao quên được những mái nhà tranh vách đất, vào mùa đông gió giật cuốn ngược đuôi tranh, có lúc tốc mái, nước thấm vách sạt lở. Đến hoàng hôn về, từng cơn gió lùa mang cái rét vào tận ngôi chùa đầu làng, nghe tiếng chuông ngân vang như cứ rưng rưng. Cái lạnh ùa vào nhà, vào bếp, vào những bữa cơm chiều của bà con ở quê, đang lúc cả nhà quây quần mâm cơm bên bếp lửa với nồi cơm thơm lựng mùi gạo giã lúa “Trì trì, Ba trăn, Ba triên...” với trách cá mòi hay cá trích kho muối tiêu, đĩa rau lang luộc chấm mắm cua đồng, đôi lúc có vài con cá rô nướng dằm nước mắm. Tối lại, bà nội bảo mẹ rang bắp nổ lúp búp rồi rưới nước mắm ớt có pha tý đường cho lũ trẻ tôi vừa ăn bắp vừa học bài đỡ buồn ngủ. Bắp rang vừa dòn dòn, vừa có vị mặn và ngọt, ngoài trời mưa bay gió dãi, tối đen như mực. Có hôm, ban ngày mẹ bưng gạo sang xay nhờ cối nhà bên đem bột về đúc bánh xèo, ngoài trời mưa tí tách cùng với những cơn gió lùa, trong nhà nghe tiếng xèo xèo của bánh vừa đổ bột lên khuôn trên cái lò đỏ lửa. Rau thơm, rau húng, khế chua chua ngọt ngọt có sẵn trong vườn, cả nhà quây quần ăn bánh xèo nóng hổi.

Dẫu ngày nay đời sống ngươi dân từ miền quê đến phố thị đã khấm khá. Nhưng ở nước ta, nhất là miền Trung, thì vẫn theo chu kỳ mưa- nắng- bão- giông- nóng- lạnh. Khác với gió nồm ngọt lịm của mùa xuân; gió tây nam nóng rát, khô hanh của mùa hạ; gió heo may- gió mà như không gió giữa thu; thì mùa đông tuy mỗi năm mức độ có khác nhau, nhưng vẫn gió bấc mưa dầm, vẫn rét mướt, vẫn là khoảng thời gian dành cho ta bao trăn trở, lo toan về những tháng ngày cuối năm khắc nghiệt, để rồi có được một mùa xuân ấm áp, đất trời quang đãng.

Dù sống ở phố thị, nhiều người có đời sống khá hơn, nhà cao cửa kín, nệm ấm chăn êm... nhưng sao khỏi chạnh lòng khi những cơn gió bấc mùa đông buốt giá làm lạnh run một tiếng rao khuya hàng rong, tiếng trở mình của kẻ không nhà trú tạm đâu đó dưới mái hiên, vỉa hè, lều chợ, sân ga... càng liên tưởng đến mùa đông gió giật, lũ dồi ở vùng sông nước làng quê. Bởi, dù ngày nay là người sống ở thị thành thì phần lớn cũng xuất xứ từ nông dân, từ đồng quê gốc rạ, nên càng có cuộc sống đủ đầy càng không thể quên ký ức một thời ở làng quê khi đông về, bấc đến.

Đã đi qua bao mùa mưa dầm gió giật, lạnh cắt da cắt thịt, tôi nhận ra dòng sông quê đã biến đổi cạn dần, bên lở bên bồi. Dù có giấu diếm những bất trắc tai ương thì mùa mưa lũ, gió bấc tràn về dòng sông cũng quặn thắt, cùng với quặn thắt lòng người dân lam lũ quê tôi để rồi sẽ có một sớm chớm xuân, những tia nắng vàng ấm áp nhảy nhót trải dài hai bờ sông, ùa vào từng ngõ ngách xóm làng, cùng với màu xanh của lúa non đang dậy thì, màu vàng của hoa cúc, hoa mai... và cả hoa cải đón xuân.

Tháng 10. 2012
Trần Duy Đức (Bình Định)



Read more…

THƠ PHỔ NHẠC: TÌNH CA MÙA THU (sáng tác của nhạc sĩ Phú Xuân)

                                                                                     
                                                                                  Nhạc sĩ Phú Xuân      
     (XEM THÊM)
Read more…

BÌNH DƯƠNG TRONG TÔI – Tuỳ bút Trịnh Huy

          Tôi không phải nhà văn, một tác gia hay một cây bút lớn. Tôi chì là đứa học trò. Tôi không có cái vinh hạnh sinh ra trên mảnh đất này, mà đơn thuần chỉ được lớn lên ở đây, trong vòng tay của mẹ.
          Bình Dương ư?
          Đơn giản thôi!
          Trong tôi, Bình Dương là ngày đầu tiên mẹ con tôi dắt díu nhau về đây thăm ngoại, quãng đường 25 cây số đã mòn bánh xe suốt 16 năm qua mà tôi chẳng thể nào nhớ nổi. Tôi vậy đấy, chẳng hiểu thế nào mà tôi có thể thuộc làu lịch sử của các quốc gia xa lạ, nhưng chẳng thể nào nhớ được ngày sinh nhật của mẹ mình. Vì với tôi, có lẽ… những thứ đó không quan trọng chăng???
          Trong tôi, Bình Dương là khu vườn nhà ngoại! Khu vườn nhỏ với cái hồ be bé nằm cạnh lối đi, mà có lần tôi tôi suýt ngã xuống đó. Khu vườn nhỏ của bà tôi có đầy cây cỏ, nào mít Tố nữ thơm lừng, nào sầu riêng béo ngậy, lại có chôm chôm, nhãn, xoài, mận, bưởi và cả măng cụt nữa. Khu vườn nhỏ xinh của ngoại nằm lọt thỏm trong tổng thể khu miệt vườn lớn Lái Thiêu nổi tiếng cả nước trong nhiều thập kỷ qua, với diện tích hàng ngàn héc ta. Từ lâu đã được coi như là lá phổi xanh của hàng chục triệu người dân sống ở khắp các tỉnh, thành miền Đông Nam bộ. Nhưng lạ, giống như trong chuyện cổ tích mà bà hay kể tôi nghe, khi mụ phù thủy ác độc phù phép vào nước suối, khiến cây cối trong vườn cứ lụi dần. Tôi còn nhớ có lần cầm dao chặt phăng nhánh mít cản lối đi, mà bà đã rầu cả ngày, nay lại bị mụ phù thủy ác độc làm hại tới cỏ cây cả khu vườn, ắt là bà buồn lắm .
          Bình Dương trong tôi là chút nắng nhẹ và lá rơi giữa mùa ổi chín, khi mà tôi bắt đầu đi học. Biết bao nhiêu trò quậy phá thầy cô, biết bao lần bị phạt đứng. Ít ra trong mấy năm liền, tôi cũng có được vài đứa bạn thân cùng sẻ chia hoạn nạn, những đứa đó tôi vẫn chơi chung tới bây giờ… tuy là… có vài thứ không còn như trước.
          Bình Dương có tiếng với lễ hội Chùa Bà và món bánh bèo bì Mỹ Liên, khi mà khách thập phương đổ về dự hội, kể cả những ngày nghỉ khác hằng năm. Khỏi phải nói, lũ chúng tôi vui nhất, mừng nhất rồi, không phải vì hội hè gì, chỉ là vì giao thông hôm đó thường tắc nghẽn nên chúng tôi được nghỉ học một ngày.
          Bình Dương ư? là bà cụ cứ tầm 9 giờ sáng lại gánh thúng trái cây ra ngồi gốc cây sát tường trường Trần Quốc Toản ở Lái Thiêu. Thú thật, nhìn bà cụ, tôi chẳng rõ tóc bà bạc hay không, vì bà đội nón lá và cúi lưng quá thấp, tôi  lại nghĩ tới cảnh bà tôi, mẹ tôi… vào độ tuổi đó thì sẽ thế nào!!! Mỗi sáng đi học, tôi đều thấy có một cụ ông và một cụ bà, ông ngồi xe lăn còn bà đẩy phía sau, họ cầm trên tay tập vé số và mặt họ ánh lên nụ cười, luôn luôn là như vậy …
          Bình Dương là những ngày mùa mưa lạnh tôi ngồi co mình trên hiên nhà, dù có thể vào trong được, nhưng tôi vẫn thích ngồi ngoài hiên, cốt chỉ để đợi chị bán bắp xào đi ngang qua… Cảm giác chút chút gì nóng len lỏi vào trong cơ thể sau cơn lạnh, khiến cho tôi cảm thấy có phần khoan khoái hơn thì phải… Đó cũng là lí do tôi thích uống sữa nóng hay trà nóng sau khi cố tình dầm mưa …
          Bình Dương lại là những hôm bão, mưa lớn. Quanh năm suốt tháng không rời miền Nam ấm áp, thật tình đây là lần đầu tiên tôi biết bão là thế nào. Gắng gượng lắm tôi mới ra khỏi quãng hương lộ vừa mới xây, trong khi gió và mưa cứ liên tục quất vào mặt và cản chiếc xe của tôi lại. Khu tôi ở cúp điện, cả ba mẹ con thu mình bên ngọn đèn cầy le lói gió… thu mình… thu mình …
          Bình Dương là những tòa nhà chọc trời mới xây ở Thành phố mới, kéo theo bao khát vọng của người dân nơi đây, cũng như người dân xứ lạ. Càng lúc càng dày các khu công nghiệp, hy vọng kinh tế – xã hội Bình Dương sẽ không ngừng phát triển, nếu chúng ta biết xây dưng và bảo vệ. Ngược lại thì hàng ngàn héc ta miệt vườn cây trái Lái Thiêu, trong đó có khu vườn nhỏ xinh của bà tôi sẽ dần tàn lụi, bởi lẽ tôi biết: Mụ phù thủy ác độc lẩn trốn trong ống khói, ống xả của những nhà máy kia! Thế mà tôi nghĩ lâu đài hắc ám của mụ phải to hơn, lớn hơn và không luồn cúi như thế!
          Bình Dương là ngày 8-3 vừa rồi, tôi vịn tay mẹ lại… nhưng không thể thốt thành lời: Con yêu Mẹ… và để câu nói ấy lịm dần… rồi tan vào quên lãng…
          Bình Dương là nắng ấm tình người…
          Bình Dương là mưa chan hạnh phúc…
          Bình Dương là ngọn lửa yêu thương…
          Bình Dương là màu xanh hoa trái…
          Bình Dương là hoa văn gốm sứ…
          Bình Dương là cá hóa thành rồng…

          Nhưng trong tôi, Bình Dương là Mẹ!

 Trịnh Huy
( Lớp 10D, trường PTTH Trịnh Hoài Đức, Bình Dương)

          
Read more…

TRANG THƠ CHỦ NHẬT: SAO TRÁI TIM MÌNH CỨ RỐI TUNG – Thơ Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan)


1.
hôm qua mộng thấy tôi cười
nửa vành nguyệt rạn bước lùi hiên sau
thấy mùa thu cánh lá nâu
lá rơi nhiều 
chỉ một màu riêng tư…

hôm qua mộng thấy tôi như
loã thể 
đứng
tay ôm khư 
hình hài

ôi trăm tiếng
đợt thở dài...

 2.
đau thân co quắp hình thù
ngó con gián nọ bay vù vào trưa
ngó băn khoăn, ngó lọc lừa
ngó điều không thực có thừa nỗi oan
(nghĩ mình con mắt lăng loàn)

 3.
làm sao tỏ rõ nguồn cơn
nghe ra trăm khúc sông lòng chạy quanh
buồn len vào trang thơ anh
cứ theo người nhé âm thầm làm đuôi
còn ta…
chết tự nào rồi!

 4.
em dỗi hờn em tự cao
vui buồn vì những chuyện không đâu
như mưa như nắng như mây gió...
một thoáng rồi qua đi rất mau


vẫn viết hoài lời thơ nhớ nhung
mơ hồ một cõi những mông lung
cho em, cho cả đời trăm mắt
sao trái tim mình cứ rối tung


Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan)





Read more…

THƠ PHỔ NHẠC: BÀI KHÔNG TÊN NGÀY XƯA (thơ Nguyễn Hữu Duyên, nhạc Phạm Minh Thuận)


+ Nhạc sĩ Phạm Minh Thuận (ảnh trên) trình bày ca khúc Bài không tên ngày xưa trong buổi họp mặt kỷ niệm 2 năm Ngày thành lập Hương Quê Nhà tại Cà phê Vista, Ngã Tư Bình Hoà, thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương, ngày 22.09.2013.
Read more…

SÁCH BẠN VĂN TẶNG HƯƠNG QUÊ NHÀ



Read more…

SỰ ĐƠN GIẢN THƯỜNG NGÀY – Thơ Hồ Thanh Ngân


Ta có phải như con bổ củi
          Lập trình chỉ có gật đầu
          Trước cuộc sống, trước nghịch cảnh
          Trước áp lực, trước trớ trêu

          Có phải chỉ có gật không?
          Hay lắc! trước những cám dỗ
          Trước những đổi thay
          Trước cái cũ tầm thường, trước cái mới vô nghĩa

          Ly trà sóng sánh khói mỗi ban mai
          Điếu thuốc lập lòe góc khuất tối
          Thản nhiên hay dửng dưng điều có lỗi
          Phần mềm phải là chính tôi.


Hồ Thanh Ngân (Cà Mau)
Read more…

VÀI CẢM NHẬN KHI ĐỌC TIỂU LUẬN ĐỒNG CẢM VĂN CHƯƠNG CỦA LÊ BÁ DUY – Bài của Thạc sĩ Nguyễn Văn Hoà


           Nhà thơ- nhà giáo Lê Bá Duy là một cái tên không còn quá xa lạ với những người yêu văn chương nước nhà. Phải khẳng định một điều rằng anh là người có nhiều tâm huyết và nặng nợ với văn chương, nguyên là người sáng lập và là chủ trang vanthoviet.com- một trang điện tử được nhiều người yêu mến, quan tâm, cộng tác. Dù mới hoạt động từ năm 2010 nhưng đến 12. 2012 đã có hơn 9 triệu lượt người truy cập. Có lẽ tình yêu và duyên nợ với văn chương đã thấm vào anh, vào từng hơi thở, vào trong huyết mạch mà anh không thể nào xa nó. Mặc dù bận rất nhiều công việc nhưng hàng ngày anh vẫn dành khá nhiều thời gian cho văn chương, cho bạn văn của mình. Trong vai trò chủ trang vanthoviet anh phải liên tục cập nhật để biên tập và đăng bài. Và cũng vì lẽ đó mà anh có dịp tiếp xúc, được đọc, được biết nhiều tác phẩm và tác giả ở khắp mọi miền Tổ quốc.
Vốn là một con người tinh tế, nhạy cảm và có năng khiếu với văn chương; Lê Bá Duy phát hiện và tìm thấy trong những tác phẩm của thi hữu, văn hữu của mình nhiều cái hay, cái độc đáo và hấp dẫn. Anh nhìn nhận, mổ xẻ nó dưới con mắt của một nhà thơ, một nhà văn, đồng thời là cái nhìn của người viết lý luận phê bình. Đọc những bài nhận định, những bài cảm nhận, phê bình của anh ta thấy rõ được điều đó.
Đồng cảm văn chương là cuốn Tiểu luận tập hợp 48 bài nhận định, đánh giá của Lê Bá Duy. Chừng ấy bài trong tập này cũng đủ cho thấy sự lao động nghệ thuật cần mẫn, tỉ mỉ, sự cẩn trọng và yêu thích văn chương của anh như thế nào.
Là người sáng tác, hơn ai hết anh hiểu được cái nhọc nhằn, vất vả, sự lao tâm khổ tứ đối với nghiệp cầm bút. Sáng tác đã khó, làm ra được đứa con tinh thần của mình làm sao nó sống được với thời gian, nó trụ lại trong lòng người đọc, được người đọc chấp nhận là điều không phải người nghệ sĩ nào cũng làm được. Với người viết phê bình chân chính để đánh giá tác phẩm của người khác cũng không phải là điều đơn giản. Vì sao vậy? Để chỉ ra cái hay, cái dở của tác phẩm đòi hỏi anh phải đọc, phải biết, phải hiểu và phát hiện ra tại sao nó hay, tại sao nó dở, nó chưa đạt ở những điểm nào, khía cạnh nào … Do vậy khi nhận định, đánh giá tác phẩm của người khác thì người viết không thể đọc một cách hời hợt, phán bừa phán ẩu theo cảm tính mà phải đọc tác phẩm, tìm hiểu khá kỹ về tác giả, và những gì có liên quan. Lê Bá Duy là người có nhiều ưu thế, vì anh là người có năng khiếu văn chương vừa làm thơ, vừa viết văn và cả viết lý luận phê bình nữa. Cho nên hơn ai hết, anh ý thức sâu sắc những yêu cầu, phẩm chất, điều kiện… của người làm nghiên cứu văn chương cần phải có.
Trong lúc nhiều người đang quay lưng lại văn chương, người ta đang tự ca tụng những điều viển vong, hư ảo thì anh lại tìm đến nó như một sự trải lòng. Ngoài việc làm thơ, viết văn, anh không tiếc thời gian và công sức, anh đam mê tìm tòi, chịu khó đọc và đưa ra  những nhận định khá thú vị và xác đáng về những bài thơ, tập thơ, các tác phẩm văn xuôi của nhiều tác giả. Vì vậy, nhìn chung tập tiểu luận này của anh là tập sách có giá trị về mặt văn chương và học thuật
Lê Bá Duy là người có một vốn từ ngữ giàu có, sử dụng một cách uyển chuyển, linh hoạt, nhận định- bình giá khá kỹ lưỡng, nhiều chỗ sâu sắc và có nhiều phát hiện mới mẻ, độc đáo.
Chẳng hạn một đoạn ngắn của anh bình bài thơ Làng tôi đất bán sạch rồi của nhà thơ Thanh Trắc Nguyễn Văn: " … Cái kết của bài thơ chỉ hai câu: "Bàng hoàng nắng quái chiều hôm/ Làng giờ hóa phố cọng rơm chẳng còn …”. Còn phảng phất, mà đúng hơn là nỗi bàng hoàng đến độ không ngờ trước sự thay đổi; tiếc nuối về hình ảnh làng quê yên bình thơ mộng cùng hình ảnh con trâu, cái cày, những câu hò vang vọng, nhường cho tiếng nhạc xập xình, những tiếng xe chạy nhức óc, xả khói và bụi trên cái không gian vốn yên tĩnh ngày xưa.
Sự hoài niệm và tiếc nuối của bao người nông dân được Thanh Trắc Nguyễn Văn nói bằng những hình ảnh rất thơ, qua lối diễn đạt giàu cảm xúc bằng thể lục bát đã để lại trong tôi những suy nghĩ, những trăn trở như tác giả đã từng trăn trở. Biết rằng sự vận động của quy luật, của xã hội; biết rằng đổi mới nông thôn lên thành phố có thể là điều đáng vui, đáng mừng, nhưng dẫu sao con người ta vẫn thấy xót xa tiếc nuối, thấy như hụt hẫng thiếu vắng một cái gì đó đã ngấm vào máu thịt của người nông dân tự bao đời nay!.
Hay một đoạn khác trong bài bình Nhớ về cô giáo cũ của Phạm Ngọc Thái: "Cô giáo ngày xưa "thôi không còn lên lớp nữa” gợi người đọc một liên tưởng đa chiều. Cô đi đâu trong cõi người? Hay cô đã đi xa? Cô về hưu? Hay cô … Mà thôi, "cô không còn lên lớp nữa” là quy luật. Quy luật muôn đời của thời gian. Cậu học trò của cô ngày xưa đã đi vào cuộc chiến. Cuộc chiến vĩ đại của một dân tộc kiên cường chống giặc ngoại xâm, giờ đã trở thành nhà thơ. Nhưng vẫn đau đáu xót xa oằn rơi giọt lệ khi "sương trên mái tóc cô rơi xuống đầu em …”. Đời người ngỡ như một giấc mơ. Mới nghe tưởng chừng vô lý, ngẫm lại có lý. Bạn đọc cứ nhìn lại xem, nhìn lại chặng đường đời đi qua, ta thấy ngắn ngủi vô cùng
Nhìn chung, đọc tập sách này tôi có nhiều thiện cảm, được đọc nhiều bài, nhiều đoạn viết khá chặt chẽ, phân tích, lý giải thấu tình đạt lý, khơi gợi nhiều xúc cảm từ nơi người đọc.
Tôi rất thích cách anh bình bài thơ Ráng chiều của Nguyễn Kim Huy, đó là cách bình ngắn gọn, súc tích nhưng giàu tính phát hiện: "Trong khí quyển có gì nhiều sắc thái và biến đổi nhanh bằng thời tiết? Còn trong đời thường có lẽ phụ nữ được coi là sự hội tụ của những rắc rối đáng yêu. Từng yêu thương và cả chiêm nghiệm, nhà thơ Nguyễn Kim Huy đã viết: "Em lơ lửng tựa ráng chiều/ Ẩn trong sắc đỏ vẫn nhiều bão giông/ Lòng anh nghiêng một cánh đồng/ Mưa rào xanh biếc bão giông úa sầu”.
Câu thơ âu yếm và nâng niu "Em lơ lửng tựa ráng chiều”. Gần mà xa, gần trong mắt nhưng chấp chới ngoài tầm tay. Em đẹp mong manh biến ảo như ráng chiều. Từ ngàn xưa người ta đã nhìn ráng chiều để đoán thời tiết và em cũng lửng lơ trong cuộc đời ta để dự báo cho ta về số phận. Người ta có thể so sánh người với nhiều sự vật nhưng một khi đặt người yêu lên cao cùng với bầu trời thì có lẽ vị trí người yêu cũng cao như vậy. Câu thơ như có tiếng vọng từ hình ảnh đẹp: Yêu em ta chỉ là mặt đất theo dõi bầu trời chấp nhận bão giông để chờ đợi "cơn mưa rào xanh biếc”. Đọc câu thơ thứ ba "Lòng anh nghiêng một cánh đồng” tôi thấy nao nao bởi hồn thơ chân thật và tình yêu mãnh liệt quá. Có gì thật và ấm bằng đồng lúa? Và em bây giờ không chỉ là dự báo "ẩn trong sắc đỏ” nữa mà sẽ quyết định số phận của cánh đồng anh. Chỉ cần em giận không mưa, anh sẽ khô héo, nếu em hờn khóc anh sẽ ngập úng cho xem. Hai hình ảnh thơ đã nâng sự so sánh thành khát khao hòa nhập. Anh và em như đất và trời. Cái ráng đỏ xa xôi yêu kiều ấy lại là nơi chứa đựng nhiều bão giông. Nhưng sẽ ra sao nếu mặt đất không còn mưa giông sấm chớp? Đến với em lòng anh tách thành hai nửa. Một mưa rào "xanh biếc”; hai bão giông "úa sầu”. Hai hình ảnh khép lại bài thơ đẹp như mỗi lòng người đang yêu: sẵn sàng đón nhận từ phía tình yêu dù đó là ngọt hay đắng, bình yên hay giông bão …
Ở đời này cần lắm những tình yêu như thế!”.
Tôi đánh giá rất cao những bài viết kiểu như thế này. Bởi Lê Bá Duy đã có cái nhìn rất tinh tế, phát hiện ra những điều mới mẻ mà có khi chính người sản sinh ra những đứa con tinh thần ấy chưa chắc đã nghĩ đến được như vậy.
Người đọc cũng có thể tìm thấy nhiều bài viết khá công phu, viết rất chắc tay của anh như: Đứa con sống sót của Nguyễn Huệ trong "Tây Sơn Ai Tư Vãn Truyện” của Vũ Đình Ninh, Hoa Tâm trong "Hương đời quê mẹ”, "Hỏi lại chính mình”- Tập truyện giàu triết lý nhân văn, Vị đắng thời gian, "Trong mắt em”- Một tình yêu nhân bản …
Để có được tập Tiểu luận này, nhà thơ – nhà giáo Lê Bá Duy phải đọc rất nhiều, rất kỹ không chỉ những bài thơ- tập thơ được anh bình giá, nhận định mà anh còn đọc rất nhiều những tác phẩm khác, tài liệu khác; cộng với năng khiếu và vốn kiến thức được anh tích lũy lâu nay.  Đọc như thế, anh mới có đủ những căn cứ, lý lẽ để viết được bài cảm nhận hay như vậy.
Đọc những bài viết của Lê Bá Duy trong Đồng cảm văn chương cũng là cách để chúng ta  đi vào thế giới thơ, thế giới truyện, đi vào khám phá những cung bậc khác nhau của tình yêu và sự sống. Người đọc sẽ thấy ở đó những cái hay, cái đẹp, cái kỳ diệu của văn chương. Tất cả những gì của cuộc đời này cũng đều được chuyển tải, gửi gắm qua thơ bằng những cách thức diễn đạt khác nhau thông qua hình ảnh, ngôn ngữ, các biện pháp nghệ thuật. Đây cũng là dịp để chúng ta biết thêm được nhiều bài thơ hay và những tập thơ có giá trị. Độc giả có thêm một cách nhìn mới về sự cảm thụ, phân tích, bình giá thơ.
Đồng cảm văn chương là một cuốn tiểu luận mà độc giả - những người yêu thích văn chương và các em học sinh, sinh viên  nên tìm đọc. Ở đó, chúng ta sẽ thấy được giá trị đích thực của văn chương. Bằng vốn hiểu biết và sự trải nghiệm của cuộc đời, Lê Bá Duy đã có một cách viết khá sâu sắc về những vấn đề thế sự nhân sinh. Vấn đề tình cảm, những mối quan hệ gia đình, tình yêu, tình bạn, vấn đề đạo và đời được anh mổ xẻ dưới những khía cạnh, góc nhìn khác thông qua thơ và các tác phẩm văn xuôi của những tác giả khác nhau. Đây không phải là điều đơn giản mà ai khi cảm nhận, thẩm thấu tác phẩm văn chương cũng chỉ ra được.
                                                                                                                    Phú Yên, 8. 2013
Nguyễn Văn Hòa


Read more…

NGÔI CHÙA LÀNG TÔI – Tuỳ bút Hoàng Thị Nhã

      
Hoàng Thị Nhã

Nắng dịu nhẹ vương trên mái ngói đỏ của ngôi chùa làng, mặt nước lăn tăn đưa những chiếc lá bàng đỏ ối rụng xuống theo con nước. Trên bầu trời xanh màu óng ả của làn mây cùng tiếng sáo vi vu của tụi trẻ làng tôi chiều nào cũng thả. Tôi ngồi lặng nhìn mẹ đang làm bên sông, tẹo nữa nắng tắt tôi sẽ đẩy thuyền sang bên đón mẹ.
Ngôi chùa cổ kính làng tôi cũng gần nhà, những trưa hè oi ả tiết kiệm nguồn điện ở cái quạt là tôi lại lang thang ra gốc cây si già ngồi tựa lưng vào thân mình cái cây ấy, cảm nhận cơn gió mát qua rồi những chú chim từ đâu bay về vườn cây trong chùa rất nhiều, chúng ríu rít truyền từ cành nọ sang cành kia, có con chim cu gáy gù gù đứng lặng yên, hai mắt khẽ nhắm hờ làm như canh chừng việc tôi học bài. Mọi thứ thanh tịnh yên ắng như cái thuở ban đầu của ngôi chùa mặc cho ngoài kia là con đường quốc lộ đông người và tiếng xe ồn ã qua lại. Với ai đó đi chùa là những dịp theo các bà, các mẹ đi lễ thắp hương khấn trời đất cầu cho mạnh khỏe đỗ đạt. Còn với riêng tôi, hầu như suốt tuổi thơ ngày nào cũng đi qua chùa ít nhất một lần, đi theo mẹ sang sông nhà tôi có ruộng bên ấy. Có những khi ôn thi thì ngồi học bài miết ở chùa có khi trưa nắng leo quá đỉnh đầu mẹ gọi thì tôi mới lóc cóc theo về ăn cơm. Ngày lễ hay ngày hội của chùa tôi cũng theo bà đi lên chùa thắp hương, bà chít khăn mỏ quạ vấn tóc giống hệt những người xưa tôi nhìn thấy trên phim về lịch sử và từ đó tôi tin lịch sử ta chiếu lại mọi thứ đều có thật. Khác hẳn ngày thường, các bà các cụ đến chùa thắp hương rất đông thường trừ dịp lễ ra ngày dằm và mùng một cũng như vậy.

Tôi còn nhớ những ngày be bé ấy, chùa làng tôi chỉ có một thầy duy nhất ở. Thầy râu tóc bạc phơ, khuôn mặt phúc hậu, đặc biệt rất quí lũ trẻ con trong làng chúng tôi. Xuống chơi thầy dặn chúng tôi:
- Các con chơi trong khu vườn không được lội xuống sông nghịch nước kẻo đuối nước! - chúng tôi đồng thanh vâng lời thầy!
Lũ chúng tôi nghe lời bố mẹ dặn xuống chùa không được nói năng ồn ào lỗ mãng, rồi không được chạy nhảy lung tung nghịch phá cây cối trong vườn chùa. Tôi nhớ bữa ấy cu Hân tìm thấy một tổ chim cu gáy trong vườn chùa, cu Hân leo tót lên xem có mấy trứng nhưng chúng tôi kêu lên đừng động vào trứng, về bảo thầy hẵn xem thế nào.
Thầy nghe chúng tôi kể thì khuyên chúng tôi không nên động vô tổ của những chú chim non ấy, để nó tự nở ra và có cơ hội cất tiếng hót làm đẹp cho đời. Rằng thầy bảo chúng tôi cũng như những chú chim non kia cần có sự bao bọc của bố mẹ và những người xung quanh thì mới lớn lên và trưởng thành được. Cái quan trọng cho tương lai sau này là phải có tình yêu thương những con vật, vì chúng cũng có tình cảm như chúng ta. Quay trở lại vào trong, thầy cầm ra một cuốn sách bìa xanh xanh đã phai màu đi theo màu của năm tháng, thầy bắt đâu kể cho chúng tôi nghe cuộc sống phiêu bạt của một cậu bé nào đó mà sau này lớn lên tôi nhớ tên cậu bé An trong cuốn truyện “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, qua những câu chuyện thầy kể chúng tôi cuốn vào thế giới của những sân chim bạt ngàn, những chú chim nhiều màu sắc mà ở ngoài Bắc tôi từ bé tới thời ấy chưa được nhìn thấy một lần nào. Tôi nhớ thầy nói:
- Những chú chim non sắp ra ràng ấy cũng như chúng ta cũng như cậu bé An trong chuyện thầy kể, rằng trôi vào hoàn cảnh loạn lạc mất cha mẹ thì cuộc sống sẽ trở nên rất khó khăn. Nhưng qua đây các con cũng học được nghị lực vươn lên của cậu bé. Đặc biệt những chú chim kia nó cũng có tình cảm nên đừng tách đàn hại con của nó. Không chừng ngày nào đó nó sẽ xa lánh con người chúng ta mất các con ạ!
Thầy nói chậm rãi, tiếng thầy vẫn sang sảng như tiếng đọc kinh mỗi sáng khi đi học qua chùa. Chúng tôi ghi nhớ những điều thầy dặn nên không chọc phá tổ chim bao giờ nữa.
Cả tụi thi nhau quét sân nhặt cỏ trong vườn chùa, tỉa những cọng lá khô trên cây chuối già, hay đi hái những bông hoa đại về cho thầy dùng vào việc tắm cho tượng Phật. Mùi nước hoa đại đun cùng với những nhành quế thơm tỏa ra làm tâm can mỗi người ắt hẳn trở nên thanh hơn. Chưa kể việc thầy lên chuông:
- Boong… boong…” mỗi sáng vọng lại từng ngôi nhà nhỏ đánh thức một ngày mới. Hay tiếng chuông chùa ấy lên lúc chiều tắt nắng báo hiệu đến lúc nghỉ tay trở về nhà sau ngày đi làm đồng. Nhờ nó mà tôi xác định được mẹ tôi sẽ về tới nhà lúc mấy giờ để chuẩn bị bữa cơm chiều.
Một buổi chiều vắng lặng, nắng như buồn hơn, bốn giờ rưỡi như mọi ngày mà sao không một tiếng chuông, một con sếu bay trước lạc đàn đang bay vòng chậm trên cao. Cánh diều hôm nay bỗng nhiên buông mình xuống bãi cỏ mà mọi khi lũ trẻ ngâm tôm thả cả đêm cơ mà. Bỗng tiếng chuông rung đột ngột liên hồi. Mẹ tôi đi làm về nhanh tay ra giếng rửa tay chân rồi vào nhà thay quần áo. Mẹ bảo:
- Nhanh! Thay quần áo rồi theo mẹ xuống chùa đi con! - tôi ngờ ngợ làm theo. Lần đầu tiên trong đời, tôi theo mẹ rồi khóc trên lưng mẹ khi phải đội tang thầy đã qua đời. Hôm ấy, các bà các mẹ đầu đội tang trắng, chúng tôi đeo tang vàng.
Một ngày, tôi rẽ qua chùa ngồi dưới gốc cây si già ngắm dòng nước lững lờ trôi. Tôi biết đâu đó thiếu một thứ gì đã quá thân quen. Rằng hôm nay đã chẳng còn tiếng thầy đọc kinh trong thoảng gió. Nghe đâu đó tiếng chim gụ trên mái chùa…
Hoàng Thị Nhã (Hải Dương)

               
Read more…

TÔI NỢ VỚI EM TRÊN MỘT CHUYẾN TÀU – Thơ Lê Tiến Mợi

                      Nhà thơ Lê Tiến Mợi

Hướng về đất Mũi

Sân bay Vinh có hai người Xứ Nghệ
Cùng về quê thăm cha bệnh, mẹ đau
Lên phi cơ hai người ngồi gần ghế
Hướng vào Nam tới đất Mũi Cà Mau.
                                   
Khát…

Đi ngang dọc trên cõi bờ đất nước
Khát một lần đến với biển Cà Mau
Vào Sài Gòn em đi về đất Mũi
Tôi nợ với em trên một chuyến tàu.
                                   

Mũi thuyền Anh
Xé sóng Mũi Cà Mau
                             (… T.)

Đúng hẹn anh về Cà Mau- Đất  Mũi
Biển trời xanh – Cảng Năm Căn khởi động
Trên Tam Giang hải âu vờn ngọn sóng
Sóng Tam Giang trẻ hoá những con tàu

Đất Minh Hải những cánh đồng muối trắng
Những vỉa đầm ao tôm cá sinh sôi
Một rừng đước xanh bạt ngàn biển mặn
Một tình yêu sâu lắng mãi trường tồn

Em đón anh trên đất mẹ Cà Mau
Hoàng hôn đỏ trên “cánh đồng bất tận”
Đắng đót kiếp người biết bao số phận!
Mỗi hạt phù sa lấn biển thêm rừng

Anh phóng tầm mắt trên Vọng Hải Đài
Thấy biển rộng trời cao xanh vời vợi
Một tâm hồn neo mình trên: BẾN ĐỢI…
“Mũi thuyền” anh “xé sóng Mũi Cà Mau”.

Lê Tiến Mợi (Bình Dương)


Read more…

VIDEO CLIP: HƯƠNG QUÊ NHÀ TỔ CHỨC HỌP MẶT KỶ NIỆM 2 NĂM NGÀY THÀNH LẬP

Read more…

NGẢI ĐẮNG – Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang




Tôi trở về làng Đục vào đúng mùa ngải đắng ra hoa. Nhìn từ xa những bông hoa màu trắng cứa vào lòng tôi nhoi nhói. Chợt nhớ đến câu thơ của Olga Bergholtz mà ngâm lên khe khẽ “Rồi tôi vẫn nghiến răng bướng bỉnh/ Ngẩng cao đầu khép chặt lòng đau/ Hoa ơi hoa, hoa nở vì đâu/ Hoa ngải đắng của tình tôi yêu dấu?...” Trong những vạt ngải trải dài ngút ngát tầm mắt kia, tôi biết có một cây ngải mọc lên từ hạt mầm nỗi đau mà mẹ tôi đã gieo ở mảnh đất này. Sau hơn hai mươi năm tôi trở về nơi đây không hiểu vì hận thù, yêu thương hay day dứt... Tôi thành kẻ lạ đến làng, khi những dấu ấn trên khuôn mặt tôi đã vĩnh viễn bị vùi sâu trong kí ức.
Điểm đầu tiên khi tôi đặt chân đến làng Đục là ghé qua ngôi nhà mẹ tôi từng ở. Vẫn mảnh vườn với những rặng mồng tơi xanh rờn mọc chênh chếch phía đầu nhà. Vẫn là hai bụi tre mọc hai bên cổng cong xuống như mái vòm cung, lá tre rụng, gió khua xào xạc. Vẫn là cái giếng đất, thành giếng chỗ còn chỗ mất, cây ổi đá đứng khòng khoeo giữ trời như một hình nhân tiều tụy. Tất cả đều nguyên vẹn trong trí tưởng tượng của tôi qua những lời kể ngập tràn kí ức của mẹ. Có khác chăng chỉ là căn nhà lá vách đất ba gian đã được thay bằng nhà ngói. Những viên ngói đã úa màu thời gian, xập xệ và già nua đến tội.
Trước mặt tôi chợt chập chờn hình ảnh người mẹ bế con ra hiên đứng ngóng người đi xa trong nhạt nhòa nước mắt. Gió thốc vạt áo và quấn mớ tóc mẹ rối mù trong cái nắng hanh hao còn đượm mùi ngải đắng. Rồi hình ảnh mẹ tôi khép tấm liếp tre, lặng lẽ ôm con bỏ trốn vào một đêm trăng khuất, dáng liêu xiêu trên bờ đê hun hút gió. Chỉ bấy nhiêu mường tượng cũng đủ làm tôi thấy đắng lòng khi trở lại nơi đây. Giờ căn nhà này chắc chắn đã qua nhiều người đàn bà khác ở, họ mang những thân phận và nỗi đau khác nhau. Tôi nghĩ thế bởi mẹ từng nói với tôi rằng những nỗi đau như những hạt cát nằm trong mình con trai, rồi nó sẽ chắt chiu thành hạt ngọc.
Tôi đi ra vạt ngải bên sông, hít hà căng lồng ngực cái mùi ngải hăng hăng, đăng đắng. Nơi đây mẹ đã tôi đã từng trồng bao mùa ngải, hái bán bên sông hay bến phà cho chở xuống miền xuôi làm thuốc. Khi dời xa nơi này, có lẽ thứ mà mẹ tôi nhớ nhất vẫn là cái vị đắng của loài cây thân cỏ này. Có lần mẹ bảo:
- Loài ngải cứu đắng thật đấy nhưng nó một loài thảo dược có công dụng rất tốt để chữa nhiều bệnh. Ngày con gái, tuần kinh nguyệt mẹ đau đớn vô cùng nhưng cũng nhờ những nắm ngải đắng mà cơn đau vợi bớt. Những ngày một mình mang thai con giữa bao nhiêu tủi cực, đêm động thai cũng nhờ nắm ngải đắng mà giữ được đến ngày mẹ tròn con vuông. Thế nên sau cái đắng ấy là vị ngọt.
Tôi ngắt thử ngọn ngải đắng cho lên miệng nhai. Một cảm giác đắng đến tê lưỡi, dòng nước tứa ra từ ngọn cây, tác động vào vị giác khiến tôi buồn nôn. Nước mắt tôi trào ra, chắc cũng đắng như ngải vậy. Chưa khi nào tôi lại thấy vị đắng đáng sợ đến thế, như thể nó sắp nhấn chìm hoặc sẽ hành hạ tôi đến chết. Bởi từ nhỏ tôi có thể ăn chua, cay, mặn nhưng không khi nào có thể nuốt được bất cứ cái gì mang vị đắng. Kể cả những hôm đau bụng quằn quại trước ngày kinh, mẹ chạy khắp ngõ phố mới xin được ít ngải của bà bán bánh mì trứng mang về vò nát lấy nước cho tôi uống. Nhưng chỉ cần ngửi thấy mùi hăng là tôi đã nôn thốc nôn tháo. Lần nào mẹ cũng bảo “thuốc đắng thì dã tật...”. Bây giờ mẹ đã về với cõi thinh không rồi, bỏ lại mình tôi với trần gian, lơ ngơ cười, lơ ngơ khóc...
                                                       * * *

Tôi đến làng được vài tiếng thì từ đầu làng đến cuối làng ai cũng biết. “Người lạ” là cái danh từ người ta dùng để nói về tôi. Trẻ con, chúng mới hồn nhiên và đáng yêu làm sao. Chúng chọc ghẹo tôi, ẩn nấp đi theo tôi như một trò trốn tìm thú vị. Đáp lại, tôi nhìn chúng âu yếm, tôi muốn ôm chặt chúng vào lòng mà vuốt ve, hôn hít. Chúng đẹp đến thánh thiện. Bởi đơn giản tôi không có tuổi thơ, những năm tháng ấy tôi thường ngồi thu lu ở góc chợ, cạnh hàng cá tanh ngòm đến lợm giọng, chờ mẹ rao, bán mía. Tôi thường ngủ gật trước những âm thanh đơn điệu, những ngôn từ đơn điệu mà ở đó không có sự chiều chuộng, nâng niu, ngọt ngào. Mà tôi thì cần những thứ đó vô cùng. Tôi không bao giờ nói với mẹ về điều ấy. Cứ lầm lũi trong sự im lặng, trong những giấc ngủ ngắn ngủi vì bị xô đẩy, vì mọi người quát tháo, mặc cả, chê bai... Để đến bây giờ tôi không làm sao nhớ nổi một kỉ niệm êm đềm nào cả.
Tôi hỏi mua một miếng đất nhỏ trong mảnh vườn mẹ tôi từng ở. Chủ nhà nhìn tôi đầy nghi hoặc:
- Cô ở đâu đến mà lại muốn mua đất nhà tôi? Tại sao bao nhiêu nơi đất bằng phẳng lại đẹp mà cô không mua? Đất nhà tôi cằn lắm.
Rồi dân làng kéo đến. Người thì bảo:
- Tự nhiên về đây mua đất chắc phải có lý do, hay ông bà tổ tiên, gốc tích cô ấy ở đây?
Người khác lại nhìn săm soi vào mặt tôi rồi thốt lên:
- Trông cái cô này quen lắm nhé, như là mình đã gặp ở đâu rồi ấy mà nhớ mãi vẫn không ra.
Lúc ấy tôi dám cược rằng họ sẽ không nhận ra tôi, dù tôi thừa hưởng mọi đường nét trên khuôn mặt đều rất giống mẹ. Bởi đã hơn hai mươi năm, đã quá lâu cho một khuôn mặt, một dáng hình còn đọng lại trong kí ức những người nông dân hàng ngày vốn lam lũ sinh nhai. Cuối cùng tôi vẫn không mua nổi mảnh đất ấy, họ hoài nghi mọi thứ. Nghi tôi đang mưu toan, tính toán một điều gì đó, nghi sẽ có dự án nào đó của nhà nước chạy qua mảnh vườn này, thậm chí họ còn nghi dưới đất có chôn vàng. Những người nông dân họ vẫn thường như vậy, họ sợ những kẻ lạ mặt, lại càng sợ những việc khó hiểu khi người lạ làm. Tôi làm sao có thể giải thích cho họ hiểu, chả nhẽ tôi lại bảo rằng tôi là con người đàn bà bị cả dân làng đuổi đến chân tường, cuối cùng phải bế con bỏ đi trong một đêm tăm tối cách đây tròn hai mươi ba năm trời.
Tôi thuê trọ tại một hiệu thuốc khá rộng trong làng với cái giá rẻ bèo. Ở trọ cũng tốt, vì thực sự tôi cũng không biết mình sẽ ở lại nơi này bao lâu nữa. Có thể là một tháng, mười tháng, cũng có thể là một năm hay mười năm. Chừng nào tôi còn thấy sợ, thấy ám ảnh về cái vị đắng của những vạt ngải bạt ngàn nơi đây.  Chừng nào tôi tìm thấy người đàn ông của mẹ để nói với ông ấy rằng tình yêu bà đã dành cho ông suốt cả cuộc đời này chưa khi nào thay đổi. Tình yêu ấy đã hóa những viên ngọc trai sau bao năm chắt chiu buồn đau, khổ cực. Và... Chừng nào tôi cảm thấy lòng mình thật thanh thản, khi đó tôi sẽ tạm biệt mảnh đất này.
Sau một tuần làm quen với cuộc sống nơi đây, tôi nhận ra rằng cuộc sống của những người nông dân không đơn giản như tôi vẫn nghĩ. Đằng sau những   nói cười hời hợt là những phút lặng im, là khoảng sâu hun hút như chứa đựng hàng vạn nỗi cô đơn nhốt kín. Đã có lúc, tôi muốn bước lại khe khẽ bằng bước chân của mây và bàn tay của gió để chạm vào nỗi cô đơn ấy. Nhưng khi đến gần tôi liền rụt tay lại vì bỗng sợ phải gặp hình hài vết thương của chính mình nên tôi chỉ dám ngồi lặng im bên họ, lặng im đến nỗi vô hình.
Ngày thứ mười, tôi lân la hỏi mấy người hàng xóm về một người đàn ông bí mật. Họ nhìn tôi, thoáng chút sững sờ rồi lẳng lặng quay đi như thể tôi chạm vào một điều cấm kị. Tôi không hề e sợ. Người ta càng im lặng càng khiến tôi tò mò, người ta càng muốn giấu kín hay bưng bít thì tôi càng muốn đảo lộn tung lên, không bỏ quên bất cứ một chi tiết nào. Tôi hỏi về người đàn ông bí mật ấy lần hai, lần ba, lần bốn... Tôi hỏi cho đến khi một trong số họ phải gắt lên rằng:
- Cái con bé kì lạ này, mày hỏi làm gì những chuyện ấy. Đấy là một người đàn ông tốt bụng nhưng luôn bị tiếng oan, đến khi chết vẫn còn không rửa nổi tiếng oan. Chuyện đã hai mươi năm rồi moi lại làm gì cho tội người nằm dưới đất.
Tôi nghĩ họ đã nhầm. Có thể họ đã nhầm. Chắc chắn họ đã nhầm. Người đàn ông của mẹ làm sao lại có thể chết dễ dàng khi còn chưa gặp mặt tôi. Chưa trả lời xem ông có đúng là cha tôi không? Nếu không phải tôi sẽ bỏ đi ngay lập tức mà không làm phiền hà đến cuộc sống của ông. Còn nếu đúng thì ông phải giải thích với tôi xem vì sao suốt bao nhiêu năm sau cái đêm hẹn hò với mẹ, ông lại không đi tìm mẹ con tôi? Vì sao ông lại để mẹ tôi ra đi với bao nỗi đau bị người đời thêu dệt và hắt hủi? Suốt bao nhiêu năm tôi đã cố để không tức giận, không thù hận một người đàn ông xa xăm, mơ hồ. Cố bình tĩnh để tìm về mảnh đất này bằng tất cả sự hiền hòa, trong trẻo vốn có trong mỗi con người. Nhưng nếu ông ấy đã chết thật thì tôi biết phải giải tỏa những ẩn ức ấy đi đâu? Chẳng phải đau đớn nhất trong mỗi con người là việc không có ai để mà yêu thương và thù hận. Thế nên tôi không tin họ, mà tin vào linh cảm của mình. Người đàn ông ấy chưa chết. Nhất định là như thế.
Ở trên núi có một ngôi chùa âm u tĩnh mịch. Tôi lên đó ngồi một ngày dài mà lòng không thấy tĩnh. Lũ trẻ chăn bò hỏi tôi:
- Cô ơi, cô thất tình à?
Tôi hỏi chúng sao lại nghĩ vậy. Chúng nói tại vì những người ở làng lên chùa toàn là người thất tình, chửa hoang hoặc muốn tự tử. Tôi mừng vì chúng chỉ nghĩ tôi thất tình chứ không phải là những trường hợp thảm thiết kia. Tôi ngoảnh mặt, lòng chợt hỏi không biết ngày xưa khi mang thai tôi mẹ đã từng đặt chân đến chùa  này không? Khi ấy mẹ đã nghĩ những gì?

                                         * * *

Nơi mẹ con tôi ở cũng là một thị xã ven đê sông Hồng, đi khoảng nửa cây số là bến đò ở ngay cạnh cái điếm canh đê. Thi thoảng, vào những đêm mưa gió, mẹ vẫn thường đội áo ni lông ra bến ngóng chờ một điều gì đó. Lúc bé, khi phải ở nhà một mình vào những đêm giông bão tôi rất sợ nên đã có nhiều lúc tôi giận mẹ ghê ghớm lắm. Lớn lên, mỗi đêm mưa giả vờ nằm yên ngủ, quay mặt vào tường thở đều đều, nghe thấy tiếng mẹ lách nhẹ qua cách cửa rồi lẫn vào đêm mưa mà lòng buồn hiu hắt. Buồn như cơn mưa đang xối xả táp vào ruột gạt lạnh buốt. Bởi tôi biết mẹ đang ngóng đợi một người, có lẽ người ấy hẹn sẽ trở về vào những đêm mưa. Thế nhưng mờ sáng nào cũng chỉ đơn độc một mình bước chân người đàn bà tội nghiệp trở về. Mãi sau này, khi sắp từ giã cõi đời mẹ mới nói với tôi rằng ngày xưa người đàn ông ấy từ biệt mẹ ra đi vào một đêm mưa và hứa mùa mưa năm sau sẽ quay về làm đám cưới. Sao tôi thương hoang hoải cái áo cưới mơ hồ đã khoác lên đời mẹ suốt mấy chục năm trời.
Thế nên tôi phải trở về làng Đục tìm người đàn ông ấy. Để có tiền sinh sống và cũng tiện việc hỏi dò tin tức, tôi mở một quán nước nhỏ bên bến đò bán mấy thứ lặt vặt, linh tinh. Quán rất đông người, người bên này ngồi chờ sang bên kia đò, người bên kia sông vừa sang cũng dừng lại nghỉ chân. Tôi mời chào đon đả, hỏi thăm người này vài ba câu, người kia vài ba câu mà cũng hết một ngày dài. Cũng có khi tôi ngồi im lặng, nhìn rất kĩ những khuôn mặt người qua lại để xem tôi có giống ai trong số họ. Dĩ nhiên là tôi thất bại.  
Ở làng được năm tháng thì tôi gặp Quân. Quân là bộ đội chuyên nghiệp đóng quân tít trên biên giới mới về phép thăm nhà. Hôm đó, như thường lệ, tôi mở quán rất sớm, cứ ngỡ chưa có khách nào nhưng ông lái đò đã bị đánh thức bởi ba thanh niên bên kia sông từ đơn vị về trong đêm. Mỗi người gọi một chén trà nóng, nói chuyện, xuýt xoa và tỏa ra một cái lạnh đến tái tê của trời đất. Tóc họ đầy sương, vai và lưng áo cũng ướt sương, chỉ nụ cười là ấm. Trong ba người, tôi để ý đến Quân ngay từ cái nhìn đầu tiên. Quân trông vạm vỡ, cười rất hiền và đôi mắt thì ánh lên niềm vui trong trẻo đến khó tả. Anh hỏi tôi từ đâu đến đây? Tôi nói với anh tôi đi tìm một người. Anh chăm chú nhìn tôi, ánh mắt trìu mến và đáng tin cậy đến lạ lùng. Anh về phép ba ngày thì đi, trong ba ngày ấy, chiều nào anh cũng qua quán uống nước chè và chuyện trò cùng tôi. Trước kia tôi chưa từng cảm nhận được sự ấm áp từ một người đàn ông nào hết. Cho đến khi tôi gặp anh.
Quân đi, chiều nào tôi cũng nhìn lên đường đê thấy vắng lặng, buồn tênh, lòng cồn cào nhung nhớ. Có lẽ vui nhất vẫn là những buổi chiều thấy tiếng cô văn thư của làng gọi í ới, những nét chữ thân quen nhảy múa trong tim tôi khúc nhạc vui nhộn và rạo rực. Câu đầu tiên bao giờ Quân cũng bảo rất thèm hương vị một chén chè nóng ở quê. Tôi viết thư hồi âm bảo vẫn còn phần anh ấm chè ngon nhất, khi nào anh về sẽ đãi. Thư qua, thư lại được vài tháng Quân ngỏ lời yêu tôi. Như cái cây khát sự trong trẻo của nước, sự dịu dàng và vỗ về của gió, tôi lao vào yêu Quân điên cuồng, mụ mị.
Lúc này, khi đã quen với những người dân nơi đây, tôi bắt đầu nghe được câu chuyện về người đàn ông của mẹ. Ông ấy tên Kiên. Người làng bảo ông Kiên chết khi đang đãi vàng trên Yên Bái. Chết vì cứu bạn cùng làm trong một cuộc tranh cướp vàng giữa những người đi bới tìm của quý. Người làng còn bảo ông ấy chết mà không nhắm mắt được chỉ vì mang tiếng nhục bởi một người đàn bà chửa hoang đĩ thõa, lăng loàn lại đổ vấy cho ông ấy. Khi họ nói đến đây, tôi thấy tim mình như bị ai đó bóp nghẹt, thắt lại từng cơn. Tôi hỏi họ:
- Người đàn bà mà các cô nói đến có phải tên Ngân?
Họ gật đầu.
- Tại sao mọi người lại nghĩ cái thai trong bụng bà Ngân không phải là của ông Kiên?
Họ thản nhiên trò chuyện:
- Cả cái làng này ai mà chả biết. Khối người hôm đó bắt gặp bà ấy nằm với mấy thằng con trai ở đống rơm ngoài đồng. Lúc đội tuần tra soi đèn pin, bà ấy không có một mảnh vải trên người, bọn đàn ông chạy hết, chỉ còn bà giàn giụa nước mắt vì xấu hổ. Vụ đấy chả bị lôi lên tận ủy ban làm việc là gì. Làm đàn bà mà như thế thì nhục quá, lại còn phá vỡ hạnh phúc bao nhiêu gia đình khác. Ở đâu mà có loại đàn bà kiếm ăn bằng nghề ấy thì ở đó còn tan nát, thế nên mới bị cả làng tẩy chay, phải bế con đi biệt tích. Chả biết bây giờ sống chết ra sao.
Họ đang nói về mẹ. Tôi rất muốn hét vào mặt họ rằng người mà họ đang nói đến chính là mẹ tôi. Mẹ cái đứa ngồi ngay trước mặt các người. Nhưng cơn uất ức khiên tôi không thể cất lời mà chỉ biết ngồi câm lặng. Tôi bỗng nhớ đến những đêm tôi đi học thêm về muộn, mẹ tất tưởi đạp xe đến tận cổng trường đón tôi. Nhiều đêm không có trăng, trời tối om, mắt mẹ kém nên thường ngã dúi ngã dụi, thương mẹ quá tôi nổi quặc bảo mẹ: “Lần sau không phải đi đón con nữa, con lớn rồi chứ có phải trẻ lên ba đâu mà đưa đón”. Nhưng hôm sau mẹ chờ tôi ở cổng trường, mẹ nói con gái lớn không được về khuya, nhỡ gặp đám thanh niên mất nhân tính thì nhục cả một đời. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng đủ để tôi tin mẹ và nhen nhóm một cảm giác hận thù khó tả. Vì đâu mà mẹ tôi nên nỗi?
Khi tôi biết được câu chuyện về mẹ, cũng là lúc người ta nhận ra khuôn mặt tôi giống với người đàn bà mà họ vẫn gọi là hư hỏng. Họ bắt đầu cảnh giác, xa lánh tôi. Họ bắt đều thêu dệt về tôi bằng trí óc tưởng tượng đầy sáng tạo của mình. Họ nói, tôi cũng hư hỏng giống như mẹ, chắc chơi bời chán rồi mới tìm về cái làng này quơ chồng. Họ mánh khóe về mối quan hệ giữa tôi với Quân, họ nhìn tôi bằng cái nhìn nghi hoặc, đôi khi là miệt thị. Cứ mỗi lần như thế, tôi không thể nào chịu đựng được khi nghĩ rằng những ánh mắt ấy vẫn hướng về mẹ sau hơn hai mươi năm. Họ xoáy vào tôi bằng những mũi kim châm chọc, sắc và lạnh. Một lần nữa họ lại muốn đuổi tôi đi như đã từng đuổi mẹ. Tôi sẽ không ra đi đơn giản thế.
Tôi muốn cưới Quân. Quân hẹn một mùa ngải nữa sẽ về. Lòng tôi chờ đợi trong tan nát khi gia đình anh liên tục gây áp lực cho tôi. Họ đốt quán nước, họ dằn mặt tôi bằng sự độc đoán. Tôi vẫn kiên quyết đợi chờ. Họ gọi Quân về, nói với anh rất nhiều điều về hai mẹ con tôi và bắt anh phải chọn lựa. Tình yêu của anh dành cho tôi không đủ mạnh cho một cuộc đấu tranh đến tận cùng. Tôi nhận ra trong mắt anh sự đau đớn và thoáng chút hoài nghi. Sự hoài nghi ấy khiến tôi bị tổn thương ghê ghớm lắm. Cuối cùng tôi thành kẻ bị bỏ rơi, bị lăng mạ. Tôi thật sự giống như một ngọn đuốc được tẩm xăng, cháy bừng lên lòng thù hận. Chính họ đã giết mẹ tôi trong mòn mỏi đợi chờ, trong nỗi nhục nhã không có người minh oan. Tôi mường tượng ra hình ảng mẹ xiêu vẹo trong đêm tối, nước mắt nhạt nhòa. Tôi nhớ đến những đêm trời mưa mẹ ra điếm canh đê ngóng đợi. Tôi nhớ đến cái chết của mẹ sau một đêm mưa gió đứng lặng ngoài trời. Mẹ đã sống những tháng ngày lầm lũi như thế. Bây giờ họ cũng muốn tôi dẫm đúng vào bước chân của mẹ. Tôi quyết định sẽ trả thù.

                                         * * *
 Tôi không nhớ nổi mình đã qua đêm với biết bao người đàn ông ở cái làng này. Họ là những thằng thanh niên nghịch dại, những đứa trẻ ngựa non háu đá hay nhưng ông già có lẽ bằng tuổi bố tôi muốn kiếm tìm của lạ. Nhan sắc và sự chiều chuộng của tôi đủ để mê hoặc họ, đủ để sau đó tôi mang về trên tóc mình mùi lá ngải hắc nồng và đắng ngắt. Tôi mang đến cho họ sự hoan lạc, nghiền nát họ không phải bằng bản năng tính dục mạnh mẽ của một người đàn bà hay sự điêu luyện thành nghề của một con điếm. Mà tôi dẫn dụ họ bằng sức mạnh của lòng thù hận, sự hả hê vừa mãnh liệt vừa sâu kín mà họ không bao giờ nhận thấy.
Nước mắt tôi từng đôi lần giàn dụa giữa cánh đồng ngải đắng khi một cậu con trai chỉ đáng tuổi em, với khuôn mặt đẹp thánh thiện, da thơm mùi nắng. Sau buổi đi học về cùng đám bạn lao đến chỗ tôi mặc cả từng đồng lẻ, để rồi sau cuộc khám phá thế giới hoan lạc, nhăn nhó nhét vào ngực tôi những đồng tiền nhàu nhĩ. Hay khi vị khách của tôi là một người đàn ông vốn có tiếng là sống đạo đức, là người được kính trọng trong làng, gia đình năm nào cũng được nhận bằng khen gia đình văn hóa, được tổ chức tuyên dương. Thế mà cũng lao vào tôi như một kẻ tục tĩu, ngốn nghiến tôi như một con vật đói khát để rồi chỉ sau một đêm mây mưa nhất quyết đòi bỏ gia đình, rủ tôi đi biệt xứ. Đêm nào cũng có một kẻ tìm gặp tôi để cửi bỏ chiếc mặt nạ hiền lành, tử tế, thủy chung. Hỡi ôi những người đàn ông, sau cuộc vụng trộm họ lại trở về bằng cái vẻ ngoài đạo mạo. Còn tôi, sau mỗi cuộc trả thù tôi chạy như điên dại trên cánh đồng ngải đắng. Mắt rỏ từng giọt đắng.
Tôi hả hê và cay đắng khi nhìn những người đàn bà vật vã vì đau khổ. Tôi thản nhiên nhìn nhiều gia đình tan vỡ, như thể đấy là cuộc sống đã định sẵn cho họ. Bởi chính họ đã đẩy mẹ con tôi vào bước đường cùng. Tôi trở thành con thú hoang ẩn nấp, rình rập trong hiểm nguy. Còn những người đàn bà trong làng Đục trở thành những thợ săn khát máu. Chúng tôi giống nhau ở chỗ đều muốn tiêu diệt kẻ thù. Nguyên cớ gì đã đẩy những người đàn bà như chúng tôi xa nhau đến mức ở hai giới tuyến hận thù...
Tôi không còn ở một chỗ cố định, tôi chỉ trở về làng sau khi nhận được dấu hiệu của những người đàn ông đi ăn đêm. Tôi mải miết cho những cuộc báo thù đến tàn rạc ngay cả khi tôi nhận ra mình đang làm mẹ bởi giọt máu của một người đàn ông nào đó đã cấy vào cuộc đời tôi. Sau mỗi cuộc báo thù trở về, sinh linh trong bụng tôi đạp mạnh như thể nó đang giận dữ và đau đớn lắm. Nhưng sự thù hận vẫn kéo tôi đi cho đến khi vị khách đặc biệt xuất hiện. Quân đến, xoa dịu sự đau đớn, ê chề và cả lòng thù hận của tôi bằng nụ cười rất ấm, bằng những cái hôn nồng nàn lên khóe mắt tôi như những ngày còn ở bên nhau. Đêm đó, lần đầu tiên tôi cảm nhận thấy sự hòa hợp giữa hai người như cuống riết lấy nhau. Tôi quên mình là một con điếm, quên lòng thù hận, giữa ánh trăng tròn vành vạnh, tôi thấy mình trong trắng, đẹp tròn trịa như trăng. Tôi lao vào yêu anh, như một cô gái đôi mươi bỡ ngỡ và hạnh phúc trong lần đầu trao gửi cho   người đàn ông mà mình thương yêu. Nhưng ngay sau đó, khi tôi còn chưa kịp bừng tỉnh khỏi cảm giác đê mê thì anh quăng về phía tôi một xấp tiền sau khi kéo vội khóa quần rồi bảo:
- Hóa ra em cũng chỉ là một người đàn bà như thế!
      Sòng phẳng và thành thạo cho hành động “bóc bánh trả tiền” như bao thằng đàn ông khác. Một cảm giác ê chề, đau đớn khiến tôi như chết đứng. Tôi không hiểu nổi nguyên cớ nào Quân lại xử sự với tôi như vậy. Cứ như thể anh phải tận  mắt nhìn thấy tôi là một người phụ nữ lăng loàn như lời đồn thổi bấy lâu để thấy sự lựa chọn của anh là đúng và việc anh bỏ rơi tôi hoàn toàn chẳng có gì là tội lỗi. Chẳng nhẽ anh khinh rẻ tôi đến mức ấy sao? Hàng ngàn vạn những câu hỏi như đang giày vò, dằng xé ruột gan tôi. 
Tôi lại chạy như điên dại trên cánh đồng ngải đắng. Kẻ bại trận nhất trong cuộc báo thù này hóa ra lại là tôi. Khắp cơ thể tôi là hàng nghìn, hàng vạn vết thương đang rỉ máu như bị ai đó chà xát muối. Nó nhức nhối đến mức tôi tưởng như đó là sự gộp lại của tất cả những nỗi đau trong mỗi người đàn bà làng Đục mà tôi đã từng gieo rắc. Nỗi đau bị phản bội bởi những mặt lạ rẻ tiền. Tôi không còn khả năng để tự vệ. Nỗi đau đã nhấn chìm tôi, bóp nghẹt tôi. Cũng chỉ đến lúc ấy, tôi mới thấy mình tàn nhẫn và độc ác với những người phụ nữ làng Đục  đến nhường nào. Tôi giật mình nhận ra cái vòng xoáy của lòng thù hận như một mê cung không có điểm dừng.
Khi bị đau, như một bản năng tôi nhớ về mẹ và cảm thấy có lỗi với bà, tôi đã sống thật tàn tệ để trả ơn nghĩa mang nặng đẻ đau, nuôi nấng và sự hy sinh của mẹ như thế đấy. Bất chợt sờ xuống bụng, tôi giật mình nhận ra đã khá lâu tôi bẵng đi cái bổn phận làm mẹ thiêng liêng của mình. Con tôi đang lớn dần, lớn dần, hiện hữu và gắn kết. Nó nhắc nhở tôi rằng tôi vẫn còn có một người thân thiết, máu mủ ruột rà trên cõi đời này. Vì thế tôi không có quyền được sống cho riêng bản thân mình, không thể mụ mị lao vào vòng thù hận như một con thiêu thân để rồi tự làm tổn thương mình thêm nữa. 
Con sông Hồng đêm nay trăng loa lóa ánh phù sa, loa lóa một mùa hoa ngải đắng. Tôi nhớ mẹ tôi, nhớ những lần mẹ vò lá ngải dỗ dành tôi uống, nhớ cái đêm mẹ ra đi còn cố nắm tay tôi thật chặt. Tôi chợt thấy cuộc đời mình nhỏ bé và leo lắt biết bao nhiêu.
Nỗi đau ở đời giống như những hạt cát rơi vào trong mình con trai sò mà  chúng không có cách nào đẩy nó ra. Sau khi chịu những tổn thương bởi dị vật, chúng nhanh chóng tiết ra chất ngọc từ màng ngoài và dần dần bao lấy nó để bảo vệ mình. Thời gian trôi đi, bên ngoài hạt cát được bao bọc bởi chất ngọc rất dày đã biến thành một viên ngọc trai đẹp và quý giá. Tôi không muốn nỗi đau của mình biến thành những viên ngọc trai để người đời mang ra ngắm nghía, làm vật trang trí cho mình. Tôi chỉ mong sao, nỗi đau sẽ giống như ngọn ngải đắng mọc ngạo nghễ giữa mảnh đất cằn cỗi để rồi sau sự đắng đót nơi đầu lưỡi là những dịu êm, những ngọt ngào thương yêu lan tỏa ra từ vô số cánh hoa trắng muốt như được gột rửa, được tẩy trần dưới đêm trăng.
Đêm nay tôi một mình lặng lẽ ra đi. Dưới ánh trăng. Tôi và một sinh linh bé nhỏ.

Vũ Thị Huyền Trang (Hà Nội)


                                                                             




Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (138) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (5) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) Đan Ngọc (2) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đặng Toán (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (30) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Bích Hà (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (3) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (33) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (52) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (26) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Minh Anh (1) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (30) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (7) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (34) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) Stephen Crane (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (619) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) Tân Vương Huy (1) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3149) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (103) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (528) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (17) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (17) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (2) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2478) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (13) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------