- Cậu Ngự, cậu về thật đúng lúc, hôm nay là ngày giỗ
Mận.
Chị quay chiếc quạt bàn về phía tôi, rồi gấp xấp vải
vừa cắt xong bỏ vào góc tủ.
- Lại
mua qùa cho chị.
- Cả
cho Mận nữa - tôi nói
- Cậu
tươm tất quá, lần nào về cũng vậy, sống độc thân tiền bạc đâu mà cậu mua đủ thứ
vậy, sau tết nghe cậu vào Thành phố còn lì xì cho cháu. Cháu đi học, chị đã lo
cho nó tạm đủ rồi, cậu nên để dành lo thân mình, còn phải có gia đình nữa chứ,
cứ sống hoài vậy sao?
Ánh nắng lên cao hắt qua cửa sổ nóng hầm hập. Chị đưa
tôi qua cái quán nhỏ bên đường ăn sáng. Ăn xong tôi ngồi đợi chị vào
chợ mua sắm các thứ để vào giỗ Mận.
Chị Quyên, tôi và Mận là ba đứa học chung nhau từ thời
tiểu học, ngồi chung một bàn, tôi lại ngồi giữa chị Quyên và Mận. Vì tôi nghịch
ngợm nên bị thầy phạt bắt ngồi như thế, ở lứa tuổi vô tư nên rất thân nhau.
Trên đường đi học, tôi và chị Quyên ngang qua nhà Mận, nhà Mận nằm bên sườn
đồi, phía sau là khu rừng nhỏ, có con suối chảy ngang qua, cây cối um tùm gọi
là rừng Cấm. Bên Cấm có rất nhiều cây trâm, đến mùa trâm chín, những ngày nghỉ
học ba chúng tôi thường đến dưới dưới gốc cây trâm lớn trải bao bẻ lá, hái
trâm, nghe cu gáy, nhìn bướm lượn. Vườn trâm có đủ loại, cây có trái trâm nhỏ
gọi là trâm sẻ, trâm lớn gọi là trái trâm bầu, còn trái to hơn nữa gọi là trâm
trâu. Những chùm trâm chín bầm treo lơ lửng đầu cành đã cuốn hút chúng tôi suốt
mấy năm đi học. Tôi là con trai nên lãnh phần leo lên cây hái trái, chị Quyên
và Mận ở dưới nhặt từng chùm cột lại, trái rời thì bỏ vào túi nilon ăn trước.
Ngoài những cây trâm ấy, cạnh bờ Cấm còn có một cây trâm bầu to rất sai quả
nhưng không ai dám trèo, Mận cũng không cho tôi trèo. Tương truyền ngày xưa có
người trèo rồi không xuống được, gia đình phải đem ba con gà trống tơ nhờ thầy
cúng suốt ba hôm mới xuống được, nên người ta gọi đó là cây trâm ba gà. Câu
chuyện không biết có tự bao giờ, người già truyền xuống người trẻ, tiếp nối
truyền mãi đến nay cây trâm vẫn đứng yên thành cây cổ thụ, tàn lá sum suê, hoa
trái chi chít. Biết tôi là đứa hay liều lĩnh nên Mận kể thêm: “Nghe bà nói,
ngày xưa có một con tinh hóa người con gái ngồi xỏa tóc xuống tận gốc vào những
đêm trăng sáng, có lúc lại hóa thành con chồn trắng bò lên bò xuống, đến khi dông
sét trời đánh mới hết”.
- Hết
rồi sợ gì? Tôi nói.
- Đến
nay cũng chưa ai dám trèo, Ngự trèo không được đâu! - Mận gàn.
Chị
Quyên cũng ừ ừ.
Cuối
mùa trâm, những cây trâm kia đều hết trái, tôi quyết phải trèo hái thôi, nếu
xuống không được thì mẹ tôi bắt gà nhờ ông Chín Ký cúng là xuống ngay, nhà tôi
có nhiều gà lắm.
- Không
được, chưa ai dám làm thế cả - Mận lại nói.
Nhưng
rồi nhìn những chùm trâm chín đỏ thẫm, treo lủng lẳng khiến lòng tôi rạo rực,
không suy nghĩ tôi thót trèo lên. Mận đứng run hai bàn tay chắp lại, chị Quyên mặt cũng
tái mét lẩm bẩm khấn cầu. Trên
cây tôi leo hết cành này sang cành khác, hái những chùm trâm vất xuống. Hái
xong tôi trèo xuống đất, hai người vỗ tay reo.
- Mận
vái cho Ngự đó.
- Chị
cũng vái cho Ngự.
- Ngày
mai đừng trèo nữa, tụi này sợ lắm.
Mùa
trâm năm ấy qua rất vội. Một buổi sáng tôi thức dậy, bình minh trong vắt, có tiếng chim hót trong
vườn, trên đường đi học, nắng hồng trải trên cánh đồng lúa chín vàng gợn sóng,
tiếng bình bịch của những chiếc bồ đập lúa gõ như mọi ngày. Đến trước cổng đình
làng, tôi bỗng thấy đám đông dáo dác, tụm năm, tụm bảy xôn xao thì thầm to nhỏ.
Phía chợ người ta vây quanh vài chú bộ đội mặc quân phục màu xám tro, đầu đội nón cối, chân mang dép cao
su, vai mang súng trường, đứng nói chuyện về Mặt trận Giải phóng Miền Nam, tố cáo chế độ độc tài Mỹ Diệm. Tôi lẩn vào
trong đám đông đứng nghe chăm chú nhưng chẳng hiểu gì hết, trong lòng chỉ mang
máng kính nể người đàn ông có vẻ oai phong ấy. Tan cuộc, tôi đến nhà Mận, rủ Mận đi học, thấy có nhiều thịt
gà, cơm nếp. Thím Đào dọn cho tôi với Mận ăn và lăng xăng dọn dẹp. Trên khuôn
mặt thím có chứa một điều gì bí ẩn, khó hiểu, một niềm vui xen lẫn với niềm suy
tư sâu thẳm. Thím căn dặn chúng tôi đến trường không học thì về ngay. Tới lớp
thầy nói: “Quê mình có chuyện chẳng lành các em tạm nghỉ học”.
Trở
về nhà, tôi thấy như mọi người lối xóm, thím Đào xếp gọn đồ dùng cần thiết vào
vào đôi quang gánh. Nào áo quần, vải vóc, kể cả gạo mắm, trừ nồi cơm nếp, thịt
gà được chặt sẵn bỏ vào cái thúng tủ lá chuối héo để vào một góc giàn nhà bếp,
như để phần cho ai đó về sau. Tôi và Mận lẽo đẽo theo thím đi về phía xóm Sáo
tránh tầm đạn. Gần tới trưa lính đâu từ tỉnh kéo vào có cả xe tăng thiết giáp
băng qua cánh đồng lúa chín vàng tiến về phía chợ, thế là cuộc chiến bắt đầu,
đạn bom đổ xuống xóm làng tôi một cách khốc liệt. Lần đầu tiên tôi chứng kiến
quê hương đi vào khói lửa.
Vào
ngày nghỉ học, Mận theo hai cây chuối do chú Đông ghép bè, thả trôi theo dòng mương Mới, đưa về cho nội nuôi heo. Thỉnh
thoảng tôi cũng theo Mận ngồi đầu gốc phía trước, mỗi đứa một cây sào chừng hai
sải tay, làm mái chèo, trôi qua hầm mương, đến chỗ nào Mận gõ vào đầu sào bảo
dừng thì tôi chống sào neo lại. Đường hầm có đoạn tối om, có đoạn mờ mờ sáng, đây là
con mương dài chừng 3 – 4 cây số do dân làng vùng này đục xuyên qua núi đá tổ
ong từ thời chống Pháp, để dẫn nước từ đầm Bầu Súng ra cánh đồng Văn Bân, chừng 10 mét thì chừa
một khoảng trống gần 20 mét. Con mương hình phễu, từ trên nhìn xuống thăm thẳm,
mực nước không nhiều lắm, trong vắt thấy đáy và không bao giờ cạn, mùa nắng
ngập quá bụng tôi. Nhờ nó mà cánh đồng lúa Văn Bân, Bến Lội, xóm Sáo tươi tốt,
nhưng theo các cụ xưa thì đó là “Tầm thủy xa”, như một mũi tên bắn vào vùng đất
này, nên từ khi có nó, xứ Văn Bân cạn người tài.
Ngày
tháng trôi, dòng
nước vẫn lững lờ trong xanh, tuổi thơ tôi và Mận gắn liền với nó theo những
ngày hè thật êm ả. Chợt một hôm, chiếc nêm bè bị lỏng, bẹ chuối bung, tôi lật
lấy ra một tờ giấy đựng trong túi nilon, Mận nhanh tay giật lại nhìn tôi vẻ
hoảng hốt.
- Ngự
không được đọc cái này, làm thinh nghe, không được nói với ai, lộ thì chết đấy,
Ngự hứa đi.
Tôi
hứa, và từ đó tôi biết thêm giữa đường hầm có một cái hang đá nhỏ, Mận thường nhét thư
vào và lấy hòn đá bít lại. Mận dặn chỉ có tôi và Mận biết thôi không cho chị
Quyên biết vì chị có cha đi lính. Mận nhìn tôi bừng sáng và thành thật, trong
cảm xúc tự nhiên tôi cảm nhận được tình cảm ấy, từ trong sâu thẳm của đáy lòng
mình, Mận cho tôi một niềm tin, một sự ấm áp, một cái gì… mà tuổi thơ không thể
nào nói ra được. Có một điều là lúc vắng Mận tôi thấy trống vắng và nhớ mênh
mang. Vào một buổi chiều cuối thu, sau những ngày mưa tầm tã, tôi cùng chị Quyên đến nhà Mận nấu khoai lang với nước dưa
cải đem ra gốc trâm ngồi ăn. Mùi nước dưa cải nồng nồng, ngây ngấy, mặn chát mà
nấu với khoai lang phụng, loại
khoai vỏ đỏ trắng ruột,
sao mà ngon tuyệt, vừa mằn mặn, thơm thơm, bùi bùi, ngòn ngọt. Tôi hỏi Mận:
- Sao
Mận biết nấu món này?
- Mẹ
Mận dạy, mẹ nói ngày xưa ba rất thích ăn vậy, ba còn thích ăn với dưa cải kho
mỡ nữa kia. Ba đi lúc Mận còn nhỏ tí chỉ nghe mẹ kể lại.
Đôi
mắt Mận thoáng buồn, chúng tôi kéo ra bờ mương Mới ngồi ngắm dòng nước cuồn cuộn trôi những bông súng luồn qua
đường hầm.
Qua
mùa thu ấy, ba chúng tôi chia tay đi học trường trung học. Mận rớt đệ thất, vào học trường bán công Nguyễn
Công Trứ ở Thí Phổ, tôi và chị Quyên ra tỉnh mỗi đứa học một trường khác nhau.
Lại chiến tranh,
Mận nghỉ học vào du kích. Lần cuối gặp Mận, lúc tôi ngồi học bài thi ở nhà trọ.
Trong đêm vắng lặng, bỗng nhiên Mận đẩy nhẹ cửa bước vào cùng anh du kích, Mận
đội nón tai bèo, mặc quần áo đen vén qúa gối, tay cầm súng AK vai mang túi cứu
thương, vẫn khuôn mặt tròn, đôi mắt sáng và còn nguyên chiếc răng khểnh, mỉm
cười nhìn tôi.
- Ngự
bình tĩnh, không sao đâu! Học bài thi hả, gần thi rồi mà.
Anh
du kích ra hiệu cho tôi theo anh và Mận ra ngoài.
Đứng
dưới rặng tre đầu ngõ, tôi và Mận đều im lặng lắng nghe hơi thở và nhịp đập
trái tim mình. Dường
như Mận muốn nói với tôi điều gì, chớp chớp nhìn anh du kích, nhìn sang tôi rồi
nhìn ra khoảng không phia trước. Khi ánh trăng thượng huyền mờ ảo khuất dần
xuống ngọn núi xa, ánh hỏa châu và tiếng súng nổ rời rạc đâu đó tắt dần, Mận
bước lại gần se sẽ cầm tay tôi dúi vào cây bút máy Parker.
- Tặng
cho Ngự, ráng học thi đỗ và hứa với Mận lần nữa là không đi lính cho Mỹ ngụy
nhé.
-
Ngự
hứa, tin đi.
Được
lệnh rút lui, Mận đến nói nhỏ với đồng đội mình rồi đưa tôi vào nhà.
Đêm
ấy tôi không thể nào chợp mắt được. Hình ảnh Mận cứ chập chờn. Tôi như lạc vào
cõi mộng du, Mận rớt lại trong tôi một nụ cười, một cái nhìn trìu mến và lặng
lẽ bước đi vào khoảng trống trong đêm mịt mù
Ngày
thứ hai bước vào phòng thi là ngày tôi được tin Mận hy sinh trong trận chống
càn ở quê. Mận
bị một quả tạc đạn cắt ngang đùi ở khu rừng Cấm bên lùm sim rậm và ráng lê mình
theo Vi về hầm bí mật dưới gốc cây trâm bầu để băng bó. Chiếc hầm được đục
xuyên qua lớp đá tổ ong ra mương Mới để che giấu cán bộ từ thời chống Pháp. Biết mình không sống được, Mận bảo Vi tìm cách
thoát thân và dặn Vi sau này hãy để Mận nằm yên dưới đó. Theo vết máu, hầm bị
địch phát hiện giật sập, thế là Mận vĩnh viễn nằm dưới ấy, ôm chặt quê hương,
ôm chặt kỷ niệm bên gốc trâm, và những cánh bướm vàng, những chùm hoa sim, hoa
ngũ sắc, tiếng ve sầu, tiếng cu gáy. Bước vào phòng thi, tâm hồn tôi rỗng
tuếch, hụt hẫng. Rút cây bút Parker ghi
tên mình vào đầu phách, nước mắt tôi bỗng trào ra, tay run run. Cô giám thị đến
bên hỏi: “Em sao thế, bút không ra mực hả? Còn cây trong túi kia kìa”. Tôi im
lặng lắc đầu kéo tay áo lau nước mắt. Ra khỏi phòng thi tôi tìm chị Quyên báo
tin. Chị òa khóc. Hai chị em lên chùa Thiên Ấn thắp nhang cầu nguyện cho linh
hồn Mận
Trước chánh điện dưới làn khói hương trầm nghi ngút, chị
Quyên khấn vái trong tiếng nấc sụt sùi. Tôi vẫn lặng lẽ qùy bên chị. Sau vài
phút khấn nguyện, chúng tôi ra gốc cây cổ thụ phía sau vườn chùa. Chị mở cặp
lấy ba chiếc bánh bông lan đặt thẳng hàng, thắp nén nhang cúng Mận. Chị úp mặt
vào vai tôi nức nở, nước mắt chảy ướt vai áo tôi nghe âm ấm. Phía trước dòng
sông Trà lượn mình theo bờ cát trắng, như một con linh xà lóc mình ra biển
khơi. Không biết sao lúc này tôi không khóc được. Tiếng mõ chiều trong chùa
vọng lại. Anh nắng cuối ngày ửng lên một mầu hồng thẫm phía chân đồi Thạch
Bích. Từ đó tôi thấy qúy mến chị Quyên vô cùng, chị là người an ủi tôi trong
những lúc buồn vui, cay đắng. Với tôi, chị luôn độ lượng. Khuôn mặt trái xoan
điểm nốt ruồi trên mép trái là có lộc về sau, nhiều người nói như thế. Mùa thi
tú tài năm ấy tôi hỏng, chị Quyên đậu và đậu tiếp vào trường sư phạm, ra dạy
được vài năm thì đất nước được giải phóng. Gia đình gặp khó khăn, chị vừa đi
dạy vừa làm nghề thợ may nuôi mẹ, nuôi em, nuôi cả Dự học đại học. Dự học trước
tôi và chị hai lớp. Nhà nghèo nhưng học giỏi, được ba mẹ chị giúp đỡ, bằng cách
cho dạy kèm chị và các em trong nhà. Tình cảm thấm dần, chị thương Dự bảo trợ cho
Dự ăn học đến lúc thành tài, nhưng ân nghĩa thâm tình ấy không được Dự đáp trả.
Ra trường, có việc làm, Dự bỏ chị lấy người con gái khác, có tiền tài, có danh
vọng và lý lịch tốt, làm bàn đạp để Dự tiến thân. Trong lúc chị phải âm thầm
cưu mang cái bào thai trong bụng do Dự để lại, chị phải chịu sự ruồng bỏ và bị
sỉ vả của gia đình, bạn bè, làng xóm, đến nỗi chị phải bỏ dạy về ngồi bên chiếc
máy khâu, vừa may vừa khâu vá quần áo cũ cho xóm nông dân lao động nghèo.
Ngày cúng đầy tháng, đặt tên cho bé. Tôi vét túi, ứng
trước tiền lương mà chỉ mang về cho chị được một con gà, ít cân gạo nếp với vài
ký gạo tiêu chuẩn, chị cảm động nói qua làn nước mắt:
- Cả
tháng nay chị chỉ ăn cơm độn với khoai lang khô và cá diêm muối, vậy là hết sức
của ba mẹ chị rồi. À, em muốn đặt tên cháu là gì?
-
Tên
là Lưu Ly được không chị?
- Lưu Ly ở trong câu for get me not, có nghĩa là
"đừng quên tôi" đó hả? Có gì đâu mà cầu xin, ao ước hả em! Chị muốn
đặt tên nó là Vân Tuyền, vân tuyền là áng mây bên dòng suối mà tụi mình ngồi
chơi vào buổi chiều cuối thu sau cơn mưa, có Mận, em nhớ không?
- Không
phải đâu chị, hoa Lưu Ly là loại hoa ẩn mình bên bờ suối.
- Em
muốn nói linh hồn Mận! Thôi được mình lấy tên Lưu Ly vậy.
x
x x
Sau
đám giỗ Mận, dọn dẹp xong tôi cùng chị ra thăm mộ Mận nằm dưới gốc trâm giữa
hai ngôi mộ chú Đông và thím
Đào. Đường từ nhà ra mộ, chú Đoài trồng hai mươi hai cây dương liễu mát rượi,
gió vi vút thổi quanh năm. Trên ba ngôi mộ luôn sạch sẽ, không một chiếc lá
khô, không một cây cỏ mọc. Gốc trâm bị bom đạn cắt ngang từ thời chiến tranh
nay đã đâm chồi lên cao, lác đác ra hoa trái. Từ ngày chú về hưu, thím Đào mất, chú đi ra, đi vào
lặng lẽ với chiếc bóng bên mình, ít nói và ít tiếp xúc với mọi người.
Nắng trưa
thu nhỏ lại. Lúc nén nhang tàn, tôi và chị Quyên
xuống mé suối hái ít hoa rắc lên mộ. Khi kéo cành hoa ngũ sắc, nhìn vào kẽ đá
dưới mé Cấm, chị lấy ra một cái túi nilon
nhỏ, cầm lên ngạc nhiên gần như sửng sốt, một gói muối ớt đựng trong ve mực tím
mà ngày xưa chúng tôi cất dấu để dành ăn cám mít, nay vẫn còn.
T.Q.N (Lâm Đồng)