Nhạc sĩ Lê Trung Hiếu
Nhạc sỹ Lê Trung
Hiếu (Hội viên Hội Nhạc sỹ Việt Nam, UV BCH Hội Văn Học Nghệ Thuật
Tỉnh Bình Dương, Phó phòng Biên tập phát thanh-Đài PTTH Bình Dương) đã về
cõi vĩnh hằng lúc 10 giờ sáng ngày 25.12.2013 (23.11 Năm Quý Tỵ) do tai biến
mạch máu não. Thế là tiếng “Guitar Bình Dương” đã ngừng vang. Anh đã về ngủ yên trong lòng đất Mẹ…
Bình Dương là quê hương thứ ba của anh. Sinh ra ở Sài Gòn, thời niên
thiếu ở Nha Trang, thời trai trẻ ở Bình Dương. Anh đến với âm nhạc một cách
tự nhiên với năng khiếu say mê ca hát từ khi còn là học sinh trung học. Tham
gia hoạt động các phong trào Văn nghệ quần chúng, Văn nghệ xung kích. Trong
thời gian này anh tập tành sáng tác ca khúc, ca ngợi quê hương Sông Bé từng
ngày đổi mới, đi lên, hoạt động âm nhạc phục vụ nhiệm vụ chính trị địa phương, và trưởng thành từ phong trào, đó là vốn sống rất đáng trân trọng của NS Lê Trung Hiếu.
Năm 1985, NS Lê Trung Hiếu chính thức về làm công tác Âm nhạc tại Đài
PTTH Sông Bé. Vừa công tác vừa học thêm chuyên môn Khoa sáng tác Nhạc Viện TP
Hồ Chí Minh. Năm 1999 anh được giới thiệu kết nạp Hội Nhạc sỹ Việt Nam. Năm
2000, anh được đề cử phụ trách Câu lạc bộ Sáng tác ca khúc tỉnh Bình Dương. Đây
chính là chiếc nôi ấp ủ, nuôi dưỡng hình thành những nhạc sỹ Bình Dương sau
này. Từ khi chỉ có vài anh em nhạc sỹ, đến nay đã hơn mười lăm anh em hoạt
động âm nhạc, với hơn một ngàn tác phẩm âm nhạc từ mảnh đất quê mẹ Bình Dương
lan tỏa khắp cả nước và nước ngoài, xuất hiện những tác phẩm âm nhạc có giá
trị nhất định, vang mãi trên sóng PTTH của 63 tỉnh, thành phố, trên các trang
âm nhạc, karaoke, nhạc chuông, nhạc chờ
v.v…
Đối với anh em nhạc sỹ Bình Dương thì kỷ niệm về NS Lê Trung Hiếu rất
nhiều. Một con người hiền hòa, vui tính, ngay thẳng, luôn hòa đồng và giúp
đỡ những người đi sau. Ở đâu có anh là có tiếng cười… Chỉ cần một cây guitar
thôi, thì âm nhạc sẽ đem niềm vui đến, khi có anh… Mỗi năm Hội VHNT Bình Dương
đều tổ chức những trại sáng tác, hầu như bước chân anh em đều in dấu khắp nẻo
đường đất nước. Cũng từ đó các tác phẩm âm nhạc ra đời, phục vụ kịp thời
những nhiệm vụ chính trị địa phương, đóng góp món ăn tinh thần, hòa chung vào
nền âm nhạc mang bản sắc văn hóa dân tộc.
Kỷ niệm riêng của tôi đối với anh trong năm 2012 gặp nhau tại Đài PTTH Bình
Dương khi tỉnh phát động sáng tác ca khúc “Bình Dương miền đất yêu thương”. Hai
anh em ngồi uống café. Anh nói nhỏ nhẹ: “Mình sẽ cố gắng gởi bài dự thi về
Bình Dương theo tiết điệu Tango. Bài viết xong rồi nhưng chọn tiêu đề bài mình
đang phân vân". Anh chỉ đọc khẽ giai điệu tôi nghe. Tôi nói ngay: “Hay! Trên cái nền cũ nhưng vẫn mới.” Anh mỉm cười hỏi lại: Giai điệu nghe được không?
Tôi trả lời lần nữa:
- Bài này thế nào cũng đạt giải… Anh chọn tựa "Guitar
Bình Dương” đi…
Anh không trả lời ngay, nhưng gật đầu nói nhỏ, được
đó nghe êm tai…
Và
khi tổng kết trao giải, ca khúc Guitar
Bình Dương đạt giải ba trong một cuộc thi phát động rộng khắp cả nước với hơn
một ngàn tác phẩm dự thi. Điều đó đã tự nói lên sự sáng tạo, cống hiến, đóng
góp vào nền âm nhạc đương đại hôm nay. Khi xưa giới hoạt động âm nhạc hay nhắc
đến và gần như khẳng định NS Hoàng Trọng là Vua về thể loại Tango với
những tác phẩm nổi tiếng, sống mãi với thời gian. Và hôm nay những người làm
công tác âm nhạc trên đất Bình Dương khi nhắc đến NS Lê Trung Hiếu đều có
chung suy nghĩ: Anh là người kế thừa mang nét riêng về thể loại Tango.
Anh Hiếu ơi! Tôi làm việc với anh đã nhiều năm. Những kỷ niệm vui,
buồn, khó khăn chúng ta cùng san sẻ. Nhớ mãi tiếng cười của anh, nhớ mãi
những câu hát vui, trào lộng của anh… và cả tiếng guitar nữa… Nó như vẫn còn
ngân vang từ mảnh đất Bình Dương hiền hòa, mến khách đến những nơi như: Thủ Dầu Một ngày xưa, Dĩ An, Thuận An, Tân Uyên, Phú Giáo, Bến Cát, Dầu Tiếng…Và trên khắp mọi miền đất nước như: Bình Phước, Bạc Liêu, Cà Mau, Kiên Giang, An Giang, Hà Tiên, Phú Quốc, Ninh Thuận, Bình Thuận, Bình Định, Nha Trang, Quảng
Ngãi, Hội An, Đà Nẵng, Huế, Hà Nội, Tam Đảo, Sapa v…v… Nhiều, nhiều lắm…
“
Chúng ta là quân du kích…”- Câu hát anh thường hát khi giao lưu cùng các anh em
văn nghệ cả nước lúc gặp nhau. Đó là sự thể hiện thái độ sống rõ ràng, chan
hòa tình cảm, tính chất nghệ sỹ phong trần, lãng tử mang đầy khí phách hào
sảng, là tinh túy, là chất xúc tác để khơi dậy sự sáng tạo của những người làm
công tác nghệ thuật.
… Đôi lần anh có nhắc đến câu: “Hữu xạ tự nhiên hương”. Anh còn mắc nợ
đời, nợ tác phẩm, và muốn mình khỏe để làm việc thật nhiều.
Con đường anh đi qua, giờ đây cũng mở lối cho nhiều người bước tiếp.
Niềm vinh quang anh không cần đón nhận… Anh ra đi vẫn còn mang nặng những ước
mơ, hoài bão của một thời trai trẻ. Tôi tin rằng những tác phẩm của anh sẽ
vẫn mãi tồn tại, vẫn sẽ còn trên môi mỗi người khi ai đó hát lên…
Những người bạn anh vẫn còn ở lại, mà anh lại ra đi. Giọt nắng
ngoài hiên vẫn còn ngơ ngác soi rọi
sáng cả khung trời xanh. Ơi! Ngọn gió buồn man mác đã thổi qua. Cuộc vui nào
đã tàn? Rượu ly nào đã cạn?
Anh Hiếu ơi! Tiếng Guitar vẫn sẽ mãi ngân vang. Thay nén hương lòng xin
tiễn biệt người bạn của tôi, Nhạc sỹ Lê Trung Hiếu.
Cuộc đời đó sẽ vẫn
mãi còn.
Có người ở lại, có
người đi.
Vẫn cứ bốn mùa Xuân,
Đông, Thu, Hạ.
Hoa vẫn tươi, lá vẫn xanh.
Riêng anh đi không bao giờ trở lại.
Đêm – Trăng vẫn treo lơ lửng trên cành.
Bình Dương, 23 giờ ngày 25.12.2013
Nhạc sĩ Phạm Minh Thuận