Nhà văn, nhà báo Nam Thi
Thái, bạn tôi gần bảy mươi tuổi, vợ mất đã lâu, con cái đều ở nước ngoài, con trai cả ở Úc, hai đứa kế ở Mỹ. Trước đây anh được con cả bảo lãnh qua Úc, ở được hơn hai năm rồi quay về. Khi ra đi anh không bán nhà mà nhờ vợ chồng Tâm trông nom, nên về nước anh vẫn ở nhà mình. Căn nhà khang trang ở đường số 3, cư xá Đô Thành.
Thái thường tâm sự với tôi rằng không biết sau khi anh chết, căn nhà sẽ như thế nào? Với anh, căn nhà đó không chỉ là một tài sản có giá mà còn là nơi lưu giữ những kỷ niệm của vợ chồng anh, nơi đặt bàn thờ tổ tiên và vợ anh. Nhà thì có thể bán lấy tiền mang theo nhưng anh không thể mang theo những thứ thiêng liêng ấy đến xứ người.
Căn nhà ấy trong bao nhiêu năm là tổ ấm của vợ chồng anh, bây giờ chỉ còn một mình anh với bàn thờ của vợ mà mỗi tối anh vẫn thắp hương. Vợ chồng Tâm ở tầng dưới, hằng ngày lo hai bữa cơm cho anh. Anh sống lặng lẽ như một chiếc bóng, không làm phiền gì đôi vợ chồng trẻ. Cũng may, vợ chồng Tâm rất quý anh, nên cũng có thể xem anh có một gia đình ấm cúng gồm ba thế hệ “tam đại đồng đường”. Nghe đâu Tâm là con của một người bạn cũ gửi trọ nhà anh từ khi còn theo học ngành sư phạm cho đến khi ra trường đi dạy và lập gia đình. Vợ Tâm cũng là giáo viên trung học, họ yêu nhau từ thời sinh viên. Hai vợ chồng trẻ với đứa con trai ba tuổi mang lại sinh khí cho căn nhà. Nhờ có họ, các con anh mới yên tâm để anh quay về Việt Nam sinh sống khi anh thấy không thể thích nghi được với cuộc sống ở Úc và Mỹ. Nếu không có họ chắc anh buộc phải xa quê hương vĩnh viễn. Với anh, đó chẳng khác bị lưu đày, kéo dài cuộc sống buồn tẻ để chờ chết ở xứ người.
Tôi không hiểu tại sao một người có học, trưởng thành ở Sài Gòn và thông thạo tiếng Anh như anh lại không thích nghi được với xã hội phương Tây. Anh bảo rằng anh sợ sự cô đơn mà ở bên đó ai cũng cô đơn. Người ta giống như những con ốc vít trong guồng máy, vận hành nhịp nhàng nhưng vô cảm và người già là những ốc vít phế thải vô dụng không thể tái chế. Đã đến thế thì anh trở về là phải.
Tôi là bạn thân của anh từ thời học vỡ lòng ở trường làng nên chúng tôi coi nhau như ruột thịt. Tuy đã có tuổi nhưng chúng tôi vẫn xưng mầy - tao như hồi còn nhỏ. Có lần, hai anh em đồng ý đổi cách xưng hô anh - tôi cho nghiêm túc vì cả hai đều đã là ông nội, ông ngoại cả rồi. Nhưng rồi chúng tôi quen miệng vẫn mầy - tao với nhau, trừ chỗ đông người hay trước mặt con cháu. Bởi gọi anh - tôi nghe lạ hoắc như thể chúng tôi không còn là bạn lâu đời của nhau. Chính anh là người đề nghị gọi lại mầy - tao cho nó thân mật.
Có chuyện gì riêng tư chúng tôi đều nói cho nhau biết. Nhiều lần anh đem chuyện căn nhà ra hỏi ý kiến tôi. Thật khó, vì theo tôi mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh, tôi biết lối nào mà bàn với bạc. Nhưng tôi cũng không thể im lặng như người ngoài cuộc bởi là chỗ thâm tình, từ nhỏ đến giờ hai chúng tôi đã chia sẻ ngọt bùi với nhau. Ngay cả khi quyết định đi kháng chiến, tôi cũng báo cho anh biết trước. Thuở đó anh là chuyên viên tài chính của chế độ Việt Nam Cộng hòa. Anh ngồi yên lặng nghe tôi nói, cuối cùng, anh bảo tôi: “Cảm ơn mầy đã báo cho tao biết một chuyện hệ trọng… Tao tôn trọng lựa chọn của mầy”. Khi chia tay anh bảo: “Khi nào cần tao giúp, cứ bảo. Mầy có bề gì, tao sẽ chăm sóc ba má mầy…”.
Anh vốn không thích chính trị, cho nên khi vào đại học anh chọn ngành tài chính - ngân hàng vì cho rằng chế độ nào, thời nào cũng cần loại chuyên viên này, nhất là sau chiến tranh những chuyên viên như anh cần cho công cuộc tái thiết đất nước. Anh không “làm quốc sự” nhưng anh cũng không phản đối bạn bè tham gia bên này hay bên kia. Anh chỉ không ưa người xấu, loại cơ hội, lưu manh bất kể đội lốt gì. Tôi quý anh ở tính trung thực của một trí thức. Sau ngày giải phóng, anh được “lưu dụng” trong ngành ngân hàng. Anh gặp không ít khó khăn để thích nghi với cuộc sống mới, đến nỗi lần lượt cho các con vượt biên. Nếu vợ anh không ốm đau, có lẽ anh cũng ra đi. Anh không chống đối nhưng không hòa nhập được. Tôi hiểu điều đó. Có lần tôi nói với anh: “Đi hay ở, tùy mầy. Tao tôn trọng quyết định của mầy”. Cũng giống như trước đây anh nói với tôi như thế khi tôi báo cho anh tôi thoát ly tham gia Mặt trận Giải phóng vậy. Nhưng rồi đâu cũng vào đó. Dần dà anh tìm thấy niềm vui trong công việc mà anh được trọng dụng trong giai đoạn “đổi mới”, người ta cần những chuyên viên am hiểu hệ thống tài chính - ngân hàng tư bản như anh.
Về việc nhà của anh, tôi chỉ có thể góp ý: “Theo tao, chuyện tài sản phải rõ ràng minh bạch. Mầy là chuyên viên tài chính, chắc mầy rành hơn tao. Người ta bảo nhất hậu hôn, nhì điền thổ mà. Căn nhà của mầy ở cư xá Đô Thành giá bèo cũng cả chục tỷ, đâu có nhỏ. Bọn mình già rồi, sống nay chết mai, nếu không tính đâu cho ra đó, rủi chết bất ngờ sẽ để lại chuyện rắc rối cho con cháu. Mầy cứ viết di chúc theo ý mầy. Tao không bàn vào chi tiết cụ thể nhưng chỉ lưu ý mầy rằng nếu muốn giữ căn nhà lâu dài để làm nơi thờ cúng thì nhà phải có người làm chủ, nghĩa là người đó có đủ tư cách pháp lý, được quyền sử dụng, quyền quyết định theo đúng luật thừa kế và luật nhà đất. Nếu muốn bán để chia cho tụi nhỏ thì phải nói rõ bán và chia như thế nào cho công bằng để tránh tranh chấp. Còn chuyện thờ cúng, ăn thua người ta có lòng thành hay không chứ cúng quảy ở đâu chẳng được”.
Không biết bạn tôi có thực sự nghe lời khuyên của tôi hay không. Nhưng trước chuyến đi Mỹ mấy hôm anh thông báo đã làm xong di chúc. Lần ấy, anh qua Mỹ để thăm cháu ngoại mới sinh, vì đó là đứa cháu ngoại đầu tiên. Cũng như những chuyến đi trước, hai anh em chúng tôi uống cà phê sáng với nhau ở quán AQ quen thuộc, ngay cổng cư xá Đô Thành.
Khi chia tay, anh bảo: “Bọn mình già rồi, nay ngồi đây với nhau chưa chắc mai có còn gặp không. Nếu không có việc gì bất trắc, hai tháng sau tao về”.
Từ đó, lần chia tay nào anh cũng nói như thế, cứ như lời trối trăng. Lúc đầu tôi còn cự anh vì nói chuyện xui xẻo nhưng anh cứ đi rồi lại về, năm này qua năm khác vẫn khỏe mạnh nên sau này tôi không để ý nữa.
Lần ấy, anh trao cho tôi một phong thư dán kín và dặn nửa đùa nửa thật: “Nếu tao chết bỏ xác bên ấy mầy mới mở phong thư nầy nghe. Nếu tao còn về mầy giao nó lại cho tao…”. Rồi anh bảo tôi: “Mầy cũng lo làm chúc thư đi thì vừa”. Tôi chỉ cười: “Mầy khỏi lo cho tao. Vợ tao trẻ hơn tao mười lăm tuổi, tao chết trước là cái chắc. Cù lần như tao nên có vợ muộn có khi lại hay. Đào hoa như mầy… cũng khổ ”. Anh sờ râu cằm lởm chởm, cười tủm tỉm.
Khi Thái về, tôi trả lại anh chiếc phong bì chứa di chúc.
Lần kế tiếp anh lại giao chúc thư cho tôi trước khi qua thăm con cả ở Úc. Tôi nói đùa: “Tao giữ chúc thư cho mầy, rủi ở nhà tao chết trước thì làm sao?”. Anh nói tỉnh bơ: “Đừng lo xa, tao còn giữ một bản nữa. Mầy chết thì tao tự lo…”. Tôi bồi thêm: “Giá như tao chết trước rồi vài ngày sau mầy cũng đứt bóng, ai lo?”. Anh nhún vai: “Thì thua. Bó tay. Nhưng đâu mà xui xẻo dữ vậy. Đến nước đó thì cứ phó cho ông trời”. Tôi đùa: “Hay là mầy cưới một bà sồn sồn để lo cho mầy. Tao thấy mầy còn… ngon mà”. Anh lắc đầu: “Tao ớn chuyện đó lắm rồi…”.
Dần dà, chuyện trao đi trao lại bản chúc thư của anh giống như một trò chơi, tạo cớ cho hai chúng tôi tán gẫu. Cái phong bì trở nên nhàu nát, tôi phải bỏ vào một túi nhựa cho khỏi hỏng mới hy vọng đến khi bạn tôi chết còn sử dụng được. Có lần tôi bảo bạn rằng tờ chúc thư giống như một giấy báo tử không đề ngày chết. Ngày nào đó người viết di chúc qua đời, phong bì sẽ được mở và chúc thư mới có hiệu lực. Ai đó sẽ mở chứ không phải người lập chúc thư mở. Tờ giấy mang những ước nguyện cuối cùng của người chết để lại cho người còn sống có liên quan được pháp luật bảo hộ nhưng thường phát sinh nhiều rắc rối. Tiền bạc, quyền lực do người chết để lại nhiều khi trở thành nguyên nhân của những bi kịch diễn ra ngay khi chưa đóng nắp quan tài, cỏ chưa phủ xanh nấm mồ người chết. Không thiếu trường hợp cha mẹ chết, con cái bắt đầu tranh giành tài sản ngay trong đám tang. Vua băng hà, các ông hoàng tranh giành ngôi báu, chém giết nhau máu đổ đầu rơi chung quanh linh cữu nhà vua cũng là chuyện thường thấy trong lịch sử…
Lần cuối cùng bạn tôi đi Mỹ. Như thường lệ, tờ di chúc lại được anh trao cho tôi. Gần hai tháng sau, một đêm tôi nhận được điện thoại của con anh từ Mỹ báo tin anh mới qua đời vì đột quỵ. Sáng sớm hôm sau, tôi vội chạy sang nhà anh. Tâm cũng đã nhận được tin buồn nên đã bày sẵn bàn thờ nơi phòng khách. Tôi thắp hương viếng anh. Nhìn tấm ảnh khổ lớn của bạn, tôi thấy lòng mình trống rỗng. Có lẽ, tôi đã chờ đợi điều đó từ khi được anh giao tờ di chúc.
Trước khi đến viếng anh, tôi đã mở phong thư để đọc qua tờ di chúc. Tôi cẩn thận photocopy mấy bản, giữ bản chính ở nhà và mang theo một bản sao để trao Tâm. Tôi dự định khi nào các con trai của anh về tôi sẽ công khai bản chính.
Tâm chăm chú đọc bản di chúc rồi trả lại cho tôi. Tôi lên tiếng trước:
- Cháu thấy thế nào?
Cậu ta lau nước mắt, nói:
- Dạ. Cháu biết từ lâu rồi. Mẹ cháu trước khi mất có bảo cháu là con của bố Thái… Cháu sẽ thờ cúng ông bà và bố. Còn căn nhà nầy thì cháu không dám nhận vì nó thuộc về các anh chị ấy…
Tôi hỏi thêm:
- Khi còn sống, bố Thái có nói cháu là con của ông không?
- Dạ không. Nhưng cháu biết bố rất thương cháu… Có những chuyện ông âm thầm chăm sóc cháu.
Tôi biết Thái và mẹ của Tâm yêu nhau từ khi chúng tôi còn học trung học ở Quy Nhơn nhưng tôi không hiểu vì sao họ không lấy nhau được vì thời gian đó tôi công tác ở vùng giải phóng. Rồi mỗi người có gia đình riêng. Chồng của cô ấy đã tử trận trong cuộc di tản. Thái có nói cho tôi biết chuyện họ gặp lại nhau mấy năm sau khi chiến tranh kết thúc nhưng giấu nhẹm chuyện họ có con với nhau. Tình cũ không rủ cũng tới, cũng là chuyện thường tình. Nhưng tôi rất bất ngờ khi thấy anh xác nhận trong di chúc rằng Tâm là con của anh và muốn dành ngôi nhà cho Tâm để làm nơi thờ phụng.
Ba tháng sau, hai con trai anh mang hũ tro cốt của anh về, gửi ở một chùa đâu dưới Gò Vấp. Theo yêu cầu của Tâm tôi không công bố bản di chúc, coi như nó không hề có. Còn bản chính thứ hai, các con anh ở nước ngoài có tìm thấy không, tôi chẳng quan tâm. Có điều, tôi không thấy họ đả động gì đến trường hợp của Tâm. Chẳng hiểu họ thực sự không biết Tâm là anh em cùng cha khác mẹ của họ hay cố tình làm lơ. Phần Tâm cũng giữ im lặng.
Tâm giao nhà lại cho người con trai cả của Thái. Khi dọn nhà, Tâm xin được mang theo lư hương và tấm ảnh thờ của anh. Các con của Thái bán vội căn nhà, trích một phần trả chi phí cho chùa rồi chia đều.
Rồi họ lặng lẽ ra đi…
7.2015
N.T