Home » Archives for tháng 9 2020
(Đọc Lặng lẽ hương - tập thơ Phạm Văn Phương, NXB Văn hóa văn nghệ, 2020)
Không là nàng Kiều lưu lạc, mà cái duyên cho độc giả sau mười lăm năm Hái bên đường (NXB Văn học 2005) trong đó có hai năm rời bục giảng, Phạm Văn Phương xuất bản Lặng lẽ hương (2020), yên ả bởi cái tình ăm ắp. Một ngày cũng nên duyên, một chữ đã nên tình của nhà thơ đất An Nhơn dành tặng cho những ai yêu quý thơ anh.
Quen biết Phạm Văn Phương kể từ những năm 1973 khi vào học lớp 10C trường Trung học Đào Duy Từ An Nhơn (Bình Định). Ngày ấy, tuổi học trò có thư tình ướp hoa phượng đỏ góc sân trường, tụi nhỏ thì tò mò “Giấu thứ gì trong vở/ Sao lại hé mở cười/ Tao biết rồi không nói/ chùm thư tình...hi hi” (Chỉ có tao và mầy- NTP). Lại thêm giờ văn cô Phương cho thưởng thức món ngâm thơ của Lan Hương ngồi đầu bàn. Đố mà bạn nào không nhiễm thơ mới lạ. Thích nhất thi sĩ Nguyễn Bính với “Nhà nàng ở cạnh nhà tôi/ Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn...”. Để rồi âm thầm góp nhặt từ thuở Giao mùa xanh tươi: “Anh về thăm giàn bầu, giàn mướp/ Em vun trồng từng luống cải, nụ hoa/ Cơn mưa vỡ trên tàng lá mượt/ Trên những vồng khoai, cụm mía, đàn gà...”, để rồi tiếng rao trưa chao chát: “Ai mua muối không?/ Một lúa, năm muối.../- Một lúa, năm muối.../ Tiếng rao khuấy vào nắng trưa/ Nóng hổi/ Muối/ Thừa thãi/ Như mồ hôi/ Thấm đẫm những chiếc áo sờn/ Chảy trên khuôn mặt các chị/ Nắng bốc khói/ Các chị đi thành hàng...”(Những chị bán muối). Góp vào Hái bên đường được 37 bài với 74 trang rải rác từ 1974 (chỉ một bài), còn lại là sau 1975 đến 2005.
Giờ thì Lặng lẽ hương - dày dặn 100 trang với 65 bài. Cũng từ cái mốc như Hái bên đường đến bây giờ. Ắt hẳn sự sắp xếp ấy cũng là chủ ý thơ đã ươm mầm trong anh từ ngày ấy. Ngày ấy “em chở mùa hè của tôi đi đâu” cho những đêm không thuộc bài thao thức, dẫu xưa in hằn Khói trong mắt nhớ*(1974): “Đêm rồi nằm với làn hương/ khói trong mắt nhớ còn vương tình nàng” cái làn khói cứ mê hoặc, xoắn xuýt vờn quanh, không buông tha xuyên suốt hai thế kỉ còn ôm khối mộng tương tư chung thủy hiếm thấy ở thi nhân: “Đêm vui, em nhắc hoài chuyện cũ/ anh mãi nhớ ngày còn thơ/ ước gì chúng mình nhỏ lại/ được về ngủ trong nhà xưa.” (Đêm xuân*, với em ngày thơ dại - 2019).
Thơ Phạm Văn Phương của Lặng lẽ hương là trang nhật kí thời gian với tiêu đề như: Viết trong mùa hạ cuối*, Buổi chiều ở lớp 8C*, Với các em trong ngôi trường cũ*, Lời tháng giêng*, Mùa trái chín,... Tất cả đọng lại chữ tình, từ không gian khuôn khổ tuổi học trò, trường lớp mơ mộng, đến không gian bạt ngàn núi rừng quê hương rất cần bàn tay con người, được tôi luyện bằng sức trẻ, nỗi nhọc nhằn lưu lại Mùa hạ ở Nam Tăng*:
“Buổi trưa ở đây nắng nồng mùi quả thị
dòng suối hiền hòa không che nổi chúng tôi
nắng làm răng mà nắng rứa, nắng ơi!
anh em thở phì phò ngủ mê ngủ mệt
biết đâu trong giấc mơ có lớp lớp cây rừng ngã gục
theo những nhát rựa, nhát cuốc mở đường cho mai khoai, sắn lên xanh”
Tiếp nối một thời đi khai hoang vỡ đất của những năm sau bảy lăm - thế kỉ hai mươi, một niềm tin đầy khí thế về sức mạnh vẹn nguyên một đất nước sau năm tháng chiến tranh, nhận ra vẻ đẹp tinh khôi của toàn dân đối với Người: “Tiếng hát bay lên, bay lên mãi/ trời tháng Năm như mắt bé thơ cười/ Bác trên đó với hình sông, dáng núi/ tiếng reo vỡ òa trong mỗi trái tim vui” (Người là trùng dương)*.
Lặng lẽ hương là chân trời yêu thương sâu lắng, nhịp nhàng gắn kết ngỡ trong “cổ tích” vừa ra ngõ đã gặp duyên may: “Chưa chi đã thấy thương rồi/ muốn dang tay đón đất trời mà hôn/.../ anh về Nhơn Khánh ngày xưa/ mười năm về lại thành quê vợ rồi/ câu ca từ thuở nằm nôi/ cứ nghe đồng vọng giữa trời tháng giêng/...”(Anh về Nhơn Khánh ngày xuân)*. Và từ đây cái tình anh bung hạt. Cái hạt trăm năm anh quý nâng niu ngày mới bắt đầu, bình minh kết trái:
“Trên đài vang tiếng hát em
âm vui theo sóng lan nghìn dặm xa
tiếng em hay tiếng quê nhà
quê mình đâu cũng tiếng loa thanh bình”
(Anh nghe em hát trên đài)
Với anh, tiếng em hay tiếng quê nhà bình yên, không gian gia đình đầm ấm hạnh phúc. Để khi được làm cha, những câu thơ bung tỏa: “Ngày con mở mắt chào đời/ cỏ cây thay áo đi mời mùa xuân/ mẹ cười trong ngấn lệ rưng/ có ba viễn phố bâng khuâng gọi thầm” (Cho con yêu thương mùa xuân)*. Tiếp nối đến lúc được làm ông, cháu bé lớn lên từng ngày bên cạnh: “Hết chơi cắt giấy/thì chơi bày hàng/ hết vịn thành tủ/ lại trèo lên giường/ ra vô nghịch nước/vô nhà tè luôn”, tuổi thơ vốn hiếu động, bày sang trò chơi khác, bắt ông làm ngựa cho cháu trèo lên lưng, đây mới là trọng tâm bài thơ Làm ngựa cho cháu* để nhận ra tuổi già đã đến: “Răng ông rụng nhiều/cháu vừa răng sữa/chân bước chậm dần/biết làm sao nữa.../cháu giật bờm ngựa/ “nhanh lên ông ơi!/ ngựa đi nước kiệu/ ông chừng hết hơi/.../ cháu cười nắc nẻ/ biết mình đã già/ đôi bàn chân mỏi/biết đường còn xa”. Một chút tâm tình xao xuyến vô cùng, bởi thời gian chầm chậm theo giờ, lại là mũi tên hướng về phía trước, bàn chân thi nhân dù đã mỏi, chỉ là cái mỏi cơ bắp tự nhiên tất yếu đời người.
Rồi cánh cửa mở ra, bao nhiêu là ánh sáng khơi nguồn, nắng mưa cho chiếc cầu vồng dẫn nhịp. Nếu gia đình nhỏ chính là cái nôi thường trực trong cái tình nhà thơ, chơi với cháu cũng là cái thú. Cái thú trong cảm hứng phát sinh từ cái tình rất nhân văn vô hạn. Từ Những ngày thơ dại* đến biết bao nhiêu tất bật cuộc đời phải đối mặt, những (Quê nhà, Cố hương)* thi nhân vẫn đoái hoài kỉ niệm, cảnh và tình đan xen rạo rực: “Quy Nhơn dạo ấy bình thường/ nay tôi về nhặt nỗi buồn còn xanh/ mười năm rồi lại mười năm/ mây phiêu du cứ phân vân trên đầu// sóng xô quanh chỗ tôi ngồi/ tiếng em đồng vọng phía trời trăng lên” (Đêm tôi về lại Quy Nhơn)* an ủi vỗ về phần nào nỗi cô đơn diệu vợi.
Cái tình trong Lặng lẽ hương luôn được kết nối, nuôi dưỡng. Sâu lắng, tin yêu. Bởi văn chính là người. Người như hoa ở đâu thơm đó (Tục ngữ), nói là Lặng lẽ hương, thực ra hương chưa lặng lẽ bao giờ. Phạm Văn Phương vẫn dành những tứ thơ nặng ân tình tặng người thân, bạn hữu xa gần(Nhớ ông bốn, Cuối đông thăm nhà hiền giả, Người đi tìm hạnh phúc, Với người hát bè trầm, Những đêm trăng khuyết, ...)*. Trong Lặng lẽ hương đã dành nhiều trang viết về những người đã khuất, nên chăng đời người cát bụi phù du, yêu và quý lắm trái tim thi sĩ, nhà giáo. Ấy vậy mà câu thơ ai đó trong giới văn sĩ Bình Định phát ra, truyền miệng thể như ca dao trào phúng: “Trời sinh ra Phạm Văn Phương/ Bạn không chịu chết hết đường làm thơ”. Tính giễu nhại, thể như ác khẩu, nhưng cháy lòng độc giả trong cảnh tử biệt nhớ thương đọng lại, nhẹ nhàng làn khói mỏng mảnh, từ nén tâm hương cay cay khóe mắt: “Ước được cùng anh đùa nghịch/để nhìn anh cười thật hiền/.../ lặng lẽ vun trồng/ lặng lẽ yêu thương/ lặng lẽ bước qua bên kia sông Dịch// gió tiễn biệt giữa lòng em nhói buốt/ thổi ngang chiều mưa dông.”(Nhớ anh Trần Đình Mai)* se thắt tâm can tiễn bạn về với người hiền xa xưa (Tiễn anh Nguyễn Đình Lương, Thức giấc trong mưa nhớ anh Nguyễn Vĩnh Bình, Đêm cuối với Trịnh Hoài Linh, Tiễn biệt anh Phạm Mạnh Hiên, Tháng Mười một nhớ chị Bướm, Nhớ mợ bốn- Hồng Vân,...)*.
Và sau mỗi lần tiễn biệt người thân nghe chiều mưa đẫm, còn lại trong anh những gì là mối thâm tình. Nhà thơ Phạm Văn Phương tìm về với thi nhân đồng cảnh ngộ san sẻ chút tình riêng chung: “Bác yêu lan/ nên rất thích những gì thanh thoát/.../ bác mãi mãi thanh xuân/ dù mái đầu đã bạc/ vẫn hay làm thơ tình/ bởi lòng người không thể khác” (Cảm xúc)*. Quý thay lòng người không thể khác, vẫn hay làm thơ tình, cái tình lặng lẽ mà thăng hoa (Nghe mưa, Mưa Nguyên tiêu, Đêm phương Nam, Tìm trong vô thường, Người từ sương khói, Ngẫu hứng tặng Nguyễn tiên sinh sau hai mươi bốn năm,...)*.
Tình thầy - trò, bạn bè trường lớp trong Lặng lẽ hương thơm mùi giấy mới. Vẫn giữ một mực khi được Hầu chuyện cùng thầy trong ban mai Đà Lạt*:
“Hai mươi bảy năm xa cách
trường xưa hàng me đã già
chuyện cũ bọn em thường nhắc
có thầy trong mỗi mùa hoa.”
Lòng biết ơn và trân trọng thường trực trong nhận thức mỗi học trò, bởi “Không thầy đố mầy làm nên” đâu là áp đặt. Thầy trên bục giảng, thầy trên đường đời, cả người thầy trong gia đình, trong giao tiếp, trang sách cũng là người thầy. Sao quên được. Bể học cuộc sống vô tận. Và biết trọng thầy nên khi được làm thầy lại quý cái tình đồng nghiệp, yêu những đôi mắt hồn nhiên của đám học trò, nhớ lắm trường ơi! (Viết trong mùa hạ cuối, Buổi chiều ở lớp 8C, Với các em trong ngôi trường cũ, Kể chuyện cổ tích với các em, Bạn nhỏ, Hương quê,...)*
Lặng lẽ hương mà hương không hề lặng lẽ, hương theo mùa theo nhịp phách khoan nhặt đồng hành. Điểm lại chặng đường thi nhân là cái tình nồng đượm không thể giữ hết riêng mình gởi gắm vào trang thơ, lúc thì thể tứ tuyệt, lúc thì tự do,... còn đoạn lúc bát “lặng lẽ” rất Phạm Văn Phương đâu dễ gì cô đơn:
“ nụ cười ở lại cùng anh
sáng ra chỉ thấy mình nằm với hoa
bướm bay vàng trước ngõ ta
có bay vàng tới ngõ xa em về?
trong gương ngày rạng trăm bề
bông hoa như bóng trăng thề soi chung.”
(Trước hoa)
26.09.2020
N.T.T
_________
* Tên bài thơ trong tập LẶNG LẼ HƯƠNG
Vĩnh Tuy (Bình Định)
Người đàn bà đã cũ
Em
người đàn bà đã cũ
lận đận nửa đời
chắp vá nửa đời đau
từng hẹn thề rồi lạc mất nhau
những đêm vắng tiếng thở dài bất chợt
Em
có thể
từng một thời hời hợt
một lần qua sông
và nhận lấy hư không
đêm ướt gối, xuân cạn trên môi nhạt
Với anh
một góc nhìn rất khác
em nồng nàn và rất đáng yêu
khát khao một bờ vai và được nâng niu
Với anh
em mãi vậy
chẳng bao giờ là cũ!
Sống là cho đi
Hình như trời đã chuyển mùa
bên ngoài cửa lớp
nắng vừa dịu đi
chẳng hay gió nói điều gì
cây bàng lặng lẽ vàng đi ít nhiều!
Nhìn những ánh mắt đáng yêu
"Chúc một năm học thật nhiều niềm vui!"
Ta chào em tóc rẽ ngôi
ngày mai còn đó bầu trời thênh thang!
Biết là rồi sẽ cũ càng
một ngày đứng lớp
một trang vui buồn
một năm, kính lại thay tròng
miệt mài gom góp vào trong tim mình!
Mỏng manh một chiếc cầu tình
ngày kia ai sẽ còn hình dung ra
như trang giáo án lật qua
ngẩng đầu ta hát: "Sống-là-cho-đi!"
KÍ HỌA ĐÊM MƯA
Đêm mưa
Đàn mối lao xao đôi cánh mỏng
Ánh điện lung linh dẫn dụ những đam mê
Đêm mưa
Cây hoa ban lạc phố thấm thía nỗi cô đơn
Gửi vào gió những phong thư màu huyết dụ
Đêm mưa
Con thạch sùng rời khỏi bóng đêm
Tự huyễn hoặc mình để thăng hoa ngây ngất
Giữa cơn mưa
Một ánh chớp lóe lên
Chiếc áo màu mưa rách toạc
Hàng cây run rẩy
Đàn mối bất lực đánh rơi đôi cánh
Con thạch sùng trốn vào hốc tối, bỏ mặc giấc mơ
Đêm mưa
Một tiếng thở dài rơi sau ô cửa
Mưa cứ rơi... mặc đời bão dông.
Ru em say giấc bên bờ trăng khuya
Bao đêm
em lén thở dài
nhìn qua nhìn lại thừa ai bây giờ
Giá mà
đừng có ngày xưa
tình như gió thoảng mới vừa lướt qua
Ta ngồi
đếm giọt mưa sa
giấu vào đêm chút mặn mà hiếm hoi
Càng nhìn về phía xa xôi
càng thương sợi tóc trên đầu chớm phai
Thôi thì
tuy một mà hai
tuy hai mà một
trách ai bây giờ!
Ta ngồi
phủi bụi trang thơ
ru em say giấc bên bờ trăng khuya!
V.T
Anh chờ đợi em suốt tận chiều
Đêm quỳnh hương mỉm nụ tình yêu
Đêm huyền diệu dòng hương tinh khiết
Tơ vàng rung bung cánh phiêu diêu
Gió ngọt ngào tình tự môi thơm
Ngước nhìn lên trăng sáng soi hồn
Linh hồn em dung nhan kiều diễm
Ôi nhiệm màu áo mộng càn khôn!
Anh lặng ngắm bờ xanh nhật nguyệt
Giấc mơ hoa dòng suối tâm linh
Em đến với đời vui khoảnh khắc
Mà thiên thu lưu luyến lưu tình
Đêm quỳnh hương ôi đêm quỳnh hương
Anh mơ thấy em lộng lẫy má hồng
Vũ trụ hòa ca đêm thánh lễ
Anh cúi đầu sụp lạy làn hương!
T.T.N
Tôi sinh ra và lớn lên ở vùng sông nước, tuổi thơ tôi bồng bềnh trôi theo những dòng sông quê. Bởi vậy dòng nước sông mát lành trong vắt thân thuộc như hơi thở, như sự sống. Con sông bắt đầu từ nơi nào xa lắm, về đến quê tôi uốn lượn, ôm ấp làng bãi, cho cá tôm đầy ắp..., bồi đắp phù sa cho mùa màng tốt tươi, cuộc sống vì thế mà bình dị yên ấm.
Với mỗi người dân quê, dòng sông như lòng mẹ bao la, đầy ắp yêu thương. Tôi lớn lên biết ơn dòng sông như biết ơn người mẹ thứ hai của mình. Trưởng thành, lập nghiệp ở phố thị phồn hoa, dòng sông trở thành niềm nhớ miên man. Và trong cõi nhớ ấy, bến sông chính là nơi trú ngụ bình yên nhất của tâm hồn người. Biết bao lần, tôi thèm được trở lại bến sông xưa, ngụp lặn trầm mình trong dòng nước mát, vốc từng kỷ niệm tuổi thơ êm đềm.
Còn đó từng đám lục bình trôi theo con nước, neo đậu bên những chiếc xuồng ba lá nhè nhẹ xuôi theo dòng mà lòng bình yên đến lạ. Còn đó những ngày vui đùa với lũ bạn ở quê quen thuộc, đuổi nhau té nước, ném bùn đất, tiếng cười hồn nhiên vang khắp mặt sông. Còn đó dáng mẹ tôi ngồi giặt giũ áo quần, kỳ cọ xoong chảo khi nắng chiều vừa tắt. Đôi mắt thỉnh thoảng ngước nhìn xa xăm. Cứ mỗi chiều tà hay hừng đông trời sáng, những chiếc xuồng neo trên bến sông bán hàng bông rau cải, bán rau, bán cá, tôm do chính những người nông dân ra đồng bắt được từ tối qua hay những chiếc xuồng bán bánh cam, bánh còng cho trẻ con cứ bập bềnh trên mặt nước. Tất cả như còn in đậm trong tôi đã từng sống và lớn lên nơi miền sông nước.
Dòng sông đi qua tháng ngày, bến sông còn mãi với thời gian nhưng đã thưa dần bóng những đứa trẻ, dần không còn ai ra tắm giặt hay gánh nước. Trên lối đi cỏ dại phủ đầy. Một chiếc cầu sắt hiện đại bắc qua sông, vĩnh viễn không còn thấy bóng con đò chở khách năm xưa. Bến sông nhộn nhịp thủa nào giờ quạnh vắng đìu hiu. Nhưng không phải vì thế mà ân tình với sông quê nhạt phai trong tâm trí.
Tôi và lũ bạn ngày xưa, tất cả đều được sông quê nâng đỡ chở che, lớn lên mỗi người một nẻo đường. Cuộc sống dù đủ đầy xa hoa hay còn lận đận truân chuyên nơi xứ người nhưng tất cả vẫn một lòng đau đáu với sông quê, với những điều bình dị và thiêng liêng nhất.
“Sông vẫn chảy như nỗi niềm da diết
Ai tha hương mới hiểu hết nỗi lòng...”.
Sống giữa thành phố công nghiệp ồn ào náo nhiệt, thật khó tìm cho mình một khoảng lặng để tâm hồn thư thái, chỉ có thể về với dòng sông yên bình thủa xưa. Và may mắn thay dòng sông quê tôi chưa bị ô nhiễm, dù con người không còn sử dụng nước sông để sinh hoạt nhưng nó vẫn âm thầm chở nặng phù sa bồi đắp cho cánh đồng làng quê thêm trù phú. Mái tóc tôi không còn xanh nhưng dòng sông thì vẫn trẻ, con nước hiền hòa biếc trong, đôi bờ ngô mía tốt tươi. Tiếng hát của ca sĩ Anh Thơ chợt vang lên đâu đó như nói hộ lòng tôi “Quá nửa đời phiêu dạt, con lại về úp mặt vào sông quê. Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ, chở che con đi qua chớp bể mưa nguồn”.
Bây giờ không còn con sông để tắm mát những trưa hè biết tìm ở đâu những ngày thơ ấu? Để rồi mai đây trên đường đời tấp nập chợt vô tình ngoảnh lại - dòng sông quê sao mà thân thương quá đỗi, để thấy trong sự lớn lên của mình có vị ngọt phù sa hòa lẫn trong dòng nước mát lành…
D.L
Nhà thơ Như Hoài (Khánh Hòa)
NGƯỜI ĐÀN BÀ HÁT NGHÊU NGAO
Người đàn bà một mình hát nghêu ngao
phía ngoài kia dòng sông đời lặng lẽ
dòng xuôi chảy không phân trần ngấn lệ
bộn bề nỗi nhập nhằng không đâu
người đàn bà tuyệt nhiên rất khẽ
bằng ngôn ngữ thơ khỏa lấp niềm đau
bằng thôi thúc kiếm tìm ngàn lẽ một lý do chống chế
dòng suy tưởng chấp chới muôn màu
người đàn bà mặc nhiên đón nhận
sóng gió qua cuộc bể dâu năm tháng
theo xuyên suốt chuỗi nhọc nhằn
chỉ đổi lấy cơ hồ đa mang.
SÓNG
Đừng hỏi tại vì đâu
Con sóng lòng lao xao
Đừng hỏi xin đừng hỏi
Cớ gì ta yêu nhau
Sóng cũng hằng khát khao
Vỗ về con nước lỡ
Bến bờ yêu rộng mở
Thuyền tình thì mênh mông
…
Muốn ôm con sóng trắng
Vào lòng đêm mê say
Sóng tan tác rơi đầy
Muôn màu pha lê vỡ
Tình yêu cũng thế đó
Như con sóng đầy vơi
Vỗ về rồi buông lơi
Sóng theo cùng biển cả
Khát bờ xa nước lạ
Sóng cuốn cuộn dạt dào
Cứ thế vỗ bờ đau
Trong biển tình muôn thuở
Ôi! Biển tình muôn thuở
Có bao giờ anh ơi!
Sóng bạc nỗi ru hời
Cho xanh lòng biển thắm
Mang tình em xa vắng
Dạt dào cả trùng khơi
Để tình yêu lứa đôi
Đừng bao giờ cách trở
Đừng khát khao niềm nhớ
Ru lời tình sóng xa…
MÀU THU
Ai không yêu màu thu
Nồng nàn trong mắt biếc
Mang mang lời thao thiết
Nẻo hồn như cơn say
Lướt thướt mộng chiều nay
Lối xưa còn bỏ ngỏ
Dáng em tà áo gió
Mây khoác bờ mây bay
Nghe thu níu chân ngày
Chảy tràn miền xao xuyến
Hỏi rằng thu có hẹn
Cuộc trần gian đôi mình
Tình em và tình anh
Qua bao mùa lá thắm
Có nhòa theo năm tháng
Bước mùa vàng thu đi…
Có những ngày biệt ly
Mới đắm lòng da diết
Qua nhau mùa chia biệt
Mới dài nỗi chờ mong
Thu vàng trong mắt trong
Hút heo mùa thương nhớ
Thu ngàn thu lá đổ
Tình hỡi tình còn xanh?
CÒN NHAU BÊN ĐỜI
Có lần ta hỏi
Con gió đìu hiu
Gió buồn không nói
Nương mây gót chiều
Có lần ta thức
Không màng giấc khuya
Chẳng hay bừng sáng
Tận soi nẻo về
Rồi lần ta khát
Giữa miền thực hư
Cơn mơ nửa giấc
Mộng về suy tư
Phút ấy như ru
Sóng lòng rạo rực
Nồng nàn ao ước
Không là mơ bay
Rồi lần trực giấc
Mộng tàn ai hay
Ừ! Đàn bà say
Có cùng một kiếp
Ừ! Đàn ông khóc
Có gì lạ sao
Kẻ không nước mắt
Có còn thương đau?
Còn say nước mắt
Còn khát bờ môi
Còn nghe chua chát
Còn nhau bên đời
Còn nhận còn biết
Còn ta đấy thôi !
ĐOẢN KHÚC
tư duy rỗng tuếch
bất lực ngôn từ
nghe khát thèm con chữ
như chưa lúc nào ta thèm hơn nỗi cô đơn tột cùng như lúc này
nỗi cô đơn chưa thể lấp đầy
niềm trăn trở ưu tư giọt đắng ngọt trong cơn ngụp lặn men đời ta
chưa đủ mạnh chưa đủ lớn để làm nên
cơn cuồng vọng bão xô
chưa san lấp chưa dời non
chưa bồi lỡ thác ghềnh
và như thể ta mong gì vực dậy ở chính ta...
N.H
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)