Ngô Thị Ngọc Diệp (Bình Phước)
Thông thường nghe gà gáy dồn, nhìn qua khung cửa sổ thấy ngôi sao mai lấp lánh thì Thị Leng thức dậy. Sương mù dày đặc, sau khung cửa là một mảng mờ mờ, hình ảnh những anh bộ đội Biên phòng đi tuần ngang qua thấp thoáng lúc ẩn lúc hiện không chỉ Leng mà nhiều, rất nhiều người ở sóc Bù Tá này thấy yên bình đầm ấm lạ thường. Tuy không nhìn rõ mặt người nhưng Leng đoán Dử của cô cũng có mặt trong đội hình ấy. Nghĩ đến đó thôi, Leng lại mỉm cười.
Hôm nay có vẻ đặc biệt hơn những buổi sớm mai khác không phải do sương mà là do cái rét đột ngột ùa về đêm qua. Ngồi bên bếp lửa ấm nồng, cô lại nghĩ về Dử và các đồng đội của anh đang đêm ngày trên đường đi tuần tra, bảo vệ cột mốc. Giờ này Dử đi đến đoạn đường nào, đang làm gì, có gặp phải bọn xấu không, hay anh đang dừng chân hái cho cô chùm gùi. Mùa này gùi chín nhiều lắm, mùi thơm đến mê người. Ăn một trái thích ăn thêm trái nữa, vị ngọt thanh thanh không lẫn vào đâu được. Giở rương quần áo ra, lấy chiếc áo ấm, mùi hoa rừng thoang thoảng lan lan, chùm hoa đã héo quắt queo nhưng hương thơm còn phảng phất. Thị Leng không đành vứt đi, chờ khi Dử hái cho chùm khác Leng mới thay. Ấp chiếc áo lên ngực, hít một hơi thật dài, hình ảnh Dử lại hiện ra, trong trẻo, khỏe khoắn và giản dị vô cùng.
***
Chui ra khỏi chăn, Dử chợt rùng mình. “Ái chà, sao mà lạnh thế”. Mở ba lô lôi cái áo ấm tận dưới đáy, mùi âm ẩm ngai ngái do mấy tháng nắng nóng không đụng đến làm Dử nhớ đám quần áo của bố mẹ và anh em Dử ngày còn ở Cao Bằng. Mưa phùn gió bấc quần áo giặt phơi mãi không khô, mẹ phải đem vào treo bên bếp lửa. Mùi khói, mùi cay cay nồng nồng của rau cải hong khô quấn quyện làm mớ áo quần có vị đặc trưng mà bao lâu Dử cũng không quên được. Dử tự nhủ hôm nay về phải giặt ngay, cái nắng mùa này ở Bình Phước thì áo ấm khô ngay ấy mà… Mùi nắng còn lưu lại trên quần áo là mùi hương Dử thích nhất.
Hơi lạnh đến lúc sáng sớm báo hiệu mùa mưa đã hết, mùa khô bắt đầu. Và khi nào lạnh nhiều ơi là nhiều thì Tết đến. Mùa khô đồng nghĩa với những buổi tuần tra thuận tiện hơn. Không lo mưa ướt, không sợ lũ ống lũ quét, không sợ đường sá bị ngập, không sợ lũ vắt đeo bám. Những hôm mưa dầm, dù có áo mưa đầy đủ nhưng da tay vẫn nhăn nheo, mặt lạnh buốt, quần áo ướt át làm Dử thấy khó chịu. Và những hôm ấy, Dử càng phải đề cao cảnh giác với bọn xấu, bọn buôn lậu. Thủ trưởng Tài thường nhắc nhở Dử thế mà. Và thế là dù nắng hay mưa, dù thời tiết đẹp hay xấu Dử và các đồng đội vẫn đều đặn tuần tra trên cung đường quen thuộc, quen thuộc đến độ Dử có thể nhắm mắt vẫn có có thể cảm nhận được mình đang ở khu nào, lô nào.
Cao su bạt ngàn, lô tiếp nối lô nhưng Dử và đồng đội đã quen thuộc địa hình nên dễ dàng định vị. Mùi cao su vừa mới cạo lan lan. Ôi dòng sữa trắng thơm thơm trong làn gió sớm. Bất giác Dử lại thấy nhớ nhà, ở nhà có 2 ha cao su đang mùa khai thác, bố Dử đảm trách tất, ông dậy sớm đi cạo, giờ này chắc cũng đang ở ngoài lô, tiếng bước chân công nhân lào xào trong lô cũng làm Dử thấy vui, nhớ trò chơi trốn tìm ngày trước, Dử nằm im phủ lá khô che kín cả người để bạn không tài nào tìm được...
Sắp đến con sông Măng, con sông phân chia địa giới nước ta với nước bạn Campuchia, Dử nhận ra mùi hương của loại cây rừng gì ấy ngào ngạt, quyến rũ. Dử tự trách mình đãng trí, anh Điểu Hưng đã nói tên loài hoa này rồi mà lại quên mất. Cánh hoa màu nâu nhạt, sờ mịn như nhung, hương thơm nồng nàn… Gặp mùi hương này là Dử biết mình đã đi được một phần tư quãng đường tuần tra. Sắp đến cột mốc đôi… Dử lại háo hức, lần nào đến chào cột mốc Dử cũng thấy háo hức, thấy thiêng liêng và hồi hộp. Dử thấy việc làm của mình có ý nghĩa và đáng tự hào. Đi thêm một đoạn nữa là đến sóc Bù Tá. Dọc bờ sông này, mọc rất nhiều cây rừng, cây này có nhiệm vụ chắn gió cho cao su vào mùa mưa. Hương hoa thơm lãng đãng, đâu đâu cũng sực nức mùi thơm nồng nàn, quyến rũ của thiên nhiên trong lành. Sóc Bù Tá chỉ mấy mươi nóc nhà sàn họp lại dưới chân đồi, cạnh dòng Sông Măng thơ mộng. Mùa khô nước trong veo mát lành, mùa mưa nước đổ ầm ầm đục ngầu hung tợn. Nghe mùi hương quen thuộc này Dử lại nhớ đến Leng. Tóc Leng gội dòng Sông Măng thơ mộng ngọt mát cũng có mùi hương này. Da Leng ngấm nước trong lành cũng mịn màng như cánh hoa này. Và Dử tự đặt cho riêng mình hoa này là hoa Thị Leng. Vừa ngẫm nghĩ vừa cười thầm, vừa nhớ tới người con gái vùng sơn cước, người mà càng ngày Dử càng thấy quý mến, gắn bó và luôn hiện diện trong tâm trong trí.
Năm ngoái, mới đầu mùa mưa mà đã có lũ lớn, đường đi lại đến mấy sóc Bù Tá, Bù Nóc bị chia cắt. Lương thực trong đồn chia sẻ cho đồng bào còn rất ít, khẩu phần bộ đội giảm còn phân nửa. Đơn vị của Dử được lệnh xuống ngã ba Sóc Lớn nhận lương thực. Tuyến giao thông huyết mạch đến trung tâm hành chính xã mà gặp sự cố thế này là cả một vấn đề. Gùi bì gạo nặng chình chịch trên lưng nhưng ai nấy đều vui vì có bà con và các đoàn viên ở Sóc Bù Tá đến giúp sức. Dử đặc biệt chú ý đến Thị Leng không chỉ vì cô nói tiếng phổ thông hay như thủ trưởng Tài mà còn vì vẻ hiểu biết, dễ hòa đồng, nhanh nhạy trong mọi việc. Xem Leng phân công đốc thúc bà con cùng các bạn đoàn viên đâu vào đấy cứ như một chỉ huy thực thụ. Đặc biệt cô có nụ cười mê hoặc. Ai trêu gì Leng cũng chỉ cười cười: “Ơ… Leng không biết gì đâu”. Tính nhút nhát nên Dử chỉ quan sát không dám trò chuyện gì với Leng nhưng hình ảnh cô đoàn viên trong trang phục áo xanh tình nguyện,vóc dáng khỏe khoắn lanh lợi in đậm trong tâm trí Dử.
Dử nhớ như in ngày cùng thủ trưởng Tài đến gặp già làng sóc Bù Tá đặt vấn đề mở lớp dạy chữ cho đồng bào. Dử dân tộc Tày quê ở Cao Bằng, sóc của Leng tất cả là người Stiêng. Ở Bù Tá, có người không biết tiếng phổ thông nói gì đến biết chữ. Đi khảo sát, nhận thấy số người biết tiếng phổ thông khá nhiều nhưng biết đọc và biết viết thì lại rất ít. Trẻ em đến độ tuổi đi học được bộ đội Biên phòng cùng chính quyền địa phương vận động gia đình đưa về trường Dân tộc Nội trú học. Nhưng số này không nhiều và cũng học không đến nơi đến chốn. Leng là một trường hợp như thế. Đang học dở lớp 10 thì mẹ mất, về lo ma chay xong thì ở nhà hẳn luôn. Leng nói với các thầy cô trên trường Nội trú cô không thể bỏ ông bố thường xuyên đau ốm với thằng em mới mười hai tuổi để đi học tiếp được. Vốn nhanh nhẹn nên Leng được già làng cử giúp Dử đến từng nhà vận động bà con đi học. Đồn Biên phòng mở hai lớp, lớp ban ngày cho trẻ em và lớp ban đêm cho người lớn. “Đồng chí Dử phụ trách lớp ban đêm, tan học về đồn đi tuần”. Thủ trưởng Tài và Dử là người kiệm lời, giao, nhận nhiệm vụ có bấy nhiêu đó. Dử biết nhận dạy lớp ban đêm, người học toàn là người lớn, khó khăn không ít, anh không dám mở lời nhờ Leng nhưng cô tự nguyện đến giúp trợ giảng. Leng bảo: “Leng chỉ có thể giúp thầy giáo Dử cho lớp ban đêm còn ban ngày phải đi rẫy phụ cha”.
Lớp học đêm của Dử ban đầu vận động được mười người đến lớp. Học được một tuần chỉ còn sáu, bốn người “vắng mặt không lý do”. Dử nản quá, báo cáo thủ trưởng Tài. “Đồng chí phải đến tận nhà tìm hiểu lý do đồng bào bỏ học chứ. Mắc cỡ à, để tôi nói già làng giúp”. “Báo cáo, để em nhờ Thị Leng…”. Thấy Dử bỏ lửng câu nói, thủ trưởng Tài véo tai cậu em út trong đơn vị, cười cười: “Người Tày các cậu có tục bắt vợ, dân tộc S’tieng lại có lệ cưới chồng… Ờ ờ. Để mình nói với già làng Điểu Xu, Dử với Thị Leng đẹp đôi đấy”. Chẳng biết có phải được mấy lời của thủ trưởng Tài mà hôm sau, Dử cùng Leng đến từng nhà vận động tiếp. Một người bị ốm, đang chờ khỏe lại thì đi học tiếp. Một người đi lấy củi bị dao phát vào bắp chân sưng tấy, đang rên hừ hừ. Oái oăm ở chỗ người này bị thương nặng thế mà chỉ ở nhà bó thuốc lá, Dử và Leng phải nói mãi thì ông ấy mới chịu theo anh lên trạm xá. Bà Thị Chanh thì bảo: “Tao không đi học nữa đâu, đi học buồn ngủ quá mai không đi rẫy được”. “Vậy ưu tiên cho Thị Chanh đọc trước viết trước rồi về trước, được không…”. Thị Leng nháy mắt Dử, Dử gật gật đầu. Nhà Thị Lình ở cuối sóc, vườn trồng giàn bầu nậm sai trĩu trịt. Thấy Dử và Thị Leng đến, Thị Lình có vẻ không vui, nói bâng quơ: “Bộ đội ơi, tao nghỉ lo cho cháu ngoại đã, khi nào cháu tao lớn tao sẽ đi học tiếp nghe”. Thị Lình mới 37 tuổi, chồng chết, đã có ba đứa cháu ngoại. Con gái Thị Lình chưa tròn hai mươi tuổi mà đã có hai con lớn lại vừa sinh em bé. Dử nhìn Thị Lình ái ngại rồi nắm tay Thị Leng đứng dậy về. Thị Lình bậm bịch đi theo ra tận ngoài cổng. Buổi học hôm sau vẫn có sáu người… Đang nản vì nghĩ mình thất bại thì hôm sau nữa bà Thị Chanh và Thị Lình đến. Cứ học một lúc Thị Lình lại quay lên quay xuống muốn về, bà Thị Chanh thì ngáp ngắn ngáp dài vò đầu bứt tóc, Dử phải kể chuyện vui, phải nịnh mãi để lớp duy trì sĩ số.
Nhìn những bàn tay thô ráp, nhăn nheo với những đường gân nổi rõ đang cố gò từng con chữ, Dử và Thị Leng càng quyết tâm truyền dạy. Mỗi tối đọc một bài, viết vài ba chữ là nghỉ rồi sau đó Dử nói về cách trồng lúa, trỉa đậu, trỉa bắp, trồng điều thế nào cho có năng suất cao. Rồi cách phòng chống sốt rét, phòng bệnh tiêu chảy, về tình hình tội phạm, rồi cách bà con nói với nhau để không ai bị kẻ xấu lợi dụng, để không ai trở thành kẻ xấu. Ông Điểu Lư, em út của già làng Điểu Xu thì bảo: “Học cái chữ khó quá nhưng tao khoái nghe bộ đội kể chuyện lắm rồi nên phải siêng đi học thôi, học để biết Đảng và Nhà nước nói gì, làm gì, nghỉ học nhiều thầy giáo bộ đội hắn buồn tội nghiệp”.
Thị Leng cũng có vẻ quý mến Dử hơn hẳn những chàng trai khác trong sóc vì anh hiền lành, không biết hút thuốc, uống rượu, không biết cả chửi thề. Dử dạy học, Leng ngồi bàn cuối nhìn ngắm anh. Thỉnh thoảng bốn mắt giao nhau, Dử bối rối quay sang hướng khác còn Leng cứ tủm tỉm cười một mình. Leng còn quý Dử bởi những món quà dễ thương mà rất đỗi gần gũi đời thường. Anh đến lớp khi thì cho cô chùm gùi ngọt thanh, khi thì mấy trái xoài mút, khi thì chùm hoa phong lan, khi thì chùm hoa dại… Cô vui sướng khi đặt những cánh hoa nâu nhạt thơm lừng vào rương quần áo. Cái rương mấy năm theo Leng về trường nội trú, nay cất giữ quần áo và cuốn sổ tay bé xíu ghi nhật ký riêng tư như một kỷ vật. Khi mở rương ra lấy áo quần, mùi hương như quyện chặt vào từng sớ vải, mặc vào người rồi vẫn nghe phảng phất thơm thơm là.
Thị Lình học chữ này thì quên chữ kia, Dử phải kèm thường xuyên. Một lần Dử cầm tay Thị Lình viết chữ, thấy ánh mắt khó chịu của Leng, anh ngượng nghịu mãi. Thị Lình biết thế càng xán đến nhờ Dử dạy viết những chữ khó. Leng cũng giúp đỡ hết các ông các bà, các cô các chú trong lớp vậy mà Thị Lình không thích cô kèm cặp. Thị Lình quên chữ gì thì chỉ gọi thầy giáo Dử thôi, Leng chạy đến nhắc còn bị mắng: “Ơ, con này, ai biểu mày hả?”
Lớp học đã đi vào nề nếp. Thầy giáo Dử và học viên đã có thể hiểu nhau mà không cần Leng trợ giúp nhưng cô vẫn thích đến. Leng đến để nhìn thấy Dử, để nghe Dử giảng bài, nghe Dử kể chuyện… Dử kể chuyện duyên duyên là, Leng ngồi nghe mà như uống từng câu từng chữ. Leng thấy ưng cái bụng lắm rồi. Leng sẽ nói với cha về Dử, sẽ dẫn Dử về nhà. Dịp may đến, Điểu Xiên bỏ học ba hôm không rõ lý do, Dử nhờ Leng dẫn mình đi hỏi sự tình. Ở nhà Điểu Xiên về, Leng đưa Dử về thẳng nhà mình. Cha Thị Leng đã nghe con gái, nghe dân làng nói nhiều về Dử giờ “mắt thấy tai nghe” thì ưng cái bụng ngay. Thấy Dử là ông muốn bắt chồng cho con. Ông vui lắm, uống rượu hết cả chai mà vẫn chưa say. Ông mừng vì con gái biết chọn người. Từ ngày má con Leng mất, đây là lần đầu tiên ông uống rượu, uống vì vui, uống vì gia đình sắp có thằng rể quý…
Hôm sau đến lớp thì không thấy Dử đâu, Leng đành dạy thay. Ai cũng thắc mắc không biết thầy giáo đâu, sao không đến. Vừa dạy học vừa nghĩ mãi về Dử, ruột gan Leng như có lửa đốt. Đang bối rối, chưa biết tính sao thì Thị Lình lên tiếng: “Nghỉ học đi, con Leng dẫn mọi người lên Đồn thăm thầy giáo Dử coi, tao chắc thầy giáo ốm rồi. Không ốm sao không đi dạy chứ”. Mọi người nhao nhao: “Đi tìm thầy giáo Dử thôi, nhớ thầy giáo rồi”. Leng nhẩm tính, từ đây lên đồn mất gần một tiếng đồng hồ…. Tối thế này đồn có cho mình gặp Dử không… Rồi còn đường về, lấy sức đâu mai đi rẫy. Leng nói nỗi băn khoăn của mình, mọi người nghe ưng cái bụng. “Đúng đó. Sáng mai Thị Leng thay mặt bà con lên đồn xem thầy giáo Dử sao không đến lớp nha”.
Anh bộ đội trẻ măng ngoài trạm gác mời cha con ông Điểu Thên vào phòng trực ban. Thủ trưởng Tài đã pha nước ngồi đợi sẵn. Bắt tay ông Điểu Thên, thủ trưởng Tài gật đầu chào Thị Leng, hạ giọng: “Đồng chí trực ban đã nói cho tôi biết, cảm ơn bác và Leng. Xin lỗi đã để bà con lo lắng vì không kịp cử người đến dạy thay đồng chí Dử. Sáng qua đi tuần, đơn vị đã bắt được nhóm buôn pháo lậu. Trong lúc dằng co đuổi bắt, đồng chí Dử bị thương, đang điều trị… Bác và cô Leng cứ yên tâm… Đồn sẽ cử đồng chí khác đến dạy thay…”
Như bị ông Giàng quất roi lửa vào đầu, tai Leng ù đi. Dử bị thương thế nào, nặng hay nhẹ, chảy máu nhiều không, có tỉnh táo không, có ăn uống được gì không, anh điều trị ở đâu, ở dưới huyện hay trên tỉnh… Nước mắt lưng tròng, Leng muốn hỏi, muốn hỏi nữa nhưng cha cô đã đứng dậy bắt tay thủ trưởng Tài: “Hôm nay tôi lên đây báo cáo đồng chí chỉ huy Bộ đội Cụ Hồ việc lo cưới chồng cho Thị Leng, con gái tôi. Bộ đội Dử bị thương quá bất ngờ với cha con chúng tôi và bà con trong sóc. Nhưng rất mừng vì bộ đội Dử chỉ bị thương nhẹ, chắc vài ngày điều trị là khỏi. Tôi biết Thị Leng và Dử thương nhau, ưng cái bụng làm vợ làm chồng. Đồng bào đề nghị để Thị Leng ở đây chăm sóc cho bộ đội Dử. Khi nào Dử lành vết thương, gia đình và bà con trong sóc sẽ làm đám cưới…”. “Dạ thưa, bác nói chúng tôi đã hiểu và nhất trí. Việc chăm sóc đồng chí Dử, bộ đội đã lo chu đáo. Cô Leng tạm thời về duy trì lớp học giúp. Mọi việc tiếp theo, khi nào đồng chí Dử khỏe rồi chúng ta bàn thêm. Bác và cô Leng về nói chuyện với đồng bào giúp đơn vị nha…”
N.T.N.D