Home » Archives for tháng 3 2024
Nhà thơ Lê Thị Ngọc Nữ
KHUNG TRỜI THÁNG TƯ
VỚI TẤM HÌNH
(Tặng KT)
Bên ngọn đèn khuya với tấm hình
Nhìn anh, em chỉ biết làm thinh
Ước ngày hội ngộ vui đôi bóng
Quên lúc cô đơn khóc một mình
Xao xuyến duyên hờ mơ giấc đẹp
Xót xa tình lỡ tiếc ngày xanh
Ấp buồng tim héo trong chăn lạnh
Thầm gọi tên anh dệt mộng lành.
MÃI TUYỆT VỜI
Kỷ niệm tình thơ một quãng đời
Khó mà quên được bạn lòng ơi
Bóng kề bên bóng hồn nhiên bước
Tay nắm bàn tay bỡ ngỡ mời
Với biển hòa lòng buông tiếng thở
Cùng thu gửi ý để buồn vơi
Đêm dài thức trắng lòng trăn trở
Tình đượm hương thơ vẫn tuyệt vời!
HẠ CUỐI THU CHIỀU
(Tặng LN)
Chắc vì đồng cảm cảnh cô liêu
Ta gặp nhau nghe luyến mến nhiều
Hình bóng thân thương da diết nhớ
Tâm hồn trong sáng thiết tha yêu
Mắt nhìn tận mắt - tình thanh thoát
Tay nắm liền tay - ý mỹ miều
Một góc trời buồn nhưng ấm áp
Dẫu em hạ cuối, chị thu chiều!
T.N
1. “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh”/ “Phía Tây không có gì lạ”
Tôi đọc tiểu thuyết “All Quiet on the Western Front” của Erich Maria Remarque lâu lắm rồi, bản tiếng Việt của dịch giả Tâm Nguyên, bản dịch trước 1975. Sau này tôi có đọc lại, đọc một bản dịch khác của Vũ Hương Giang lấy tựa đề là “Phía Tây không có gì lạ”.
Tôi có nghe mấy ý kiến cho rằng “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” nghe có vẻ văn chương hơn. Mới đây tôi đọc lại tác phẩm và xem phim cùng tên, theo cái nhìn của tôi “Phía Tây không có gì lạ” không biết có kém bay bướm hay không, nhưng đúng với nội dung câu chuyện được nhà văn miêu tả.
Đó là mặt trận phía Tây trong suốt hai năm, hai phe, phe nào cũng có lúc chiếm được rồi lại để mất, giằng co từng tấc đất ở miền Tây mà chẳng có gì lạ.
Kết thúc tác phẩm là cái chết của Paul Bäumer vào một ngày tháng 10 năm 1918, một ngày mà tình hình tĩnh lặng trên suốt mặt trận, tới mức các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu "Ở phía Tây, không có gì lạ".
Cho nên tôi nghĩ lấy đó làm tựa đề cho cuốn tiểu thuyết thì hợp lý hơn.
*
2. Thân phận người lính bên nào, thời nào cũng khổ
Mười năm sau khi cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” của Remarque được xuất bản, Thế chiến II bắt đầu, thậm chí còn điên rồ và tàn khốc hơn Thế chiến thứ I. Và những ngày này, gần 100 năm sau, có vẻ như một lần nữa nhân loại vẫn chưa học được bài học của mình.
Mặt trận Ucraina không yên tĩnh, ta lại vẫn thấy, cũng những người trẻ hôm nay, không khác là mấy với những người trẻ mà Erich Maria Remarque miêu tả vẫn đang bị đẩy ra mặt trận.
Dĩ nhiên ngoài mặt trận luôn luôn gặp các nguy hiểm, đời sống trong các hầm hố trong dơ bẩn, thiếu nước sạch, chất đầy các xác chết, chuột bọ. Người lính thường xuyên thiếu thức ăn, thiếu giấc ngủ, thiếu quần áo và sự chăm sóc y tế.
Đói ăn là điều không tránh khỏi trong các mặt trận, và điều đầu tiên mà các chiến binh làm khi xông vào chiến hào của địch là chạy vào kho và nhét mọi thứ ăn được vào miệng, đôi khi phải trả giá bằng mạng sống của mình. Sau đó, họ lê bước khắp cánh đồng để thu thập thẻ bài những đồng đội đã bỏ mình.
Chiến tranh, nói cho cùng bao giờ cũng nghiệt ngã. Trong đó những đứa trẻ tuổi mười bảy bị ném thẳng vào họng pháo, dưới gầm tăng.
Ở đó bùn đất khắp nơi: trong túi, trong mũ cối, trên mặt, trong miệng, những vụ nổ làm cho bùn trộn lẫn máu, và không có gì để rửa sạch bụi bẩn này. Dù là lính chính quy, lính đánh thuê hay lính đứng ở phía chính nghĩa đều phải tham gia tàn sát lẫn nhau, phá hủy lòng nhân đạo. Họ đều bị đau khổ bởi vì các chiến hữu đã ngã gục ngoài chiến địa và các chiến binh đang còn sống phải tiếp tục hành xác.
*
3. Nhân danh chủ nghĩa
Người ta đã nhân danh chủ nghĩa quốc gia để phát động Thế Chiến Thứ Nhất, chủ trương đòi hỏi mọi người dân phải trung thành với đất nước. Viết tác phẩm này tác giả Erich Maria Remarque đã chỉ trích, coi đây là sự đạo đức giả, một công cụ được dùng để kiểm soát dân chúng.
Trong truyện, chủ nghĩa quốc gia đã thuyết phục Paul và các bạn bè của anh ta tham gia quân đội, nhưng các kinh nghiệm ngoài mặt trận đã dạy cho họ rằng chủ nghĩa quốc gia là một quan niệm ảo tưởng, là giấc mơ dùng để lừa dối giới trẻ.
Những người ái quốc như Kantorek, như Himmelstoss thì vô dụng ngoài mặt trận. Và các binh lính thiện chiến không phải là chiến đấu cho sự vinh quang của quốc gia mà vì sự sống còn của chính họ. Paul và các bạn bè của anh ta đã cay đắng nhận ra sự thực rằng kẻ thù chính là những người đã đem quân đội ra để làm đà thăng tiến quyền lực và vinh quang cho chính họ.
*
4. Người lính tự vấn
Paul đâm chết được một lính Pháp và đã chứng kiến cảnh hấp hối thật đau đớn của anh lính này. Đây là kẻ địch đầu tiên bị chính tay Paul tiêu diệt. Song, anh cảm thấy đau xót và xin cái xác người ấy tha lỗi cho anh:
"Này anh bạn, mình có muốn giết cậu đâu. Tại sao người ta không nói cho bọn mình biết rằng chính các cậu, các cậu cũng chỉ là những con chó khốn khổ như bọn mình.
Rằng các bà mẹ của các cậu cũng đau khổ như mẹ chúng mình, rằng chúng ta đều sợ chết như nhau, đều chết một cách giống nhau, chịu những nỗi đau đớn như nhau?
Bạn ơi, hãy tha thứ cho mình; tại sao cậu lại có thể là kẻ thù của mình? Nếu chúng ta bỏ những vũ khí và bộ quân phục này đi, thì cậu rất có thể là người anh em của mình."
Cho là mình sắp được trở về quê nhà, Paul có cảm nghĩ: "Nếu bây giờ, chúng tôi trở lại gia đình, chúng tôi mệt mỏi, rã rời, trống rỗng, không còn gốc rễ và không còn hy vọng."
Trong phần cuối của tác phẩm, Paul có lời tự sự: "Cuộc sống đã bắt tôi phải qua những năm tháng ấy, vẫn đang còn tồn tại trong hai bàn tay và cặp mắt của tôi có làm chủ được cuộc sống ấy không... Tôi không biết..."
*
5. Vài biểu tượng đáng nhớ
Cuốn tiểu thuyết “Mặt trận miền Tây vẫn yên tĩnh” còn dùng các biểu tượng, đó là đôi giày lính của Kemmerich. Đây là vật tượng trưng cho một thứ rẻ tiền của đời sống con người trong chiến tranh.
Đôi giày lính được chuyền từ người này qua người khác mỗi khi có một người lính bị chết trận và đôi giầy này đã được coi là có giá trị cao hơn mạng sống của con người. Hoặc hình ảnh khác, sự nên thơ đến từ cách mà những người lính chuyền tay nhau hít hà chiếc khăn tay thêu hoa của một thiếu nữ, và ngôn từ thô ráp của người vợ hiền gửi thư tay ra chiến trận cho chồng. Hoặc một nụ hôn của chàng lính trẻ lên tấm áp phích có ảnh vẽ một cô đào hát nóng bỏng giữa chiến hào pháo địch đang uy hiếp.
Có thể nói, từ những vật tầm thường, chúng như trở thành một thứ tín ngưỡng, một vị thánh cứu chuộc lấy sự lầm than và hoen gỉ, chết mòn nơi những con người bất lực bị đem ra làm tốt thí, bị đặt vào cơn bĩ cực nhân danh đại cuộc.
N.P
*
Tóm tắt cốt truyện
Nhân vật chính và cũng là người tường thuật câu chuyện theo ngôi thứ nhất là Paul Bäumer, một người lính Đức mới 19 tuổi. Anh và những người bạn học cùng lớp của mình đã bị thuyết phục bởi vị giáo sư của họ là Kantorek, nên gia nhập quân đội Đức để ra mặt trận. Họ được đưa ra mặt trận phía Tây, nơi đang diễn ra những trận đánh ác liệt giữa Đức với liên quân Anh-Pháp.
Tác phẩm đã miêu tả một cách chân thật cuộc sống chiến đấu gian khổ và tàn khốc của những người lính này trong những chiến hào đẫm máu. Người lính thường xuyên đối mặt với những trận pháo kích cường độ cao, hơi độc và cả xe tăng của đối phương.
Có một lần khi được giao canh gác tù binh Nga, Paul đã nhận ra rằng những người lính Nga này cũng là con người như mình mà thôi, và anh cảm thấy không thể nào coi họ như kẻ thù được. Có một lần khác, Paul cùng với các đồng đội xung phong đi trinh sát trong lúc nhà vua Đức sắp đến thị sát mặt trận, và anh đã bị lạc trong đêm trường hỗn loạn, mãi mới tập hợp lại được. Quân Đức đã đánh tan một cuộc tấn công của đối phương. Paul cảm thấy mình đáng lên án vì đã giết chết một người lính cũng chỉ giống như mình mà thôi.
Nhiều người bạn của Paul lần lượt ngã xuống còn bản thân anh thì ngày càng tỏ ra chán ghét chiến tranh, vì những nỗi kinh hoàng mà nó mang lại, cướp đi tuổi trẻ và những người đồng đội của anh. Rốt cuộc, cuộc chiến tranh mà giáo sư Kantoreck đã nồng nhiệt kêu gọi nhóm bạn của Paul tham gia chiến đấu, không mang lại cho họ một niềm vinh quang nào. Tàn cuộc, anh trở thành người duy nhất còn sống sót trong bảy người học sinh đã lên đường chiến đấu của Giáo sư Kantorek. Khi ấy, người ta chỉ còn nghĩ đến ngưng chiến và hòa bình mà thôi, và bản thân Paul cũng tin là hai bên sẽ sắp đình chiến.
Kết thúc tác phẩm là cái chết của Paul Bäumer vào một ngày tháng 10 năm 1918, một ngày mà tình hình trên suốt Mặt trận yên ả đến lạ kỳ, tới mức các báo cáo quân sự từ mặt trận phía Tây chỉ chứa gọn một câu "Ở phía Tây, không có gì lạ".
Tác phẩm kết thúc bằng gương mặt yên bình của Bäumer khi chết và lúc người ta lật người anh lên, anh vẫn toát ra vẻ bình thản chứ không hề có một biểu hiện đau đớn gì cả. Có vẻ như anh hài lòng vì sự kết thúc đã đến.
“Viết theo cảm xúc và viết vì đam mê. Thơ viết theo cảm xúc, đặc biệt nơi nào từng sống gắn bó, sâu sắc thì cảm xúc dành cho nơi đó nhiều hơn!” – Hoàng Thị Bích Hà
CHÚT HƯƠNG XƯA
Anh nhớ về thăm Huế mình một bữa
Mạ Huế vẫn chờ những đứa con xa
Chút hương xưa chắc vẫn còn lưu dấu
Những ngọt ngào nhè nhẹ ở trong tim
Tháng Ba về dịu dàng hoa xoan tím
Trên ngõ nhà em... còn nhớ không anh?
Dòng đời trôi và biến thiên dâu bể
Lạc nhau rồi, em lặng lẽ sang sông
Em biết anh còn nặng gánh phong trần
Gót lữ thứ phiêu bồng đời mưa gió
Một chút tình đầu đời chưa kịp ngỏ
Thì trách chi năm tháng ấy dại khờ
Mấy mươi năm đã xa rồi anh hỉ
Mối duyên đầu thành kỷ niệm khó quên
Trăm năm sau gửi trọn miền ký ức
Xin nhớ về câu chuyện của ngày xưa!
ANH CÒN NHỚ?
Anh còn nhớ một chiều rời xa Huế
Sông Hương buồn dằng dặc nỗi chờ mong
Chân bước đi mà dạ bỗng ngậm ngùi
Gởi lại Huế cả khung trời kỷ niệm
Cầu Trường Tiền nghiêng dòng Hương soi bóng
Nhịp cầu cong, tha thướt vạt áo dài
Buổi tan trường anh đã bước bên ai
Về chung lối khi Nội Thành,… Gia Hội
Nhớ chiều hè nắng vàng về rất vội
Lối Ngự Bình, Vĩ Dạ, Bao Vinh
Sang Kim Long, Thanh Thủy Thượng, Ngọc Anh
Rồi Linh Mụ, Thiên An, Đồi Vọng Cảnh
Anh còn nhớ có những chiều thứ Bảy
Cùng bạn bè về tận Phá Tam Giang
Khi Dạ Lê, Cầu Ngói Thanh Toàn
Về Cồn Hến, lên Nguyệt Biều, Lương Quán…
Và em biết dẫu ngàn phương lạc bước
Chưa bao giờ anh quên Huế trong tim
Cũng không quên nét Huế buổi xuân thì
Lòng khắc khoải dệt tình thơ gởi Huế!
TẠM BIỆT HUẾ THƯƠNG!
Sắp xa Huế cảm thấy lòng yêu Huế
Hơn rất nhiều khi ôm Huế trong tay
Ai nơi xa, người hỡi anh có hay
Lòng bịn rịn cả khung trời kỷ niệm
Nhớ Hổ Quyền với tiếng chim chiền chiện
Trên cành cây mỗi sáng hót líu lo
Phù sa về cho dải đất ấm no
Bên dòng Hương - Nguyệt Biều mùa bưởi tới
Tất cả rồi sẽ xa tầm tay với
Cả người thương và cả cánh diều bay
Lũy tre làng với ruộng bắp hoa lay
Ngát hương bưởi một vùng chiều Lương Quán
Trời Long Thọ sẽ đi vào xa vắng
Trong ký ức ngày ấy tuổi đôi mươi
Tay trong tay anh tỏa rạng nụ cười
Em sẽ nhớ! Làm hành trang xa Huế!
H.T.B.H
Từ lâu lắm rồi tôi đem tác phẩm “Taras Bulba” của Nicolas Gogol ra đọc như một sự nghĩ tưởng về sự vô lý của cuộc đời này. Tôi đã thấy tính tàn nhẫn vô nghĩa, mặt trái của chủ nghĩa anh hùng cổ sơ trong truyện. Nó chẳng thể dung hợp với đạo lí của loài người văn minh, đạo lí của mọi tôn giáo chân chính cho cuộc đổ máu vô nghĩa lúc đó, cũng như những cuộc đổ máu sau này.
Tác phẩm “Taras Bulba” đã tái hiện lịch sử những cuộc chiến tranh chống lại những đế quốc ngoại xâm hùng mạnh của những chiến binh Cossack – tổ tiên của người Ukraina hiện thời, ngay từ khi mới lập quốc. Thời xưa, người Cossack trải qua nhiều cuộc chiến liên miên để mong thoát khỏi sự xâm lấn, thống trị của các đế quốc ngoại bang, từ người Thổ Nhĩ Kỳ, người Ba Lan đến người Nga.
“Taras Bulba” (đặt theo tên của nhân vật chính, một thủ lĩnh chiến binh Cossack) vốn là tác phẩm văn học nổi tiếng của Nikolai Gogol (1809-1852), nhà văn nổi tiếng người Nga nhưng sinh ra trên đất Ukraine.
Taras Bulba kể về diễn biến các cuộc chiến tranh của người Cossack, bắt đầu là cuộc chiến chống xâm lược của Đế chế Ottoman, khi họ bị người Ba Lan mượn tay đánh bại đạo quân người Thổ Nhĩ Kỳ, sau đó nhân danh liên minh dưới quyền Đế chế Ba Lan đã giải tán và tiêu diệt họ.
Sau đó là những năm tháng người Cossack buộc phải cúi mình, sống lẩn khuất và ẩn danh trong vùng lãnh thổ đã bị sát nhập vào đất Ba Lan, phải cắt đi chỏm tóc truyền thống, sống theo phong tục, học theo trường lớp của Ba Lan và bị đàn áp, phân biệt đối xử bởi người Ba Lan.
Và khi hai người con trai của Taras Bulba trở về nhà sau khi theo học, rồi bị đuổi khỏi trường của Ba Lan, những người Cossack thấy đã đến thời điểm tập hợp lại đội ngũ chiến binh và tiến đánh giành lại chủ quyền từ người Ba Lan.
Nhưng giữa sự thù hằn, đối địch của 2 phe đó đã nảy nở mối tình không tưởng của Andriy – con trai thủ lĩnh Taras Bulba, và công nương Natalia – con gái của vị thủ lĩnh đang trấn giữ thành trì Dubno mà người Ba Lan chiếm được từ Ukraina.
Và khi cuộc vây thành Dubno đang vào giai đoạn ác liệt nhất, khi dân Ba Lan trong thành đang chết dần vì nạn đói và bệnh dịch, thì tình yêu đã làm lung lạc tinh thần của Andriy và khiến anh từ bỏ hàng ngũ Cossack chỉ với mong muốn duy nhất là đảm bảo sự sống cho Natalia.
Cuộc chiến kết thúc với thắng lợi của người Cossack, giành lại thành Dubno và chủ quyền vùng đất cho Ukraina, cũng là lúc bi kịch xảy ra, khi Taras Bulba nhìn thấy con trai mình mặc bộ giáp chiến binh Ba Lan, ông đã nổ súng giết chết Andriy.
Để trả thù cho cái chết của người con cả Ostap, "Taras cùng đoàn quân của mình vùng vẫy khắp đất Ba Lan, đốt cháy mười tám thị trấn, gần bốn mươi nhà thờ Công giáo và đã tiến đến sát Krakov".
"Đừng tha gì hết" - Taras nhắc đi nhắc lại. Và quân Cossack phá sạch, giết sạch, không nể cả những quý bà lông mày đen nhánh và những thiếu nữ ngực trắng nõn, tươi sáng như thiên thần. Họ có chạy vào thánh đường cũng không thoát chết: Taras đốt họ cháy trụi cùng với các thánh đường.
Từ trong ngọn lửa ngùn ngụt bốc lên bầu trời, biết bao bàn tay nõn nà chới với, những tiếng gào thét thảm thiết làm mọi nhánh cây ngọn cỏ thảo nguyên của đất mẹ cũng phải động lòng. Nhưng trái tim sắt đá của người Cossack chẳng hề lay chuyển, họ lấy mũi lao thọc vào bụng những trẻ và quăng chúng vào ngọn lửa.
Trong truyện không có sự dẫn giải về nguồn gốc cuộc nổi dậy của người Cossack, chuyện bắt đầu luôn với cuộc trở về nhà của 2 người con trai của Taras Bulba. Sau đó là diễn biến cuộc chiến với Ba Lan, đan xen là những hồi tưởng về sự gặp gỡ của Andriy và Natalia.
Ngay sau cuộc vây thành, quân Ba Lan đã được tiếp viện để lật ngược tình thế, đánh bại và ngăn được đội quân Ukraina chiếm thành Dubno. Những người Cossack trốn thoát được sau đó lại một lần nữa lại phải trốn chạy và sống lẩn khuất.
Taras Bulba quyết tâm cải trang đến Warsaw, thủ đô Ba Lan, để nhìn mặt con trai Ostap lần cuối khi anh bị dẫn ra pháp trường xử tử cùng các tù binh Cossack bại trận.
Đau đớn nhìn cảnh con trai và các đồng đội bị hành hình, Taras Bulba lại tập hợp đội ngũ để tiến đánh người Ba Lan. Nhưng trước những đạo binh hùng mạnh, ông thất trận và bị trói vào cột hoả thiêu. Cái chết của Taras Bulba và sự trốn chạy của đội quân Cossack bại trận khép lại câu chuyện.
N.P
Nhà thơ Nguyễn Kim Thịnh, bút danh khác là Trần Vĩnh Hạnh, sinh ngày 11/8/1964 tại Quảng Nam. Tác phẩm đã xuất bản: Hoa cườm ngựa – thơ, 2016; Gởi nhớ vào quên – thơ, 2023
TÌNH XƯA NGƯỜI THẮP LẠI RỒI…
Nhớ Huế
Dòng Hương khơi một nốt trầm
Cho vuông giấy mỏng nên tằm vương tơ
Em chừ… sương khói đã mờ?
Huế xưa chừ vẫn bên bờ vẹn nguyên
Mắt xưa hóa ngọn lửa huyền
Vẫn âu yếm sưởi
Vẫn triền miên ru
Lửng lơ lòng
Một trời thu
Mênh mang nỗi nhớ…
xa mù mịt xa
Tròng trành,
mặc ngọn sóng va
Tình xưa ủ giữa lòng ta vẫn nồng
Một dòng trời biếc mây hồng
Trôi từ muôn mối hoài mong trôi về
Trường Tiền…
gió lạ chưa tề!
Nghiêng nghiêng nón trắng,
bốn bề thương rơi…
Tình xưa người thắp lại rồi
Em về cho kịp…
kẻo trời Huế mong…
VỊ KHÓI CỐ HƯƠNG
Tặng nhà văn Trần Nhã Thụy
TÊN GỌI QUÊ NHÀ
Nhớ nội
Tên gọi quê nhà
Ngân nga dìu dịu
Lời bà, mẹ ru,
Trăng vằng vặc đêm hè
Ngọt ngào ấm êm
Theo con vào giấc ngủ
Có Cửa Đợi, Sơn Chà…
mây phủ, sóng chao…
Không rõ từ bao giờ
Thân quen như nhịp thở
Tên gọi quê nhà cứ thầm lặng bên con
Lúc lạ lẫm ẩn trong đồng nước
Trong làn gió đông ngòn ngọt quanh mình
Rồi rộn ràng trong làn xuân sớm
Hay mịn màng xanh sắc biếc giữa thu vàng
Tên gọi quê nhà như cơn mơ cho con về lại ngày đã khuất
Được ôm lấy tuổi thơ mình cho thỏa nhớ thương
Được quỳ dưới tháng năm bóng sinh thành tỏa ấm
Được tan trong nồng nàn thôn xóm bao dung…
Gọi tên quê nhà - tâm hồn con tắm gội
Rũ trôi nhọc nhằn qua rong ruổi tháng năm
Lòng ấm lại như được về bên mẹ
Được nghe đồng làng hát khúc thân quen…
Tên gọi quê nhà như là phép lạ
Mầu nhiệm nâng con yên ả giữa thăng trầm
Thiết tha, hiền hòa, ấm trong lồng ngực
Tên gọi quê nhà vang suốt cuộc đời con.
N.K.T
Tôi vừa đọc lại “Bà Bovary” (tiếng Pháp: Madame Bovary) là một cuốn tiểu thuyết của nhà văn Gustave Flaubert. Tôi như thấy tôi trong đó, do vậy tôi phát biểu cảm nhận của tôi.
*
Tóm tắt
Charles Bovary, một bác sĩ tốt bụng nhưng buồn tẻ và không có tham vọng với công việc, kết hôn với Emma, một cô gái nông dân xinh đẹp được nuôi dưỡng trong một tu viện. Cô cho rằng hôn nhân là một cuộc sống phiêu lưu, niềm phấn khích duy nhất của cô là sự bay bổng khi đọc tiểu thuyết tình cảm.
Cô ngày càng cảm thấy buồn chán và không hài lòng với cuộc sống trung lưu của mình, và ngay cả sự ra đời của con gái họ, Berthe, cũng chỉ mang lại cho Emma niềm vui nho nhỏ. Nắm bắt được mối quan hệ thân thiết lý tưởng, Emma bắt đầu thực hiện những ý tưởng lãng mạn của mình và dấn thân vào mối tình tai hại với Rodolphe, một chủ đất địa phương.
Emma lên kế hoạch bỏ trốn cùng nhau, nhưng Rodolphe đã chán cô ấy và chấm dứt mối quan hệ. Emma bị sốc, phát sốt não và nằm liệt giường hơn một tháng. Sau đó, cô gặp Léon, một người quen trước đây, và cuộc sống của cô ngày càng trở nên hỗn loạn. Cô ấy chấp nhận những đam mê, hạnh phúc, bỏ qua bản thân thực tại vật chất, được tượng trưng bằng tiền bạc.
Cô không có khả năng phân biệt giữa lý tưởng lãng mạn và những thực tế khắc nghiệt trong cuộc sống, ngay cả khi sự quan tâm của cô dành cho Léon giảm dần. Các khoản nợ vượt quá tầm kiểm soát, cô cầu xin tiền nhưng tất cả đều từ chối, kể cả Léon và Rodolphe và đưa cô đến chết một cái chết đau đớn.
Charles đau buồn, mù quáng không biết về chuyện của Emma, vẫn dành cho người vợ đã khuất của mình ngay cả khi anh ta phải vật lộn để trả nợ cho cô. Sau khi phát hiện ra những bức thư tình của Rodolphe và Léon, anh ngày càng trở nên chán nản và đổ lỗi cho việc của Emma là do số phận. Ngay sau đó anh ta chết, để lại cô con gái Berthe cuối cùng làm việc tại quê nhà trong cảnh nghèo khó.
*
Tính hai mặt của vấn đề
Dưới mắt tôi, Emma Bovary là nhân vật hai mặt, một mặt đáng thương và một mặt đáng chê trách. Trước hết, Emma Bovary là con người đáng thương, ở chỗ mà khi chung quanh nàng, trong cái xã hội tư sản tỉnh nhỏ mốc meo và nhờ nhờ một màu xám, hầu hết mọi người đều tự dối mình và dối người khác, cam tâm sống một cuộc đời thấp hèn, nghèo nàn, ngột ngạt. Thì chỉ duy có nàng dám cưỡng lại nó, chống lại nó, phản kháng nó, để vươn tới một cuộc sống rộng rãi, phong phú, đẹp đẽ hơn. Song sống giữa cái xã hội tư sản giả dối sớm chịu sự giáo dục của nhà tu và chuyên môn đọc những tiểu thuyết lãng mạn, thử hỏi Emma Bovary có thể ước mơ được cái gì và ước mơ đó có thể thực hiện được hay không?
Có lẽ cuộc đời chỉ cười với Emma Bovary có một lần, đó là cái lần nàng đi theo chồng được mời đến lâu đài của một hầu tước. Ở đó nàng đã say sưa trong một cuộc khiêu vũ điên cuồng để rồi sau đó trở về với cuộc sống thực tại, nàng còn giữ mãi dư âm như qua một cơn choáng váng sẽ không bao giờ còn trở lại nữa. Nhưng chỉ thế cũng đã làm cho Emma Bovary ngây ngất, hơn nữa, chỉ thế mà Emma Bovary cũng sẽ không bao giờ đạt tới.
Thành ra cả cuộc đời nàng chỉ là một cuộc đuổi theo, như một chiếc bóng, giấc mơ khoảnh khắc, hão huyền. Song, nàng càng muốn trốn khỏi cái tầm thường của cuộc đời, nàng càng muốn vươn lên trên bùn nhơ của cuộc sống thì cái tầm thường càng siết chặt lấy nàng, nàng càng bị ngập sâu xuống bùn nhơ.
Đó là tất cả tấn bi kịch của cuộc đời Emma Bovary!
*
Miêu tả tâm lý tài tình
Bà Bovary xuất thân là một thiếu nữ nông thôn được học trong tu viện và đọc rất nhiều tiểu thuyết tình cảm. Bị ảnh hưởng bởi văn chương lãng mạn, nàng những mong được làm vai nữ chính trong đó. Nghĩa là được yêu thương bởi một người chồng tài năng, giàu có, hào hoa phong nhã, chí lớn, danh vọng đầy mình, luôn cùng nàng nói về những chủ đề bay bổng diễm lệ. Thế nhưng, nàng vỡ mộng vì lỡ được gả cho Charles- người thầy thuốc thô lỗ, vụng về, thiếu hiểu biết, không có thú vui xa hoa trụy lạc. Nàng ngoại tình với hai người đàn ông (Léon và Rodolphe) – tình nhân trong mộng, không lao động nhưng phung phí đến cạn kiệt tài sản của chồng.
Diễn biến của hai cuộc ngoại tình ấy thật sự hấp dẫn, khi đọc tiểu thuyết, tôi không khỏi ấn tượng với anh chàng Rodolphe với kế hoạch quyến rũ, biết nắm bắt tâm lý phụ nữ rồi ruồng bỏ người tình một cách tinh vi. Tôi nói kế hoạch ấy, đến hôm nay “chàng sở khanh” nào muốn vẫn có thể áp dụng được, chàng dễ dàng nêu lý do để ngoại tình và tâm lý người trong cuộc có lẽ đều giống nhau qua các thời đại.
Tác phẩm có giá trị lâu dài và trở thành kinh điển một phần cũng vì thế.
Sau Rodolphe là nhân vật Léon - một luật sư trẻ trung, phong nhã, cũng đại diện cho một loại đàn ông dễ dàng quyến rũ phụ nữ trong xã hội. Anh ta vừa có sự nhút nhát đầu đời nhưng lại cũng vừa sẵn sàng bày tỏ ra cái tình cảm mãnh liệt dành cho người phụ nữ. Sống cạnh một người chồng cục mịch khô khan, bà Bovary – vốn có một trái tim rạo rực luôn khao khát yêu đương – bị hấp dẫn bởi Léon âu cũng là một điều dễ hiểu. Sự tài tình trong việc xây dựng nhân vật của tác giả nằm ở đó.
*
Đọc xong tác phẩm, đọng lại trong tôi, ngoài giấc mơ tan vỡ của người phụ nữ xinh đẹp còn là những cảnh những tình lưu lại trong tâm tôi, như cửa hàng bán tranh nghệ thuật, những buổi tiệc nhộn nhịp. Là những bộ trang phục cầu kỳ lộng lẫy, những điệu nhảy phóng khoáng, những đồng cỏ trải dài ngập nắng, những đêm trăng đẹp, là những khu chợ nhiều âm thanh, những buổi tranh luận của giới trí thức… tất cả đều đáng học hỏi khi tôi tập viết văn miêu tả.
N.P
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)