Nhà văn - nhà báo Nam Thi
1.
Mặc dù đã hơn tám mươi tuổi, ông Bá vẫn giữ thói quen của người lính và người luyện tập võ nghệ từ thuở bé. Bất kể trời mưa nắng, ấm lạnh ông luôn thức dậy từ khi gà trong xóm eo óc gáy mãn canh tư. Ông không thắp đèn, ngay cả khi làng đã có điện. Trong bóng tối, ông vận công cho giãn gân cốt, rồi nhen lửa nấu nước. Trong khi chờ ấm nước sôi ông ra giếng sau nhà tự xách nước tắm. Ông đã mất một bàn chân trên chiến trường. Chỉ khi nào đi ra ngoài ông mới dùng chân giả, còn ở nhà ông dùng chiếc nạng gỗ. Nhờ luyện võ từ nhỏ và sinh hoạt điều độ nên dù lớn tuổi, ông vẫn còn gọn gàng, nhanh lẹ hơn các cụ trẻ hơn ông năm mười tuổi.
Cả ngày ông cũng bận bịu không nghỉ tay: tưới rau, nhổ cỏ, săn sóc chậu kiểng, quét sân, đọc sách. Ai mời đám giỗ, đám cưới, ông cũng đến chung vui một chốc rồi về, từ chối tiệc tùng, nhậu nhẹt. Bà con lối xóm có xích mích, ông can ngăn, giảng hòa. Bọn trai trẻ trong làng kháo nhau nhiều chuyện về tài võ nghệ, chiến tích của ông. Người ta đồn rằng từ khi bị thương tật ông đã phát triển một bài võ rất lợi hại với chiếc nạng làm binh khí. Có người hỏi chuyện đó thì ông bảo “làm gì có”, nhưng nói rằng theo lý thuyết bất cứ vật gì cũng có thể biến thành binh khí nếu nghiên cứu, khai thác đặc điểm của nó để nghĩ ra chiêu thức, phương pháp luyện tập phù hợp và khổ luyện. Ông không khoa trương vì ông từng là chỉ huy bộ đội đặc công. Sau khi bị thương ông phụ trách khoa võ thuật và cận chiến của một trường huấn luyện cấp quân khu của binh chủng này. Có lẽ, chỉ có Thanh, con trai duy nhất của ông, được truyền thụ các tuyệt chiêu do ông sáng tạo và học được từ các danh sư trong và ngoài nước. Thanh là nhà giáo, xuất thân từ trường Sư phạm Quy Nhơn, cũng đam mê võ thuật. Từ khi còn học trường Tiểu học Quận lỵ Bình Khê anh đã được Sáu Hải, dạy võ để sau nầy trở thành truyền nhân của môn phái. Ông Bá vốn là “học trò nhứt” của thân sinh Sáu Hải. Như vậy, ông Bá, Sáu Hải và Thanh là đồng môn. Nhưng mối quan hệ đồng môn huynh đệ, cha con của bộ ba ấy bị che phủ bởi bi kịch gia đình trong một thời gian khá dài.
2.
Hôm ấy là sáng thứ Bảy. Như mọi ngày, ông Bá dậy sớm, tập luyện, tắm, một mình ngồi uống trà nơi chiếc bàn con kê cạnh gốc mận, từ đó ông có thể xem mặt trời ló lên từ phía núi Hương Sơn bên kia cánh đồng. Tuy sống chung với con trai nhưng hai cha con ít khi trò chuyện với nhau. Ông ở nhà trên, nơi có bàn thờ tổ tiên ở gian giữa và chiếc giường nhỏ của ông ở chái tây, còn chái đông có cửa hông thông ra chiếc sân gạch nhỏ có bộ bàn ghế cũ dùng để tiếp khách. Vợ chồng và hai con của Thanh ở dãy nhà ngang nối nhà trên và bếp.
Ngày nghỉ cuối tuần, Thanh thường dậy muộn. Nhưng hôm đó khi thấy cha pha trà anh ra ngồi đối diện với cha, tự rót cho mình một chung. Anh cũng đã gần năm mươi rồi. Hai cha con trông giống hai người bạn già nhàn hạ ngồi đối ẩm.
- Con có chuyện muốn thưa với ba - Anh mở lời.
Ông Bá ngước nhìn anh, nâng chung trà nhấp một ngụm nhỏ, chờ nghe con trai nói.
- Còn ba hôm nữa đến ngày giỗ mẹ. Con xin phép ba năm nay con được rước mẹ về nhà mình để con cháu tiện thờ phụng. Ba thấy có được không ạ ?- Anh hơi ấp úng.
Ông Bá im lặng, nhấp từng ngụm trà. Thanh cũng không nói gì thêm. Anh biết tính cha mình ít nói và cẩn trọng. Anh uống cạn chén trà và đứng dậy, thưa:
- Sáng nay con có cuộc họp ở trường, con phải đi sớm để chuẩn bị. Khi nào cha cho biết ý kiến cũng được.
Khi anh định quay vào nhà thì ông Bá lên tiếng:
- Nếu con còn thời gian thì ngồi nói chuyện với ba. Mà đâu có gì phải bàn với tính. Con là con trai trưởng, gần năm mươi tuổi rồi, con thờ má con là phải đạo. Chuyện ba với má con là chuyện cũ, hơn nữa nay má con mất lâu rồi. Con thấy việc phải thì cứ làm.
Thanh không ngờ cha mình quyết định nhanh chóng và dứt khoát đến thế. Anh nghĩ có lẽ ông đã có ý định ấy từ lâu, chỉ chờ anh ngỏ lời. Anh nhẹ hẫng người.
- Con cảm ơn ba.
2.
Thật ra, chuyện nhà làm ông khổ tâm rất nhiều.
Chiến tranh kết thúc, lần đầu tiên về thăm nhà sau hơn hai mươi năm xa cách, ông mới biết vợ mình đã có con với Sáu Hải. Liên, con gái riêng của vợ, năm ấy đã mười lăm tuổi, đang sống với mẹ. Thậm chí trong buồng của vợ ông còn móc quần áo của Sáu Hải. Nghe nói cây mận cạnh giếng cũng do Sáu Hải trồng, gốc to cả ôm trẻ con. Mọi người đều nghĩ Sáu Hải thế nào cũng “tiêu” vì cướp vợ bạn, hơn nữa có thời gian làm trung đội trưởng dân vệ của xã. Suốt tuần lễ ông Bá về nhà, Sáu Hải lánh mặt, mặc dù nhà riêng bên bờ nam sông Côn, đối diện với nhà ông Bá. Nhưng ai cũng ngạc nhiên vì không nghe thấy vợ chồng ông cãi vã, gây gổ. Khi đi thăm bà con trong họ ngoài làng, ai nói gì về việc nhà ông, ông chỉ nghe, tuyệt không phát biểu điều gì. Ông giữ im lặng cho đến ngày ra đi.
Lúc ấy mẹ ông Bá còn sống. Hai mẹ con thường ngồi với nhau rất lâu mỗi chiều. Có khi bà gọi vợ ông cùng nói chuyện. Trước khi ông trở lại đơn vị để làm thủ tục xuất ngũ, có mặt vợ ông, Thanh và Liên sau bữa cơm chiều, mẹ ông ôn tồn:
- Những chuyện xảy ra trong gia đình mình là không ai muốn. Tình cảnh đã thế không làm sao thay đổi được. Nhưng không nên trách móc nhau làm mất hòa khí, chỉ tội nghiệp cho sắp nhỏ. Đàn bà có chồng theo cách mạng hồi đó khổ lắm, chắc con cũng biết. Chú Hải dầu sao cũng đỡ đần mẹ con nó rất nhiều trong những năm khó khăn, ác liệt. Tội nghiệp, nó cũng quý mẹ. Nên mẹ xem nó như con trai, xem con Liên như cháu nội…
Mấy tháng sau ông Bá về nhà sau khi đã làm xong thủ tục xuất ngũ. Với lương hưu cấp tá và trợ cấp thương binh tuy không nhiều nhưng ông không những khỏi phải lo về đời sống mà còn có thể tiện tặn phụ cho gia đình. Ngày trở về lần nầy, ông ngạc nhiên vì nhà của khang trang, tường được quét vôi mới, sân được lát gạch thẻ. Trong thời gian ông đi vắng Sáu Hải đã sang nhà xin phép mẹ ông sửa sang nhà cửa. Lần nầy, Sáu Hải dọn sạch quần áo, đồ dùng cá nhân, chỉ để lại cây côn dựng ở góc chái tây. Ông Bá nhận ra cây côn quen thuộc của cha Sáu Hải, sư phụ ông, truyền lại…
Ngày giỗ sư phụ năm ấy, ông Bá đi cùng Thanh sang nhà Sáu Hải mà không báo trước. Ông xin phép thắp hương cho thầy. Hai người bạn đồng môn gặp nhau lần đầu sau mấy mươi năm. Ai cũng biết giữa họ có chuyện tày trời, nên lánh đi để họ nói chuyện. Nhưng ông Bá không hề nhắc gì đến chuyện vợ con. Khi tiễn ông ra về, Sáu Hải nói:
- Tôi có lỗi với anh, anh xử thế nào tôi cũng chịu. Với anh tôi không dám biện bạch gì. Nay anh còn sống trở về là mừng. Bà ấy có tội với anh nhưng cũng đáng thương. Nếu anh rộng lượng tha thứ cho bà, từ nay xem như không có tôi.
Ông Bá vẫn chỉ nghe, không nói lời nào.
Mẹ ông mất vài năm thì vợ ông cũng ra đi. Khi còn sống, bà thường lên thị trấn sống với vợ chồng Liên để giúp chăm sóc cháu ngoại. Có người bảo bà muốn tránh mặt ông Bá. Theo nguyện vọng của bà, sau khi chết bà được thờ ở nhà con gái. Theo tục lệ, đàn bà bỏ chồng, tái giá không được thờ ở nhà chồng. Bà đã tự quyết định thi hành tục lệ đó. Ông Bá biết như thế nhưng không ngăn cản.
3.
Ông tự tay chuẩn bị một bàn thờ mới đặt bên trái bàn thờ chính dành cho thế hệ của ông. Ông dặn Thanh “Mời chú Sáu qua giỗ má”. Hôm giỗ vợ ông, Sáu Hải đến sớm mang theo lễ vật và hai tấm hình lồng khung, một tấm là chân dung vợ ông Bá khi bà còn trẻ được phủ lụa điều và tấm kia chụp bà với các con, cháu mấy năm trước khi bà qua đời.
Ông Bá nhận tấm hình vợ đặt lên bàn thờ. Ông nhận ra khuôn mặt vợ lúc ông ra đi. Ông thắp sáu cây nhang, trao cho Sáu Hải ba cây rồi giữ cho mình ba cây để thắp cho vợ.
Khói nhang trầm cay mắt. Hai người đàn ông cùng lặng im trước di ảnh người quá cố…
N.T