Home » Archives for tháng 8 2021
Nguyễn Thị Thu Ba (Cần Thơ)
Đang bước đi song song nhau, bất ngờ Trường chậm lại, tắt hẳn nụ cười trên môi, ánh mắt cũng không nghiêng nhìn về phía Song Nhi nữa, anh chàng đưa mắt thẳng nhìn về phía gốc phượng đang rợp bóng giữa sân trường. Nhìn theo ánh mắt ấy, Nhi bắt gặp Tiểu My đang ngồi lặng lẽ trên chiếc ghế đá ngay gốc phượng, mắt nhìn chăm chú vào quyển tập được cầm chắc trên hai bàn tay bé nhỏ xinh xinh. Tiểu My là bạn học cùng lớp với Nhi, cô nàng dịu dàng, xinh xắn, chăm học, đặc biệt hai má lúm đồng tiền làm hớp hồn biết bao anh chàng trong lớp học 12A2 này. Không chỉ vậy cô nàng còn là một cô gái hài hước, duyên dáng luôn đem lại cho người khác sự lạc quan, vô tư như chính cách sống lạc quan, yêu đời của cô ấy.
Trường xoay bước chân vội vã về phía gốc phượng già, cố tình núp sau thành ghế đá, vẻ mặt “mờ ám” rồi lại cười “bí hiểm”
- Hù.
- Hú hồn, chơi gì ác vậy trời! Có ngày hốt xác tui luôn nghe ông Trường kìa!
- Ủa bà hông quay lại sao biết tui hay vậy?
- Có mình ông là theo ám tui chớ còn ai trồng khoai đất này! Sáng sớm kiếm ăn không kiếm đi kiếm chuyện hà...
- Kiếm chuyện mới chịu à! Mà con gái gì yếu đuối dễ sợ, mới hù chút xíu là đòi chết đòi sống rồi hà.
- Ừ… hổng biết lát nữa ai chết ai sống đây hé, chút nữa tiết cuối kiểm tra Sử đừng có “cặp dê” tui à nghe, lo đi nhong nhong chọc gái, không lo học bài… ai chết cho biết!
- Ai đi chọc gái hồi nào?
- Chứ hổng lẽ Song Nhi là con trai?
- Ừ, nó là con gái mà tui có chọc nó hồi nào đâu?
- Ông chọc ai kệ ông tui có can thiệp đâu mà giải thích? Có tật giật mình hả?
- Bà có biết pháp luật quy định, tội vu khống là bị gì hay không hả?
- Tui hổng biết pháp luật pháp liếc gì hết á, mà tui chỉ biết tiết hồi nãy ông hổng thuộc bài giáo dục công dân cô cho ăn hột vịt lộn!!! Ở đó bày đặt đem giáo dục công dân ra hù tui hả?
- Bà nhỏ nhỏ cái miệng bà lại xíu coi – Vừa nói Trường vừa chồm người tới sát My, đưa tay lên che miệng My lại – Bộ bà tính phát thanh lên cho cả trường biết để nhằm hạ nhục tui hả gì?
- Ông mà biết mắc cỡ nữa sao? Nếu ông mà biết mắc cỡ thì quanh năm suốt tháng đâu có cặp bi bài kiểm tra của tui làm gì
- Ủa bộ bà không có câu nào hay hơn hả? Người xưa có nói “Nếu mở miệng ra thì nên nói những lời tốt đẹp, còn không im lặng sẽ là vàng” đó bà biết không?
- Không biết, chỉ biết “la làng là kim cương” – Mọi người ơi, mọi người ơi, Trường lớp 12A1… mời mọi người ăn hột vịt lộn nè!– My vừa nói vừa đứng lên vụt chạy vào lớp.
Trường mãi miết chạy đuổi theo My cho tới tận cửa lớp và dường như Trường quên hẳn câu chuyện còn đang dang dở giữa Trường và Nhi. Nhi đứng lại giữa sân trường kiểu như Từ Hải trong Truyện Kiều của Nguyễn Du… Nhi nhận ra, mỗi khi Tiểu My xuất hiện, thì thế giới của Trường chỉ còn lại những tiếng cười giòn tan kèm theo những câu bồng đùa cùng My và cả những giờ ngồi trong lớp học Trường vẫn hay lặng thầm mỉm cười một mình mà mắt hướng về phía trên không thôi...
Mặc dù Trường ngồi cạnh Nhi nhưng chưa bao giờ Trường có những lời nói, cử chỉ hay hành động thân thiết, tự nhiên và thoải mái như cái cách mà Trường dành cho My. My ngồi bàn trên, ngay trước mặt Trường nhưng My rất ít quay xuống, vì My là học sinh ngoan, không lơ là, không để mắt rời xa giáo viên cũng như My luôn lắng nghe và ghi nhớ tất cả những gì thầy cô giảng dạy, còn Nhi thì ngược lại, trong lòng luôn dậy sóng, tâm cứ để ý đến Trường, mắt cứ dõi theo người ngồi bên cạnh thì làm sao nghe những gì, hiểu những gì giáo viên giảng dạy?
- Ê, bà đưa tui cây thước coi
- Ủa thước của tui chớ phải ủa ông đâu kêu đưa, lãng xẹt!
- Thì tui mượn!
- Mượn kiểu như ông, ai cho!
Nói là nói vậy nhưng My định bụng sẽ quay xuống đưa cho Trường cây thước kẻ.
- Nè, Trường lấy thước của Nhi nè, Nhi gạch xong rồi!
Mặc dù Nhi đưa thước đến tận tay nhưng Trường còn do dự. Vừa lúc, My quay xuống
- Đưa tập đây, tui gạch luôn cho, có gạch ngang ghi bài mới mà cũng không xong nữa!
Nói thì nói cho có chứ My không đợi Trường đồng ý hay không My đã cầm luôn quyển tập của Trường đặt ngay trước mặt. Trường tò mò ngó lên xem My làm gì, My cố y lấy vai nghiêng che lại không cho Trường thấy, Trường lách bên này thì My lách qua bên kia, cứ thế hai đứa đùa giỡn nhau trong giờ học, kết quả là cô gọi tên hai đứa lên bảng làm bài tập. My thì giỏi toàn diện nên cô nàng làm bài trong năm phút đã có kết quả đúng với đáp án, còn Trường, anh chàng loay hoay với đủ tư thế hết đứng thẳng đến đứng nghiêng rồi lại quay lên, quay xuống cầu cứu các bạn nhưng vẫn chưa xong bài toán. My được cô giáo cho về chỗ, cô nàng vội vã kéo tờ giấy tập còn trắng trải dài ra bàn, viết vội đáp án đưa lên, Trường nhìn xuống, mắt mở to tròn… Cuối cùng bài toán Trường làm đúng với kết quả, cô Loan cho về chỗ nhưng cô vẫn lắc đầu, hoài nghi...
Năm tháng lặng lẽ trôi qua một cách vô tình, vô tình y như cái vô tình mà Trường dành cho Nhi. Trường không biết rằng Nhi luôn dõi theo từng cử chỉ, từng bước đi, từng lời nói, từng cái vui hay nỗi buồn của Trường… My thì lại vô tình không nhận ra, phía sau, Trường luôn để tâm đến tất cả những điều mà My nói, My làm… My vẫn vô tư, vẫn cười đùa và đặc biệt là luôn chống đối mỗi ngày với Trường...
Những ngày cuối cùng của năm học sắp trôi qua, kỳ thi cuối cùng sắp đến, học sinh càng vội vã hơn, bận rộn cho học tập, tất cả như xếp lại những trò đùa, những lơ là, những suy nghĩ bâng quơ, bắt đầu nghiêm túc hơn, chất lượng hơn trong những tiết học gần như cuối cùng này!
Nhi vừa ngồi xuống, đã thấy chiếc cặp của Trường đặt ngay bên cạnh. Chiếc cặp mở toang ra, Nhi vô tình nhìn trong chiếc cặp ấy, có một cái kẹp tóc hình trái tim màu tím. Nhi nghe tim mình đau nhói, cảm giác như vừa đánh rơi thứ gì quý giá riêng mình… Nhi hiểu hơn ai hết, cái kẹp tóc này Trường sẽ dành cho ai và ý nghĩa của nó...
Một buổi chiều, kết thúc một ngày thi tốt nghiệp. Tiếng trống giục giã tan trường, học sinh bắt đầu dần dần biến mất, Nhi nhìn về phía bàn trên, cặp của My vẫn còn đó, bên cạnh chỗ Nhi ngồi, là cái cặp thường ngày của Trường, vẫn to đùng đến khó hiểu! Nhi bắt đầu hiểu ra một điều. Nhi nhè nhẹ bước về phía sau dãy trường, cuối dãy là những cội Bằng Lăng già hàng trăm tuổi, nằm dọc theo dòng sông Cái. Nhi nhìn về phía xa xa, dưới một gốc Bằng Lăng gần nhất, có bóng dáng hai người đang ngồi đối diện nhìn nhau, rất lâu, Nhi không thấy họ cứ lặng im nhìn nhau, không nói bất cứ điều gì, có lẽ họ đã quá hiểu về nhau... Nhi nhìn lên mái tóc buông dài mượt mà ấy phủ lên vai cô gái đang trong tà áo dài trắng tinh khôi học trò, đó là một cái kẹp tóc màu tím hình trái tim. Nhi nghe chua xót, ngậm ngùi… Nhi xoay người chạy nhanh về phía lớp, giấu đi những lặng thầm trong tim, nghe như ai bóp nghẹt tim mình. Vô tình một chiếc lá bàng rơi trúng vào vai, Nhi quay đầu nhìn lại phía sau, có hai người đang mỉm cười, nắm tay nhau cùng đi về phía trước, Nhi chạy vụt về phía lớp như vựt chạy khỏi một chuyện tình để khỏi phải thừa đi một người...
N.T.T.B
Nhà thơ Nguyễn Đức Phú Thọ (An Giang)
Ngày nắng
Ngày nắng vỡ, bên ngoài phía hiên nhà
căn phòng thở gam vàng
cây chết cạn
trên bàn làm việc
Sách vở hỗn mang
chất chồng tư liệu
những vĩ nhân, bậc minh triết cổ xưa
dường như họ vẫn còn đang sống
trong ý nghĩ, người đời mỗi ngày
trong sự thở
của ta...
Phía bầu trời mây trắng trôi đi
nỗi cứu chuộc
hư vô- đôi cánh
Tất cả
thản nhiên
sau tiếng lặng dài
khi ta dừng lại ngắm nhìn
sự sống phía bên ngoài
trang sách
Đốm sáng
(Ở nghĩa trang thai nhi)
Không dưng bỗng dừng lại chốn này
con đường đất,
những mắt lửa nhập nhòe
mùi cỏ đêm ngây dại
Ngước nhìn lên
bao cành lá ngủ mơ u uẩn
vầng trăng chìm giữa nhạt nhòa
gió rền rĩ trong muôn tán lá
đêm lạ lùng
nghiêng
Những đứa trẻ túa ra từ đêm
chúng chạy nhảy thành một vòng tròn
chúng chạy nhảy xuyên qua đám cỏ
đôi mắt sâu như những ngọn gió
Chúng
nhìn tôi
Những đứa trẻ không được chào đời
trên bãi đất nhô lên lạnh lẽo
trên gương mặt héo
trên đoạn đường về đến nghĩa trang
Chúng
hóa thành những đốm sáng
lang thang…
Đôi mắt cánh đồng
Những xao xác còn giữ trên tay
tôi thả xuống dòng sông
một niềm chờ đợi
chảy băng băng qua đôi mắt cánh đồng
mùa thu vắt ngang chiếc cầu nhỏ
mưa chìm bến sông
Đoàn người chăn ước mơ
không còn ở đó
bầy ngỗng nhìn nhau, ngơ ngác buổi chiều
những cánh vũ đầy trời
chuyện người xưa ngủ im, trang sách
vạt khói đồng nương gió
tỏa mênh mông
Vùi vào tro
dấu chân xưa, vết bùn non,
sùi sần, những thân cây
chứng tích thời gian
đường cày lầm lũi trôi, gánh về mùa sương giá
gánh về hạt gạo ngày mưa dầm, tháng hạn
ngày cha về tóc bạc trắng
như sương
Cây đước đắm mình, giữ dòng trôi
thời gian bơi trên đuôi mắt người
mẹ tôi về cùng với cỏ cây
xanh tình yêu
năm tháng…
chỗ mẹ xưa hoa sứ gầy lên mắt
chỗ tôi ngồi
mây trắng quẩn quanh bay
Biết tìm đâu
lòng vọng những mong manh
không thể nói với người
đất có lời của đất
sự lặng im, hay một tiếng nói khác
về miền tuổi thơ chân trời
xa ngút
những ban mai
Chiều nay
bên chiếc cầu nhỏ
những xao xác mơ hồ, không còn giữ trên tay
tôi ngắm nhìn dòng sông
bằng nỗi niềm chờ đợi
chảy băng băng qua đôi mắt cánh đồng…
N.Đ.P.T
Ông mặt trời ló ra khỏi rặng tre đầu làng, xua đi ngọn gió đông còn sót lại. Nắng xuân ấm áp đang hong những vạt sương rải đầy lối đi. Tôi có dịp công tác ghé qua nhà. Gặp mẹ nơi cây đa đầu làng. Mẹ đi làm đồng sớm. Mẹ nhìn tôi từ đầu đến chân, mắng yêu: “Đã lâu không về, tưởng quên bà mẹ này ở quê rồi! Hay lại nhớ bún riêu cua chứ gì?”.
Quê tôi cũng như bao vùng quê khác, con cua là món ăn dễ kiếm từ đồng ruộng, không phải mất tiền mua. Chỉ cần loáng một cái, men theo các bờ ruộng, cặm cụi chốc lát là có bữa canh riêu. Cua đồng có thể chế biến thành nhiều món ngon, bổ dưỡng, dễ ăn. Riêng tôi, thích nhất là món bún riêu mẹ nấu.
Tôi về trước, ngồi nhà đợi mẹ. Mẹ về, áo quần lấm lem bùn đất, mồ hôi nhễ nhại, tay xách một bao to cua đồng. Tôi phụ mẹ nhặt những con cua kềnh, lưng vàng ngậy để riêng. Những con bé mẹ băm nhỏ cho gà, vịt. Mẹ hì hụi làm bếp. Mùi hành thơm lừng bốc lên làm cho cái bụng háu đói của tôi sôi gào. Thằng em út lăng xăng quanh vườn kiếm mớ rau sống. Khi cả nhà ngồi vào mâm, nhìn nồi riêu thơm lừng bốc hơi, mùi tía tô, húng, chanh nồng nồng làm cho tôi bồi hồi nhớ về cái thời còn niên thiếu.
Cứ vào độ lúa làm đòng, rồi ngậm sữa, sau buổi đi học về tôi dắt trâu ra đồng và không quên xách theo cái giỏ để bắt cua. Lội dọc theo bờ ruộng, cứ tìm thấy hang nào có đất mới đùn ra cửa thì chắc chắn trong đó có cua. Hang to rộng thường là nơi trú ngụ của những con cua đực càng to tướng, thân màu vàng sẫm. Cẩn thận, nếu không cái càng ấy mà bập vào ngón tay thì cứ là giãy nảy, nước mắt ứa ra. Ngày đó cua đồng chẳng xa lạ gì với lũ trẻ chúng tôi. Cái con vật có thân màu nâu sẫm, có hai càng thường cứ giương lên, tám cẳng và chỉ bò ngang. Thế nên, trẻ con mới có câu ca thường hay đố nhau: “Con gì tám cẳng hai càng/ Chẳng đi mà lại bò ngang cả ngày”.
Những ngày hè nắng nóng, cua thường rúc vào hang hoặc bò lên bờ để tránh nắng. Khi ông mặt trời bớt đổ lửa, dòng nước mát mẻ, những chú cua rời hang để tìm nhau, rong ruổi quanh ruộng lúa. Những lúc ấy trông thấy chúng sao mà hiền lành đến ngô nghê. Tôi khẽ bước tới, thò tay nhẹ nhàng tóm gọn cho vào giỏ. Thực ra mùa nào đồng ruộng cũng có cua sinh sản và phát triển. Nhưng cua mùa xuân ăn ngon hơn, có lẽ do thời tiết mát mẻ, thức ăn đầy đủ.
Tôi đổ cua ra thùng gánh nước vì sợ cua bò đi mất. Đàn cua lúc nhúc, hoảng sợ, xô đẩy lẫn nhau nghe lao xao. Tôi chọn những con cua mới lột xác để rang, những con cua già to nhặt ra để nấu canh, còn lại cho vào vại để muối. Với món riêu, trước khi chế biến, mẹ ngâm cua vào nước vo gạo cho bớt mùi tanh của bùn. Mẹ múc gầu nước đổ vào thùng rửa cua cho sạch. Rồi mẹ ngồi nhặt bỏ mai, yếm, khều lấy phần gạch. Phần thịt, càng cho vào cối giã thật nhuyễn. Cua giã xong được lọc vài lần qua lớp vải màn, lấy nước rồi bắc lên bếp củi đun nhỏ lửa, khi bắt đầu chín, thịt cua kết lại thành miếng. Khi thấy tảng thịt ấy nổi lên, mẹ đưa đũa khuấy nhẹ để thịt cua không đọng lại dưới đáy. Mẹ nhẹ nhàng đổ gạch cua vào khiến nồi nước sóng sánh, vàng nghệ, mới nhìn cũng đã thấy muốn ăn. Cuối cùng mẹ cho rau muống, rau đay hoặc mồng tơi đã thái nhỏ cùng mấy lát mướp thơm vào nồi. Đun sôi kĩ, được nồi canh cua đồng ngon tuyệt. Có bữa mẹ nấu canh cua với khế chua hay cà tím cho thêm lá hẹ, húng quế vào. Mùi hẹ, mùi húng quế quyện với riêu cua làm cho nồi canh thơm dịu. Cua đồng có thể chế biến được nhiều món như rang muối, kho rim ớt tỏi, canh riêu, nấu cháo với rau má… Nhưng thích nhất với tôi vẫn là món bún riêu cua.
Cua bắt ở hang sạch sẽ, thường béo nhiều gạch, nhiều thịt, ăn ngon hơn. Sau khi được mẹ chế biến xong món riêu, cho bún, hành vào bát, chan nước riêu cua và nước màu lên trên ăn kèm với đĩa rau sống tươi thì thật là quá ngon miệng trong những ngày hè nóng bức. Nước riêu thanh ngọt vị của cua, thơm vị hành phi, ngậy của tóp mỡ, màu nước vàng óng, đẹp mắt, rau sống tươi ngon. Tuy vậy, để nấu được món bún riêu cua chẳng hề đơn giản. Khó nhất là nấu được nồi nước, ngọt vị cua chứ không bị tanh, bánh cua to, gạch cua vàng ươm trông đẹp mắt. Mẹ thường cho thêm chút mắm tôm để hương vị bát bún riêu thêm đậm đà.
Lớn lên, tôi khoác ba lô lên đường nhập ngũ vào quân đội. Cứ mỗi lần nghỉ phép về thăm nhà, mẹ lại ra đồng bắt cua về làm món bún riêu mà tôi thích. Mẹ nói: “Bây giờ cua cũng hiếm dần do thuốc hóa học. Nhưng món ăn đơn giản này mà con thích thì mẹ cũng cố làm được”. Nghe mẹ nói mà lòng tôi nghẹn ngào xúc động.
Nhiều năm rồi, giờ về quê, mẹ đã đi xa, bún riêu mẹ nấu chỉ còn là hoài niệm. Nhớ bún riêu cua thì ra hàng quán để cảm nhận một chút kí ức mà thôi. Bún riêu cua nhà hàng không ngon như bún riêu cua của mẹ. Đã rất nhiều lần tôi thử hỏi vì sao riêu cua mẹ nấu lại ngon tuyệt vời như thế. Có lẽ những con cua sinh ra từ đồng đất làng quê yêu dấu, được nấu bằng bàn tay khéo léo và cả tấm lòng yêu thương của mẹ? Giữa mùa hè nóng nực, sau buổi làm về mồ hôi lấm tấm, ngồi vào bàn ăn chan bát riêu vào bún trong ánh mắt chan chứa yêu thương của mẹ càng thấm đượm vị ngon của tình cảm gia đình, món bún riêu càng thêm ý vị. Riêu cua nhà hàng, họ dùng máy, xay nhỏ cua nên đôi khi có lẫn cả vỏ ăn nham nhám. Còn món bún riêu của mẹ, đặc biệt trên mỗi bát bún mẹ còn cắt thêm vài lát thân chuối non thật mỏng, vị chuối ngọt chát giúp xua đi vị tanh của cua nên hương vị của bát bún riêu cứ thơm lừng.
Ruộng đồng quê tôi giờ đây kênh mương đã bê tông hóa, chẳng còn mấy bờ đất cho cua có nơi trú ngụ. Thuốc trừ cỏ, trừ sâu khiến cua đồng dần như tuyệt chủng. Bát canh cua vốn là thức ăn bình dân của nhà nông nay trở thành đặc sản. Có nhà hàng lại còn mua thứ “bột cua” cho vào tủ lạnh, khi khách gọi thì múc một thìa cho vào nồi nấu “tốc hành” để cho ra một thứ riêu lễnh loãng, nổi váng lềnh bềnh, vị tanh lờ lợ. Không ngon, đương nhiên rồi!
Thời gian trôi qua, những kỉ niệm tuổi thơ ngọt ngào ngỡ đã đi vào kí ức quên lãng, vậy mà vẫn mãi còn đọng lại một góc nhỏ nơi tâm hồn của những người xa quê, để rồi thỉnh thoảng có dịp dậy lên lao xao trong niềm nhung nhớ tưởng như vừa mới xảy ra ngày hôm qua.
Chiều chiều, ánh mắt cứ nhìn về xa xăm nơi miền quê yêu dấu. Chẳng còn phảng phất khói bếp lam chiều thoảng mùi rơm rạ nữa; mà sao tôi thấy cứ lao xao bao nỗi nhớ quê với những kí ức, những món ăn dân dã đậm nét hương đồng mà nhất là món bún riêu cua. Mỗi lần ngồi trong nhà hàng máy lạnh, trước món “bún riêu cua đặc sản”, tôi chỉ biết lẳng lặng, ngậm ngùi thèm nhớ bát bún riêu cua mẹ nấu.
N.Đ.D (Quảng Bình)
K. vùng chạy.
Trời tối sẫm. Trên bầu trời mọc duy nhất một ngôi sao ban nảy còn hướng Nam, vậy mà bây giờ K. thấy nó lệch về phương Bắc, không biết là ngôi sao đang trôi hay do K. xác định nhầm phương hướng. K. lọt thỏm giữa đêm tối mênh mông. Mây mờ che phủ ánh trăng tròn, bóng tối thống lĩnh cả không gian huyền ảo.
K. không nhớ mình đã ngồi trên xe đò bao nhiêu lâu, cũng không nhớ rõ chiếc xe đã dừng lại bao nhiêu lần trên hành trình dài. Hành khách xuống xe, ngồi lô nhô bên đường. Người đàn bà quay mặt vào góc tường vạch áo cho con bú. Mấy đứa trẻ khóc oa oa đòi mẹ mua cho ổ bánh mì, thanh kẹo cao su hay những thứ quà xanh đỏ của những người bán hàng rong quảy đòn gánh đi lặng lẽ dưới cái nắng nóng ran như đổ lửa. Trên xe chỉ còn lại mình K. K. ngả đầu vào ô cửa, thiêm thiếp. K. đang lơ lửng trong tiềm thức. Hoặc K. không để ý những người xung quanh đã xuống hết cả rồi. Hoặc K. biết nhưng không buồn xuống xe, cơ thể K. đau buốt chỉ cần một cái khe khẽ rung người cũng đủ khiến những vết thương nhức buốt, nước mắt K. trào ra. K. khoác chiếc áo vải rộng bên ngoài, quấn thêm chiếc khăn voan trên cổ, tóc K. thả dài rồi chia đều hai bên vai. Mấy lần bác tài xế cho xe dừng lại để tiếp thêm nhiên liệu, hành khách nghỉ ngơi, K. vẫn lim dim. Người phụ nữ ngồi kế bên với tay lay K. thức dậy, K. thơ thẩn hỏi:
- Tới đâu rồi chị?
Người khách đáp gọn:
- Cỏ Lau. Em về đâu?
K. bình thản đáp:
- Khi nào xe về bến cuối thì em xuống.
Người phụ nữ tỏ vẻ bất ngờ trước câu trả lời có phần mơ hồ của K. nhưng rồi lảng đi. Đôi lúc K. cũng bất ngờ trước quyết định của mình. Lúc K. đứng trước quầy bán vé, chị bán vé hỏi K. về đâu, sượt ngang qua đầu K. là hình ảnh cả cánh đồng cải ngồng trổ bông vàng rực rỡ bên bờ sông, ánh nắng ban mai và bóng dáng cha thấp thoáng trong sương mờ chưa tan hẳn. K. cứ ngờ ngợ nơi đó có cha dù chính K. cũng không biết đó là nơi nào, gần hay xa, đi mấy ngày mới tới. K. buột miệng bảo cô muốn về nơi có vườn cải ngồng trổ bông bên bờ sông. Chị bán vé nhìn K. trân trân, rồi cái nhìn chuyển dần sang thương hại. Chắc chị nghĩ K. khờ khạo, hoặc một tai nạn nào đó thời tuổi trẻ để lại di chứng thần kinh trong K. cũng nên. Chị chần chừ chốc lát rồi đưa K. tấm vé, điểm đến là cái tên lạ hoắc cô chưa nghe lần nào trong đời: Mù Sương – cái tên cũng mờ mịt như chuyến đi của K. và tương lai phía trước. Cô cầm tấm vé trên tay, trong đầu K. mung lung những ý nghĩ không đầu không cuối, K. ngẩn ngơ bước lên chiếc xe đò, ngồi đúng ghế số 10, cạnh cửa sổ, và yên lặng đợi chờ những gì sắp đến. Bến xe đông người, kẻ đi vội vã tìm chuyến xe của mình cho kịp giờ xuất bến, người về rộn rã nói rộn rã cười, tay bắt mặt mừng, huyên thuyên kể chuyện nhau nghe. Chỉ có K. là lặng thinh với những nỗi niềm ngổn ngang trong lòng mình. Chỉ có K. là chênh vênh như cái tên Mù Sương có mùa cải ngồng bên bờ sông ngập nắng...
*
K. vẫn thường mơ thấy cha.
Trong giấc mơ, K. thấy mình bé xíu, tóc cột đuôi gà, K. mặc bộ đồ bông vải mềm và đôi chân không mang dép. Lạ lắm, buổi chiều thanh vắng khói từ chái bếp êm ả bay lên không gian, K. đang ngồi trước hiên nhà bỗng đâu có cơn gió lạ lắm thổi ngang qua chỗ K. ngồi. Cơn gió màu ngũ sắc, vệt xanh, vệt đỏ, tím, vàng... xen lẫn nhau lấp loáng trong ánh nắng buổi chiều. Cơn gió nâng cơ thể K. lên không trung, nhẹ hẫng. Ban đầu K. hoảng hốt gọi mẹ, nhưng hình như mẹ không nghe. K. nhìn xuống cơn gió đang nâng K. bay phiêu lãng giữa đồng cỏ xanh rì, hoa dại li ti từng chùm trắng muốt. K. quá đỗi ngạc nhiên, đôi mắt cay sè. Cơn gió mang hình hài của cha. Bờ lưng, khuôn mặt, mái tóc pha sương và nụ cười hiền dịu của cha. K. mừng rỡ:
- Cha, cha về với con rồi phải không? Con nhớ cha lắm!
Cha cười, gió cắt hình thành bàn tay trìu mến của cha đang xoa đầu K. vuốt tóc K. Cha nói, giọng trong lồng lộng gió:
- Ừ, cha về với K. rồi đây.
- Cha không bỏ con, không bỏ mẹ mà đi nữa chứ?
Cha gật đầu. K. mừng rơi nước mắt. K. bay. Hồi trước K. vẫn ao ước mình biết bay, giá như có phép mầu đưa K. lượn lờ trên không trung nhìn ngắm mây trời, nhìn ngắm đồng cỏ, mùa lúa chín vàng hay những mái tranh liêu xiêu trên bờ đê lộng gió. Giá mà K. có thể bay đi đâu cũng được, nếu K. muốn. Giờ thì K. bay, bay như một loài chim. Hạnh phúc. Hơi ấm của cha tỏa ra vây bọc lấy K. Hơi ấm này bấy lâu K. không được tận hưởng, bỗng chốc ùa về khiến K. điếng người. Phải chăng K. là người hạnh phúc nhất thế gian? Ừ, nhỉ! Ai được cha yêu thương, chở che, bảo bọc; ai sống trong tình yêu thương và tấm lòng nhân hậu của cha cũng trở thành người hạnh phúc nhất thế gian. K thều thào:
- Phải chi có mẹ bay cùng cha con mình, chắc thích lắm, cha nhỉ?
- Ừ,... Cha thì thầm.
K. bỗng nhớ lại buổi chiều năm ấy, xa lắm, khi K. còn bé xíu. Cha cõng K. xuống xuồng, bảo K. ngồi im để cha lấy mái dầm bơi xuồng qua sông. K. không biết bơi. Nghe lời cha dặn, K. ngồi im, tay vịn vào be xuồng cho chắc. Nhìn thấy con bìm bịp nằm chết dưới sông, K. thương đứt ruột nhưng cũng không dám thò tay vớt con bìm bịp lên xuồng. K. bỗng nhớ lại ngày cả gia đình còn sống trong căn nhà nhỏ cạnh con mương dẫn nước vào cánh đồng, mùa lụt, có con vịt chết chìm, K. tò mò thò tay xuống nước định vớt con vịt thì không biết từ đâu, một đàn cá lìm kìm, lòng tong cứ bám lấy tay K. mà rỉa. Sợ quá, K. la lên “Cha ơi, con cá lìm kìm cắn con cha ơi!”. Mẹ K. ngồi bên cạnh, xoa đầu K. cười. Thuở ấy, gia đình K. hạnh phúc. Cha mẹ rất thương yêu nhau. Đoạn đầu cuộc đời K. bình an như ngọn cỏ trên đồng, nắng hay mưa vẫn bình yên mà tô điểm cho đời cái sắc xanh mơn mởn.
Bơi xuồng qua sông, cha cắm mái dầm xuống vũng bùn giữ cho chiếc xuồng khỏi trôi ra rồi bồng K. bước lên bờ. K. hỏi:
- Mình đi đâu vậy cha?
Cha hôn và má K., nói khẽ:
- Đi tới đâu sống được thì đi.
K. chênh vênh. Cha cũng chênh vênh. Cha cõng K. chạy vùng vụt trên bờ đê, băng qua cánh đồng, chân cha bám bùn. Bóng tối chập chờn phía trước. Trên đồng chỉ còn lại hai cha con K. Một tiếng cúm núm kêu sương buồn não nuột vọng về. Đang chạy trên đồng, bỗng dưng cha đứng sững lại. Cha đang nghĩ gì? Cha đang nghĩ về tương lai của K., nghĩ về cái bóng đêm đang dần buông trước mặt. Cha ngoái lại phía sau, cỏ vẫn tươi màu. Cha nhìn K. mắt ứa nước. K. hỏi:
- Sao cha không đi tiếp?
Cha hôn vuốt tóc K., rỉ tai:
- Cha đưa con về, có chịu không?
- Sao con về? Còn cha? Cha không về cùng con ư? K. vừa hỏi cha, vừa mếu máo.
- Con phải về, đi theo cha, tăm tối lắm.
Nói rồi cha cõng K. chạy ngược trở lại bến sông có chiếc xuồng nằm chông chênh bờ bãi. Cha đặt K. xuống, hôn gấp gáp lên má K. Nhà ở bên kia sông. Cha bảo K. gọi mẹ, gọi to để mẹ nghe thấy, mẹ sẽ băng ngang qua dòng sông này đón K. trở về nhà. Còn cha lao vào bóng đêm. Biền biệt. Cha đi, lòng man mác nỗi sầu. K. đứng bên bờ sông vừa gọi mẹ, vừa khóc thét.
Nhiều lần K. nhớ cha, K. đòi mẹ dẫn K. đi tìm cha trở về. Mẹ ngăn. K. hờn dỗi hỏi bộ mẹ không thương cha, không thương K. hay sao. Mẹ bảo chỗ cha ở cách hai mẹ con K. xa lắm, có khi đi suốt cuộc đời cũng không bao giờ đến được. K. thèm được nghe giọng nói trầm ấm của cha, thèm hơi ấm của cha âu yếm vỗ về K. trong những đêm gió thốc bời bời. K. thèm được cha đưa K. đi học mỗi ngày, chiều chiều cha lại đợi K. về rồi dắt K. ra cánh đồng thả diều, chạy nhảy. K. đi học, bài vỡ lòng cô giáo dạy K. là tiếng “mẹ”, tiếng “cha”. K. chỉ đánh vần được mỗi tiếng “mẹ”, còn tiếng “cha” K. lúng túng mãi cũng không đọc được nên lời, cứ mỗi lần âm “ch” bật ra là cổ họng K. lại ngẹn đắng, âm “a” vì thế mà tắt lịm hẳn đi.
K. vẫn thường nằm mơ thấy cha. Cha cười. Cha vẫy tay. Cha đứng bên cạnh xoa đầu K., vuốt lọn tóc của K. Cha khen K. mau lớn quá, càng lớn khuôn mặt K. càng giống mẹ. Ngày còn trẻ mẹ có khuôn mặt trái xoan, nước da mặn mòi, đôi mắt long lanh và nụ cười duyên dáng. K. thừa hưởng nét đẹp từ mẹ, sự chân chất của cha. K. hỏi sao cha bỏ mẹ con K. mà đi... thì cha lặng im. Mắt cha thoáng buồn. Lát sau, cha bảo cha đâu có bỏ hai mẹ con, cha chỉ ở một nơi xa xôi, trên cánh đồng cải ngồng. Khi cải còn xanh thì cha tranh thủ về thăm K. Đến chừng cải trổ bông vàng thì cha phải ở lại giữ cho bông cải ngồng vàng rực suốt mùa, om bướm bay về dập dờn trên từng luống cải. K. hứa mùa cải ngồng năm sau K. sẽ đến thăm cha. Cha cười, bảo chừng nào nhớ K. thì cha về thăm, K. khỏi đi tìm, đường xa xôi, K. đi kẻo lạc thì khổ. Lạc nhau đau đớn thế nào mà người ta lại e dè một lần lầm đường, lạc lối?...
Đó là những mường tượng của K. về đoạn đầu cuộc đời...
Còn bây giờ thì K. đang bay. Bay trong giấc mơ. Bay cùng cha.
Cha là ngọn gió ngũ sắc – gió có màu. Cha cõng K. bay qua bao miền hoa cỏ. Hơi ấm. Nụ cười. Nắng rực. Âm vọng của bình an xoa dịu trái tim nhiều mảnh vá của K.
*
Màu đen trải dài trên vùng đất rộng. Sương rơi bì bõm. K. co ro, cô kéo chiếc áo khoác choàng ngang, quờ quờ cột hai sợi dây trước ngực lại với nhau để hai vạt áo không theo gió bay phơ phất. Hơi lạnh luồng vào ngực K., lưng K. Những vết thương chưa lành hẳn, vẫn còn bầm và rỉ ra một thứ nước trong suốt, hơi tanh. Đau buốt. Cô rùng mình, cảm giác có một luồng điện tê dại chạy dọc từ đỉnh đầu xuống tận sống lưng K. Cô nhìn dáo dác xung quanh, màu đen đặc sệt, K. cố gắng tìm một nguồn sáng hiếm hoi giữa mảnh đất tăm tối không người. Một con đom đóm bay là là trong không trung. Hai con đom đóm. Ba con đom đóm... Và nhiều con đom đóm khác bay ngang qua, chúng xếp thành một đường tròn lơ lửng trong không trung. K. đứng lặng, trố mắt nhìn. Tay K. ôm lấy đôi vai chính mình mà khuôn mặt ngẩn lên bầu trời. Sao và đom đóm. Những sắc màu rực rỡ. Đẹp quá, K. chép miệng. Chưa bao giờ K. cảm nhận được những khoảnh khắc bình yên như thế này. K. muốn thét lên cho màn đêm vỡ vụn, cho những nỗi đau vỡ vụn. Nhưng K. yếu quá, bác sĩ bảo K. đừng làm gì quá sức trong lúc này, không khéo những vết thương của K. lại bật máu, nhức nhối. K. đứng lặng ngắm nhìn khoảng trời bình an. Cô nhớ man mác dường như mình đã gặp cảnh tượng này ở đâu rồi thì phải. Hình như trong giấc mơ xa xôi. Cảnh tượng đẹp như cổ tích. Khoảng trời lung linh ấy chỉ có riêng K. và tiếng nước trôi trên dòng sông rộng lớn. K. đang ở cạnh bờ sông. Hơi lạnh ban đêm hòa lẫn với luồng gió lạnh se da từ dòng sông bay về vây bọc lấy K. Đêm bình an mà cô đơn.
K. nhớ lại cảnh tượng chen chúc nhau, mệt nhoài, nóng nực trên chiếc xe đò K. đi gần hai ngày mới tới. Chuyến xe đường dài. K. qua bao cánh đồng, nội cỏ, con dốc, đường đèo... cuối cùng mới đến mảnh đất Mù Sương với sương đêm mờ mờ giăng giăng đúng như tên gọi. K. nhún vai. Đôi chỗ xe xóc mạnh, người nọ ngả qua người kia, vết thương của K. bị hành khách kế bên va vào, đau chảy cả nước mắt. K. nép người sát vào trong, vòng tay ôm lấy thân mình. Lim dim.
Mở mắt ra, K. thấy ngoài ô cửa là một nơi hoàn toàn xa lạ.
Mở mắt ra, K. thấy mình đứng ngẩn ngơ trong bóng đêm chập chờn. Chiếc xe quay đầu trở về bến cũ.
K. đi tiếp. Bầy đom đóm cũng bay đi để lại bóng đêm đen ngòm...
Đi được một quãng thì K. mệt nhoài. Những vết thương rát rạt. Mà bóng cha lòa nhòa trong màn đêm. K. đã trông thấy cha. Cha trở về y như những lần trước. K. định nói “Cha ơi, con đi không nổi nữa rồi”. Nhưng K. không nói được. Cha không cõng K. bay bay trên đồng nội như những lần trước. K. đứng lặng im, nhìn K. Mắt cha màu đỏ. K. nằm sóng xoài trên tấm thảm thiên nhiên mềm mại, dịu dàng. Chắc là cỏ. Ươn ướt. Không. Không phải cỏ. Mùi cải ngồng dập nát, tan ra hòa lẫn trong sương rồi thoang thoảng vào mũi K. Mùi cải ngồng là mùi của kí ức, của những giấc mơ. Hóa ra, giấc mơ cũng có mùi. Nếu K. không mơ thấy mùi cải ngồng và hình bóng của cha. Nếu K. không thoáng nghĩ đến vườn cải vàng rực bên bờ sông thì có lẽ đời K. đã chìm nghỉm khi những rắp tăm tanh bẩn cứ mạnh bạo nhấn chìm K. giữa đời thường. Nếu K. không đi tìm cải ngồng, chắc bây giờ K. đã về với gió trời, K. tan vào thế giới của tro nguội, bụi lạnh...
Đêm trên đồng cải ngồng cạnh dòng sông. Thanh tịnh. Ngôi sao sáng rực trên nền trời. Những bông hoa cải li ti bỗng dưng lóe lên thành tia sáng lấp lánh giữa màn đêm. Trong giấc mơ, K. đưa tay bứt lấy một nắm bông cải ngồng. Bông hoa dập nát trên tay K., mùi nồng nồng. K. từ từ đưa lên mũi ngửi. K. áp bông cải vào ngực mình, một cảm giác ấm áp lạ thường giống cảm giác ngày xưa, xưa lắm, K. có cha bên cạnh, âu yếm, yêu thương...
Cha K. hiền lắm. Khuôn mặt cha nhân từ dẫu thời gian hằn in dấu vết của cơ cực, âu lo. Mỗi lần nghĩ đến cha, lòng K. thanh thản hẳn đi, không giống như khuôn mặt độc ác, dơ bẩn vẫn thường tìm đến với K. trong những đêm trăng sáng. Khuôn mặt ấy dí sát vào người K., áp chặt vào bầu ngực nhấp nhô nõn nà của K. Hắn lù lù trong bóng tối như một con thú hoang khát thèm da thịt. Hắn nhìn K. cười nham nhở. Căn phòng lặng thinh nồng nặc mùi thuốc lá hắn nhả vào. K. giãy giụa. K. van xin. Hắn giữ chặt lấy K., đôi tay hắn từ từ cởi từng cúc áo của K., xé toạc chiếc cóoc xê của K. để lộ bộ ngực trần của cô gái dậy thì, thơm tho, sạch sẽ. Hắn gặm nhấm như gặm một cái bánh ngọt, cái lưỡi tanh tưởi mùi thuốc lá rê dần, rê dần khắp người K. Tủi nhục. Xót xa. K. gọi mẹ. Mà mẹ đi đâu vẫn chưa về. Bất lực, K. gọi cha. Ước gì đây là một giấc mơ. Giấc mơ để cha trở về cứu K. ra khỏi cuộc cưỡng đoạt mà khuôn mặt đang hả hê nhìn K. chính là khuôn mặt của - thằng - cha - dượng mất hết nhân tính. K. khóc. Nước mắt K. ứa ra ướt cả lọn tóc xòa xòa hai bên. Sau mỗi cuộc chiếm đoạt, người cha dượng bình thản bỏ đi để lại K. với nỗi đau xác thân, nỗi đau tâm hồn hoen ố. K. trở nên trầm tính, ít nói, suốt ngày ru rú trong căn phòng nhỏ nhìn ra vườn. Cái cửa sổ K. đóng chặt tư niên. K. sợ mở ra sẽ trông thấy khuôn mặt đàn ông đứng nhìn K. thèm thuồng, thách thức như những đêm về gần sáng.
Mùa trăng. Hắn lại tìm đến cô. Nửa đêm, cánh cửa phòng K. ngủ bật mở. Nghe tiếng kẽo kẹt, K. hốt hoảng. Một chiếc bóng đen ngòm sấn vào trong phòng. Đêm trăng. K. giật mình lùi về phía góc tường, ngồi im lặng. Dường như K. không thở nữa. Giá mà trăng không sáng rực trên bầu trời đêm nay để hắn không nhìn thấy K. Bàn chân ấy bước đến bên K. Hắn đưa tay kéo K. đứng dậy rồi xô K. ngã ngửa trên giường. Ban đầu, K. cắn chặt môi đến bật máu, nhắm mắt đợi chờ những nỗi đau sắp đến như quy luật của những mùa trăng. Trong đầu K. thoáng nghĩ về cha. Và mùi bông cải. K. bật dậy. Hắn lại xô K. K. chống trả quyết liệt. K. chửi hắn là “đồ mất dạy”, “thằng tồi”. Nhớ lại những lần hắn hành hạ K. đau không chịu được, K. cắn mạnh vào cổ hắn, ngấu nghiến, cắn đến khi K. cảm nhận đầu lưỡi mình có vị mằn mặn, tanh tanh của máu. Miệng K. bê bết máu. K. cười. Nụ cười màu máu. Khi K. vừa buông hắn ra, ngay lập tức hắn tát vào mặt K. mấy cái đau điếng. K. vùng chạy, hắn kéo K. lại hành hạ K. đến rũ rượi, người K. mỏi nhừ. Hắn tìm được thanh gỗ dưới chân giường, quật tới tấp vào lưng K. như đánh một con trâu, con ngựa. Đau đớn. K. gào lên, vật vã. Hắn chẳng màng. Hắn cứ đánh K. bằng thanh gỗ mà không biết rằng trên thanh gỗ ấy lô nhô những chiếc đinh sắt đầu nhọn hoắc cắm phập vào da thịt của K. Máu ướt cả thanh gỗ. Đánh K. được một lúc thì hắn thỏa mãn bỏ đi.
Trong bóng tối, máu K. chảy ra, sợi dài, sợi ngắn, màu đỏ... đan chặt vào đêm.
K. vẫn thường la hét khi đêm về gần sáng. K. gọi cha. K. bảo cha về dẫn K. đi cùng. Vắng cha, đời K. đầy rẫy những bão dông, niềm đau, tủi nhục...
*
Trong đớn đau, tăm tối, người ta thường nghĩ về cái “ngày mai”, dẫu chưa biết ngày mai ấy sẽ như thế nào, nhưng chắc chắn rằng nó sẽ rực rỡ và an yên hơn. Đời có thế nào đi nữa thì hãy tin rằng phía cuối con đường có những điều ngọt ngào và xinh đẹp mà chúng ta khao khát, đợi chờ. Một bóng hình. Một niềm vui hay đơn giản là sắc vàng tươi của bông cải ngồng bên bờ sông lấp lánh...
Gió vờn nhành bông cải lập lờ trên khuôn mặt của K. Cô thức giấc, đôi mắt cô chớp chớp mấy cái rồi mở hẳn, trong se, lóng lánh. Những tia nắng mai rọi thẳng vào đồng tử của K. Những vết thương trên cơ thể K. đã bớt đau, da non đã bắt đầu phủ trên miệng vết thương sau một đêm ngủ trên cánh đồng cải ngồng mênh mông, tít tắp.
Cải ngồng trổ bông đẹp quá! K. trầm trồ, mắt K. rực sáng. Cánh đồng này K. đa từng trông thấy trong giấc mơ. K. cứ ngỡ tất cả chỉ là mộng tưởng. Ngay cả chuyến đi này, K. đi tìm cánh đồng cải ngồng bên bờ sông mà cứ ngờ ngợ sẽ chẳng bao giờ tìm được. Cuối cùng K. cũng tìm thấy, K. đang nằm trên thảm bông vàng mượt mà, mát rượi. Lòng K. hân hoan. Hình như đêm qua cải ngồng đã giúp K. gột rửa những gì dơ bẩn trên cơ thể của K., gột rửa những vết ố đeo bám khoảng trời thanh xuân của một người con gái.
Cải ngồng đã trổ bông rồi. Còn cha ở đâu?
K. dáo dác tìm cha. Trong mùa bông cải...
*
K. ở hẳn bên bờ sông. Ngôi nhà nhỏ giữa đồng cải xanh rì, bông vàng lấm tấm.
Mỗi ngày, K. mang sách ra hàng ba ngồi đọc. Trên trời xanh. Dưới cải ngồng xanh. Đôi mắt K. màu xanh. Bình an... cũng màu xanh.
Đợi cha.
K. nhìn ra cánh đồng. Gió lộng. K. biết rằng khi bóng đêm buông xuống, cha sẽ về. Cha về trong tiềm thức, trong giấc mơ K. Cha sẽ mỉm cười, tay cha xoa đầu K., vuốt tóc K. Cảm giác bên cha là cảm giác bình yên, che chở...
K. nghe trong gió có tiếng ai thì thào:
Mùa này bông cải nở
Rực rỡ bờ sông quê..
H.K.D
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)