Mở đường thượng đạo, Trần Quang Diệu nổi danh
Can tội giết vua, Phạm Ngô Cầu bị chém.
* * *
Ngày ấy trong Hoàng Đế thành (thành Quy Nhơn) vua Thái Đức thiết triều. Đủ mặt bá quan, vua nói:
- Triệu Đình Tiệp về báo tin rằng đã lừa được Phạm Ngô Cầu lập đàn cầu đảo giải oan hồn thải tử Vỹ theo báo oán. Vậy nay ta phong Nguyễn Lữ làm chánh tướng được trọn quyền điều động binh lương. Em hãy cất quân lấy đất Thuận Hóa đuổi quân Trịnh ra khỏi Luỹ Thầy, dùng sông Linh Giang làm ranh giới bắt Phạm Ngô Cầu về cho ta trị tội giết vua hại dân. Nếu được thế thì ta đã dựng nên nghiệp lớn làm vua nghênh ngang một cõi. So với họ Trịnh ở Bắc Hà nào có kém gì? Lữ hãy mau lãnh lấy binh phù.
Nguyễn Lữ thật thà nói:
- Lấy đất Thuận Hóa là việc trọng đại, e rằng em không đảm đương nổi. Xin Hoàng huynh giao cho anh Huệ điều binh.
Nguyễn Lữ vừa dứt lời, Nguyễn Huệ vẫn chưa dám bày tỏ thái độ gì, bỗng một người bước ra nói lớn:
- Nếu Tiết chế Hoàng thúc thoái thác tôi xin lãnh binh đánh giặc.
Mọi người giật mình nhìn lại thì ra là phò mã Vũ Văn Nhậm. Nguyễn Văn Tuyết vễnh râu xen vào nói:
- Tâu bệ hạ, người thống lãnh ba quân phải được tướng sĩ đồng lòng mến đức sợ uy. Xem ra việc này ngoài Long Nhương tướng quân không ai làm nổi.
Vũ Văn Nhậm đỏ mặt tía tai nói:
- Long Nhương Hoàng thúc vừa đánh quân Tiêm La về xong còn phải nghỉ ngơi. Tiết chế Hoàng thúc chối từ trọng trách. Vả chăng Phạm Ngô Cầu là kẻ bất tài việc gì phải cần đến Long Nhương Hoàng thúc ra tay.
Vua Thái Đức can hai tướng rằng:
- Tuyết và Nhậm chớ cãi nhau nữa. Quả thật việc đánh Thuận Hóa nếu không do ta ngự giá thân chinh thì phải do Nguyễn Huệ điều binh đánh giặc mới yên. Vậy Huệ có thể vì ta mà vất vả một phen nữa chăng?
Nguyễn Huệ kính cẩn đáp:
- Hoàng huynh đã xuống lệnh, vì muôn dân xã tắc dù phải phơi thây ngoài cỏ nội em chẳng dám từ nan.
Vũ Văn Nhậm thẹn vì không được giao quyền điều binh khiển tướng bèn hỏi Huệ rằng:
- Theo Hoàng thúc ta nên đánh bằng thuỷ binh hay bộ binh?
Huệ miễn cưỡng đáp lời Nhậm:
- Đường bộ đến Phú Xuân có Hải Vân quan hiểm trở, chỉ nên dùng quân bộ làm kế nghi binh. Chủ lực chiếm Phú Xuân phải bằng thuỷ binh.
Vũ Văn Nhậm thưa với vua Thái Đức:
- Xin phụ Hoàng cho con lãnh đạo quân bộ, Long Nhương hoàng thúc lãnh đạo quân thủy, nếu ai vào Phú Xuân trước là người ấy lập công đầu.
Nguyễn Huệ ngạc nhiên hỏi:
- Đường bộ đến Phú Xuân phải qua Hải Vân quan hiểm trở, dù thiên binh vạn mã cũng khó lòng đáng thắng. Nhậm nghĩ rằng có thể đến Phú Xuân trước thuỷ binh sao?
Nhậm đáp liều:
- Nếu tôi không đến Phú Xuân trước thì cũng phải đến cùng lúc với Hoàng thúc vậy.
Nguyễn Huệ mỉm cười gật gù bảo:
- Ta tin tài của Nhậm có thể vượt Hải Vân quan dễ dàng. Xin Hoàng huynh hãy cho Vũ Văn Nhậm lãnh bộ binh đi trước.
Vua Thái Đức xua tay bảo:
- Không được!
Huệ hỏi:
- Thưa Hoàng huynh vì sao không được?
Vua Thái Đức đáp:
- Quân Trịnh chiếm Hải Vân quan từ cao đánh xuống một có thể địch trăm. Nếu cược như thế Vũ Văn Nhậm nóng lòng xua quân tiến đánh tất quân ta phải tổn thất lớn. Việc này thật không nên!
Nguyễn Huệ tâu:
- Hoàng huynh hãy yên tâm. Em xin bảo đảm rằng Vũ Văn Nhậm sẽ có cách vượt Hải Vân quan mà không tổn tướng hao quân.
Vua Thái Đức hỏi:
- Nếu Vũ Văn Nhậm làm tổn thất quân ta thì thế nào?
Huệ đáp:
- Nếu vậy em xin chịu tội thay cho Nhậm.
Vua Thái Đức bảo:
- Được! Tin lời Huệ ta lệnh cho Vũ Văn Nhậm đem một vạn bộ binh tiến đánh ải Hải Vân. Nguyễn Huệ đem một vạn thuỷ binh tiến đánh Phú Xuân. Ai vào Phú Xuân trước sẽ lập được công đầu.
Vũ Văn Nhậm lãnh binh phù hăm hở đi ngay.
Nguyễn Huệ lãnh binh phù rồi lui ra. Ra ngoài Nguyễn Hữu Chỉnh hỏi Huệ:
- Tướng quân cược với Hoàng thượng và phò mã phen này là Vũ Văn Nhậm lập được công đầu mà tướng quân lại mắc tội với vua vậy?
Nguyễn Huệ cười hỏi:
- Ông Chỉnh nói vậy là ý thế nào?
Chỉnh đáp:
- Vũ Văn Nhậm sẽ xua một vạn quân đánh Hải Vân quan dù tổn thất nhưng chắc phải thắng. Tổn thất thì tướng quân lãnh tội. Nhậm vào thành trước thì được công. Ấy chẳng phải là tướng quân thiệt hoàn toàn ư?
Huệ cười bảo:
- Vũ Văn Nhậm sẽ không tổn thất một mũi tên hòn đạn mà vẫn vượt Hải Vân quan thì ta sao bị tội được! Nhậm sẽ chiếm đựoc thành trước nhưng không dám nhận là công. Ta muốn mượn việc cá cược này cho Nhậm một bài học hầu bỏ bớt tật kiêu căng háo thắng.
Chỉnh ngạc nhiên hỏi:
- Sao lại có việc lạ như thế?
Huệ cười đáp:
- Đợi vào thành Phú Xuân ông sẽ rõ!
Chỉnh hồ nghi nhưng không dám hỏi, bèn bái tạ ra về. Nguyễn Huệ liền gọi Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đến bảo:
- Hai ngươi mau lãnh một ngàn tinh binh theo đường Thượng đạo đi vòng qua phía tây ải Hải Vân rồi bầt ngờ đánh úp chiếm lấy ải. Xong việc phải lấy đầu Hoàng Nghĩa Hồ rồi dẫn quân vào rừng ẩn nấp. Bao giờ thấy ở thành Phú Xuân treo cờ Tây Sơn ta thì hãy đem đầu Hoàng Nghĩa Hồ vào gặp ta.
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân tuân lệnh đi ngay.
Xong mọi việc Nguyễn Huệ mới lệnh truyền thuỷ binh xuất phát.
* * *
Mùa hè năm Bính Ngọ (1786) niên hiệu Thái Đức thứ chín, quân Tây Sơn thuỷ bộ hai đạo rầm rộ tiến đánh Phú Xuân – Thuận Hóa.
Nguyễn Huệ và Nguyễn Hữu Chỉnh đem thuỷ binh vào cửa biển Tư Hiền, thuỷ binh quân Trịnh bất ngờ trở tay không kịp bỏ thuyền chạy vào thành Phú Xuân. Nguyễn Huệ bảo quân:
- Truyền lệnh ta lập thuỷ trại ngoài cửa biển không đựơc đuổi theo.
Nguyễn Hữu Chỉnh ngạc nhiên hỏi:
- Sao tướng quân không thừa thắng tiến đánh thành Phú Xuân mà lại đóng binh ở đây?
Huệ chỉ lên hòn núi cạnh cửa biển rồi đáp:
- Núi Quy Sơn án ngữ đường thuỷ vào thành Phú Xuân. Ta đóng quân ngoài cửa biển tất Hoàng Đình Thể sẽ đem quân chiếm núi Quy Sơn chống nhau với thuỷ binh của ta ở mặt đông, bỏ trống mặt nam cho Vũ Văn Nhậm chiếm thành. Nhậm chiếm thành rồi, Hoàng Đình Thể tiến thoái lưỡng nan tất phải đầu hàng. Ấy là quân ta không tốn bao nhiêu công sức mà bình được Thuận Hóa vậy.
Chỉnh nói:
- Tôi e Vũ Văn Nhậm vượt qua Hải Vân quan hao quân tổn tướng không đủ sức để chiếm thành. Khi ấy là tướng quân bỏ lỡ thời cơ tốt.
Huệ cười bảo:
- Ông liệu việc sai rồi! Vũ Văn Nhậm chiếm ải Hải Vân mà không tốn một mũi tên hòn đạn nào đâu.
Chỉnh không cãi nhưng trong lòng không phục
* * *
Nói về Phạm Ngô Cầu đem một vạn quân thay phiên nhau lập đàn cầu đảo ở phía tây nam thành Phú Xuân, ngày đêm thành khẩn cầu cho hồn Thái tử Vỹ được siêu thoát. Đến ngày thứ bảy quân lính mõi mệt rã rời. Phạm Ngô Cầu bảo quân:
- Chỉ còn ngày nay nữa là xong việc. Ta sẽ cho các ngươi ăn uống no say, nghỉ ngơi thỏa thích. Chả bù cho bảy ngày đêm cực nhọc quá chừng.
Cầu vừa dứt lời thì một tên quân hớt hải chạy vào phi báo:
- Thưa đại tướng quân, phó tướng Hoàng Đình Thể sai người đến báo rằng: Giặc Tây Sơn đem thủy binh vào cửa biển Tư Hiền uy hiếp mặt đông thành Phú Xuân.
Cầu giật mình kinh hãi nói:
- Thôi chết! Quân Tây Sơn thừa lúc ta bận cầu đảo không phòng bị nên tiến đánh bất ngờ. Truyền quân mau về thành.
Vào thành, Cầu hỏi Hoàng Đình Thể rằng:
- Phó tướng có kế gì chống giặc chăng?
Thể đáp:
- Tôi có một cách khiến giặc phải chết không còn một mạng.
Cầu vội hỏi:
- Kế thế nào? Nếu hay ta lập tức thi hành!
Thể đáp:
- Đại tướng quân cứ lập đàn mời thầy pháp về cầu đảo ắt giặc phải tan.
Cầu buồn rầu nói:
- Tôi đã biết lỗi, việc đến nước này trách nhau phỏng có ích gì! Tướng quân hãy vì xã tắc mà định kế chống giặc cho.
Bấy giờ Hoàng Đình Thể mới nói:
- Nguyễn Huệ đem thủy binh đóng ở cửa biển Tư Hiền tôi xin đem binh chiếm núi Quy Sơn chặn đường tiến quân của địch. Đai tướng quân ở lại giữ thành.
Cầu hỏi lại:
- Thế ngộ nhỡ bộ binh của giặc từ phía nam đánh tới thì sao?
Thể đáp:
- Phía Nam thành có ải Hải Vân hiểm trở, một quân ta có thể địch trăm quân giặc. Ải Hải Vân lại do Quyền Trung hầu Hoàng Nghĩa Hồ trấn thủ thì giặc không thể nào vượt khỏi Hải Vân Quan.
Cầu bảo:
- Nếu vậy ta an tâm thủ thành, tướng quân mau đi đi.
Hoàng Đình Thể liền cùng hai con trai là Hoàng Đình Vị, Hoàng Đình Định tuỳ tướng Vũ Tá Kiên đem một vạn quân ra phía đông thành chiếm đóng núi Quy Sơn. Bố trận xong, Hoàng Đình Thể chỉ tay xuống thuỷ trại Tây Sơn nói với hai con mình rằng:
- Ta nghe Nguyễn Huệ là danh tướng của giặc Tây Sơn. Sao vào cửa biển Tư Hiền mà không chiếm núi Quy Sơn trước? Thật là lạ! Ta e rằng Nguyễn Huệ có kế gì đây! Các con phải canh phòng cẩn mật mới được.
* * *
Phần Vũ Văn Nhậm dẫn bộ quân đến ải Hải Vân. Nhậm dừng quân dưới núi rồi sai quân lén lên ải do thám. Quân do thám về báo rằng:
- Quân Trịnh trên ải Hải Vân đã bỏ trốn không còn một ai cả. Doanh trại đều bỏ trống.
Vũ Văn Nhậm tự đắc nói với tả hữu rằng:
- Hoàng Nghĩa Hồ vừa nghe oai Tây Sơn phò mã Vũ văn Nhậm ta đã kinh hoàng bỏ trốn mất rồi.
Nói xong thích chí cười ha hả. Đoạn Nhậm bảo quân do thám:
- Các ngươi mau đi trước đến thành Phú Xuân dò xét xem sao!
Nhậm hạ lệnh tiến quân chiếm ải Hải Vân. Quân do thám lại về báo với Nhậm rằng:
- Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ đem thủy binh vào cửa Tư Hiền. Tướng Trịnh là Hoàng Đình Thể đã đem toàn quân chiếm núi Quy Sơn chống nhau với thủy quân của Long Nhương. Trong thành Phú Xuân còn lại một vạn quân do Phạm Ngô Cầu trấn giữ.
Nhậm lại hỏi:
- Quân Phạm Ngô Cầu mạnh yếu thế nào?
Quân đáp:
- Vạn quân này theo Phạm Ngô Cầu lập đàn cầu đảo mất ăn mất ngủ suốt bảy ngày đêm, hiện đang rất là mỏi mệt.
Nhậm cả mừng nói:
- Ấy thật là trời giúp ta rồi vậy! Truyền quân bí mật tiến đánh thành Phú Xuân.
Quân Nhậm lặng lẽ thừa lúc tối trời tiến sát cổng nam thành Phú Xuân. Quân Trịnh trong thành không hề hay biết. Nhậm sai quân đặt đại bác bắn phá thành. Phạm Ngô Cầu đang đêm nghe súng nổ rền trời, thất kinh nói:
- Hoàng Nghĩa Hồ trấn ải Hải Vân sao không thấy về báo việc quân? Sao giặc Tây Sơn chiếm ải Hải Vân tài tình thế? Đến nước này ta đầu hàng là hơn, may ra còn đường sống!
Nói xong Cầu sai quân mở cửa ra hàng.
Phần Nguyễn Huệ lập thuỷ trại ở cửa biển Tư Hiền, thấy quân Trịnh kéo ra đóng quân ở núi Quy Sơn, Huệ cười bảo Chỉnh:
- Hoàng Đình Thể quả nhiên đem quân ra khỏi thành đóng ở núi Quy Sơn để chận quân ta. Nếu Vũ Văn Nhậm chiếm được thành chẳng phải Hoàng Đình Thể cùng đường sao?
Chỉnh cười thưa:
- Núi Quy Sơn là yết hầu của Phú Xuân. Bậc làm tướng giỏi tất phải chiếm lấy Qui Sơn, và phải thấy rằng Vũ Văn Nhậm vượt ải Hải Vân tất không còn đủ binh lực chiếm lấy thành Phú Xuân.
Huệ hỏi:
- Nếu ông là Hoàng Đình Thể thì ông sẽ điều binh như thế nào?
Chỉnh đáp:
- Tôi cũng đem binh chiếm núi Qui Sơn.
Huệ cười bảo:
- Kẻ cầm quân muốn trăm trận trăm thắng thì phải thấy được cái mà người làm tướng bình thường không nhìn thấy.
Huệ vừa dứt lời đã thấy cờ đỏ mặt trời vàng bay phấp phới trên mặt thành Phú Xuân. Huệ vỗ tay cười nói:
- Vũ Văn Nhậm đã chiếm được thành Phú Xuân. Vậy Hoàng Đình Thể không phải cùng đường là gì?
Nguyễn Hữu Chỉnh kinh ngạc nói:
- Tướng quân liệu việc như thần! Sao tướng quân đoán trước được Vũ Văn Nhậm vượt Hải Vân quan và chiếm thành Phú Xuân nhanh thế?
Huệ lại cười rồi đáp:
- Chờ vào thành gặp Vũ Văn Nhậm ông sẽ rõ. Truyền lệnh ta lập tức xuất binh đánh Hoàng Đình Thể ở núi Quy Sơn.
Quân Tây Sơn ồ ạt tiến lên. Quân Trịnh thấy thành Phú Xuân mất, hoảng sợ rối loạn hàng ngũ. Cha con Hoàng Đình Thể và tuỳ tướng Vũ Tá Kiên cố sức chống giữ, sau cùng thất thế chết trong đám loạn quân.
Nguyễn Huệ toàn thắng dẫn quân vào thành. Huệ cùng các tướng vào nội phủ. Vũ Văn Nhậm ra đón mời vào. An tọa xong, Nhậm hỏi Huệ:
- Lúc xuất quân ở thành Quy Nhơn, Hoàng thượng có bảo ai chiếm thành trước sẽ lập công đầu được trao quyền điều binh khiển tướng lấy Thuận Hóa. Nay tôi đã chiếm thành trước, vậy ý Hoàng thúc thế nào?
Huệ cười đáp:
- Lời ta đã hứa trước Hoàng huynh ta quên sao được. Nhưng Nhậm đánh ải Hải Vân thế nào? Nếu hao quân tổn tướng ta sẽ về thọ tội với Hoàng huynh!
Nhậm tự đắc đáp:
- Cháu đem quân đánh ải Hải Vân được toàn thắng chém đầu Hoàng Nghĩa Hồ, tiêu diệt toàn bộ địch quân. Bên ta không mất một nhân mạng. Xin Hoàng thúc chớ lo có tội.
Nhậm vừa dứt lời, Huệ vỗ án quát:
- Vũ Văn Nhậm thật là láo xược! Ngươi kéo quân đến ải Hải Vân đã bỏ trống, sao dám bảo là đánh chiếm ải, chém đầu Hoàng Nghĩa Hồ?
Nhậm giật mình nhưng cố chống chế:
- Nếu không phải tôi đánh chiếm Hải Vân quan sao có thể chiếm thành Phú Xuân được. Xin Hoàng thúc xét lại.
Huệ trừng mắt hỏi:
- Ngươi chém Hoàng Nghĩa Hồ, vậy thủ cấp của Hoàng Nghĩa Hồ đâu?
Nhậm đáp:
- Tôi không đem theo làm gì nên đã quăng thây Hoàng Nghĩa Hồ xuống vực.
Huệ quay lại bảo quân:
- Hãy bảo Trần Quang Diệu mang thủ cấp Hoàng Nghĩa Hồ đến đây cho ta.
Trần Quang Diệu đem vào một cái đầu người dâng dưới trướng. Huệ hỏi Nhậm:
- Ngươi hãy nhìn xem đây có phải là thủ cấp của Hoàng Nghĩa Hồ chăng?
Nhậm thất kinh đáp:
- Ấy là thủ cấp của Hoàng Nghĩa Hồ, nhưng sao Trần Quang Diệu có được?
Huệ cười trả lời Nhậm rằng:
- Ta cược với Hoàng huynh rằng nếu ngươi đánh ải Hải Vân mà hao quân tổn tướng thì ta xin chịu tội với Hoàng huynh. Vậy nếu ngươi tham tranh công cứ thúc binh đánh bừa tất đưa quân ta vào chỗ chết, nên ta trước đã sai Trần Quang Diệu lén đem binh đánh úp sau lưng ải Hải Vân chém đầu Hoàng Nghĩa Hồ rồi dẫn quân vào rừng mà nấp. Nay Trần Quang Diệu đã đem đầu Hoàng Nghĩa Hồ đến để làm bằng. Ngươi còn xảo ngôn để tranh công nữa chăng?
Nhậm nghi ngờ hỏi:
- Làm gì có con đường nào có thể đi được đến sau lưng ải Hải Vân?
Huệ cười đáp:
- Ngươi chưa biết đấy thôi! Trần Quang Diệu đã mở một con đường núi dọc theo dãy Trường Sơn gọi là đường Thựơng đạo. Đường này trong có thể vào đến Bình Thuận, ngoài có thể ra đến Nghệ An. Quang Diệu theo đường này đánh vào sau lưng thành Phú Xuân cũng được cứ gì ải Hải Vân. Nhưng nếu không đánh ải Hải Vân chém Hoàng Nghĩa Hồ trước, tất Vũ Văn Nhậm vì tham công tranh quyền sẽ xua quân theo đường đại lộ lên ải là quân ta hy sinh vô ích. Vũ Văn Nhậm! Giờ ngươi đã rõ vì sao ngươi đem quân đến ải Hải Vân bỏ trống hay chưa?
Vũ Văn Nhậm sợ hãi quỳ đáp:
- Cháu đã biết tội, xin Hoàng thúc tha cho!
Huệ đỡ Nhậm dậy nói:
- Ta vì muốn cho ngươi biết tài năng của bậc làm tướng phải thế nào mới không đưa quân vào chỗ chết nên trước đã sai Trần Quang Diệu dọn đường cho ngươi lập công đó. Từ nay về sau làm việc gì cũng phải vì dân vì nước. Chớ vì lợi riêng mà làm tổn hại ba quân.
Nhậm hổ thẹn lui về chỗ ngồi. Nguyễn Hữu Chỉnh ngạc nhiên hỏi Trần Quang Diệu:
- Đường Thượng đạo này từ cổ chí kim chưa từng nghe nói. Sao tướng quân biết được mà mở đường này?
Diệu khiêm tốn đáp:
- Tôi vốn sinh trưởng ở vùng rừng núi huyện Bồng Sơn phủ Quy Nhơn nên thường giao lưu với người Thượng. Đường thượng đạo này vốn là lối mòn của các bộ tộc người Thượng đi lại với nhau. Tôi theo lối mòn ấy mà mở ra đường này, chứ có gì là lạ!
Nghe xong Chỉnh quay sang Huệ nói:
- Có Trần Quang Diệu mở đường thượng đạo ra đến Nghệ An thi việc đánh Bắc Hà như trở bàn tay. Xin tướng quân đem quân ra lấy Bắc Hà.
Nguyễn Huệ bảo:
- Hoàng huynh ta đã dặn dò chỉ đem quân ra lấy đất Thuận Hóa mà thôi. Việc tiến quân ra Bắc hãy khoan bàn đến. Nay ta lệnh cho Vũ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng và Võ Đình Tú đem năm ngàn quân tiến đánh Cát Doanh, Động Hải và Lũy Trường Dục, gồm thâu Thuận Hóa!
Nhậm, Dũng, Tú cùng bước ra lãnh lệnh. Nguyễn Huệ lại dặn dò ba tướng rằng:
- Ba viên tướng họ Võ nên gắng lập công. Đồn Cát Doanh, Động Hải trơ trọi một hồi trống ắt lấy được thành. Nhưng lũy Trường Dục ngày xưa do Đào Duy Từ đắp rất là vững chắc các ngươi nên thận trọng!
Hữu Chỉnh xen vào nói:
- Tôi có một kế chiếm lũy Trường Dục không tốn một mũi tên hòn đạn!
Huệ hỏi:
- Kế thế nào?
Chỉnh đáp:
- Tướng giữ lũy Trường Dục tên Nguyễn Duy trước cùng tôi là sư đệ đồng môn. Nay tôi xin gởi một phong thư thuyết Nguyễn Duy. Nguyễn Duy nhất định phải hàng!
Huệ cả mừng bảo:
- Vậy phiền Hữu Chỉnh hãy thảo thư cho!
Vũ Văn Nhậm cất quân đi xong, Nguyễn Huệ sai quân đóng gông giải Phạm Ngô Cầu về Quy Nhơn. Vua Thái Đức hỏi:
- Nay ngươi bị tội trảm có ân hận gì chăng?
Ngô Cầu thất kinh van lạy rối rít:
- Xin Hoàng thượng tha mạng. Tôi có nghe quân lệnh của Hoàng thượng là không giết hàng quân nên mở cửa thành đầu hàng. Sao Hoàng thượng không dung mà lại giết?
Vua Thái Đức cười rằng:
- Đã đành quân lệnh của Tây Sơn ta là không giết hàng quân. Nhưng cũng phải phân biệt hạng nào nên giết hạng nào không! Nếu chẳng như thế vô lẽ kẻ làm điều hung ác đều đến hàng, hóa ra nhà Tây Sơn ta là nơi chứa chấp đồ vô đạo thì còn ra thể thống gì nữa?
Ngô Cầu run run hỏi:
- Vậy tôi là hàng vô đạo hay sao?
Vua trợn mắt quát:
- Năm xưa vì ham quyền tư lợi ngươi nghe lời Trịnh Sâm giết thái tử lại không phải là vô đạo ư?
Phạm Ngô Cầu van xin:
- Năm xưa Nguyễn Thung tiên sinh đi sứ ra Thăng Long xin cho Hoàng thượng làm Quảng Nam đại trấn thủ. Nếu không nhờ thần bày kế chắc gì chúa Trịnh đã thuận phong. Xin Hoàng thượng nghĩ tình ấy mà tha cho thần một phen.
Vua cười lớn bảo:
- Năm ấy ngươi bày kế cho Nguyễn Thung là để Nguyễn Thung xin cho ngươi vào trấn thủ đất Thuận Hóa hòng tránh xa khỏi hồn ma thái tử theo báo oán. Ngươi phải là kẻ chịu ơn còn lên giọng kể ơn! Ngươi nên nhớ lưới trời lồng lộng, gieo nhân thì gặt quả. Đêm rồi thái tử về báo mộng cho ta, đúng giờ Ngọ hôm nay đem ngươi ra pháp trường thái tử sẽ hiển linh về chém đầu ngươi báo oán!
Nói rồi truyền võ sĩ lôi Phạm Ngô Cầu ra pháp trường. Võ sĩ trói Phạm Ngô Cầu vào cột hành quyết cũng vừa đúng Ngọ. Vừa lúc ấy bỗng một luồng gió lạ nổi lên. Ngô Cầu trông thấy hiển hiện thái tử Lê Duy Vỹ mặc áo Hoàng bào, đầu chít khăn vàng, chân đi hài tía, tay cầm bảo kiếm từ trong luồng gió ấy bước ra. Thái tử vung gươm chém Phạm Ngô Cầu, vừa vặn lúc đao phủ khai đao. Đầu Phạm Ngô Cầu liền rơi xuống đất!
* * *
Nói về Vũ Văn Nhậm, Vũ Văn Dũng, Võ Đình Tú dẫn quân gần đến đồn Cát Doanh. Tướng giữ đồn là Ninh Tốn nghe tin nhủ thầm rằng:
“Thành Phú Xuân gồm hai vạn tinh binh. Quân Tây Sơn chỉ đánh trong một đêm là lấy được thành, bắt sống Tạo quận công Phạm Ngô Cầu, giết cha con Tiền đình hầu Hoàng Đình Thể. Nay họ lại kéo quân đến đây, ta ở đồn Cát Doanh trơ trọi này có mấy ngàn quân sao chống nỗi giặc”?
Nghĩ rồi liền bỏ thành dẫn quân chạy về đồn Động Hải. Tướng giữ đồn Động Hải là Phái vị hầu thấy Ninh Tốn chạy về hoảng sợ bàn với Ninh Tốn rằng:
- Nay thành Phú Xuân thất thủ. Nếu ta ở đây chống với giặc khác nào lấy trứng chọi đá. Chi bằng hãy bỏ Động Hải về hợp quân cùng Nguyễn Duy trấn giữ lũy Trường Dục xin binh cứu viện ở Nghệ An ấy mới là thượng sách.
Phái vị hầu vừa nói xong nghe quân vào báo:
- Thưa tướng quân, có quân ở lũy Trường Dục vào xin gặp tướng quân có điều cơ mật.
Ninh Tốn truyền cho vào. Tên quân thưa:
- Tôi ở luỹ Trường Dục dưới trướng Nguyễn Duy. Tôi tình cờ nghe lén được việc Nguyễn Hữu Chỉnh sai người theo đường biển đưa thư khuyên Nguyễn Duy về hàng Tây Sơn, lại dặn dò Nguyễn Duy chặn đường rút quân của ta ở Đông Hải, Cát Doanh. Tôi vội vàng lén trốn về đây báo cho tướng quân hãy sớm lo liệu.
Ninh Tốn thất kinh nói :
- Nếu vậy ta phải mau theo đường bể chạy ra Nghệ An cùng Đường trung hầu Bùi Thế Toại. Nếu để chúng nhanh chân chận mất đường bể ta chỉ còn con đường chết mà thôi !
Nói xong hai tướng liền đem toàn quân xuống thuyền chạy ra Nghệ An.
Thế là Vũ Văn Nhậm không tốn một mũi tên hòn đạn đã lấy xong Cát Doanh, Động Hải và Trường Dục. Lấy luỹ Trường Dục xong, Nhậm liền sai người giải Nguyễn Duy về Phú Xuân cho Nguyễn Huệ xét xử.
Nguyễn Huệ ngắm Nguyễn Duy một hồi nghĩ thầm rằng :
- Nguyễn Duy trước là tôi họ Nguyễn Gia Miêu nghe Hữu Chỉnh về hàng chúa Trịnh. Nay lại nghe Chỉnh về hàng Tây Sơn ta. Nguyễn Duy lưỡng quyền quá cao mà nhân trung quá ngắn là gương mặt của loài phản phúc. Nay xét việc hắn thấy kẻ nào mạnh thì theo kẻ ấy, mới hay người xưa xem tướng biết lòng người thật quả không sai .
Nghĩ rồi Huệ hỏi Nguyễn Huỳnh Đức rằng:
- Huỳnh Đức thấy ta đánh Thuận Hóa thế nào?
Đức đáp:
- Long Nhương dùng binh như thần, chúa Nguyễn Vương của tôi không thể nào sánh được!
Nguyễn Huệ lại chỉ Nguyễn Duy hỏi Huỳnh Đức rằng:
- Hai người đều là tôi nhà Nguyễn vậy có biết nhau chăng?
Huỳnh Đức đáp:
- Nguyễn Duy tướng quân trấn thủ ở lũy Trường Dục là tôi của chúa Định Vương Phúc Thuần, còn tôi đóng giữ cửa Hàm Luông dấy binh phò Nguyễn Vương Phúc Ánh. Kẻ nam người bắc, kẻ trước người sau nên không được biết.
Huệ cười bảo:
- Hai người quả là hai tính cách khác nhau, kẻ quá thức thời người cố chấp. Nay đều ở dưới tướng của ta âu cũng là duyên số vậy.
Nói rồi Nguyễn Huệ phong Nguyễn Duy chức tướng quân lưu lại ở trong quân cùng Nguyễn Huỳnh Đức.
Tối hôm ấy Trần Quang Diệu đến gặp riêng Nguyễn Huệ hỏi:
- Huỳnh Đức tạm hàng ta nhưng lòng vẫn trông về Nguyễn Phúc Ánh. Nguyễn Duy là người phản phúc sao Long Nhương lại để hai người này ở cạnh nhau? Tôi thật chẳng yên lòng.
Huệ cười đáp:
- Ở gần nhau trong binh của ta là chẳng có binh quyền, thì có gì đáng ngại. Còn hơn để Nguyễn Duy giữ lũy Trường Dục nếu nó phản phúc chẳng đáng ngại sao?
Trần Quang Diệu chịu là phải lui ra.
(Hết chương 35)