1.
Làm
cái nghề bán quán, tất nhiên tôi phải tiếp khách và làm quen với nhiều người.
Thú thật, ở cái thị trấn nhỏ bé này, quán của tôi hơi sang một chút. Tất nhiên
khi mở quán, người ta phải nhắm vào đối tượng phục vụ của mình. Chả là, có lần
tình cờ trong câu chuyện ở nhà người quen, tôi nghe một vị lãnh đạo chủ chốt
của huyện than là ở đây không có quán nào cho ra hồn để huyện tiếp khách, cho
nên khi rời khỏi biên chế nhà nước tôi bàn với gia đình mở một quán ăn thật
ngon để thu hút đối tượng khách là các cơ quan trong huyện, các nhà thầu, những
nhà kinh doanh - nói chung là những người cần đãi đằng, ăn uống giao tiếp. Vì
thế, tuy sinh sau đẻ muộn, quán của tôi hơn năm qua đã thật sự thu hút đối
tượng khách này, khiến cho - ở một mức độ nào đó, các quán phải ganh tị. Nhưng
điều đó có gì đáng nói, nó trở thành qui luật của cuộc sống: mạnh được yếu
thua! Nói thế, chứ làm cái nghề này có sung sướng lắm đâu. Ngoài chuyện đổ mồ
hôi ra mà phục vụ, chiều khách còn hơn chiều cha, còn phải lo đi đòi nợ. Đi
nhiều lần, nỉ non rả miệng cho người ta trả nợ ! Trong sổ nợ của tôi, con số nợ
luôn vượt trên năm triệu. Nhưng thôi, đó đâu phải là điều tôi muốn nói ở đây,
vì không khéo các vị khách quen rời xa, tôi hết đường làm ăn. Chuyện tôi muốn
nói là về một người khách lạ.....
2.
Đó là một buổi chiều mùa hạ, có cơn mưa đột xuất. Lạ thật, trời đang rất xanh,
bỗng nhiên tối lại vì những đám mây đen lũ lượt kéo về. Một làn khí lạnh thổi
qua, cơn mưa ập đến bất chợt như một lần rủi may trong đời. Thích thật, không
khí mát dịu hẳn đi. Lúc ấy tôi ngồi ở quầy, thiu thiu muốn ngủ, vì quán
đang vắng khách. Nhưng rồi có tiếng xe
dừng trước cửa. Cơn mưa hình như đã dứt, chỉ còn vài giọt nhỏ rơi tí tách đâu
đây, bầu trời bắt đầu trong sáng lại. Một người trung niên ăn mặc giản dị,
trang nhã, đang rời xe, thong thả bước vào quán.
Anh khẽ gật đầu chào tôi, rồi đến ngồi ở
chiếc bàn gần quầy, hướng mặt ra đường. Anh lấy khăn lau mặt, phủi những giọt
mưa đang còn lấm tấm trên tóc. Anh móc gói thuốc 555 đặt lên bàn và bật quẹt
châm thuốc. Tôi nhanh chóng đánh giá: đây là một khách sang! Và nhanh nhẹn đến
bên anh, mỉm cười hỏi:
- Anh dùng chi ạ?
- Cô cho mấy lon bia. À có mực khô không cô?
Cô lấy cho một con nhé!
Tôi cho người phục vụ mang đến các thứ anh
cần và trở lại quầy.
Anh tay cầm thuốc, tay bật nắp lon bia trông
rất điệu nghệ và uống luôn mấy hơi, thở ra sảng khoái. Xong vừa nhắm mực, vừa
thong thả hút thuốc. Trong khói thuốc mơ màng, anh như đang nhớ lại, nghĩ đến
một điều gì. Cứ thế, anh ăn uống khoan thai trong vẻ trầm ngâm suy nghĩ. Tôi
chưa lần nào bắt gặp một khuôn mặt như thế tại quán này. Khách của tôi, họ
thường ăn uống xô bồ và qua vài tuần bia rượu, đã bắt đầu nói năng ầm ĩ. Không
ai đi một mình như anh. Khách quen của tôi đi từng nhóm, một người đãi và nhiều
người được đãi. Họ tha hồ ăn, tha hồ kêu, hình như ai cũng vui vẻ vì cùng có
lợi. Và khoản tiền họ trả thì nhiều lắm, đôi khi cả triệu, không biết lấy từ
túi cá nhân hay quĩ nhà nước, nhưng thường là ký sổ, để rồi các kế toán hay thủ
quĩ cơ quan mà tôi nhẵn mặt, mang đến trả. Vị khách này không thế, anh ngồi một
mình trầm ngâm, như đang uống nỗi cô đơn của mình !
Một nhóm năm, sáu người khách quen đã đến.
Họ đi về góc bàn phía trong để bắt đầu một bữa lai rai thường nhật.
Thời gian qua đi, bàn trong đó bắt đầu ầm ĩ
và vị khách lạ cũng đã uống hết ba lon Heineken, anh kêu thêm mấy lon khác.
Bỗng cô bé An bán vé số đi vào. An đi thẳng vào bàn trong, nơi ngự trị một nhà
thầu và năm vị cán bộ quen thuộc. An gặp may. Có một vị đề xuất và ông nhà thầu
đã lấy sáu xấp vé số cặp 10, để biếu cái may mắn khó có cho năm người. An trở
ra, đến bên người trung niên, mời mua vé số. Anh nhìn cô bé, có vẻ thảng thốt,
rồi mỉm cười chỉ chiếc ghế bên cạnh :
- Cháu ngồi xuống đây với chú đi !
An vẫn đứng, cười bẽn lẽn, mời mọc :
- Cháu không dám, mời chú mua giúp cháu vài
tấm !
Anh mỉm cười thân mật :
- Được rồi ! Cứ ngồi xuống đi đã ! Cháu ăn
uống gì một chút nhé !
An có vẻ lúng túng khó xử, nhìn tôi như cầu
cứu. Tôi cười, nói giúp cháu :
- Anh mua hộ cháu ít tấm vé số đi ! Cháu còn
đi nơi khác bán.
- À, tôi sẽ mua ! Mời chị lại đây uống nước
với tôi và cháu cho vui !
Tôi từ chối, nhưng rồi anh nài nỉ nhiều lần
và An cũng có vẻ mong thế, nên tôi miễn cưỡng chiều ý. Thấy An đã ngồi và tôi
cũng đến, anh có vẻ vui lắm, nhờ tôi lấy thêm đĩa thịt bò, bánh mì và vài lon
Coca. Anh nhìn An, cười hỏi :
- Cháu còn bao nhiêu vé ?
An tính toán : "30 vé ạ!"
Anh nhìn giá vé và bảo :
- Vậy tất cả sáu mươi ngàn đồng phải không ?
Anh móc túi lấy tiền trả :
- Thế là cháu yên tâm về chuyện vé số rồi
nhé !
An đưa cả xấp vé, anh xua tay không nhận,
bảo : "Cháu cứ để đó !", rồi mời chúng tôi ăn uống. Tôi thì nhấm nháp
qua loa vài hớp Coca, và cùng anh nài ép An ăn. Anh nhấm qua, nhấp ngụm bia,
đốt thuốc và hỏi chuyện An :
- Cháu bán vé số thế này, ngày kiếm được bao
nhiêu ?
- Dạ cũng được mười lăm, hai chục ngàn !
- Ít thế à ?
- Dạ, thế mà cũng bằng lương của má cháu đấy
!
- Má cháu làm gì ?
- Má cháu làm công nhân.
- Sao cháu không đi học ?
- Dạ, cháu vẫn học đấy chứ! Vừa học, vừa bán
vé số, vì gia đình khó khăn quá !
Anh vừa hỏi, vừa chăm chú nhìn khuôn mặt
xinh xắn của cháu, khiến cô bé e thẹn cúi mặt xuống. Hồi lâu , anh đột ngột hỏi
:
- Trông cháu rất giống một người quen của
chú. Có phải cháu là con cô Hằng không?
An ngạc nhiên hẳn ra, cháu mạnh dạn nhìn
người khách, hỏi lại :
- Sao chú biết má cháu ?
Anh mừng rỡ, chộp vào cánh tay nhỏ bé của
An, kêu lên :
- Thế là đúng rồi ! Má cháu tên là Lê thị
Hằng phải không? Có thật thế không?
Tôi đáp thay An :
- Đúng đấy anh ạ ! Cháu An là con của chị
Hằng . Chị ấy cũng là bạn của tôi, tuy rằng lớn tuổi hơn tôi nhiều!
Bây giờ, giữa chúng tôi đã hình thành một
mối quan hệ quen biết, không khí thân mật hẳn ra. Anh kể cho chúng tôi biết :
Anh vừa ở nước ngoài về thăm gia đình. Trước đây gia đình Hằng cũng ở thành
phố, gần bên nhà anh. Anh với Hằng học cùng lớp ở trung học, lại là bạn cùng
xóm, nên hai người khá thân nhau. Anh về, hỏi thăm mãi mới biết Hằng lập gia
đình ở thị trấn này.
Anh nói với An :
- Chiều nay chú lên đây là để thăm gia đình
cháu. Chú hỏi thăm mãi mới tìm được nhà, nhưng cửa đóng, chẳng có ai ở nhà cả.
May mà gặp cháu ở đây!
- Dạ, ba cháu đau nặng, má cháu vừa đưa ba
đi bệnh viện. Còn đứa em ở nhà, chắc nó chạy chơi đâu đó bên hàng xóm. Chốc nữa
cháu về, cơm nước xong, đến thay, má cháu mới về được !
Nói xong, cháu đứng dậy, xin phép ra về. Anh
vội vàng ấn vai An bảo ngồi xuống. Suy nghĩ một chút, anh bảo :
- Thế này nhé, cháu thưa lại với má, có chú
Bá đến thăm, nhưng không gặp má. Bây giờ thì muộn rồi, chú phải về lại Qui
nhơn. Ngày mai, chú đã đi rồi ! Chú có chút quà gởi má để săn sóc ba và sắm sửa
chút ít cho các cháu.
Nói xong, anh móc túi lấy một bao thư đựng
tiền khá dày, đặt trước mặt An và lấy cọc vé số chồng lên, nói thêm :
- Có ít tiền và xấp vé số này, chú gửi biếu
má và các cháu. Chúc ba cháu mau lành bệnh, mong cháu gặp may mắn. Biết đâu
trong xấp vé số này lại có vé trúng ? Cháu chuyên đi bán cái may mắn cho người,
hôm nay cứ giữ lại cho mình, thử xem ! Cháu thưa lại giúp, chú gửi lời thăm hỏi
tất cả nhé !
Tôi và An nhìn nhau, sững người. An giẫy nẩy
lên, không dám nhận. Nhưng anh đã nhanh tay bỏ tất cả vào chiếc xách nhỏ cháu
vẫn mang bên mình, đựng tiền và vé số. Tôi cũng phải nói thêm mấy câu, cháu mới
chịu nhận và nói lời cảm ơn. Khi cháu rời bàn, anh ấy vẫn còn căn dặn : phải
cẩn thận, không bán nữa, đi ngay về nhà, kẻo mất mát tiền bạc. Tôi biết số tiền
có thể không lớn, nhưng sẽ giúp gia đình Hằng rất nhiều trong lúc khó khăn này.
Chồng nằm bệnh viện, chi phí tốn kém, Hằng đã phải vay mượn ít nhiều nơi tôi.
Hình như các ông bàn bên kia nãy giờ có để ý
lắng nghe câu chuyện của chúng tôi. Thấy khách bắt đầu vào nhiều, tôi dượm đứng
lên, xin phép đi làm việc, thì vị chủ thầu ở bàn bên kia bước đến bên cạnh
người khách, giọng điệu chuếnh choáng hơi men :
- Này anh bạn Việt kiều, mời anh sang uống
với chúng tôi ly bia.
Anh vội vàng từ chối :
- Xin cảm ơn các anh, tôi đã uống nhiều rồi
!
- Các ông thì tiền nhiều rồi, nhưng đây là
chúng tôi mời. Tôi là dân thường đây, nhưng không nghèo đâu, đủ sức mời anh
uống thả dàn, bao nhiêu cũng có, chẳng sao cả ! Nào, xin mời anh !
Tuy bị lôi kéo, nhưng anh vẫn nhũn nhặn từ
chối một cách dứt khoát.
Tôi xin lỗi đứng dậy đi tiếp bàn khách mới
đến, phân phối người phục vụ, rồi đến quầy làm việc. Hồi lâu thấy anh vẫn ngồi
đó, khui tiếp lon bia cuối cùng, tôi đến bên anh, ân cần hỏi :
- Anh có cần dùng thêm gì nữa không ?
- Thôi đủ rồi ! Nhưng cô có thể ngồi thêm
với tôi một chút nữa không?
Tôi ngồi xuống chỗ cũ, uống nốt chút Coca
còn lại. Anh nói, giọng nhỏ hẳn đi:
- Chiều nay tôi buồn lắm, cô ạ ! Gia đình
Hằng có vẻ khổ quá. Ngày xưa cô ấy xinh và học giỏi nhất lớp đấy ! Gia đình cũng
khá lắm chứ ! Cô ấy hơn tôi đủ thứ....
Qua câu chuyện, tôi thấy hình như mối quan
hệ giữa anh và Hằng ngày trước, không đơn thuần chỉ là tình bạn. Anh có vẻ
không muốn đi sâu vào chuyện này. Và tôi cũng không tiện hỏi nhiều. Cuối cùng
khi hỏi tôi về gia đình, biết tôi vẫn còn độc thân, anh có vẻ ngạc nhiên, nhưng
ánh mắt hiện rõ nét vui. Anh hỏi tên và địa chỉ của tôi. Tôi cười cười. Anh
bảo: Sẽ viết thư về thăm Hằng, thăm Lan... Khi anh vừa nổ máy phóng xe đi, mấy
vị khách bàn kia cất tiếng :
- Mấy cha Việt kiều đi đâu cũng rút tiền
ra....Xênh xang áo gấm về quê mà!
- Có ông cũng kẹo bỏ mẹ ! Về nước còn trốn
cả người thân, vì sợ hao tiền!
Nghe các vị bình phẩm, tôi chỉ thấy buồn
cười và thầm nghĩ : Sao lại nói thế ? Dù sao, anh ta cũng bíết cách xài tiền
của mình!....Dù sao, anh cũng vừa giúp một người bạn nghèo !...
3.
Thư từ Cali.
Lan thân mến,
... Thế là mình đã quen nhau. Cũng chỉ là
một sự tình cờ. Thực ra hôm đó, tôi không bận lăm, cũng còn vài ngày
rảnh.....nhưng tôi nghĩ, cũng chẳng ở lại để gặp Hằng làm gì. Hôm đó tôi chỉ
muốn đi tìm, để hỏi thăm và biết qua cảnh sống của cô ấy - cho yên lòng. Bạn bè
ngày trước, còn lại có bao nhiêu đâu. Mỗi người bây giờ đều có một gia đình
riêng, một hoàn cảnh riêng để sống. Cô ấy đã có một gia đình đầm ấm, đôi khi
gặp lại là một sự khuấy động không cần thiết. Ngày xưa Hằng vô tư lắm, còn tôi
đã kịp nói gì đâu ! Vừa học xong trung học, tôi đã theo bạn bè ra đi. Cũng
chẳng phản bội ai, từ bỏ cái gì, chỉ là đi tìm một cuộc sống khá hơn, gia đình
tôi vốn nghèo mà !
...Ở đây, mùa này rất buồn. Nói chung, cảnh vật
buồn vui theo lòng người. Lần gặp nhau buổi ấy, tôi chưa nói với Lan chuyện
này. Ở đây, tôi đã từng có một cô vợ Mỹ chính cống. Cô ấy cũng đẹp, học cùng
lớp với tôi ở đại học, giúp đỡ tôi khá nhiều trong những ngày đầu nơi đất khách
quê người, nhưng rồi cũng rời tôi sau mấy năm chung sống. Vừa rồi tôi về nước,
là để từ bỏ một nỗi đau buồn, tìm lại một nguồn vui. Quả nhiên, quê hương bao
giờ cũng là những cây trái ngọt ngào, nguồn an ủi vô tận, có khả năng xoá đi
mọi đau buồn của người xa xứ. Nhưng vui đó rồi lại buồn ngay. Tôi lại ra đi, mà
lòng muốn khóc. Quê hương với bao kỷ niệm, bao hình ảnh đã hằn sâu trong ký ức,
trở thành những gì máu thịt của mình. Những ngày này đây, tôi nhớ quê quá
chừng! Và trong nỗi nhớ, hình ảnh những người thân quen cứ hiện ra rõ mồn một.
Nói thế, tức là có Lan, người con gái tôi đã quen trong buổi chiều tình cờ ấy.
Có thể, tôi đã gặp nhiều người, nhưng đọng lại trong tâm hồn thì ít, có chăng
chỉ một, hai. Lan có là người đó không ? - Không nói được, đúng ra chưa dám
nói, như ngày đó tôi chưa dám nói với Hằng, mà đã ra đi.
...Đất nước mình bây giờ thay đổi rất nhiều.
Chính sách mở cửa đúng đắn sẽ giúp ta thoát nghèo. Xin tiết lộ với Lan : Kỳ về
nước vừa rồi, tôi kết hợp nghiên cứu thị trường, xác định khả năng đầu tư. Vài
tháng nữa, tôi sẽ về nước làm thủ tục mở một công ty. Được sống và làm ăn trên
đất nước mình, sung sướng biết bao ! Ngày ấy, tôi có được gặp lại Lan không nhỉ
?....
4.
Tôi đã đọc lại thư anh ấy nhiều lần. Ba má tôi thấy tôi nhận thư từ Mỹ gửi về,
có hỏi chuyện tôi, tôi đã thành thật kể lại tất cả như trên và đưa cả thư cho
ba má tôi xem. Có gì mà phải giấu giếm !
Bây giờ là cuối đông, trời lạnh và mưa
nhiều. Có lúc tôi bắt gặp mình thẫn thờ nghĩ đến mùa xuân và thầm hỏi : Anh có
là một chút nắng xuân không, anh bạn?
10. 2005