Nhà văn trẻ Nguyễn Văn Học
Lúc đầu dự định đi bộ sang hàng lưu niệm phía bên kia mua băng dính, kéo về gói đồ gửi tặng bạn ít sách, nhưng đến ngã tư đèn đỏ thì quên. Tôi đứng trên vỉa hè loay hoay không biết mình cần làm gì. Xe cộ xô nhau, chen chúc. Cái này gối vào cái kia. Kìn kìn. Chóng mặt. Không chỉ ô nhiễm tiếng ồn mà thị giác cũng… ô nhiễm. Tôi đứng thần mặt. Mấy bố xe ôm được thể mời mọc. Về đâu, đây chở? Về đâu ư? Tôi chả biết mình đi đâu nữa. Tôi nghĩ rồi lắc đầu. Một người ông cái mũ bảo hiểm cũ sờn trước ngực còn nhấn thêm: “Đi đâu chở nào?”. Tôi vẫn lắc, bần thần nghĩ.
Tiện thì đứng ngắm phố luôn. Chả mấy khi. Có cô gái trẻ đường nét cong và gợi dừng đèn đỏ. Cô mặc quần bò ngắn nên để lộ cặp chân trắng hồng buốt mắt. Tôi nghe cánh xe ôm trầm trồ: Ngon thế. Lại một cô nữa cũng “ngon” gần như thế chen lên, đỗ quá vạch vôi trắng, nghe tai phôn, mặt hơi gẫy lưỡi cày. Cô này không chỉ “ngon” mà còn đầu trần, ngực lộ hơn nửa, tảng lưng lấp lóa xăm một con đại bàng, lách lên, rẽ phải. Nhiều cặp mắt phía sau nhìn vào tấm lưng. Có gã thanh niên mặc quần đùi đi dép lê nuốt ực. Ngã tư đèn đỏ có mông, đùi càng làm tôi lú lẫn. Đèn đỏ lừ mắt trêu ngươi. Mình định làm gì nhỉ? Cứ tiến sang bên kia đường vậy. Vết thương ở mu bàn tay phải do vợ tôi cầm cái muôi múc canh bổ vào vẫn hơi buốt. Tối qua nàng bổ tôi. Tôi và nàng xảy ra cãi cọ do tôi chỉ cho cậu con trai năm tuổi tô chữ. Nàng bảo không phải ép, miễn sau này kiếm được tiền. Tôi nào dám ép. Chỉ dạy con để nó quen chữ, bớt thời gian cắm mặt vào tivi. Tôi bảo, phải để con học làm người. Nàng sửng cồ: “Còn những người khác là chó hết hay sao?!”. Tôi không làm chủ được, ông hỏa trong người bốc lên ngùn ngụt. Tôi xả hết bực dọc trong người. Vừa nấu bữa tối vừa xả. Thế là thìa cái muôi múc canh bổ vào tay…
Lúc băng qua vạch vôi ngang dành cho người đi bộ, tôi nghĩ nhanh nếu có kẻ nào cố tình phi lên đâm vào thì sao. Mình sẽ bị ngã, gãy chân, trầy xước. Có thể gãy tay, mẻ đầu gối. Hoặc cũng có thể tổn thương cả cuộc sống hoặc nặng hơn nữa. Người đâm vào tôi có thể là một thanh niên ngổ ngáo nào đó. Hay một cô gái bất cần đời. Một người phụ nữ vội đón con chẳng hạn. Hay một vị tiến sĩ ngơ ngác nhìn gà hóa cuốc? Không, một mụ sồn sồn mãn kinh hay cáu kỉnh chẳng hạn. Tôi sẽ bị đưa đi cấp cứu nhanh chóng, chẳng còn cơ hội thực hiện việc mình định làm mà lúc này chưa nhớ ra.
Vừa qua vỉa hè bên kia thì gặp một tình huống va chạm gia thông. Người chở hai sọt muối bán rong bị va chạm, liêu xiêu, rồi… roẹt! Anh bị ngã chúi, hai sọt muối bị hất văng, muối trắng vãi ra đường. Một thảm cảnh vẫn nhìn thấy ở phố phường. Bình thường những người như anh rất dễ bị cảnh sát giao thông tóm vì cồng kềnh gây nguy hiểm, mất an toàn giao thông. Nhưng mưu sinh mà, đội quân ấy vẫn nườm nượp ở phố.
Anh bán muối hình như chỉ trầy xước nhẹ và không quan tâm đến điều đó, kể cả những vết xước trên khuỷu tay, mu bàn tay trái đang rớm máu đỏ. Anh vội vàng dựng xe bên lề. Nhiều bánh xe máy trèo lên những vệt muối trắng toát trên đường, hằn gợn vệt bánh xe. Một người dừng lại giúp đỡ anh bán muối. Tôi quan sát một hồi và không thấy thêm ai có ý định dừng lại giúp đỡ. Vài ánh nhìn thương hại được ném lại. Tôi xắn tay làm. Mồ hôi rịn trên mặt anh bán muối. Anh ấy bảo: “Anh vun muối sạch giúp, còn muối nhiễm bẩn thì để em lấy sau, mang về chăn nuôi. Muối rẻ thôi nhưng em tiếc lắm! May mà có hai anh!”.
Tôi gật, tay vẫn không ngừng hớt lượng muối chưa bị nhiễm bẩn, đưa vào chiếc túi ni-lông. Những hạt muối làm xót vết thương trên mu bàn tay.
Anh bán muối nhìn nhanh vào vết thương, thấy tôi nhăn mặt, hỏi:
- Anh xót à?
Tôi gật. Dòng người vẫn thản nhiên đi. Vét hết muối sạch, anh bán muối giục:
- Dạ, thôi anh cứ để đó và đi làm đi, em vét về cho lợn. Em cảm ơn anh.
- Không sao, cứ để tôi làm cùng - tôi nói - đằng nào cũng đang rảnh.
Tôi tốt bụng quá mức phải không. Chẳng hiểu sao tôi lại muối nói chuyện với anh. Như cách đây ít tháng tôi nói chuyện với một chị bán đồng nát. Chị tâm sự về việc mình làm, là để lấy tiền trang trải cho đứa con gái đang học ngành mỹ thuật. Chồng chị cũng đang căng mình làm phụ hồ theo công trình, khi cậu con trai mới nhập học. Bố mẹ ở quê di cư ra phố theo con. Mỗi người chịu trách nhiệm lo cho một con. Ở trường hợp chị đồng nát, phân công như vậy là hợp lý. Vì là đàn ông nên anh chồng còn chịu trách nhiệm mỗi tháng một lần về thăm mẹ già, mua biếu cụ đồng quà tấm bánh. Vậy mà cả hai hể hả với cuộc sống mình.
- Cậu chịu khó như vậy chắc vợ con được nhờ.
Xưng hô vậy vì tôi thấy anh trẻ hơn.
- Vợ em ốm nặng, mà nặng lắm. Bệnh ung thư vô cùng khó chữa, anh biết rồi đấy. Ngoài lo cho vợ em còn phải lo cho hai con. Cũng chỉ với nghề chăn nuôi và bán muối rong. Đời em nó nhơ nhớp, tục tằn mà vui anh ạ. Vất vả vẫn phải cố.
Anh bán muối nhấn:
- Dù biết bệnh vợ em không cứu chữa được. Nhưng em vẫn động viên. Biết đâu có một phép màu. Ở ngoài đời quá nhiều đôi chia ly. Em thấy là nhạt. Sống nhạt. Vợ chồng chẳng có tình nghĩa dù từng đầu ấp má kề.
Lời anh khiến tôi bần thần. Tim ngừng đập vài giây. Chẳng biết anh học hành thế nào, chứ với cách nghĩ như thế thì đâu phải kẻ nhạt nhẽo. Tình nghĩa vợ chồng anh mặn mà, có trước có sau. Anh có nghị lực và hẳn chị ấy đã rất tự hào.
Phần muối nhiễm bẩn đã được vét hết. Tôi và anh còn muốn ôn chuyện. Hai tôi rủ nhau tiến về quán nước vỉa hè.
- Em chưa thấy ai tốt như anh. Chứ người đi đường thì họ chỉ muốn lách lên thôi, chứ lắm sự vô cảm quá anh ạ.
Tôi cười khì. Rõ ràng nhiều người vô cảm. Thành một thứ bệnh không thể nào chữa trị.
- Chắc ai như tôi thì cũng làm vậy.
- Em khẳng định người như anh là hiếm. À mà tay anh bị sao thế?
Tôi suýt thốt lên là vì vợ. May dừng kịp. Dòng người vẫn thản nhiên đi.
- À, thế hai đứa con cậu học hành thế nào?
- Đứa lớn lớp hai, đứa nhỏ mẫu giáo. Toàn nhờ bà nội đón giúp. Nói chung cơ cực, nhưng giá mà em chịu đau đớn, lo lắng thay được vợ, em cũng cam lòng. Mà chị nhà anh hẳn được nhờ lắm, vì em đoán anh là người của gia đình.
Người của gia đình ư? Xét ở góc độ nào đó thì đúng. Nhưng vợ tôi chưa hài lòng. Chưa hài lòng có nghĩa tôi chưa đạt. Tôi không kiếm tiền giỏi. Với những phụ nữ thực dụng, người đàn ông của gia đình ngoài chăm lo cho gia đình phải là người biết làm kinh tế. Vợ nói tôi chỉ được một nửa, chưa phải người của gia đình.
- Đàn bà bây giờ họ khác lắm. Nhưng cậu có người để mà chăm lo cũng thật tốt.
Tôi nói đến đó, anh bán muối lặng đi một hồi. Hẳn anh nhìn khuôn mặt có vẻ hơi rầu rĩ của tôi nên ngầm đoán tôi có chuyện chẳng vui. Đột nhiên anh cười khơ khớ, giữa vỉa hè. Mà phố xá sao lắm người thế.
- Ơ vâng anh ạ. Em có hai thằng bạn bị vợ bỏ theo trai. Con vợ em nó bệnh nhưng chưa mất nết. Vậy nên em thấy mình còn là người chồng của gia đình. Có một chỗ để chăm sóc. Còn anh?
Tôi lắc đầu, nhìn ra phố, chạm vào một bộ ngực khoe nửa đồ sộ. Hai vị khách ngồi xuống uống trà. Tôi nghĩ giá mình chỉ là anh bán muối, như người đàn ông này. Vất vả lo toan với nỗi lo của mình, da dẻ đen sạm, đôi mắt hằn sâu những nếp nhăn nhưng vẫn lạc quan. Nhìn nụ cười khỏe khoắn, với cái vung tay dứt khoát mạnh mẽ kia, đích thị anh là người quan trọng với vợ, cô ấy chắc chắn coi bờ vai anh là điểm tựa vững chắc. Ừ thì anh vất vả, lúc vét muối ở phố đông người thật nhếch nhác. Nhưng anh có mục đích, biết mình đang làm gì, cần cho ai. Còn tôi, tôi chẳng cần cho ai cả. Vợ không cần tôi. Vết thương trên mu bàn tay chỉ là một dấu vết của sự rạn nứt đã hằn sâu nhiều năm mà tôi muốn hàn gắn nhưng không được. Nàng sống như một cái bóng không hồn trước tôi nhưng lại hồ hởi trước bạn bè. Nàng đặt bạn bè trên gia đình và điều đó ngày càng đẩy chúng tôi xa nhau.
- Không được như cậu - tôi nói - mình chỉ là một công chức. Mình có cuộc sống không hạnh phúc, và có lúc ước chỉ cần là một người lao động chân tay nhưng làm chủ gia đình thật sự.
Anh bán muối nhăn mặt. Từ ngữ đay đả xót xa trong tôi tiếp tục xổ lồng.
- Thật đó mà. Tôi vừa mạnh mẽ vừa bất lực. Tôi mạnh mẽ vì là người đàn ông thật sự, nhưng lại bất lực trước những đổi thay không thể nào kiềm tỏa của vợ. Cô ta thay đổi chóng mặt và không còn nghe lời tôi nữa. Một sự góp ý nhỏ của tôi cũng khiến cô ấy nổi cáu, giận dữ, rồi chiến tranh bùng nổ. Cuộc sống giờ vô cùng nhạt nhẽo. Tôi chỉ nhìn thấy một vùng nguội lạnh trong đôi mắt của vợ. Tôi phải làm gì, làm gì, làm gì?
Khuôn mặt thất thần của người bán muối khiến tôi bừng tỉnh. Anh ta hẳn rất bất ngờ trước cảm xúc gần như cầu cứu của tôi. Bà bán nước vừa bán hàng vừa dỏng tai, gần như nghe trọn câu chuyện. Tôi chợt thấy ớn lạnh vì hành động của mình. Trời bỗng xầm xì chuyển màu xám, muốn nhắn là đã cuối chiều. Người bán muối đứng lên, xin số điện thoại của tôi, rồi nháy máy, bảo sau này có điều kiện thì gặp.
- Rất vui được gặp anh. Người tốt như anh giờ hiếm lắm. Em đi nhé, chắc xuôi đường này em sẽ về chỗ trọ.
Hai cánh tay vạm vỡ của anh dựng cân xe máy, ngồi lên, nổ máy.
Người bán muối đi rồi, tôi vẫn đứng trân trân nhìn phố. Giữa ngã tư đường, tôi chưa thể nhớ ra mình cần mua thứ gì. Tôi cũng chẳng biết mình nên đi hướng nào để về lại cơ quan, cho đến khi có cánh tay anh bạn cùng cơ quan vỗ vai: “Về thôi anh, em về đi đón con đây”.
N.V.H