Phan Mai Thư Nhã
Sinh năm 1992
Quê quán: Phú Yên
Bút danh: Ghita Xù
Sinh viên năm cuối trường Đại học sư phạm TP. HCM
Mưa rả rích đã hơn hai ngày trời. Bây giờ nhìn
ra ngoài sân không còn phân biệt được đâu là con mương, đâu là con đường nữa,
bốn bề xung quanh trắng xóa, nước lênh láng chạy thẳng vô sát mép nhà tôi, ngập
đến bậc tam cấp thứ hai, chỉ cần ngồi trên nền nhà, thõng hai chân xuống là hệt
như cái cảm giác ngồi trên bờ cỏ non xèo, vọc hai chân xuống con mương xanh
ngắt. Từ trưa đến giờ, dì Vân cứ ngồi trên chiếc chõng trước hiên nhà, im lặng,
ngắm nhìn chân trời mù mịt, chốc chốc lại thở dài. Thỉnh thoảng thấy mưa hơi
ngớt, dì vội vã đứng dậy toan đội áo mưa đi chợ thì trời bỗng dưng đổ ào như
trút.
Tôi đang nằm trên chiếc
ghế sa lông màu lông chuột, quấn chiếc chăn tròn mình, nhăm nhi cuốn tiểu
thuyết vừa mượn được của nhỏ bạn. Bỗng nhưng gió lạnh ùa vào từ cửa sổ đến nát
gáy, cuốn theo vài ba giọt nước tạt mạnh vào thành ghế. Tôi giật mình tung chăn
chồm dậy, vội vã đóng cửa, cả căn nhà như chùng tối lại. Nhìn ra bên hiên thấy
dì Vân ngồi đó, thẫn thờ, cô đơn đến tội nghiệp…
- Dì Vân!
Nghe tiếng tôi gọi, dì
Vân bất giác quay lại cười gượng gạo, gương mặt còn phảng phất buồn. Dì gọi tôi
ra ngồi cạnh dì, dì nắm lấy bàn tay búp măng của tôi vo vê âu yếm, rồi chà chà
vào tay dì cho ấm. Bàn tay dì gầy quá, sống với dì hơn hai mươi năm, bây giờ
tôi mới biết.
- Chừng nào dì Vân mới
cưới chồng?
- Chừng nào trời không
còn mưa nữa…
- Di Vân cưới chồng thì
liên quan gì đến ông Trời?
- Thấy ổng khóc, dì không
nỡ…
Dì Vân tôi năm nay vừa
tròn bốn ba tuổi, tóc dì vừa chấm đến vai, khuôn mặt gầy gò, xanh ngắt nhưng
không che được vẻ thanh tú của dì. Mẹ tôi nói ngày xưa dì Vân nổi tiếng xinh
đẹp, tài giỏi, lại ngoan hiền. Dì học trường chuyên của tỉnh, cái trường mà chỉ
có vài chục học sinh, bao nhiêu tinh tú nhất của tỉnh nhà đều dồn hết vào đó.
Dì Vân là một tinh tú, mẹ nói giọng hơi tự hào. Và nếu mẹ không nói như vậy thì
tôi cũng biết dì là một người ưu tú, bởi lẽ trên gương mặt mặn mà của dì, lúc
nào cũng toát lên cái gì đó thật sáng và giỏi giang. “Cho đến khi dì gặp Cậu
con…”, cứ kể đến đoạn đó là giọng mẹ lại trầm xuống, nghèn nghẹn, cứ như bao
nhiêu kỉ niệm từ thời tôi chưa biết mặt ùa về dằn xé cổ họng mẹ, cứ chực tuôn
dòng thổn thức. Tôi biết để kể cho tôi nghe câu chuyện của dì Vân, mẹ phải dũng
cảm lắm, cứng rắn lắm, nhưng dù biết như vậy, tôi vẫn cứ đòi mẹ kể đi kể lại
không biết bao nhiêu lần. Đối với tụi trẻ con cùng trang lứa, tuổi thơ là những
câu chuyện cổ tích đầy màu sắc và kì tích, còn với tôi, đó là câu chuyện của dì
Vân, một câu chuyện buồn, bởi lẽ… không hề có kì tích.
Dì Vân quen cậu khi hai
người trở thành hàng xóm trong khu trọ học. Dáng dì nhỏ xíu nhỏ xiu, trong khi
đó cậu tôi cao chót vót, hai người vốn dĩ chẳng hợp nhau là mấy đó bỗng một
ngày nọ yêu nhau. Tình yêu ai rồi cũng đẹp như vậy, nếu không có một ngày cậu
nghe chân mình đau nhói. Sợ dì lo, cậu cười trấn an anh bị trật chân lúc đá
banh thôi mà, nghe nói nụ cười của cậu đẹp lắm, chắc có lẽ vì đẹp quá nên dì
mới thôi lo lắng. Ngày ông bà ngoại đưa cậu đi tận Sài Gòn khám bệnh, dì Vân
đứng ở ga tàu cười tươi nói anh đi nhanh rồi về với em, không có anh em đi học
một mình buồn lắm. Tàu mang cậu tôi xa tít, dì Vân nhìn theo mãi rồi cũng không
nhìn thấy được nữa, dì ngồi thụp xuống đất, khóc nức nở. Có điều gì đó khiến
tim dì đau nhói.
Mẹ nói hồi đó mẹ còn chưa
quen biết ba con, vẫn còn là một cô sinh viên trường nhạc đanh đá, ham chơi và
xinh đẹp. Đến bây giờ mẹ vẫn hát hay, tuy nhiên giọng ca của mẹ không còn tươi
vui như hồi đó nữa, cái hồi xửa hồi xưa, hồi con còn chưa ra đời, hồi cậu con
chới với ngồi xe lăn trở về…
Vẫn nụ cười tươi đó, dì Vân ra tận ga
đón cậu tôi. Cậu ốm hẳn, khuôn mặt trắng bệch, nhìn dì vô cảm. Cậu chỉ còn có
một chân. Cậu nói em ra làm gì, về nhà đi, anh không muốn gặp ai hết. Dì Vân
lại cười:
- Là em muốn gặp anh!
Ông bà ngoại khuyên dì
Vân nên từ bỏ, yêu nó rồi con không có tương lai đâu, hai bác đang đứng ở vị
trí của ba mẹ con mà khuyên con đó. Hai bác thương nó lắm, nhưng cứ sợ nó sẽ
làm khổ con. Quên đi Vân à! Dì cười nói, con không muốn từ bỏ ước mơ của mình,
dù ước mơ đó không có tương lai, con cũng đành!
Ba mẹ dì Vân ngăn cản con mình không
được, dùng roi mây quất túi bụi lên người dì, dì không khóc, đôi mắt ráo hoảnh,
quỳ xuống mà xin:
- Con đã đau lắm rồi, ba mẹ đừng làm con đau
thêm nữa!
Ba mẹ dì Vân ngã ngửa, ôm
con mà khóc. Thương cái phận con mình hẩm hiu, cứ tưởng nó sẽ hạnh phúc với
người nó yêu, ai dè… yêu mà biết trước sẽ lìa xa thì yêu làm gì con ơi…
Ai cũng động lòng với tấm
lòng son sắt của dì, chỉ có mình cậu tôi là cứng như đá. Ban đầu cậu nhẹ nhàng
từ chối, anh không muốn bị em thương hại, anh cũng không còn sức để chăm sóc
em. Rồi sau cậu quát mắng nặng lời, đuổi dì ra khỏi phòng, đập vỡ li nước dì
mang vào. Mọi thứ ngày càng tội tệ như chính tình trạng của cậu. Dì Vân thỉnh
thoảng mới về nhà, thời gian còn lại dì ở nhà ông bà ngoại tôi, dù cậu la mắng,
đuổi đi nhưng dì vẫn mặc.
Một ngày mùa đông nọ, cậu
ngồi lặng lẽ trong phòng, ngắm nhìn những cơn gió se se lạnh len qua khung cửa
sổ, vài ba chiếc lá xoài rơi vàng đất. Mẹ nói lúc đi ngang qua phòng cậu, nhìn
cái vẻ u buồn tột đỉnh đó, mẹ cứ sợ mùa đông này sẽ mang cậu đi xa, tim mẹ như
bị bóp nghẹt, phải chui vào nhà vệ sinh, xả nước mà khóc cho thỏa cái dáng vẻ
ám ảnh đó. Dì Vân nhẹ nhàng bước vào, ngồi sát mép giường, thủ thỉ:
- Anh biết Giôn xi không?
- …
- Giôn xi trong một lần không cẩn thận đã bị
viêm phổi, cô ấy cứ nghĩ rằng cô ấy sẽ chết dần chết mòn theo những chiếc lá
vàng trên cây trường xuân, nhưng rồi chiếc lá cuối cùng mãi mãi không bao giờ
rơi.
- …
- Em không cần anh phải chăm sóc em, không cần
anh phải gánh vác điều gì cho em cả, em chỉ mong anh hãy coi em là chiếc lá
cuối cùng. Anh chỉ được gục ngã khi nào em buông tay.
Cậu tôi khóc, cậu thương
dì phải hi sinh vì mình, thương dì phải chịu thiệt thòi khi yêu cậu, thương cho
thân phận bất hạnh của mình. Bao nhiêu cái thương cảm chợt trỗi dậy giữa mùa
đông lạnh giá, trong căn phòng đó, họ ôm chặt lấy nhau mà khóc tức tưởi. Lần đầu
tiên kể từ khi dì Vân biết người yêu mình bị ốm, dì mới được thỏa thuê mà khóc.
Cậu nghẹn ngào ôm lấy cô người yêu bé nhỏ mà “gan lì”, xoa xoa mái tóc chấm vai
nức nở:
- Em phải hứa, khi nào em
mệt mỏi, em hãy buông tay, đừng miễn cưỡng bản thân mình! Dù em có buông tay
anh cũng không từ bỏ đâu…
Ngoài cửa, ông bà ngoại cũng ôm nhau
tấm tức khóc…
Vài năm sau tôi ra đời,
trong ngôi nhà buồn hiu hắt đó, “con là niềm vui bé nhỏ”. Mẹ hay nói câu đó!
Mùa đông tiếp theo tôi biết nói, bập bẹ vài tiếng, chập chững vài ngón chân, mẹ
kể hồi đó tôi gọi dì Vân là Mợ.
Hai mùa đông nữa trôi
qua, cậu tôi mất. Ngày cậu mất, dì Vân ôm di ảnh đi phía trước, ngây ngây dại dại
như hóa điên. Dì đứng bên huyệt nhìn người ta thả cậu vào lòng đất, còn dì hái
hoa cúc dại thả vào tim… Dì khóc không còn ra tiếng, mảnh tang trắng dì đòi đeo
bay chênh vênh trong chiều giá lạnh. Ai nấy đều thương cho người ra đi, nhưng
nhìn dì, người ta còn khóc to hơn. Cái dáng nhỏ bé mong manh như mất bóng, dì
lặng lẽ ngồi bó gối xem người ta lấp đất người thương. Rồi khi chỉ còn thấy mỗi
đất, dì dùng hết sức lực cuối cùng nức nở như với theo:
- Anh nói em đợi anh khỏe lại, anh sẽ cưới em,
mà sao…?
Câu hỏi ai oán, tủi thân,
đau đớn vừa cất lên, không gian tang tóc chợt vỡ òa…
Những ngày sau đó, dì Vân
hay vào phòng cậu, nằm trên chiếc giường của cậu, ôm di ảnh cậu mà ngủ. Dì lấy
cháo trên bàn thờ xuống ăn, dì nói sợ cậu ăn một mình buồn. Mẹ nói mẹ hết khóc
mà nhìn dì Vân nước mắt cứ chực trào ra. Nỗi đau xót của mẹ sao sánh được với
nỗi đau của dì Vân…
Lúc đó dì tôi hai mươi ba
tuổi. Ông bà ngoại tôi thương dì, nhận dì làm con nuôi, cũng từ đó tôi mới bập
bẹ tập gọi là dì Vân. Dì Vân không chịu hẹn hò, càng không chịu cưới chồng. Dì
nói kiếp này dì còn nợ với cậu, không thể yêu ai khác, nhắm mắt cưới một người
lạ hoắc lạ huơ rồi thì sao, tội nghiệp người ta. Mỗi khi tôi hỏi chừng nào dì
cưới, dì lại nói “sợ Ổng buồn…”…
Thời gian thấm thoắt trôi
qua, dì Vân vẫn thế, vẫn còn ở với gia đình tôi. Dì nói dì không đi đâu được,
dì quen với cái không khí này, quen với nơi có hình dáng của cậu, dù mỗi khi
nhớ là mỗi lần buồn bã thì dì vẫn muốn nhớ. Mùa đông năm nay đã đi qua một nửa,
dì khẽ đan tay tôi vào tay dì rồi mơ màng kể, hồi đó trời cũng mưa dữ như vầy
nè, cậu con chống nạng dẫn dì ra giữa trời, rồi nói: Anh thương em nhiều lắm…
Ngoài trời mưa dần tạnh
hẳn, chiều đổ bóng xuống nhạt nhòa, dì Vân vội vã đứng dậy tạt qua chợ gần nhà
mua ít đồ ăn cho buổi tối. Nhìn cái dáng dì mong manh ngoài kia, tôi chợt nghĩ
có phải vì câu nói đó của cậu mà dì mới ở vậy đến ngày hôm nay…
Ngước mặt lên trời thầm
thì chừng nào Ông mới hết mưa cho dì con cưới chồng mà nghe sống mũi cay xè.
Trời đang vừa chớm tạnh bỗng dưng òa như trút, nức nở. Tôi ngó nghiêng tìm kiếm
cái dáng chênh vênh của dì Vân, nhưng không còn thấy được nữa, mưa to quá
chừng. Không biết dì Vân tôi đã tới chợ chưa, hay đang nấp dưới mái hiên nhà ai
để thẫn thờ nhìn mưa…
TP.HCM, năm 2012
Phan Mai Thư Nhã