VÓ NGỰA ĐẤT KINH XƯA - Bút ký Trần Quang Khanh




Quê tôi ở huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, nơi từng là kinh đô Đồ Bàncủa đất Chăm xưa, nơi Nguyễn Nhạc dựng thành Hoàng Đế. Tiếng nhạc ngựa đất kinh thành đã rung suốt tuổi thơ tôi. Và niềm cảm khoái bất tận của tuổi nhỏ là được cầm trên tay chiếc bóng bay, lắc lư trên xe ngựa, cùng với tiếng lục lạc, tiếng móng gõ lóc cóc trên đường để hồn bồng bềnh qua những cánh đồng  mịt mù tháp cổ...




Tráng sĩ của một thời

Vượt qua đường tháp Bánh Ít, ngược lên Quốc lộ 19B tôi tìm về chợ Cây Bông, xã Nhơn Khánh của huyện An Nhơn tìm lại người chơi ngựa nổi tiếng một thời – chú Ba Cảnh. Chú Ba họ Nguyễn nhưng dường như cả làng ai cũng gọi là Ba-cảnh-xe-ngựa. Tôi có một kỷ niệm khó quên với chú Ba. Chuyện đã hai mươi năm trước. Số là hồi ấy vì khoái nghe chuyện ngựa, tôi đã thức gần suốt đêm bên cái bình củ tỏi hầu rượu với chú Ba. Vì tửu lượng xoàng xĩnh nên khi chuyện ngựa còn đang hồi ngon trớn tôi đã lần sần quờ tay làm rơi vỡ cái nắp bình củ tỏi bịt bạc của chú Ba. Chao ôi, cái bình xưa, vật gia bảo bị tôi làm vỡ nắp. Tôi hoảng hồn còn chú Ba Cảnh thì tiếc đứt ruột vậy mà chẳng có lấy một lời phàn nàn. Trở lại gặp chú, tôi chỉ nhắc: “Cháu là Khanh đây, Khanh làm vỡ cái nắp bình củ tỏi của chú đây!” chú Ba đã nhận ra ngay và cười xòa: “Nhớ rồi, nhớ rồi…” Chú Ba Cảnh là người khí khái, từng được cả làng Nhơn Khánh gọi là tráng sĩ. Năm lên mười, Ba Cảnh đã được cha  truyền cho nghề nài ngựa. Thấp bé, nhẹ cân, gan lì, quả cảm, dù mỗi lần thăng yên còn nhờ người ẵm nhưng khi đã ngồi trên lưng ngựa là Ba cảnh lại vụt, lại phi khó ai bì kịp. Ba cảnh mê ngựa, yêu ngựa nên nói ngựa biết nghe. Năm 1940, dẫu mới có 13 tuổi, Ba Cảnh đã vượt qua những tay đua trứ danh như Năm Anh, Nghè Đắc… đoạt được cúp da trong cuộc đua hàng tỉnh.Nếu ở vùng tây có tráng sĩ Ba Cảnh thì vùng bắc, vùng đông An Nhơn cũng có nhiều danh nài lừng lẫy một thời. Ở thị trấn Đập Đá, nhiều người còn biết tiếng chơi ngựa của Phạm Xít, Phạm Đây, Tám Chức…  Phạm Xít mê ngựa đến mức trước khi nhắm mắt để lại di chúc yêu cầu gia đình lấy tấm ảnh chụp ông ngồi trên lưng ngựa đem khắt trên bia đá. Còn ở vùng đông An Nhơn người ta lại biết nhiều đến anh em Nguyễn Ngữ, Nguyễn Mươi ở Trung Lý xã Nhơn Phong. Nguyễn Mươi từng cầm đầu đoàn quân ngựa Bình Định đi đua khắp trong nam ngoài bắc và thường ẵm trọn huy chương cao nhất. Kể lại những chuyến cầm đầu đoàn đua ngựa Bình Định đi đua ở Đắc Lắc, ở Vinh… vào những năm đầu thập kỷ 90, mắt chú Mươi vẫn còn hấp háy ánh tự hào.
Thành tích của mỗi cuộc đua nhờ vào ngựa hay là một lẽ song điều quan trọng hơn là nài ngựa phải dũng cảm và quyết đấu quyết thắng. Một lần thi đấu ở Đắc Lắc, nài ngựa Nguyễn Thành Hưng, người cháu và ở cùng xóm với chú Mươi, ôm con Nhất Đạm Lang phi đến vòng thứ 4, còn một vòng cuối nữa thì anh Hưng ngã ngựa, gãy xương bả vai. Nhưng chỉ trong tích tắc nhìn thấy cái phẩy tay quyết đoán của chú Mươi, Hưng lại phóng lên mình ngựa, giật cương, con Đạm Lang phi như điên cuồng… Và trong cuộc đua đó Đạm Lang đã giật ngôi vô địch dẫu nài Hưng phải vào viện cấp cứu vết chấn thương. 
Nỗi niềm người chơi ngựa
Chơi ngựa vào những năm trước cách mạng là một thú vui cao sang thường chỉ dành cho người giàu có bởi mỗi con ngựa thời ấy giá trị bằng cả một bầy bò. Nhưng với gia đình chú Ba Cảnh con ngựa còn là kế sinh nhai. Trừ những lúc vui thú trên lưng ngựa, chú Ba còn phải ngồi cả trên càng xe bánh gỗ. Cả chú Ngữ, chú Mươi đều thế. Ngày ấy không có ô tô, xe máy, phương tiện giao thông chính vẫn là ngựa; ngựa chở người, chở hàng hóa. Với chiếc đèn dầu 4 kính, xe ngựa có thể chạy thâu đêm, chạy cả đoạn đường dài từ đất kinh thành An Nhơn về phố thị Quy Nhơn và đi khắp các huyện trong tỉnh; có khi còn chạy cả lên Gia Lai… Xe chở khách thì từ 8 đến 10 người còn xe chở hàng thì chạy tùy sức ngựa! Trên đường chỉ có ngựa thì tai nạn giao thông là rất ít nhưng không phải là không có. Chú Bảy Công ở chợ Cây Bông kể: Quãng những năm đầu thập niên 60 khi con Hồng Đinh của chú đang gò lưng kéo một xe gỗ nặng về làng thì có người xin quá giang, nể tình chú Bảy cho đu lên phía sau nào ngờ khi ngựa nhảy qua cống Ông Biên, ngựa tuột ra khỏi càng, ngựa lao đằng ngựa, xe lao đằng xe làm người quá giang bị thương nặng. Hồi đó chú Bảy phải ra tòa chịu phạt giam và bồi thường cơm thuốc… Xe ngựa thịnh hành kéo theo nghề buôn bán ngựa. Những người quen chạy xe ngựa, có chữ nghĩa nghiên cứu Mã kinh phối hợp với kinh nghiệm, làm nghề buôn ngựa phất lên rất nhanh. Chú Ba Cảnh, chú Nguyễn Mươi về sau đều trở thành những tay buôn ngựa cự phách. Chú Nguyễn Mươi kể chuyện chú mua con ngựa tía của mình như thế này: Nhà chú ở gần đường, đêm ngủ chợt nghe có tiếng móng ngựa gõ lóc cóc, lóc cóc… rất đều trên đường. Nghe tiếng móng gõ mà thèm con ngựa. Chú Mươi chạy ra đường thì con ngựa đã đi xa. Đêm hôm sau chú Mươi lại nghe tiếng gõ móng ấy. Đến đêm thứ ba thì chú quyết định ra ngủ hẳn ngoài đường để đón ngựa. Và chú đã quyết định mua con ngựa ấy với giá bằng ngôi nhà của chú. Theo chú Mươi, con ngựa hay tiếng gõ móng phải thật đều. Còn theo chú Ba Cảnh, ngựa hay thì mắt lồi, lông mịn, mặt bằng, trán thẳng, mũi nhỏ, tai nhỏ, gối tròn, tự nhặt… Ngựa hạ nhãn thiếu nhục là ngựa trở chứng; ngựa có xoáy chữ o, xoáy đường xà sẽ mang đến cho gia chủ sự xui xẻo…
Ngựa thường được mua trên vùng núi cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, muốn ngựa ngậm được càng xe phải trải qua giai đoạn tập luyện, thuần dưỡng. Ban đầu tập ngựa dưới nước rồi đưa lên bãi cát và cuối cùng là lên đường. Nhiều con ngựa chứng phải cho vào cái chuồng hẹp ép tập cho khôn dần.

Vĩ thanh

Xã hội ngày càng phát triển, ô tô xuất xưởng ngày càng nhiều đẩy xe ngựa xuống các đường ngang. Các bến xe ngựa thưa dần khách. Rồi khách cũng không còn quen đi xe ngựa. Xe ngựa thành xe thồ hàng. Nhưng dần cả đường ngang rồi cũng dần được bê tông hóa, xe lam, xe máy nườm nượp tranh hàng với xe ngựa bằng giá rẻ như bèo. Các chú ngựa chỉ còn ở lại với những nhà thực bụng yêu quí ngựa. Xe ngựa trên đường cũng vì thế cũng thưa dần. Cả vùng đất An Nhơn- thành kinh xưa từng có hàng nghìn xe ngựa giờ chỉ còn vài mươi. Nghề xe ngựa đang khấp khểnh, phong trào ngựa đua cũng xuống dốc. Mỗi vùng kinh thành này chỉ còn tổ chức được có một lần vào mùng ba tết. Và cái thành tích ngựa An Nhơn cũng không còn thời lẫy lừng. 

Nhưng tôi không buồn. Tôi đã có một niềm ký ức đẹp đẽ về một tuổi thơ được bồng bềnh du xuân trên xe ngựa. Và tôi cũng tin rằng cùng với các dự án khôi phục danh lam thắng cảnh và việc trùng tu những ngôi tháp, những di tích thành cổ rêu phong của An Nhơn quê tôi, nhất định xe ngựa rồi sẽ được trang trí xinh đẹp hơn và sẽ là loại xe du lịch hạng sang đưa du khách bồng bềnh đến các miền cổ tích.
Còn tết nầy, tôi nhất định sẽ đưa các con tôi về quê, cho chúng nhập vào đám trẻ du xuân trên xe ngựa.


Trần Quang Khanh

Cùng tác giả:




Read more…

LÁ - BÀI THƠ TÌNH MÙA XUÂN - Thơ Phạm Văn Phương






Một đêm nằm ngủ dưới trăng
sáng ra thấy lá bỗng xanh rỡ ràng
không gian như chạm tiếng đàn
vỡ thành trăm mảnh nắng vàng phù hoa
tưởng em về trắng đêm qua
tiếng chim động giữa lòng ta, lòng người

mùa xanh vô tận đất trời
em đi từ buổi sân ngoài vắng anh
qua rào ngắt  một chồi xanh
thấy trong lá biếc lung linh miệng cười
trái na đã chín lâu rồi
sao em không hái để mời người xa?
anh về ngồi giữa vườn ta
nhớ em đôi mắt hạt na đen tuyền
cầm tay ngọn cỏ hồn nhiên
lòng thương biết chẳng thắm duyên trong đời

mùa xanh vô tận đâu rồi?
sáng nay thức giấc thấy trời lạnh se
áo vàng vừa cuối lũy tre
nắng vàng...chỉ nắng vàng hoa...nắng vàng

Phạm Văn Phương
***
Bài cùng tác giả P.V.P



Read more…

PHỐ NHỎ, NHỮNG NGÀY MƯA

Truyện ngắn của Mang Viên Long




Ông Nhương nói với ông già vừa đến thuê thay giúp một mặt kính lão bị bể: “ Mùa mưa, chỉ ăn thôi chứ không có làm! Từ sáng đến giờ-gần hết buổi sáng, mà chỉ thay được một cái gọng kính, vỏn vẹn có tám ngàn đồng bạc!”.
Ông già cười: “ Ông còn có “ tiền tươi” tám ngàn, chứ tôi có đồng xu nào đâu?"
- Bác có lương hưu lãnh hằng tháng, ăn rồi chơi-khỏi lo, chứ tôi có hưu nai gì?
- Thôi ông ơi! Đừng nói tới chuyện hưu nai nữa!-Ông lão nhăn mặt- Ra đi mấy chục năm- bị nghỉ mất sức, mỗi tháng phát cho mấy trăm ngàn, đủ húp cháo …
Ông Nhương dừng tay mài kính, ngẩng lên nhìn ông già-cười : “ Ông còn có cháo mà húp, chứ nhiều người không có cháo thì sao? Chẳng hạn như tôi đây nè…”
Ông già im lặng.
Ông Nhương tiếp tục mài kính.
Trời vẫn mưa rào rào ngoài đường. Con đường vào chợ vắng hoe. Gió thốc vào mái hiên nơi ông Nhương kê chiếc tủ “ Sửa Kính Đeo Mắt” từng cơn, lạnh.
Buổi sáng không có giờ. Bầu trời xám ngắt.
Ông già bỗng thở dài:
- Mấy quán nhậu, quán cà phê, giải khát, quán ăn, quán ca-ra-ô-kê… mọc lên khắp hang cùng ngõ hẻm ngày càng nhiều, không biết thiên hạ tiền đâu mà ngày đêm các quán đều đông nghẹt cả?
Ông Nhương so kính vào gọng, lại tháo ra-tiếp tục mài.
- Mà phải nhậu ít sao? Ông già nói tiếp- nhậu từ sáng đến chiều tối còn rào rào như tằm ăn lên…bụng dạ đâu mà ăn dữ vậy không biết?
- Ông bà mình đã nói rồi, bác không nhớ sao?-Ông Nhương vẫn cắm cúi mài kính-“ dĩ thực như tiên” mà? Ăn rồi mới làm chứ?-Ông Nhương cười khà khà-không có ăn, ai dại gì mà làm chứ, bác?
- Nhưng làm gì mà nhiều tiền vậy?-Ông già cải lại. Nhậu đến mửa ra, còn nhậu tiếp…mà toàn là đám thanh niên choai choai thôi. Cỡ bốn năm mươi cũng không thiếu gì ! Ông nào ông nấy cái bụng to phình mà vẫn còn nhậu tiếp?
- Tiền " chùa" mà, Bác!
- Mình kiếm đồng bạc chảy máu con mắt, nhưng sao thiên hạ làm gì mà giàu có ăn nhậu la cà hết quán này đến tiệm nọ mà nhà cửa xe cộ đất đai ngày càng mọc thêm ra nhiều vậy?
- Bác tìm họ mà hỏi đi!- Ông Nhương trao kính cho ông lão-Bác hỏi tôi, làm sao tôi biết?
Ông Nhương nhận tờ giấy bạc mười ngàn đồng từ trong túi nylong quấn chặt hai lớp của ông già-đưa lên ngắm nghía-cười : “ Vậy là đủ dĩa cơm trưa rôi!” –Nhìn lên gương mặt khắc khổ của ông già-ông Nhương nói:" Bác về nhà nằm nghỉ cho khỏe đi, hơi đâu mà thắc mắc cho thêm mệt tuổi già, bác? Đời này càng nghĩ, càng thêm mệt! Quên đi là tốt nhất!”.
Ông già trùm chiếc áo mưa cánh dơi, lòng còn hập hực- bước ra hiên-đi dưới cơn mưa đang ào ạt. Ngày không có mặt trời. Bầu trời một màu mưa trắng bạc.Và gió từng cơn thổi giật làm rung chuyển mái hiên tôn, vật vã hai hàng cây bên đường phía ngôi chợ. Nhìn trời, ông Nhương biết sẽ chẳng có ma nào chịu rời nhà mà đi sửa kính như ông già gân này nữa. Ông kéo tấm ny lông dày che kín chiếc tủ gương, và đồ nghề-khoát tấm ny lylong vuông lên đầu-chạy qua bên kia đường để vào chợ tìm dĩa cơm muộn.
Bước vào quán thì chỉ gặp một mình lão Nhện đang ngồi cắm cúi bên dĩa cơm năm ngàn như thường lệ. Ông ngồi xuống chiếc bàn thấp bên cạnh:" Chà! Hôm nay ông ăn sớm nhé?".
- Đói bụng rồi! Lão Nhện ngước lên đáp-sớm gì nữa cha nội?
- Sao đói bụng sớm vậy cha?
- Hừ, buổi sáng đâu có gì ăn?-Lão Nhện vẫn cúi mặt lên dĩa cơm đã gần hết.
- Bữa nay kiếm được mấy đồng?
- Đủ dĩa cơm!
- Không còn dư đồng nào sao?
- Không!
Ông Nhương vẫn thường gặp lão Nhện trong cái quán cơm bình dân cuối dãy chợ này nên đã là chỗ thân tình của lão. Nhiều bữa cơm chỉ còn lại hai người, có lão Nhện cùng ăn, vừa chuyện trò tào lao với lão- vừa đùa chọc - dĩa cơm mới mau hết. Nhiều hôm không gặp lão Nhện, ông Nhương cảm thấy khó nuốt trôi dĩa cơm tứ thời mấy món kho mặn lênh láng dầu mỡ ( mà chẳng biết là loại dầu gì?)! Có bữa kiếm được kha khá, ông kêu cho lão Nhện thêm một dĩa năm ngàn nữa- để lão cùng ngồi ăn cho có bạn, cho vui-nhưng lão ta chỉ ăn một hơi là sạch trơn. Tuy tuổi chỉ tròn trèm 60, mà người gầy ốm , đen điu, nên trông như một ông lão. Lão Nhện đẩy chiếc ba gác ọch ạch để di chuyển hàng từ ngoài đường vào chợ cho các con buôn hàng trái cây, rau, các thứ lỉnh kỉnh vặt vãnh cồng kềnh cần mang vào chợ để kiếm sống hằng ngày. Chiếc xe qua năm tháng dài không còn dây sên, không còn bàn đạp, ba chiếc bánh chỉ quấn toàn dây cao su, nên không thể đạp đi được nữa. Lão chỉ dùng sức để đẩy hay kéo xe đi thôi. Tối đến ,tìm một góc phố hay sạp hàng nào rộng rãi ngã lưng làm một giấc thẳng cẳng-thế là hết một ngày. Không ai có thời gian mà tìm hiểu xem lão từ đâu đến, quê quán, vợ con, gia đình thế nào cả! Và cái tên “ lão Nhện” của lão cũng do mấy bà “ nhìn người, đặt tên” cho lão mà thôi. Ông Nhương thầm khen người nào đầu tiên đã đặt cho lão cái tên “ Nhện” rất hợp với thân người ốm nhỏ mà tay chân khều khào dài thoòng như chân nhện. Gặp mối , lão chỉ chất hàng lên và kéo đi. Luồn lách trong các lối nhỏ chật chội của khu chợ để giúp chuyển hàng- kiếm từng đồng bạc lẻ. Trên đường đi, hễ gặp bao giấy, những tấm ny lông rách, vật dụng bằng nhôm nhựa bị vất bỏ, ông đều dừng lại thu lượm bỏ vào một bao lớn, cột kỹ- vài ngày đem bán lại cho các điểm mua đồ phế thải rác giấy, nhôm nhựa kiếm thêm. Có lần lão khoe với ông Nhương, vừa cân xong bao đồ kiếm được ba chục ngàn đồng. Lão cười hì hì : “ Có ba ngày ăn cơm rồi, lo cái quái gì nữa?" . Lão Nhện thường chia sẻ niềm vui hiếm hoi nhỏ nhặt như vậy cho ông Nhương hằng ngày như những đồng bạc kiếm thêm được từ chiếc bao tải chứa đồ phế thải…
Quán vắng. Chợ thưa. Mưa dầm dề. Ông Nhương nhìn lên mặt chiếc đồng hồ Telda cũ kỹ đeo tay: đã gần 1 giờ chiều rồi! Buổi chiều lại sắp đi qua. Trời tối sầm. Mưa đổ rào rào bên ngoài không dứt. Và gió, gió giật từng cơn như có hướng bão xa ở quanh đây . Ông Nhương đứng dậy- cảm thấy gây gây lạnh – gượng cười với lão Nhện: “ Trời mưa gió kiểu này, tìm một xó nào khoanh cho rồi chứ làm lụng gì nữa, ông Nhện?"
- Ờ, ờ… Chắc phải ngủ quá-lão cười hì hì – ngủ đói!



Vừa che tấm nylong lên tủ kính thì đã có khách sửa kính ghé xe lại sát hiên nhà-
ông Nhương vui vẻ : “ Cháu sửa hay mua kính? “
Cô gái cởi tấm áo mưa cầm tay-giọng gấp gáp: “ Chú sửa giùm cháu lấy ngay được không ạ?”
- Được-ông cười, nhưng cho chú xem kính sửa gì đã chứ?
Cô gái sực nhớ-gỡ mắt kính đang đeo, đưa về phía ông Nhương:
- Cháu vô ý vừa làm vỡ mất một mặt kính sáng nay…
Ông Nhương cầm gương lên xem: “ Chà! mắt cháu bị cận 3 độ sao?”
- Dạ không, 2 độ 75 ạ!
- Mắt kính dày, phải mài hơi lâu-ông lắc đầu-nhanh cũng mất nửa tiếng cháu à!
- Vậy làm sao cháu kịp vào lớp dạy, chú?-cô gái hốt hoảng.
- Phải làm chứ ăn đâu mà nhanh cháu?-Ông cười- phải mài dũa mắt kính cho vừa sít với gọng để không dễ bị rớt-lâu đấy! –Ông nhìn đứng lên gương mặt cô gái còn đọng vài hạt nước mưa chưa kịp lau- bỗng nhận ra trên khuôn mặt bầu bỉnh hồn nhiên ấy có nhiều nét rất đỗi giống Ngân xưa.- À, mà mấy giờ cháu bắt đầu dạy?
- 6 giờ 45!
- Cháu để kính lại chú làm, trưa chiều về ghé lấy…
- Đi dạy không kính sao, chú?- giọng cô gái phân vân- cháu ngồi làm bù nhìn cho học trò chúng giỡn sao?
- Ra bài tập gì đó cho chúng làm đi!-Ông lại cười, chờ đợi.
- Không được, chú à!-cô gái băn khoăn-hôm nay là 4 tiết dạy nâng cao cho học sinh giỏi lớp 12, đâu ngồi chơi được? Vẻ lo lắng, khổ sở hiện lên sắc sảo trong đôi mắt đen láy-hễ rảnh một phút, là chúng ồn ào quậy phá ngay rồi!-cô gái thở dài- học sinh bây giờ mà chú!
- Vậy là không ổn rồi-ông giơ tay lên xem lại giờ-bây giờ đã 6 giờ 22 phút rồi!
Nói xong, ông cảm thấy hơi tiếc vì mới sáng sớm mở hàng đã bỏ lỡ mất một người khách-mà có lẽ, sẽ là người khách duy nhất cho buổi sáng tầm tã mưa như thế này- Ông chợt nhớ: “ Hay là thế này…chú có mắt kính nữ 3 độ, cháu cầm đeo đi dạy đỡ nhé? Để kính cũ lại chú làm, trưa về, ghé lấy- được không?”.
Cô gái reo lên: “ Được chú giúp cho vậy thì tốt quá!-cô ngập ngừng, cháu gởi tiền thế cho kính của chú nhé? ”-Cô gái lúi húi mở cặp, lấy ra chiếc bóp giấy nhỏ màu xanh.
Ông Nhương thản nhiên mở tủ lấy chiếc kính mới trao cho cô gái-cười dễ dãi: “ Có bao nhiêu đâu mà cháu phải “ thế chân, thế cẳng” vậy ?-Giọng ông trở nên nghiêm nghị- Cháu làm vậy không sợ chú buồn sao? Chú tin cháu mà!”
- Cháu xin lỗi!
Đeo thử kính vào mắt-cô gái tươi vui như vừa được cho quà: “Cháu cám ơn chú! Trưa cháu ghé lại. Chú tốt quá! “.
- Chú không tốt đâu-ông nhìn đăm đăm vào nét mặt nhân hậu hồn nhiên của cô gái- cười hà hà-sống mà không còn tin được vào ai, thì khổ hơn nhiều, cháu à!.
- Chú nói hay lắm!-cô gái đạp xe, nổ máy.
- Những người có gương mặt như cháu, không thể phản bội ai được-ông Nhương nói vói theo.
- Sao vậy? Cô gái ngạc nhiên quay lại với nụ cười-sao chú biết?
Sau câu hỏi không đợi trả lời, cô gái cho xe chạy nhanh về hướng ngoại ô như cố che dấu một niềm vui đang chớm nở trong lòng, bóng xe nhòe ngay trong màn mưa dày đục. Gió quất từng cơn rào rào cùng với tiếng mưa nặng hạt như vãi nước.Từng đợt màn mưa bay xiêng theo cơn gió, có lúc thổi hắt hẳn vào mái hiên nơi tủ kính của ông Nhương-ông khẽ rùng mình- chép miệng: “ Mưa…mưa lèm nhèm tối ngày!”.
Đường phố vẫn im vắng trong nỗi lạnh lẽo bao trùm. Bóng người thấp thoáng. Co ro-vội vã. Ông Nhương đã bao ngày ngồi nhìn cái góc phố quạnh vắng trong mưa, như nhìn soi vào chính cuộc đời tẻ lạnh của mình, nhưng lần này, sáng nay- bỗng thấy những bóng người di chuyển co rúm trước mắt kia sao mà nhỏ bé, tội nghiệp đến vậy? Đời người sao mà cô độc và lạnh lẽo đến vậy?



Từ xa, ông Nhương đã nhận ra mầu áo mưa của cô gái đang chạy băng qua đường, hướng về phía hiên nhà ông ngồi. Ông điềm nhiên ngồi nhìn từng cử động của cô gái - dừng xe, bước vào hiên, vội vàng cởi tấm áo mưa móc lên chiếc cột hiên nhà, nụ cười ánh lên cả đôi mắt ướt: “ Chào chú! Chú chưa nghỉ sao? “.
- Ngồi đợi cháu mà! Ông cười.
- Cháu làm phiền chú nhiều quá!-cô gái ngồi xuống chiếc ghế để sẵn bên cạnh .
- Chú rất mong có người làm phiền như vậy mà dễ gì được?
- Vậy chú không có ai “ làm phiền” cả sao?-Cô gái nhìn đứng lên mặt ông Nhương, vẻ trìu mến-lúc còn trẻ chắc chú có nhiều người thương lắm phải không?
- Sao cháu hỏi vậy? – ông nhếch cười- không có ai làm phiền chú cả! Ông buông thõng- từ hơn chục năm nay rồi, cháu à!
- Chú sống một mình trong căn nhà này phài không?
- Không phải nhà của chú-ông đáp, giọng thản nhiên-chú mượn tạm hiên nhà của người bạn học cũ …
Ông Nhương vói tay lấy chiếc kính đã lắp mặt kính mới đặt vào lòng bàn tay cô gái-“ Cháu đeo vào xem thử đi? ”.
Cô gái gỡ chiếc kính mới ra, đeo kính cũ đã sửa vào: “ Cháu trông rõ lắm chú à!”.
- Vậy là tốt rồi! Ông nhìn cô gái như nhìn vào một con mèo con.
- Chú cho cháu gởi tiền…
Ông Nhương không trả lời –hỏi: “ Cháu biết tại sao lúc sáng chú nói người có gương mặt như cháu là không bao giờ phản bội ai không? “
- Dạ không!- Đôi mắt cô gái chợt ánh lên- cười e thẹn-Cháu cũng định hỏi lại chú mà!
- Không có gì lạ đâu!-Ông Nhương liếc nhìn cô gái giây lâu- Thuở trước, chú cũng có một cô bạn gái - nói rõ hơn, là người chú yêu - có một khuôn mặt giống cháu như đúc! Cô ấy hiền và xinh xắn lắm!
- Rồi cô ấy đâu, chú?
- Đang ở xa chú - ở đâu chú cũng không biết rõ-từ dạo ấy đến nay, sau ngày 15 tháng 4 năm 75 , trên 30 năm chú không được gặp lại- nghe tin cô ấy đã rời Sài Gòn về quê, nhưng quê thì biền biệt …
- Vẫn chờ chú? Cô gái cười dò xét.
- Không phải chờ, mà lặng thầm thương nhớ-ông nhìn vào màn mưa trắng xóa ngoài hiên, giọng trầm trầm - mỗi người một phương trời xa lắc, bị cột chặt với bao điều khó khăn phiền nhiễu, cháu à!
- Chú nói hơi khó hiểu…
- Ngay chú cũng cảm thấy khó hiểu mà!
- Sao lạ vậy?
- Cuộc đời có nhiều điều rất lạ mà cháu !-Ông cười mơ hồ, như chú đươc gặp cháu sáng nay-chú tưởng như được gặp lại cô ấy cách đây 30 năm vậy!
Cô gái nửa muốn hỏi gì thêm. nửa ngại ngùng-cô lấy chiếc kính ra lau như một thói quen :"Thưa chú, chú cho cháu gởi tiền..”.
- Thay mặt kính cận 2 độ 75-loại tốt, giá 25 ngàn đồng…
Cô gái kéo chiếc cặp để lên đùi, lúi cúi mò tìm chiếc bóp giấy mầu xanh để lẫn trong mấy xấp bài, sách vở-lấy ra ba chục ngàn đồng-đưa hai tay về phía ông Nhương: “ Chú cho cháu gởi-sao chú tính rẻ quá vậy?”
Ông Nhương chỉ liếc nhìn, không cầm tiền vội mà đến mở ngăn hộc tủ kính tìm tờ giấy bạc năm ngàn .Ông loay hoay. Cô gái đã mặc xong áo mưa, đặt tiền lên mặt bàn thầp-bước ra hiên: “ Cháu gởi chú ba chục ngàn mà? “
- Còn dư năm ngàn đây, cháu-vừa nói, ông vừa vội bước xuống bực thềm.
- Cháu gởi chú mà-cô gái cười , khuôn mặt lóng lánh nước mưa-cháu mời chú một ly café không được sao!
Chiếc xe đã vào số, chạy lươt tới, mưa-mưa…



Suốt đêm mưa gió xào xạc hung bạo tưởng như ngoài trời cây cối đường sá sẽ bị rách nát hết dưới những cơn mưa dữ tháng 10. Sáng ra- phố xá vắng tênh, đường trống trơn như rộng thêm ra - mưa nhẹ hạt hơn, nhưng vẫn mưa lèm nhèm không dứt. Chiếc loa treo ở trên cột điện góc phố lập đi lập lại thông báo về cơn bão số 9 sắp vào bờ. Gió thổi bạt tiếng loa phóng thanh mỗi lúc một mạnh, nghe tiếng được tiếng mất-dường như cơn bão đang bò tới gần ? Đã qua 8 cơn bão tê tái rồi, không biết còn bao nhiêu cơn thịnh nộ của đất trời sẽ trút xuống dãi đất nghèo khó này nữa? Ông Nhương khoát vội tấm áo mưa, dắt chiếc xe đạp xuống hiên, rướn người đạp ngược gió xuống nhà bưu điện. Chiều hôm qua nhận được giấy báo đến nhận gói gởi bảo đảm thì ngó trời đã sập tối, lại mù mịt nước mưa- dù rất nóng lòng muốn biết người gởi là ai, gởi cái gì -ông cũng không dám dầm mình trong mưa, vuợt gió mà đi được. Sống một bóng một mình lỡ ngã bệnh phải nằm mẹp xuống thì đâu có bàn tay, tiếng nói nào để ông an ủi, nương cậy? Từ ngày xa Ngân-rồi người vợ buồn tình ẵm con bỏ đi-ông kiếm sống bên chiếc tủ sửa kính ngày hai dĩa cơm quán chợ đã bao năm rồi-vẫn không hề đau ốm gì nặng. Cứ lai rai đau, uống vài viên thuốc là xong. Người ta nói ông được Trời Phật nuôi-nhưng ông nghĩ, chính ông phải nuôi ông trước. Người bạn vong niên ở dãy phố bên kia đường hằng ngày thuờng mò qua thăm ông- trò chuyện đủ thứ trên đời cho hết giờ nhàn rỗi không biết làm gì khi đã đong đưa ở tuổi 80 cũng vừa ra đi mấy tháng nay rồi. Xa ông, ông Nhương nhớ mãi lời ông thường lập lai để an ủi ông bằng một câu kệ “ Chư pháp tùng duyên sinh-Diệc phục tùng duyên diệt”-vậy là ông ta cũng đã “ tùng duyên diệt” rồi-có gì đâu mà buồn?. Có đôi ba người quen trong khu phố bỗng thấy vắng đi ít lâu-sau hỏi thăm, mới biết họ đã rời xa khu phố vĩnh viễn rồi! Giống như một chuyện đùa chơi vậy.
Đã ba hôm rồi-ông thường bị những cơn sốt, và sau đó là cái lạnh run rẩy ập đến. Ghé hiệu thuốc tây khai bệnh, mua vài liều thuốc về uống-nhưng chỉ thuyên giảm chút ít thôi. Ông chủ hiệu thuốc nói chú bị bệnh sốt siêu vi rồi, phải chích thêm Laroscorbine vietamin C 1 gam mới mau bớt được. Hỏi hộp thuốc bao nhiêu, ông ta cười : “ Tính cả kim chích, chỉ một trăm ngàn chữ mấy? ”. Một trăm ngàn mà còn chớ mấy? Ông Nhương nhớ lại lời người thiếu phụ đến sửa gương tháng trước:“ Nếu trong nhà tôi lúc ấy có được một trăm ngàn thì thằng con trai bốn tuổi của tôi đã không chết tức tưởi sớm sủa như vậy rồi!”. Ông Nhương cũng liều mạng, chỉ lấy mấy liều thuốc viên thôi-một trăm ngàn đến 10 dĩa cơm, ăn được 5 ngày mưa bão ế ẩm kia mà! Nếu “ tùng duyên diệt ” mà “ duyên” đã đến thì dầu có nằm trên đống vàng, đống thuốc như lão Xuân, bà Tuyết cũng đành bó tay mà thôi!
Ông Nhương để xe ngã vào vách, vội mang gói bảo đảm ra săm soi như tìm kiếm ở đó dấu vết nào thân thuộc, nhưng tuyệt nhiên không-chí có tên người gởi rất xa lạ : Tạ Nguyễn Minh Trang. Minh Trang nào? Đâu có Minh Trang nào trong đầu ông từ thuở xưa đến nay? Nơi gởi ghi quận Tân Bình, thành phố Hồ Chí Minh. Vậy ra là ai?
Ông phải dùng dao xếp rọc hai lớp bao giấy chắc chắn, kéo ra được một tập giấy dày có lớp bìa cứng, được kẹp kỹ bằng chiếc kẹp xếp đã hoen rỉ. Lật vào trong, ông bàng hoàng ngã người lên thành ghế, rồi nhắm nghiền mắt lại. Ông không hề tưởng tượng ra nổi lại có thể có ngày như hôm nay . Ông không dám nhìn lại những dòng chữ thương yêu mà chính tay ông đã viết bằng nhiều nét mưc đã lu mờ cách nay hơn 30 năm cho Ngân nữa…
Gần mươi phút ngồi yên với gói thư còn cầm trên tay, ông Nhương chợt cúi xuống như một cái máy, đưa tay kéo thêm 2 tập còn lại. Tất cả 3 tập thư, mỗi tập dày trên 300 trang đều được bao bìa cứng, kẹp kỹ bằng chiếc kẹp xếp cùng loại . Ông điềm tĩnh giở ra từng tờ thư, những cánh thư cũ đã được Ngân sắp theo thứ tự theo ngày tháng nhận được, từ lá thư đầu tiên ghi ngày 12 tháng 10 năm 1972 được ông viết tại Tuy Hòa trước ngày rời xa cái thị xã yên vắng thân thương ấy để bước vào quãng đời lận đận ( cho mãi đến ngày hôm nay.).
Nhìn lại từng dòng chữ nhỏ li ti trên đủ loại giấy, ghi dấu đủ mọi miền mà gót chân ông đã từng đặt đến, kể cả những miền núi rừng “ không có tên gọi”. Thuở ấy, ông cứ viết rồi cho vào bao thư, dán kín, nhét vào ba lô-chờ đến ngày có người xuống phố mới nhờ gởi đi cho Ngân một lần. Có tháng, nằm lơ lửng trên đồi trong chiếc lô cốt lạnh lẽo, Nhương viết mỗi ngày hai ba lá thư vì không biết phải làm gì cho hết ngày tháng. Tất cả đã được Ngân dồn vào trong 3 tập thư này như dồn nén vào lòng mình những nhớ thương khắc khỏai bao năm chăng? Lúc này, nỗi nhớ Ngân ngùi ngùi dâng lên trong lòng ông, mỗi lúc một mạnh- có lúc làm ông cảm thấy khó thở, phải ngã người ra thành ghế mà nhắm mắt giây lâu. Ngân đã giữ nguyên 3 tập thư này trong suốt hơn 30 năm qua sao? Nàng đã đọc nó đến bao nhiêu lần trong quãng thời gian đằng đẳng mờ mịt từ ngày xa cách ông tại ngã ba thành trưa hôm ấy?
Một tờ thư nhỏ được gấp làm bốn nằm giữa tập thư thứ 3 rơi xuống chân ông. Ông vội cúi xuống nhặt lên, hy vọng là lá thư tâm tình cuối cùng của Ngân dành cho ông-nhưng không, thư của Tạ Nguyễn Minh Trang;
Thưa chú,
Cháu xin được tự giới thiệu để chú khỏi ngỡ ngàng: Cháu là người cháu gái gọi Cô Ngân bằng Cô ruột. Ba cháu là anh thứ tư-còn cô Ngân là em út. Cháu may mắn được có mặt, được gần cô trong giây phút cuối cùng của cô trên cuộc đời này. Cháu được cô tin tuởng yêu thương nhắn gởi lời cuối cùng trước giờ mất tại bệnh viên ung bứu thành phố vào lúc 21 giờ 45 ngày 12 tháng 9 vừa qua.
Làm theo lời trăn trối của Cô-cháu đã mở chiếc tủ riêng của cô-tìm thấy 3 tập thư-và làm theo y lời cô dặn dò “ Cô nhờ cháu tìm cho ra địa chỉ của Ông Nhương-Trần Thanh Nhương, trước ở (…) sau (…)-mà gởi giúp bảo đảm cho ông ấy 3 tập thư của Cô đã gói sẵn trong ngăn tủ, cháu nhé? “. Sau hơn mấy tuần dò tìm theo những địa danh cô nói-tất cả đều trả lời “ biết tên ông ấy, nhưng hiện giờ không rõ ông đang ở đâu?” . Cháu định nhờ đăng báo “ Tìm Người Thân”; có người khuyên cháu nên nhờ đài phát thanh truyền hình để nhắn tin tìm kiếm...
Cháu chưa quyết định nên làm theo cách nào, thì rất may, người bạn thân của cháu đang làm ở việc ở tòa soạn báo Ngày Mới-phone cho cháu là đã tìm thấy địa chỉ và cả hình ảnh của chú nữa. Cô ấy bảo “ mình nhờ Google đấy! thật tuyệt diệu-cậu à!”. Qua sự hướng dẫn của cô bạn, cháu đã tìm thấy hình ảnh của chú ( giống những bức ảnh còn lưu trong album của cô cháu) nên cháu rất tin tưởng gởi những gì cô cháu đã dặn lúc ra đi: “ những gì của anh, em xin gởi lại cho anh”. Cháu mong chú hãy vui lòng nhận lại “ món quà một đời ngừoi” mà cô cháu rất trân quý đã gìn giữ bao năm trong nỗi cô độc và khổ đau…”
Ngoài trời -cơn bão số 9 hình như đang đến…


MANG VIÊN LONG



Read more…

TRANG THƠ CHỦ NHẬT (Lê Văn Hiếu - Đào Viết Bửu - Hồ Thế Phất)



LÊ VĂN HIẾU


Gặp đồng hương trên thành phố lạ





Lững thững giữa thành phố lạ
Ngác ngơ chỉ một mình ta
Vô quán gọi vài cốc rượu
Đánh lừa cái nỗi bơ vơ.
Gặp anh xe ôm – đụng chén
Nào hay đụng phải người mình.
Gặp em vé số - chạm mặt
Nào ngờ chạm tiếng quê hương.


Xót xa ngậm thêm vài ngụm
Nghe cay đắng điếc cả hồn
Lời rao cô gái hoa quả
Nghe buồn - chạy dọc sống lưng.
Nghe vui những bàn chân cứng
Dọc ngang ở mọi ngả đường
Ta không một mình một bóng
Bạn ta chẳng phải cô đơn.
L.V.H



 ĐÀO VIẾT BỬU
Chải tóc em

Tóc em rụng nhiều ngày đau ốm
Vòng khoanh trên chiếu sợi sợi mềm
Anh chải hộ mà không dám rợn
Sợ động lòng em một nỗi niềm
ĐVB

HỒ THẾ PHẤT
Ngày xuân thả gió

Em vương màu thúy
Trang đài
Gửi hương
vào mộng
Hỏi người liêu trai

Bàn tay năm cánh hoa mai
Về đây
dạo khúc trùng lai phiêu bồng

Dung nhan trên đỉnh
Mây hồng
Ngày Xuân thả gió
Ru lồng trời xanh
HTP

Read more…

VÒNG ĐỜI OAN NGHIỆT Truyện ngắn Trần Minh Nguyệt











               -  “ Thụy! Sao ông ngồi một mình ở đây? Mà làm gì ông thẫn thờ quá vậy?”. Thụy ngước nhìn lên – Trung, cậu bạn hàng xóm nổi tiếng vì những trò nghịch ngợm nhưng rất tốt bụng và vui tính. Không ai biết được Trung có buồn không? Vì lúc nào vẻ mặt anh cũng rạng ngời niềm tin, và hạnh phúc. Trung luôn mang lại cho người thân – bạn bè xung quanh một cảm giác ấm áp, an lành. Thụy gượng cười trả lời bạn : “ Có buồn và thẩn thờ gì đâu? Mình ra đây nhâm nhi li cà phê và nghe nhạc Trịnh như mọi lần thôi mà. Còn cậu sao cũng đi một mình đến đây vậy? ”. Trung cười rất tươi - nhìn vào Thụy, cao giọng như hát : “ Tớ ấy à? Tớ bấm quẻ biết hôm nay cậu bạn thân nhất của mình có chuyện buồn mà không thể nói cùng ai, giữ trong lòng thì nặng trĩu nên tớ ra đây cho cậu giải bày thôi”. Thụy cười và đấm vào vai bạn : “ Ông nổ vừa thôi chứ, mình thì có chuyện gì mà buồn chứ?”. Trung vẫn tỉnh khô nhìn vào mặt Thụy và nói từng tiếng:“ Cậu đừng giấu tớ, tớ là ma xó mà, không có chuyện gì qua mắt được tớ đâu? ”. Thụy có vẻ phân vân, yên lặng.
                   Một thoáng đăm chiêu, Thụy nhìn thẳng vào mặt Trung - khẻ nói: “ Có thật cậu muốn nghe những u uẩn sâu khuất trong lòng mình không? Mình muốn quên đi tất cả, nhưng từ hôm qua tới bây giờ nó lại trổi  dậy cậu à!”.  Thụy khẻ lắc đầu : “ Mình thua rồi, thua nó thật rồi, không thể chế ngự nó thêm nữa.  Mình sẽ tâm sự cùng  cậu vậy… ”.
                   Nhìn vẻ mặt như héo lại, khô ráp - và nghe giọng nói như uất nghẹn của Thụy; Trung chỉ nhìn bạn với đôi mắt đồng cảm và khích lệ.



                   “ Cậu cũng đã từng biết tôi là một đứa con nuôi phải không?”
Thụy đột nhiên hỏi bạn. Sau phút ngỡ ngàng, giọng Trung điềm tỉnh : “ Cả cái xóm này, ai mà không biết cậu là con nuôi chứ? Cậu về đây khi cậu lớn rồi mà? Nhưng con nuôi thì sao ? Ba, mẹ và các anh em vẫn rất thương yêu cậu  hết lòng đó thôi? ”. Thụy gật nhẹ đầu như để xác nhận. Giọng trầm trầm, xa vắng :  “Thì mình có nói gì ba, mẹ hiện giờ của mình đâu? Họ yêu thương mình hết lòng mà ”. Trung ngạc nhiên ngắt lời bạn : “ Vậy bạn còn buồn gì nữa chứ? ”. Thụy yên lặng một lúc lâu, và  vẻ mặt bỗng trở nên đỏ rần lên -  anh nói gằn từng tiếng : “ Tôi hận ông, bà đã đẻ tôi ra, rất hận cậu à, Họ không phải là con người nữa rồi, mà chỉ là những con vật đội lốt người thôi… ”.
                   Dường như nhận ra được vẻ hốt hoảng, và kinh ngạc của bạn, Thụy nói khẻ như với chính mình  : “ Cậu đừng tròn mắt ngạc nhiên vậy, hãy nghe tôi kể lại những gì tôi đã sống, đã trải qua khi tôi còn là con cái của họ … cậu sẽ hiểu vì sao  ! ”.
                  Quá khứ lại quay về, như một cuộn phim đã bật máy - Thụy miên man nói, miên man kể như muốn nhanh chóng trút cạn những đau buồn, sợ hãi ra khỏi lòng mình.



            “…  Nhà tôi nghèo lắm, “ông ấy” ( mà tôi gọi là cha ) thì suốt ngày say xỉn, mọi chuyện đổ dồn lên đôi vai gầy còm cỏi của người đàn bà mà tôi gọi là mẹ. Tôi là con đầu , sau tôi còn bốn đứa em nữa. Hai cô em gái kề, và thằng út đau yếu bệnh tật luôn. Tôi sống thiếu thốn đủ mọi thứ, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, và không hiểu sao tôi và cô em gái kề út của tôi lại bị những trận đòn rất độc ác của “ông ta” mỗi buổi chiều. Ông ấy đánh chúng tôi không phải để răn dạy điều gì ( vì suốt ngày chúng tôi chẳng làm điều gì sai, trái với ý ông cả ), mà dường như đánh vì thù hận, là mong cho chúng tôi chết đi cho rảnh nợ vậy. Những lần như thế,  bà ấy cũng không nói gì, không can ngăn, mà chỉ biết xuống bếp ngồi ôm mặt khóc thầm, hoặc sau đó lặng lẽ lấy nước muối xoa vào những vết bầm trên thân thể thâm tím của chúng tôi thôi. Tôi nhìn thấy trên gương mặt bà – nhất là ở đôi mắt thâm quầng một nỗi đớn đau còn hơn chính bà bị roi vọt hành hạ…”
                        Trung nhìn Thụy tỏ vẻ ái ngại cho bạn. Anh định nói câu gì để an ủi Thụy, nhưng ngập ngừng mãi không tìm ra lời nào, Trung vỗ nhẹ tay lên vai bạn như một sự chia sẻ sâu kín. Thụy nắm chặt bàn tay bạn – im lặng một lát, như để nén giữ cơn xúc động dang dâng lên có thể khiến Thụy bật khóc.  Thụy đốt một điếu thuốc, giọng trầm buồn :
                      - “… Năm tôi học lớp bảy, em gái kề út học lớp bốn, thì thằng em út của tôi bị bệnh. Nó bị đau mắt -  hai mắt nó đỏ và sưng  húp lên, to lắm, khó mở mắt ra được. Ông ấy hớt hãi đem nó đi chữa bệnh mắt khắp nơi, và những đồng bạc chắc mót trong nhà cũng theo hai cha con ông ấy đi hết. Những ngày đó chúng tôi chỉ ăn  một bữa, và ông ấy bắt tôi và em gái kề út phải nghỉ học ở nhà đi bán vé số, bán báo đem tiền về nhà mỗi buổi chiều.
                   Và vào một buổi sáng, ông ấy bảo hai anh em tôi ở nhà không phải đi bán vé số nữa. Khoảng gần trưa, ông ấy về nhà với một người đàn ông lạ. Vừa  bước chân vào  là ông ấy gọi ngay tên hai chúng tôi ra chào khách .  Không vòng vo, ông nói thẳng : “Hai đứa bay theo chú này đi làm ăn, tao không nuôi nổi chúng bay nữa!”. Trong lúc tôi và cô em kề điếng lặng , đứng yên trân tráo nhìn nhau, rồi lấm lét nhìn người khách lạ - người đàn ông lạ lấy ra một xấp tiền đưa cho ông ấy, rồi nắm hai tay chúng tôi kéo ra xe. Hai chúng tôi cố bám tay vào cánh cửa, không chịu rời. cánh cửa nhà quen thuộc bao năm là nơi cuối cùng hai chúng tôi cố bám vào. Tôi và em gái khóc nức nở, hết lời van xin ông bà ấy cho chúng tôi  được ở lại, hứa sẽ làm mọi thứ mà  ông bà yêu cầu, nhưng chỉ nhận lấy đôi mắt dửng dưng. lạnh lùng . Người khách lạ gắng sức gỡ bung hai cánh tay yếu đuối, đã lôi chúng tôi đi dễ dàng.  Bà ấy nhìn theo chúng tôi,  bổng nói như thét  vói theo : “ Chúng con hãy đi đi, ở lại ngôi nhà này các con cũng không sống nổi đâu !”.
                 Những người hàng xóm biết chuyện chạy đến can ngăn, nhưng vẫn không làm ông bà ấy động lòng. Ông ấy chống tay đứng giữa cửa, nói to với mọi người : “ Tôi đông con nuôi không nổi nên nhờ cậu này nuôi hộ thôi, bà con không mắc mớ gì ngăn cản vào chuyện riêng của gia đình tôi!”. Có người chạy đi báo với chính quyền. Công an xã đến, nhưng rồi cũng không giải quyết được . Im lặng nhìn theo.
                 Vậy là chúng tôi theo người đàn ông đó vào thành phố. Tôi giả bộ ngoan ngoãn, khù khờ, đợi lúc ông ta không để ý, tôi bỏ trốn . Những kinh nghiệm của tháng ngày bán vé số đã giúp tôi.  Tôi lần dò tìm đến các chiếc xe tài đậu dọc đường, năn nỉ tài xế cho tôi theo về lại quê nhà vì đã bị đi chơi lạc. Gặp người tài xế lớn tuổi, tốt bụng – ông nhìn tôi giây lâu - rồi gật đầu cho tôi leo lên phía sau thùng xe trống. Khi đi đến giữa đường, người tài xế dừng lại nghỉ trưa, ăn cơm.  Tôi kịp đổi ý, vì sợ người đàn ông đó  bán tôi một lần nữa, hay người khách lạ quay lại nhà tìm . Tôi xin người tài xế được ở lại . Và tôi đã lưu lạc nơi  này…
                Sau đó không lâu, tôi may mắn gặp được vợ chồng người thầy giáo ở thị xã này khi ngủ nhờ trước hiên nhà của ông bà. Ông bà  hỏi thăm, biết chuyện – khuyên tôi hãy ở lại, nhận nuôi tôi, và đã thương yêu tôi như con ruột như cậu biết đó. Nhưng đã bao năm, tôi không còn biết tin tức của cô em gái kề út của tôi nữa. Không biết nó đã lưu lạc đến nơi nào ?. Sau hai lần được phép của cha mẹ nuôi – tôi đã thử nhớ lại - dò tìm đến căn nhà ở trong con hẻm nhỏ của thành phố, nhưng – con hẻm đã bị xóa bỏ - trước mắt là con đường rộng hai chiều, tất cả đã đổi thay nhanh chóng đến không ngờ! Có lúc tôi đã thầm nghĩ,  có thể nó không còn sống  được trên cõi đời này nữa rồi?. “
               Thụy ngừng kể, quay sang Trung - giọng phẩn uất: “ Ông bà ấy như vậy đó, theo cậu có đáng hận không?  Con cái đẻ ra, là núm ruột, là máu thịt của mình mà sẵn sàng dứt bỏ, bán đi để lấy tiền, mặc con cái sống chết  ra sao…Họ có phải là con người nữa không? ”.

              Trung ngồi yên lặng không nói gì, chờ cho cơn xúc động của bạn dịu bớt anh mới khẽ khàng: “ Theo tôi, cậu hãy quên họ đi, vui mà sống, chẳng phải cậu đang hạnh phúc với gia đình của cậu đó thôi? Sao hôm nay cậu đột nhiên nghĩ đến họ vậy? ”. Thụy rít lên “ Tôi thèm nghĩ đến họ làm gì, họ không đáng cho tôi phải nghĩ đến, họ là những người mà tới chết đi tôi cũng còn hận ”. Yên lặng một lát, Thụy nói nhỏ giọng “ Cậu biết đó! Tôi sắp cưới vợ, mẹ tôi bảo tôi nên về quê thăm lại hai ông bà đó, mẹ còn nói rằng “ Chắc là họ có nỗi khổ riêng,” Cậu thấy mình có tức không chứ? ”.
             Trung không biết khuyên bạn điều gì lúc này nên chỉ yên lặng, ngồi nhâm nhi ly cà phê và thở khói…


                          
               Bà Sinh đi chợ về thấy trong nhà mình có một thanh niên lạ đang ngồi chơi với thằng Út - mù . Thấy bà về, Thụy đứng dậy lí nhí chào. Bà Sinh nhìn người lạ một lúc, bổng  run lên bần bật. Mắt nhìn không rời người thanh niên khỏe mạnh, tuấn tú - bà thầm nghĩ “ đây là đứa con trai tội nghiệp của mình sao? ”. Bà muốn chạy lại nắm lấy tay con, muốn nói ra hết những u uất khốn khổ đang hành hạ bà đêm ngày, khiến cho bà không phút nào sống yên tâm được. Nhưng biết phải nói làm sao đây? Bà là một người mẹ không ra gì, là người mẹ mà không bảo vệ cưu mang được con mình.
               Bà cảm thấy nghèn nghẹn ở cổ, đau nhói ở lồng ngực -  không nói được một lời nào.  Bà chỉ mở to đôi mắt trân tráo nhìn con. Thằng Út - mù nắm chặt tay anh , nói như hét : “ Anh hai về rồi mẹ ơi! Mẹ không nhận ra anh sao? ”. 
               Thụy nhìn mẹ, vẻ lam lũ và già cỗi  trước tuổi của bà làm anh cảm thấy  xót xa;  nhưng anh vẫn không thể mở miệng nói được gì. Bức tường vô hình giá lạnh như đang ngăn cách hai mẹ con anh. Thụy nhìn chăm chăm vào cánh cửa – chính ở nơi ấy - anh và em gái đã cố bám chặt, ghì chặt lấy nó không buông tay và nhìn bà cầu cứu.  Nhưng bà đã không hề nói lời nào, không có một cử chỉ can thiệp mà lại quay đi, bỏ chạy vào buồng, bỏ mặc anh và em gái bị ông ấy rứt ra khỏi nơi bám víu cuối cùng. Có lẽ, vì không chịu thêm được nữa, bà  đã khóc. Tiếng nấc nghẹn ngào từng hồi ấy vọng ra rõ bên tai anh như đang còn văng vẳng…
              Lúc nầy, Thụy  chỉ nghe được một câu:  “ Mẹ xin con, mẹ không đáng làm một người mẹ, con cứ mắng nhiếc nguyền rủa hay nói gì đó với mẹ đi!  Con yên lặng vậy mẹ không chịu nổi !”. Thụy cứ đứng sững , lạnh lùng  nhìn bà. Nhìn thấy bà khóc tức tưởi, anh cũng rất muốn nói  lời nào đó với bà, nhưng tấm cửa kia cứ ám ảnh chờn vờn trong đầu, khiến Thụy không nói nên lời. Anh cố kìm  giữ nỗi hờn giận bao năm cứ chực trào ra . Anh đã nói – giọng khô cứng , như tắt nghẹn: “ Bà đừng khóc nữa, tôi hỏi bà một câu thôi “ Sao bà nỡ lòng để ông ấy đem tôi và em gái bán cho người khác vậy? ”. Tôi còn may mắn trốn thoát, còn em gái có thể chết ở đâu đó rồi , bà biết không?”. Bà Sinh nấc nghẹn, lảo đảo  gieo mình xuống chiếc chỏng tre gần đó -  rên lên: “ Hiền ơi! Mẹ giết con thật rồi ”.
                 Bà cứ khóc gào, vật vã như con sóng dâng lên mỗi lúc một cao  - mãi đến khi ngất đi. Thụy bàng hoàng, hốt hoảng thật sự - anh lay gọi mẹ nhưng bà vẫn bất động, toàn thân tái  đi, lạnh giá! Thằng Út- mù  cảm nhận được những gì đang xảy ra bên nó,  khản tiếng gọi tên mẹ và anh. Thụy cố lục tìm trong các ngăn hộc chai dầu Nhị Thiên Đường, hay Song Thập mà bà vẫn thường dùng hằng ngày bấy lâu – nhưng không tìm thấy nữa! Anh vội lấy tay thoa vuốt các điểm ở  hai bên thái dương…
                 Khoảng hơn nửa giờ sau, Thụy thoáng nhìn thấy bà Sinh dần dần mở to đôi mắt trắng dã, cứng đờ - bà đang  tỉnh lại. Thấy Thụy đang ngồi bên cạnh nhìn bà với ánh mắt lo lắng. bà muốn ngồi dậy, nhưng Thụy nói như ra lệnh: “ Bà còn yếu lắm, bà hãy nghỉ cho khỏe đi? Tôi còn ở lại đây lâu, lúc nào khỏe hẳn sẽ nói chuyện … ”.
                  Thụy đứng dậy vào bếp nấu bữa ăn. Thằng Út bám theo anh không rời, nó luôn miệng nói, hỏi , và kể cho anh nghe đủ thứ chuyện từ ngày vắng anh và cô em gái. Nhờ Út-mù anh biết được tin đứa em gái còn lại của anh đã là mẹ của một đứa con rồi. Cuộc sống  chắc cũng nhàn nhã nhưng vì nhà anh nghèo nên gia đình nhà chồng ít cho em gái anh về thăm gia đình. Còn ông ấy đã chết trong một lần uống rượu say trở về nhà bị té bất tỉnh trên đường, không ai thấy - nằm lạnh cả đêm .  Nghe xong lời thằng Út kể, lòng anh bổng dấy lên chút ngậm ngùi cho thân phận con người trong vòng đời ngắn ngủi.



                Ngày hôm sau bà Sinh bảo cậu Út sang nhà hàng xóm chơi,  còn lại một mình bà với Thụy. Bà muốn dược trút hết nỗi lòng, những dằn vặt khổ đau, những bất hạnh mà bà đã âm thầm gánh chịu từ thời con gái đã giấu kín bao năm nay. Bà biết, mai này – bà sẽ không còn dịp để nói thêm gì với con trước khi quá trễ. Trước đây bà đã nghĩ bụng  “ Sống để dạ, chết mang theo”, nhưng lúc này đã hoàn toàn khác xưa : Thụy đã khôn lớn, đang sống cách xa bà không còn dịp gần gũi thêm nữa – nếu cứ im lặng để mặc Thụy dò đoán. rồi khổ đau, ray rức suốt đời thì làm sao bà nhắm mắt cho yên được?  
               Giọng bà Sinh ráo hoảnh, tỉnh táo khác thường :
              
               - “…  Hồi xưa khi còn là con gái mẹ cũng rất dễ nhìn, nhưng nhà nghèo và bà ngoại con lại bỏ mẹ khi còn nhỏ để  cuốn gói đi theo một người đàn ông giàu có khác ở thị xã. Ông ngoại con buồn bã,  bất lực - suốt ngày uống rượu không ngó ngàng gì đến mẹ. Mẹ cứ như vậy lớn lên không ai chăm sóc, vỗ về. Như một cây tre ngoài bờ buội. Mẹ thèm nghe một lời an ủi, một vòng tay của ai đó ôm mẹ vào lòng. Nhưng đợi chờ mãi vẫn không có ai, vì có ai muốn cưới một người như mẹ về làm vợ đâu? Khi ông ngoại con say, mẹ hay trốn ra ngồi một mình bên bờ sông mà mơ tưởng, nghĩ ngợi. ..”  Chợt bà  Sinh quay lại nhìn Thụy - hỏi: “ Con có còn nhớ ông Ba Ngà nuôi vịt ở bến sông không?. Ông thường hay cho con trứng vịt ngày nào đó? ”.
               Không đợi nghe câu trả lời của anh, bà kể tiếp : “… Một đêm nọ,  mẹ đang ngồi bó gối bên bờ sông như mọi hôm để chờ giờ trở vê nhà ngủ thì ông  ba Ngà lén ôm mẹ vào lòng từ phía sau. Một thoáng hốt hoảng, và mẹ đã nhận ra ông ấy ngay. Mẹ  biết ông đã có vợ con rồi, mẹ định kêu la lên vùng vẫy để thoát khỏi vòng tay kia, nhưng ông ta đã bịt chặt miệng mẹ, và sự cô đơn, sự thèm muốn, làm mẹ đã buông xuôi - không cho mẹ làm điều đó. Và từ đó - cứ hằng đêm, mẹ lại lén đến bờ sông với ông ta. Như một thói quen không thể dứt bỏ. Không thể thiếu thốn. Kết quả là mấy tháng sau đó mẹ mang thai con. Mẹ sợ hãi, tìm gặp báo tin với ông ấy nhưng ông ấy dửng dưng rồi  hăm dọa mẹ đủ điều. Mẹ quá sợ hãi  nên đêm nào cũng lang thang ngoài bờ sông đến khuya. Lúc ấy, mẹ muốn chết đi để không nghe lời đàm tiếu. cho khỏi nhục nhã với bà con, làng xóm. Và Ba Sơn đã cứu sống mẹ, ba Sơn con cũng mồ côi, đang ở bên kia sông một mình. Ba Sơn tìm đến với mẹ, nhưng không vô trách nhiệm, đã sang gặp ông ngoại con xin cưới mẹ về làm vợ. Ông ngoại con đồng ý  ngay,và bảy tháng sau con ra đời…”  Thụy cắt ngang lời bà Sinh : “ Thì ra tôi không phải là con ông ấy sao?  “ Thụy nhếch cười :  “ Còn em gái của tôi thì sao ? ”.  
                  Bà Sinh cố nén cơn xúc động như đang lên dâng lên – say sưa kể tiếp  như sợ rằng mình sẽ không dịp nói được nữa :
                 - “… Ông Sơn rất yêu thương mẹ, và con. Ông không để mẹ con mình phải thiếu thốn gì cả à, con còn nhớ lúc con còn nhỏ không?”  Thụy nghĩ thầm  : “ Có lẽ mẹ anh nói đúng, anh nhớ lúc còn nhỏ ông ấy rất yêu thương anh, hay cõng anh đi chơi khắp nơi, và không một lần nặng lời, chứ đừng nói đến chuyện đánh mắng.” Thụy ôn tồn : “ Mẹ kể tiếp đi!”
                 - “ …Sau con, mẹ sinh thêm em Thắm, nhà ta lúc đó sống hòa thuận và vui vẻ lắm tuy vẫn còn nghèo, con à! Nhưng sự đời vẫn trớ trêu, oan nghiệt, không cho mẹ và gia đình ta êm ấm mãi, lâu dài!. Không ngờ được, sai lầm của mẹ từ thời trẻ đã lấy đi của mẹ tất cả những gì mình đang nắm giữ. Mẹ gặp lại ông Ba Ngà trong một lần đi chợ về, ông ta chặn mẹ lại và bắt mẹ phải chìu  theo lòng tham đắm tối tăm của ông ta. Ông ta đã hăm dọa nếu mẹ không làm theo ý ông - ông ta sẽ nói tất cả mọi chuyện cho ông Sơn và mọi người trong làng biết. Lúc đó mẹ hốt hoảng,  rất lo sợ mất đi hạnh phúc của mình đang có, đành nhắm mắt làm theo. Cây kim trong bọc cũng có ngày lòi ra, ba Sơn bắt gặp quả tang mẹ và ông Ba Ngà đang ở trong căn lều chăn vịt của ông - không chịu nổi cơn sốc quá lớn, ba Sơn bỏ đi biệt. Ba ngày sau khi về lại ông trở thành một con người hoàn toàn khác,  nát rượu, cộc cằn, và bỏ bê mọi chuyện. Ông ta muốn hành hạ mẹ. Giờ thì con hiểu sao ông ấy trả thù con và Hiền tàn nhẫn như vậy rồi chứ?
                   Ngày nào con và em cũng bị hành hạ, mẹ đau lòng lắm nhưng mẹ biết làm sao? Và khi ông có ý định đưa con và em cho người khác mẹ đã yếu hèn, chỉ biết nghĩ đến mình mà không nghĩ đến các con. Mẹ quá sợ ông ta, với lại mẹ nghĩ anh, em con sống khổ sở vậy giờ đi với người ta có thể hai đứa sẽ sướng hơn, sẽ không còn ai đánh đập đến thâm tím người mỗi ngày nữa…”
                   Bà Sinh bổng im bặt. Nhìn thẩn thờ ra sân. Sân vắng. Nắng chói chang trên những cành cây không còn mầu tươi. Nó như cũng đang héo dần như cuộc đời bà ở đây. Bà Sinh quay lại – dán cái nhìn chậm lên gương mặt đờ đẩn, trống vắng của Thụy - đợi  chờ những lời trách móc, nguyền rủa. của anh.
                 Thụy yên lặng nhìn lại bà - một lúc lâu – như để ghi nhận những nét khổ đau oan nghiệt đã hằn in lên đó bao năm. Cuối cùng, Thụy uể oải đứng lên. bước ra cửa.   Chợt anh ngoái đầu lại,  nhìn bà Sinh  đang còn ngồi  ủ rũ nơi chiếc chỏng tre - nói : “ Tôi đi ra ngoài một lúc, mẹ với em cứ ăn cơm trước nhé ”.
                Bà Sinh chợt cảm thấy lòng nhẹ tênh, không còn chút vướng bận -  bà vừa mừng vừa tủi khi nghe Thụy gọi bà là  mẹ .  Tiếng  mẹ thật giản dị vậy mà bà đã luôn mong chờ từ nhiều năm qua với nỗi thắc thỏm , đớn đau. Bà nghĩ đến Hiền -   và cảm thấy như vẫn còn một khối giá băng đang xâm chiếm trong lòng . Hiền của bà giờ này đang ở đâu? Nó còn sống hay là đã chết thật rồi? . Những giọt nước mắt lại lặng lẽ lăn dài trên khuôn mặt già nua xương xẩu của bà ...  
                 Thằng Út mù chơi bên nhà hàng xóm đã dò dẫm về ở sân. Bà nhìn thấy trên tay nó có một trái bắp nấu to. Bà vội chạy ra đón con.  Út mù giúi vào tay bà trái bắp để dành:  “ Bác Hai cho con, con không ăn, mang về cho mẹ, con biết me mẹ thích ăn bắp nếp mà? ”. Bà Sinh nắm chặt tay con. ôm choàng lấy nó,  nước mắt  rưng rưng …

                   
                  Sáng sớm hôm sau Thụy về lại nhà cha, mẹ nuôi - anh muốn nói với mẹ nhiều điều lắm, nhưng vẫn có một cái gì cứ nghèn nghẹn ở cổ.  Anh chỉ tỉnh táo nói được mấy câu trước lúc đeo xách lên vai : “ Sáng nay tôi về lại nhà, tôi hết thời gian xin được về thăm quê rồi!.” Anh ngập ngừng : “ Rồi tôi sẽ tranh thủ về thăm mẹ, và thằng Út. Lần sau về, tôi sẽ đem em theo lên thành phố, tìm cách chữa trị bệnh mắt cho nó thử xem sao? ”.  Không để bà Sinh kịp trả lời – anh vội nói : “ Tôi gởi mẹ một ít tiền để nuôi em , mẹ hãy cầm tạm – đây là đồng tiền mồ hôi của tôi! ”. Anh nhét vào tay bà Sinh xấp tiền và vội vã quay đi như cố nén không  muốn nhìn lại dòng nước mắt tuôn ra từ đôi mắt đã đỏ hoe của bà. Ra khỏi ngỏ, đi được một đoạn, anh lại quay vào sân - nói rõ to : “ Bà hãy giữ sức khỏe, đừng buồn nữa, tôi sẽ đăng báo tìm em, bà phải sống để chờ ngày gặp lại nó chứ? ”

                 

                                    

Read more…

CÔ GÁI HUẾ - Thơ Nguyễn Minh Quang













Tặng Võ Thị Kim Loan

Sáu năm ở Huế đong đầy
Đời sinh viên cũng một ngày chia xa
Em, con gái Huế nết na
Bẽ bàng anh nhớ quê nhà xa xôi

Thuyền về Vỹ Dạ êm xuôi
Dòng trong dòng đục ngậm ngùi đời hoa
Câu thơ tình cũ nhạt nhòa
Thương người xót phận ngẩn ngơ mấy lần

Bây chừ em chủ doanh nhân
Có còn nhớ những bước chân mẹ già
Áo dài quang gánh đường xa
Gọi mời tần tảo mưa sa thân gầy

Huế trầm tư với tháng ngày
Người xưa áo tím vương đầy trong ta
Tóc dài như suối sương sa
Trường Tiền mấy nhịp, Đông Ba đưa đò

Chia tay chẳng có hẹn hò
Bỏ quên lời hứa bên bờ sông Hương
Mưa dầm ướt nhũn lời thương
Bềnh bồng trong cõi vô thường đầy vơi

Nhớ sao cô gái Huế ơi
Nụ cười tim tím làm tôi giật mình
Giọng hò mái đẩy tự tình
Làm sao quên được bóng hình Huế xưa !

Nguyễn Minh Quang
******************************************
Bài cùng tác giả N.M.Q

Thơ Nguyễn Minh Quang

Cô gái Huế











Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (136) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (3) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (23) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (2) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (32) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (51) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (25) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (23) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (6) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (33) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (612) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3139) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (100) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (519) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (16) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (15) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (1) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2469) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (11) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------