Home » Archives for tháng 5 2021
Buổi chiều, trên đường đi làm về, tôi tạt vào cái chợ cóc gần nhà mua cho bố ba chục quả na chín. Mùa này người ta bày bán na khắp nơi. Cứ nhìn thấy những quả na mở mắt tròn xoe là tôi nhớ đến sở thích của bố. Bố tôi thích ăn loại trái cây ấy nhất. Nhưng từ khi cô Son mất, không bao giờ bố ăn na ngay mà bố luôn bày ra cái đĩa cô tiên rồi để lên bàn thờ thắp hương. Bố lầm rầm khấn vái và đinh ninh rằng cô Son thiêng lắm. Thế nào cô cũng về “ăn chung” với bố như hồi cô còn sống.
*****
Cô Son là chị gái của bố nhưng ở quê tôi có tục lệ chị của bố thì cũng gọi là cô nên tôi quen gọi “cô Son” từ bé rồi. Mà thực ra quê hương bản quán của bố tôi không phải ở xứ Đông này, nghe đâu ở tít tận miền Trung xa xôi. Cái năm đói Ất Dậu khủng khiếp chỉ còn đọng lại lờ mờ trong ký ức của cô Son, đứa trẻ bảy tuổi phải theo cha mẹ từ bỏ quê nhà, dắt díu, lang bạt ra ngoài Bắc để kiếm tìm sự sống. Khi ấy bà nội đang mang thai bố tôi. Bố bị đói từ trong trứng nên nỗi ám ảnh về miếng ăn vẫn đeo đẳng ông đến tận bây giờ. Dù sau này gia đình tôi khá giả, đồ ăn thức uống có thể dư thừa nhưng không bao giờ bố cho phép chị em tôi đổ thức ăn thừa vào sọt rác. Bố và cô Son luôn miệng nhắc chị em tôi rằng, đổ thức ăn đi là “phải tội”. Tôi và em gái luôn ngoan ngoãn nghe lời và trân trọng từng hạt cơm vãi cũng vì biết được cuộc đời đói khát, vất vả của ông bà nội; biết được tuổi thơ đói vàng mắt của cô Son và bố.
Bố tôi ra đời đúng năm đói lịch sử ấy. Để bà nội có chút hơi cầm cự, giành giật sự sống cho bố, ông nội đã nhường hết những gì có thể ăn được cho bà. Cả gia đình vật vờ, rũ rượi vì đói. Lúc còn sống, mỗi lần kể chuyện ngày xưa, cô Son thường ảm ảnh, rùng mình bởi cái năm đói chết người.
- Đói rã rượi, mụ mị cả đầu óc, đói đến nỗi có moi được đất thì cũng muốn nhét ngay vào mồm.
Rồi nước mắt cô chảy dài khi nhắc đến ông nội. Ông tôi mất vì đói khi cả nhà hành hương đến Quán Năm Gian. Cô bảo:
- Chả hiểu sao cứ đi đến Quán Năm Gian là mọi người nghỉ chân, không đi nổi nữa nhưng sáng sau tỉnh dậy đã thấy mấy người nằm còng qoeo, cứng đờ ra rồi – Kể đến đấy, mắt cô ầng ậc nước.
Người ta khiêng ông lên xe bò, đem chôn tập thể. Bà nội lả đi, chả còn sức mà khóc chồng, hờ chồng. Bà đẻ non, bố tôi thiếu tháng, nhỏ như cây đèn dầu. Nhưng trời cho làm người nên bố vẫn thành người. Giữa những năm đói khát, bố như cái cây xương rồng còi cọc mọc trên sa mạc. Ba mẹ con đùm rúm nhau sống qua ngày nơi đất khách quê người.
Nhưng tai họa lại tiếp tục ập xuống. Chưa đầy hai năm sau, bà nội cũng bỏ cô Son và bố mà đi. Hai chị em trở thành côi cút, không họ hàng, không người thân. May mắn, có một gia đình đã nhận cô Son và bố làm con nuôi. Danh nghĩa là con nuôi nhưng cô Son và bố bị đối xử như người ăn kẻ ở trong nhà. Nhà người ta đông con nên bữa nào cô Son và bố cũng phải ăn sau, vét nồi soàn soạt hoặc ăn củ khoai, củ sắn cho qua bữa mà cái bụng vẫn sôi ùng ục. Ăn không đủ no, mặc không đủ ấm, lại hay tủi thân vì là kẻ ăn nhờ ở đậu, cô Son thường ôm bố tôi vào lòng thủ thỉ vì đó là nguồn an ủi duy nhất của cô, người thân ruột thịt duy nhất của cô. Bố tôi lớn lên trong tình yêu thương và sự chở che của cô như lớn lên trong vòng tay của một người mẹ.
Cô Son nhanh nhẹn, tháo vát, dáng người thắt đáy lưng ong. Gương mặt cô tròn như trăng rằm. Đến tuổi thiếu nữ, nước da cô trắng hồng, môi đỏ thắm. Con trai nhà địa chủ trong làng đánh tiếng hỏi cưới, cha mẹ nuôi mừng lắm, muốn gả cô ngay nhưng cô nhất mực từ chối với lý do phải lo cho em trai. Cô đã tự hứa với lòng mình rằng khi nào bố tôi yên bề gia thất thì cô mới đi lấy chồng. Cha mẹ nuôi tức giận, đuổi cô và bố tôi ra khỏi nhà. Cô cất tạm một túp lều gần bờ sông, làm nghề chở đò và mò cua bắt ốc để nuôi nấng, đùm bọc bố tôi. Cô thất học nhưng bố tôi được cô cho học hành đến nơi đến chốn. Càng lớn, bố càng bộc lộ sự thông minh, sáng dạ, luôn đứng trong tốp đầu của lớp, của trường. Bố càng học lên cao thì cô Son càng vất vả hơn. Cái lưng suốt ngày lặn lội đầu sông cuối bãi của cô như còng hẳn đi. Cô làm việc quên cả thời gian, quên cả khát khao thầm lặng của một người con gái giữa tuổi xuân thì. Kiếm được bao nhiêu tiền, cô đều tích lại để cho bố tôi ăn học. Cô thắt lưng buộc bụng, chắt bóp, để dành hết cho em trai. Biết bao lần bố tôi thúc giục cô: “Chị xem có đám nào ưng thì lấy chồng đi, cứ ở vậy mãi sao được”.
Nhưng cô Son nhất định không chịu lấy chồng vì bố tôi vẫn chưa lấy vợ. Một phần vì sự nghiệp của bố chưa đâu vào đâu, một phần vì bố mặc cảm mình là dân ngụ cư, nhà lại nghèo rớt mùng tơi, thân cô thế cô thì ai mà dám lấy mình. Thành ra bao mùa trăng đi qua, bao đôi trai gái nên duyên vợ chồng mà cô Son vẫn cứ vò võ một mình. Những đêm trăng sáng, cô ngủ rất ít, cứ tha thẩn kéo vó tôm dọc bờ sông. Giữa tuần trăng, đêm sáng như ban ngày. Ánh trăng soi tỏa lóng lánh mặt nước, đổ xuống cái bóng của cô từ lúc dài ngoằng cho đến khi ngắn tũn. Bố tôi dọa:
- Chị không sợ ma à mà cứ sờ sịt suốt đêm thế?
Cô lắc đầu:
- Không! Người còn chả sợ nữa là ma.
Trách nhiệm trụ cột gia đình từ khi còn rất nhỏ khiến cô trở nên gan góc. Vì vậy, nhiều gã trai làng nhìn cô thèm muốn nhưng đố dám đến gần trêu ghẹo. Đầu giường của cô lúc nào cũng có viên gạch để phòng thân nên những ngày tháng bố tôi đi học xa nhà, cô ở một mình cũng chẳng sợ bị kẻ xấu bắt nạt.
Những năm Mỹ ném bom miền Bắc, túp lều nhỏ của cô Son và bố tôi nép bên rặng cau trở thành nơi trú chân của những người từ thị xã sơ tán về. Con đò của cô trở thành nơi đưa tiễn từng tốp thanh niên đi B. Trong đoàn người Nam tiến ấy, có một chàng trai mà cô đem lòng yêu. Mới hẹn hò, tìm hiểu được mươi ngày thì người ấy xung phong ra chiến trường theo lệnh tổng động viên. Sau này chính cô Son kể lại, cái đêm hai người chia tay, trăng sáng lắm, như chưa bao giờ sáng như thế. Trăng đã chứng giám cho tình yêu của hai người. Cô và người ấy ngồi trên bờ sông, thề non hẹn biển, chẳng khác nào Kim – Kiều ngày xưa. Cô bảo: “Khi ấy cả hai đã cứng tuổi rồi. Nếu không có chiến tranh thì có lẽ đã nên vợ nên chồng, con đàn cháu đống”. Rồi cô khẽ thở dài. Bởi người ấy ra đi và không bao giờ trở về nữa. Kỷ niệm tình yêu chỉ là những cái nắm tay siết chặt và chiếc khăn mùi soa mà cô giữ đến tận lúc nhắm mắt xuôi tay vẫn muốn mang theo.
Bao mùa trăng cứ đến rồi đi, mọc rồi lặn, sáng rồi tàn nhưng cô Son vẫn ở vậy. Kể cả khi bố tôi lấy vợ rồi, cô cũng không nghĩ đến hạnh phúc riêng của mình mà chỉ hết lòng chăm chút cho hạnh phúc của em trai. Mỗi khi nhắc lại chuyện bố tôi cưới vợ, cô vẫn thường đùa rằng: “Một ông đi chợ muộn, gặp một bà bán hàng ế, rồi thành vợ chồng”. Bởi khi cưới vợ, bố tôi đã gần bốn mươi, còn mẹ tôi cũng gần đến tuổi ba mươi. Bố mẹ xây được ngôi nhà khang trang trên phố nên đón cô về ở cùng. Phải rời xa con đò, bến sông bao năm gắn bó, cô lưu luyến lắm nhưng thương em dâu bụng mang dạ chửa, em trai thì công tác xa nên cô đồng ý khăn gói lên phố ở cùng gia đình tôi.
Bố tôi làm cán bộ địa chất nên nay đây mai đó. Mẹ tôi sinh chị em tôi cách nhau chưa đầy hai năm. Một mình cô chăm nom, săn sóc mẹ tôi những tháng ngày mẹ ở cữ, con mọn. Cô cơm nước, giặt giũ, bế bồng, tắm rửa cho chị em tôi từ lúc chúng tôi còn đỏ hỏn. Mẹ sống cùng cô Son mà như sống cùng chị gái ruột chứ không phải “giặc bên Ngô” như người đời vẫn hay ác cảm. Mỗi lần nghe bố kể lại “tuổi thơ dữ dội” của bố và cô, mẹ cười mà nước mắt cứ chảy ròng ròng. Mẹ muốn bù đắp phần nào những mất mát, thiệt thòi mà cô Son và bố phải gánh chịu từ thuở ấu thơ nên mẹ thường để ý quan tâm, từ những việc nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống hàng ngày.
Biết bố và cô thích ăn na, đến đúng mùa, mẹ thường mua cả rổ về cho hai người thưởng thức. Nhìn chồng và chị chồng ăn na ngon lành như lâu ngày bị bỏ đói, mẹ lại ứa nước mắt. Sau này chị em tôi lớn lên, mẹ thường nhắc nhở: “Các con phải để ý sở thích của bố và cô, nghe con. Bố con và cô con chỉ thích nhất quả na thôi”. Vì vậy, mùa na nào chị em tôi cũng mua thật nhiều để bố và cô ăn thỏa thích. Và chẳng hiểu sao mỗi khi ăn na, cô và bố lại thi nhau kể chuyện ngày xưa. Tôi và em gái cứ ngồi chống cằm mà nghe. Những quả na chín có khả năng kỳ diệu bởi chúng đã đánh thức trong bố, trong cô những ký ức xa xưa.
Càng có tuổi, bố càng thương cô Son. Tình thương ấy thể hiện rõ trong từng lời nói, từng cử chỉ bố dành cho cô mà mẹ tôi và cả chị em tôi không bao giờ dám ghen tị. Trong bữa ăn, có miếng nào ngon bố cũng gắp cho cô đầu tiên. Mỗi khi trái gió trở trời, cái lưng còng bao năm mò cua bắt ốc của cô đau mỏi, bố lại nôn nóng xoa thuốc, đấm bóp cho cô. Mỗi khi nghe đài hay ti vi vang lên lời bài hát “Chị tôi” của nhạc sĩ Trần Tiến, thế nào bố cũng lặng lẽ lấy tay quệt nước mắt. Có lần bố bỏ lên giường nằm, quay mặt vào trong. Bố khóc…
Khi bố nghỉ hưu, chị em tôi đã có công ăn việc làm ổn định, cô Son giục chúng tôi lấy chồng. Cô bảo: “Bây giờ cô còn khỏe, cô bế con cho, chứ ít nữa cái lưng cô còng rạp xuống, muốn bế cũng không bế được”. Thế là hai đứa con của tôi, hai đứa con của em gái tôi đều được bàn tay khéo léo của cô bế ẵm, ru hời. Cô thuộc rất nhiều bài hát ru nên nằm trong vòng tay của cô, bọn trẻ dễ dàng thiếp vào giấc ngủ. Cô yêu trẻ con và rất mát tay chăm trẻ nên bọn trẻ đứa nào cũng quấn bà Son. Mẹ tôi hiểu cô, hiểu cả khát khao tận đáy lòng cô nên không bao giờ mẹ tranh giành bế cháu với cô.
Hè năm ngoái, bố tôi dự định đưa cô Son đi du lịch xuyên Việt một chuyến cho cô biết đó biết đây. Cô háo hức, cứ nhắc đi nhắc lại:
- Ừ, thì đi dối già một chuyến.
Tôi gạt đi:
- Cô không được nói gở như thế. Đã dối già làm sao được.
Cô cười hiền từ, khoe hàm răng nhuộm đen đều tăm tắp:
- Gần tám mươi rồi con gì. Cô sống thế là mãn nguyện rồi.
Tôi ôm lưng cô, khẽ xoa hai bờ vai gầy trơ xương của cô, quả quyết:
- Cô của con phải sống đến 100 tuổi mới được.
Nghe hai cô cháu nói chuyện, bố cứ tủm tỉm cười. Nhưng bố không ngờ bố chưa kịp thực hiện kế hoạch của mình thì cô Son ốm nặng. Lúc khỏe, cô vẫn hay ao ước ra miệng: “Sau này về già, chỉ mong cảm nặng một trận rồi đi luôn, để cậu mợ và các cháu đỡ vất vả”. Không ngờ câu nói ấy của cô lại linh nghiệm đến thế. Chưa đầy hai tuần sau, cô mất. Nhẹ nhàng. Sạch sẽ. Hàng xóm láng giềng bảo cô “chết tiên”, đấy là nhờ cô ăn ở hiền lành, làm nhiều điều phúc đức nên ông trời có mắt. Bố tôi cứ ân hận, day dứt mãi vì chưa chăm sóc được nhiều cho cô. Bố mẹ tôi thực hiện đúng theo di nguyện của cô là đưa cô đến Đài Hóa Thân và đưa cô về an nghỉ ở nghĩa trang gần bến sông năm xưa. Tôi biết, nơi ấy chính là kỷ niệm, là nỗi nhớ, là nơi bình yên nhất để cô có thể ngắm mãi những mùa trăng của riêng cô.
Sau sự ra đi đột ngột của cô Son, bố tôi mất ngủ cả tháng trời. Bố gầy sọp hẳn đi. Lần nào thắp hương lên bàn thờ cô, tay bỗ cúng run rẩy vì xúc động, mắt bố đỏ hoe như cố nuốt nước mắt vào lòng vì không muốn con cháu nhìn thấy bố khóc. Mẹ và chị em tôi phải động viên bố nhiều lắm, làm chỗ dựa tinh thần cho bố thì nỗi thương nhớ trong bố mới phần nào nguôi ngoai.
*****
Buổi tối, bố hạ đĩa na trên bàn thờ xuống cho cả nhà cùng ăn. Bố thủng thẳng nhắc:
- Sắp giỗ đầu cô Son rồi đấy! Nhanh thật!
Mẹ khẽ “Vâng” rồi cả nhà như lặng đi trong những ký ức về cô. Chương trình ca nhạc trên ti vi bỗng vang lên lời bài hát “Chị tôi”. Nghe được một đoạn, bố lại lấy tay quệt nước mắt. Bỗng bố cất tiếng hát theo, tiếng hát của ông già hơn bảy mươi tuổi khàn khàn, giọng nghe xa xót như lời tự trái tim:
Nhìn hàng cau xác xơ lá trầu khô
Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mêng mông
Chị ơi sao vẫn chưa lấy chồng.
Chị tôi chưa lấy chồng...
Ngoài kia, trăng đang lên. Ở nơi xa xôi nào đó, cô có biết bố tôi rất thương cô. Còn tôi, tôi thương những mùa trăng…
T.T.L
GIẤC MƠ CÁNH ĐỒNG
Viết tặng người mê chụp cánh đồng...!
Em mang cả cánh đồng nhét vô bụng anh
Bụng anh lót ổ rơm cho nỗi nhớ
Nỗi nhớ nằm chiêm bao
Chiêm bao hoàng hôn
Chiêm bao dấu chân ban mai từ em – rất khẽ
Chiêm bao nụ cười
Chiêm bao giọt mồ hôi trên trán em – rơi nhẹ
Làm mặn giấc mơ anh
một ít nắng vàng đính lên trời xanh
như em đính vào núi non hồn anh vậy đó
trên ổ rơm anh ngủ
mơ cuộn tròn trong em
GIẤC MƠ
NGƯỜI THỔI SÁO
Không thể hát thơ
Khi anh luôn áp môi vào lóng trúc
Và thổi hơi thở điệu đà nung ruột gan em
Từ em đã rung lên
Hay từ hồn anh thổi
Bởi sự hòa quyện của hai chúng ta chăng?
Người thổi sáo và ống sáo
Bài tình ca cứ thế vang vang
Khúc Trương Chi ngày xưa đã về
Khúc cô đơn khát giữa khuya vừa vọng
Một chàng trai xấu xí như anh
Được áp môi vào em đã là hạnh phúc
Trúc ơi! Anh không nỡ nhìn em đứng một mình
Dẫu em xinh
Trúc ơi! Anh không nỡ cắt em ra thành nhiều đoạn
Để giữ cái lóng nhỏ óng ánh cho riêng mình
Dẫu nâng niu em như nâng niu tiếng sáo
Anh sợ đau lòng em?
Trên sông - Thuyền chúng ta cứ lững thững trôi
Như ý nghĩ của anh lững thững trộn vào những hạt sương bùi bùi
Mơ mình hóa thành một Trương Chi rất khác
Một Trương Chi cả đời
Thủy chung với Trúc...!
GIẤC MƠ TRƯA
Chưa kỳ diệu
Nhưng đã là huyền diệu
Cành cây khô giữa trưa
Rịn nước
Giọt mồ hôi chăng ?
Giấc mơ trưa đã làm em ướt
Giọt nước mắt chăng?
Em hốt hoảng lao về phía anh
Anh nằm cong queo một mình trên giường bệnh ?
Và anh đang mơ
Giấc mơ trưa như em
Anh thấy em mát
Mát trong tà áo mỏng
Chúng ta mơ về nhau
Bầu trời ban trưa không nóng
Bầu trời đang yêu...
GIẤC MƠ BAY
Loài chim biết mớm miệng cho nhau hạnh phúc và âu yếm.
Loài chim biết buồn bã rũ cánh, sầu cạnh một tình nhân chim giãy chết.
Mũi tên nào đã ném, viên đạn nào đã chia lìa, lưỡi dao nào đã cắt...?
Trong góc trời bình yên chim hót, trong bóng tối cô đơn ẩn sâu những líu lo, tha ta vào ý nghĩ nhức buốt.
Chập chờn bay lên, chập chờn khụy xuống, ta lửng lơ...
Ngủ như là thức, mộng chim về chở những giấc mơ...
Giá như cuộc đời này như - chim - hạnh - phúc.
Giá như cuộc đời này, bớt đi nhiều nhẫn nhục.
GIẤC MƠ NGỒ NGỘ
Sừng sững đứng trong thành phố
Những con mắt đi qua
Bên cổ kính, bên không cổ kính.
Lướt nhẹ trên thảm cỏ
Như bay.
Bắt gặp vài nụ cười rêu tháp
Còn vương trên môi, rõ ngày.
Tôi nghiêng mình
Trước viên gạch đỏ
Lặn vào thinh không
Lâm râm nguyện cho những gì tồn tại.
Tôi không vinh danh
Mọi thứ là cơn gió.
Tôi không tin hiện hữu
Mọi vật là hư vô.
“Tôi Sống là tôi đang Mơ"
Cửa cứ hoài mở
Vũ nữ hoài đợi múa
Tôi lắt lay ...
Vũ điệu mềm như Rắn
Vũ điệu trong ngần pha lê
Một cặp, nhiều cặp
Rối cả lòng tôi, rối cả lối về.
Mở mắt mà như nhắm
Ruột Tháp rộng thêm ra
Thế là tôi lại ngủ
La đà...
Tôi lọt thõm vào Yoni xa lạ
Nằm khèo trên sợi tơ êm
Mút mút vài giọt Thánh
Tôi mềm...
Tôi nhận ra ánh sáng
Vũ nữ bay đi
Lời thỉnh cầu bay đi
Hồn tôi lững thững về...!
MỎNG MỌNG DẤU CHÂN
Vẫn chìm vào cuộc chơi thanh xuân
Anh không bao giờ biết mỏi
Anh lần những con đường quen em qua
Ngay cả thời thiếu nữ
Ngay cả thời chăn trâu cắt cỏ
Ngay cả thời em vọc cát tắm sông
Anh lần ra biển
Tìm dấu chân em bây giờ
Những dấu chân rất mỏng
Những dấu chân anh nhận tự trong mơ
Anh nhặt cả bỏ vào túi ngực
Lúc cần anh lấy dán lên thơ
Lấy dán vào ca khúc
Để đời vì em mà ngân nga
Lấy dán vào bức họa
Gọi những hờn ghen hoa cỏ quay về
Gót chân em dính nhiều bùn đất
Đã thơm trên môi anh – thơm đến không ngờ...
GIẤC MƠ SƯƠNG
Anh sẽ gửi xuống em những vốc sương mai
Nơi anh hằng sống
Để em xoa đôi tay cần mẫn
Ngày ngày em đan nên những dịu êm
Để em xoa đôi vai em đã từng gồng gánh
Em gánh cánh đồng
Em gánh những tủi hờn
Trong mơ em đã cõng anh lội qua sông
Bởi anh người núi đồi chưa hề biết bơi
Và anh đã bơi trong tình em - trong ruột gan em
Và anh đã bơi trong giấc mơ em
Giấc mơ lung linh
Em đã phủ đầy sương...
21.5.2021
L.V.H
Tập truyện ngắn mới của nhà văn Nguyễn Văn Học gồm 40 tác phẩm được chọn lọc sau 20 năm cầm bút của tác giả với tiêu đề "Miền Thánh đợi". Bạn đọc đều rõ trong mươi năm gần đây, nhà văn Nguyễn Văn Học tỏ ra sung sức và say mê sáng tác. Với vai trò nhà báo chuyên nghiệp, anh đi nhiều nơi và cảm nhận được nhiều vấn đề xã hội khá tinh tế. Những trải nghiệm của nhà văn được vận dụng vào những sáng tác với một góc nhìn rất phong phú cùng những đề tài khác nhau. 40 truyện ngắn là những nỗi niềm trăn trở về thân phận con người. Đó có thể là tấm lòng thương cảm về một hoàn cảnh trớ trêu và thiệt phận của hai mẹ con mắc bệnh phong bị đầy ra chốn hoang vu (“Cô gái hát thánh ca”). Nhân vật cô gái tên Ngảo đó hiện diện chính tâm hồn của tác giả luôn mong muốn chia sẻ nỗi đau nhân tình thế thái khuất lấp trong cuộc đời. Hay đó còn là nỗi xót xa về cuộc sống của Vân trong câu chuyện "Ngôi nhà có nhiều ô cửa". Cô gái tật nguyện này đã sống trong những niềm vui được chăm sóc, được nhìn thế giới quanh mình qua ngôi nhà có nhiều cửa sổ. Nhưng rồi trong chính ngôi nhà này cô lại chiêm nghiệm nỗi cay đắng khi biết, ẩn sâu trong thế giới sáng trong kia là một góc tối u ám mà cha mẹ cô đã gây ra. Vân thất vọng khi tự mình leo lên tầng thượng của ngôi nhà để tìm tới thiên đường của mình, bằng cái chết bay trong vũ trụ bao la. Cùng với sự chia sẻ về nỗi đời nhân thế, tác giả còn có những truyện ngắn hay khác như "Giữ lấy vị muối tâm hồn", "Miền thánh đợi", "Tim rắn", "Ma nơ canh", "Ổ khóa định mệnh"...
Đáng chú ý, không chỉ có sự sẻ chia về nỗi đau khuất lấp của người đời mà tác giả Nguyễn Văn Học còn có những nét phản biện khá sắc nét với những tệ nạn xã hội. "Giữ lấy vị muối tâm hồn" là một trạng thái tự đấu tranh nội tâm của nhân vật Khẩn khi bị lôi kéo vào cuộc đấu đá nội bộ cơ quan. Với hình ảnh túi rác bị Khẩn quên khi mang theo xe. Anh quên vứt đi vì trong lòng còn vướng bận giữa danh - lợi. Nếu anh theo người xấu vu tội cho người tài và tốt bụng thì sẽ được hưởng vinh hoa phú quý. Nhưng sau bao ngày đêm suy tư và đắn đo, Khẩn đã đứng vụt dậy và dứt khoát phản bác lại quyết định của giám đốc. Khẩn đã từ chối danh lợi và đã vứt được túi rác đầy ô uế trong tâm khảm của mình. Chịu thiệt phận và sống đúng với lương tâm nhưng thanh thản. Đó là một góc nhìn nhân văn đã được tác giả phát huy trong những truyện ngắn hấp dẫn khác như "Cụ cây", "Bước qua ranh giới", "Chuyện nhỏ giữa các tiến sĩ", "Ổ khóa định mệnh"...
Nhà văn Nguyễn Văn Học còn có góc nhìn khá hài hước nhưng lại vẫn ẩn giấu sự sâu cay trong những câu chuyện mình kể ra. Đáng chú ý trong nét hóm hỉnh và sắc bén này tác giả đã tỏ ra rất tài hoa trong "Tim rắn" và "Bước qua ranh giới". Chiều sâu trong những câu chuyện này là chủ đề không chỉ về hệ nhân quả thông qua những ứng xử trong cuộc sống và còn ẩn giấu chủ đề về môi trường và thiên nhiên. Ai đụng tới mẹ thiên nhiên? Con người xâm phạm thiên nhiên đều bị trừng phật. "Tim rắn" là góc nhìn khá nổi bật khi tác giả kể ra câu chuyện khi Lục theo chúng bạn nuốt những quả tim rắn còn đang phập phồng đập với những chén rượu đời cay đắng. Lục bị chê vì có vợ tịt đẻ. Rồi anh còn bị thiên hạ xúi giục bán đất để kiếm cô vợ khác đẻ con. Lục là con người tốt nết, thật thà và yêu chiều vợ. Nhưng khi uống rượu với tim rắn, Lục đã trở nên khác lạ. Trái tim Lục đã hóa trái tim rắn. Độc ác và dữ dội. Bản tính Lục đã hỏa biến vì rượu. Hắn gây ra tội lỗi và đổ hết tức tối lên đầu vợ hiền. Hắn đã mất hết nhân tính khi bị kẻ xấu xúi giục giết bố để bán đất. Lục sống trong ảo giác và hoảng loạn. Khi rơi vào bế tắc, khủng hoảng, Lục đã được mọi người cứu vớt và lôi kéo về thực tại. Nhưng để cắt được trái tim rắn mọc hoang trong tâm hồn Lục, đòi hỏi phải có sự vượt thoát tự thân để trở lại làm người.
Nhưng có lẽ truyên ngắn "Miền thánh đợi" đã được tác giả tập trung nhiều cảm xúc nhất. Truyện đã thể hiện nét tài hoa với nghệ thuật kể chuyện hấp dẫn qua một bố cục dầy đặc những chi tiết về số phận của những nhân vật trong tác phẩm. Nhân vật "Tôi" là chính danh tự sự. Với nét sáng trong của nhân vật chính, câu chuyện từ những tình cảm riêng tư mở rộng tới thôn xóm và đạo đời, đã bao quát một xã hội điển hình sâu sắc cho thực tại đang diễn ra phổ biến khắp nơi hiện nay. Đó chính là chiều sâu của tác phẩm. Từ chuyện của những gia đình xóm "Ngụ cư" bị thiệt thòi, dè bỉu bởi những làng theo đạo, hay làng theo Phật giáo, hoặc xóm tật nguyền kế bên; tới chuyện những tệ nạn xã hội xảy ra khá khốc liệt và cay đắng đã diễn ra trước mắt. Thông qua một cuộc tình tha thiết của đôi bạn trẻ khác làng, khác đạo mà biết bao sự kiện phức tạp trong xã hội đã vây quanh. Đặc biệt tác giả còn nhấn sâu về câu chuyện con người cần tìm đến hạnh phúc luôn phải kèm theo chọn một lẽ sống, một lý tưởng và niềm tin. Bởi ở cái đất đầy sóng gió và hủ tục niềm tin con người bị bơ vơ. Hạnh phúc trông cậy vào đâu. Miếng cơm manh áo gửi gắm vào ai. Tệ nạn tham nhũng chia chác và lợi ích nhóm luôn đe dọa sự sống ở những nơi này. Từ chuyện học hành đến hôn nhân của lớp trẻ đều bị đè nén và chia rẽ bởi những hủ tục và thói hư tật xấu của con người. Tác giả đã kể một câu chuyện thật hay về những phẫn nộ về cuộc đời này trong ngôi làng của mình. Đến cả giấc mơ thoát khỏi làng cũng là nỗi khủng hoảng tâm trạng mà con người không thể thoát ra được. Đó là một bi kịch của truyện ngắn "Miền thánh đợi".
40 truyện ngắn của nhà văn Nguyễn Văn Học có những tìm tòi nhất định về thi pháp và bố cục. Những câu chuyện luôn được tác giả kết cấu ngắn gọn và sinh động. Giọng điệu mỗi câu chuyện một khác với những phát hiện vấn đề nhạy cảm và tinh tế. Nguyễn Văn Học là nhà văn có những trải nghiệm thực tiễn và phần nào đã mang dấu ấn của một phong cách văn chương. Điển hình, nhà văn có những nét ảo diệu trong "Ngôi nhà có nhiều ô cửa", hay "Cô gái hát thánh ca", thì với truyện ngắn "Miền thánh đợi" lại thể hiện sự sáng tạo sóng đôi hòa quyện giữa hiện thực lãng mạn và huyền ảo. Đây là sự thành công đáng khích lệ cho tập truyện ngắn chọn lọc của nhà văn Nguyễn Văn Học sau chặng đường 20 năm theo đuổi sự nghiệp văn học.
V.T
THỨC MÙA
Tiếng ve thức giấc mùa hè
Cơn mưa bất chợt hàng me ướt đầm
Nhớ mong nặng trĩu cung trầm
Tương tư gieo khúc độc cầm nỉ non
Sang mùa gió hát véo von
Hồi xuân em lại xinh giòn như ai
Gót hồng khoe dáng khoan thai
Long lanh đôi giọt sương mai trong ngần
Mắt thơ níu bước phong trần
Loa kèn cuối vụ bần thần… tiễn xuân
GIAO MÙA
Bất thường chợt nắng, chợt mưa
Loa kèn cuối vụ, phượng chưa kịp hồng
Lúa chiêm đương độ vào đòng
Dửng dưng xuân chửa lấy chồng… lửng lơ
Nàng chờ người ở trong mơ
Lời tình giấu đáy vần thơ ngại ngùng
Chênh chao nắng mới thẹn thùng
Tàn cây thõng thượt sượng sùng tiếng ve
Đêm qua cuốc đã gọi hè
Mưa rơi bất chợt hàng me ướt đầm
TRẮNG TRONG LOA KÈN
Loa kèn nghiêng nụ tháng tư
Long lanh khoe sắc xinh như em cười
Thơ yêu chớp mắt ngỏ lời
Hân hoan con chữ mơ vời vợi bay
Tưng bừng nắng gió ru mây
Tóc đen, môi thắm.
Thơ say em rồi
Sông Tương Tư sóng lở bồi
Trái tim mơ mộng đêm bồi hồi mong
Mơ hồ khúc nhớ long đong
Bâng khuâng tiếc thuở trắng trong loa kèn
A.N
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)