Home » Archives for tháng 3 2021
(Đọc TRI ÂM của HUY LINH và PHỐ MƯA BAY)
Có một cơ duyên mà tôi đọc được tập TRI ÂM của HUY LINH-PHỐ MƯA BAY. Mới cầm tập sách tôi ngỡ là một tác giả ký tên kiểu Á Nam-Trần Tuấn Khải, Tản Đà-Nguyễn Khắc Hiếu, Nhất Linh-Nguyễn Tường Tam... nhưng không phải, hai tác giả Huy Linh và Phố Mưa Bay. Nói là “có cơ duyên” vì tôi nhận sách tặng nhờ vào bài viết trong trang facebook TẢN VĂN HAY được bạn đọc bình chọn là bài hay nhất trong tháng 2/2021, và đây là tặng phẩm. Tập “Tri Âm” do NXB Hội Nhà văn xuất bản vào quý 4.2020 dày 124 trang gồm 3 phần. Phần 1 là thơ của Huy Linh có tên là “Mẹ và em” gồm 45 bài thơ chia làm 3 nhóm: Hồn quê dáng mẹ; Phố và em; Hương xưa. Phần 2 của Phố Mưa Bay có tên là “Sen” chia thành 2 nhóm: Hương thiền gồm 10 bài thơ và Tản mạn mưa gồm 6 tản văn. Phần 3 là Tình khúc nhạc của 2 tác giả. Đó là nhìn qua hình thức của tập sách đầu tay của 2 tác giả mà tôi chưa hề quen biết này. Xuyên suốt cả tập sách là viết về tình yêu quê hương và con người. Nhưng mỗi tác giả khai thác ở mỗi khía cạnh khác nhau.
HUY LINH VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ NHỮNG NGƯỜI ĐÀN BÀ
Tôi cứ ám ảnh về những ngời đàn bà trong thơ Huy Linh. Đó là những người bà, người mẹ, người chị, người em, người bán hàng rong... Mỗi người một số phận, nhưng qua họ, ta thấy bóng dáng của một miền quê còn nhiều khó khăn. Nỗi khó khăn oằn trên vai nhưng điểm xuyết nét lãng mạn đủ để Mẹ chịu vất vả một đời:
Mẹ gánh vầng trăng sóng sánh chảy đôi bờ
kẽo kẹt cầu tre giếng làng đêm ví dặm
thăm thẳm sông quê con đò trên bến vắng
ai thả trôi sông...
(Trăng quê)
“Gánh vầng trăng... đêm ví dặm” cũng không xóa được “hõm má mắt sâu” của “phận đời trắng xóa” trong “đụn rơm khô ủ dột” mà đời Mẹ cũng phải gánh:
Mẹ ơi!
nước bạc phận đời trắng xóa bờ đê
xót dạ nón mê che đàn gà chái bếp
hõm má mắt sâu rưng rưng tóc bết
chắn lại đụn rơm khô ủ dột mái hiên nhà
(Mẹ ơi)
Với Huy Linh, Mẹ cũng chính là quê hương, là cội nguồn của vỉa tầng văn hóa, của nguồn cội ca dao, của hơi thở của cuộc sống:
Vẳng nghe tiếng mẹ ru hời
củ khoai bùi ngọt cả lời ca dao
(Tiếng xưa)
Ai chẳng có một miền quê để nhớ. Nhưng không thể là nỗi nhớ chung chung, trừu tượng mà hình ảnh quê nhà thường hiện lên từ những con người cụ thể, cảnh vật cụ thể, âm thanh cụ thể. Có thể đó là người em gái có mái tóc thề, có môi thắm... chờ đợi một bóng con đò, một câu ca ví dặm:
Em môi thắm trầu cay têm cánh phượng
vấn tóc thề mòn mỏi bến sông quê
ôi có thấy con đò xưa rẽ sóng
chở câu ca ví dặm đã trở về!
(Hương quê)
Tôi thích cái hình ảnh người đi xa trở về với cảnh cũ. Tất cả vẫn còn vẹn nguyên nhưng lại phủ lên một nét u buồn như phế tích. Người đàn bà bán hàng rong cũng mang một nét quê phong rêu cũ kỹ. Phải chăng cảnh đã rêu phong hay lòng người đã không còn cái nhìn trong trẻo của tuổi đôi mươi:
Tôi trở về góc phố nhỏ thân quen
rong rêu phủ màu tháng năm bạc bẽo
con đường cũ nay hoang tàn lặng lẽ
xe đạp chị bán hàng rong cũng xiêu vẹo u buồn.
(Xóm trọ)
Trong thơ Huy Linh đầy ắp những cảnh. Nhưng cảnh không hề vô tri, nó có hồn hòa với tâm trạng của tác giả. Nguyễn Du cũng từng nói “Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu/ Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ” thì Huy Linh:
Đêm hôm qua gió lay cành dạ lý
rụng bên hiên xác úa tả tơi vàng
hương ngà ngọc ôi chỉ là quá vãng
buồn ta còn trên lối cũ
thênh thang!
(Và ta biết)
Đọc khổ thơ sau, ai chẳng thấy tình cảm, tiếng lòng của tác giả, tiếng lòng ấy là những ký ức đẹp đẽ ngày xưa đã phủ một gam màu buồn:
...Tôi mải miết mưu sinh
ngày trở về sân đình đầy xác pháo
lối cũ hẹn hò tả tơi cành hoa gạo
văng vẳng đâu đây ai hát điệu ru lòng
(Con sáo)
Hoặc:
Ta trở lại nơi phố chiều diễm lệ
Lá bâng khuâng rơi đỏ lối hao gầy
Nghe gió hát bài tình ca thuở ấy
Như em về trong niệm ảnh đâu đây
(Phố đêm)
Tôi đã đọc Huy Linh theo một cảm thức về một người mang nặng hình ảnh quê hương qua ngổn ngang ký ức. Những hình ảnh quê hương trong từng tứ thơ chỉ là một không gian cho ký ức tìm về neo đậu. Thôi, ta để cho tác giả tự khép lại hành trình tìm về một miền quê hương trong dĩ vãng, dẫu rằng những bài thơ trong tập đâu chỉ nói về quê hương và những người đàn bà:
Nơ tím cũ rồi...
Bóng đổ
Chiều nghiêng!!!
(Bóng đổ chiều nghiêng)
PHỐ MƯA BAY VỚI QUÊ HƯƠNG VÀ THIỀN
Hình ảnh quê nhà cũng là hình ảnh chủ đạo của thơ Phố Mưa Bay. Trong tứ thơ nào ta cũng thấy bóng dáng quê nhà, có khi là một bến sông quê, là ngọn khói đốt đồng, là mùi bùn đã oải mục khó quên:
Con về đến bến chiều hôm
Khói đồng ai đốt thơm rơm lúa mùa
(Con về)
Có khi là một dáng mây, và sẽ chẳng bao giờ thiếu hình ảnh tảo tần của Mẹ:
Mây mờ che đỉnh phù vân
Hay là dáng mẹ tảo tần gánh con
(Vô ưu)
Cũng như Huy Linh, thơ Phố Mưa Bay cũng nói nhiều về Mẹ, nhưng thiếu cảnh vật thực tại hay trong ký ức mà lắng vào trong lòng. Tác giả như úp mặt vào đất quê mà nghe tiếng Mẹ. Mẹ đã cho con trở thành cánh hoa vô ưu ướp hương cho con thơm ngát một đời:
Con về ngủ dưới đêm suông
Ngày mai qua hết dặm trường gió mưa
Vô ưu thơm ngát bốn mùa
Thiên thu tiếng mẹ ngàn xưa vọng về.
(Thiền trăng)
Đọc thơ Phố Mưa Bay, tôi không thấy hình ảnh thiên nhiên rạng rỡ hoặc u buồn thường gặp mà thấy đậm chất thiền. Dù rằng đâu đó ta vẫn gặp “giọt trăng vàng” trong “sương gió miên man” lãng đãng cùng tiếng chuông ám ảnh:
Đêm thanh uống giọt trăng vàng
Đằm trong sương gió miên man đất trời
Chuông chùa thoảng tiếng đầy vơi
Mà nghe sen rót vạn lời Tâm kinh
(Sen nở thềm trăng)
Và đây, cánh sen thanh tao, nguyên trinh giữa sân chùa như một người con gái. Tác giả gọi Sen là Em mà không gợn chút tình nam nữ, không hề gợn chút tạp niệm của kẻ phàm phu tục tử. Thiên nhiên như đã thoát tục, không còn vẩn bụi trần:
Về chùa uống giọt từ bi
Gặp em, một đóa sen thì vừa lên
Thanh tao trước chốn cửa thiền
Em bình yên giữa muộn phiền thế gian.
(Sen)
Cũng như những người làm thơ khác, Phố Mưa Bay đôi khi cũng thả hồn mình về khung trời xưa cũ đầy hoài niệm:
Có đêm mơ giấc mẹ tôi
Một chiều trở dạ tiếng nôi ru hời
Lặng nghe câu hát à ơi
Cánh cò cõng trắng cả lời ca dao
(Giấc mơ)
Đôi khi ta gặp một hình ảnh rực rỡ khi đã tận cùng cống hiến vẻ đẹp cho cuộc đời khiến ta vui mừng đón nhận thì tác giả lại làm cho ta hụt hẫng: “Muồng hoàng yến dẫu rơi đầy xuống gốc thì hoa vẫn rực rỡ ở trên cành, cây nở hoa từ mùa nắng sang mùa mưa và trong suốt một mùa mà em gọi là mùa chờ đợi” (Mùa đợi – tản văn). Có lẽ như tác giả tự nhận “... có những thứ không thể nào xóa được, một khi nó đã ăn sâu vào tâm hồn, làm rễ bám cành ở đó, khi kỷ niệm ùa về thì nó cũng tự trào tuôn.” (Đêm mưa phố - tản văn). Thôi thì cứ để tác giả như “Phong linh vẫn hát từng ngày, như gió vẫn thổi bên trời đưa âm thanh đi tận muôn nơi (Tiếng hát phong linh – tản văn)
Một tập sách hơn trăm trang của hai tác giả sẽ có nhiều điều để nói nhưng tôi chỉ đọc bằng tâm thế của một độc giả bình thường theo một ý chủ quan là đi tìm hình ảnh quê hương của mỗi tác giả thể hiện qua nhưng bài thơ, văn trong tập. Riêng phần ca khúc, xa lạ với tôi nên đành... im tiếng. Và đây là bài đọc sách bè bạn chứ không phải là tiểu luận phê bình nên chuyện thành công hay chưa thành công về nội dung, nghệ thuật; xin được miễn bàn. Như nói ở phần đầu, tôi có duyên mới được đọc tập thơ văn của Huy Linh – Phố Mưa Bay, và xin mượn lời của tác giả để khép lại bài viết nhỏ này: “... bạn đang cầm trên tay quyển sách này, đó là do giữa chúng tôi và bạn có duyên với nhau” (Thay lời kết)
Tôi cũng tin điều đó!
Cảm ơn hai tác giả.
N.V.C
Nhà thơ Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ)
NGÀY LẠ
Ban mai xanh
Cốc nước đầy
Tri âm ngụp lặn
Đắm say đâu rồi?
Ngó nghiêng
Chật ứ một tôi
Đổ đi
Chẳng nỡ buộc
Vui vào buồn
Nắng cong cong
Sóng lơn cơn
Bếp than
Hạ nhiệt
Mưa hờn ghé vai
Thẩn thơ
Lườm
Nguýt
Vũng lầy
Cô đơn thậm thụt
Khuyết vay
Lưới tình.
PHƠI
Đời choàng dông
Bão lên vách
Em ngoan cường phơi
Ngọc thách gió sương
Mùa chưa xa
Lơ thơ
Cuồng
Hoa rụng rụng
Rêu phong tường
Đìu hiu
Uống sao cho hết
Những chiều
Tròn tròn khuyết khuyết
Liêu xiêu
Trăng gầy
Đã quên
Quên tụt huyết say
Đã say
Say tụt những cay đắng
Vờ
Đã ngoan
Ngoan tưởng như mơ
Đã mơ
Mơ chín từng giờ ái ân.
DƯỜNG NHƯ
Dường như anh chẳng cần em?
Mắt đêm chưa tỏ khuôn rèm chưa thưa
Hay còn ngần ngại nắng mưa?
Lời nguyền đi, đến
Gần vừa hoá xa
Dường như ảo ảnh ta bà
Trắng đen hội ngộ la đà trả vay
Cộng trừ đong đếm đắm say
Cửa lòng ban phát chuỗi ngày phù du
Dường như…
Trăm thứ dường như...
M.Đ
1.
Trời ấm dần. Góc quê bình yên. Phía xa xanh dòng khói mỏng vấn trên lũy tre. Không khí chuẩn bị cho cái Tết tất bật mà thú vị. Từ lâu mẹ đã xăng xái chuẩn bị măng, đậu xanh, gạo nếp Phì Điền, miến, mỳ Chũ. Ba tháng trước mẹ mua giống gà đồi Yên Thế về nuôi để dành dịp Tết. Năm nào mẹ cũng gói bánh chưng. Đó là việc kỳ công mà từ ngày về làm dâu của làng, mẹ luôn giữ với tâm trạng háo hức. Hai tám Tết, tôi được mẹ giao rửa lá dong. Mấy bác, mấy chị hàng xóm tụ về bên sân giếng khơi nhà tôi rửa lá. Vừa làm vừa chuyện trò, thật thích. Thằng Dũng ngồi tí toáy bấm điện thoại, đã không giúp thì thôi, còn càu cạu: “Mẹ gói làm gì cho mệt, ăn được đâu. Đi đặt mua vài cái cho xong. Thời buổi công nghệ này…”. Mẹ quở: “Ơ cái thằng này. Không gói bánh chưng thì sao ra được cái Tết. Không làm thì để mẹ và chị làm”.
Nhà ba chị em. Tôi là cả. Tính tôi khác thằng Dũng và cái Hân. Cả hai đứa hờ hững với việc chuẩn bị Tết nhất và công việc gia đình. Chúng thích đắm mình vào thế giới ảo, ngại giao tiếp, ngại việc nhà, và không chịu mở lòng với những khoảnh vườn đầy nắng, hoa xuân và tiếng chim. Ở Thủ đô học hành, làm việc ba chị em ở cùng để tiện chăm sóc, bảo ban nhau. Thằng Dũng và cái Hân chỉ thích đặt đồ ăn sẵn. Hở miệng ra là nói Cách mạng công nghiệp 4.0, thích gì cứ đặt, người ta “ship” đến tận nơi. Tôi buộc phải kìm giữ hai em, neo lại với truyền thống được chút nào hay chút đó. Như chịu khó nấu cơm và dạy cái Hân làm những việc đó, kẻo sau này đi lấy chồng… Cái Hân cũng nấu được vài món. Dù là sống xa quê, nhưng cũng phải biết nấu những món quê dân dã, hoặc món mẹ thường nấu. Mẹ là người con gái ở miệt sông Thương, về làm dâu gia đình có nền nếp, bên dòng Thương, mẹ hiểu không bao giờ được phép lơ là chuyện vun đắp giá trị gia đình. Vun đắp trước hết phải bằng bữa cơm. Tôi từng nói với hai em: “Con gái đi làm dâu thì phải biết nấu nướng. Con trai cũng vậy, lấy vợ vào, lúc vợ nghỉ đẻ, hay ốm đau cũng phải làm sao để đừng bị đói”. Thằng Dũng bĩu môi: “Chị y như mẹ. Lũ trẻ chả cần những điều đó mà. Xưa rồi chị ơi. Ngồi ấn nút, người ta mang đến, rất tiện mà chả phải rửa bát”.
2.
Nhiều lần Dũng nhắc tôi, chị khó tính vừa thôi, đến hai sáu tuổi còn chưa người yêu. Lời em trai khiến tôi chùng lòng. Cũng yêu đương đấy chứ, nhưng nó cứ vuột trôi theo cách này cách khác. Hay tôi quá khắt khe với mình? Mấy năm qua hai người con trai ngỏ lời với tôi. Đầu tiên là Tùng. Tôi theo Tùng về quê chơi. Mẹ anh hiền và dễ gần. Nói chuyện với bà tôi thấy ấm áp. Bố anh mất sớm, mình bà nuôi hai anh em ăn học. Tùng là con thứ nên có lẽ được chiều hơn, có lẽ vì thế anh vô tư và có lúc trẻ con. Tôi kém Tùng hai tuổi nhưng suy nghĩ của tôi hơn anh đến hai tuổi. Có lúc đang trò chuyện anh giở điện thoại ra bấm, dán mặt vào các trò vô bổ trên mạng, chuyện thành loãng và khiến tôi hụt hẫng. Tùng có vô tâm quá không? Hay quá trẻ con và thuộc về thế giới khác chứ không phải tôi? Thế rồi tôi lãng ra…
Người thứ hai là Tuấn. Tuấn không đưa tôi về quê sớm như Tùng. Anh thích quán xá, cà phê. Lời nói đôi khi bốc đồng. Giới trẻ gọi là “chém gió”. Có lần Dũng bảo: “Chị cho em đi cà phê với anh Tuấn một hôm”. Vậy là nó đi cùng. Cái Hân cũng muốn đi theo để “nom mặt” người yêu chị. Cả ba “chém gió” thành thần. Nhìn vậy có vẻ hợp nhau. Về phòng, Dũng bĩu môi: “Ông Tuấn này chém gió phần phật. Hơi quan ngại”.
Tôi nhìn ra điều đó lắm chứ. Tuấn có khuôn mặt vuông vức, ăn to nói lớn, nhưng hai hàm răng thưa. Ông bà ta bảo không giữ được của. Điều đó cũng đúng phần nào bởi Tuấn có lúc quá phóng túng. Ngay chuyện mua sắm, ăn uống, Tuấn cũng thích được phục vụ. Anh luôn thích ngồi quán hoặc gọi người ta mang đến. Tôi ngược lại. Nên có lúc mâu thuẫn. Tuấn trề môi giễu nhại: “Em y như mẹ anh. Luôn muốn động tay động chân làm, mà chỉ mua mệt nhọc vào người”. Tôi đấu lại: “Bác gái muốn tự tay làm là vì bác thích tình cảm. Trong mỗi bữa ăn, việc kỳ công chế biến, nâng niu từng món cũng là cách thể hiện tình cảm dành cho gia đình. Anh nên thấy tự hào vì điều đó”. Một cảm giác lao xao, vừa như hụt hẫng, vừa như đắng đót ập vào lòng. Tôi khó tính hay dòng chảy cuộc đời này đang xáo xới, cào vào lòng người ta cái tâm thức tiện lợi, nhưng lại chẳng biết rung cảm trước một cử chỉ ân cần, cách thức nấu một bữa ăn dù giản dị, nhưng là trọn vẹn cảm xúc và tình cảm mà người này dành cho người kia.
Tôi tìm cách chấm dứt với Tuấn. Dẫu sao tình cảm mới chớm nên dễ thoái lui. Nhưng cũng là vết thương trong lòng đứa con gái. Tuấn gặng hỏi nhiều lần vì sao. Vì sao ư? Có những thứ chẳng thể giải thích cặn kẽ. Đơn giản vì không hợp nhau. Tôi không phải cổ hủ. Tôi hợp với những ý nghĩ và cách làm còn neo đậu nền nếp truyền thống. Chứng kiến chuyện của tôi, Dũng vỗ tay. Nó bảo: “Chị nghe lời em dứt khoát cắt đứt anh ấy ư? Tốt nhất là nghe con tim chị”. Với câu nói này, tôi nghĩ Dũng có tí chút chín chắn. Chẳng biết tôi làm đúng hay sai.
3.
Trong những ngày giãn cách xã hội vì dịch bệnh, được về chăm hoa, chăm rau với mẹ, tìm lại cảm giác thân thương bên gia đình thật ấm cúng. Bao nhiêu năm, bao nhiêu bè bạn, người thân, các mối quan hệ xã hội, tất cả cuồng quay trong dòng chảy mưu sinh chóng vánh đến vô tình. Nay được dịp sống chậm hơn, nhìn nhau kỹ, lo lắng, chăm chút cho nhau nhiều hơn, mới thấy tình cảm, sức khỏe đáng quý hơn mọi thứ vật chất trên đời.
Một lần đi xe máy về quê tôi gặp lại Quân mà tôi quen vài năm trước qua một người bạn nữ. Quân quê ở Nhã Nam. Lần gặp ấy Quân chẳng để lại ấn tượng gì. Chỉ nói chuyện xã giao. Ai ngờ lại đường đột như sự xui khiến của tạo hóa. Hôm đó tôi rẽ vào đổ xăng, anh nhận ra, gọi. Tôi ngớ ra một lúc rồi mới cất tiếng chào anh. Quân lấy lại số điện thoại, kết bạn facebook rồi làm ấm sự quen biết bằng những tin nhắn chia sẻ trong thời gian giãn cách. Anh hay làm. Mảnh vườn được xới xáo để gieo cải, trồng mồng tơi, mướp đắng. Tôi ở bên này cũng giúp mẹ làm đất, gieo lên đó những hạt mầm hy vọng. Hai bên “báo cáo” nhau từng ngày. Tôi thấy Quân dí dỏm và có vẻ là người thích nấu ăn. Càng trò chuyện tôi càng cảm mến cách anh nói, chăm sóc mẹ, vườn cây và ứng xử với hàng xóm, láng giềng. Anh ở Thủ đô nhiều năm, nhưng chất mộc mạc của người Nhã Nam vẫn chẳng vơi phần nào. Quân cũng chẳng phải tuýp người thích đặt đồ ăn sẵn, hay tiêu dùng láo nháo vội vàng. Điều đó hợp với tôi và hợp ý mẹ.
4.
Trở lại trạng thái bình thường mới, chúng tôi phải gắng gấp đôi để hoàn thành công việc cơ quan của mỗi người. Điều tôi vui nhất là khi đi bên Quân, tôi có cảm giác được chia sẻ, an toàn. Anh chỉnh chu, cẩn thận và không biết “chém gió”. Anh không chọn cách sống nhanh, sống gấp và lệ thuộc quá nhiều vào công nghệ. Thằng Dũng thấy tôi vui khi đi bên anh, nó mừng, nhưng thi thoảng chêm vào vài câu trêu ghẹo: “Chị hí hửng với người yêu. Giờ nở mày nở mặt ra, có lúc lại thành vênh váo”. Tôi đá xoáy: “Cũng là đàn ông, người ta thì biết nấu đủ thứ, còn cậu thì chỉ biết mỗi cắm nồi cơm”. Nó vặc lại: “Biết gì khổ nấy. Em không biết nên có người phục vụ. Sau này em có cưới vợ thì cũng chọn người giống mình”.
Bao nhiêu người trẻ vẫn bao biện cho trào lưu của mình. Phải chăng khi đã quá đủ và công nghệ đang tràn ngập đời sống, nó sẽ khiến trái tim ta thành một cái máy? Tôi bật nhạc, nghe những bản nhạc không lời được chuyển soạn riêng cho ghita. Lòng ấm lại. Tôi chùng mình xuống và lúc ấy nhớ đến Tùng và Tuấn. Hai người đã đặt những nụ hôn đầu tiên lên môi tôi. Tình cảm của tôi với họ chỉ vừa chớm nở đã tàn. Đó là một cái duyên, hay chỉ là có duyên mà chưa có phận. Tôi không giải thích được. Có lúc cảm giác tôi là phận gái nhưng dang tay ra che chở cho người đàn ông. Thì thôi, đành coi đó như những nấc thang của cuộc sống mà ta phải chấp nhận để lớn lên từng ngày. Nay đi với Quân, ập vào tôi là sư ấm áp và tin tưởng.
5.
Quân nhắn tin sẽ đến chơi. Tôi vâng. Lúc anh đến thì việc rửa lá dong cũng hoàn tất. Mẹ tôi vui ra mặt khi có mặt Quân. Anh ngồi xuống gói bánh cùng mẹ, chuyện trò rôm rả. Còn tôi phụ cắt lá. Xem chừng mẹ rất vui. Thằng Dũng ngồi ở bên cạnh gọi điện, livestream cho biết bao nhiêu bạn bè ở xa. Nó còn ví von: “Thời này mà gia đình tớ vẫn hào hứng với chuyện gói bánh. Đúng là mùa xuân cất cánh…”
Mẹ lườm yêu Dũng: “Thế hệ cu cậu khác quá. Chả biết đong cảm xúc, thưởng thức mùi xuân. Chỉ thích mùi công nghệ. Giờ thanh niên mà gói bánh khéo như anh Quân đây, hiếm lắm”. Mẹ lại thở dài: “Mẹ cứ nghe trên tivi nhắc mãi đến chuyện trí tuệ nhân tạo nó thay thế bộ óc con người. Chẳng phải sau này máy móc cũng đón Tết thay con người hết hay sao!”. Tôi chêm vào: “Mẹ ơi, quan trọng là ở lòng mình. Mình cứ giữ thì chả máy móc nào thay được”. Quân khẳng định: “Đúng đó bác ạ. Máy móc không thể có cảm xúc đón xuân mới như con người”.
Giờ gói bánh chưng xôn xao. Bố tôi chất củi lửa luộc bánh và hồi hộp chờ chín. Quân xin phép đưa tôi đi chùa. Anh cũng đưa tôi về nhà anh chơi. Mẹ anh có nhiều nét tương đồng với mẹ tôi. Không khí chuẩn bị Tết bên gia đình anh giản dị, ấm cúng như bao năm tháng tuổi thơ tôi đã thấy ở miền quê.
Ngày ba mươi làm bữa cơm tất niên, gia đình tôi mỗi người một việc, chế biến, nấu nướng. Thằng Dũng lúc thì tiếp bạn, lúc lại chụp ảnh gia đình nuôi facebook. Chậu bạch mai Quân tặng đang bung nở. Đó là hoa được trồng ở làng hoa mới bên bờ sông. Lúc ngơi tay, tôi nhận được tin nhắn của Quân: “Anh vừa cùng mẹ làm xong mâm câm tất niên, chờ ông nội và mọi người quây quần…”
Tôi nhắn lại: “Em cũng vậy. Thật ấm áp. Và em tin…”. Tôi bỏ lửng. Quân nói thêm lời yêu tôi. Má tôi bỗng nóng ran.
Lúc ăn cơm, mẹ nhắc: “Giá mà thằng Quân ở đây vui cùng nhỉ! Con trai gì mà vừa khéo, vừa hiền. Con Hiên mà cưới được nó…”. Mắt mẹ long lanh. Ý chừng mẹ rất hy vọng. Bố cũng vui lây. Chiều ấy ra đê sông Thương, nhìn về làng, về nhà, thấy nồng nàn ấm đượm. Một làn gió mỏng, nhưng ấm, thổi dọc sông, thổi bời bời qua vai. Làn gió quen gắn bó suốt tuổi thơ kỳ diệu, nhắc nhớ và neo giữ lòng tôi với nơi này.
N.V.H
CHỢ MÂY TRÊN NÚI CẤM
Bày ra giữa mùa sương
bà già quấn kẹo chỉ bằng sợi nhớ
những người đàn ông len lén mở
chiếc kén xinh xinh – mơ ước mọc ven đường
người bán su hào lim lịm giấc sương
cuồn cuộn khói trên nụ cười Di Lặc.
Đứng trước mây thấy mình đi lạc
ở một nơi không nhiều quá tiếng người
những triết gia trồng sương hình chiếc lá
những dân phu đội đầy gió lạ
bày biện ra, con cóc đá thở hơi sương.
Chợ bán mua những thứ rất bình thường
mình đến mua một nỗi niềm không ai bán
thả theo sương trôi đi bảng lảng
chợt thấy nảy mầm cái cây hình lá sâm.
CHỢ NÚI
Những chuyến xe lộc cộc chạy vào chiều
mình ngỡ như đâm xuyên bóng tối
những con ngựa sáng ra đứng đó
một chân co, đêm qua chạy rất xa.
Người đàn bà vuốt bờm dặn dò
con ngựa im im rồi cất lên tiếng hí
ngôi chùa Khmer cổ kính im lìm
lộc cộc ngựa đi bước sảy như lướt sương.
Thúng đậu, thúng rau, thúng cớm dẹp lắc lư
chéo khăn rằng người đàn bà cầm dây xà tích
chợ quê sớm họp sớm tan hàng hóa ít
chỉ có tấm lòng bện vào từng món cớm món rau.
Lộc cộc tiếng vó theo sau
mỗi lần chập chờn ngôi chợ không tên mà bán đầy nỗi nhớ…
SINH NHẬT
Ngày trôi chậm hơn thường
nghe bánh răng rúc rắc
con sẻ nghiêng mắt nhìn
một cái nhìn rất thật.
Trong chiêm bao những bão và thinh lặng
cuộn vào nhau trong ngày không tên
mình biết đặt gì ngoài điều đã cũ
mẹ trở dạ sinh đứa bé khóc trong đêm.
Bước một bước lá rơi trước thềm
bước đôi bước người yêu qua ngõ
đêm trăng long lanh và ngày nhiều gió
tờ lịch thay trang, thêm nữa những ngày sinh…
L.Q.T
Lần nầy nó về trong nước mắt. Trong tiếng khóc của đám đông người ta vẫn nghe rất rõ tiếng khóc của nó. Nhưng đó là tiếng khóc than bên ngoài, còn tiếng khóc thét căng tràn trong lồng ngực, làm sao ai có thể nghe được. Những tiếng khóc cộng hưởng cùng nhau cứ kéo dài, dài mãi… dài như một đời người!
Khi nó về thì chị mình đã nằm sau lớp áo quan rất dày, gương mặt chỉ còn có thể nhìn thấy qua di ảnh. Gương mặt ấy còn rất trẻ, tấm ảnh thờ cũng rất mới, chị đã rửa tấm hình đó cách đây không lâu. Chị đã chuẩn bị sẵn cho chuyến đi của mình. Chuyến đi nầy, nó không còn có dịp thấy chị quay trở lại.
Nó như sắp quỵ khi đặt chân tới ngạch cửa, khi thấy cỗ quan tài đơn sơ, tấm hình thờ, lư hương nghi ngút khói. Đó là sự thật. Sự thật nầy rất nhiều lần nó đã cố không tin: khi nghe người nhà gọi điện thông báo, khi ngồi trên xe về quê, khi bước từng bước chân vào con hẻm quen thuộc. Nhưng ở ngạch cửa nầy, với những gì trước mặt đây, làm sao không tin được.
Phải chi là một cơn mê sảng, một giấc mơ. Trong chập choạng mộng mị ấy, nó mơ thấy mình về quê khi hay tin chị mất, thấy gia đình làm lễ tang chị, rồi tỉnh dậy mở mắt ra thì mọi thứ hoàn toàn không có thật. Phải chi! Nên nó cố thử nhắm mắt rồi mở mắt, cứ ao ước rằng khi mở mắt ra mình sẽ thở phào nhẹ nhõm thoát khỏi cơn ác mộng. Nhưng có nhắm mắt mở mắt bao nhiêu lần, đến hai mắt sưng đỏ, những gì hiện ra trước mắt nó vẫn không thay đổi. Có chăng là hai hàng nước, càng lúc lại càng trôi nhanh thêm.
Giờ đây dường như nó đang loáng thoáng nghe đâu đó vang lên bài hát “Chị tôi” của Trần Tiến. Là ai hát, hay chính nó đang thầm hát, hay ký ức hát? “Mộ chị tôi bé xinh đứng bên cầu thương nhớ mêng mông, mộ người chưa có chồng”. Bài hát giáng vào nó như một ám ảnh mãi nhức buốt, như một vết cắt dài sâu trong da thịt, mãi sẽ không lành.
Vẫn lư hương, di ảnh, quan tài. Vẫn là tiếng khóc, dài như một đời người…
Trong tiếng khóc đó, có cả tiếng khóc mà nó dành cho sự bội bạc của chính mình.
Chị nó mới phát bệnh mấy tháng thôi, lần trước về nhà nó thấy chị hơi ốm và xanh xao một chút, nhưng cũng còn khỏe và vui vẻ lắm mà, không phải là dấu hiệu của người bệnh nặng. Nó nghĩ có lẽ gần đây công việc vất vả quá nên chị hơi bơ phờ. Có lẽ chị đã biết mình bệnh, nhưng không muốn làm nó lo, dầu căn bệnh ấy là cái án tử treo lơ lửng trên đầu. Chị ơi, tới những ngày cuối cùng chị vẫn không màng đến cảm xúc riêng tư của bản thân sao?
Đã bao năm rồi, nó cứ mãi đi và đi. Đi mà không nhớ mình phải dừng lại, phải quay về. Cuộc hành trình của đôi chân, cuộc hành trình của tuổi trẻ, thôi thúc chàng trai đôi mươi đến nỗi làm nó quên bẵng đi vai chị đang cứ hoài oằn nặng. Chị ơi, chị lấy chồng đi! Dường như có vài lần nó nói như vậy. Nhưng nói để làm chi? Thì cũng là những câu bông đùa bâng quơ, nó chưa bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của chị.
Còn chị? Chị có bao giờ nghĩ tới hạnh phúc của riêng mình không?
* * *
Tôi hay tin về chị ấy khi chị đã ra đi gần một tháng. Có lẽ bạn bè nghĩ chỉ là một người không quen thân mấy, không quan trọng để phải báo tin cho nhau, nên chỉ đến một hôm trong lúc ngồi cà phê nói chuyện trời mây gió nước, một người bạn tình cờ nhắc đến sự ra đi của chị. Tôi không khỏi sững sờ.
Chị ấy là một người phụ nữ cần cù, chịu khó nhưng tánh tình rất vui vẻ, thoải mái. Chị ngoài ba mươi tuổi, chưa có chồng, bán cơm trước cổng trường trung học - ngôi trường chúng tôi từng học trước đây. Nhà chị còn có cha mẹ đã ngoài sáu mươi và thằng em trai vừa mới tốt nghiệp đại học ở Sài Gòn. Cha mẹ đã yếu, chỉ bán vài món ăn vặt cho học sinh, cắt củm qua ngày. Lúc đứa em còn đang học thì chị là trụ cột chính của gia đình, vừa lo cho cha mẹ, vừa gửi tiền cho em học xa nhà. Có phải vì vậy mà chị không lấy chồng? Tôi chỉ đặt một dấu chấm hỏi ở đây, không dám tự tiện giải thích theo suy nghĩ chủ quan cá nhân. Và một điều nữa, chị là người ăn chay trường.
Lúc còn học ở đây, bọn chúng tôi thường hay ăn cơm ở quán chị. Đặc biệt là có những buổi học chiều xong rồi lại học tối, nhà xa không tiện về nên chúng tôi ở lại trường, chỉ cần dặn trước “chừa tụi em mấy dĩa cơm nha” thì lúc nào chúng tôi cũng có sẵn bữa cơm chiều no dạ. Chưa thấy chị khó chịu với ai bao giờ, mặc dù “thực khách” đều là những thằng con trai “chọc trời khuấy nước”.
Lúc đó tôi không để ý điều nầy. Vào quán ăn, nói vài câu bông đùa, đôi lúc cũng tâm sự chuyện nầy chuyện nọ, nhưng tôi chưa bao giờ quan tâm nhiều đến cách cư xử của chị. Bây giờ nhớ lại mới thấy rằng chị chưa bao giờ tỏ ra khó chịu chúng tôi, dẫu đôi khi có những đứa giỡn hơi quá trớn, nói năng hơi quá lố… Giá một dĩa cơm chị bán vốn đã rẻ, vậy mà tụi học trò hay xin thêm thứ nầy thứ kia - nửa đùa nửa thật - chị cũng vui vẻ cho thêm. Ăn cơm chưa no, mua một chén cơm thêm, giá rẻ bằng ly trà đá, và cơm đầy ắp cả chén. Chị vừa bán vừa tặng, như một kiểu “hỗ trợ ngầm” cho những đứa em nhỏ còn đang cắp sách.
Với những người bán hàng rong trước cổng trường, chị cũng rất niềm nở. Thậm chí chị cho họ bày bán trước cửa nhà dần dần thành thân thiết, coi như người trong nhà. Sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi có gặp lại chị một lần trong một chương trình từ thiện. Tôi khá bất ngờ khi gặp một người quen đang đứng phát quà cho đồng bào nghèo, chạy đến hỏi thăm vài câu, chị vẫn vui vẻ như ngày nào.
Đời chị tảo tần, tấm thân mệt nhưng lòng thì sáng. Chị hy sinh bản thân để lo cho cha mẹ và em trai. Chị tiếp sức cho những đứa học trò nhỏ qua từng dĩa cơm bình dân. Chị giúp đỡ cho những người bán hàng rong một chốn để tránh mưa nắng. Buôn bán cực nhọc lại còn gánh nặng gia đình, nhưng không thấy chị buồn phiền, lúc nào cũng vui tươi với mọi người. Có bao giờ chị nghĩ đến hạnh phúc tư riêng?
Từ lần gặp trong buổi phát quà đến nay, tôi không về lại trường cũ, cũng không gặp lại chị lần nào nữa. Khi nghe nhắc đến chị cũng là lúc tụi bạn cho biết chị đã mất. Chị bị ung thư. Đột ngột quá! Lúc tôi còn học, chị vẫn là một người phụ nữ khỏe mạnh, nhanh nhẹn, sắc mặt tươi tắn. Tôi chưa từng nghe ai nói chị bị bệnh. Vậy mà…
Rồi chắc hẳn sẽ có người nói: “Ăn chay trường mà cũng chết sớm, làm từ thiện mà cũng chết sớm, vậy ăn chay làm từ thiện chi cho mắc công”. Miệng đời mà, dĩ nhiên. Ở nơi nào đó, chắc chị sẽ mỉm cười, mỉm cười là xả bỏ. Họ đâu biết rằng trong nửa phần đời sau cùng của chị, tâm hồn chị đã an lạc như thế nào. Thứ an lạc đó, nào phải ai cũng có được. Có bao giờ chị nghĩ rằng mình ăn chay làm từ thiện là để được sống dai đâu.
Thiên hạ có thể hy sinh tất cả để kiếm tiền. Chị thì ngược lại. Chị hy sinh tất cả - kể cả tiền và hạnh phúc - để tìm thấy được sự an lạc của chính mình. Những thứ quan trọng nhứt đối với người khác mà chị còn có thể buông xuống, thì cái gì có thể ràng buộc được chị đây?
* * *
Đây là câu chuyện có thật về một con người có thật. Tôi chỉ là một người tình cờ quen biết chị giữa cuộc đời ngắn ngủi. Xin được làm công việc chép chuyện về chị - không là cả đời người, chỉ một vài lát cắt nhỏ mà tôi từng biết. Có một điều tôi chưa từng nói cho chị biết, là tôi và chị cùng thọ giới chung một vị bổn sư.
Trong đạo Phật, người hành Bồ tát hạnh là người thương yêu những người xung quanh, sẵn lòng giúp đỡ khi có thể và dường như chẳng giận ghét ai. Vậy nếu tôi xem chị như một Bồ tát đời thường, không biết có quá lời chăng? Năm mới đã đi qua được một tháng rồi, lại một năm trôi tuột khỏi kiếp đời hữu hạn, có níu kéo cũng được đâu. Tôi tự nhắc nhở với chính mình mà như đang thủ thỉ cùng chị: “khứ lai như thị”.
V.T
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)