TIN BUỒN: NHÀ THƠ LÊ VĂN NGĂN ĐÃ VĨNH VIỄN RA ĐI

     

Nhà thơ Lê Văn Ngăn sinh 1943 tại Thừa Thiên - Huế, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, nguyên Phó chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Định, sau một thời  gian dài lâm trọng bệnh, đã qua đời vào lúc 10 giờ 40 sáng ngày 27 tháng hai, năm 2015, nhằm ngày Mồng 9 Tết Ất Mùi tại thành phố Hồ Chí Minh, hưởng thọ 73 tuổi.
Hương Quê Nhà chân thành chia buồn cùng gia quyến, và cầu mong hương hồn anh sớm được siêu thoát.

H.Q.N
Read more…

XUÂN VỀ MỪNG SINH NHẬT EM - Thơ Nguyễn Đức Cơ


Sinh khí trời đất
Âm-Dương giao hòa
Từ ấy em được sinh ra
Một bông hoa
Điểm tô cho đời mãi đẹp!
Còn nhớ không em?
Xưa ấy
Bên anh, em cứ thẹn thùng, khép nép
Nhưng đôi mắt huyền của em tuyệt đẹp
Lúng liếng đong đưa, đã hút hồn anh.
Len lỏi vào lòng…
Tình em như thể những sợi mây xanh.
Thế rồi chúng mình đã biết hẹn hò
Nơi bến sông quê êm đềm từ đó.
Tình yêu hòa trong khúc dân ca đồng bằng Bắc bộ:
Sa lệch bằng, sa lệch chênh, trống quân, cò lả
Trong khúc hát Mời trầu ấm tỏa:
"... Trầu này trầu tính trầu tình
Ăn vào cho đỏ môi mình, môi ta
Yêu nhau đứng ở đàng xa
Con mắt liếc lại bằng ba đứng gần... *
Để cho con tim cứ mãi tần ngần...
Cơi trầu vẫn chưa kịp ngỏ
Mà em đã vội đi xa.
Thời gian cứ mãi trôi qua
Mãi để cho anh ngóng chờ thương nhớ
Để câu thơ tình mãi luôn dang dở
Để mảnh trăng thề lỡ bẻ làm đôi...
Đôi bờ đại dương cứ mãi xa xôi
Lục bình theo nước mãi trôi ra biển
Để lòng thổn thức mãi luôn lưu luyến
Để mãi đợi chờ, những nhớ... cùng thương...

N.Đ.C (Hà Nội)


* Lời của bài Mời trầu - dân ca đồng bằng Bắc bộ.
Read more…

MONG MANH PHẬN NGƯỜI - Thơ Nguyễn Trí Tài




Lắng nghe im lặng của đêm
Sao thấy lòng đầy nghi ngại
Đã bao mảnh đời khép lại
Tìm đâu ra ánh bình minh!

Lắng nghe im lặng của ngày
Mộng đời theo dấu tàn phai
Chim ơi, sao lìa xa tổ
Bay đi mất dấu hình hài!

Lắng nghe im lặng của người
Những linh hồn chết chơi vơi
Xác thân không còn lưu dấu
Theo giòng nước lũ nổi trôi!

Lắng nghe im lặng của tôi
Rong rêu quấn chặt quanh đời
Buông tay, chỉ là hư ảo
Vây quanh suốt cả phận người!

N.T.T (TP. HCM)

Read more…

TRĂNG NGHÉN - Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang

     
               

Mười tám tuổi, khi đã thành thiếu nữ Miên vẫn không bỏ thói quen lang thang giữa đêm khuya. Chị vẫn nhiều đêm thức giấc đi tìm em như thế. Cũng may mà xứ này vắng bóng đàn ông. Họ đã chạy theo tham vọng đồng tiền ở khu mỏ than, những cánh rừng rậm rạp, các trung tâm thành phố. Ở đâu có mùi tiền thì họ đến, bỏ lại thị xã đìu hiu này toàn đàn bà và trẻ nhỏ. Thỉnh thoảng họ trở về vứt cho vợ cục tiền, cho trẻ con vài cái kẹo rồi tận hưởng niềm vui ngắn ngủi của kẻ đi ban phát. Đêm ở xứ này ám ảnh bởi tiếng mèo hoang gọi bạn tình và tiếng ho khan của những người đàn bà thèm khát mùi chồng. Chị em Miên thường thức giấc vì tiếng thở dài của mẹ nên mờ hồ nhận ra nỗi cô đơn ngập ngụa ở nơi này. Những đứa trẻ lớn lên tự mình bù đắp khoảng trống thiếu cha bằng chính sự ơ hờ. Chị dặn càng ít yêu thương thì càng bớt khổ. Dặn xong câu đó thì chị hóa sáo sang sông. Rồi khi nhìn thấy chị lặng lẽ trở về đứng ngoài hiên ngó bóng mẹ trải dài sân nắng, thì đến lượt Miên khăn gói theo chồng.
- Chị ơi chị, ngày xưa lúc có bầu bé Thóc chị đã nghén thứ gì?
- Chị á? Nghĩ lại thấy buồn cười. Chị nghén mùi chồng. Chị không chịu được mỗi lúc anh ấy lại gần. Nói thế nào nhỉ? Một cảm giác ghê tởm. Đúng vậy! Một cảm giác ghê tởm lợm giọng.
Miên hay chống cằm ngồi ngắm chị tỉ mỉ bằng ánh mắt hoài nghi, chỉ thiếu điều moi móc ruột gan nhau ra mà bắt bệnh. Xem tại sao đứng trước cái người đang nói cười hơn hớn kia mà mình cứ mang thứ dự cảm héo úa, tàn tạ và nhàu nhĩ. Thứ dự cảm có lẽ chỉ tồn tại trong sợi dây gắn kết máu mủ, ruột thịt. Cho đến hôm nay thì phút luống cuống của chị đã lọt vào tầm mắt Miên. Miên tức tối, bực bội, hả hê và xa xót cái con người đang đứng trước mặt mình kia. Chị đã sống như thể trên đời không có ai đáng để chị tin. Chị che đậy mình kĩ lưỡng ngay cả với máu mủ ruột già. Khuôn mặt mộc của chị đến hôm nay Miên mới chớm thấy một phần. Nó mới u buồn héo úa làm sao. Có lẽ vì nhận ra mình như kẻ vừa bước hụt nên tay chân chị cứ líu ríu ngượng nghịu như muốn bày tỏ điều gì. Sự cố gắng của chị làm Miên muốn khóc. Nàng khua tay lên hàng cốc đặt trên bàn tạo thành tiếng ngân dài rồi ngoảnh lại bảo chị:
- Sau này nếu có bầu em thèm được nghén ngủ. Hai mươi tiếng một ngày.
Chị bật cười, dí vào hai quầng mắt thâm thiếu ngủ của Miên, giọng đã tếu táo trở lại:
- Đúng là điều ước của kẻ gần ba mươi năm thao thức với đêm trăng. Chị sợ cứ nằm ngủ li bì như thế đến lúc tỉnh dậy em đã thấy xung quanh mình cây cối mọc um tùm.
- Vì ngay cả những người thân cũng đã bỏ ta đi?
- Ý chị chỉ là… khi em nằm ngủ thì cuộc sống xung quanh không đứng lại. Mọi thứ cứ trôi đi và thay đổi từng giây.
- Như tình yêu? Như hôn nhân sao chị?
Chị không nói. Nhìn qua gương Miên thấy chị cười chua xót. Có lẽ chị cần đi gặp mẹ, chuyện trò một đôi câu. Mẹ sẽ biết cách làm cho chị bình tâm trở lại. Hai người phụ nữ ấy đối đãi với nhau như hai người bạn. Thỉnh thoảng sẽ ghé thăm nhau, xếp ghế ngồi ngoài hiên cùng nhìn ra sân vườn im lặng như thể những cố nhân ngồi ngắm cố hương. Họa hoằn lắm mới thấy họ nói một câu như trăn trở như nặng lòng như chua xót. Chị thường chọn chỗ nắng hắt vào để ngồi, dưới ánh mặt trời chị hồi sinh tươi tỉnh. Mẹ bảo:
- Rồi dạo này những chuyện đó ra sao?
- Con tính dẫn tụi nhỏ đến một nơi nào đó sống. Mẹ sẽ không khuyên con như những người khác chứ?
- Khuyên con giữ lấy cuộc hôn nhân này vì tụi nhỏ ư? Chẳng ích gì.
- Đúng vậy. Sẽ chẳng ích gì đâu mẹ ạ.
Miên biết nếu có chết, chị cũng sẽ chết trong chính ánh hào quang kiêu hãnh của một vầng mặt trời. Thứ tình yêu giả dối của anh rể sẽ chẳng đủ giết chết chị. Cái vỏ rỗng rễnh của cuộc hôn nhân hạnh phúc chẳng đủ để níu kéo chị như đã từng níu kéo bao người đàn bà khác. Miên ước gì mình giống chị có thể yêu bản thân mình hơn tất thảy mọi thứ trên đời. Miên ngại thay đổi. Co ro trong thế giới của mình. Trong tình yêu Miên dành cho Khang. Khang của Miên rất đáng thương. Người cai trị vương quốc bóng đêm hẳn sẽ cô đơn như Miên vậy. Trong vương quốc ấy những kẻ yêu đương và sống vì nhau cũng vẫn sẽ cô đơn bởi hơi lạnh của bóng đêm ngấm dần và xuyên thấu thịt da tâm can mỗi con người. Nhẽ ra Khang nên yêu thương một ai đó khác, bước vào một thế giới khác thì có lẽ đời anh sẽ đỡ buồn hơn.
Lấy nhau sáu năm vẫn không có nổi một mụn con, mọi tội lỗi thiên hạ thản nhiên đổ lên đầu Miên nhưng thực chất là Khang bị bệnh. Khang suýt chết chìm trong nỗi mặc cảm của một người đàn ông rồi tự mình ngoi ngóp đứng lên. Tìm mọi cách chữa trị để giữ Miên lại dù nàng chưa từng có ý định bỏ đi. Miên quen có Khang trong cuộc đời. Bởi người đàn ông ấy đã tự nguyện đứng về phía Miên vô điều kiện, hiến dâng cho nàng thứ tình yêu tươi xanh nhất của tuổi thanh xuân. Có một đứa con cũng tốt, không có cũng tốt. Miên lẫn lộn trong khái niệm về hạnh phúc của một người đàn bà. Hoặc một kẻ sống trong bóng tối lâu ngày mọi giác quan sẽ tê liệt đi, Miên mỗi ngày đều thấy mình mụ mị dần. Đến một lúc nào đó có thể Miên sẽ biến thành tượng đen. Lúc ấy ngay cả bản thân mình Miên còn chẳng nhận ra thì giả dụ nếu có những đứa con liệu nàng có nhận ra chúng hay không? Vậy thì cớ làm sao Khang phải cuống cuồng?

                                                 * * *
- Em chuyển chỗ ở đi. Nhà em lạnh lắm, âm khí ngùn ngụt khắp nhà.
- Chị cũng nghe thấy sao? Tiếng gió lướt qua buốt gáy? Có lẽ là vài linh hồn đùa nghịch. Không có gì đáng sợ cả, chị đừng lo.
Chị không nói gì chỉ thở dài thườn thượt. Ngôi nhà này vợ chồng Miên mua lại từ một cụ bà. Cụ bà sống ở đây có một mình sau khi tiễn đưa người đàn ông của đời mình về cõi vĩnh hằng. Cụ có đôi mắt u buồn như mưa hoàng hôn thích nhìn xa vọng về phía bờ sông đùng đục mùa nước nổi. Cụ bán nó để bắt đầu cho một chuyến thiên di xa xôi nào đó. Chiếc giường cổ trong nhà rất đẹp, Miên biết nó là nơi ông bà từng nằm và cũng là nơi ông nhắm mắt xuôi tay. Khang đã định đập bỏ chiếc giường cho trôi sông nhưng Miên giữ lại. Chị càu nhàu Miên hoài, rằng sao con người ta chỉ vì thấy đẹp mà hàng ngày nằm trên một cái giường nặng mùi âm khí. Ừ thì ngày xưa em từng nghe kể có người chuyên đi vớt củi ven sông về nấu cơm. Họ vớt được cả bàn thờ và gỗ quan tài chưa kịp mục mà khi đổi mả người ta đã thả trôi sông. Những bữa cơm đó vẫn nuôi lớn bao nhiêu con người trong một gia đình huống hồ chỉ là nằm ngủ trên một chiếc giường đẹp đến thế này hả chị? Mẹ ơi, nghe nói lúc mẹ sinh nó ra thì mặt trời đã mọc trên đỉnh núi vậy mà sao đầu óc con nhỏ này toàn một màu u tối? Đâu có, lúc sinh hai đứa là buổi chiều tháng mười. Trời tối nhanh khủng khiếp. Lúc con chị sinh ra mặt trời vẫn còn trên đỉnh núi chiếu đỏ rực cả chiều vậy mà lúc con em ra đời khóc thét lên một tiếng thì trời tối sập, ngó ra thấy mặt trời đã lặn tự bao giờ như là cuống cuồng chạy trốn. Hóa ra là vậy, hèn chi…
Một buổi sáng nào đó chị bấm chuông inh ỏi, xách túi muối trắng, cắm mấy siêu nước sôi tự vật lộn với cái giường cổ nhà Miên. Chị lôi nó ra sân rửa sạch nó bằng muối và nước sôi, mồ hôi rịn đầy trán chị. Chị nghe đâu ông bà già chủ cũ của cái nhà này cũng không có con, sống mấy mươi năm thui thủi một mình. “Ờ! Hèn chi…”. Cái câu đó cứ bật lên nghèn nghẹn trong cổ chị. Khang cười buồn nói kiếp trước em sống chẳng ra gì thì kiếp này trời đày đọa chứ chắc gì đã tại cái giường mà chị mắc công chi cho khổ. Anh nói vậy nhưng mấy hôm sau, khi từ cơ quan về Miên đã không còn thấy chiếc giường đâu nữa. Chắc là anh đã thả trôi sông. Nhưng chị thì vẫn chưa hết lo khi ngó lên mái nhà thấy bóng cây đa trùm kín. Cây đa ấy không ai trồng cũng không thuộc đất nhà ai. Nó nằm giữa khoảng tường của hai nhà nhưng tán cây thì nghiêng hẳn xuống mái nhà Miên. Mỗi lần nhìn chúng chị đều rùng mình mường tượng ra có cả ngàn linh hồn đang vắt vẻo bấu víu, nhảy nhót và đùa nghịch trên từng chiếc lá. Trước đây chị đâu có nhiều hoài nghi đến vậy…
- Em biết không… lòng người chẳng thể cứ xanh non như búp cây mãi được. Đến một buổi sáng nào đó thức dậy tự nhiên thấy mình cay nghiệt với đời.    
- Chỉ vì một người đàn ông, như vậy có đáng không?
- Nó không đơn thuần là vì một người đàn ông. Mà nó là tình yêu. Là sự tin tưởng tuyệt đối. Và cuối cùng thì nó là sự phản bội. Em hiểu chứ? Mà em chặt cây đa đó đi. Sống quanh quẩn bên những linh hồn đớn lạnh thì làm sao có thể sinh sôi?
Miên không nói gì, thiếp đi trong cơn mụ mị. Khang đôi lần muốn bỏ đi vì mặc cảm không thể mang lại hạnh phúc cho Miên. Con cái là món quà của thượng đế ban tặng cho những người đàn bà. Khang không thể chỉ vì mình mà tước đi quyền làm mẹ của Miên. Anh âm thầm chuẩn bị từng ngày cho sự ra đi ấy. Miên không còn đủ sức can ngăn. Nàng giống một con mèo đen nhẹ nhàng tuồn qua bóng tối chờ đợi thứ ánh sáng diệu vợi trong những đêm trăng để xoa dịu lòng mình.
- Miên nói dạo này em ấy thường nằm mơ thấy mình thai nghén một vầng trăng mẹ ạ.
- Không sao đâu con. Đó có lẽ là một điềm lành.
Miên ơi, liệu đó có thật là một điềm lành như mẹ nói? Lẽ nào cung lòng em đang mang một sinh linh bé nhỏ? Lẽ nào bệnh tình của Khang đã gặp thầy gặp thuốc? Miên không trả lời chỉ cười sặc sụa khi nghĩ về một đêm say bên gã đàn ông lạ. Tiếng cười khô rát sàn sạt rụng rơi vào lòng chị tơi tả, rời rạc như những ngày đói dài ngồi nghe tiếng mẹ tẻ ngô rơi xuống thau nhôm. Thứ âm thanh khô khốc đó không chịu chìm đi trong tiếng lũ trẻ nhà bên reo vui khi thấy cha chúng từ vùng mỏ trở về. Đó là tiếng lòng mẹ trơ khấc, hoang hoải và xơ xác như rơm rạ cuối mùa. Chị em Miên vò nhàu gấu áo khi ngồi ngó mẹ tàn lụi qua từng tháng năm dài. Kể từ khi bố mất trong một vụ sập hầm than, mẹ đã không có nổi một khoảnh khắc vui dù là ngắn ngủi. Chị đã quên đi những năm tháng ấy mà giờ nó được gợi lại trần trụi trong tiếng cười khầng khậc của Miên. Chị định chạm vào Miên nhưng vội rụt tay lại. Người Miên tỏa ra khí lạnh như khí của mặt trăng lươn lướt bóng đêm.
- Chị đừng chạm vào em. Đến em còn khiếp sợ cơ thể chính mình.
- Chuyện gì đang xảy ra với em vậy Miên ơi?
Miên vội vàng khép hai vạt áo ôm chặt lấy bụng mình. Có lẽ đứa trẻ đang lạnh. Hơi lạnh tỏa ra từ cung lòng người mẹ biết đâu sẽ giết chết nó. Ý nghĩ ấy làm Miên hoảng sợ. Giờ thì Miên có thêm đứa trẻ này trong đời. Nó là kết quả của tình yêu hay sự phản bội? Miên không muốn truy đuổi ý nghĩ ấy đến tận cùng. Nhiều đêm trăng, Miên lặng lẽ mở cửa theo thói quen cũ lầm lũi đi xuyên bóng đêm. Cơ thể Miên rệu rã sau nhiều đêm thiếu ngủ cùng một nỗi bất an nhàu nhĩ trong lòng. Nàng ước gì mình có thể chợp mắt để quên đi mọi ý nghĩ trong ngày. Nhưng bóng đêm rất lạnh, chăn chiếu không đủ ấm, xương cốt nàng nhức buốt. Nàng chờ những đêm trăng mọc mong thứ ánh sáng ấy sưởi ấm cơ thể mình. Những đêm nhập nhoạng trong ánh trăng nàng luôn gặp một người đàn ông đang đứng đợi. Không hiểu sao nàng có cảm giác anh ta đã đứng đợi mình từ kiếp trước. Họ đi song song bên nhau. Đêm sâu hun hút. Họ đi đến triền đê vắt ngang qua thị xã thì trời chuyển sáng, Khang chạy hồng hộc tới dắt Miên về. Khi ngoảnh lại Miên không còn thấy người đàn ông ấy nữa, bờ đê hun hút vắng hoe. Cho đến một hôm Miên bỏ đi trong đêm khi nhìn thấy chiếc vali căng cứng đồ đạc được Khang giấu dưới gậm giường. Miên muốn đi tìm người đàn ông vẫn đứng đợi mình trong đêm, nước mắt lã chã chảy từ khuôn trăng quầng hạn. Miên lao vào vòng tay người đàn ông ấy khi đầu óc đang quay quồng nghĩ về Khang. Khang ơi đừng đi. Đừng bỏ lại mình Miên với thế giới này. Những ý nghĩ ấy cứ vang lên trong đầu Miên như niệm thần chú như tụng kinh. Cho đến khi Khang đến lay Miên dậy, trên thảm cỏ nhàu nát rơi vãi vài mảnh lòng hoang lạnh sau một đêm dông bão.
Miên làm điều ấy đâu phải vì khao khát có một đứa con. Khang sẽ hạnh phúc phát điên khi biết nàng có thai, những bộ quần áo trong chiếc vali rồi sẽ trở về góc tủ. Người đàn ông của đời Miên đáng thương là vậy. Còn chị, chị cười bảo đúng là cuộc thiên di vĩ đại của những linh hồn, khi thấy cây đa bên hông nhà bỗng nhiên héo rũ. Một buổi sáng nào đó thức dậy Miên nhìn bên gốc đa vẫn còn ri rỉ muối. Sau nhiều ngày như thế, cây xót cây chết. Người xót người nhức buốt tim gan. Khang ơi…

                                                * * *
Chị đi thật. Vào một buổi sáng đẹp trời dắt tụi nhỏ ghé qua chào mẹ rồi đi. Miên đứng trên ban công tầng hai nhìn mẹ con chị trôi qua thị xã. Chị nhắn lại sẽ thường xuyên gửi email cho Miên. Mỗi lần trở về quê thăm mẹ, Miên đều đi qua căn nhà từng là của chị. Một căn nhà to đẹp, kín cổng cao tường có vườn cây trái sum suê từng là thiên đường trần gian của chị giờ cửa đóng then cài. Nghe nói có người đàn bà trẻ thỉnh thoảng ghé qua dọn dẹp. Mùa này mùa lá rụng, Miên đi qua thấy lá bay đầy trước cổng. Những chiếc lá héo úa vì thiếu vầng mặt trời ngự trị. Qua những ngày mưa dầm dề Miên muốn tin chị sẽ lại như tia nắng sớm mai ấm áp đầu ngày. Người ta nói một người đàn bà kéo thêm hai đứa nhỏ đến một vùng đất lạ xa thì chắc cơ cực lắm? Mẹ nghe nói chỉ cười. Ngày xưa mẹ cũng một nách hai con, đứa như mặt trăng, đứa như mặt trời sống chung trong một mái nhà rách nát rồi những ngày vui vẫn đến đó thôi. Khi người ta trẻ, người ta có quyền thay đổi cuộc sống của mình giống như việc chọn một vùng đất xa xôi nào đó để lại bắt đầu. Khang hỏi Miên nghén thèm gì để anh mua? Buồn thay là Miên không thèm ngủ cũng không thèm hải sản như đã từng ao ước. Miên bỗng sợ những đêm trăng và chỉ thèm ăn muối trắng. Những hạt muối chà xát lòng Miên để tẩy rửa tâm hồn. Khiến Miên nghĩ đến những linh hồn từng bị xua đuổi bằng muối trắng chắc cũng đớn đau quằn quại như lòng nàng bây giờ vậy. Muối tan đến đâu xót lòng đến đó.
Miên tự giày vò trong cảm giác bất an. Nàng ôm thai nhi trong cung lòng mình và cảm giác chỉ có sinh linh bé nhỏ ấy mới hiểu được mình. Nó đọc được mọi ý nghĩ của Miên. Thương xót Miên. Vậy thì liệu nó có khinh bỉ Miên không? Ý nghĩ ấy khiến Miên nức nở. Trước đây khi nghĩ về một đứa con Miên chưa bao giờ nghĩ nó có thể gắn bó với Miên như thế. Khang nằm bên trở mình, vỗ về Miên nhè nhẹ. Tay anh ôm lấy Miên cả trong giấc ngủ vì sợ nàng rồi sẽ lại đi hoang. Khang không biết rằng Miên bắt đầu sợ bóng đêm và những tuần trăng. Sợ gặp lại người đàn ông xa lạ ấy như thể gặp lại tội lỗi của mình. Biết đâu gã sẽ mang con của nàng đi trong bóng đêm hun hút. Miên đóng chặt các cửa rồi nép vào ngực Khang thao thức. Chị vẫn gửi email đều đặn cho Miên. Email gần nhất chị dặn nàng “Em đừng đi đêm nữa. Nghe nói ở thị xã mình có một linh hồn người đàn ông thường lưu lạc trong những đêm trăng…”. Miên đọc đến đó thì thấy người lạnh đi tê cứng.
 Miên nhớ đến người đàn ông mình từng gặp trong những đêm đi hoang giữa ánh trăng mờ ảo. Một lần nàng ngã vào vòng ôm lạnh ngắt ấy trong xác thân cạn kiệt. Miên chỉ còn cảm nhận được những ngón tay lươn lướt như gió rét. Cả khuôn mặt ấy đều nhạt nhòa trừ ánh mắt dịu dàng ấm áp. Ánh mắt đã khiến Miên thấy được an ủi phần nào cảm giác tội lỗi vò xé tâm can. Lúc tỉnh dậy Miên thấy mình đang nằm gục bên một mô đất nhỏ. Có cụ bà đi qua thảng thốt bảo “cô gái ơi đứng lên đừng nằm ở đó. Sao cô gái nào qua chỗ này vào những đêm trăng cũng đều mụ mị hồn người”. Người đàn ông ấy là ai Miên không tò mò càng không mong gặp lại. Đứa con trong bụng, Miên coi nó là giọt máu của Khang. Mà biết đâu đêm đi hoang ấy thật ra chỉ là ảo ảnh…
Miên hay đau bụng âm ỉ vào những đêm trăng. Cũng chỉ có ánh trăng mới xoa dịu được cơn đau trong cung lòng người mẹ trẻ. Những lúc ấy Miên như người mộng du cứ lặng lẽ đi dưới ánh trăng lạnh lẽo không phương hướng. Càng đi cơn đau sẽ càng dịu xuống nhưng nỗi hoang mang lại như muốn nhấn chìm Miên. Nàng cứ bước đi vô định cho đến khi nghe thấy tiếng Khang ấm áp gọi.
“Miên ơi…”

V.T.H.T (Hà Nội)
                                                                    




Read more…

TẠ ƠN MÙA XUÂN - Thơ Hoàng Chẩm



Mùa xuân tạ ơn dòng sông
Chút chiều còn lại chia nồng nàn nhau.
Ra đi mới biết lòng đau
Khi về ngó lại phai màu tóc xưa.

Giữa chiều tạ ơn cơn mưa
Phố người quen lạ với thưa gửi lòng.
Em còn giữ lại thương mong
Cho như ngày tháng đếm đong ngậm ngùi.

Bể dâu đời nhịp buồn vui
Ơn em sương khói ngọt bùi chia đôi.
Tạ ơn người một rong chơi
Cạn thêm ân nghĩa một lời chưa phai

Mai sau mấy dặm đường dài
Ta ơn nhau mãi chờ hoài cố nhân.

H.C (Quảng Trị)
Read more…

NGƯỜI ĐÀN BÀ NHẶT NỖI BUỒN - Thơ Mai Tuyết


Có người đàn bà
đi qua mùa đông
nhặt nỗi buồn rớt lại 
thời xuân thì thơm tho 
ai đã hái 
suốt một đời con gái 
nổi trôi với tình yêu vụng dại 
thả cuộc đời vào những vũng mưa


Có người đàn bà
ngang qua buổi trưa
nhặt nụ cười ai đánh rớt
bỏ vào túi ngâm cùng giấm ớt
bỗng giật mình
sao nhiều chua cay bất chợt
lặng lẽ đi về phía hoàng hôn


Có người đàn bà
đi qua những nỗi buồn
không còn nước mắt
bơi trong mây để tìm kiếm những nụ hôn
giá như
có một lần ai làm rớt
nhặt đem về làm bạn với cô đơn


Có người đàn bà
lặng lẽ đếm bước chân người in dấu
có bao giờ
người mỏi mệt
tìm neo bến đậu
ở một nhánh sông buồn
lơ đãng ngắm mưa tuôn


Có người đàn bà
nhặt những giấc mơ không có thật
trói những nụ hôn đem cất
thả vào mưa cho trôi hết nhọc nhằn
cuối cùng
người đàn bà đứng lại nhìn trăng
trăng lặng lẽ nhưng nhiều bao dung lắm
trăng chở đi giùm
bao nỗi buồn sâu thẳm
ngổn ngang lòng xin gửi hết vào mây...

26/02/2015
M.T (Tây Ninh)


Read more…

ANH LÂM - Tạp bút Nguyễn Thành Công

Nguyễn Thành Công



Phương khôn nguôi nhớ về một người anh quen trên đường đời gió bụi, đã rất lâu không gặp lại, chỉ còn nhớ mỗi cái tên: anh Lâm.
Anh Lâm cao ráo, trắng trẻo, mang kính, ăn mặc lịch sự, và có hiểu biết sâu về nhiều vấn đề học thuật và cuộc sống. Hơn 10 năm không gặp lại, song Phương vẫn nhớ như in nhân dáng con người ấy, một nhân duyên.
Khi ấy Phương thất nghiệp, khổ ghê khổ gớm, không biết tả sao cho hết. Đi cùng xứ rồi cũng quay về quê nhà, với vỏn vẹn hai bàn tay trắng, không hơn. Có chăng trong hành trang ngày về là nỗi chán chường, thất vọng, thua cuộc… Quán cà phê ven quốc lộ là  nơi chốn quen thuộc để Phương ngồi mà tồn tại, hết. Khói thuốc mù mịt, nhãn quang đen đặc, nín lặng… Anh Lâm cũng là quen của quán trên đường kiếm cơm. Anh xuống từ những chiếc xe khách dài, với chiếc va li đồng hồ bán rong trên xe. Mệt mỏi, song chải chuốt, và đường hoàng lắm. Riết quen, nói chuyện, và nói nhiều, về tất cả. Anh ấy tinh thông nhiều thứ, lại có kinh nghiệm sống, trải đời. Trung dung, cái quan điểm sống mà anh Lâm yêu thích chính là như thế, dung hòa những khác biệt, tồn tại hòa bình. Không biết bao nhiêu cuộc chuyện trò bên tách cà phê, mịt mờ khói thuốc, với duy nhất mỗi đề tài: quan niệm sống, cách nhìn nhận về cuộc sống và nhập cuộc như thế nào. “Cậu hãy thử bắt đầu từ việc đơn giản, và cố làm cho tốt”, “như bán vé số chẳng hạn”, anh Lâm gợi ý.
Và Phương làm thật, bán vé số. Cái nghề này không hề giản đơn, phức tạp, mệt mỏi, nhiêu khê. Một cuộc chiến đấu kiên cường với chính bản thân, từng bước đi dưới nắng gió, mưa dầm. Nghề đi nhiều, một ngày cộng lại không biết bao nhiêu cây số. Học mời chào, lấy vé tốt dễ bán, học tiết kiệm… Mồ hôi chảy dài trên đường. Một năm tròn, không nghỉ một ngày, “hay đấy”, một vài người khen. Anh Lâm có mua giúp, mấy lần.
Phương đi học lại, lại là cuộc thử thách khác, thậm chí còn gian nan hơn. Ba năm, vượt qua bao nhiêu thiếu thốn, gian khó, không kể xiết, lấy cái bằng còm, bằng thật. Và đi làm. Không gặp lại anh Lâm. Tuyệt đối không. Mà cũng không có dịp quay về quán cũ ven đường.
10 năm có hơn, ghé quán xưa gọi ly cà phê. Chị chủ quán đã có tuổi, “có cháu nội rồi, chú ạ!”- chị nói. Cảnh vật thay đổi nhiều, xây cất thêm ra. Quan trọng nhất chính là mấy cây dừa thân quen đã bị đốn để lấy đất xây nhà mới, tiếc. Ngồi uống cà phê, nhớ đến anh Lâm. Thằng bé con chị chủ quán nơi đã lớn, “con nhớ rồi, chú Lâm bán đồng hồ, cao cao”. Anh ấy không quay lại quán, đi đâu, về đâu… Phương miên man nghĩ về thuyết trung dung “của anh Lâm” giúp anh ấy (và Phương) tồn tại trong khác biệt, một triết lý cá nhân phần nay nhiều hơn phần xưa, cũng hay lắm. Không hiểu anh ấy đi đâu, có khỏe không, có sống được không với... cái thuyết của mình, trung dung. Con người ấy hiền hòa, học thức, có tâm, không hiểu trời có ưu ái anh không, trên đường đời khốc liệt vô chừng. Riêng với Phương, những sẻ chia của một người anh xa lạ, những gợi mở của anh ấy, giúp nhiều cho cậu đứng lên, bước tiếp, có phần vững vàng hơn. Giờ chỉ mong gặp lại người bạn lớn tuổi để mời một tách cà phê, vậy thôi, và lại nói về trung dung trong một cõi đời không hề trung dung chút nào.


Anh Lâm, ở đâu đó, mong anh khỏe, an lành, hạnh phúc. Cảm ơn anh… Phương thầm thì trong long, và bước đi. Quốc lộ vẫn đầy xe, nắng nhạt. 

N.T.C (Bạc Liêu)
Read more…

ẤM ÁP TÌNH XUÂN - Truyện ngắn Đào Văn Đạt

Đào Văn Đạt

                                       
                                              (Mến tặng Khắc Lâm, Như Hảo, Thái Dương)

     Tiết trời đầu xuân mà nhiệt độ xuống gần 10 độ C. Với nền nhiệt như thế này so với người ở trong miền Nam như tôi làm sao khỏi những xuýt xoa lạnh buốt, thế mà Lâm vẫn phong phanh cái áo thun với chiếc quần bò  như thân thiện và cười cợt với cái rét của quê mình. Cũng phải thôi Lâm là dân biển của vùng này mà, có những chuyến ra khơi như xé gió mùa đông, cưỡi trên đầu ngọn sóng lạnh buốt thì cái lạnh này đối với Lâm như một thứ xà phòng thơm tắm gội hàng ngày. Trước khi đi, Lâm cũng đã cảnh báo tôi là trời ngoài quê anh lạnh lắm, nhưng tôi cứ tưởng chắc mình cũng chịu nổi. Thế mà giờ đây ngồi phía sau Lâm chở trên đoạn đường ngắn từ sân bay về đến nhà hai tay tôi lạnh tê cóng, cả người run lên bần bật. Biết tôi lạnh Lâm quay lại phía sau nhắc khéo:
- Như Hảo đưa tay luồn vào áo Lâm đi cho đỡ lạnh!
     Trời ạ, luồn tay vào áo Lâm ư? Không đời nào, nhưng tại tiết trời lạnh quá, tại con đê ngoằn ngoèo qua đám ngô đồng xanh ngát đẹp và lãng mạn như một bức tranh, hay tại ngọn gió cuối đông đang mời gọi cái không khí ấm nồng của nàng xuân mà tạo cho con người ta cảm giác gần gũi hơn,  nên tôi vô tình luồn đôi tay mềm mại lạnh buốt của mình vào trong áo của Lâm bao giờ không biết. Hơi ấm của Lâm làm cho tôi bớt lạnh hơn, nhưng gió thì vẫn thổi vù vù bên tai như đang trêu ghẹo hành động của một cô gái, làm cho tôi thoảng đỏ mặt… Lâm cho xe chạy chậm hơn, cánh đồng ngô trổ hoa vàng trải dài theo triền con đê đưa tôi về quê Lâm trong một cảm giác rất lạ…
     Sau khi chào hỏi gia đình của Lâm xong, mẹ Lâm mời tôi một chén trà lá vối và hỏi tôi:
- Bác nghe thằng Lâm nhà bác nói con ra đây để công tác à? Con gái mà làm nghề báo chắc cực con nhệ!
Tôi lễ phép thưa:
- Dạ, cũng không vất vả lắm bác à, phóng viên là phải đi nhiều để viết bác ơi.
Thoáng nhìn xa xăm mẹ Lâm thở hắt nói với tôi:
- Nếu con viết về nơi đây thì cũng chẳng có gì để viết con à, vì dân vùng biển này vất vả cả đời nhưng có khá được đâu con.
Tôi nhìn mẹ Lâm đầy trìu mến, trả lời:
- Thưa bác, chủ đề con viết là dân chài của vùng này, thì cho dù cực khổ nhưng con rất yêu những người dân nơi đây chính họ đã làm cho con có cảm xúc viết và ca ngợi về họ bác à.
Mẹ Lâm cười hiền lành rồi nói:
- Ừ, nếu được vậy thì bác đây cũng mừng, chả mấy khi người dân nơi đây được ca ngợi trên mặt báo, thôi con nghỉ một chút rồi bác kêu thằng Lâm nhà bác dẫn đi ra biển mà viết con nhệ.
- Dạ, con cảm ơn bác.
      Buổi trưa trên bãi biển  trời như ấm hơn, lác đác vài con thuyền trôi bềnh bồng trên sóng nước. Lâm sánh bước bên tôi dọc theo bờ cát. Xa xa có những người dân chài đang may lưới. Họ lặng lẽ làm, lặng lẽ khâu từng tấm lưới như khâu lại cái nghèo nàn mà từ lâu họ đã quen sống. Chắc có lẽ Lâm muốn tôi cảm nhận cho hết cái không gian yên tĩnh này nên Lâm cúi đầu bước đi mà không nói lời nào. Bỗng từ phía xa có tiếng một thanh niên gọi:
-         Ê Lâm, mi về hồi mô mà không cho tao hay vậy?
Tôi quay nhìn về hướng tiếng gọi, trước mặt tôi một người con trai có nước da trắng trẻo đang chạy về hướng chúng tôi. Khi thấy Lâm đi bên một người con gái lạ anh ta có vẻ rụt rè, khép nép nhưng không thể che được cái nét đầy phong trần của con trai miền biển. Thoáng một chút do dự anh ta hỏi một câu trống rỗng:
- Mi về hồi mô! Cái chi mô mà không báo cho bạn bè biết trước vậy?
Lâm đưa tay bắt thân mất với anh ta rồi quay qua tôi giới thiệu:
- Đây là Thái Dương bạn nối khố với anh từ nhỏ, còn đây là Như Hảo phóng viên báo văn nghệ của Bình Dương cũng là bạn của tôi về đây viết bài.
Tôi khẽ gật đầu chào Dương, anh ta đưa đôi mắt nhìn tôi có vẻ dò xét. Ôi gì mà nhìn dữ vậy, với ánh mắt sắc như dao của con trai miền biển làm cho tôi thoáng bối rối, nhưng giác quan của người con gái mách bảo tôi là phải tự tin, tôi hỏi:
- Anh Dương đi đâu mà chạy từ biển vào thế? Áo quần ướt hết kìa anh không lạnh sao?
Lâm kéo tay tôi sát vào anh cười nói lớn:
-  Nó khỏe như trâu thì cái lạnh này thấm gì em ơi.
       Dương co tay đánh vào vai Lâm một cái rồi cả ba người cười giòn tan trong tiếng sóng biển rì rào…
      Trời về chiều nhưng không khí ở bãi biển nhộn nhịp hơn, chắc có lẽ bà con chuẩn bị ra khơi đêm. Lâm bảo tôi nếu muốn cảm nhận biển đêm thì anh che lều tại đây để tha hồ ngắm trăng xứ Thanh. Tôi đồng ý, chẳng mấy chóc Lâm và Dương đã hoàn thành hai cái lều trên bãi biển. Sau khi ba chúng tôi ăn nhẹ buổi tối rồi đi dạo dọc theo thị trấn gần bãi biển mua một số thứ cần thiết, về đến lều thì trời cũng đã về khuya, cái lạnh đầu xuân như cắt da thịt. Dương chạy đi đâu đó dọc theo bãi biển, Lâm cũng vừa ra khỏi lều đi về hướng biển. Còn lại một mình trong lều, tôi lấy bút viết ghi lại cảm xúc những nơi mà ngày hôm nay mình đã đi qua. Bỗng tôi nghe tiếng sáo réo rắt từ biển vọng vào. Tiếng sáo lúc nhặt lúc khoan như một lời tâm sự thật ngọt ngào. Tôi lần bước tiến về tiếng sáo. Lâm đang mải mê thả hồn vào tiếng sáo mà không hay tôi đã đến từ phía sau. Tôi không muốn phá đi cảm xúc của Lâm nên vẫn đứng im lắng nghe từng cung bậc của tiếng sáo. Dưới ánh trăng huyền ảo tiếng sáo của Lâm làm cho không gian biển về đêm thêm lung linh đầy màu sắc. Tiếng sáo ngưng mà cảm xúc của tôi vẫn còn ngây ngất, không ngờ Lâm có một biệt tài thổi sáo hay đến mê hồn.
- Ô hay, Hảo ra đây hồi nào vậy, sao không ở trong lều cho ấm?
Tôi cười trả lời:
-  Tiếng sáo của anh nghe lạnh thấu xương ai mà chịu nổi! Thế còn anh, đêm khuya như vầy không lạnh sao mà ra trước biển ngồi thổi sáo vậy?
Lâm cười trả lời:
- Nơi nào có em anh cảm thấy trời đất như ấm lại!
Tôi nhéo vào hông Lâm một cái rồi nói:
- Xạo quá nha, anh Lâm dẻo miệng lắm nha, thấy ghét.
     Lâm nhìn tôi với ánh mắt rất lạ, ánh trăng đêm vàng óng lung linh càng làm cho cái nhìn của Lâm đầy trìu mến. Lâm đến gần sát tôi khẽ nói:
- Anh yêu em mất rồi Hảo ơi!
     Từ khi quen Lâm và yêu anh, tôi biết anh rất ga lăng và chung tình bậc nhất vậy mà mỗi khi nghe Lâm khen tôi hay nói về tình cảm của hai đứa tôi đều cho rằng Lâm không thật lòng. Chắc tại Lâm đào hoa hay tại anh ta lúc nào cũng ngọt ngào và sống đầy chân tình với mọi người mà tôi đâm nghi ngờ tình cảm của anh? Chẳng lẽ trời sinh cho con gái khi yêu cần phải có tính đa nghi và có chút ích kỷ chăng?... Nhiều câu hỏi mà không có câu trả lời cứ đặt ra trong đầu tôi làm cho trái tim của người con gái  cứ chần chừ nửa tin rằng bạn nửa ngờ rằng ai. Giờ đây trong một đêm trăng thanh tràn ngập tiếng sáo như thế này trái tim tôi mách bảo rằng mình đã yêu Lâm tự bao giờ không biết. Bất chợt Lâm nắm tay tôi kéo sát vào người anh. Nụ hôn nồng cháy của con trai miền biển làm cho ngọn gió đầu xuân trở nên ấm áp đến lạ kỳ, và tiếng sáo của Lâm sao cứ réo rắt mãi bên tai để màn đêm cứ tròng trành đưa tôi vào một cõi rất khác…
+++
     Mải miết chạy dọc theo bờ biển lượm những vỏ ốc mà tôi quên rằng mặt trời đã lên khá cao, khi tôi quay lại căn lều nhỏ nhắn của mình, tôi nhìn qua căn lều đơn sơ của Lâm và Dương thì chỉ còn mình Dương ngồi đang nướng những con tôm tít trên bếp lửa hồng. Thấy tôi vào Dương tươi cười bảo:
-  Lâm nó đi ra biển sớm câu mực rồi, nó nói với anh tối nay sẽ đưa em về nhà đãi em và gia đình cùng bạn bè một bữa mực tươi thật ngon, nó dặn anh ở đây canh chừng em!
Tôi chu miệng nói lẫy:
- Anh Lâm làm như em là con nít chẳng bằng.
Dương cười rất tươi rồi nói:
- Thì canh chừng một người đẹp như em cũng là một nhiệm vụ lớn của tụi anh mà. Vả lại em cũng có lớn hơn ai ở đây đâu nào?
Câu nói đùa của Dương làm tôi đỏ mặt. Ngưng một lát rồi Dương tiếp:
- Giờ thì mời người đẹp miền Nam qua lều tụi này dùng món tôm tít nướng nè.
    Tôi vừa bước ra khỏi lều thì chân tôi giẫm vào một vỏ ốc cứng bật máu. Dương luống cuống chạy đến miệng lấp bấp:
- Chết anh rồi, Lâm kêu anh canh chừng em mà để em như vầy chắc về thế nào nó cũng quở trách.
      Rồi Dương vội vã chạy đi tìm vật gì đó cầm máu. Vết thương không nặng tí nào nhưng nhìn Dương hốt hoảng tôi cười và thầm nghĩ ra một trò chơi hay hay nhằm trả thù  cái câu nói đùa lúc nãy của anh chàng này… Tôi giả bộ kêu đau thật to cho Dương nghe thấy. Tôi càng kêu đau Dương càng chạy cuốn quýt, một hồi lâu không biết Dương tìm đâu ra một nhúm lá gì đó bỏ vào mồm nhai ngấu nghiến rồi đắp vào vết thương của tôi. Thấy miếng lá thuốc từ trong miệng Dương lè ra ướt ướt trong gớm quá, tôi định rút chân lại kêu hết đau, nhưng đã lỡ đóng kịch rồi nên đành nhắm mắt để Dương đắp miếng thuốc đầy nước bọt vào chân tôi, cảm giác nhờn nhợn và lành lạnh từ nước bọt của Dương làm tôi thoáng rùng mình. Rồi Dương hỏi:
- Bớt đau chưa Hảo?
Tuy không đau tí nào nhưng tôi vẫn làm bộ nhăn mặt:
- Đau quá anh Dương ơi!
Nhìn mặt Dương hốt hoảng tôi càng kêu:
- Đau quá anh Dương ơi, hổng mấy giờ anh Dương cõng em đi lên thị trấn tìm mua thuốc đi!
Có lẽ vì sợ tôi đau nên Dương không ngần ngại nói:
- Xin tuân lệnh!
     Thấy Dương ngoan ngõan ngồi xuống ra hiệu cho tôi lên lưng để anh cõng, tôi che miệng cười khúc khích. Chân tôi không đau tí nào thế mà khi Dương cõng bàn tay mạnh mẽ của Dương nắm vào chân tôi đau điếng. tôi thầm nghĩ, tay chân gì mà cứng như sắt vậy trời, cũng phải thôi trai miền biển bao giờ cũng rắn chắc và dẻo dai thế mới thích ứng được cái tính đỏng đảnh, làm duyên nhưng đầy nguy hiểm của biển cả chứ…
        Đi được một khoảng xa thì chuông điện thoại của Dương reo. Đầu đây bên kia có ai báo chuyện gì đó rất khẩn trương. Tôi thấy Dương vừa nói điện thoại vừa đưa mắt nhìn trời. Bầu trời đột ngột tối xẩm, mây đen từ đâu kéo đến, linh tính của người con gái đang yêu báo hiệu cho tôi biết có chuyện không lành đến với Lâm. Tôi không còn đầu óc nào để đóng kịch giả bộ đau nữa, tôi tuột xuống khỏi lưng của Dương vội chạy ngược ra biển hướng về trung tâm báo bão của dân chài. Dương chạy theo sau kêu lớn:
- Cái chân Hảo còn đau mà chạy đi mô lẹ vậy, đợi Dương cổng nào?
  Khi đuổi kịp tôi, Dương báo tin tôi biết là Dương vừa nhận được điện thoại của Tuấn người bạn chài cùng làng. Tuấn nói là Lâm đang câu mực ngoài khơi thì thấy thuyền của người dân bị nạn nên Lâm lao vào cứu, tuy Lâm và chiếc thuyền của người dân bị nạn không sao nhưng hiện tại họ đang kẹt ngoài một hòn đảo nhỏ ngoài khơi không vô đất liền được vì tin báo bão của đài khí tượng thông báo cơn bão sẽ ập đến trong thời gian rất ngắn, đề nghị các thuyến bè về nơi trú bão an toàn. Nghe Dương nói xong tôi có cảm giác nghèn nghẹn nơi cổ hộng, nước mắt chực tuôn trào. Tôi thầm gọi: “Lâm ơi giờ này anh ở đâu?”. Rồi như bình tĩnh lại tôi nói với Dương:
- Anh Dương ơi, tụi mình đến trung tâm báo bão để biết tình hình như thế nào đi anh!
     Dương kéo tay tôi đi như chạy về hướng trung tâm báo bão. Trời sập tối hẳn, mây đen từ đâu kéo đến trùm kín cả làng chài, gió bắt đầu thổi từng cơn giật mạnh. Những cây phi lao dọc bờ biển ngã rạp xuống rồi lại đứng lên tả tơi cành lá, nhưng chúng vẫn hiên ngang, mạnh mẽ chống chọi với cơn bão như người dân nơi đây vậy. Tuấn người bạn chài cùng làng với Dương và Lâm cũng là người canh gác trung tâm báo bão nói trong bộ đàm:
- Bà con mình ngoài đảo có ổn không?
    Tiếng gió rít ào ào, mưa tạt vào mặt rát rạt nhưng tôi vẫn nghe tiếng trả lời trong bộ đàm của ai đó rất quên thuộc, hình như là tiếng của Lâm:
- Bà con mình vẫn ổn Tuấn à!
Ngưng một lát tiếng của Lâm nói trong bộ đàm có vẽ vội vã:
- Nhờ Tuấn ra bãi biển nói với hai người bạn của tôi vào trong làng ngay đi, sóng biển sẽ cao lắm đấy, rất nguy hiểm!
Tôi không chờ Tuấn trả lời vội lấy bộ đàm từ tay Tuấn nói như muốn khóc:
- Em Hảo đây anh Lâm ơi, tụi em vào rồi anh à, anh như thế nào rồi, em lo cho anh quá!
   Gió càng ngày càng mạnh. Những tiếng hú rợn người làm cho mái tôn của trung tâm báo bão khua động liên hồi. tiếng của Lâm như át cả gió bão:
- Anh vẫn tốt Hảo à, em về nhà nói với mẹ là anh không sao em nhé! Anh xin lỗi em vì đã không ở bên em trong cơn bão này chắc là em sợ lắm. Dương ơi, có ở đó không, lo cho Hảo giùm tôi.
Tôi cầm bộ đàm khóc rấm rứt. Dương đến bên cạnh an ủi tôi:
- Lâm không sao đâu Hảo à, Lâm đã từng cứu người trong những cơn bão còn to hơn vầy nữa em yên tâm em nhé!
    Rồi tiếng của Lâm trong bộ đàm vọng về hòa lẫn với tiếng gió rú ngoài đảo tôi nghe mà nghẹn ngào:
- Hảo ơi chắc anh không kịp về với em trong chuyến này rồi vì bão tan khi anh về đến đất liền sẽ trễ chuyến bay. Anh xin lỗi em, vì thấy bà con làng chài bị nạn anh không thể không cứu.Thôi em hãy về đi em nhé. Anh luôn yêu em Hảo à! Và anh hứa mùa xuân này khi tiết trời bình yên anh sẽ về với em. Chờ anh Hảo nhé!
     Tôi quay qua ngục vào vai Dương khóc òa, khóc như chưa từng được khóc. Dương càng an ủi tôi càng khóc. Nước mắt của tôi lúc này nửa như thông cảm cho Lâm một người luôn sống vì mọi người, nửa  tin tưởng vào tình yêu của anh như một mùa xuân ấm áp mà Lâm đã dành cho tôi. Bờ vai Dương hứng trọn những giọt nước mắt tôi dành cho Lâm thế mà Dương vẫn đứng im làm một chỗ dựa vững chắc cho một người con gái khóc vì tình…
++++
       Trước khi từ giã quê Lâm vào Nam, Dương dúi vào tay tôi một món quà nho nhỏ và nói:
- Quà quê của anh tặng em làm kỷ niệm.
Trên chuyến bay vào Nam, tôi ngồi nhìn qua cửa sổ máy bay. Trời xứ Thanh mây mù vần vũ, chợt thương Lâm giờ này phải chống chọi với cơn bão dữ. Nhưng tôi tin Lâm, nhất định thế nào rồi anh cũng sẽ vượt qua để tôi và anh có một mùa xuân trọn vẹn.

       Máy bay sắp hạ cánh chợt nhớ đến món quà của Dương tôi mở ra xem, bên trong gói quà là ba cái vỏ ốc, hai vỏ kia nằm song song trên một mỏm đá thật tình tứ, vỏ còn lại nằm lẻ loi một mình trông thật đáng thương... quay mặt nhìn về hướng quê Dương lần cuối tôi nhủ thầm: “Dương ơi, Hảo hiểu tình anh, nhưng mùa xuân bao giờ cũng có sắc thái riêng của nó anh à. Mong Dương hiểu cho Hảo!”.

         Đường phố nhộn nhịp người qua lại với những cành mai vàng đang khoe sắc. Tôi bước đi hòa mình vào không khí tưng bừng của một mùa xuân đang tràn về khắp phố. Chiếc điện thoại dễ thương của tôi bỗng nhiên reo lên như một khúc hát. Tôi biết chắc là Lâm gọi cho tôi. Đúng vậy, Lâm báo tôi một tin rất vui là tết này Lâm sẽ vào Bình Dương với tôi. Tim tôi rộn lên một thứ tình cảm rất lạ, một tình xuân ấm áp. 

Đ.V.Đ (Bình Dương)


Read more…

GIẶT ÁO BÊN SÔNG - Thơ Nguyễn An Bình



Chiều cuối năm ngồi bên sông giặt áo
Chờ trăng lên rải ánh bạc mênh mông
Chợt thảng thốt nghe tiếng chim gọi bạn
Em ở đâu sao tôi mãi bận lòng?

Dòng sông cũ đẫm tình tôi trong đó
Ngọt tíếng em cười vọc nước giỡn trăng
Từng sợi tóc thơm lòng tôi ngày nọ
Qua cầu tre vương lại chút nắng vàng.


              Mấy mươi năm kiếp giang hồ bỏ dở
Dáng mẹ gầy theo bóng núi xa bay
Khúc bờ đê đã bao mùa đất lở
Em theo người xa thẳm cuối chân mây.

Về bên sông tôi thành tên ngã ngựa
Chiếc áo xưa thơm sợi khói quê nhà
Ngồi giặt áo lòng nghe như dao cứa
Nhà đâu đây ai hát bản tình ca?

Về bên sông muốn rũ cả đời mình
Theo dòng nước cuốn đi bao lận đận
Giọt nắng thời gian rụng xuống vô tình
Em quên mất mảnh tình tôi bụi bậm.

Chiều cuối năm ngồi bên sông giặt áo
Treo đời mình đùa cợt cõi hư vô
Em xa lắc để tình tôi ở lại
Nơi đầu sông còn rớt tiếng ai hò.

Tháng 10/2014
N.A.B (Cần Thơ)

Read more…

GIÓ VÀ MÙA XUÂN - Thơ Nguyễn Cẩn



Người vươn tay nắm lấy mùa xuân
Mùa xuân thành cơn gió
Người choàng tay ôm lấy tình thân
Những thân tình không còn ở đó
Giữ sao được mùa xuân bên ngoài ngọn gió
Giữ sao được tình yêu ngoài con tim bé nhỏ
Nhưng người hiểu rằng mùa xuân vẫn hiện
Trong khung trời xám ngắt mùa đông
Vì chẳng có chẳng không
Nơi bắt đầu và kết thúc dòng sông
Khi thời gian chỉ nằm trong tâm thức
Ray rứt làm gì vì ngữ ngôn bất lực
Làm sao tả nổi mùa xuân
Như mây kia có bao giờ bứt rứt
Tự hỏi rằng mình đến từ đâu
Như sóng kia từ thuở ban đầu
Không thắc mắc ngọn nào sau trước
Vì nước vẫn trôi từ vô thủy
Trong miên trường vô tận của dòng sông
Khi ra biển không ngoái đầu trở lại
Người chớ hỏi vì tâm vô quái ngại
Con đường đi hoa nở bốn mùa xuân
Không nắm làm gì cơn gió phân vân
Không giữ làm gì tình thân ly biệt
Khi chính mình là con đường đi miết
Tìm chi xuân bên kia trời phương ngoại
Khi Niết bàn nằm giữa lối ta qua…

N.C (TP.HCM)

Read more…

NHÌN LẠI NHỮNG MÙA XUÂN - Tùy bút Nguyễn Đoan Tuyết



Người xưa có câu “Xuân bất tái lai” – xuân của đời người thì không bao giờ trở lại nhưng mùa xuân của thiên nhiên, đất trời cứ quay vòng theo nhịp tuần hoàn của tạo hóa, đến rồi lại đi, rồi lại đang đến thật gần.
Đầu tiên là từ dạo cuối đông, khi hoa cúc quỳ trải thảm vàng rực rỡ trên khắp các nẻo đường ở vùng ven đô hay trên lưng chừng đồi dốc, chen chúc nhau vươn lên đầy kiêu hãnh để thách thức với nắng, gió khô hanh, với tiết trời giá lạnh khắc nghiệt của cao nguyên dù cho mùa đông đã sắp tàn; lòng tôi bỗng thầm yêu biết bao nhiêu loài hoa hoang dại và có sức sống vô cùng mãnh liệt này. Có lẽ vì thế mà nó còn mang tên là dã quỳ. Nếu “hữu sắc vô hương” là để nói về một người con gái đẹp nhưng vô duyên vô hồn thì cụm từ này hiểu theo nghĩa đen cũng rất đúng đối với hoa cúc quỳ. Tuy nhiên, “vô hương” mà không “vô hồn” chút nào, còn cái sắc vàng quyến rũ của nó thì đã đi vào thơ ca của núi rừng từ lâu!
Thật vậy, do thời cuộc đưa đẩy mà phố núi Pleiku đã từng hân hạnh được nhiều tao nhân mặc khách tìm đến. Họ chỉ đến trong một thời gian ngắn rồi lại ra đi nhưng đã kịp lưu lại những dấu ấn khó quên khi dừng bước ở nơi này. Hình như cũng vào mùa hoa quỳ nở:

… Phố núi kia ơi, một đời phố lạnh 

Lạnh hoa vàng, núi đỏ, thác đèo cao 

(Hoa quì vàng lạnh Pleiku- Nguyễn Bắc Sơn)

Hay một chút luyến nhớ, bâng khuâng khi sắp phải rời xa vùng bụi đỏ, hoa vàng:

Em có về đường hoa quỳ nở 

Lung linh vàng sắc nắng tháng giêng 

Ngõ gió lạnh buồn không duyên cớ 

Để cho anh mãi mãi đi tìm 

 

 Tình yêu bay xa theo cánh chim 

Rừng thông xanh một đời ở lại 

Về đâu hỡi mùa hoa dâng trái 

Bụi đỏ ngỡ còn cay mắt đêm 

 (Bụi đỏ- Lê Nhược Thủy)

Tình yêu đối với hoa dã quỳ của những người con Phố núi dường như còn lấn át đối với mai vàng - vốn là một loài hoa truyền thống của mùa xuân .

Dã quỳ vàng thắm 

Cuống quýt gió rông 

Má em chợt hồng 

Làm mây say đắm 

 (Xuân mong- Lê Bích)

Ngày nay, những con đường vàng rực hoa quỳ ngày càng bị đẩy lùi ra xa thành phố.
Tôi nhớ thật nhiều những mùa xuân năm cũ, khi ấy Pleiku còn hoang sơ, thưa thớt lắm. Cứ vào độ rằm tháng chạp trở đi, những người dân tộc địa phương đã mang những cành mai rừng đi bán rong khắp các đường phố nhỏ. Lúc ấy bọn học trò chúng tôi náo nức, rộn ràng vì những tờ đặc san Xuân của học trò sắp được trình làng, để bây giờ có cái mà cùng ôn lại kỉ niệm xa xưa. Náo nức còn vì được nghỉ Tết dài, được xúng xính quần áo mới (không biết cái lệ may đồ mới mặc Tết có từ bao giờ), được du xuân cùng gia đình hay bạn bè... Nói đến du xuân hẳn là người Pleiku ít nhiều còn lưu giữ những kỉ niệm về Biển Hồ. Hồi ấy đường xuống hồ quanh co, lổn ngổn những đá sỏi. Và bụi đỏ mù trời. Thế mà những ngày Tết, Biển Hồ vẫn đông hơn lúc nào hết, vì đâu còn chỗ nào hơn để du xuân và thưởng ngoạn.
Bây giờ, ở Pleiku còn có nhiều nơi để tham quan hoặc vui chơi, giải trí khác như công viên- hồ Diên Hồng, khu du lịch sinh thái Về Nguồn, khu du lịch Đồng Xanh, chùa Quan Âm, nhất là chùa Minh Thành, thủy điện Yaly, thác Phú Cường… luôn thu hút đông người trong dịp Tết. Ngoài ra, còn có hàng trăm quán cà phê với khung cảnh lãng mạn và gợi cảm, nơi để gặp gỡ, tâm tình.
Nói tới Tết đến, xuân về thường không thể thiếu nhạc xuân. Không biết từ bao giờ khúc ca Xuân và tuổi trẻ của nhạc sĩ La Hối đã gieo vào hồn tôi một ấn tượng đặc biệt. Đối với tôi đó là một bản nhạc xuân hay nhất, vui tươi rộn rã và tưng bừng nhất. Tôi vẫn nghe đi nghe lại bản nhạc ấy qua nhiều thế hệ ca sĩ khác nhau mà không biết chán. Và bây giờ tôi chọn giọng hát của Ánh Tuyết và Đoan Trang vì theo tôi các cô ấy đã làm mới những giai điệu của một thời vang bóng “Ngày thắm tươi bên đời xuân mới, Lòng đắm say bao nguồn vui sống, Xuân về với ngàn hoa tươi sáng, Ta muốn hái muôn ngàn đóa hồng,…Tiết xuân huy hoàng muôn sắc hoa, Tiết xuân êm đềm muôn tiếng ca. Xuân tưng bừng.” Khi mà lòng người đang mở hội hoan ca thì mùa xuân sẽ tưng bừng hơn bao giờ hết!
Tôi quên sao được những giây phút thiêng liêng trước lúc giao thừa, năm nào ba tôi cũng viết đôi câu đối đỏ bằng tiếng Việt nhưng cách viết thoạt nhìn như chữ Hán, rồi dán lên hai bên bàn thờ với hoa quả, bánh mứt mà mẹ tôi đã chuẩn bị chu đáo. Với đèn nến sáng trưng, khói hương lan tỏa! Ai đã từng sống trong không khí ấm áp của một gia đình đoàn tụ trong thời khắc ấy chắc sẽ đồng cảm với tôi. Xuân đến rồi đi đã mang theo bao kỉ niêm êm đềm, mang đi những người thân yêu nhất để không bao giờ ta còn gặp lại. Còn nhớ cái Tết đầu tiên khi mẹ tôi đột ngột qua đời, tôi chưa từng thấy ba tôi khóc vì biến cố này - có lẽ ông không khóc được thì đúng hơn, hoặc muốn kìm nén đau thương và nỗi đau đã lặn vào trong. Thế nhưng nỗi trống vắng thì không gì có thể bù đắp được nên ông đã trải lòng qua những vần thơ: “Xuân này khác hẳn những xuân qua, Bởi lẽ người thương đã vắng nhà, Hoa, rượu đủ đầy nhưng vẫn thiếu, Người đâu còn lại một mình ta”. Bây giờ cả hai ông bà đã được ở bên nhau để cùng nhau “kể lể chuyện trăm năm”. Mãi mãi.

Tôi thả bộ theo con đường xuôi dốc trong trang trại. Cứ mỗi khi gặp khó khăn hay phiền muộn là tôi tìm về nơi đây, giống như nhân vật Xcarlett O’Hara trong “Cuốn theo chiều gió” thường tìm về đồn điền Tara những lần vấp phải bế tắc trong đời để được tiếp thêm sức mạnh- chỉ có khác là tôi chưa có đủ bản lĩnh và tự tin như cô ta để mà “Sau tất cả, ngày mai sẽ là một ngày mới” (“After all, tomorrow is another day!”) và tôi mỉm cười tự chế diễu mình vì sự liên tưởng này. Nhưng lần này không giống trước vì tôi như vừa được trút bỏ bao điều phiền muộn. Phải chăng đó là nhờ trời xuân, sắc xuân đã thấm vào lòng người?
Tôi vừa đi vừa ngắm đất trời bao la thoáng đãng. Từ vị trí này, tôi có thể nhìn xuống một con suối nhỏ dẫn ra một thung lũng xanh ngát màu lúa đông xuân. Bên kia là đồi thông lộng gió và những con đường đất đỏ uốn lượn quanh đồi, cứ mỗi lần gió lốc xoáy là cuốn bụi bay lên nhuộm đỏ một góc trời. Bên cạnh tôi cũng là một rừng thông nhỏ và trong tương lai nơi đây sẽ là thông xanh bao bọc. Vào mùa này nhiều gió, thoảng đưa khúc nhạc thông vi vu, dịu êm như một điệu đàn bất tuyệt dễ ru hồn người. Nhưng sao trong tôi vẫn có lúc gợn lên những con sóng nhỏ? Ai mà biết được bao nhiêu mùa xuân còn lại của đời mình và điều gì đang chờ mình ở cuối con đường? Và lúc này đây không hiểu sao tôi lại thấy đồng cảm với tâm trạng của một nhà thơ:

…“Ai đâu trở lại mùa thu trước 

Nhặt lấy cho tôi những lá vàng? 

Với của hoa tươi, muôn cánh rã, 

Về đây đem chắn nẻo xuân sang!…” 

 (Xuân - Chế Lan Viên)

Với tôi, không mong chờ xuân đến không có nghĩa là sống bi quan mà chỉ là sự ung dung, bình thản. Khi đã trải qua những sóng gió thăng trầm thì lòng người bỗng chững lại trước những đổi thay. Đổi thay của đất trời thiên nhiên, của lòng người. Để rồi cảm thấy không còn náo nức chờ mong như hồi còn nhỏ. Cũng đâu còn những mộng ước xa vời của thời con gái. Nhưng lòng tôi vẫn chưa vô cảm bao giờ mà ngược lại là đằng khác! Chỉ có điều càng về xế chiều tôi càng thấy cái vòng khổ ải, lẩn quẩn của kiếp người. Người thì “thả mồi bắt bóng”, người thì mãi đuổi theo những khát vọng chưa thành. Điều đem lại hạnh phúc cho người này chưa hẳn đã là hạnh phúc đối với người kia, có người cả đời khát khao hạnh phúc nhưng chưa bao giờ có được trong tầm tay vì thiếu duyên may gặp gỡ, hoặc nếu như không lấy hạnh phúc của người khác làm hạnh phúc cho chính mình.
Phải chăng hãy cứ sống bình thường như mọi người, vui theo cái vui, buồn cái buồn của số đông thì sẽ dễ tìm được sự yên bình và thanh thản. Cái khó là làm sao dung hòa được để không đánh mất chính mình và giữ lấy niềm tin yêu, hi vọng trong cuộc đời này tuy rằng còn có nhiều gian nan, bất trắc. Hãy giữ lấy mùa xuân trong tâm hồn của mỗi người .
Một mùa xuân nữa, không vội vàng, cũng chẳng chờ đợi ai đâu, vẫn đang chầm chậm lướt qua.

N.Đ.T (Gia Lai)


Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (138) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (6) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) Đan Ngọc (2) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đặng Toán (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (30) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Bích Hà (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (3) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (33) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (52) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (26) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Minh Anh (1) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (30) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (7) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (2) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (34) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) Stephen Crane (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (621) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) Tân Vương Huy (1) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3149) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (103) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (528) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (17) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (17) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (2) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2480) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (13) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------