Home » Archives for tháng 10 2021
Hồ Thế Sinh (Bình Định)
Động phòng mùa
động phòng xuân
cho đâm chồi nẩy lộc
mẩy căng tròn
qua từng cánh đồng xanh
động phòng hạ
cho búp sen hồng mơn man
hương bâng khuâng
run run ngầy ngậy
em thung thăng khỏa nước ao làng
động phòng thu
cho gió trở mùa heo may biêng biếc
lá thảm vàng
lót ổ đợi ngày mai
động phòng đông
ủ ấm kỳ rét mướt
nụ đào phai cựa mình
hửng nắng giao mùa
động phòng em
cho tình yêu đôi ta thăng hoa bất tận
nước sông triền dâng
sinh sôi...
nảy nở mùa màng
Rượu tình
Thảo thơm Thị Nở, cháo hành
Ơn em có gã đã thành đàn ông.
Cái đêm bụi chuối, bờ sông
Chí Phèo mới biết rượu không là gì!
Nụ cười chia đôi
Trời sinh ra để bù trừ
Ta, em - gia sản nụ cười chia đôi
Ngập ngừng đoản khúc phai phôi
Nửa xuôi dòng nước, nửa ngoi ngược nguồn.
Lãng du gió giật buông tuồng
Lật lưng áo vải vui buồn thành hai
Em về hong nắng hanh mai
Ta đi tìm cội tu vài giọt sương.
Rủi xui đâu đó dặm trường
Nép bên trống vắng ngược đường lại qua
Thị thành ngã bảy, ngã ba
Quê nhà lất phất đôi tà áo nâu.
Rượu suông nhấp với đọt rau
Tiễn em hột muối dằm câu bài chòi.
Đi đi! Nẫu đợi lâu rồi
Gắm ghim dạ nhớ bên đồi cỏ may.
Phố trở mùa
Đã nghe trở mùa trên phố núi
Sương buốt hồng thêm môi má hồng
Em có dợm lòng xao xuyến nhớ
Linh cảm rằng, tôi đã lập đông?
Tôi chép bài thơ về áo ấm
Khăn choàng ngược gió thổi bay bay…
Em đi ra phố sớm mai lạnh
Đỉnh dốc có người đưa nắm tay.
Cà phê quán gỗ rơi từng giọt
Ta nép vào nhau ủ ấm lòng
Ngoài kia bao dáng người đi vội
Như là chạy trốn gió ngàn thông.
Dìu nhau thư thả trời nắng lạnh
Chầm chậm choàng eo tựa vai tình
Em thôi cười nói hồn nhiên nữa
Sợ nụ Cúc Quỳ hoảng lặng thinh.
Ngôn tình mùa đông
Ngôn tình
cô gái mùa đông
rây phùn ngọn bấc
lặng
không nói gì
Lạnh lòng
lạc bước tôi đi
quàng vào quán rượu
ngồi lì
đợi xuân
H.T.S
Minh Nguyệt (Hà Nội)
Hình dáng những người mẹ vẫn là chiếc bóng cao cả đậm sâu trong trái tim những người con và che chở bước con đi giữa cuộc đời đầy chông gai. Dù con bệnh tật bao nhiêu năm, dù con hư hỏng không nên người, mẹ vẫn ngày đêm đi theo con đến hết cuộc đời.“Con nằm liệt giường khi mẹ 55 tuổi, bây giờ mẹ đã 85 tuổi. 30 năm rồi con ạ, mẹ không bao giờ rời xa con đâu” - bà The ngồi đó và cứ vuốt tóc con, nhẹ nhàng...
Một ngày mưa gió mù mịt, ai đó đập cửa:
- Bà ơi! Con trai bà tên Trần Văn Thành phải không? Thành bị thương vừa chuyển từ chiến trường về, đang nằm ở Bệnh viện…
Bà The loạng choạng như đi trên nền đất sụp. Chụp cái nón lá, theo chân người báo tin tới bệnh viện. Mưa ngâu tầm tã. Mẹ gặp con đang nằm yên trên giường bệnh trắng toát bông băng. Vết thương của nó ở phía sau lưng, nơi cột sống. Trong những phút tỉnh lại sau cơn đau, anh Thành chỉ biết rằng mình đã bị lọt vào ổ phục kích ở vùng Núi Đen trên đất bạn Camphuchia. Hai mẹ con ôm nhau khóc. Bắt đầu những ngày tháng bà The ở bệnhviện chăm con. Những tưởng tính bằng ngày, sau đó dần thành tháng, thành năm và nhiều năm. Người ở bệnh viện cho hay bà có hàng chục năm ăn ở suốt trong bệnh viện để nuôi con. Nuôi từ khi tóc bà còn ít bạc cho đến giờ đã bạc trắng. Bà ở bệnh viện từ khi cơ thể con còn lành lặn, khi hai bàn chân con còn nguyên vẹn cho tới lúc cắt dần chỉ còn một chân. Bà xòe bàn tay rồi nói cho con vui: “Chủ nhà cũng là tôi, đầy tớ cũng là tôi, mẹ nó cũng là tôi mà y tá cũng tôi luôn!”. Con mẹ, thằng Thành phải mổ đi mổ lại đến chín lần, chuyển đi khắp các bệnh viện, rồi về trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng ở Thuận Thành (Bắc Ninh). Đến đâu mẹ anh cũng ở bên cạnh. Tài sản của mẹ còn lại đến nay là một giỏ “đồ hàng” để dưới chân cầu thang nhà tập thể cũ kỹ, mốc
meo, hôi hám. Trong đó đầy đủ tất cả mọi thứ từ ly, chén, đôi đũa,
bếp gas, bình thủy, nồi niêu, bộ đồ hàng đều sẵn sàng, chỉ lúc “hữu
sự” thì xách mà chạy theo con đi khắp các bệnh viện. Lúc đầu, mẹ còn
nằm ngoài hành lang bệnh viện, cứ né qua né lại, cho tới dần quen rồi bệnh viện dành hẳn cho mẹ một cái giường. Bệnh viện quen đến mức bác sĩ
cho phép mẹ ra chợ, coi món gì con thích thì mua về nhóm bếp nấu cho
con ăn. Bởi bà là mẹ mới biết con mình thích cái gì. Suốt ngày mẹ loay
hoay trong bệnh viện, phụ y tá chuyện này chuyện nọ, giúp thương binh
trong khoa khi con ngủ. Đêm bệnh viện, mọi người ngủ hết, mẹ lọ mọ mở
rổ trầu, têm cho mình một miếng trầu rồi canh con ngủ tới sáng. Những mùa Tết trong bệnh viện, mẹ ở tới khuya, lau mình, tắm rửa cho con sạch sẽ rồi mới về nhà cúng giao thừa. Sáng mồng một Tết lại vào bệnh viện thật sớm, gần chục năm liền mẹ luôn là người “xông đất” bệnh viện.
Đời mẹ là cả một chuỗi ngày gian truân đau khổ, vất vả. Mẹ chỉ biết giấu kín trong lòng, không hề kêu ca, phàn nàn. Một cuộc đời từ khi bố mẹ sinh ra là long đong, lận đận. Bà sinh ra ở cái tuổi Quý Sửu tưởng con trâu vàng. Nhưng mẹ được sinh ra vào giờ đi cày nên suốt đời đi
cày mà vẫn chẳng đủ ăn, chẳng làm nên công trạng, chẳng “vàng” chút
nào. Anh Thành từ chiến trường về được hai tháng, bà The theo con vào
sống trong bệnh viện thì một ngày hung tin ập tới: chồng bà bị tai
biến, vừa mất tại nhà. Bà điếng hồn, gửi vội con, chạy về lo tang
chồng. Chôn cất chồng xong, lại vào bệnh viện. Một tháng sau, hung tin
lại tới: mẹ bà mất ở quê nhà. Vậy là bà phải gửi con, chạy về quê chịu
tang mẹ. Bà The lấy chồng năm 25 tuổi, sinh 4 đứa con trai. Những
năm kháng chiến chống Pháp bà ở nhà nuôi con để chồng yên tâm đi đánh
giặc. Hoà bình năm 1954, ông trở về trong đoàn quân chiến thắng, tiếp
quản Thủ đô. Tưởng rồi ông ở nhà với bà, nuôi con. Nào ngờ ông lại tiếp
tục lên đường đi đánh Mỹ. Mãi tới khi giải phóng hoàn toàn miền Nam,
thống nhất đất nước cuối năm 1976 ông mới trở về, trên người đầy
thương tật. Cuộc đời bà gắn với cái xóm nhỏ vùng đất bãi ngoại ô ven
sông Hồng, từ thuở nó hoang tàn và nghèo nàn, nước ngập lầy lội cho
đến khi nó thành khu phố, thành phường. Ngày xưa nước sông Hồng dâng lên
ngập có khi đến tận giường, bà cứ hì hục tát nước vì chỉ sợ con bị
ướt, cứ vậy mà thâu đêm như con gà mẹ, bà xòe cánh che chở cho các con
của mình. Nhà giống như nhà trẻ, khi tụi nó lớn, nhà lại giống như
trại lính vì toàn là giường tầng, đứa dưới, đứa trên, nằm xếp lớp ngủ. Ông bà thì có thể nằm vạ vật đâu đó để canh chừng lũ con. Cuộc đời cứ mãi trôi đi trong vùng đất bãi vậy mà các con của bà cứ vậy, như củ khoai mà lớn dần. Bà The có thể mỉm cười nhìn thấy từng đứa tự lập được. Con trai cả của bà, thằng Thành đi bộ đội, còn 3 thắng con trai lớn lên lộc ngộc, ngoan ngoãn, nhưng bà có biết đâu, cái phút ấy cũng là bắt đầu những biến cố nghiệt ngã nhất trong cuộc đời người mẹ. Đứa con thứ hai tự dưng bị tâm thần, người ta đưa nó chữa chạy khắp nơi rồi cuối cùng cũng đưa về nhà cho bà. Rồi lại thêm con thứ 3 bị điện giật trở nên ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Nhà có hai người con bị tâm thần, bà lại chăm nom chúng như thuở lên hai lên ba. Bệnh tâm thần gặm nhấm thân hai người con dần mòn để rồi cả hai lần lượt qua đời trong cảnh nghèo. Đến khi đón anh Thành ở Trung tâm nuôi dưỡng thương binh nặng về, nhà chỉ còn một cái giường đôi, bà phải cắt ra thành giường đơn cho con nằm. Nhiều lúc nửa đêm, bà ở nhà một mình, nước ngập tới vạt giường, bà phải chạy kêu mấy anh ở phường xuống giúp đưa con lên xe lăn, rồi cột xe trên giường nằm chờ sáng mà ngồi canh con.
Nằm bên Thành, bà The nhớ lại những ngày bà vào sống trong bệnh viện nuôi con, ở nhà đứa con trai út theo bạn ra ga Hà Nội lao vào hút xách rồi đâm nghiện ngập, ban đầu là hút, sau tới chích. Bà như quị xuống khi người ta đưa con trai út đi cai nghiện. Rồi lại hung tin ập đến: con bà bị nhiễm HIV/AIDS, đã ở giai đoạn cuối. Bà đưa con về, lại ôm con trong lòng như hồi nó mới chập chững biết đi. Hết cách điều trị, thân con lở loét và đau đớn. Bà
mang con về nhà, bà nằm giữa hai người con, một đứa bên trái, một đứa
bên phải nằm chệch phía dưới chân. Nằm vậy chứ có bao giờ bà chợp mắt
được đâu, hễ con rên nhẹ vì đau là bà bật dậy ngay. Vết thương lở loét
ở lưng Thành, lở khắp cả người con trai út, bà đều cẩn thận lau chùi
thật nhẹ vì sợ con đau. Bác sĩ bảo: “Bà nên cẩn thận, nếu sơ sẩy là bà
bị lây nhiễm thì cả ba mẹ con cùng chết, đưa người bị nhiễm HIV vào viện người ta lo”. Bà nói: “Nó khó tính lắm, chỉ có mình tôi mới biết nó đau, nó khó chịu chỗ nào mà lo. Đời tôi còn gì để mà mất, dẫu có bị lây nhiễm từ
con nhưng con tôi còn sống ngày nào tôi còn lo lắng cho nó ngày ấy”. Rồi người con út cũng ra đi trong vòng tay mẹ, và bà sống với người con trai thương binh đã 30 năm qua luôn “đeo dính” bà.
Bây giờ trong ngôi nhà tình nghĩa khang trang, bà móm mém nhai trầu, đôi mắt nhìn con nằm ngủ lòng nhẹ tênh. Bóng mẹ in vào vách tường vừa mới sơn vôi như một pho tượng sống. Rằm tháng Bảy này mùa Vu lan lại về. Hàng xóm, người ta đang đốt mã, hoá vàng làm lễ xá tội vong nhân, để báo hiếu các bậc tiền bối to lắm, cố lớn lắm. Vào dịp này mọi người thường cúng bái cầu xin cho tổ tiên, ông bà hoặc cha mẹ đã khuất được siêu thoát. Đây là
nét văn hóa và nhân bản của lễ Vu Lan, và mùa Vu Lan được xem là mùa
báo hiếu. Còn bà ngồi đó, bàn tay cứ vuốt nhẹ lên mái tóc con: “Cũng
có lúc tôi muốn chết đi cho nhẹ gánh cuộc đời, nhưng cứ nhìn nó nằm
thui thủi thì làm sao nhắm mắt được đây?”.
Bàn tay bà quệt ngang khóe mắt, dòng nước chảy ra loang thành vệt trên gò má nhăn nheo như quả táo tàu của bà - những giọt nước mắt màu trắng đục! Những giọt nước mắt ghi dấu thử thách ghê gớm của cuộc đời một người mẹ. Những giọt nước mắt màu trắng đục như không phải là nước mắt mà là những dòng sữa mẹ…
M.N
Nhà thơ Ái Nhân (Hà Nội)
ẦU Ơ TIẾNG MẸ
Lâu rồi không được mẹ ru
Chợt trong ký ức mưa thu ngập lòng
Cánh cò cõng nắng sang sông
Ấm vòng tay mẹ, cánh đồng con mơ
“Ví dầu”… cầu bắc sang thơ
Bước chân lắt lẻo bên bờ đợi mong
Soi hồn vào đáy xanh trong
Mẹ như sông chảy lên dòng phù sa
Nửa đời con những bôn ba
Vẫn mang ăm ắp lời ca thuở nào
Ầu ơ… tiếng mẹ ngọt ngào
Chắp đôi cánh ước con vào tương lai
THẢO THƠM MẸ CHA
Mẹ cười xanh cõi thiên thanh
Trời cao mây trắng long lanh mơ màng
Lời cha ân nghĩa đá vàng
Bao điều răn dạy con mang suốt đời
Bon chen đeo bám kiếp người
Lung linh bóng mẹ, nụ cười mắt cha
Dõi nhìn lên phía bao la
Hình như mây trắng se hoa đan mành
Tình cha, nghĩa mẹ kết thành
Thương yêu muôn sắc trong lành thảo thơm
Nắng vàng phơi trắng đường rơm
Mồ hôi nảy lộc, bát cơm trắng ngần
Nắng mưa lam lũ tảo tần
Hương hoa mẹ chắt lên phần xanh con
Ghi lòng tạc dạ sắt son
Nghĩa nhân truyền lại cháu con giữ lề
Bể dâu, mưa gió dầm dề
Lời cha mẹ dặn nguyện thề con mang
Nghĩa, nhân, trung, hiếu đá vàng
Bao dung lòng mẹ… Thiên Đàng thảo thơm
NHỚ MẸ
Mấy năm rồi mẹ đi xa
Bữa ăn cháu vẫn nhắc bà mẹ ơi!
Mẹ đi về phía mây trời
Cao xanh không sắc xa vời chúng con
Mỗi lần nhà có miếng ngon
Càng thêm nhớ mẹ, lòng con thẫn thờ
Ngước trông lên phía xa mờ
Mong manh bóng mẹ... ngóng hờ tiếng ru.
A.N
Nguyễn Thị Thu Ba (Cần Thơ)
Tại sao mình chia tay nhau anh nhỉ? Đó là lí do khiến con tim em không thôi day dứt và không thôi thương nhớ, khắc khoải, ngậm ngùi…
Anh không phải là mối tình đầu của em, cũng chẳng phải là mối tình cuối cùng để trái tim em dừng lại, cúi đầu chấp nhận duyên số đã an bày. Anh chỉ là một mối tình ngây ngô thời vụng dại của em. Mối tình đan xen nhiều xúc cảm của yêu thương sớt chia lẫn những vui buồn hờn giận. Và có lẽ mối tình ấy không làm tổn thương trái tim em nhiều lắm nhưng cũng không đủ để sưởi ấm trái tim em trong những mùa đông băng giá và tình yêu ấy không vững vàng để có thể mang em đi được bất cứ nơi nào em muốn đến, càng không thể mang em đến được với bến bờ của bình yên và hạnh phúc… Nhưng tại sao trái tim em lại hằn sâu lên một tình yêu mà nơi đó không có hi vọng và cũng chẳng có niềm đau của tuyệt vọng. Tình yêu ấy không mang đến cho em đau khổ nhưng lại khoét sâu trong tim em một vết thương lòng mãi mãi không lành theo năm tháng để rồi cuối cùng em nhận ra, em nhớ anh vô cùng, nhớ đến cháy lòng… anh biết không?
Em chưa bao giờ hối tiếc với những gì em đã dành cho anh trọn vẹn, em cũng chưa bao giờ hối tiếc vì đã yêu anh bằng cả trái tim mình. Những gì anh dành cho em, dù nhỏ nhoi, ít ỏi nhưng trái tim em lại khắc sâu những điều ấy vào trong tận đáy lòng. Em nhớ lắm cái kí ức đầu tiên gặp anh ở hồ sen ký túc xá trường Cao đẳng. Lần đầu hẹn gặp mặt nhau, em và anh đã lướt ngang qua nhau rồi lại ngờ ngợ, bất chợt cả hai quay đầu lại nhìn nhau, bất chợt mình nhận ra nhau không phải bằng lời nữa mà bằng cảm xúc của hai nửa trái tim đang dẫn lối tìm gặp nhau. Lúc đó em cảm nhận được một niềm hanh phúc vô bờ, cảm nhận được một tình yêu thương chân thành, nồng nàn tha thiết. Em biết rồi từ đây anh sẽ luôn bên em, yêu thương, trân trọng và chở che cho em, nắm tay em bước qua muôn vạn nẻo đường…
Mình mơ ước thật nhiều cho tình yêu hai đứa, em ước mơ kết thúc năm học cuối đó mình sẽ là cô dâu xinh đẹp của lòng anh, còn anh thì mơ ước sẽ mãi được bên em cho đến tận trăm năm đầu bạc… Cứ thế mỗi ngày mình đều muốn được bên nhau, yêu thương nhau nhiều hơn nữa, tay đan tay nhau mình đi trên con đường tình yêu nở rộ những đóa hoa bằng lăng yêu thương ngập tràn hạnh phúc. Giữa phút giây đó em nghĩ rằng mình chính là người hạnh phúc nhất thế gian này và thế giới trong em như dừng lại, chỉ còn có em và anh thôi và thiên đường hạnh phúc hiện ra trước mắt em. Em biết thế nào là hạnh phúc của một người “Khi yêu và được yêu” ấy…
Mình sẽ luôn bên nhau như thế, anh sẽ không xa rời em, không bao giờ buông tay em ra như lời anh hứa, đúng không anh?
Vậy mà… vậy mà tại sao mình mất nhau anh nhỉ? Tại anh lỡ buông tay em ra trong một lần em hờn dỗi hay tại cái nắm tay anh không quá chặt nên đã vô tình lạc mất một bàn tay? Hay vì em hay khóc mỗi khi nhớ anh, vắng xa anh nên anh sợ cảm giác yêu một người trẻ con như em? Hay bởi vì em quá nghèo nên không vừa lòng ba mẹ anh…???
Ngày em hay tin anh bị tai nạn, anh nằm trong bệnh viện mấy tháng liền, anh không tự vệ sinh cá nhân được, anh không tự ăn uống được. Ba anh phải bỏ tất cả công việc từ miền Trung xa xôi để vào chăm sóc anh, lo cho anh chẳng khác gì như một một đứa trẻ. Em thấy thương ba anh vì phải thức trắng đêm lo cho anh, em khó khăn lắm mới xin được ba anh cho em ở lại bệnh viện cùng ba anh chăm sóc anh. Vậy mà anh lại nỡ xua đuổi em, anh không cho em bước đến gần anh, anh nói anh không cần em không còn yêu em nữa, anh không muốn nhìn thấy mặt em, anh nặng lời với em, anh nói em là đồ mặt lỳ bị đuổi mà không thấy xấu hổ sao còn ở lại, sao không về quê lấy chồng tốt hơn… Mỗi khi em xuất hiện là anh tự đày đọa bản thân, anh quay mặt úp vào tường, anh không chịu ăn uống, anh xua đuổi em cho tới khi em uất hận, vụt chạy ra xe buýt đón chuyến xe cuối cùng về quê khi trong lòng đầy đớn đau và thù hận. Em quyết lòng sẽ trả thù anh bằng một đám cưới ngọt ngào bên người khác xứng đáng hơn anh nhiều!
Em cũng đã giải được mối hận lòng mình, ngày em cầm tấm thiệp cưới đến nhà mời anh, em cố cười thật tươi và đắc ý khi nhìn thấy anh vẫn còn đau đớn nằm trên giường, lẻ loi, cô đơn. Lẽ ra lúc này em nên vui mới phải vì đã trả đươc mối thù trong lòng nhưng không hiểu sao trái tim như đau thắt lại khi nhìn thấy anh cố gắng ngồi dậy, tay ôm vết thương, gắng gượng rót em ly nước mời em uống, miệng cố nở nụ cười. Em cứ tưởng anh đã khỏi hẳn, nào ngờ bao nhiêu tháng qua rồi mà vết thương anh vẫn chưa lành hẳn sau tai nạn. Em giả vờ quay mặt đi giấu che giọt nước mắt lặng rơi trên má, em lén nhìn anh, có gì đó u buồn trong đôi mắt anh. Lúc yêu nhau em chỉ cần nhìn qua anh mắt, em sẽ biết anh vui hay buồn. Ánh mắt anh lúc này, cho em biết rằng anh đang đau đớn, quằn quại… Em không nói gì thêm, nhẹ nhàng để tấm thiệp xuống bàn và ra về. Sao sự ra đi này của em vẫn giống như ngày em rời xa anh trong bệnh viện, vẫn là sự nuối tiếc, đau đớn, xót xa pha lẫn ngậm ngùi, chỉ có điều em đã buông đi oán hận, lòng chỉ còn xót thương cho một mối tình tan vỡ...
Kỉ niệm ngày xưa như đong đầy trong tim em khi chiều nay cơn gió mùa đông bất chợt ùa về lướt ngang qua tim. Em bắt gặp anh trên con đường cũ, em muốn chạy theo tiếng gọi của trái tim, em muốn băng ngang qua đường để chạy đến trước mặt anh chỉ để hỏi một câu, một câu thôi mà bao nhiêu năm qua em cố gắng níu giữ để mong gặp được lời giải đáp. “Anh có từng thật lòng yêu em không, anh có từng hối tiếc khi để mất em?”… Bất ngờ một bàn tay nắm lấy tay em rất chặt. Bàn chân em ngừng bước vội, em quay lại. Chồng em nhẹ nhàng “Em cẩn thận, nhiều xe lắm, để anh nắm tay em qua đường”. Nước mắt em rơi ra, ướt nhòe những dấu yêu khi xưa… Em cúi xuống giấu che đi những giọt nước mắt và giả vờ như không còn nhìn thấy anh nữa. Bất chợt trong tim em nhói đau khi lòng em khẽ khe đọc một vần thơ mà em đã từng thuộc lòng ở đâu đó “Yêu thương lắm vẫn lạnh lùng – Vờ không thương nhớ, chẳng chờ mong – Trời ơi khi đóng vai hờ hững – Là nát lòng em anh biết không?...
N.T.T.B
VỀ NGHE GIÓ XANH
Về nghe mưa xanh khung cửa
đóa môi nở những cánh hồng
nghe bếp thời gian
thắp lửa
thơm vàng mùa lá bên song
Tay em ươm mầm cỏ lạ
nghe xanh lên mi mắt người
khúc hạ gọi mùa con gái
bâng khuâng lụa trắng phượng ơi
Chìa tay đợi mưa đợi nắng
đợi em thắp giấc đồng bằng
trôi về theo nghìn cánh sóng
nghe xanh mùa gió bên sông!
NGHIÊNG PHÍA LỜI RU
Em về nghiêng phía lời ru
Tôi nghe phiến lá vàng thu cuối trời
Chạm lên trổ nét môi người
Chở bâng khuâng nắng vàng tươi gọi chiều!
GIEO NHỮNG MÙA VUI
Nghe mùa vui gọi cánh diều
Nghe con sông hát những điều rất riêng
Nghe phù sa đỏ trinh nguyên
Ơi châu thổ em dịu hiền như mây
Giữa đồng bằng những đôi tay
Gieo lên mùa mới thơm ngày ấm no!
NGHE MÙA ĐỘ LƯỢNG BÊN NÔI
Nghe xanh trong từng thớ đất
Nghe tươi non chợt nẩy mầm
Nghe thơm lên khung cửa gió.
Nghe hoa vàng rơi mênh mông!
Nghe những đôi môi chợt hát
Nghe ru mềm như mây trời
Nghe tiếng dế về trong cỏ
Nghe mùa độ lượng bên nôi
Nghe bàn tay thơm của mẹ
Nghe mái tóc xưa chợt về
Giữa lòng ai rung tiếng lá
Nghe mùa vàng ru cơn mê
Ta trốn trong đôi mắt đó
Nghe tươi xanh lên nụ cười
Nghe như có điều thật lạ
Vừa mơ vừa gọi tên người.
THẮP XANH
Thưa em vừa cạn đêm này
Khói vàng tôi rụng trổ loài gió xanh
Em về thắp nắng lên tranh
Thắp vàng giấc cỏ mơ thành hạc bay
Thắp lên sen trắng cánh mây
Thắp đêm áo lụa hương đầy xuống tôi.
Q.N (Tiền Giang)
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)