Nguyễn Thúy Ngân
- Má, có cơm ăn chưa má, con
đói quá trời rồi nè – Nó réo từ ngoài ngõ
- Mồ tồ cha mi, mới về đến
nhà là đòi ăn, con gái gì mà xấu tính hổng biết.
- Ngựa chạy cả ngày mệt rồi
cho ăn chứ má, bắt nó nhịn nó bịnh thiệt thì sao?– Nó vòi vĩnh
- Thôi cô ba…, đồ ăn má dọn
sẵn trong mâm rồi đó, còn cơm má phần trong niễn cho nóng, ra rửa mặt rồi vào
ăn đi. Chạy chơi cả ngày chứ có phải kéo xe đâu mà làm bộ - Má cốc lên đầu nó một cái mắng yêu.
- Ai biểu má đẻ con năm ngựa
chi mà bây giờ còn rầy… hì... hì… - nó le lưỡi chọc quê.
- Ai sanh cô… Má nói ngang
câu bỏ lửng như lỡ lời rồi vội quay đi giấu đôi mắt lá răm buồn xa xăm.
- Ai sanh mà chẳng được, miễn
con là con má được rồi – Nó ôm qua người má nó xoay một vòng
- Thả ra, té má bây giờ, con nhỏ thiệt là lí lắc à – Má nó mắng
***
Nó chẳng biết người lớn có chuyện gì mà không khí nhà nó dạo này im
ắng lạ thường. Bố đi làm rồi còn thì
tranh thủ đi đâu đó đến tối mịt, có hôm khuya lắc khuya lơ mới về đến nhà.
Người mệt mỏi, da sạm đen, đã vậy dạo này bố còn hay thở dài và hút thuốc liên
tục nữa chứ. Nhiều khi bố ngồi thẫn thờ nhìn vô định ra chiều suy nghĩ mông
lung lắm, đôi khi điếu thuốc cháy gần đến ngón tay nóng rát bố
mới giật mình dụi tắt. Còn mẹ nó… Bà như đang giận ai đó thì phải. Nó - một
lần bắt gặp mẹ cầm cái chổi chà đánh vào thân cây chuối sau nhà miệng than: “Trời
ơi, sao tôi lại khổ thế này…”. Khi khác lại thấy mẹ vừa nấu cơm vừa âm thầm khóc
– lạ ghê. Thế nhưng, khi chợt thấy nó mẹ lại cười: “Con Thúy lại ra vườn vặt
chuối xanh ăn đúng không? Ăn vào có ngày tào tháo rượt nghe con”. Lúc khác mẹ
nói dối do củi ướt nên làm cay mắt mẹ đó. Nó dòm tới dòm lui không tin. Mẹ cố ý nói qua chuyện khác. Nó cũng định hỏi mẹ
nhưng thấy mắt mẹ ngấn lệ - nó không dám, chỉ trả lời ngoan ngoãn: - Dạ - Rồi thủng thẳng vào nhà. Thế nhưng hình ảnh
tiều tụy của mẹ, thái độ nhẫn nhịn của mẹ và cả không khí gia đình vắng tiếng
cười, nó biết là phải có chuyện nghiêm trọng đang diễn ra. Nó đem thắc mắc hỏi
chị gái. Chị đã không giải thích mà còn bị la “con nít lanh chanh”. “Mấy người
này kỳ ghê, hổng biết thì mới hỏi chứ” – Nó giận lẫy vùng vằng bỏ đi - Nó nói
với chính mình: "Được, không ai nói thì tui sẽ tự điều tra”. Nói và làm thiệt. Từ hôm đó nó để mắt đến tất
cả hành vi của mọi người. Nó còn ghi chép cẩn thận ví dụ:
- Ngày 5/7/1976
Bố đi về lúc gần 12 giờ đêm. Quần áo lấm bê bết bùn đất. Mẹ thấy bố chỉ “Hừ” một tiếng rồi đi vào. Bố
hỏi: “Em ăn cơm chưa?”. Mẹ không trả lời mà lại nói dùng dằng: “Vui vẻ gì mà
ăn”.
Mẹ lại khóc. Tiếng mẹ: “Anh còn thương thì anh về mà lo cho người
ta...”
* Ghi chú: Bố thương ai là sao???
Đang đêm nó chợt tỉnh giấc vì nghe tiếng bố mẹ nó cãi nhau. Tiếng
qua lại có phần gắt gỏng, nhất là giọng của mẹ. Nó nghe câu đựơc câu mất của
cuộc đối thoại: “Sao anh lại làm thế, nhà còn một chút tiền phòng thân cho các
con ăn học, lúc ốm đau, vậy mà anh lấy đi hết. Tiền ấy em đã phải làm cực khổ
dành dụm khi không có anh và bà ngoại đã phải bán căn nhà ngoài đó cho chút
đỉnh khi chuyển vào đây sống. Em không có ai thân thuộc nơi xứ này. Những lúc
khó khăn không biết nhờ cậy ai. Vậy mà anh lại lấy hết của em… hu... hu... híc...” –
Tiếng mẹ tôi khóc sướt mướt vừa nói vừa hỉ mũi.
- Anh xin lỗi, rồi anh sẽ
kiếm việc làm thêm bù lại cho em. Mong em hiểu cho anh. Dù không còn là vợ
chồng thì cái tình, cái nghĩa của cô ấy anh mang ơn suốt đời. Em đâu muốn anh
trở thành người sống bất nhân, bất nghĩa khi thấy người thân của mình đang gặp
khó khăn. Hơn nữa người ấy đã hy sinh cả tuổi xuân của mình để lo cho hai con
anh lên người và sống có ích…”. Nghe đến đây nó giật mình, vội chạy về phòng lay
chị gái: “Dậy, dậy có chuyện to rồi”. Chị gái nó còn ngái ngủ làu bàu: “Cái
con này, có gì mà dựng dậy giờ này. Có mắc tiểu thì bật đèn lên chứ có gì mà
sợ, đồ nhát gan” - Không phải, chị ơi bố có vợ bé đấy. Em nghe bố mẹ cãi nhau.
Chị không tin ra mà nghe – Nó thì thầm vào tai chị gái. “Mày nói đùa hay nói
thật” – chị nó hỏi lại không tin. “Đi. Chị đi với em. Nhè nhẹ thôi chứ không
bố mẹ lại biết”. Chị em nó ghé tai sát bờ tường phòng ngủ bố mẹ nghe ngóng một
lúc thì chỉ còn nghe tiếng ấm ức đầy nước mắt của mẹ và tiếng thở dài của bố
trong đêm tĩnh mịch”…
Hai chị em nó rón rén về phòng không ai ngủ được nữa. Đến lượt chị
nó lẩm bẩm: “Hổng lẽ là đúng sao. Phải rồi dạo này bố hay về khuya lắm. Mà bố
còn có có cả con riêng nữa chứ, những hai người lận. Họ lớn tới đâu rồi nhỉ… là
trai hay là gái”. Nó hỏi: “Chị ơi, lỡ bố bỏ mẹ, bỏ chị em mình thì thế nào, em
không chịu đâu? Em ghét bà nào đó đã làm mẹ khóc, em ghét luôn cả hai người kia
tự dưng đòi dành bố của em. Nhưng lạ thiệt, phải chi bố ở đây từ hồi đó tới giờ
thì còn có lý do. Đành này nhà mình mới chuyển về đây có hơn một năm thôi. Bố
vẫn đi làm dù có bận rộn vì phải chạy lên chạy lên chạy xuống giữ nhà và bà
nội già yếu ở quê. Chị em nó thắc mắc trăm ngàn lý do nhưng với cái tuổi còn bé
tí, ăn chưa no, lo chưa tới. Ngay cả việc tắm rửa cho nó bố cũng phải làm thì
biết gì mà nghĩ cho đến nơi đến chốn. Nhưng từ đêm nghe được chuyện, nó giận bố
ghê gớm. Nó không thèm nói chuyện, nó không kể chuyện trường lớp cho bố nghe và
trong tâm hồn nó có một sự đổ vỡ lớn về lòng tin với bố nó. Đến bữa ăn cơm nó
bới một tô cho thức ăn vào bê ra chỗ khác ngồi thui thủi ăn một mình. Nó không
muốn nhìn thấy bố nó ăn cùng.
Như thường lệ, bố đi làm thường hay chở nó đi học luôn, rồi thả
trước cổng trường. Thế mà mới chở nó đi học ban sáng giờ bố lại trốn nó chở hai
người kia, vì họ cũng là con bố mà. Tự dưng nước mắt nó chảy dài trên má. Mấy
ngày đầu bố chưa chú ý đến thái độ buồn rầu của nó hay bố có con mới đã quên nó
rồi? “Thôi hổng chơi với bố nữa”. Nó tuyên bố dứt khoát nhưng trong lòng thì tiếc
hùi hụi – còn Chị gái nó lầm lầm, lì lì suốt ngày. Chị còn dọa nó là: “Mày mà theo
phe bố chị không thương mày nữa, chị từ luôn, nhớ nghe chưa?”. Nó chẳng muốn mất bố và mất
chị song lòng nó thấy bất an vô cùng. Chắc phải có lý do gì đó bố mới làm vậy.
Bố vẫn đi về thất thường. Nhà nó như hoang vắng không bóng người.
Bố mẹ nó lại cãi nhau: “Vậy
bây giờ anh tính sao? Có phải ý của mẹ anh muốn tôi chấp nhận làm chị làm em hay là
muốn chúng ta chia tay. Anh nói đi? Nếu không còn sống được với nhau tôi sẽ đem
hết các con về ngoài ấy. Tôi cũng là phụ nữ, tôi hiểu nỗi đau mà người đàn bà
phải gánh chịu, nên đã để anh âm thầm lo lắng cho người ta cho trọn đạo. Vậy
còn muốn gì ở tôi? Vậy anh có nghĩ tới tâm trạng của tôi không? Anh có biết tôi
cũng chỉ là đàn bà thường tình cũng có bao hờn ghen nông nổi… Hay tôi suy nghĩ
thiện cận rồi nói qua lại với người ta thì chuyện sẽ thế nào…? Sao anh lại đặt
tôi vào việc khó xử và đã rồi như vậy? Mẹ nói một hơi rồi ngừng lại thở hắt ra.
- Anh nói với em rồi, cô ấy cũng không cho anh
làm việc đó, càng không muốn em buồn và hiểu lầm. Nhưng xin em hãy hiểu cho
anh. Anh biết làm như vậy sẽ gây cho em tổn thương và anh cũng khổ tâm không
kém. Chúng ta là những người lính đã bước ra từ cái chết nên anh trông mong rất
nhiều vào tấm lòng vị tha và đầy tình người của em. Mạng sống con người, tình
cảm con người còn quý biết dường nào. Xin em tha thứ cho anh. Anh không còn cách nào khác để đền đáp lại tấm
lòng của cô ấy. Anh vẫn chỉ có em và các con dù quá khứ đang tái diễn trước mắt
đầy mâu thuẫn. Chỉ một thời gian nữa
thôi…”- Tiếng bố nó năn nỉ đầy thuyết phục. Cuộc đối thoại găy gắt diễn ra khá
lâu không có hồi kết. Người ấm ức, người buồn rầu
- Thôi đúng rồi, bố phải làm sai chuyện gì to
lắm nên mới phải năn nỉ mẹ tha thứ. Lại
còn cả bà nội cũng tham gia. Còn người phụ nữ kia thế nào? Không lẽ bà ấy không
biết là bố tôi có gia đình riêng và còn có một bầy trẻ dại sao lại chấp nhận sự
thể như thế? Nếu bà ấy thấy được cảnh
cãi vã của bố mẹ nó và nỗi buồn cuả nó nữa thì chắc bà ấy sẽ suy nghĩ lại… Nó hy vọng thế. Bà ấy có thấy aý
náy khi thấy một người mẹ khác cũng đang đau khổ vì bà. Người lớn sao mà rắc
rối thế - Nó lẩm bẩm, tâm trạng nó bộn bề khó tả như vừa bị mất một kỷ vật quý giá.
Nó suy nghĩ miên man sau khi len lén nghe được câu chuyện. Hy vọng bố mẹ nó sớm làm hòa với nhau – Nó
cầu nguyện.
Phải mất một thời gian nhà nó mới có phần bình thường trở lại. Nó vẫn
bê cơm ăn một mình. Nó chỉ trả lời bố khi được hỏi chứ không líu lo như xưa.
Dạo này bố nó ít vắng nhà hơn. Nhìn bố có phần vui. Nhưng nó lại càng giận bố
nhiều: “Bố giờ này có con khác nên bố vui, bố không cần đến chị em nó. Bố
không thấy chúng nó buồn. Có lẽ bố quá bận với gia đình kia. Bao đêm nó ngồi
học mà chẳng được chữ nào. Nó viết ngoằn ngoèo lên tập giấy: “Con yêu bố, bố
là của riêng tôi không chia cho ai hết…”. Nó gục mặt xuống bàn tủi thân khóc rấm
rứt.
- “Này con gái, bố con mình nói chuyện nhé. Bố xin lỗi đã làm các
con buồn. Vì vừa qua bố bận quá không chăm sóc chị em con được”- Bố ngồi xuống
bên nó thủ thì đầy ấm áp. Nó giật mình lấy tay che lên trang giấy hàng chữ nó
viết khi nãy: “Bố đã thấy chưa nhỉ?”. Nó chỉ muốn được ngã vào lòng bố khóc cho
thỏa thích. Nó sẽ bắt đền bố phải mua bằng được những món quà như con búp bê chẳng
hạn, hay chiều chiều bố phải chở đi lòng vòng ra biển hóng mát… Nhưng rồi, hình
ảnh những đứa trẻ kia cũng là con của bố cũng đang ngóng đợi bố nó về nhà lại
hiện ra, làm nó không còn thích những lời bố nói vừa rồi. Nó lấy lý do buồn ngủ
rồi về giường trùm mền nghĩ chán chê, nó thiếp đi lúc nào không hay.
Nội nó qua đời đột ngột và ra đi hết sức nhẹ nhàng. Cứ như bà đã
trù tính là sẽ về với ông nội ngày giờ tháng đó. Ngày làm đám, nó có chú ý đến
nột người phụ nữ có khuôn mặt tròn tròn, trông cũng hiền từ phúc hậu. Người này
lớn tuổi hơn mẹ nó kha khá. Bà đến bên mẹ hỏi thăm:
- Cám ơn chị, tôi bình thường – Mẹ khách sáo đáp lời.
- “Tôi thật sự xin lỗi vì tôi đã làm chị buồn. Tôi cũng không biết
nói sao để giãi bày chỉ mong chị hiểu là tôi vô cùng áy náy và xin lỗi – Bao
nhiêu lần tôi có xuống nhà nhưng lại không dám đối diện với chị. Tôi không biết
mở lời từ đâu, mặt khác tôi sợ chị không
sẽ không thông cảm…”. Người phụ nữ ấp úng giãi bày.
- Tôi đã được anh ấy nói rồi và tôi nghĩ chúng ta có thể thông cảm
cho nhau. Mọi chuyện đều do chiến tranh gây ra. Thôi chị cũng đừng lo nghĩ làm
gì rồi mọi việc sẽ đâu vào đấy. Anh ấy đã là của chị trước tôi kia mà… giá đừng
có chiến tranh… - Mẹ nói thực lòng. Người phụ nữ cầm tay mẹ nó mà nước mắt rưng
rưng: “Cám ơn chị”. Nó để ý thấy mọi người tế nhị lảng ra chỗ khác và theo dõi
câu chuyện hai người một cách e dè. Nó mang máng hiểu được đây là người liên
quan đến bố nó mà bố nó đã bỏ bê gia đình một thời gian. Nó cũng nghe phong
thanh chuyện của mấy bà, mấy cô nói: “Tội nghiệp chị Mười…”. Tiếng thím Bảy
chen vào: “ Tui phục anh Ba hơn và cả vợ
của anh ấy. Ừa ha – Vài người đồng tình, nếu chị Ba mà ghen làm rùm beng thì
chị Mười đâu có được như vầy đúng không. Mà nè, thời gian nữa dượng Mười học
tập về thì sao ha…???” Mọi người nhìn nhau ái ngại rồi quay qua ngó mẹ nó và
người phụ kia. Riêng nó – Nó hãnh diện vì Mẹ nó đã làm điều tốt cho ai đó.
Nó vào nhà ngồi xuống bên
nội Chín trên tấm phản. Nội tên Chín là tính theo thứ tự thì là thứ tám thôi.
Nội suốt ngày nhai trầu miệng lúc nào cũng đầy nước, tới lúc nhiều quá thì nhổ
vào ống bã cái phẹt như con vịt ị vậy.
- Nội à, nội nhai hoài không mỏi răng sao? Nó lân la hỏi.
- Nội còn răng đâu mà nhai con, măm măm thôi rồi nhả chủ yếu là có
cái ống quết này dằm nát trước rồi – Nội trả lời rồi tiếp luôn: “Con Ba đã ra chào
má lớn con chưa?”. Từ ngày vào Nam mọi người cũng gọi chị em nó theo thứ, còn
tên chỉ có cô giáo gọi ở trường và gọi ở nhà nó thôi.
- Má lớn nào nội, con có mẹ rồi mà! – Nó không hiểu.
- Má lớn đang nói chuyện với mẹ con đó – Tay
nội chỉ ra chỗ mẹ nó đang ngồi với người phụ nữ kia.
- Trời, con nhỏ này chẳng hiểu gì cả. Má lớn tức là vợ trước của
cha mi đó. Chứ cha con không nói cho tụi bây biết a – Nội hỏi ngược lại.
- À, ra là vậy – Nó ậm ừ thưa. Nó đã hiểu được
phần nào câu chuyện và những cuộc cãi vã của bố mẹ nó có liên quan đến người
phụ nữ đó. Tự nhiên một cơn giận ở đâu ùa đến. Nó định nói thẳng ra cho nội
Chín nghe rằng bố mẹ nó giận nhau, cãi nhau, cả nó cũng buồn vì bà ấy đấy và nó
còn định nói là nó ghét luôn hai người con của bà ta vì có ý định dành bố của
nó. Nhưng nó kịp bụm miệng lại rồi nhìn ra sân, thấy mẹ và bà ấy nói chuyện cũng
thân tình - Sao lạ vậy cà... Nhân cơ hội này nó hỏi tới.
- Ủa
Nội, bố con lấy vợ hồi nào, có con không? Mấy người ấy đâu?
- Cha mi lấy vợ hồi còn trẻ chứ hồi nào, có
hai người con trai. Thằng Hai và thằng Ba. Chúng
theo cách mạng và hy sinh năm Mậu Thân trong một trận càn ở dốc Lầu ông Hoàng.
Anh em nó mà còn sống thì cũng lớn bộn rồi.
- Vậy là bà mẹ kia không còn con cái hả nội? Nó hỏi lại
- Ừa, có hai đứa thì chết cả hai rồi. Tội nghiệp nó – Nội ngậm
ngùi.
Vậy là nó đã hoàn toàn hiểu được lý do việc bố nó vắng nhà thời
gian vừa qua. Nó thấy thương cho bố nó đã mất hai người con. Nó ân hận là đã hiểu
sai về bố. Nó mừng là các con của bố đã lớn, lại không còn hiện diện trên cõi
đời này, nên bố vẫn còn nguyên của riêng
nó. Chắc chắn bố phải buồn lắm. Nỗi buồn ấy cũng lớn lắm nhỉ, lớn ngang ngửa
với nỗi đau của người mẹ kia. Vì bà ấy đã nuôi nấng các con của mình bằng tất
cả tình yêu thương, hoài vọng, chờ đợi. Như mẹ nó đã từng yêu thương chị em nó. Hơn nữa họ còn là những liệt sỹ hẳn hoi nữa cơ chứ. Vậy
mà chiến tranh… Chiến tranh đã để lại bao vết thương còn mới tinh như vết thương
thương bố nó đang mang ở bụng và chân.
Cả chú Tư cũng vậy… Một tình cảm
len nhẹ vào hồn nó. Nó nhìn bà ấy không còn ghét như lúc ban đầu. Còn bố nó giờ thật vĩ đại trong suy nghĩ non
nớt của nó. Song thật tình nó vẫn chưa hết thắc mắc nó hỏi tiếp nội Chín:
- Vậy hồi nhỏ ai nuôi mấy
anh ấy? Con nghe thím Bảy nói là thời gian nữa dượng Mười học tập cải tạo về
thì thế nào? Dượng Mười là ai vậy nội, mà sao phải đi học tập? Nó đặt một lô
câu hỏi.
- Hỏi chi mà nhiều vậy con Ba, làm sao nội trả lời hết – Nội tìm
cách lảng sang chuyện khác.
- Thì Nội cứ trả lời thủng thẳng tới đâu cũng được mà – Nó năn nỉ.
- Thì dượng với má lớn mày
nuôi chứ ai. Nó đi học cải tạo vì là lính quốc gia, sau giải phóng đi trình diện
và phải học tập cải tạo 3 năm – Nội miễn cưỡng trả lời.
- Lính quốc gia là sao hả
nội? Bố con cũng là lính mà có phải đi học cải tạo đâu. Con không hiểu gì cả -
Nó hỏi tới.
- Thì là lính bên kia chiến tuyến. Giống như con chơi trận giả vậy,
có phe ta và phe địch – Bà giải thích.
- Lại thế nữa sao? Nó ngạc nhiên. Sao lại có chuyện ngộ vậy nội. Thôi con hiểu
rồi – Nó trả lời như người am hiểu nhưng thật sự nó chỉ hiểu một chút xíu thôi.
- Ờ! Có nhiều chuyện ngược đời mà ta không thể nào hiểu nổi chỉ duy
nhất là Tình Yêu… Nội Chín nói xa xôi.
Câu chuyện mà nó khám phá trong đám tang bà nội làm nó suy nghĩ mấy
đêm liền. Với một đứa trẻ mới mười tuổi đầu thì làm sao mà nghĩ ra cách giải
quyết hay bằng người lớn được. Lời bà ngoại dạy và cả lời cô giáo lại văng vẳng
bên tai: “Bầu ơi thương lấy bí cùng, tuy rằng khác giống nhưng chung một
giàn…”. Có phải là giống như chuyện nhà
nó không? Vậy người phụ nữ kia cũng đáng thương. Bà mất cả hai người con giờ
sống một thân một mình. Đau ốm không con cái nấu nướng giúp đỡ thật tội nghiệp.
Nếu giả sử là mẹ mình thì sao, hay sau này mình cũng như vậy thì buồn lắm. Nó
tha thứ cho bà ấy đã làm mẹ nó khổ suốt một thời gian qua, cả nó cũng buồn và
khóc đó thôi. Còn người đàn ông tên Mười thế nào ? Ổng có dữ không? Có hay dọa
con nít không? Nó đọc trên sách nói mấy ông ấy dữ dằn và ác lắm… Thôi để lúc
khác mình hỏi bố. Nó nói thầm và quyết
định sẽ nói với bố những suy nghĩ của nó.
Lựa lúc bố uống trà ngoài hiên nó mon men tới gần sà vào lòng bố - Nó ướm lời.
- Bố ơi, con biết hết chuyện
rồi.
- Chuyện gì hả con – Bố chưa hiểu ý nó.
- Chuyện của bố ý – Nó nói lấp lửng lấy tay gãi đầu ra chiều khó
nói.
- Chuyện của bố? À… – Bố nhìn nó đầy ngạc nhiên như hiểu ra.
- Con tự tìm đấy – Nó tự tin đáp. Con không còn giận bố nữa và cũng
không còn ghét bà ấy như lúc ban đầu. Bà ấy cũng đáng thương, bố nhỉ.
- Ừ! Giọng bố chùng xuống buồn bã.
- Bố nhớ hai anh nhiều lắm phải không? Ôm cánh tay bố nó hỏi.
- Ừ, bố nhớ anh các con bao nhiêu thì càng thương các con bấy
nhiêu. Bố nói rồi ôm nó vào lòng vỗ về.
- Vậy hôm nào bố chở con tới nhà bà ấy chơi nhé - Nó xin.
- Thật không con, con muốn
đi thăm bà ấy sao? Bố nhìn lại nó như không tin.
- Thật mà, hiện tại bà ấy sống một mình lại hay đau ốm. Con qua nói
chuyện cho bà ấy vui, hay là hát cho bà nghe nếu bà thích. Con hát hay được cô giáo
khen đấy – Nó lại líu lo khoe.
- Thế thì vui quá, bố biết con gái bố có trái tim hiền từ mà! - Bố khen
- Bố cứ làm như con là người lớn ý. Nó nhăn răng cười mắc cỡ. Nhưng
bây giờ phải bí mật nhé. Nghéo tay với con nha. Nó chìa ngón cái ra bắt bố ịn
vào đó cam kết. Bố con nó đang thủ thỉ bàn tính kế hoạch… Mẹ đi ngang qua hỏi:
“Hai bố con lại âm mưu gì đó. Đúng là nuôi ong tay áo”. Nó chột dạ nhìn bố. Bố
giả lả - “Chỉ con học bài thôi em…”. Mẹ quay đi cười tủm tỉm. Hú hồn.
Hai bố con dấm dúi trốn đi một thời gian. Nó yêu quý bà ấy như mẹ. Mà thật tình bà ấy cũng yêu chiều nó rất mực.
“Cái này má mua cho con nè thích không”. Lúc thì chiếc kẹp có gắn con bướm thật
xinh, lúc thì cái áo bông, đôi dép… Bà hay nhìn nó chăm chăm còn nói nó giống
anh Hai khuôn mặt và tính tình. Nhiều lúc nó còn có cảm tưởng nó là con gái bà
ấy đấy. Những ngày hè nó hay thường rủ bạn
về đây chơi vì nhà có vườn mãng cầu trái nhiều ơi là nhiều. Đó là kết
quả của bố nó đã làm suốt thời gian dài vừa qua để đáp lại ân tình cũ. Má nói:
“Nhà này cũng là nhà của con đó…”. Còn nữa, má hay nấu nước lá sả bắt nó gội đầu cho thơm
và còn dặn tối đến lấy dầu dừa thoa lên tóc cho bóng và đỡ chẻ ngọn. Sau này nó
không cần bố chở nữa mà nó tự đi bằng xe đạp. Ngày đi đón dượng Mười về, má nó
không ngủ được cứ đi ra đi vào mong trời mau sáng. Lăng xăng chuẩn bị thứ này
thứ kia thấy mà thương…
Hôm làm giáp năm cho bà nội, má và dượng quảy một gánh chuối sứ
vàng ươm xuống nói để cúng bà. Hai người đàn ông ở hai đầu chiến tuyến ngồi
uống trà, hút thuốc chuyện trò tới khuya. Bên lề cuộc sống họ cũng chỉ là những
người bình thường như bao người khác. Mẹ và má nó bận tíu tít, luôn tay làm mọi
việc lại còn gói cả bánh ít nhân đậu xanh nè, bánh tét nè. Rồi một xoong thật
to gari nữa, thơm quá là thơm. Nó quấn quýt bên hai bà mẹ thấy mình thật có
phước.
N.T.N (Bình Thuận)