Home » Archives for tháng 10 2020
Ông về lúc mọi người chuẩn bị dâng hương lên bàn thờ gia tiên. Cả họ vui mừng. Bà Ba xúc động lặng người không nói được câu nào, bàn tay bưng tô cơm chưa kịp dâng run bần bật. Cô Tám đứng cạnh đỡ bà trong lúc rối rít chào:
- Trời ơi! Vậy là anh về rồi. Mấy hổm rày ai cũng nôn nao đoán, không biết anh còn sống không? Mà nếu sống chắc anh về vào dịp Tết.
Bây giờ bà òa khóc. Ông nhìn bà, cảm xúc đan xen không dám bước tới ôm vợ cho thỏa niềm mong ước. Vợ ông già đi nhiều so với trí nhớ và tưởng tượng. Nhưng có sao đâu? Đó là người phụ nữ đã vì ông mà chờ đợi hai mươi hai năm. Ông lo lắng hỏi:
- Thằng Nghĩa đâu? Mọi người chỉ anh con trai cao lớn đứng nép bên cánh cửa, mặt đỏ lựng lắp bắp “ba”.
Bà sực tỉnh: - Vậy thằng Ân đâu?
- Nó còn bận công tác, sẽ về sau.
* * *
Khuya lắm mấy người đàn ông mới ra về. Thằng Nghĩa, con chị cùng hai đứa cháu ngoại cũng ý tứ đi ngủ sau khi được ông hỏi đủ thứ về cuộc sống và học tập. Ông ngồi đối diện nhìn vợ. Người đàn bà của ông tóc bạc gần hết, làn da đen nám, má nhiều vết nhăn. Ngày ông đi bà ba mươi hai tuổi. Bà lớn hơn ông bốn tuổi. Thời của ông, hôn nhân do cha mẹ sắp đặt. Cha ông nói cưới con gái già dặn chút về sẽ biết lo cho gia đình, biết làm ăn. Mà đúng vậy. Tương kính, hiếu thuận trong tám năm liền bà sinh cho ông một gái, hai trai. Người đàn bà nồng nàn ấy giờ đã năm mươi bốn tuổi. Ông khẽ khàng hỏi:
- Mấy mươi năm nay, người ta có gây khó cho mình nhiều không?
Bà rớt nước mắt. Bao năm một mình gánh gồng cuộc sống năm người và nhân nghĩa cả họ, lúc này đã có người nhớ, hỏi thăm. Bà tủi thân, yếu mềm sau bao chai sạn. Những khó khăn ngày thường có là gì so với tháng năm đằng đẵng cô đơn chờ chồng con?
- Lúc ông mới đi, tối tối bên ông Diệm bắt lên xã để tra khảo, buộc gọi ông về. Nhưng tui nói đàn bà không biết việc ông làm. Chán rồi họ cũng thôi. Bà đổi cách xưng hô, tự nhiên như chưa từng em em, mình mình.
- Còn bên hàng xóm, họ hàng?
- Phía dưới có lấn thêm chút ít nhưng không bằng chỗ thằng Tam con chú Sáu. Từ ngày chú Sáu mất, thằng Tam dời hàng rào qua mình mấy mét. Tui không dám nói nhiều vì nó đòi đâm chém. Đàn bà con dại lại không chồng, chỉ cần nó đứng bên kia chửi đổng là mình đã sợ.
Ông xót xa nhìn vợ thăm dò: - Thằng chồng con Khế đâu?
Bà tái mặt ấp úng, vẻ sợ hãi: - Nó… nó không chồng.
Ánh trăng rọi vào song cửa làm mặt ông trắng bệch. Không chồng mà những hai đứa con. Đứa nào cũng đang tuổi thanh niên, chứng tỏ sau khi ông đi không lâu con gái đã hư hỏng. Cả họ chưa bao giờ xảy ra điều đó. Thật chẳng ra gì!
- Thằng Ân giờ ở đâu? Làm gì?
Bà mạnh dạn nhìn ông chờ câu trả lời và nhận ra ông còn quá trẻ so với bà. Đến lượt ông lúng túng, khó khăn trong lời nói dù đã chuẩn bị sẵn: - Nó… đang công tác ở Sài Gòn, nó là phóng viên.
- Nhưng hòa bình rồi. Lý gì nó cũng phải về thăm gia đình, thăm mẹ chớ. Cả năm rồi còn gì?
- Thôi khuya rồi, mai nói tiếp. Giờ mình đi ngủ. Anh ngồi trên xe hai, ba ngày đường cũng mệt rồi.
- Ông lên phản ngủ cho mát. Tui quen nằm dưới chái hiên này - bà đỏ mặt ngó sang hướng trăng chiếu vào. Ông thoáng ngạc nhiên nhưng nhận ra ngay. Ông và bà đâu còn chiếc giường chung ngày nào sau mấy mươi năm xa cách.
* * *
Bà trằn trọc không ngủ. Ngoài con sông cạnh nhà, tiếng cá quẫy đuôi đánh “bõm”. Giỡn gì mà mạnh dữ? Như muốn đánh thức cả vùng sông. Không nhìn bà cũng biết bóng trăng trên mặt nước sẽ méo xẹo, tan ra rồi tụ lại, tan ra rồi tụ lại... Đó là tiếng quẫy của đôi cá tràu bà thường thấy vào ban ngày dẫn con đi ăn đêm? Lúc nào cũng quấn quýt, lượn lờ có nhau ngay cả khi đang nuôi đám con nhỏ. Thấy mà ghét. Dù vậy bà luôn tìm cớ để che chắn, giấu kỹ chúng. Bà thương cái cách “cá chuối đắm đuối vì con”.
Ánh trăng vẫn chếch vào hiên nhà sáng mồn một, soi rõ chiếc giường cô đơn, cũ kỹ chiếu chăn. Cũ kỹ cả người đàn bà năm mươi bốn tuổi phải qua bao tháng năm dầm mưa dãi nắng. Sau khi ông đi một thời gian ngắn, buồng tân hôn thành cái lẫm lúa để ngừa trộm cướp. Những năm đói khát, chỉ cần sơ hở chút là trộm vào nhà. Không giấu cất kỹ lấy 36 l VĂN NGHỆ AN NHƠN gì nuôi con, hiếu nghĩa? Buổi ông đi trăng thức ngoài song, bà đang ở lứa tuổi chín rộ, nảy nở của người đàn bà sau sinh nở. Bầu ngực căng phồng đã từng làm ông say vùi dẫu bà lớn hơn bốn tuổi. Cái mê đắm của đàn bà khi ấy cũng khao khát hơn, mãnh liệt hơn như muốn dìm cả hai người. Bà hồi tưởng những đêm trăng tròn rưng rức nhớ chồng, rưng rức nhớ phút giây da thịt, bà ước có kẻ vào trộm lấy bà. Có chớ sao không? Đàn bà góa đang mùi mà đàn ông bỏ qua thì trời tru đất diệt! Nhưng bà là dâu trưởng cả họ, biết bao con mắt ngó chừng. Hai, ba ngày, ông chú thứ sáu ghé vào vờ thắp cây hương rồi nhìn sâu vào mắt bà dặn dò:
- Ráng chờ, hai năm chứ mấy? Nháy mắt tới liền. Đàn bà, con gái phải giữ thân cho sạch.
Niềm tin gia phong cả họ và ông đặt vào. Bà chưa kịp hư con gái đã hư. Nó lỡ dại, bà chì chiết không tiếc lời nên bà phải nhịn. Hai năm, năm năm rồi mười năm. Nhịn riết thành quen.
Nay ông về. Nghe nói ông làm cách mạng nhưng chỉ ngồi bàn giấy vì có chữ nên ông vẫn trẻ. Nhìn ông lúc này như đứa em út của bà. Bất giác bà đưa tay lên ngực. Cái nơi ngày xưa rạo rực, say đắm giờ như quả mướp khô đèo! Nó chảy xệ, héo hắt và nhăn nhúm đến thảm. Bà ngồi dậy, lén nhìn mình qua ánh trăng. Bàn tay, bàn chân đã lâu không ai cầm nắm, vuốt ve để sưởi ấm cũng chẳng cần gìn giữ. Chúng dính phèn, vàng khè đất bùn. Cơ thể nguội lạnh sẽ thẹn thùng biết bao nếu phải trần trụi trước ai cho dù là chồng bà. Mà hơn hai mươi năm da thịt của nhau cũng lạ lẫm. Người đàn bà đã hết thấy tháng sáu, bảy năm rồi, còn gì để cho nhau?
Nhưng ông về bà mừng. Vợ chồng là nghĩa trăm năm, đâu chỉ vì những điều chăn chiếu. Hết tiếng súng, chồng bà còn sống, con bà có cha để cậy nhờ. Hai đứa cháu ngoại sẽ đi vào nề nếp. Gánh nặng dòng tộc bà trao lại cho ông. Dù sao ông cũng rất yêu bà nên bao năm qua ông đã giữ trọn lời hứa. Ít ra đến lúc này ông vẫn không có ai khác ngoài bà. Vầng trăng hai nửa lại vẹn tròn.
* * *
Ông nằm nghe tiếng gà gáy sáng. Bờ nước bên ngoài vỗ oàm oạp, ngọt ngào mùi đất quê nhà. Con tắc kè ở đó vẫn đếm nhịp tắc kè, tắc kè quen thuộc. Nó là con thứ mấy trong đám cháu chắt con tắc kè tuổi nhỏ của ông? Sao mà bức bối lạ lùng! Ông ước được nhảy ùm xuống bến nước, nơi mẹ và vợ ông vẫn thường ra giặt giũ, cọ rửa nồi niêu. Tiếng còi tàu chạy ngang thả vào không gian một hồi giục giã. Ôi! Tiếng còi xao xuyến cả đời người như tiếng gọi người thương! Bao ngày sống ở đất lạ, ông mong ước tiếng tàu như phép thần thông đưa ông về với quê hương. Ông cười thầm về những ước ao đời thường của mình. Sau khi thắp hương gia tiên, chia quà cho các con, ông sẽ ôm vợ, đặt tay lên bầu ngực mềm ấm của bà. Cảm nhận được sự rung động của vợ truyền đến cho mình đam mê mãnh liệt. Ông sẽ ngủ vùi trên đó. Một giấc ngủ ngon lành, bình yên. Những ngày xa bà có biết bao người đàn bà khác ông gặp gỡ đã gợi tình. Họ cũng lúng liếng mắt môi, đánh thức bản năng, làm ông đi lạc. Nhưng chưa có người đàn bà nào cho ông cảm giác an toàn và chất ngất như bà. Chỉ có bà hiểu ông muốn gì. Như con sông quê nhà dư thừa phù sa nhưng biết đắp bồi thế nào cho trù phú ruộng đồng, bờ bãi mà dòng chảy vẫn hiền hòa. Bóng dáng bà như người chị, người vợ, người em ân cần, ấm áp, dịu dàng, giúp ông vượt qua cám dỗ đời thường và sống có thủy có chung.
Ngoài sông có tiếng con cá quẫy. Cây sung nơi ông và vợ vẫn thường núp tắm chắc đã rất già? Không già làm sao được sau bao tháng ngày thay chồng nuôi con, gánh vác thừa tự cho cả họ? Đứa con trai bà nuôi ăn học đàng hoàng, nó đang là sinh viên năm cuối của Đại học Đà Lạt. Thằng Ân, anh nó được cha dẫn theo, che chở, bảo vệ lại không còn. Nó ra đi khi chỉ vài ngày nữa là gia đình ông có thể hạnh phúc sum họp. Đến giờ nó nằm nơi đâu lúc đang hừng hực khí thế tiến vào Sài Gòn? Ông chưa biết trả lời với bà như thế nào về nó.
Ông choàng dậy, bước xuống phía hiên bà nằm. Qua tiếng thở ông rõ bà chưa ngủ. Ngủ sao được? Như cái đêm đầy biến động ông từ biệt bà để ra đi. Lặng lẽ ông nằm xuống ôm vợ, nâng đầu bà đặt lên tay và nhận ra mặt bà đầy nước mắt. Thương đến xót lòng, ông hôn vợ. Bà lặng im rồi hôn lại, mềm nhũn. Ông lần tay cởi khuy áo bà. Bà đẩy ông ra, mạnh mẽ không chút giả vờ. Ông không bất ngờ. Ông hiểu vết cứa muốn lên da non cũng cần có thời gian.
* * *
Sau mươi hôm nấn ná thăm bà con, hàng xóm ông đến cơ quan nhận công tác. Ông giờ là giám đốc thương nghiệp tỉnh. Bà vẫn ở nhà làm vườn, chăm ruộng như thường ngày. Chỉ có điều khác là bà tươi tắn, mặt lúc nào cũng ửng đỏ như cô dâu ngày cưới. Thằng Tam vẫn soi mói, xấc láo như ngày nào. Nó đợi bà ra vườn rồi giả vờ đứng bên kia rào lơ láo nhìn trời, bóng gió nói to:
- Gái có hơi trai như phai có hơi cuốc.
Trời đất! Lúc này bà là con gái thì chết cũng ưng. Nhưng tuổi này mà nó nói bà như khoai lang ưa hơi cuốc thì thật là trơ trẽn. Bà xám mặt ngoay ngoáy bước vào nhà.
Mọi thứ dần đi vào chiều hướng tốt đẹp. Tự dưng thằng Tam bưng rượu qua nhà xin lỗi rồi dời hàng rào về chỗ cũ. Thằng Nghĩa chuẩn bị nhận nhiệm sở dạy học gần nhà. Hai đứa cháu ngoại xin được việc. Lương hàng tháng ông đem về giao cho bà quản. Tất cả đều tròn trịa. Bà thúc ông gọi thằng Ân về để thành đầy đủ một gia đình. Giữa lúc bà tràn đầy hân hoan thì ông ngập ngừng nói thằng Ân hy sinh, mất xác. Bà chết điếng, người như vỡ ra không chấp nhận. Ngày ông đi nó mới sáu tuổi, bà cầm tay ông dặn dò tha thiết, mong ông bảo bọc, che chở để bà được thấy nó về an lành. Đứa con trai như ngôi sao sáng của bà. Vậy mà giờ nó nằm ở đâu ông không biết!
Bà vật vã khóc, ông cũng khóc. Nỗi đau buồn bấy lâu đè nén riêng giờ mới vỡ òa. Ông xin lỗi bà:
- Anh xin lỗi em, xin lỗi gia đình vì không giữ được con như lời hứa. Nhưng con đã lớn, có ước mơ, hoài bão riêng. Mất con lòng anh cũng đau như xé, đâu phải riêng em?
* * *
Tối, bà ra bờ sông giặt. Từ ngày biết mất thằng Ân, bà hay giặt đêm. Bà tránh ông, bỏ mặc ông bần thần nơi bậu cửa. Trăng mười sáu tròn vành vạnh in trên mặt nước, dát vàng con sóng gợi tình. Nơi này, ngày mới ưng ông, bà hay tắm đêm mỗi khi nhà chỉ còn hai vợ chồng. Bà để mặc ánh trăng ve vuốt, để ông mê mẩn nhìn cặp đùi trắng ngần ướt át tuổi hai hai. Ông mười tám, hổ xám nằm vùng. Bà già dặn hơn ông cả ăn ở và chăn gối khiến ông như chết ngộp. Thời gian nhanh biết bao! Thoắt cái mà già, mà lạnh tanh như lửa tắt. Bà nhớ lại đêm ông tỏ thiệt mất thằng Ân, bà trôi trong u minh. Ông ân cần vỗ về, âu yếm để chia sẻ, đền bù. Bà vỡ vụn. Xấu tốt, nhão nhẹt cần gì che đậy nữa. Bà nằm vật ra. Bà cũng muốn giải tỏa nỗi nhức nhối, đau đớn mất con. Đến lúc tưởng chừng sẽ ở trên đỉnh Nga Mi thì trời ơi! Xót như xát muối. Cảm xúc rớt bịch, bà hất ông xuống. Dưới ánh trăng sáng rọi từ mảng ngói vỡ nơi mái nhà, bà thấy ông ngỡ ngàng, thất vọng.
Tháng rồi có mấy cô cùng cơ quan ông đến thăm nhà. Láng trơn, ướt rượt nói, cười: Anh Ba... anh Ba. Ngứa cả gan! Thứ đàn bà đâu mà dạn dĩ đến trẽn. Vừa nói, vừa cười rồi đánh bẹp vào cánh tay ông. Bà nghiêng mặt háy. “Chồng như củi mục gầm giường”, bà không dùng nhưng cất đấy. Bà cũng có thời tươi tắn, chín nẫu nhưng đã dùng để đợi chờ. Cái rừng rực đó bà quá tỏ. Bây giờ có đền bù cũng không tắm được trên dòng nước cũ. Đập mạnh cái quần trên mặt sông bà lầm bầm: “Ai mà đụng đến trầm hương của bà”. Bà cất giữ thứ tình yêu nồng ấm da thịt vào đống tro tàn, nhưng đó là của riêng bà. Đừng có mà tưởng bở rồi đú đởn.
Mới hôm kia có cô gái nhìn xinh lắm xách giỏ trái cây đến biếu. Chú chú, cháu cháu úp mở. Không biết quan hệ thế nào, nhưng bà nghe cô gái thỏ thẻ, mắt sóng sánh:
- Bà cụ vui lắm khi nhận được quà tặng của chú nên khỏe hẳn ra. Bà nhờ cháu đến cảm ơn chú.
Tiếng ông ôn tồn:
- Thưa với bà cụ cứ nghỉ dưỡng cho khỏe. Việc nhỏ đó là chút tình cảm và trách nhiệm thôi.
Bà ức đến tận cổ. Thế này thì quá! Lại còn dấm dúi nữa chứ. Ông nay trâu già muốn gặm cỏ non. Khách về rồi bà thẳng tuột:
- Tui và ông giờ như trăng lệch. Mọc đàng đông thì không thể sáng đàng tây.
Ông nhìn bà ngạc nhiên rồi chợt hiểu. Ông cười:
- Mình thiệt kỳ. Đó là cô cháu gái của bà cụ đã mất đứa con trai duy nhất khi cùng chiến đấu với anh. Bà ấy già yếu, anh đại diện cơ quan thăm hỏi.
Bà không cần biết! Ai biết ma ăn cỗ lúc nào? Bà vơ mớ quần áo mới giặt hôm qua chưa kịp xếp lại ra sông giặt.
* * *
Bà quyết định đi Sài Gòn. Bà muốn nhìn cái nơi thằng con ngã xuống để nỗi ám ảnh về đứa con trai lưu lạc không còn chập chờn trong giấc ngủ khó của người già. Bà cũng muốn ông cuống quýt, đau khổ tìm bà. Ai đó nói đỉnh cao của tình yêu là sự ích kỷ. Ông cứ mãi phân bua phải đi vì lý tưởng, yêu nước. Vậy bà không yêu nước chắc? Bà còn yêu nước hơn mười lần ông. Để một đứa con đứt ruột đẻ ra theo ông khi nó vẫn cần bàn tay chăm sóc của mẹ, lo mối hiếu thảo cho cả họ, hi sinh tình cảm gia đình giúp ông nhẹ gánh, giữ gìn thân trong sạch chờ chồng. Đó không là tình yêu nước lớn lao trong tình yêu mộc mạc của bà sao? Ông hứa chỉ đi hai năm rồi biền biệt hai mươi hai năm. Bà không trách gì nhưng cái xuân sắc của bà đi đâu rồi trong khi ông mới năm mươi tuổi, còn trẻ thế?
Ở giữa thành phố đông đúc, người người tất bật, bà chợt nhớ và thương ông. Ánh đèn xanh đỏ đủ màu như soi thấu tâm trạng rối bời của bà. Chúng biết bà đang ghen bóng, ghen gió với chúng. Cột điện chơ vơ câm lặng hiểu được sự cô độc của người đàn bà đang muốn kéo lại xuân sắc và sợ hãi trước sự lỗi nhịp của mình đối với người chồng hết lòng yêu. Những năm tháng xa quê, chắc ông cô đơn và nhớ gia đình lắm cho dù có người phụ nữ nào khác bên cạnh. Làm sao để đêm đông giá rét không nhớ cái lư hương cha mẹ, ngôi mộ ông bà? Mùa hè nắng nỏ làm sao ngủ được khi nghĩ về dòng sông quê và người thương đã từng cùng mình tắm gội?
Xong bữa cơm chiều, bà báo với đứa cháu họ đi loanh quanh gần thôi và sẽ về sớm. Bà thơ thẩn tìm. Chỗ nào là nơi con bà ngã xuống trong nhộn nhịp muôn màu nhấp nháy và cơ man ngôi nhà cao tầng? Cuộc sống vẫn tiếp nối. Bà hiểu ra phải có người đi trước khai phá, hy sinh để người sau bước tiếp. Con trai khôi ngô, tinh tấn của bà chắc chắn sẽ tự nguyện làm người xách đèn đứng gác đêm như cha nó để thành phố đẹp này yên tâm ngủ. Bà bước trong vô thức. Khi nhìn thấy dòng chữ: “Ngã Ba Hàng Xanh” thì thành phố gần như yên tĩnh. Ở một góc tối, bà giật mình thấy dáng cậu con trai cao lớn của mình im lìm đứng. Hay nó đi tìm bà? Bước vội tới sau lưng, bà nắm tay áo nó hỏi:
- Con làm gì ở đây?
Người con trai quay lại:
- Bác nhầm ai phải không? Ơ! Bác giống mẹ cháu quá!
- Thế à? Bà cụ làm gì?
Chỉ tay về người đàn bà tóc như sương được búi thấp đang ngồi trên chiếc ghế nhỏ dưới bóng đèn cao áp, cậu con trai nói:
- Mẹ con kìa. Từ ngày biết ba và anh con mất ở chỗ này trong đợt tấn công vào Sài Gòn, mẹ con đâm ra lẩn thẩn. Đêm nào không ra đây nhìn, bà không ngủ được nên đêm đêm con phải chở bà đến rồi chờ. Khổ lắm! Nhà nghèo xơ xác, con phải làm đêm nhưng hôm nào không dắt bà ra nơi này bà như hóa dại. Nhà xa lắm chứ ít đâu!
Bà lặng người, mặc cảm xấu hổ. Cậu con trai dắt bà đến mẹ. Người phụ nữ nhìn bà ngạc nhiên: - Chị cũng ra đây tìm chồng, con à?
Bà chảy nước mắt gật đầu rồi ôm người phụ nữ đôn hậu mặc chiếc áo cũ đầy mụn vá. Bất giác bà đưa tay vào túi, lấy tất cả số tiền có dúi vào tay người phụ nữ kia rồi nhỏ nhẹ: - Chị mua chiếc áo mới cho mình, ít trái cây cho cháu và anh ấy.
- Rồi lấy gì bác dùng, nhà bác chỗ nào? Đêm khuya rồi đấy.
Bà sực nhớ, nói số nhà.
- Ồ! Khá xa. Để cháu gọi chiếc xe ôm quen. Đi một mình về đêm khuya nguy hiểm.
Trong khi anh con trai nhìn quanh tìm chiếc xe, bà nắm chặt tay người đàn bà không quen biết, nước mắt chảy lặng thầm. Bà hiểu nỗi cô đơn, đau khổ nhiều lần hơn của người bên kia.
Ngắm những ngọn đèn cao áp chiếu ánh sáng xuống thành phố trong đêm, bà thấy chúng như những vầng trăng tròn vành vạnh. Bà ước có mặt quê nhà lúc này để được nói với ông: - Em và mình dẫu có như vầng trăng lệch, mọc đàng đông vẫn sáng rỡ ở đàng tây.
M.X
Chuyện mùa đông
Chẳng còn gì bất ngờ
mùa đông lại đến từ phía sau
vời vợi những câu chuyện
không đầu
không cuối
hàng cây ven đường trơ tóc xõa
nụ cười nhàu nhĩ buổi sáng
giọng nói khô gầy buổi sáng
cà phê đắng
môi hôn
thoáng cái choàng vai
cúc áo hờ hững lệch
chong chóng tình yêu
nhớ gió
bỗng xoay vù
mùa đông
gốc bàng thành thiếu phụ
rứt xuống mặt người
nghìn chiếc lá cô đơn
thành phố buồn tênh
bài hát cũng buồn tênh
... yêu nhau mùa đông...
... xa nhau mùa đông...
anh chẳng biết làm sao
để nói về những ký ức mùa đông
đi qua thơ anh
bằng nỗi nhớ không đầu
không cuối
Đốm sáng
(Với Đồi Cốc - Nghĩa trang thai nhi)
Không dưng bỗng dừng lại chốn này
con đường đất
những mắt lửa nhập nhòe
mùi cỏ đêm ngây dại
ngước nhìn lên
bao cành lá ngủ mơ u uẩn
vầng trăng chìm giữa nhạt nhòa
gió len lỏi rền rĩ trong muôn tán lá
đêm lạ lùng
nghiêng
những đứa trẻ, túa ra từ đêm
chúng chạy nhảy thành một vòng tròn
chúng chạy nhảy xuyên qua đám cỏ
đôi mắt sâu như những ngọn gió
chúng
nhìn tôi
những đứa trẻ không được chào đời
trên bãi đất nhô lên lạnh lẽo
trên gương mặt héo
trên đoạn đường về đến nghĩa trang
chúng
hóa thành những đốm sáng
lang thang
Vỡ
Gió tước hết những chiếc lá bạc màu
Mùa thu trả về im lặng
Vườn đêm qua một cơn mưa lắng
Hạt chồi tách hương
Dòng sông rẽ đôi những cung đường
Cỏ ri ri tiếng dế
Giọt nắng đầu tiên đã vỡ
Trên mắt người
ngủ mê
N.Đ.P.T
Đầu hồi bên trái ngôi nhà ngoại có cây điều già rất to. Không biết “đại thụ” được trồng từ bao giờ, mà ngày bé, những dịp Tết nhất, giỗ chạp chúng tôi thường túm tụm chơi trốn tìm, chơi đồ hàng ở dưới gốc đó và đã thấy cây cao to lắm rồi.
Cây điều này, có lẽ già nhất trong vườn nhà ngoại, gốc to cả một ôm tay, sần sùi những u những bướu. Cách gốc cây chừng bốn mươi phân vẫn còn vết hằn chỗ cậu Út xích con vàng thuở nào. Con vàng chết vì già tự bao giờ mà dấu tích thì cụ điều vẫn còn lưu lại đến bây giờ. Cậu Út bảo sợi kẽm ngày nào đã lặn vào trong cây vì cậu quên không cởi bỏ ra. Thật tội nghiệp cụ điều! Rồi tháng tháng ngày ngày, một lớp vỏ mới bao bọc, một sẹo lồi vòng quanh che lấp sợi dây kẽm. Cụ điều vững chãi rả xuống mấy cành thấp vươn xoãi rộng, có cành la đà sát mặt đất. Bọn con nít chúng tôi tha hồ leo trèo lên đó rồi nhún rồi nhảy thích thú vô cùng.
Cậu Út bảo, ngày ngoại còn sống dạy, chỉ cần nhìn lá cây điều già này là biết được “tiết trời” năm ấy. Thời tiết ở Bình Phước “thủ phủ của trái điều vàng” rất đặc trưng cho khí hậu hai mùa mưa nắng miền Đông Nam Bộ. Hết mùa mưa, cây điều bắt đầu rụng lá. Lá rụng lá rơi rất đúng quy luật tự nhiên. Lá điều rụng xuống làm tấm thảm ngăn không để nước bốc hơi, giữ độ ẩm cho vườn rồi từ từ hoang hoải lại thành lớp mùn lẫn vào lớp Bazan đỏ thẫm vốn đã mỡ màu. Âm thầm dưới lớp mùn tự nhiên đó, con giun, con dế, con mối, con kiến thoải mái thức ăn và bộ rễ vĩ đại của cụ điều tha hồ mà đưa dưỡng chất lên làm cuộc sinh tồn. Khi những lộc non tia tía bật nhú đầu cành thì tiết trời đã se se lạnh. Kỳ diệu thay, chỉ dăm bữa nửa tháng, lớp lá non đã xanh biếc đầu cành. Và cụ điều lặng lẽ đơm bông. Đơm bông, kết trái, trái điều chín có màu đỏ cam, tỏa một hương vị rất riêng. Mà cụ điều có trái và hột không to như các giống điều ghép, điều cao sản nhưng vị ngọt đậm đà, ít chát và năm nào cũng đúng dịp chẳng chịu lỗi mùa.
Những trái chín bói đầu mùa, hay vào dịp Tết đều được ngoại hái rồi chưng cùng các loại hoa quả khác. Hương điều thơm thơm lan tỏa, quyện với hương trầm thật ấm cúng.
Anh Tần con dì Hai, nhỏ Mai, nhỏ Cúc con dì Tư và tôi đều thích về nhà ngoại. Chúng tôi tự hái những trái điều chín mọng thấp lè tè vào chấm muối ớt. Chén muối dầm ớt hiểm đỏ tươi cay xé lưỡi, quả điều chan chát ngòn ngọt mê ly.
Cả nhà ngoại và nhà tôi ai cũng thích quấn bánh tráng với trái điều chín. Lựa cây điều có trái ít chát xắt lát thêm ít rau thơm, tai heo, lưỡi heo luộc chấm mắm nêm. Chao ôi ghiền!
Thích nhất là những hôm rảnh rỗi, theo cậu út ra vườn nướng hạt điều. Cậu kéo chúng tôi ra xa, xa tận góc vườn vì mùi hạt điều nướng khiến ngoại khó chịu. Ngoại bảo hột điều đang tươi đốt nướng bốc hơi khen khét hôi hôi. Mà đúng là hột điều tươi nướng bốc mùi hôi thiệt. Nhưng bù lại, sau khi cháy hết tinh dầu lớp vỏ cứng, nhân điều bên trong đã chín thì hương vị của nó lại thơm thơm ngầy ngậy, quyến rũ vô cùng. Cời hột điều đen nhẻm, nóng hôi hổi ra khỏi lớp than hồng, tụi tôi kê “chiến lợi phẩm” lên cục đá to, lấy cục đá nhỏ hơn đập… Muốn ăn phải lăn vô bếp chẳng sai chút nào. Chúng tôi không dám nướng vì sợ phỏng, nhưng cậu Út bảo, cậu nướng cho rồi tự đập mà ăn. Nhân hột điều vừa nướng, nóng giòn, ăn vừa béo vừa bùi. Ăn một lúc mặt mày tay chân đứa nào đứa nấy lọ lem, nhìn thiệt mắc cười quá xá.
Dì Tư có tài chẻ hạt điều tươi. Dì kềm chặt cái rựa, ngửa lưỡi lên trời, đặt hạt điều lên rồi dùng chày đánh nhẹ, hạt tách làm hai, dì dùng mũi dao cạy nhân ra. Nồi chè hạt điều ngày Rằm hay mùng Một thơm lừng. Chè hạt điều vừa công phu, vừa sang vừa ngon đến mê người. Cậu Út bảo “Đệ nhất chè” quả chẳng sai.
Cả vườn điều nhà ngoại đã được cậu Út thay bằng giống điều ghép mới năng suất cao, lá, trái và hột đều to. Nhờ điều mà không những nhà ngoại mà những gia đình khác trong xã đều khấm khá, cho con cái học hành tới nơi tới chốn. Nhà cửa khang trang sáng sủa… nhưng ông ngoại vẫn thích giữ lại cây điều già ngay đầu hồi nhà. Hoài niệm đâu dễ buông quên vì lúc về Tân Khai mua đất cất nhà, ông ngoại đã trồng cây điều này chống nắng hướng Tây, nhờ đó mà căn nhà luôn mát mẻ. Mùa điều chín thì hương thơm, thơm đến độ thân quen. Dưới gốc điều là cái võng đung đưa, là nơi các cháu chơi ô ăn quan, chơi bán đồ hàng. Trên tán lá, nơi chạc cành thỉnh thoảng lại có mớ dây tơ hồng bám, những sợi tơ vàng ươm buông thõng lay phay theo gió trông mới thơ mộng làm sao. Ngoại ngước nhìn lên cây điều già, bất giác thở dài. Cây điều đã cỗi, mình cũng già lắm rồi! Trải qua thăng trầm thời gian bền bỉ trụ vững với đời cây điều già luôn rì rào đón gió, xòe tán mời gọi chim chóc đến làm tổ, nghiêng che cái nắng gắt của mùa khô Nam bộ.
Và khi những cơn gió lành lạnh ùa về vào sáng sớm, báo hiệu xuân đến nhìn cụ điều vững chãi vươn rộng tán cành che chở căn nhà yên ấm yêu thương thật trân quý vô cùng. Cụ điều già thay áo đầu tiên, trên cành xương trơ trụi xuất hiện những lộc non đỏ tía. Cùng với lộc là những chồi bông. Bông điều từng chùm nhỏ màu trắng, điểm những chấm tím li ti. Điều trổ bông, tỏa mùi thơm dịu. Mùi thơm bông điều phảng phất trong gió rất khó định hình mà khắc đậm trong tâm. Cành la cành bổng, cành gần cành xa từng chùm từng chùm bông điều đơm dày ken. Điều non mới đậu, chẳng thấy trái đâu, chỉ thấy hột hình thận thon thon như những dấu hỏi ai treo hờ hững đầu cành.
Cây điều già lặng lẽ đứng, nghiêng che bảo bọc cho ngôi nhà. Ngoại không còn nữa nhưng năm nào cây điều cũng sai quả và cậu Út lựa hái những trái đầu mùa thắp hương. Chúng tôi, dù đã lớn vẫn mè nheo cậu ra vườn nướng hạt điều, kể chuyện ngày xưa.
Ngày nay về Hớn Quản, ta dễ dàng được thưởng thức những món ngon từ hạt điều. Chè hạt điều, hạt điều nấu la - gu, nấu cà - ri, nấu xôi, làm nhân bánh, làm kẹo hạt điều, hạt điều sấy, hạt điều rang muối, hạt điều rang bơ… Món nào cũng ngon và hấp dẫn... Nhưng sao tôi thấy không thể sánh được với hạt điều nướng với kiểu nướng than củi điều ngoài vườn, những hạt điều cháy xèo xèo, mùi hăng hắc khó chịu. Trong khi nướng thỉnh thoảng xịt khói kêu cái phụt, khiến những đứa đứng hóng phải giật mình. Những hạt điều nóng giòn thơm lừng, ngầy ngậy ngày xưa ấy vẫn luôn in đậm trong tâm trí chúng tôi.
N.T.N.D
ĐỢI
Đong đầy trên hai tay
Nỗi ngọt ngào cây trái
Ấp iu tình vụng dại
Khao khát đợi trăng rằm!
Mắt trăng hồn thiếu nữ
Môi trăng tóc bồng bềnh
Em là trăng muôn thuở
Dọc đời anh lênh đênh!
MƯA ĐÀ LẠT
Một xíu hồng mỏng mảnh dưới mưa bay
Đâu đủ che anh và em khỏi ướt
Mưa đầy trời chiều nay ai biết
Hai ta chung đội chiếc ô hồng
Đà Lạt mưa da diết bao lòng
Ôi cơn mưa rạo rực hồn cây lá
Đi bên em con đường quen hoá lạ
Ta như tan vào biển mưa xanh!
Một xíu hồng mỏng mảnh mong manh
Là cả khối tình anh đó
Rồi chiếc ô có thành căn hộ nhỏ
Em nói gì khi trời tạnh cơn mưa?
TÌNH NGƠ
Đám mây nào trên đỉnh nhớ mông mênh
Nhánh rong nào cuối đường mê phiêu bạt
Hoa dại nào miền hoang vu gió cát
Gọi em về những phía không anh
Em đi qua bao ngày đỏ đêm xanh
Tiếng hoan lạc có vơi dòng nước mắt?
Thương mái tóc liêu trai thuở nào xa lắc
Anh một mình đi suốt nỗi buồn xưa!
Hạnh phúc mong manh sớm nắng chiều mưa
Kỉ niệm cháy ngút lòng hương khói
Anh day dứt ngậm ngùi mong đợi
Chỉ em là quá đỗi vô tình!
Có thể bao lần đêm vắng anh
Em đau đáu chong ngọn đèn hiu hắt
Cũng có thể nơi anh không có mặt
Quên nửa đời sầu em hát nửa đời vui!
Anh thấy em như bóng phù du
Em thoáng hiện ngỡ ngàng rồi tan biến
Mặc cho lòng anh lạc loài dâu biển
Giấu phía trời xa thẳm một tình ngơ!
UỐNG CÀ PHÊ VÕNG
Ở BÌNH PHƯỚC
Đêm cà phê võng đu đưa
Trời cao gió nhẹ, lưa thưa sao hồng
Áp tai ngực nõn phập phồng
Nghe trào nỗi nhớ mênh mông sông Tiền
Giọt từng giọt đắng - diệu huyền
Thoảng hương da thịt cõi tiên bềnh bồng
Phải em từ đất Chín Rồng
Hay em đất Bắc Thăng Long mới vào
Hay em sơn nữ miền cao
Hay em quê biển sóng gào ngàn năm?
Nụ hôn lấp tiếng thì thầm
Giọng ca mật ngọt thăng trầm nao nao
Tưởng quên hết mọi gian lao
Vị cà phê quyện ngạt ngào hương môi
Nghe như núi chuyển sông dời
Níu tay chẳng nỡ nói lời chia xa...
Giọt từng giọt - ôi mặn mà!
Miền Đông- Bình Phước ơi ta hẹn ngày
Đêm cà phê võng tình say!
CÁI ĐÊM PAKSÉ
TANG TÌNH
Lạ bàn tay
lạ em - tôi
Lạ trời lạ đất
lạ hơi lạ tình
Cái đêm Paksé rập rình
Ta đâu còn biết ta - mình là ai?
Môi kề môi
Vai sát vai
Điệu lăm-vông
chảy mướt dài sóng chân
Đôi tim Lào - Việt lâng lâng
Thanh cao cũng lắm
Phong trần cũng ghê !
Dấu son in nửa câu thề
Để ta thờ thẫn nẻo về bâng khuâng...
Mai em về lại Vientiane
Còn ta giây phút ngỡ ngàng Bờ-Y
Thôi còn khoảnh khắc đêm nay
Riết vòng xoay
lả lả say hết mình
Cái đêm Paksé tang tình
Lạ hơi lạ tiếng
lạ tình tôi - em ...
Đ.Q.K
Cây bút LLPB Tuệ Mỹ
(Đọc bài thơ “Khấn mẹ” của Khổng Trường Chiến)
KHẤN MẸ
Cha đem nước độc rừng thiêng
Chạm vào mẹ giữa chợ phiên lỡ thì
Dẻo thơm quan lộ cha đi
Tập tàng mẹ lựa thị phi mang về
Dầu hao nghiêng bóng câu thơ
Trà sen chưa đượm, tóc tơ chưa dày
Áo xô mặn thấm vào cay
Con tung vốc trấu …từ rày mồ côi!
Ngoái trông sáu cửa luân hồi
Thưa mẹ! Hai mấy năm rồi còn đâu
Ngồi đong trọn gánh mưa ngâu
Cắn răng trích dẫn nông sâu riêng mình.
Khổng Trường Chiến.
(Bài thơ được sáng tác tại Nhà sáng tác Đại Lải, 29/9/2020
Hai mươi mấy năm mồ côi mẹ, con một mình lăn lộn trong cõi người ô trọc, nếm trải bao dâu bể cuộc đời. Tứ cố vô thân, một ngày con ngồi đối diện với chính mình, người đầu tiên con nghĩ đến là Mẹ. Nhớ thương lẫn tủi hờn, đau đớn ùa đến lòng con trong phút giây này. Trong trạng thái thực mơ, con lầm thầm khấn mẹ. Đó là nỗi lòng của nhà thơ trẻ Khổng Trường Chiến vọng hướng về đấng sinh thành được anh thổ lộ trong bài thơ lục bát “Khấn mẹ”.
Cha đem nước độc rừng thiêng
Chạm vào mẹ giữa chợ phiên lỡ thì
Khấn mẹ nhưng người đầu tiên được nhắc đến lại là “cha”. Có phải con cho rằng mọi khổ đau hay hạnh phúc đời mẹ luôn gắn liền với cha, kể từ khi có cha xuất hiện trong đời mẹ? Đúng thế, cha “chạm” vào mẹ nghĩa là cha đã mang hạnh phúc đến cho mẹ rồi. Bởi, có người phụ nữ nào mà không khát khao có một bờ vai người đàn ông để tựa, nhất là lúc “giữa chợ phiên lỡ thì”. Và sự hiện diện của con trên cõi đời này là kết quả tình yêu của cha mẹ, cũng là món quà quý giá mà Thượng đế đã ban cho người phụ nữ với tên gọi thật sang trọng: làm mẹ. Làm vợ và làm mẹ là thiên chức cao cả, là niềm hạnh phúc lớn lao của người phụ nữ. Chính cha là người đã mang lại hạnh phúc này cho mẹ. Do thế, khi nói về hạnh phúc của mẹ, con không thể không nói đến cha. Xem như đó là một lời tri ân người đã mang lại hạnh phúc cho mẹ mình.
Viết về hạnh phúc của mẹ, ngòi bút của Khổng Trường Chiến lại nghiêng về thiên chức làm vợ hơn. Vậy nên:
Dẻo thơm quan lộ cha đi
Tập tàng mẹ lựa thị phi mang về
Khổng Trường Chiến rất có lý khi đưa thi ảnh “tập tàng” để vận vào đoạn đời này của mẹ. Trong mớ “tập tàng” đó vừa có cái “lỡ thì” của mẹ, vừa có “rừng thiêng nước độc” của cha và có cả “thị phi” nữa. Đúng là một mớ hỗn tạp chẳng có gì tốt đẹp, giá trị cả. Vậy mà mẹ phải “lựa”. Kết quả là “thị phi mang về”. Đây là sự lựa chọn đúng đắn. Dù thị phi có cho rằng mẹ, vì “lỡ thì” nên “lấy đại” một người “mang rừng thiêng nước độc” về gieo rắc. Nhưng mẹ đã bất chấp, đạp lên miệng đời để đi tìm hạnh phúc cho mình dù không biết hạnh phúc đó bền chặt hay mong manh. Trong mắt con, mẹ là người mạnh mẽ, biết tự quyết định hạnh phúc của mình, không hề bị tác động bởi búa rìu dư luận. Chấp nhận thị phi để cho chồng “dẻo thơm quan lộ”, cũng là tận hiến cho tình yêu mà.
Tận hiến cho tình yêu nhưng tình yêu không theo mẹ đến tận cuối cuộc đời. Cuộc tình của mẹ “Trà sen chưa đượm, tóc tơ chưa dày” thì mẹ đã sớm rời xa cõi tạm này. Để cho con:
Áo xô mặn thấm vào cay
Con tung vốc trấu… từ rày mồ côi!
Ngày đưa tang mẹ, con còn bé lắm chưa hiểu nhiều về tử biệt sinh ly. Nhưng mơ hồ trong tâm thức, con hiểu rằng ngay từ lúc này con đã “mồ côi”. Khác với Nguyễn Phúc Lộc Thành diễn tả tâm trạng người con lúc đưa tang mẹ “Mẹ ơi/ con nấc ời ời/ tím lên ngằn ngặt một trời ấu thơ”, “Mẹ ơi/ nước mắt còn tươi/ còn nguyên quằn quại/ cõi người trên mi”, Khổng Trường Chiến không nói đến nước mắt nhưng với hai thi ảnh “áo xô” và “con tung vốc trấu”, anh đã phơi trần nỗi lòng của con ngày mẹ về với đất. Áo xô thì “mặn thấm vào cay”. Ngày con khoác “áo xô” tiễn mẹ cũng là ngày con khoác áo “mồ côi”. Cay mặn cuộc đời đã “thấm” vào con từ ngày đấy. Còn vốc trấu “con tung” như lời “công bố” chua chát với thế gian rằng con, “từ rày mồ côi”. Hai thi ảnh này được đặt ở đầu câu lục và câu bát xem như lời lý giải cho “mồ côi” nằm ở cuối cặp lục bát này. Rõ ràng, không có nước mắt nhưng người đọc như nghe được tiếng nấc của người con trong khoảng lặng tâm hồn ở chỗ ngắt ngừng dấu (…) của câu thơ. Không có nước mắt nhưng hai câu thơ đã lấy đi nước mắt người đọc về “áo xô” con mặc và “vốc trấu” con tung.
Ký ức về mẹ lắng lại để cho con nói về mình: “Ngoái trông sáu cửa luân hồi/ Thưa mẹ! Hai mấy năm rồi còn đâu”. Con mồ côi mẹ “Hai mấy năm rồi” còn gì! Ngần ấy năm mồ côi là ngần ấy năm con sống trong niềm thương nỗi nhớ người mẹ đã khuất của mình. Tình yêu ấy đã trầm tích theo tuổi đời con và dày theo năm tháng. Trong phút giây này, tự sâu thẳm lòng con bật lên lời “Thưa mẹ!”. Đây là điều thưa: Con “Ngồi đong trọn gánh mưa ngâu”. Mưa ngâu tháng Bảy. Mà tháng Bảy là mùa Vu Lan, mùa báo hiếu. Báo hiếu mang tên “mùa” đã là sâu nặng lắm rồi vậy mà Khổng Trường Chiến còn “gánh” cả mùa nữa thì thật là… vô cùng nặng sâu. “Trọn gánh” mưa ngâu, làm tròn chữ hiếu, đó là điều là con muốn thưa cùng mẹ. Đạo hiếu nặng sâu vô lường như vậy thì làm sao mà “đong” được. Có lẽ Khổng Trường Chiến không có ý dùng “đong” để định lượng lòng hiếu thảo mà là để đong đếm tuổi đời của đứa con mồ côi đã chất chứa buồn đau bất hạnh. Phải, đứa con côi cút của mẹ, hai mươi mấy năm vào đời đã “Cắn răng trích dẫn nông sâu riêng mình”. Câu thơ này nằm tận đáy bài thơ tựa như cái túi lớn đựng bất hạnh đoạn trường đời con suốt hai mươi mấy năm côi cút. Cái túi đựng kia như phồng to hơn khi Khổng Trường Chiến thả vào đó hai cụm từ “cắn răng” và “riêng mình”. “Cắn răng”, tận cùng chịu đựng, tận cùng kìm nén đớn đau. Đau đớn tận đỉnh mà chỉ “riêng mình” chịu đựng thì bảo sao cái túi đựng kia không oằn nặng, to phồng. Câu thơ như khắc nổi hình ảnh đứa con mồ côi quằn quại trong niềm đau không có mẹ, lại bị ném vào dông tố cuộc đời. Niềm đau đó không người chia sẻ đã vỡ òa thành… thơ.
Bài thơ có tiêu đề là “Khấn mẹ” nhưng con mới dừng lại ở lời “thưa” thôi. Thưa với mẹ về nỗi buồn đau, thương nhớ mẹ, trọn đời hiếu thảo với mẹ và chia sẻ những gian truân đời con khi phải khoác áo mồ côi, chứ chưa thấy con “khấn”, cầu xin mẹ điều gì. Có phải lời “khấn” đó còn nằm trong khoảng không gian trống, trắng của bài thơ mà tác giả muốn người đọc tự bước vào suy ngẫm?
Là một cây bút trẻ nhưng thơ Khổng Trường Chiến lại đậm màu suy tưởng và buồn. Có phải chính những trải nghiệm cuộc đời đầy bi kịch của mình đã khiến cho thơ anh mang “màu” như thế. Cái “màu” ấy càng đậm hơn trong bài “Khấn mẹ”, một bài thơ viết về người mẹ quá cố của mình. Viết về chính mình nên không có gì thật hơn, xúc động hơn. Mỗi dòng thơ tựa như mỗi giọt máu được chắt ra từ trái tim của đứa con côi bị ném vào cuộc đời gió bụi: Hồng thắm lòng hiếu đễ nhưng cũng tím bầm nỗi đau thương.
9/10/2020
T.M
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)