Tối nhập nhoạng Diệu còn đạp xe ra quán tạp hóa đầu làng mua gói xả vải thơm về ngâm mấy bộ quần áo mặc đi học. Sáng mai đã khai giảng rồi mà đến giờ Diệu mới có thời gian sờ đến quần áo, sách vở. Nhà chỉ có một chiếc tủ đựng quần áo, mà gọi là tủ cho oai chứ nó đã ọp ẹp và bị bung cánh cửa từ hồi năm ngoái. Nên quần áo treo trong đó thường bị ẩm mốc, bụi bặm và có cả mùi gián chuột. Bà cụ dúi vào tay Diệu mấy gói xả vải, thêm nắm kẹo ngậm ho mỉm cười bảo:
- Bà cho cháu này, ngậm cho khỏi ho đi. Mai khai giảng mà tối nay mới giặt thì sao khô được áo cháu ơi?
- Cháu cảm ơn bà ạ. Cháu giặt xong phơi ngoài hiên đến mai là khô ạ. Nhà cháu nằm hướng gió mà bà.
- Năm nay được mùa nhãn thì lại rớt giá. Mấy mẹ con buôn bán chắc khó khăn hơn nhỉ?
- Cũng vất vả lắm bà ạ. Mọi năm nhãn đắt, người ta tự hái bán cho mình. Còn năm nay nhãn rẻ mình muốn mua thì tự trèo hái chứ nhà người ta cũng không thiết hái. Cây nhãn cao lắm bà, nhìn mẹ trèo mà cháu muốn rớt tim. Nhưng mẹ cháu nói đi buôn thì cũng như làm ruộng. Có mùa được mùa mất, năm nhàn năm cực bà ạ.
- Con mẹ Thảo không những ngoan, chịu thương chịu khó mà còn khéo miệng quá cơ. Đẻ được đứa con gái thế này cũng bõ. Bố mất sớm, mẹ cháu vất vả lắm đấy, gắng mà học hành nghe chưa?
Diệu đạp xe về nhà đã thấy mẹ dọn sẵn cơm trên phản. Nhà tối quá vì bóng điện hỏng chưa kịp thay. Chiều nay hai mẹ con bận hái nốt vườn nhãn ở xã bên nên về muộn. Mẹ bật đèn pin dựng trên mâm cơm, luồng sáng chiếu một vệt dài ra tận cuối sân soi đôi mắt mèo xanh lè. Ngoài vườn hình như vừa có tiếng thị rơi. Tiếng rơi nhẹ nhưng cũng đủ đánh động mùi hương.
- Thơm quá mẹ ạ. Tí con ra vườn nhặt mai mang đến lớp để cửa sổ cho thơm.
- Con đã làm hết bài tập hè chưa? Mẹ bảo ở nhà nửa buổi học bài còn cứ lẽo đẽo theo mẹ mãi.
- Con làm xong hết rồi mà mẹ. Để mẹ đi một mình vất vả lắm. Hơn nữa nhờ được đi theo mẹ mà con có một mùa hè vui biết bao nhiêu.
Đêm ấy Diệu nằm mãi mà không ngủ được vì háo hức chờ đến sớm mai để được gặp lại bạn bè và các thầy cô giáo. Chiều nay cái Hạnh gọi điện vào máy mẹ nhắn Diệu mang theo bịch sấu chín, là món ăn vặt yêu thích của bọn con gái. Thỉnh thoảng Hạnh lại gọi chỉ để hỏi “mùa hè của cậu thế nào? Có vui không?”.
Hạnh gọi đúng lúc Diệu đang trèo vắt vẻo trên cây hoặc ngồi bán nhãn trong một góc chợ nhỏ ầm ĩ tiếng người. Tiếng bạn cười ngắt quãng, lời bạn kể nghe câu được câu chăng nhưng Diệu thấy rất vui. Có khi đã khuya Hạnh còn gọi từ một nơi xa lắc để Diệu có thể nghe thấy tiếng sóng biển vỗ ì oạp vào gành đá. Bạn kể cho Diệu nghe về những cuộc hành trình thú vị, có khi ở tận trời Âu. Nơi mà Diệu ngay cả mơ cũng chưa một lần dám nghĩ mình có cơ hội được đặt chân đến đó. Qua lời kể của bạn, một thế giới xa xôi hiện ra ngay trước mắt. Có cối xay gió, có hồ nước trong xanh như ngọc giữa núi non trùng điệp. Có cánh đồng hoa oải hương mà tụi Diệu từng xuýt xoa khi từng xem một phim nào đó. Hạnh sẽ mang chúng về bằng từng đoạn phim, từng bức ảnh. Sẽ lưu giữ nó bằng tâm hồn đẹp đẽ của lứa tuổi mười lăm. Còn Diệu, mùa hè này sẽ lưu giữ những gì?
Mùa hè của Diệu đơn giản lắm. Chiều nào cũng đi các vườn thu hái quả. Mùa nào quả ấy, hết xoài đến vải. Mùa vải vừa qua thì mùa mít, mùa sen, mùa nhãn tới. Quả hái về, sáng sớm Diệu lại theo mẹ ra chợ bán. Quanh quẩn chỉ có vậy nhưng Diệu đã gặp được nhiều người bạn mới. Đó là Đô, cậu bạn bằng tuổi học lớp bên. Bốn năm qua vẫn thường nhìn thấy nhau nhưng chưa một lần trò chuyện. Nhà bạn có vườn nhãn lâu năm, vươn tít ra bờ ao. Hôm Diệu đến thấy bạn đang ngồi giặt quần áo ngoài giếng, mồ hôi nhễ nhại. Đến mới biết bạn mồ côi bố mẹ, sống với ông từ lúc mới lọt lòng. Mấy năm nay ông già yếu, một mình bạn lo quán xuyến mảnh vườn và mấy trăm vịt đẻ. Vườn bạn rộng, Diệu và mẹ hái cả tuần không hết nhãn. Những cành vươn ra tít bờ ao hai mẹ con không dám leo ra, Đô bảo “cứ để mình hái cho, lỡ có ngã xuống ao ngụp một hơi là nổi lên ấy mà”. Diệu mấy lần thót tim khi thấy bạn ngã nhào xuống nước. “Ông dạy mình bơi từ nhỏ. Không còn bố mẹ thì phải học mọi thứ để tự bảo vệ mình”. Đô vừa nói vừa cười mà Diệu thấy thương bạn quá chừng, nhoi nhói trong tim. Bố mất sớm nên Diệu cũng hiểu được phần nào những thiệt thòi, mất mát mà bạn phải trải qua.
- Nhưng ít ra Diệu còn được sống bên bố đến năm tám tuổi. Còn có những kỷ niệm ấm áp về bố. Còn tớ thì không có bất cứ ký ức gì về bố mẹ mình. Ông nội nói, bố mẹ mất vì tai nạn khi tớ mới vừa tròn hai tháng tuổi. Một đứa trẻ hai tháng tuổi thì làm sao có thể nhớ được gì.
- Nhưng tớ tin bố mẹ sẽ vẫn luôn dõi theo cậu.
- Tớ hay mơ thấy bố mẹ về lắm. Mẹ tớ hiền và xinh. Bố về lần nào cũng mặc cái áo bộ đội bạc màu.
- Đó là chiếc áo cậu nhìn thấy trên di ảnh đúng không?
- Sao cậu biết?
Diệu cười, ngó mặt Đô đỏ bừng mà thấy thân thương quá. Áo Đô cũng bạc màu đấy thôi, chiều hôm qua Diệu còn thấy bạn ngồi khâu áo. Bạn bảo mắt ông mờ, nhiều năm nay đã không còn xâu chỉ luồn kim được, những đường may cũng không còn thẳng nữa. Đô thay ông vá víu mọi thứ trong nhà. Từ tấm áo, cái màn đến mảnh ngói vỡ trên nóc nhà cũng là Đô trèo lên thay cho đỡ dột. Hôm đầu mẹ con Diệu đến ông nội Đô ốm nằm trong giường. Diệu đi qua thấy Đô khom lưng thổi lửa nấu cháo cho ông. Nắng lên là thấy bạn dìu ông ra ngoài hiên ngắm đàn chim sẻ sà xuống vườn chanh trước sân nhà. Bạn bón từng thìa cháo cho ông trong khi con mèo nhỏ cứ quanh quẩn dưới chân mè nheo, đàn vịt dưới ao cũng nháo nhác đòi ăn kêu ầm ĩ. Diệu thích nhìn thấy cảnh tượng ấy, nhất là khi thấy bạn đứng tắm gội cho ông ngoài giếng, vừa kỳ lưng nhẹ nhàng vừa thủ thỉ chuyện trò. Tiếc là mẹ con Diệu đã hái những chùm nhãn cuối cùng, cũng là lúc tạm biệt Đô và khu vườn sum suê bóng lá. Nhưng Diệu biết mình sẽ quay lại khu vườn đó thêm nhiều lần nữa. Vì Diệu đã coi Đô là một người bạn tốt của mình. Cuốn sách Đô cho mượn Diệu cũng vừa đọc xong tối nay. Ngày mai khai trường Đô có hứa sẽ mang đổi cho Diệu cuốn “Hoàng Tử Bé”.
Mùa hè của Diệu là được gặp bà cụ Khởi nhà ở cuối làng. Cụ bị mù nhưng vẫn có thể làm hết mọi việc trong nhà. Cụ đi không cần gậy dò đường. Nghe tiếng quả rụng ngoài vườn mà phân biệt được tiếng nào là tiếng hồng rụng, tiếng nào là tiếng quả na vừa tụt nõ. Thấy tiếng chó chạy qua sân mà đoán được chó nhà mình hay chó nhà hàng xóm. Trong lúc ngồi bó nhãn thành từng chùm Diệu hay tỉ tê trò chuyện với bà. Chao ôi, bà là cả một kho chuyện thú vị. Ngồi ở nhà mà bà kể tỏ tường chuyện về những vùng đất xa xôi. Chuối đẻ ra buồng gần trăm nải, vạn tuế nở hoa đẻ mấy trăm quả vàng như trứng, bụi tre già nở hoa đêm hóa thành cánh bướm. Diệu nghe mê mải không biết đâu là thực đâu là mơ. Có hôm nghe cụ kể chuyện bà mẹ đi tìm con lạc vào rừng thẳm mà Diệu khóc quá trời. Cụ cười bảo “chuyện bịa ấy mà sao phải khóc” vậy mà Diệu lại tin là thật. Lại có chuyện cụ khẳng định là thật vậy mà Diệu cứ hoài nghi. Trước kia Diệu cứ nghĩ những người mù chẳng thấy gì ngoài bóng tối. Nhưng nhờ cụ Khởi mà Diệu biết người mù còn có thể nghe thấy tiếng cánh hoa quỳnh bật nở giữa đêm. Sờ thấy nắng đang liếm láp chân mình và nghe được tiếng thì thầm của gió vừa từ cánh đồng ghé đến.
Mùa hè của Diệu còn nằm trong góc chợ quê nghèo. Nơi mà chuyện bán mua chẳng phải lúc nào cũng ồn ào. Người bán dúi vào tay người mua thêm chùm quả mà chẳng cần so tính thiệt hơn. Ngồi ngó những mảnh đời lam lũ qua giỏ cua, mớ tép còn lấm lem bùn đất. Ngó yêu thương qua hình ảnh những người bà sáng nào cũng dắt cháu đi mua vài nghìn kẹo bột, vài chiếc bánh mì. Chợ làm sinh động thêm cho ký ức mùa hè của Diệu. Hôm nay Diệu sẽ tạm biệt mùa hè để bước vào một năm học mới. Những bài giảng đang chờ, bạn bè đang háo hức. Chiếc áo giặt tối qua chắc là đã kịp khô. Trời bắt đầu hừng sáng, mẹ lục đục dậy chuẩn bị hàng đi chợ sớm. Diệu thấy mùa thu hình như đã kịp về trên những tán lá xanh. Buổi sáng trong lành qua từng luồng gió. Con gà trống nhảy lên cây rơm trước nhà vươn cao cổ cất tiếng gáy vang vọng oai hùng. Diệu cầm chổi quét dọn sân nhà sau một đêm cây trong vườn thay lá. Chỉ một lúc nữa thôi ngoài cổng sẽ có tiếng bạn gọi đến trường. Những vòng xe ríu rít trên đường, trong lồng ngực vang lên tiếng trống trường thân thuộc…
V.T.H.T
(Minh họa chép từ báo Cần thơ)