1.
Cái tin già Thung bị bắt, lan nhanh trong khu trọ ổ chuột phía sau nhà thờ nhọn
làm Thanh chết lặng, cô vội vàng xếp nhanh quần áo vào va li, khóa cửa phòng trọ,
chạy ra chợ Lớn, hớt ha hớt hãi đến hàng rau, mọi người đang bàn tán ồn ào.
- Ông già bán vé số
dạo, hàng ngày thấy tốt mà sao nay lại đi ăn cắp!
- Ôi dào! Ông bà ta
xưa nói: tri nhân tri diện bất tri tâm mà. Ông Ba đứng phụ bán chuối với vợ,
nói chen vào. Ông này nghe nói có biết chữ Hán, có nhiều sách chữ Hán, mọi
người bán hàng chạy chợ ở đây cũng thường nhờ ông coi dùm ngày, giờ tốt.
- Đúng đó bác Ba,
tri chiên tri xào bất tri hâm mà. Chị Tám bán cam góp vui. Bà Ba nói: - Cái con
này!
Thanh lại gần bà
bán rau, nơi xảy ra việc cắp hỏi. Bà bán rau nói:
- Có bà đang mua
rau, cúi xuống lựa, trả. Nghe tiếng á của đứa bé, bà quay lại, thấy ông già vé
số té ngồi đè lên chân con bé, cái ví tiền rớt cạnh, bà la lên ăn cắp, ăn cắp.
Mấy người bán giữ ông lại, bảo vệ chợ bắt ông dẫn đến đốn công an.
- Cái thằng Tám
tàng bảo vệ, nó đánh ông đó dữ quá, lại còn giựt xấp vé số nữa chớ. Cái thằng
thất nhân, ác đức. Bắt giao cho công an được rồi, sao lại đánh người ta.
- Nó mua chịu vé số
nhiều lần, không trả tiền, ông này không bán cho nó nữa nên nó thù ông này, sẵn
dịp, nó đánh trả thù đó mà. Coi chừng nó cướp luôn xấp vé số của ông đó nữa.
- Mới chín giờ chớ
mấy, có phải không Tư. Đã bán được mấy, coi chừng chiều nay thằng Tám tàng
trúng số cặp không chừng.
- Trúng gió thì có,
đồ quân thất nhân, ác đức đó ai mà cho trúng. Thánh thần nào phù hộ cho bọn đó!
- Sao gọi là Tám
tàng bà hé?
- Chắc do nó tàng
tàng chớ gì.
- Không đâu, thằng
này ranh bỏ mẹ, hách lắm, làm bảo vệ chợ mà như làm chủ tịch không bằng, thích
làm tàng nên mới gọi là Tám tàng!
Nghe các người
trong chợ bàn tán, Thanh chết điếng, hỏi thăm đường đến đồn công an, đến nơi,
cô hỏi thăm anh công an gát cổng, được biết đang ở phòng chờ hỏi cung! Thanh
chạy đến, bị một anh công an chận lại, cô nói: xin cho gặp người ăn cắp vừa bị
bắt, anh công an nói không được, cô năn nỉ mãi, mới được anh cho đến,
nhưng đứng bên ngoài, nhìn qua khe cửa sổ, cô thấy bác Thung ngồi ủ rũ, má, môi
sưng vù, mắt bầm tím, cô định chạy vào nhưng bị chận lại, bị đuổi ra ngoài.
Cô lững thững đi
về, mới 10 giờ mà nắng đã rát mặt người, đến nơi cô thấy má cô đang đứng chờ
nơi cửa phòng trọ. Gặp nhau mà hai người không thấy vui! Cô mở cửa, má cô vào,
chiếc quạt để dưới đất mở hết cỡ, cả hai vẫn thấy nóng.
- Mầy đi đâu, tao
chờ khi nãy giờ, thật lâu.
- Con có việc, chạy
ra kia. Sao má vào trễ vậy?
- Tao vào sớm, ghé
chợ Lớn mua thức ăn, lại chỗ hàng rau, mua rau, bị ăn cắp tiền, may quá, chưa
mất, mà thằng ăn cắp bị bắt giải lên đồn công an. May phước!
Thanh hoảng hồn:
- Má mất cắp hả má!
- Ừ, nghe mấy người
nói thằng ăn cắp là thằng bán vé số. Ông này cũng lớn tuổi, bị tật ở tay.
Thanh thảng thốt:
- Là má hả má?! Là
má hả má?!
- Ừ, mà sao?
2.
Cách đây 3 năm,
Thanh đậu cao đẳng sư phạm, hớn hở vào nhập trường. Được bạn bè rủ thuê khu
phòng trọ sau nhà thờ nhọn, phòng 4 đứa, hai giường tầng, giữa chỉ đủ để 4
chiếc xe ban đêm, ban ngày để ngoài hè. Học được một học kỳ, dịp về tết, ba của
Thanh bảo thôi học ở nhà lấy chồng. Bảo con gái học vậy là được rồi, mặc dầu
đang thế kỷ 21! Nhiều người can, nói để nó học, sau này có công ăn việc làm.
Nhưng ông nhất quyết không chịu.
Ngày trở lại phòng
trọ, Thanh buồn thiu, lại tiếp tục khóc, than thở với các bạn. Cô qua tâm sự
với bác Thung, một ông già bị tật, bán vé số dạo, cũng thuê phòng ở khu này.
Bác Thung quê ở
Hoài Nghệ. Nghe có người kể bác là nạn nhân chiến tranh, bị napan làm cánh tay
trái co lại, các ngón hoạt động rất yếu, chỉ còn dùng cánh tay phải. Lúc đầu
bác đi xin, vật vờ ở chợ Lớn, quanh các khu du lịch. Một hôm, bác nhặt được một
cái xách tay, trả lại cho khách du lịch người nước ngoài, nghe nói trong xách
tay là một cộc tiền đô! Được khách cho 200 đô, bác nghĩ cực chẳng đã mới đi
xin, nay có tiền bác nhận vé số đi bán, nhờ chăm đi, thật thà, nên bác được các
khách quen mua nhiều, lâu lâu có khách trúng số tặng bác tiền trăm, bác vui
lắm. Có ông Năm cầm cái số đề, nói bác ghi đề cho ông này nhưng bác không chịu,
Ông Năm nặng lời nghèo mà làm phách. Có người hỏi sao không ghi kiếm thêm tiền,
ông nói chơi đề nguy hiểm, tan cửa nát nhà như chơi, mình ghi là tạo điều kiện
cho người xấu làm giàu, người nhẹ dạ hư! Cứ nghe nói, ông này ngó vậy chứ nhiều
tiền lắm, tiền kiếm được ông có tiêu gì đâu, suốt ngày đi bán, trưa chiều ăn
dĩa cơm mấy chục, lại còn chọc, chắc gom góp để dành cưới vợ.
Ông rất thương các
sinh viên trong khu trọ, mà họ cũng quí ông, thường gọi bác Thung, sinh viên
gốc Bắc thì gọi bố Thung. Ông là nơi cho các sinh viên tâm sự, chia sẻ buồn
vui, thường ông cười và an ủi hay khích lệ vài câu. Ông cũng thường đi nhà thờ,
đi chùa, đến các trại mồ côi, trại các người tật nguyền, ông ủng hộ tiền. Ông
nói, ông đang tạo phước. Những người nghèo khổ, thường có những ước mơ về sau
sướng hơn, và tin rằng cứ tạo phước ngày nay thì ngày sau ắt hưởng, và có biết
đâu, đây là điểm yếu của những người nghèo khổ dễ bị lợi dụng, và chắc chắn
rằng, hôm nay ta cố gắng làm việc, thì ngày mai sẽ hết khổ, họ bị lợi dụng vì
chữ nghĩa, khi họ nghe nói hôm nay làm việc thiện, mà theo họ việc thiện là góp
tiền, xây dựng đền, chùa, miếu, không hiểu rằng việc thiện là việc tốt, ngay
thật.
Nghe Thanh khóc kể
lể về hoàn cảnh như vậy, ông Thung nghĩ ngay mình phải giúp như một việc làm
nghĩa. Ông thong thả nói:
- Tau nói với cháu
như thế này, biết cháu rất muốn học trở thành cô giáo, nay ba cháu bảo bỏ học,
về lấy chồng, chắc khi nói vậy, ba cháu nghĩ đến tiền cho cháu ăn học. Tau sẽ
giúp, giờ về xin với ba cháu cho vào trong này đi làm kiếm một số vốn rồi về
lấy chồng, như vậy ba cháu không cần gởi tiền vào nữa.
- Nhưng bác ơi,
cháu vẫn muốn học. Tiền học tốn kém lắm bác.
- Tau biết. Ông
Thung đi lại chiếc va li bằng tôn, mở khóa, lấy ra bọc tiền, và nói.
- Đây là số tiền
tau dành dụm, thường dùng vào việc giúp dỡ ở chùa, trại mồ côi, trại người
khuyết tật. Tau được mọi người giúp, mà sống tới hôm nay, tau phải giúp người
khác chớ. Tau cho cháu mượn, chớ cho không đâu, hàng tháng tau vẫn để cho cháu
mượn để ăn học, khi ra trường đi làm có trả dần lại tau. Với số tiền này chắc
cháu đủ trang trải chuyện học hành, cháu là người tốt. Cố gắng. Thanh sững
người. Mấy ai giúp không! Nhưng lâu nay bác là người tốt thường giúp các sinh
viên thớ lỡ. Họ nhờ bác đủ chuyện. Bác làm chẳng nề hà điều gì! Thanh cảm ơn,
và xin để có thời gian suy nghĩ.
Mấy ngày đêm liền,
Thanh trằn trọc không ngủ được, người rộc xuống. Những thắc mắc, những hoang
tưởng, sao Bác ấy tốt với mình, với người khác có như vậy không! Thời buổi này
có còn người tốt như vậy sao! Thời buổi mà vì tiền người ta sẵn sàng hại nhau,
giết nhau rất dễ dàng. Thanh nhớ lại năm lớp 11, vì Nam không học thêm cô Thanh
chủ nhiệm, dạy hóa mà đi học thêm ở thầy khác, bị cô đì, giờ nào cũng hỏi bài,
hỏi câu khó, khi kiểm tra, đến đứng gần, nó buồn chán, thường nghỉ học, cuối
năm cô xếp loại đạo đức yếu, ở lại lớp. Như chị Hiền lớp toán 2, nghe nói để có
tiền nộp học phí, mà cô đã làm chuyện đau đớn nhất của người con gái. Cô còn
nghe râm ran quanh trường có đường dây gái từ trường này cho các người có tiền,
cô nhắm mắt, tưởng tượng đủ chuyện.
Mùa xuân, những mầm
non nở xinh tươi, ánh nắng dịu, nhưng Thanh thấy ngột ngạt, sao đây. Bác Thung
tốt với mình, không, bác tốt với mọi người, vì bác nghèo, chỉ có người nghèo
mới còn chút tốt với nhau, tiếng bác Thung còn vang trong đầu cô: Tau được mọi
người giúp đỡ cưu mang, nên nay tau giúp cháu là chuyện thường, thay vì tiền
này góp vào quỹ từ thiện như lâu nay, thì giờ tau chỉ dành giúp cháu, sau này
cháu đi làm có tiền trả lại. Người với người nên đến với nhau bằng cái tình thì
trong sáng và lâu dài, đừng đến với nhau bằng ý! Chỉ giai đoạn lợi dụng nhau.
Thanh biết bác Thung, đã chuẩn bị cuộc sống kỹ càng, bác xin vào hội người cao
tuổi ở xóm, bác mua đất trong nghĩa địa và đã xây xong sinh phần. Sao mà con
khổ thế này hỡi mẹ Âu Cơ ơi! Xin người giúp con, cho con có quyết định đúng. Cô
nhắm mắt, ôm mặt, những quầng màu sắc loang ra quanh cô, chao đảo. Cô bỗng thấy
mạnh mẽ, bừng tĩnh và quyết định thực hiện theo như Bác Thung bày, thưa
với bác. Về quê.
Với tính nhạy của
người mẹ, má cô hiểu lờ mờ rằng, cô không đi làm mà là tiếp tục học, bà cũng cố
gắng lén lút gởi tiền cho cô, nhưng ở nhà cô, ba cô là người giữ tiền và quyết
định tất cả, một ông chúa trong gia đình, mà đang ở thế kỷ 21!
3.
- Ông tin có nhân
quả không? Vị thẩm phán già từ từ đưa tách trà lên môi chậm rãi từng ngụm nhỏ.
Bên bàn trà sáng cạnh phòng, trong khu vườn nhỏ, hai ông già hưu, một vị thẩm
phán, một vị thầy giáo đang nói chuyện cũ qua ngày.
- Tôi không tin có
nhân quả, ông ạ, nhưng tin rằng mình làm việc phải thì lòng thanh thản, sống
tốt hơn, ít dằn vặt chuyện đã qua. Biết trong cuộc sống khó giữ được điều tốt
hoàn toàn.
Vị thẩm phán vào
phòng lấy bức thư đã cũ, ông nói đây là bức thư làm ông suy nghĩ nhiều nhất
trong đời làm thẩm phán của mình. Ông tóm tắt sơ câu chuyện cô sinh viên, rồi
đọc: “Ngày bác Thung trộm tiền mẹ cháu, là ngày cháu chuẩn bị về nhà, khi đã
nhận bằng tốt nghiệp. Trước đó cháu có than phiền muốn dạy trường gần thì phải
chạy. Bác nói sẽ cho tiền lấy vé xe. Cháu nói không cần, nhưng bác lo cháu
thiếu tiền và rồi bác phạm tội”. Trong thư Thanh còn kể những ân tình ông Thung
dành cho mình chẳng hạn có lần Thanh viết thư cảm ơn ông Thung và nói mang ơn
ông suốt đời, nhưng ông nói “Ở đời, chữ nghĩa lớn hơn chữ ơn…”. Tôi biết dù
tình cảnh đáng thương, nhưng với hành vi phạm tội trên, không thể không truy tố
trách nhiệm hình sự với ông Thung. Trước vành móng ngựa, ông Thung không hề nói
vì muốn có tiền cho Thanh, mà một mực: “Vì tôi không dằn lòng nên nảy tham tà”.
Sau khi xem xét các tình tiết tăng nặng, giảm nhẹ, tòa tuyên phạt ông Thung
chín tháng tù treo về tội trộm cắp…Ông biết không? Hai tháng sau, tôi tiếp ở
phòng làm việc của mình, ông Thung và cô sinh viên Thanh, hai người đến cảm ơn
tôi đã thấu hiểu được tình cảnh của vụ án, mà theo cô Thanh khó có ở thời buổi
này. Còn ông Thung thì cứ xuýt xoa, ân hận mãi việc làm xấu, thiếu suy nghĩ của
mình. Cả hai vui mừng báo tin là đã xin được việc, dạy ở huyện miền núi. Tôi
nói khó có người như ông. Và chúc sức khỏe cả hai.
Mới hết tháng giêng, mà nắng nhiều. Những xác hoa mai rụng đầy quanh gốc, vài
hoa rụng muộn rớt trên bàn. Chợt vị thẩm phán thấy một mầm xanh nhú ở gốc mai
già.
V.X.P
(Viết dựa theo bài báo: Tình cảm đẹp của một người ăn xin)