THƯ TIN: TẠP CHÍ VĂN NGHỆ BÌNH DƯƠNG SỐ THÁNG 10/2013



LÝ LUẬN PHÊ BÌNH
-         Nghệ thuật nghịch dị - một góc chân dung… (Lệ Mai)
-         Hình ảnh, vị thế của người mẹ chồng… (Nguyễn Hiếu Học)
-         Em rất gần mà lại rất xa (Bùi Huyền Tương)
VĂN
-         Cây mít trổ hoa (Tản văn Đặng Thị Trúc Mai)
-         Kẹt lại trong rừng (Ký Nguyễn Bá Nhân)
-         Bông cỏ giêng (Truyện ngắn Nguyễn Hiệp)
-         Cà phê ngọt (Tản văn Việt Nga)
-         Quà vặt (Vũ Thị Huyền Trang)
-         Canh cá lá nồm… (Tản văn Phùng Thị Hương Ly)
-         Con sáo bay đi (Truyện ngắn Nguyễn Đức Thiện)
-         Nội và những chú cào cào lá (Tản văn Nguyễn Ánh Tuyết Trinh)
-         Sóng điện thoại trên đồi cao (Truyện ngắn Đào Văn Đạt)
-         Đờn ca tài tử Nam bộ với việc nâng cao… (Hà Nguyên)

NHẠC
-         Ngọn núi lửa phủ tuyết (Thơ Lê Thống Nhất, nhạc Phạm Minh Thuận)
-         Em về mưa bay (Thơ Nguyễn Nguy Anh, nhạc Bảo Lâm)
THƠ
Các tác giả: Từ Tân Định, Bùi Thị Huệ, Nguyễn Tiến Đường, Nguyên Hậu, Từ Linh Nguyên, Nguyễn Nguy Anh, Nguyễn Văn Ân, Thạch Thảo, Trần Thanh Hải, Mai Mộng Tưởng, Hồ Thanh Ngân, Lê Văn Hiếu, Nông Quy Quy, Trần Đức Đủ, Huỳnh Ngọc Phước, Lê Anh Phong

BÌA:  Nét xưa (Trần Khánh Hưng)

 MINH HOẠ: Nguyên Mỹ
TRÌNH BÀY: Nguyễn Công Dinh
BAN BIÊN TẬP: Nguyễn Công Dinh, Nguyễn Hiếu Học, Lê Minh Vũ, Phan Hữu Lý, Phan Đức Nam
THƯ KÝ TOÀ SOẠN: Kỳ Nam
CHỊU TRÁCH NHIỆM XUẤT BẢN: Võ Đông Điền



Read more…

NGÔI NHÀ SÀN BỎ LẠI - Truyện ngắn Nguyễn Văn Hiến



Tháng sáu mưa mùa dây dưa. Nắng nôi biệt dạng ba hôm, trông bầu trời u ám, những đám mây xám đen ngùn ngụt, nặng nề lững thững chậm trôi quẩn quanh trời.
Sau trận mưa dài từ ban sáng đến giữa trưa, con sông sau nhà óc ách lắp lém liếm bờ đê, nước sắp dâng cao đến tận sàn nhà. Tuân bước lại cửa sổ đứng nhìn ra. Mưa vừa dứt hạt. Nước còn đọng trên mái lá lưa thưa như hàng mi rũ mềm trước cửa, đóng thành giọt, chảy rớt xuống. Trước mắt anh mãng lục bình vừa nhuộm lên màu xanh non tươi tắn, mềm dịu đậu lại cạnh vạt dừa nước ngửa bụng, ôm gọn tàu lá già héo gãy đổ co rút thân mình trong dòng nước lạnh cạnh mé sông.
Tuân đặt chiếc giỏ đệm xuống mặt bàn. Anh bật lửa đốt thuốc rồi hít một hơi dài. Đầu thuốc bập lửa sáng lên như hòn than đỏ tròn, dần cháy vào gốc, trả lại những tàn tro xám chực hờ rơi xuống. Anh thở. Làn khói trắng cuộn ra táp vào mặt, phết mờ tầm mắt, bay lững lơ lên không rồi trốn mất trong những vạt lá của mái nhà. Tuân bước đi. Anh hơi cuối đầu. Nhìn xuống miếng ván sàn nhà bóng nhẵn, anh thấy vài vết hằn còn in mờ, vẽ lên bằng đất, mấy hình ngón chân từng dồn lực bám xiết, mấy hình gót chân từng qua những lặn lội trên bờ đê trơn ướt. To bè. Thon dài. Nhỏ xíu. Tuân ngồi xuống, xòe bàn tay để mặt ván và làn da cách nhau bằng một sợ chỉ mỏng tang rồi kéo qua, lướt lại. Anh nghe, dường như, trên những bàn chân bỏ lại vẫn còn hơi ấm, tỏa ra, chạm vào mắt, xòe cay cô đặc thành một giọt nước, rớt ra, rơi xuống, lọt thỏm qua khe ván sàn nhà hở.
Tuân còn nhớ hôm về bên nhà vợ ăn tân gia, mừng căn nhà xây kiểu Tây mới mọc trên miếng đất điền thổ qua bao năm chỉ cất nổi nhà lá. Tiệc tùng thâu đêm. Gia đình hoan hỉ, làng xóm rộn ràng. Người ta vui cho nhà chú Ba, hãnh diện giùm cho cả vùng Kênh Cùng mênh mông đồng lúa đã có thêm một thành viên giàu có. Chú Ba thích thú. Người nông dân gần năm mươi tuổi đời, tóc mái điểm sương, trong buổi tiệc ngà ngà say, mê mẫn ngó bức tường xanh, thỏa mãn nhìn xuống nền gạch lót trắng, nghiêng mặt, đảo mắt nhìn chậm rãi từng khuôn mặt khách trong bàn tiệc. Ông nhếch mép:
“Nhờ có con gái đẹp. Nhờ có thằng rể Đài…”. Ánh mắt chú Ba dừng tại khuôn mặt Tuân. Tự nhiên anh cảm thấy sượng sùng. Tuân ngó ra ngoài sông trời. Nắng quét, nóng đổ. Màn hơi bốc lên rung rung che một dãy đồng xanh kéo dài mút xa tận góc trời, nhòe nhạt. Bụi tre trước nhà gục đầu soi bóng nước, đổ nghiêng nghiêng, lá vàng héo rũ rơi đầy gốc.
 “Còn thằng rể Việt. Vô dụng. Nghèo rớt mùng tơi”. Chú Ba hớp rượu. Vỗ vỗ tay vào đùi. “Hận hảo”. Chú ngửa cổ cười sằng sặc. “Nhà mới còn có đủ đồ luôn. Tủ lạnh, tivi mỏng te, bếp ga, đầu chảo xem đá banh nhá…”.
Mười mấy đôi mắt trán mỏng một xót xa đổ dồn về cùng hướng. Người Tuân rúm ró. Thẹn thùng rót vào. Uất ức tràn ra. Hoàn cảnh này làm anh nhớ đến chuyện con chuột đồng bị đoàn người săn đuổi, hốt hoảng trốn chạy vào hang. Kẻ bươi móc, người bới đào. Ngõ cụt, đường cùng. Nó bị tóm chặt trong lòng bàn tay. Run rẩy chân, thoi thóp thở. Giẫy giụa nhận ra là mình sắp sửa phải chết… Giữa lúc mặc cảm khê nồng nung đỏ khuôn mặt, một bàn tay vỗ lên vai, Tuân thu lại ánh mắt trôi nổi, quay sang nhìn Tư Đờn Cò, bắt gặp hai hàm răng nhuộm vàng màu khói thuốc cười nhe nhe:
“Có thằng rể hiền lành như vầy là quý lắm nghe anh Ba!”. Dường như có một suy nghĩ khác xuyên qua, dùng dằng kéo, chú Ba gật gật đầu rồi ngó lơ. Chợt có tiếng ai đó nói xen vào:
“Uống đi! Sao ngâm hoài vậy hai Hến”.
Một loãng khí rỗng rơi vào đầu Tuân, một cánh đồng khô từ ký ức trôi về, một thẳm nhìn không sự sống, một lăng kính nhạt thếch áp đè lên hai tròng mắt. Cảnh nhạt, người bạc. Tuân thấy chiếc xuồng neo đậu đứt dây trôi lãng đãng. Không bến, chẳng bờ. Thấy mãng lục bình trôi. Không bờ, chẳng bến. Cảm thấy cổ họng nghèn nghẹn đăng đắng, khô khốc. Tuân lí nhí xin ra khỏi bàn. Anh đứng dậy đi lêu vêu ra phía sau nhà, bên tai vẫn còn nghe câu nói cũ vừa lặp lại:
“Nhờ hết vào thằng rể Đài”.

* * *

Ừ, thì nhà Tuân nghèo! Khó khăn rào chặn tương lai như bao mảnh đời trai tráng khác trên vùng đất này. Sáng ra đồng làm, tối về quấn chiếu ngủ. Có học hành nhưng chữ chẳng hề đọng lại trong đầu, như nước đổ lá môn, dễ bay hơi khi nắng trời sớm đến. Tuân nhận ra học vất vả hơn làm, thế là bỏ từ lớp bảy, cưới vợ lúc mười tám tuổi. Gia đình có hơn hai mươi công ruộng, năm anh em trai. Chia ra, phần đứa út mười công, còn lại bốn anh em mỗi người chừng ba công. Thế là cuộc sống anh từ một chữ “nghèo”, giờ cộng thêm chữ “khó”. Một lo lắng. Và thêm một lo lắng nữa. Chất chồng lên.
Gia đình vợ ban đầu cũng nghèo như nhà anh, nghĩa là môn đăng hộ đối, cân bằng gốc ngọn. Từ ngày dạm hỏi cho đến lúc cưới chẳng thấy ai chê thằng rể nông dân bần khó, ngược lại còn khen nó hiền và biết chịu đựng vất vả. Vợ cưới về. Ra riêng trong căn nhà sàn có diện tích tròn hai mươi bước chân vuông. Năm sau có thêm một thằng nhóc. Ruộng cày chưa đủ sống thì Tuân đi làm mướn. Đầu kênh góc vườn, lang bạt kỳ hồ. Mọi chuyện éo le bắt đầu từ đợt cha vợ bệnh nặng phải đưa lên tận Sài Gòn cứu chữa. Cửa nhà túng bấn. Mẹ vợ phải vay đầu làng, mượn cuối xóm. Sau hai tháng về, cha vợ khỏe lại nhưng cảnh nợ đã đeo mang. Thấy đó, Tuân buồn nhưng anh chẳng biết làm gì hơn ngoài quan tâm và hỏi han. Rồi tự nhiên anh mặc cảm vì mình quá nghèo, hễ khi đến nhà vợ anh rụt rè hẳn đi. Sau nợ nần, đầu óc mụ mị, cha mẹ vợ nhìn thằng rể vô dụng càng thấy chướng mắt, tình cảm nhạt nhẽo dần.
Trong cảnh nhà khốn đốn, một hôm, có người bà con từ Sài Gòn xuống nói có quen thằng Đài Loan giàu lắm, hắn sang Việt Nam muốn tìm vợ, phải gái còn trinh, chỗ nào hắn ưng, lễ hỏi hắn cho hai ngàn đô Mỹ, cưới xong tặng tiếp năm ngàn cho bên vợ làm của hồi môn. Nhà còn đứa út gái cao ráo xinh đẹp, mới lớn, tròm trèm mười tám. Chịu cho nó ghé xuống xem mặt, nó cưới liền trong tháng, có tiền ngồi hưởng phước. Nghe bùi tai, thấy sáng mắt. Vợ chồng chú Ba đồng ý cái rụp.
Sau đám cưới rình rang với My, thằng A Phận, tiếng Việt là Phùng hay Phụng gì đó, còn ở lại nhà chú Ba mấy hôm. Ngày nào hắn cũng quẩn quanh bên vợ, mặt ngời thỏa mãn, lẽo đẽo theo nhìn My hái rau, lốc thốc theo ngó My rửa chén, miệng xì xào “hận hảo” “hận hảo”. Mỗi khi hắn xì xì xồ xồ, dù nghe tiếng hiểu tiếng không, lần nào My cũng ngã ra cười ngặt nghẽo. Bên trái nhà, chú Ba lúc ngồi góc ván, khi nằm trên võng, suốt ngày lẩm nhẩm mấy chữ Việt phiên âm Tàu viết nguệch ngoạc trên tờ giấy để học giao tiếp với con rể. Hai ba hôm thì chữ thấm. Tới bữa cơm, chú xổ một tràng:
“Nị…nị, lại xi phạn nè…”. Hắn trố mắt. Xong ra dấu ý nói cha vợ số một rồi cười hềnh hệch.

* * *
My theo chồng được gần hai năm thì điện thoại về nói con mời cha mẹ bay sang Đài du lịch một tháng. Hai ông bà lúi húi sắp xếp đồ đạc cá nhân. Xong ra đi trong hân hoan, vui sướng và nghạo nghễ.
Tròn tháng. Ông bà lỉnh kỉnh vali trở về, mới tới đầu kênh, nhiều người nhìn thấy giật mình khen ở Đài mới một tháng mà ông bà trắng ra, chất ruộng nhạt nhạt, đi đứng khoan thai. Chú Ba cười cười. “Hận hạo…hận hạo…”.
Về đến nhà, thím ba ngồi phân quà chia ít kẹo đậu phộng, bánh dứa và trà trân châu cho mấy người thân kéo đến thăm. Chú Ba đứng trên ghế treo hai bức tranh phong thủy mua từ bên Đài Bắc, khoe được thằng rể đích thân viết chữ đề tặng, quý lắm. Mấy đứa nhỏ tụ lại, đầu ngó mắt nghiêng, thằng Đen cười khì khì:
“Ngộ! chữ gì như con trùng hen tụi bây”.
“Biết cái gì. Chữ thư pháp của người ta”. Chú Ba nói như quát, mấy đứa nhỏ tản ra đi.
Khi bà con ra về hết, thím Ba ngồi trên ghế sa lông, kéo vợ Tuân lại gần và nói:
“Con My nó kiếm cho bây được một chỗ làm. Đi đi! qua bển cho có chị có em.”
Vợ Tuân ngó ra ngoài thấy chồng đang ngồi quay lưng lại, khói thuốc vòng ôm sau mái tóc.
“Sao con đi được má, còn anh Tuân, còn thằng Đen nữa”. Người phụ nữ trả lời với giọng tiếc nuối.
“Bỏ phức cái thằng nghèo đó đi. Mày ở với nó chừng nào mới khá được. Đi qua bển kiếm tiền gửi về nuôi thằng Đen ăn học”. Thím Ba nguýt dài và quyết định:
“Qua bển con My làm mai cho một thằng Đài chết vợ, nhà nghèo. Nhưng mình tính xa. Kết hôn với nó, ở vài năm, xong kiếm cớ ly dị. Được cái quốc tịch thì tự do đi làm”.
Vợ Tuân thẩn người. Chị như kẻ ở trong bóng tối chơi vơi lâu ngày nhìn thấy một ngọn đèn sáng lấp ló, một dấu hiệu le lói, một mốc để chấm dứt nghèo hèn, một cơ hội đổi đời, một thênh thang hi vọng. Nhưng chị lơ là, chị không thấy một người quay lưng, hai tròng mắt rưng rức, ba cái ngó nhìn bâng quơ ra ngoài bụi tre già rũ bóng.
Nắng chiều rớt xuống đỏ hoe.
Và chị đã quyết định.

* * *

Mặt trời tắt nắng từ lâu. Màn đêm tràn đến nuốt dần từng mãng thiên nhiên vào hình khối, cánh đồng gọp xám, dòng sông sạm đen, chòm lục bình phết nhòe, vạt chuối quệt mờ. Tầm mắt ảo lòe đi. Một ánh sáng vừa được thắp lên từ ngọn đèn dầu trong căn nhà sàn nhỏ. Một màu vàng đỏ nhuộm lên không gian mấy mệt nhoài, áp lên người bao bức bối. Tuân ngồi bên mép giường, cuối đầu, chân thả lỏng, vô thức đong đưa. Anh nhìn xuống khe ván hở, một vệt ánh sáng như nhát dao bổ xuống bên dưới dòng sông tối om, có một đổ vỡ nứt ra.
Vợ Tuân ngồi cạnh ngọn đèn đặt trên chiếc bàn gỗ, chị kéo thả mái tóc dài ra trước ngực và chải. Nhìn thấy chiếc bóng xiêu vẹo trên vách, chút chạnh lòng, thi thoảng, chị liếc mắt ngó lên khuôn mặt sạm nắng đang rầu rầu. Ngoài sân tiếng nhái tiếng dế kêu râm ran, dăm cơn gió kéo đến chui rúc vào mái lá cười lao xao. Những âm vẳng quen thuộc, những hình đọng thân thiết. Một khuôn mặt, núi cảm tình. Hai đôi mắt, biển yêu thương. Tất cả chúng đã không còn đủ sức níu kéo chị. Cũng như đã buông cho một dòng dứt bỏ bắt đầu từ lâu trên vùng đất này. Bé Hai. Bé Sáu… Vắng bóng. Út Năm. Út Hết… Biệt tăm. Chẳng ai còn. Và chị tự nhủ mình chỉ là một trong số ấy, vậy thì, cứ an nhiên mà đi, cứ dửng dưng mà lên đường. Chẳng hối hận. Chẳng quay đầu. Rồi chị xoay lại nhìn anh, thong thả nói:
“Tháng sau em sang Đài Loan đi làm công nhân”. Cái bóng nằm đổ xuống giường, tay gác lên trán, ngó đăm đăm lên mái nhà ám màu khói bếp.
 “Thằng Đen thì em gởi bên má cho nó dễ đi học”.
“…”
“Anh thì muốn ở nhà hay đi đâu đó làm gì cũng được”.
“…”
“Em đi làm có tiền sẽ gửi về bên má giữ giùm. Anh có túng bấn gì cứ qua đó mà lấy xài”. Cái bóng trở mình, nằm nghiêng, ngửa mặt vào vách, quay lưng ra ngoài.
“Em tính rồi. Anh có đồng tình hay không em cũng đi”. Chị nhỏm dậy, bước ra phía sau sắp xếp lại mấy bộ quần áo bỏ vào túi xách.
“Em về luôn bên má. Ngày mốt đi Cần Thơ học tiếng”.
Vợ Tuân nói xong bước ra cửa, nhanh tay kéo miếng ghép đan bằng tre đóng lại. Tiếng cọt kẹt trộn vào tiếng dế tiếng nhái.
Cái bóng nằm và nghe rõ từng thứ từng thứ. Tiếng bước chân chạm dần xuống cầu thang, tiếng gió cuộn vào tóc, tiếng người đi còn vọng lại chơi vơi.
“Tui qua bển lao động, nhưng yên tâm đi, tui không có phụ anh đâu”.
Và rồi tất cả mất hút trong màn đêm dầy tối. Hun hút.

* * *

Tuân đứng dậy, vớ tay lấy chiếc giỏ đệm đặt trên mặt bàn. Anh bước dần ra cửa. Đi lần hồi xuống cầu thang. Đến ngã ba đường. Tuân quay lại. Ngó mềm từng vạt lá, từng vết sàn mòn chạm. Bên trong ngôi nhà kia, ở tại góc sân này. Từng có một cố gắng ấp ủ, một hy vọng vun đắp, một niềm tin chăm bón còn chưa kịp trổ hoa.
Mưa dứt. Bầu trời vẫn âm u. Tuân quyết định đi. Lần này anh không ngoái đầu. Sài Gòn đang vẫy gọi.

NGUYỄN VĂN HIẾN (Bạc Liêu)




Read more…

Truyện ngắn: CHIẾC LÁ – Người dịch: Hoàng Anh



Lời người dịch: Tình cờ đọc bản văn bằng tiếng Anh trên internet, không biết tên tác giả và xuất xứ, thấy có nhiều ý hay, nên tôi chuyển dịch để nhiều người có thể đọc. Tuy có vụng về, xin quí độc giả cũng vì ý quên lời. (H.A)

Mùa xuân trôi qua.

Mùa hè cũng đã trôi qua….

Chiếc lá Freddi theo thời gian giờ cũng lớn lên, gân cốt nó vững vàng, cứng cõi, viền răng cưa ở mép thì nhọn tua tủa uy nghi. Mùa xuân, đó là lúc đầu tiên nó có mặt trên cõi đời này. Hồi ấy, nó chỉ mới là một nụ chồi nho nhỏ trên cành lớn ở ngọn của một cây cao.

Freddi bị vây quanh bởi hàng trăm chiếc lá khác giống như nó hoặc cũng giông giống như vậy. Thế nhưng chẳng bao lâu sau nó nhận ra ngay rằng kỳ thiệt thì đâu có chiếc lá nào giống với chiếc lá nào, cho dù là chúng ở trên cùng một thân cây. Alfred là chiếc lá kế cận bên hắn. Ben ở bên phải còn nàng Clare dễ yêu thì đằng trước mặt. Bọn chúng đã cùng lớn lên với nhau, cùng học cách khiêu vũ tung tăng trong gió mát của mùa xuân, cùng nằm uể oải phơi mình trong ánh nắng chói chang của mùa hè và tắm gội mát mẻ dưới những cơn mưa.

Trong đám bạn, Daniel là người thân thiết nhất của Freddi. Anh ấy là chiếc lá lớn nhất trên cành và dường như đã ở đó trước ai cả thảy. Freddi cảm thấy có vẻ như Daniel còn là người thông thái nhất nữa. Chính Daniel chớ ai nói cho bọn chúng biết rằng mỗi đứa là một phần của thân cây. Chính anh ấy chớ ai nói cho bọn chúng biết rằng chúng đang ở trong một công viên, rằng thân cây có bộ rễ rất là gân guốc nhưng nằm sâu dưới đất, và những con chim đã đến đậu trên cành hót líu lo những khúc hát ngợi ca bình minh. Anh ấy còn giải thích nhiều chuyện nữa về mặt trời, mặt trăng, những vì sao và mùa màng trong năm…

Được là một chiếc lá, Freddi thích lắm nghen. Nó yêu cành cây, yêu những người bạn lá nhẹ tênh, yêu nơi chốn cao cao tít trên trời xanh, yêu những cơn gió đung đưa, nắng trời sưởi ấm, ánh trăng phủ đầy thân hắn làn ánh sáng dịu êm bàng bạc.

Đặc biệt, nó yêu nhất là mùa hè với những ngày nắng ấm kéo dài và những đêm yên bình đầy ấp mộng mơ. Mùa hè, người ta đến công viên nhiều hơn. Họ thường ngồi dưới gốc cây của Freddi.

Daniel bảo nó rằng tỏa bóng mát cho đời là một nhiệm vụ của anh ấy.

“Nhiệm vụ là gì hở anh?”- Freddi hỏi.

“Là một lý do để tồn tại”, Daniel trả lời. “Làm những điều đem hạnh phúc đến nhiều hơn cho kẻ khác là lý do để có mặt trên cõi  đời này. Tỏa bóng mát cho người già đến đây tránh nắng, tạo nơi mát mẻ cho trẻ con chơi đùa, hay lấy thân mình đong đưa làm chiếc quạt cho những người đi dã ngọai ngồi ăn trên những chiếc khăn trãi sọc ca rô, đó là ý nghĩa đời sống của chúng ta.”

Freddi đặc biệt thích mấy cụ già. Họ ngồi mới tĩnh lặng làm sao trên cỏ mát và có vẻ thường thầm thì về những ngày quá khứ đã trôi xa. Bọn trẻ thì cũng dễ thương, mặc dù đôi khi chúng tinh nghịch khóet lỗ trên thân cây hoặc khắc tên lên trên ấy. Quả vậy, thiệt là vui mỗi khi nhìn chúng nô đuà chạy nhảy.

Nhưng, đáng tiếc là mùa hè dễ yêu của Freddi chẳng kéo dài được bao lâu thì đã trôi qua.

Mùa hè ấy biến mất trong một đêm tháng mười. Cậu ta chưa bao giờ cảm thấy trời lạnh đến như thế! Tất cả lá trên cành rung rẩy lên vì rét. Chúng bị phủ một lớp mỏng màu trắng, lớp màng này nhanh chóng tan đi, để chúng ướt sũng và lấp lánh trong nắng ban mai.

Như mọi khi, nhà hiền triết Daniel nói cho chúng biết rằng chúng vừa nếm thử chút mùi băng giá đầu tiên, dấu hiệu của một mùa thu và mùa đông sắp đến.

Ngay sau đó, cả thân cây, nói là cả công viên mới đúng hơn chứ, đã chuyển sang một sắc màu rực rỡ. Hầu như không chiếc lá xanh nào còn ở lại trên cành nữa. Alfred đã biến thành màu vàng khè. Còn thằng Ben thì thành màu cam chói. Clare đỏ rực, Daniel tím sậm, còn Freddi thì vừa đỏ vừa vàng vừa xanh màu nước biển. Tất cả bọn chúng trông mới ngộ nghĩnh làm sao! Bọn chúng đã làm cho cái cây biến thành bảy sắc cầu vồng rồi!

Freddi hỏi: “Tại sao vẫn còn ở chung trên cây mà chúng ta lại biến ra đủ màu sắc như thế này?”

- Mỗi người chúng ta đâu có giống nhau. Chúng ta có những trải nghiệm khác nhau mà! Chúng ta đón nắng mặt trời theo các hướng khác, chúng ta tỏa bóng mát ra cũng khác. Vậy thì tại sao chúng ta lại không thể có màu sắc khác nhau kia chứ?- Daniel giải thích những chuyện hiển nhiên ở đời mà Freddi không biết được và còn cho nó biết rằng mùa này chính là mùa thu.

Ngày nọ, có một chuyện lạ lùng xảy ra. Cơn gió mát thuở nào làm cho chúng khiêu vũ nhịp nhàng giờ bỗng dưng đong đưa lúc lắc bọn chúng dữ dội như đang lên cơn giận. Nhiều chiếc lá bị rứt khỏi cành và cuốn đi trong gió, lượn lờ trong không trung trước khi nhẹ nhàng rơi xuống mặt đất.

Tất cả các chiếc lá trên cành đều trở nên hỏang sợ.

- Chuyện gì đang xảy ra vậy? - Chúng thì thào hỏi nhau.

Daniel bảo chúng: “Đó là những gì xảy ra trong mùa thu. Đó là lúc cho những chiếc lá thay đổi nơi chốn của mình. Có người gọi đó là cái chết”.

Freddi hỏi: “Tất cả chúng mình có phải chết hết hay không?”

Daniel trả lời : “Đúng vậy, tất cả đều phải chết hết; bất kể rằng mình to hay nhỏ, mạnh hay yếu như thế nào. Lúc đầu chúng ta thực hiện nhiệm vụ của mình, chúng ta đón nhận mặt trời mặt trăng, gió và những cơn mưa. Chúng ta học khiêu vũ.Chúng ta cười. Rồi chúng ta chết.

Freddi nói quả quyết: “Tôi không chịu chết đâu. Tôi sẽ không chết, anh cũng vậy phải không Daniel?”

Daniel trả lời: “Không được đâu Freddi à, khi đến lượt tôi, tôi phải chết”.

Freddi: “Mà chừng nào mới tới lúc ấy?”

Daniel đáp lại: “Không ai có thể biết chắc được ngày ấy”.

Freddi để ý thấy rằng trong lúc ấy, những chiếc lá khác tiếp tục rơi. Nó suy nghĩ: “Chắc là đã đến phiên chúng rồi”. Nó thấy rằng có những chiếc lá cố chống chọi vô vọng với cơn gió lạnh lùng trước khi rơi xuống đất, những chiếc khác thì buông xuôi và nhẹ nhàng rơi.

Chẳng bao lâu sao, cái cây đã hầu như trơ trụi lá.

Freddi nói với Daniel: “Daniel ơi Daniel! Tôi sợ chết quá! Không biết điều gì sẽ đợi chờ tôi ở cõi chết”.

Daniel: “Tất cả chúng ta đều sợ hãi những gì chúng ta không biết, đó cũng là điều tự nhiên”. Daniel vỗ về hắn: “Tuy vậy, bạn đâu có nghe sợ khi mùa hè trở thành mùa thu, đúng không? Đó là những đổi thay tự nhiên, vậy sao bây giờ bạn lại sợ mùa… chết ?”

Freddi hỏi: “Vậy cái cây có phải chết giống như tụi mình không?’’.

- Cũng vậy thôi, một ngày nào đó cây rồi cũng phải chết. Nhưng có thứ mạnh hơn cái cây nhiều. Đó là sự sống. Sự sống thì vĩnh hằng và tất cả chúng ta chỉ là một phần của dòng sống bất tận đó.

-  Chúng ta sẽ đi về đâu khi chúng ta chết đi?

-  Đó là một bí ẩn vĩ đại mà không có ai có thể biết chắc được.

-  Đến mùa xuân, chúng ta có lại được trở về hay không?

-  Chúng ta chắc hẳn là không, nhưng sự sống thì có đấy!

-  Ôi nếu vậy thì vì sao lại có những chuyện ngớ ngẩn như thế này cơ chứ? Tại sao chúng ta có mặt ở đời làm chi để chỉ rồi phải gục ngã và chết đi một ngày kia!

Daniel trả lời điềm nhiên: “Đó là vì mặt trời và mặt trăng. Đó là vì những ngày tươi đẹp mà chúng ta đã ở bên nhau. Đó là vì bóng mát ta tỏa che cho đời, vì những cụ già và em bé.  Đó là vì sắc màu của những ngày mùa thu đầy nhung nhớ.  Đó là vì những xuân hạ thu đông đã qua đi qua đi trong đời ta. Ngần ấy thứ là chưa đủ để có mặt trên cõi đời này hay sao?”

Thế rồi có một buổi chiều, trong áng nắng chạng vạng vàng úa của một ngày tàn, Daniel đã ra đi. Anh ấy rơi nhẹ nhàng, anh ấy rơi dịu dàng, rơi đi rơi đi mà dường như còn mỉm cười một cách bình yên, và rồi còn nói: “Giờ thì đã đến lúc vĩnh biệt nhé, Freddi”.

Giờ đây, Freddi chỉ còn lại lẻ loi một mình, hắn là chiếc lá cuối cùng còn ở trên cành.

Những hoa tuyết đầu tiên đã bắt đầu rơi vào buổi sáng ngày hôm sau. Những hoa tuyết ấy màu trắng, rất êm và rất dịu dàng, nhưng mà sau nó tê buốt kinh khiếp thế! Cả ngày dài không còn thấy bóng mặt trời đâu nữa, và ngày sao mà ngắn ngủi đến thế! Freddi cảm thấy mình tái nhợt và dễ vỡ tan làm sao. Trời mỗi lúc một lạnh và tuyết đã phủ đầy trên thân mình của nó.

Vào lúc rạng đông, một cơn gió đến tiễn đưa Freddi rời khỏi cành cây. Cũng chẳng đau đớn gì. Nó cảm thấy mình trôi đi bềnh bồng, nhẹ nhành, êm ả.

Khi rơi, lần đầu tiên nó mới nhìn thấy được cả thân cây. Cái cây mới mạnh mẽ vững chắc làm sao! Nó tin tưởng rằng  cây chắc sẽ còn sống lâu, và nó đã là một phần tạo nên cái cây ấy, điều này làm cho nó nghe rất đỗi tự hào.

Freddi rơi và nằm trên một hoa tuyết. Nó cảm thấy êm mà còn  hơi ấm ấm nữa chứ. Ở nơi mới mẻ này, chưa bao giờ đời nó có được cảm giác dễ chịu đến thế. Nó nhắm mắt lại và từ từ rơi vào giấc ngủ yên. Nó không biết rằng mùa đông rồi sẽ qua và mùa xuân rồi sẽ về và những bông hoa tuyết mềm mại này rồi cũng sẽ tan đi thành nước. Nó không biết rồi cái tấm thân khô héo vô dụng của hắn sẽ ra làm sao khi hòa vào với nước để làm cho thân cây được thêm sức sống. Mà hơn hết, nó không bao giờ biết được rằng ngày kia khi nằm chết rục dưới cội cây này, nó sẽ góp phần tạo nên những chiếc lá xanh non mới, chào đón một mùa xuân xa sẽ  về…

Mùa hạ 2003
Người dịch: Hoàng Anh (Bình Dương)


Read more…

HUẾ - ĐÊM ĐÔNG (Thơ Trường Thắng)



Đêm mùa đông Thành Huế sương sa
Tôi lang thang ôm heo may lạnh giá
Người bán đêm rao hàng buồn bã
Phố vắng thưa người…
Sột soạt lá vàng rơi!

Tôi trở về xao xuyến đầy vơi
Trầm tích rêu phong đan dày thành cổ
Hàng cây ngủ bên lề đường nội phố
Thoang thoảng hương đêm…
Lẫn hương sứ trái mùa!

Tiếng đàn bầu tấu khúc Huế xưa…
Tiết đông lạnh xao lòng người viễn xứ
Tôi đã  từng chờ ai …
Tay trong tay – đi qua cầu tình tự!
Để bây chừ nỗi nhớ vẽ thành thơ!…

Tôi trở về ôm Huế mộng mơ
Lời dịu ngọt răng – ri - tê – mô – rứa…
Cho thỏa niềm nhớ nhung chất chứa
Mỗi độ đông về… Thành  Huế vẫn bao dung...


Trường Thắng  (Huế)
Read more…

ANH VỀ ĐI – Thơ Trương Công Tưởng



Anh đừng vuốt ve em khi tình yêu không còn nơi đáy mắt
Anh đừng dùng nụ hôn bỏng rẫy lôi em vào khao khát cháy mùa
Mịt mùng đêm dài câm lặng
Trái chín ngọt ngào đã rụng
chỉ còn sót lại những cành trơ
Cơn bão trôi qua lòng hoang vắng xác xơ
Em nhận ra trong vòng tay anh hờ hững
Một thời ngờ nghệch tin vào điều bền vững
nhưng tình yêu cứ khuyết dần theo những vầng trăng
Giọt mưa đêm rìn rịn trên mảnh đất khô cằn
Anh đâu biết canh thâu chờ đợi
Đến lúc tiếng lòng bùng lên chới với
Em buông mình theo cõi trầm sa
Người đàn bà trong em vẫn cất tiếng ca
dù đêm mưa không có anh bên cạnh
dù trái tim phủ đầy tuyết băng giá lạnh
Anh về đi
Tình yêu đã chết rồi!

Trương Công Tưởng (Bình Định)


Read more…

VỀ ĐÂU MÙA HÈ – Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây



                                                                                     
         
        Con gái xấu nhất có lẽ là sau khi thi, làm bài không được.
        Tôi đón Gấm trước cổng trường. Thoáng nhìn, đã biết em có hy vọng  trượt vỏ chuối.
        Không còn là “Đóa hồng tươi thắm” mà tôi ví von, Gấm ỉu xìu như con gà nuốt dây thun. Hai má phụng phịu. Hàm răng trên cắn chặt môi dưới, run run. Cặp mắt mọng nước, nhìn xuống. Gấm siết chặt cái cặp trước ngực, lững thững bước như mơ ngủ. Tôi đứng trơ trơ đó mà em không thấy, lãnh đạm đi luôn.
        Nửa buồn cười, nửa tội nghiệp, tôi cũng ỉu xìu hết mấy giây. May là có ai đó giẫm phải chân, đau điếng, tôi bừng tỉnh, vội đuổi theo em.
                 - Gấm!
      Ngước nhìn, thấy tôi, em òa khóc. Bối rối, chẳng biết làm sao, cuối cùng tôi cũng thốt được:
      - Nín đi, anh thương!
      Nói xong, tôi giật nẩy mình. Thế nào, Gấm cũng giận dỗi, bảo tôi là thằng cơ hội. Nhưng may mắn làm sao! Em mãi chìm trong đau khổ trước viễn ảnh tương lai đen tối nên không chú ý. Gấm vừa kéo tà áo dài lau nước mắt vừa tức tưởi:
                 - Hỏng rồi, anh ơi!
      Trời ơi, giọng em than thở mới ngọt làm sao! Tôi lâng lâng sung sướng. Phải chi em còn thi thêm vài đợt tốt nghiệp nữa thì hay biết mấy. Tuy nhiên, tôi vẫn làm mặt đau khổ, an ủi:
                 - Tầm bậy, hỏng đâu mà hỏng. Mới thi có một môn đã hoảng lên rồi. Biết đâu, chiều nay em làm bài được!
      Ánh mắt Gấm thoáng vui nhưng tia hy vọng tắt ngấm ngay khi đó:
                 - Nhưng em dở Văn lắm!
                 - Đừng sợ, lấy điểm Toán kéo qua.
                 - Môn Toán em  càng dở.
                 Thiếu chút nữa tôi đã gắt gỏng:
                 - Môn nào cũng dở, thi làm quái gì cho mệt!
Nhưng tôi đã kịp điều chỉnh thành một câu khác mà chính tôi còn phải tự khen mình là thông minh:
- Lo gì, “Học tài, thi phận “.
Em có vẻ nguôi ngoai, đi sát vào tôi:
- À há! Biết đâu... vái trời Phật phò hộ cho em thi đỗ, em sẽ ăn chay... một tháng!
Trời đất! Sao con gái đều một ruột như nhau, hễ đi thi thì cầu đỗ sẽ ăn lạt. Làm sao chịu nổi. Như vậy chẳng có lợi gì cho trời phật mà còn thiệt thân. Cả một tháng không được nếm mùi thịt cá... Phải rau cỏ suốt! Gấm đã ốm chắc sẽ càng ốm thêm. Tôi xót cả ruột:
- Hồi đó, lúc đi thi, anh có nguyện: “Nếu đỗ sẽ cúng heo quay”.
- Nhưng nhà em độ nầy sa sút, chắc không lo nổi.
- Em khờ quá, vái cúng heo chớ có phải nguyên con đâu.
- Vậy thì cúng gì?
- Cúng... một cái đuôi heo cũng được.
Gấm cười rúc rích:
- Ăn gian hén, tội chết!
Tôi thích chí xoa hai tay vào nhau, cười cười:
- Tội gì. Anh vẫn thi đỗ và sống nhăn răng nè.
Đang cười, Gấm chợt nhíu mày:
- Còn em chắc rớt quá! Hồi nãy, chữ hydro mà em viết lộn là zero. Đúng là điềm xui.
Cắn chặt môi để không bật cười, tôi trấn an em:
- Nhằm nhò gì ba cái lẻ tẻ đó! Chữ hydro hồi đó anh viết nhầm là siro mà có sao đâu.
Khúc khích cười, Gấm phát nhẹ vào vai tôi:
- Thôi, đừng có làm bộ, ông tướng ơi!
Đúng lúc đó, một chiếc xe máy đỗ sát bên chúng tôi, Gấm kêu lên: “Ba!”.
Ông Thanh, ba Gấm vẻ mặt không vui, hầm hừ:
- Hừ, thi với cử mà... lên xe, ba đưa về.
Chiếc xe lao đi, lòng tôi chùng xuống, xót xa.Tôi lủi thủi rẽ sang đường khác, tránh đi ngang nhà em. Tôi không muốn nhìn thấy đôi mắt ác cảm của ba Gấm. Chung qui chỉ tại cái nghèo. Ngoài giờ học, tôi phải làm thêm một số việc để giúp mẹ, nuôi sống gia đình. Tôi dạy kèm tư gia, chạy bàn cho quán cà phê, giữ xe đạp ở quán bia. Thật là xúi quẩy. Ông Danh gặp tôi ở đó. Ông gửi xe cho tôi để vào quán. Hôm sau, khi tôi đến nhà tìm Gấm, ông ra chận ở cửa, bảo:
- Con Gấm không có ở nhà.
- Dạ, xin phép bác, cháu về, khi khác...
Ngắt lời tôi, giọng ông nhòn nhọn:
- Này, cậu Kiên, sao cậu lại chọn một cái nghề đã không sang trọng còn lựa chỗ chẳng mấy trong sạch vậy cậu?
Phải gắng hết sức tôi mới không tuôn ra những câu hằn hộc:
- Thế nào là một nghề sang trọng vậy bác? Còn bác, vì cớ gì lại bỏ ra một số tiền để vào một chỗ chẳng mấy trong sạch?
Nhưng vì yêu Gấm, tôi im lặng. Đắc ý, ông Danh lại tiếp tục... lên lớp:
- Tuổi trẻ bây giờ sa đọa quá!
Nếu ông không là cha của Gấm thì tôi đã nhân danh cho tuổi trẻ đấm vỡ cái mõm kia. Tôi trừng mắt nhưng dịu giọng:
- Dạ, con sẽ noi theo gương bác, cố gắng sống tốt hơn.
Rồi không thèm nhìn khuôn mặt đỏ bừng, sượng sùng của ông, tôi bỏ đi. Từ hôm ấy, Gấm bị cấm cửa, không được gặp tôi.
Vì tự ái, tôi cũng tránh gặp Gấm, dù rất nhớ. Tôi vẫn tiếp tục giữ xe cho quán bia. Tìm ra chỗ làm đâu phải dễ. Tôi không thể để cho lũ em của mình đói cơm, rách áo. Cái sạp trái cây ở chợ của mẹ tôi đem đến một số lợi tức quá khiêm tốn. Còn ba tôi, ông chỉ biết có rượu, may là rượu đế và thỉnh thoảng cũng có ý định buôn bán. Bán nhà. Lâu lâu, ông bắc thang đính lên cây sầu đông trước ngõ một tấm bảng: “Bán nhà” Vài hôm lại trèo lên, gỡ xuống, thêm vào chữ: “Tại đây có bán nhà”. Một lần, bực quá, tôi sinh ra hỗn, thét lên:
- Con lạy ba, ba đừng khoe nghèo, khoe suy sụp nữa!
Ba tôi nói trong cơn sặc xừ men rượu:
- Nhà tao, tao bán. Thằng nào cản, tao đập vỡ sọ nó!
Tôi trở nên tàn nhẫn:
- Vậy thì ba chỉ cần ghi hai chữ “nhà bán” rồi treo trước cửa thì đúng hơn.
Tội nghiệp! Hôm sau ông lấy tấm bảng xuống, sửa lại thành “Nhà bán” rồi treo ngay cửa như tôi châm chọc.
Học và làm, làm và học. Giảng đường đại học rồi tư gia, rồi quán cà phê rồi bãi giữ xe. Bấy nhiêu đó đủ làm cho tôi chóng mặt. Tôi bị lôi vào quỹ đạo của bận rộn, tất bật. Nhờ vậy, tôi tạm nguôi nhung nhớ hay không có thời giờ nghĩ tới việc lén lút hò hẹn. Và, một tháng qua, tôi đã nguôi dần cơn giận dỗi, mặc cảm thua thiệt cũng mờ dần. Sáng nay, nhân lúc rỗi, vô tình ngang qua trường của Gấm. Tôi bàng hoàng nhìn cây phượng  già đã chìa ra những chùm hoa đỏ thắm. Gió lay, vài cánh hoa rơi. Mùa hè đã về rồi đấy ư? Mùa chia tay, mùa thi... Tôi chợt nhớ hôm nay là ngày Gấm thi tốt nghiệp PTTH. Mới đó mà đã ba năm, ba  mùa quen cũ. Ba mùa yêu êm đềm. Mới ngày nào, em thẹn thùng tay kéo nghiêng vành nón lá, tay kéo áo dài sau ra trước rồi bối rối buông lơi, quấn tà trước kéo về phía sau khi bắt gặp ánh mắt  đăm đắm nhìn của tôi. Chỉ có vậy mà tôi cứ hồi hồi hộp hộp mãi, cả tuần lễ lâng lâng trong niềm cảm xúc lạ thường.
Vậy mà bây giờ, một tháng trôi qua, tôi và em như nghìn trùng xa cách. Chỉ vì vô lý của ba em và nỗi bất lực của ba tôi cộng thêm cuộc sống đòi hỏi phải đấu tranh để tồn tại.
Hôm nay, đứng trước cổng trường em, tôi bỗng nghĩ, để cho tình yêu cúi đầu trước những điều như thế thì cũng thật là vô lý. Sao tôi và Gấm không cố vượt lên trên nghịch cảnh để đến với nhau. Tôi cảm thấy mình mạnh dạn hơn, can đảm hơn, tôi đứng chờ em tan giờ thi với trái tim yêu rực đỏ.
Nhưng, Gấm chẳng có vẻ gì buồn nhớ hay mừng rỡ lúc gặp lại tôi. Gấm mãi lo khổ đau về bài làm của mình, khiến cho tôi ngỡ ngàng , hụt hẫng. Em còn nhỏ và hồn nhiên quá! Tình yêu đối với em chỉ là một món trang sức làm duyên cho con gái. Chỉ tiếc, một thằng sinh viên nghèo như tôi không đủ sức làm đẹp đời em. Tạm biệt em, Gấm thân yêu! Tôi trở về chỗ của mình, nơi có cây sầu đông quanh năm cúi đầu ủ rũ.

Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
                                                       
                                                                





Read more…

NÍU TAY – Thơ Đào Thanh Hoà




Vội chi anh
Mưa thu ướt áo?
Những hạt đời nghiêng xuống lá tinh khôi.

Ngồi tựa vai nghe:
Biển động chiều dâng
Mênh mang đàn hải âu xoãi cánh.
Cát vẫn ru hời
Nâng giấc mộng đi hoang

Ngồi lại đây anh
Bên nhau thách thức đời cuồng nộ
Hé môi nhàu
Thầm hát những cung xưa

Vội chi anh
Bên hiên
Mưa thu còn rơi mãi...

30/9/2010
Đào Thanh Hòa (Quy Nhơn - Bình Định)



Read more…

Viết ngắn: HOA VÀNG MẤY ĐỘ NGÀY XƯA – Tuỳ bút Anh Phong


                             (Gửi người em gái sông Nong)
        Bên kia sông nhà em kín cổng cao tường, có hoa vàng trước ngõ. Bên này sông nhà tôi đơn sơ, tôi một mình ngồi mơ chuyện đèn sách thành danh.
Em thường đi qua trước ngõ nhà tôi, đôi mắt huyền nhuộm nắng ban mai, tóc thề bay theo gió, dáng em khoan thai như bước trên vườn Địa đàng. Bờ vai gầy, mái tóc ấy, đôi mắt ấy đã đưa hồn tôi vào mộng. Để rồi một chiều em gặp ánh mắt tôi, bờ mi em khép nhẹ nhìn xa xăm.
Hôm sau em diện áo dài với nón lá bài thơ, tóc huyền bay theo gió. Tôi biết em muốn ai ngắm nhìn khi qua ngõ nhà tôi. em mỉm cười mãn nguyện.
Rồi hôm sau nữa, tôi khép hờ cánh cửa, chờ em qua ngõ nhà tôi. Đôi mắt em thảng thốt như tìm ai, tôi nép mình cười sau cánh cửa. Chiều về, cũng đôi mắt ấy em lại tìm và nhà tôi cánh cửa vẫn khép hở.
Hôm sau với dáng vội vàng hơn, em qua ngõ nhà tôi, gặp ánh mắt tôi em thẹn thùng không nói, cúi đầu em mỉm cười vu vơ, đôi má ửng hồng.
Thời gian cứ thế trôi, tôi vẫn ngồi mơ cỏn em cứ vẫn đi về. Cho đến một chiều tôi dược tin có người dạm ngõ nhà em!
Em đi qua trước ngõ nhà tôi, đôi mắt hờn trách, em cúi đầu che nón, bước vội. Tôi thẫn thờ vì tay còn trắng tay. Hôm nay gió heo may lại về se lạnh. Từ đó tôi ra đi.
Ngày tôi lên xe, em đứng đầu đường che nón, gió lạnh như xé nát hồn tôi! Xe chuyển bánh em vẫn che nón như tiễn ai, đưa ai theo cơn gió này.
Chiều nay nơi phương xa tôi vẫn còn tay trắng. Có lẽ bây giờ em đang vui bên chồng, chỉ mong thế và đừng hẹn gì nhau!
Đã mấy độ xuân về thu sang, không biết hoa có còn vàng trước ngõ và tóc em có còn theo gió bay bay...


Anh Phong (Bình Dương)
Read more…

BẢN GIAO HƯỞNG MÀU XANH – Thơ Nguyễn Minh Dũng



HOA CAO SU

Một sớm cha về thăm xóm nhỏ
Mang theo tặng mẹ một cành hoa
Cha nói: - Đời phu bao gian khổ
Lòng son hương sắc vẫn thiết tha

Từ ấy, cha đi không trở lại
Giọt máu rơi giữ vẹn lời thề
Rừng cây ơi! Lòng mẹ tái tê
Chùm hoa nhỏ - Tình cha mãi mãi

Nghẹn ngào dòng nhựa đời Cha – Mẹ
Giữ nắng cho con sớm mai này
Mẹ ơi! Xuân đến – Cao su nở
Tình cha thơm ngát cả rừng cây…




VÔ ĐỀ

Ơi người
         “Lá rụng…
                   Lại xanh”
Nắng, mưa đọng lại
           Bỗng thành tình yêu
Rừng cao su
           Gợi
                  Bao điều…
Từ dòng nhựa trắng
            Chắt chiu tháng ngày.


GIAO HƯỞNG XANH

Cây đeo chén bên mình
Dáng cây – hình nốt nhạc
Những nốt – tình ca xanh
Quê hương ôm đàn hát

Tang tình tang dòng nhựa
Từng giọt nhỏ xuống đời
Ngọt thơm như dòng sũa
Của mẹ đã nuôi tôi

Tang tình tang dòng nhựa
Êm ái chảy vào đời
Chứa chan trên cánh võng
Ca dao mẹ ru tôi

Tang tình tang dòng nhựa
Thiết tha nghiêng xuống đời
Đong đầy vầng trăng sáng
Nuôi mãi hồn thơ tôi

Tang tình tang dòng nhựa
Nối duyên người với người
Có em để tôi nhớ
Và rồi… em yêu tôi

Cây đeo chén bên mình
Rừng cao su viết nhạc
Bản giao hưởng màu xanh
Em – Anh nâng đàn hát.

                        
NGỰC TRẦN TÂY NGUYÊN

Tần ngần ngọn núi
Bàng bạc mây trời
Nắng “đen” nương rẫy
Ngực trần em phơi.

Cái chân đã mỏi
Cái bụng đòi ăn
Bản làng dời đổi
Kêu “Giàng” bặt tăm!

Dật dờ Mang “tác”
Lơ ngơ suối ngàn
Chim “gù” khắc khoải
Khoai, lúa lặng câm!

Núi nghiêng xuống đồi
Nắng vàng xôn xao
Xanh thấp mây trời
Ngực trần nôn nao…

Con chim dừng cánh
Mang tác ngẩn ngơ
Miên man suối ngàn
Mầm gì… tách vỏ?

Bản làng bỗng lạ
Cái đất chợt thơm
Ơ! Cây biết “khóc”
Giọt “lệ” trắng ngần!

Già làng học chữ
Thầy “mo” mịt mù
Đói nghèo xa khuất
Sau tán cao su…

Anh mời bạn vui
Nghiêng “ché” rượu cần
Nhà rông lễ hội
Cồng – Chiêng bập bùng…

Tây nguyên – mùa xuân
Bản làng tươi trẻ
Rực rỡ lan rừng
Ngực trần đầy hương…

Nguyễn Minh Dũng (Dầu Tiếng – Bình Dương)


Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (136) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (3) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (23) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (2) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (32) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (51) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (25) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (23) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (6) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (33) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (612) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3139) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (100) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (519) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (16) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (15) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (1) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2469) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (11) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------