Nguyễn Nguyên
Phượng (Đồng Nai)
TIẾNG THƠ
ẤM ÁP NGÀY XUÂN – Tạp bút Nguyễn Câu Mục
Đến với thị
xã An Nhơn, tỉnh Bình Định – “Chúng ta như lắng nghe được hơi thở, ánh nhìn,
tiếng nói đầy chân cảm, trầm lắng vô cùng nhưng cũng vang động đến vô cùng”
(Huyền tích kinh xưa – Nguyễn Thanh Mừng, Trần Thị Huyền Trang).
Thật vậy – không biết từ bao giờ mà ở An
Nhơn, tình đất, tình người như luôn quyện chặt vào nhau- luôn yêu ấp nâng niu
nhau, nên dễ dàng bật lên tiếng lòng đầy chân cảm thiết tha. Lẽ thường, ta có đi
chân đất, thì mới biết rõ được mặt đất đang nắng ấm hay khô lạnh – cũng như ta
có nghe được hơi thở, ánh nhìn, tiếng nói đầy chân cảm thì ta mới nhận thấy
được bao trầm lắng vang động đến vô cùng.
Đúng như vậy – Bao trầm lắng vang động
đến vô cùng. Trầm lắng như bóng hoa xuân mới chớm về, mà thi sĩ đã phát hiện ra
ngay. Bao xao xuyến thầm kín ùa về – thi sĩ vội lắc chiếc bình cũ, mà người thơ
đã nhớ rõ là còn nhín lại đôi chút tận hôm nào. Một mình với bóng hoa xuân sớm,
tự rót rượu ra; nhìn lên đỉnh núi quê nhà, cụng vài ly nồng ấm miên man cùng
với đất trời dịu vợi:
“Gió đông chuốt nhọn bút mai đề
Chợt bóng hoa xuân sớm hiện về
Lắc chiếc lọ sành còn rượu nhín
Vọng lên đỉnh núi cụng vài ly”
(Xuân Tảo – Yến Lan)
Bóng hoa xuân sớm về đã lay động hồn
người đến như vậy – Còn như xuân đến trễ tràng thì hồn thơ ra sao? Thật ra,
xuân sớm hay muộn tự thân đều có nguyên nhân của nó. Mua sắm một cành đào
để đón Tết, thế mà tới ra Giêng mới hé nở một vài bông. Nhìn thấy nhà người ta
đã đón xuân rồi – còn nhà mình, đến nay hoa đào chỉ mới chớm hồng. Thôi thì cứ
thong thả ung dung với trời xuân trong cõi lòng ta vậy:
“Vụng sắm cành đào không kịp Tết
Ra Giêng chợt hé một vài bông
Xuân người lả tã bay đi hết
Ngoảnh lại xuân ta mới chớm hồng”
(Xuân muộn – Yến Lan)
Khó có thể nói hết được sự mầu nhiệm của
ngày xuân. Thời điểm giao mùa của thiên nhiên đã tạo nên bao vẻ đẹp kỳ ảo ngay
trong làng xóm quê hương mình. Dù môi trường hôm nay đã thay đổi, lệch lạc đi
ít nhiều, song hơi hớm của tàn đông vẫn còn hiện ra rõ rệt – để rồi bao cây lá
lại vẫn đâm chồi nẩy lộc, sẵn sàng chào đón một mùa xuân với biết bao hương sắc
ngọt ngào.
Tết đã đến rồi, thế mà cúc vẫn chưa nở
hoa – nhưng màu thắm tươi vẫn tiếp tiếp thắm tươi, thời gian trôi qua vẫn cứ
ung dung trôi qua. Điều chắc chắn là xuân vẫn sẵn hoa rồi, đã sẵn duyên hẹn
nhau rồi, và hoa đã sẵn nở muộn rồi – thế nên ta phải biết yêu ấp dịu dàng để
còn tận hưởng được sự toàn bích với dáng vẻ đậm đà của cả một mùa xuân, mà tạo
hóa đã nhiệt tình ban tặng đến cõi người ta:
“Tết, cúc chưa hoa, xuân sẵn hoa
Mầu tươi lại tiếp sắc phôi pha
Cái qua vẫn biết thường qua mất
Duyên hẹn còn cho cả đậm đà”
(Cúc muộn, xuân sẵn hoa – Đặng Tấn Tới)
Tết đến rồi mà cúc chưa nở hoa. Nhưng
cũng có năm, Tết chưa đến mà cúc đã sớm nở rồi.
Nhớ lại khi xưa, cũng trời này, đất này,
thi sĩ Hàn Mặc Tử đã thấu cảm: “Cúc ngó đơn sơ lắm mặn mà”, nên đã: “Muốn ôm
hồn cúc ngủ trong sương”. Vậy thì nay, ta dại gì hà tiện chút lòng sâu lắng; mà
chẳng tùy duyên vui cuối năm với vườn cúc hoa khuya lồng lộng ánh trăng rằm:
“Cúc sớm, tùy duyên vui cuối năm
Vườn khuya hoa lộng ánh xa xăm
Thơ xưa, thi sĩ yêu Hoàng Cúc
Lưu lãng còn in sắc nguyệt rằm”
(Rằm cuối năm, thưởng cúc vườn An Ngãi –
Đặng Tấn Tới)
Lại có người thơ đã thật tình hỏi người
yêu của mình rằng: Bao nhiêu mùa xuân thay lá? Bao nhiêu cánh hoa để trang
điểm? Bao nhiêu lá vàng rơi? Và có bao búp non trên cây xanh? Hỏi em, như là để
khơi dậy từ một nỗi niềm nhớ thương nuối tiếc khôn nguôi: “Từ con chim mộng bay
rồi – Rừng hương khép lại trăm lời cỏ hoa” (Hàn Dã Thảo) mới hay cỏ hoa, cây lá
liên quan mật thiết đến nhường nào đối với mùa xuân, đối với thiên nhiên bao la
huyền bí:
“Em có bao nhiêu mùa xuân thay lộc
Bao nhiêu cánh hoa trang điểm đời mình
Bao nhiêu lá vàng rơi rụng
Có búp non nào trên đọt cây xanh…”
(Một ngày nào – Hàn Dã Thảo)
Cũng có trường hợp, vào ngày đầu xuân,
giàn hoa ti-gôn trước nhà nở rực rỡ, làm cho hồn ai chợt rung rinh xao động. Dù
bao ngày mưa dập gió dồn, nhưng buổi đầu xuân hôm nay, bỗng thấy ánh nhìn của
em sao mà rạo rực một cách mộc mạc giản dị, làm cho hồn người thơ ngây ngất
tuôn trào:
“Cùng em chạm cốc đầu xuân
Hiên tây treo lửng mấy từng ti – gôn
Ngày qua mưa dập gió dồn
Sóng nay thanh sắc dậy hồn thơ bay”
(Chạm
cốc – Đào Quảng)
Lại một trường hợp khác – ngày đầu xuân
yên ắng, bỗng nghe tiếng mưa xuân rào rào. Một không gian lắng đọng đầm ấm vui
vẻ len lén vào nhà. Ngồi một mình, người thơ thong thả nhắp chén trà nóng, bỗng
nghe tiếng gáy của đàn gà, làm cho người thơ càng thêm bâng khuâng đắm đuối dạt
dào:
“Rào rào – mưa sớm đầu xuân
Bỗng nghe “tiếng hỉ” bâng khuâng vào nhà
Một mình ngồi chắp chén trà
Nghe ra tiếng gáy lũ gà vui tai”
(Mưa
sớm đầu xuân – Đào Viết Bửu)
Tiếng thơ thật vô cùng giản dị, nhưng
lại chất chứa ấp ủ, lắng động biết bao niềm tâm sự riêng tây. Thật vậy, tiếng
thơ thở nhè nhẹ phơn phớt như gió thoảng mây bay một cách hồn nhiên tự tại.
Nhớ đến người bạn tri kỷ của đời
mình đã vĩnh viễn ra đi, giữa tuổi hoa xuân phơi phới. Người thơ dù: “Đọc trên
bia mộ mùa xuân” nhưng nước mắt vẫn cứ rơi đầy trên trang giấy. Nước mắt chan
chứa bao khúc sầu ca, nên nghìn năm mưa nắng có phôi pha thì tấc lòng này vẫn
còn mãi đau lòng. Và dù người thơ có: “Đọc trên bia mộ từng ngày” nhưng sương
nắng vẫn cứ rơi đầy mùa xuân, giống như là hạt bụi của trời đất mênh mông đang
rơi rơi bay bay giữa thế nhân giả tạm này:
“Đọc trên bia mộ mùa xuân
Rưng rưng trang giấy thắm từng câu hoa
Lệ trời gởi lại sầu ca
Nghìn năm mưa nắng phôi pha tấc lòng
Đứng đi thì cũng như không
Xót người xưa chợt đau lòng người nay
Đọc trên bia mộ từng ngày
Mùa xuân sương nắng phơi bày thế nhân”
(Mầu
biệt ly – Nguyễn Như Tuấn)
Những biến chuyển đổi thay của trời đất
thật là huyền bí và linh diệu. Nhưng lạ thay, tâm hồn người thơ đôi lúc lại còn
có những điều nhạy cảm và tinh tế hơn. Trời đang chiều, nhưng sự thật đã có
sương đêm rơi rồi. Trời đang còn giấc khuya, nhưng đã có sương mai nhè nhẹ bềnh
bồng. Và trời đang đông, nhưng rõ ràng mùa xuân đã về. Nên những đóa hoa trên
nhành đào tháng Chạp đã vội vã nở sớm. Đấy là hiện tượng tiếp chuyển giao mùa,
mà người thơ đã tận hưởng hết được không gian thời gian của ngày chớm xuân đang
lung linh sinh động:
“Đang chiều, trời đã sương đêm
Đang khuya, trời đã bồng bềnh sương mai
Đang đông, trời đã xuân đầy
Nhành đào tháng chạp vội gầy dáng hoa”
(Sớm
– Nguyễn Thái Dương)
Lại có một hoàn cảnh khác hơn. Bao năm
lam lũ cùng với ruộng đồng. Mãi nhìn con cua đồng nhủi chui trong hang lạnh,
hay mãi nhìn bóng làng bạc trắng trong mùa nước lũ mênh mông. Bao khổ cực rồi
cũng trôi qua. Năm nay mưa thuận gió hòa – nên cuối năm còn có bạn quê mời
người thơ chạm cốc:
“Cuối năm bạn mời ta uống rượu
Nợ không đến nhà sổ đỏ cầm tay
Bạn ta nuôi bò làm ruộng
Nào mừng nhau uống cạn ly đầy…”
(Cuối
năm uống rượu với bạn làm ruộng – Trịnh Hoài Linh)
Cũng là thời điểm tháng mười hai cuối
năm. Có người thơ về thăm quê, nhìn mưa rơi nhè nhẹ xuống dòng sông ngày cũ,
xuống khu vườn nhà em. Mưa rơi dịu dàng theo gió thoảng bay. Rồi mưa tạnh dần,
ánh nắng chợt bừng lên rực rỡ màu hoa hoàng điệp. Trời bỗng trong xanh, hương
đất thơm ngát đến bâng khuâng, làm cho người thơ nhớ đến em xinh xắn giản dị
như cỏ nội hoa đồng:
“Anh về ngang dòng sông ngày cũ
Tháng mười hai mưa nhẹ xuống khu vườn
Em xinh xắn như trăng rằm mới mọc
Và dịu dàng như cây cỏ quê hương
Anh chớm thấy mùa xuân trong mắt biếc
Trời chợt xanh và hương đất thơm nồng
Nắng bừng sáng một mùa hoa hoàng điệp
Và tơ trời buông nhẹ đến bâng khuâng…”
(Giao
mùa – Phạm Văn Phương)
Giữa muôn trùng cát bụi phù du của đời
người. Ta vẫn dám tin rằng, đôi lúc nhờ tiếng thơ, nên đã giữ được sự ấm áp đằm
thắm của ngày xuân; nhờ tiếng thơ nên những chiếc lá vàng của tàn đông kia đã
hóa thành mù sương tơ cỏ, sẵn sàng mở rộng vòng tay cho ngàn vạn trái tim khép
mở nhịp nhàng. Do đó, bao trầm lắng thầm kín tận cõi lòng cứ theo cuộc đời trôi
mãi, giữa quê hương yêu dấu này – như một vườn cúc hoa đã thực sự nở bừng tươi
thắm, sẵn sàng hớn hở chào đón một ngày xuân:
“Ở ngoài nội có cỏ hoa mọc dại
Có trái tim khép mở cánh vàng tươi
Bao thầm kín theo cuộc đời trôi mãi
Vườn xuân nào đã gọi cúc hoa ơi”.
(Cúc
hoa – Nguyễn An Đình)
Cảm tạ trời đất đã đem mùa xuân đằm thắm
lại cho bao người, cây lá vẫn tỏa đầy sắc xanh, vẫn lay lắt chờ đợi ngày nở
hoa. Đây đó, hoa bất ngờ đậu lại trên cây, hoa nhẹ nhàng buông lơi hàm tiếu
dưới ánh sáng mặt trời, hoa nhỏ nhẹ toát ra vẻ đẹp kỳ bí đầy rộng lượng thứ
tha. Nên thật vô cùng khó, khi muốn nói hết lên vẻ đẹp của hoa, cho dù ta có
lạm dụng đến nguyên ủy vô lời. Ngẫm lại, lời của Lý Trác Ngô thật chí lý: “Trăm
giống hoa trời sinh nó, đất nuôi nó, người ta thấy nó đem lòng yêu – nhưng tìm
xem cái khéo ở chỗ nào thì đố tìm ra được”. (Lời tựa Mái Tây – Vương Thực Phủ).
Thôi thì, nhân ngày xuân – xin cảm tạ
vậy:
“Cảm tạ đất đem gần xuân thẳm
Mộng mai chiều gió đậm lời vui
Lá kia chưa tạnh hồn xanh đắm
Hương cạn lòng hoa, sắc chẳng nguôi”.
(Ngày
xuân, cảm tạ – Đặng Tấn Tới)
Mùa xuân Giáp Ngọ lại về trên quê hương
thị xã An Nhơn. Giữa không gian ấm áp của ngày xuân, vẫn còn biết bao bộn bề
trong cuộc sống. Nay xin gợi lại một ít tiếng thơ xuân từ quê nhà, mà chính đời
người thơ đã cùng chôn nhau cắt rốn ở tại mảnh đất An Nhơn này. Dẫu biết rằng,
có người thơ đã ra đi biền biệt, nhưng tiếng thơ thì hình như vẫn còn trầm lắng
và vang đọng với ngày xuân đến vô cùng!
Thật vậy – An Nhơn, trời vẫn xanh, mây
vẫn trắng mà những đóa hoa xuân kia vẫn tươi nở dịu dàng để đón chào mùa xuân
miên niên bất tận:
“Xin chào nhau giữa con đường
Mùa xuân phía trước miên trường phía
sau”
(Thơ
Bùi Giáng)
Nguyễn
Câu Mục
CHỢ
HOA VÀ TẾT BÌNH DỊ - Tuỳ bút Vĩnh Thông
1.
Khi tôi ngồi trước máy vi tính lốc cốc
gõ những dòng nầy thì thật sự đã là hơi trễ so với cái không khí của mùa Tết
bây giờ. Gọi là “mùa Tết” bởi vì nó không đơn thuần chỉ là ba ngày đầu tiên của
năm mới. Cái không khí đó đã bắt đầu từ những ngày giữa tháng Chạp khi bấc se
se lạnh vừa tràn về và kéo dài cho đến những ngày sau Tết. Mùa Tết là mùa có
nhiều chuyện vui buồn nhứt trong năm, có lẽ bao bộn bề của chuyện áo cơm cũng
chỉ đợi đến lúc nầy mới “tấn công” vào cuộc sống. Hầu như chuyện gì trong năm
chưa thực hiện hoàn tất đều xuất hiện trong lúc nầy và bắt buộc người ta phải
giải quyết như đang đánh đố sức người. Chuẩn bị cho Tết thì nhà ai nấy lo, việc
ai nấy làm chứ ít ai quan tâm đến chuyện của mọi người xung quanh trong những
ngày nầy.
Cứ năm nào cũng vậy, vào những ngày cuối
năm, mẹ chở tôi đi chợ Tết, chủ yếu là để mẹ chọn một cặp cúc đem về chưng
trước của nhà trong mấy ngày xuân. “Chợ Tết” là hai từ không xa lạ với mọi
người, ở chợ Tết đặc biệt bán những thứ thường ngày ít có, hoặc không có hẳn.
Liếc sơ qua chúng ta có thể thấy dừa tròn, dưa hấu cũng tròn, dưa Hoàng kim,
sung… là những thứ ít bày bán hàng ngày, thậm chí có thể mỗi năm chỉ bán vào
dịp nầy.
2.
Nói đến cái đặc biệt của chợ Tết thì không
thể quên “đá” qua hoa Tết. Chợ hoa Tết với nhiều khu hàng, cách sắp xếp, cách bày
bán phong phú, đa dạng: cúc, vạn thọ được trồng bán trong chậu theo từng cặp để
chưng trước nhà, các cây kiểng bonsai, cây phát tài thì bán chậu lẻ, các loại
hoa thì bán theo nhánh… Náo nhiệt và thanh khiết - có thể nói là hai từ cô đọng
được tất cả đặc điểm của chợ hoa ngày Tết. Ở đó, người bán kẻ mua tấp nập, lời
bình phẩm về hoa kiểng rôm rả, tiếng mặc cả, ngã giá theo kiểu “có kè bớt một
thêm hai” cũng sôi nổi nhưng vẫn không làm mất đi cái thanh tao vốn có của các
loài hoa kiểng.
Chợ hoa Tết bắt đầu xuất hiện nửa đầu
tháng 12 âm lịch. Khi cái lạnh dồi dào của những ngày bấc cắt xé lòng, những
người bạn hàng chở hoa trên một ghe nhỏ chạy dọc theo sông tìm chợ để mang lên
bán. Những khu chợ đó đa phần nằm gần sông để tiện việc vận chuyển hoa kiểng từ
dưới ghe lên bờ. Chúng nhanh chóng được trưng bày ngay trước chợ và để đó trong
suốt những ngày Tết.
Ở chợ hoa có một điều hơi đặc biệt nhưng
lại ít ai chú ý, đó là người bán hoa. Hoa bán trong mùa Tết là thành quả của
quá trình chăm sóc vất vả của các nghệ nhân hoa kiểng. Người bán hoa có thể là
chính những nghệ nhân đó, cũng có thể họ chỉ là những bạn hàng bỏ mối hoa kiểng
từ những người nghệ nhân. Nhưng dù là ai, họ cũng rất tâm huyết với hoa kiểng
và với nghề “trôi nổi” của mình.
3.
Đêm 30 Tết, gần đến thời khắc Giao thừa,
những người mua hoa cuối cùng của năm cũng trở về nhà chuẩn bị đón phút giao
thời. Những người bạn hàng hoa kiểng cũng tranh thủ mua ít bánh mức, pha trà
rồi dọn ra trước khu hàng hoa của mình để đón thời khắc đầu tiên của năm mới.
Giao thừa, bao gia đình sum vầy quây quần bên nhau, ông bà nhận lời chúc Tết từ
con cháu, những bao lì xì đầu tiên được đón lấy bằng một nụ cười đầy hạnh phúc.
Trong khi mọi gia đình cùng nhau bên nồi
bánh tét, bên tách trà nghi ngút thì ít ai biết rằng trong giờ phút thiêng
liêng ấy, những người bán hoa Tết cũng vui vẻ với mâm bánh nhỏ của mình, niềm
hạnh phúc đơn sơ, bình dị của ngày đầu năm được chuyền cho nhau cũng bằng những
chiếc bánh, tách trà. Những người bạn hàng bán cạnh nhau mời nhau qua khu hàng
của mình để cùng chia sớt những niềm vui đầu năm, con cái của họ cũng được nhận
những bao lì xì từ cô bán cúc hay chú bán mai bên cạnh, số tiến ít thôi, nhưng
nó ấm áp biết bao tình.
Có lẽ, lúc nầy đây, ai đó sẽ thấy hơi
chạnh lòng, muốn bỏ đi tất cả lo toan để tìm về ngôi nhà nhỏ của mình, vui cùng
gia đình trong những ngày đầu năm mới. Nhưng ngồi bên những chậu hoa kiểng,
nhìn những ngôi nhà sáng rực đèn và nghi ngút khói hương tự nhiên họ lại thấy
mình như hòa vào niềm vui của những người xa lạ, không thân thích, vẫn thấy cái
Tết nó nồng, nó ấm biết bao. Chợt tôi nhớ đến hai câu của nhà thơ Trịnh Bửu
Hoài:
“Đất
khách muôn trùng sao nhỏ hẹp
Quê
nhà một góc nhớ mênh mông”
Một chậu kiểng được chuyển lên xe - một
nụ cười đáp lại, cũng là một niềm vui nhỏ được nhân đôi. Những người bán hoa
vẫn ngồi đó dõi mắt theo những chậu hoa kiểng của mình và những hoạt động ngày
Tết của mọi người, họ thầm chúc cho mọi người một cái Tết an lành. Hoa mai vẫn
nở và những tiếng cười nói tươi vui vẫn tiếp diễn, ít ai nghĩ rằng đêm Giao
thừa có những người hưởng niềm vui bình dị nơi đất khách.
4.
Chợ Tết, hoa Tết và những nỗi niềm ngày
Tết có lẽ là nỗi ám ảnh hàng năm và tốn không biết bao nhiêu giấy mực của mấy
ông nhà văn, nhà thơ. Còn riêng người viết bài nầy thì lòng nhiều niềm trắc ẩn
khi được nghe, được biết, được nhìn thấy những ngày Tết của bạn hàng hoa kiểng.
Xin được làm cái công việc ghi chép lại những niềm vui đơn sơ, bình dị ấy và
xin được sẻ chia với họ một chút may mắn trong những ngày đầu năm nầy.
Những buổi tối cuối năm, tôi lại ra chợ
hoa, không để mua hoa, mà chỉ nhìn những người bán hoa rồi mỉm cười một cái rất
nhẹ, hy vọng rằng những cái Tết sau sẽ không còn nhiều người phải trôi nổi giữa
chợ đời.
Chắc những người bán hoa sẽ không nhìn
thấy tôi đang mỉm cười.
Vĩnh Thông (An Giang)
XUÂN VỀ MỚI CÓ HOA - Tạp bút Nguyễn Thành Công
Thị
trấn lọt giữa vùng nước mặn rộng lớn nằm ở cuối nguồn Mê Kông, cái mặn chát
thâm căn cố đế gắn bó từ lâu đời. Dòng sông cuồn cuộn phù sa chảy ráo riết ra
biển có độ mặn không thua nước biển bao nhiêu, xuống đó mà tắm, lội lên bờ, nước
mặn bám rít không chịu nổi, phải xả nước ngọt như tắm biển. Kênh rạch chằng
chịt cũng thế, còn vùng đất nuôi tôm chạy sát chân trời, cũng vậy… Nước mặn,
không cây trái nào chịu nổi, trừ số ít loài thực vật thích nghi vùng nước ngặp
mặn, chúng bám trụ, lớn lên, song chẳng có hoa có trái xinh tươi như người ta mong đợi. Cây đước cây mắm mạnh
mẽ, cũng chỉ dùng để làm củi, hay cất nhà, đó là chuyện ngày trước. Bây giờ
chúng làm rào chắn giảm sạt lở ven sông là chính. Xanh xanh, cao cao, cường
tráng… nhưng không có hoa.
Nắng
gió nhiệt đới chói chang thiêu đốt, cái đẹp đa phần du nhập, đem về từ “miền
trên”. Các cô gái coppy nhanh và chuẩn các trang phục trên thành phố, làm thị
trấn lung linh hơn. Trên các bàn làm việc hay tư gia, hoa giả được đặt lên thay
hoa thật, và một ít vườn hoa hiếm hoi được công phu tạo dựng, là sở hữu của các
đại gia. Cho nên, tết mới có hoa, nhiều và đẹp lắm.
Bà
con nông dân trồng hoa trên miệt nước ngọt lũ lượt mang về thị trấn, bằng đường
sông và đường bộ. Trên khuôn viên rộng của khu hành chính, một con đường hoa,
hai con đường hoa được gây dựng nhanh chóng. Một thế giới nước ngọt thu nhỏ với
đại diện cho sự phong phú giàu có của thảm thực vật trên ấy: những gốc vú sữa
có tuổi hàng chục năm được dân chơi đôn, cắt, tạo dáng trong chậu; những vườn
mai giá trị vươn cành; cát tường, cúc... khoe sắc; những cành vàng lá ngọc cao
cấp hơn cũng hội tụ: sanh, da, cần thăng… Một mảng đầy màu sắc chạy dài ven
quốc lộ. Đêm, người ta nhóm chợ đêm cạnh đấy, nườm nượp người đi mua sắm và
ngắm hoa. Lạ lẫm, đẹp đẽ, hiếm hoi… Tết mới có hoa. Nhiều người mua cho mình
một chậu loại “hoa bình dân”: vạn thọ, bông giấy…với rất ít tiền, và tung tẩy
mang về.
Sáng,
uống ly cà phê sữa nóng được gọi là “tài nại”, ngạc nhiên thấy trong nhà chị
chủ quán nhiều hoa quá, chậu lớn chậu bé, màu tím màu vàng. “Đi chợ đêm mua được đấy anh, có 10.000 đồng một chậu!”. Người ta không chơi hoa,
thưởng thức hoa, tết mới có hoa…. Rất ít tiền cho một chút hoa dân dã. Lọ hoa
ít tiền ấy nếu ở miền nước ngọt rất dễ trồng, như rau cải.
Những người bán hoa
đều là nông dân. Họ chuyển mùa xuân về cho miệt dưới, bằng đường bộ và đường
sông…
Nguyễn Thành Công (Bạc Liêu)
NHỮNG NGÀY SẮP TẾT - Tùy bút Đào Văn Đạt
Sáng đi làm ghé vào quầy văn hóa phẩm
mua một tờ báo. Được bà chủ tặng cho tờ lịch, vội vã mở ra thấy dòng chữ: “Chúc Mừng Năm Mới”. Tôi giật mình, lụi hụi mà hết một năm nữa rồi. Thời gian
sao mà nhanh quá, nó thoáng qua như cái chớp mắt chưa để cho tôi kịp thở vài
hơi.
Chưa kịp thở là vì làm quần quật cả
năm mà không dư được đồng nào. Mượn đầu này đắp đầu kia mà trả chưa hết nợ.
Định cuối năm nay cố gắng mua cho nhỏ em chiếc xe máy để không còn cảnh sáng
sớm đạp xe mười mấy cây số đến trường, ngồi học mà mồ hôi rớt lộp độp. Tính mùa
lúa này lên gom góp mua cho bà già cái bếp gas để khỏi nhọc nhằn trong việc bếp
núc. Tất cả còn nằm trong dự tính chưa thực hiện được thì ngày hết tết đến rồi.
Thấy bạn bè đồng lứa giàu có, đi bằng xe hơi, ở nhà lầu tôi cũng ham vậy. Nhưng
tại tôi chưa biết nắm bắt thời cơ. Cũng bằng ấy thời gian làm chung trong cơ
quan, ai biểu tôi liêm chính để cuối cùng tay trắng về với đồng ruộng. Cũng
bằng ấy thời gian, ai biểu tôi ghét tham nhũng chi mà giờ chiếc xe trèm trèm
sắm cho con đi học cũng không nổi.
Tôi còn nhớ cũng
vào những ngày gần tết lúc còn nhỏ. Tôi háo hức tính từng ngày, nghe chim én
chao cánh khua động không gian mà mường tượng tết đã cận kề. Đêm rằm tháng chạp
nhìn trăng tròn trên bầu trời bụng thầm nói: “Chỉ cần trăng khuyết thêm vài
miếng nữa là ngày tết sắp đến”. Những ngày đó tôi mừng được mẹ mua cho áo mới.
Không dám mặc sớm, cất kỹ trong tủ sáng mồng một đem ra lấy le với bạn bè.
Những ngày gần tết, lúc ấy, đối với tôi là những ngày đẹp nhất trong năm. Thấy
những nụ hoa mai lú nhú trên cành mà lòng như mở hội, phấn khởi cùng ba lặt
những lá còn lại trên cành, nâng niu từng nụ hoa bé nhỏ. Nhìn qua ngó lại sao
mà nó đẹp quá trời, thể như trên thế
gian này không có hoa nào đẹp bằng nụ mai sắp nở trong những ngày cận tết. Thấy
người ta đi chợ mua sắm tôi cũng muốn đi theo. Mặc dù ra chợ không mua cái gì
quí giá, bởi đơn giản không có tiền. Đi để nhìn người ta buôn bán mà hớn hở tung
tăng trong cái nhộn nhịp của phố phường.
Giờ cái khái niệm mừng tết đối với
tôi là phải “cày” thật nhiều để làm hết mọi việc. Cố gắng dành dụm từng đồng để
tết đến có chút thời gian thanh thản ngồi uống trà với gia đình mà ngẫm nghĩ
bao chuyện nhỏ to trong đời. Thời gian đã làm thay đổi mái đầu mà có khôn ra
được chút nào chưa? Sang năm mới liệu có nắm bắt cơ hội nào không, dù là một cơ
hội nhỏ. Hay đến cuối năm cũng chỉ đơn thuần ngồi uống trà với mấy thằng bạn
nghèo liêm chính. Chúc cho nhau những câu hết sức mộc mạc rồi cười kha khả bên
dĩa mứt mẹt làm ngọt ơi là ngọt. Ngồi nghe thời gian đêm giao thừa lắng xuống
để tự hỏi lòng năm qua mình có làm điều gì trái với lương tâm không. Đừng để
thời gian vụt qua tầm tay một cách uổng phí khi tuổi đời mỗi ngày một lên cao…
Bình Dương, chiều 30 Tết
Đào Văn Đạt
ĐIỆU MÚA NGÀY XUÂN – Truyện ngắn Nguyễn Thị Mây
Vào một đêm cuối đông, mọi người bỗng choàng tỉnh khi nghe tiếng khóc, tiếng kêu cứu vang trời
dậy đất: “Cháy! Cháy!... Bớ làng xóm… cháy… nhà…!”
Kinh hoàng, cả nhà vùng dậy mở cửa chạy ào ra sân. Một
biển lửa hung tợn trùm lấy những căn nhà đầu xóm. Ngọn gió quái ác, tàn nhẫn
lùa từng đợt sóng đỏ rực tới trước, bốc từng mảng lửa ném vào mái lá lân cận
nhà tôi. Lửa chồm tới, chồm tới…
Chưa bao giờ tôi sợ hãi đến thế. Hai
chân như đeo chì, bước chẳng muốn nổi. Bà và mẹ gào lên: “Chạy trước đi con!”
rồi hai người phóng trở vào nhà. Tôi bừng tỉnh đuổi theo. Mỗi người chỉ kịp vớ
một thứ thì lửa đã liếm tới.
Sau trận hỏa hoạn, tôi chỉ còn cái cặp
da với sách vở đang học và mấy bộ đồ mà mẹ đã ôm ra. Còn bà, món bà giữ lại được
là cái đầu lân, di vật của ông tôi.
Ông ngoại tôi là một nghệ nhân có tính
cách độc đáo. Có lẽ vì thế mà ông rất nghèo, dù tên tuổi ông cũng được nhiều
người biết đến. Ông say mê nghệ thuật, hăng say sáng tạo. Những tác phẩm của
ông thiên về dân gian hơn là trừu tượng. Ông chọn những thể hình phù hợp với
phẩm chất mộc mạc làng quê. Nhìn những bức họa
của ông, người ta liên tưởng đến tranh làng Hồ với nét ngộ nghĩnh, duyên
dáng, hóm hỉnh, tươi vui. Tuy nhiên, tranh vẫn mang phong cách riêng. Cũng chú
gà nhưng lông xanh, đỏ, mỏ vàng, cặp mắt tròn xoe nhìn chị mái mơ nâu óng ả. Cũng
chú chuột, nhưng tinh nghịch đứng bằng hai chân sau để chân trước nâng một miếng mỡ to,
dâng lên chú mèo đang lim dim ngủ…
Ngoài ra, ông còn vẽ những tấm phông
lớn cho các chùa trong vùng. Mấy người mộ đạo đều tấm tắc ngợi khen mỗi lần
ngắm phong cảnh tiên Phật ông tôi vẽ. Họ thấy lòng như trải rộng ra, từ bi hơn
và thanh thản vô cùng. Khuôn mặt đức Phật trong tranh thánh thiện, bao dung lạ
lùng. Ai cũng ngạc nhiên trước đường nét mà ông ghi chép, tạo hình. Các sư cũng thán
phục ông nên đem đến nhà một số tiền khá lớn do phật tử quyên góp để thưởng
công. Nhưng ông đã từ chối và xin cúng lại cho chùa.
Chuyện nầy khiến cho bà con láng giềng
xôn xao, bàn tán. Người khen ông tốt, biết làm việc nghĩa. Kẻ chê ông ngu, suốt
đời chỉ biết làm mọi không công. Người lại bảo ông hám danh, bỏ lợi để được
chút tiếng… Ôi thôi, đủ thứ dư luận. Ông nghe hết, biết hết nhưng làm lơ và tiếp
tục những công việc mà ông yêu thích.
Một trong những sở thích đó là làm đầu
lân. Về hội họa, ngoại tôi còn thua nhiều nghệ sĩ tạo hình khác. Nhưng về đắp
đầu lân. Ít ai qua được ông vào thời ấy. Ngoại tôi khéo tay lắm! Đầu lân ông
làm trông vừa cổ quái vừa oai phong, lẫm liệt. Cặp mắt ốc nhồi như nhìn xoáy
vào kẻ đối diện. Cái sừng to cộ nửa giống sừng trâu nửa hao hao sừng tê giác.
Chiếc mũi to bè, dị hợm. Cái miệng há rộng
như chực nuốt trộng bất cứ cái gì.
Bà tôi thường chế giễu ông:
- Nếu bây giờ, trong ba ngày tết, bỗng
dưng có chằn tinh xuất hiện, xuống núi quấy nhiễu dân lành. Chỉ cần đem cái đầu
lân nầy ra múa. Bảo đảm quái vật sẽ cao
bay xa chạy và người ta ngỡ vị đạo sĩ ngày xưa sống lại. Ông đã cho kỳ lân xuất
hiện, uy hiếp chằn để cứu dân.
Ông tôi cũng không chịu thua, liền
đùa:
- Nhưng bà phải lấy mấy cái nắp nồi vỗ vào nhau như chặp chả, bảo con cháu gõ vào
xửng hấp bánh thay phèn la thì quái vật mới khiếp vía.
Bà tôi cướp lời ông:
- Vỗ vô bụng ông thay trống. Như vậy
mới đủ bộ.
Cả nhà được dịp cười vui vẻ. Những
ngày hạnh phúc ấy qua rồi. Trong một lần bệnh nặng, ông ngoại tôi đã qua đời.
Gia tài ông để lại chỉ có cái bóp da màu hung, loại bỏ túi. Trong đó, năm tờ
giấy bạc còn mới được lồng vào giữa lớp ny lông, như để trang trí. Một quyển sổ
ông dùng để vẽ lại mẫu hoa văn sưu tầm được và cái đầu lân chưa kết đuôi vào.
Dù vậy, bà tôi cũng xem nó như một báu vật. Bà đặt nó lên bàn thờ, cạnh bài vị
của ông. Ngày nào cũng vậy, sau khi thắp nhang xong, bà đứng lặng nhìn rồi len
lén lau nước mắt.
Lúc nhà cháy, bà quên lấy tiền bạc,
quần áo, vật dụng cần thiết mà chỉ nhớ có mỗi cái đầu lân. Bà đã cứu nó thoát
khỏi ngọn lửa hung tợn và giữ gìn cho đến bây giờ.
Đông tàn, xuân đến, bà lại tỉ mẩn lau
lớp bụi bám trên lớp giấy của cái đầu lân cũ kỹ sẫm màu năm tháng. Bà trân
trọng, quí yêu nó. Hết thơ thẩn vào ra lại thở dài hoặc thì thầm một mình:
- Nhanh quá! Mới đó mà tết nữa rồi!
Bà làm cho căn nhà vốn đã buồn lại
càng buồn thêm. Tôi chua xót nhìn nỗi đau dai dẳng của bà. Muốn an ủi bà nhưng
tôi không dám. Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra cách làm bà vui trong mấy ngày tết.
Mỗi tối, tôi có đến Trung tâm văn hóa tỉnh
để học võ Karate. Trong thời gian nầy, tôi âm thầm xin gia nhập đội lân và kiên
trì tập múa. Thầy dạy võ cho tôi cũng là đội trưởng hướng dẫn kỹ thuật múa lân. Thầy thường khen tôi tiếp thu nhanh,
múa dẻo, cái đầu lân trong tay tôi như một con vật sống. Cử chỉ, điệu bộ ngang
tàng, dũng mãnh. Do vậy, thầy rất quý mến tôi. Khi nghe tôi nói về bà và mơ ước
của mình, thầy tỏ vẻ cảm động và hứa sẽ giúp tôi toại nguyện.
Ngày mùng một tết, sau khi đem lân đi mừng tuổi ở một
số cơ quan chủ chốt của địa phương, thầy và đội lân theo tôi về nhà. Đoàn dừng
lại trước cổng. Sau khi ổn định hàng ngũ, dụng cụ, theo khẩu lệnh của thầy, các
bạn tôi nổi trống chiêng vang động một vùng. Phút chốc, người lớn, trẻ con, đàn bà, đàn ông… lũ lượt kéo tới đông nghẹt.
Họ vây quanh rào nhà tôi, tò mò nhìn ngắm, chỉ trỏ, bàn tán. Bà ngoại và mẹ tôi
cũng hớt hải chạy ra cửa, kinh ngạc trố mắt nhìn.
Đúng lúc đó, tôi bắt đầu điệu múa. Con lân ngóng cổ
nhìn vào. Cái đầu nghênh nghênh, tìm kiếm. Nó thụt lùi rồi tiến tới. Cái đuôi
uyển chuyển trườn theo. Đi qua cổng, lân rạp mình bái tạ trời đất. Lân ngoái nhìn, chép miệng
như ngầm chúc mọi người đầu năm vui vẻ. Lân rùng rùng cái đuôi, lân gục gặc cái
đầu. Lân vờn lũ trẻ hiếu kỳ, lân rướn cao vẫy chào người lớn đang tròn mắt ngó.
Lân cuộn lấy ông địa có cái quạt mo to tướng. Lân trêu cái bụng phệ của ông
địa. Lân vòng quanh rào như xem hoa đua nở rồi lân vái chào. Nó quỳ mọp trước
bàn thờ tổ tiên, lân dập đầu lạy ông mấy lạy và lạy bà, lạy mẹ. Lân nghiêng
chào cái đầu lân cũ kỹ như mừng gặp lại cố tri. Sau khi nhận gói giấy đỏ tiền
lì xì của bà, tôi cho lân lạy tạ, kết thúc điệu múa.
Mọi người vỗ tay tán thưởng vang dậy.
Trong lúc mẹ lăng xăng bày bàn tiệc chiêu đãi đội lân, bà tôi vừa lau nước mắt
vừa nói với thầy:
- Các cháu giỏi lắm! Các nghệ nhân tạo
ra hình tượng kỳ lân. Còn các cháu, các cháu đã làm cho tác phẩm của họ có linh
hồn.
Thầy tôi cảm động chớp mắt, cầm lấy
hai bàn tay của bà ngoại, giọng trầm ấm:
- Thưa ngoại, tạo hóa đã phân định
thời gian, tạo ra mùa xuân. Còn ngoại, ngoại đã cho chúng con ý xuân và hạnh
phúc. Chúng con cảm ơn ngoại lắm!
Tôi cảm thấy chúa xuân đang ở quanh
mình và cuộc sống thật là thi vị!
Nguyễn Thị Mây (Trà Vinh)
MÙA XUÂN ĐANG ĐẾN THẬT GẦN* – Truyện ngắn Nguyễn Hữu Duyên
Những ngày giáp tết, thành phố rộn ràng hẳn lên. Nhưng đối với An, ngoài sự quyến rũ của mùa xuân đang đến thì giờ phút này càng có ý nghĩa hết sức quan trọng, bởi sau bao năm An mới có điều kiện gặp lại Thi. Chiếc taxi đưa hai người từ sân bay Tân Sơn Nhất về khách sạn thuộc vào loại sang nhất ở trung tâm thành phố.
An lúng túng bước theo Thi vào thang máy. Hồi hộp, sao mà đóng kín mít thế này? Hiện đại đâu không thấy mà thấy sờ sợ. Những dòng chữ tiếng Anh trên bảng hướng dẫn cứ như nhảy múa trước mắt An. Đành chịu. Để Thi làm vậy. Khi cánh cửa thang máy mở ra, An mới thở phào nhẹ nhõm. An nghĩ, nếu có cầu thang bộ thì tốt, vừa thoải mái vừa có lợi cho sức khỏe. An coi truyền hình thấy nói vậy. Dù sao thì cũng lên đến nơi rồi.
- Anh ngồi phía nhìn ra sông Sài Gòn. Về đêm, đẹp lắm!- Thi nói nhỏ, nhưng An vẫn nghe. Anh kéo ghế ngồi một cách chậm rãi.
Gió từ sông thổi vào mát lạnh. An đưa mắt nhìn chung quanh. Dường như cả căn phòng sang trọng hình thuẫn, chỉ toàn khách nước ngoài. Mà Thi cũng đã là người mang quốc tịch Mỹ rồi. Chỉ có An là người Việt Nam duy nhất có mặt trên tầng năm của nhà hàng bốn sao này. Bàn và ghế ngồi của gian phòng được làm bằng gỗ quý. Mặt bàn được bài trí đá cẩm thạch càng tôn thêm vẻ quý phái của nhà hàng. Ánh đèn thành phố rực sáng một góc trời. Một khúc sông Sài Gòn lung linh trong màn đêm, như tôn thêm vẻ đẹp ngàn đời của mùa xuân trên trái đất này.
- Cuộc sống của em bên ấy thế nào?
An vừa hỏi vừa nhìn Thi, như để tìm một nét nào đó còn thân quen với anh. Thi cười:
- Cũng ổn! Mà em lạ lắm sao?
À, thì ra vẫn còn đó một nụ cười. Chỉ có điều bây giờ… khuôn mặt của Thi đã có những vết rạn của thời gian dù lớp son phấn đắt tiền cũng không thể nào che hết được. Cặp lông mày sắc lẽm được tô vẽ cẩn thận. Đôi mắt tròn như đôi mắt bồ câu được che bởi hai hàng lông mi dài nhân tạo. Chiếc váy ngắn đắt tiền màu đen nổi bật dưới làn da trắng trời cho, càng tôn thêm vẻ đẹp của một quý bà được toát ra từ Thi…
- Em khác nhiều quá! - An vẫn nhìn Thi và nói nhỏ.
- Như đã nói chuyện qua điện thoại, em về lần này muốn anh dứt khoát để làm thủ tục đưa anh sang Mỹ cùng em. Anh thấy thế nào?
- Anh thì được, nhưng còn má của anh không có người sớm hôm chăm sóc. Anh chưa biết làm thế nào đây?
Thi nhìn ra hướng sông, với nét mặt rất thản nhiên:
- Thì mỗi tháng em gửi về hai trăm đô là ổn chứ gì?
- Thi à, có những cái không thể giải quyết bằng tiền.
- Thế anh sống bằng nước lạnh à? Mà ở thành phố này, muốn có nước lạnh cũng phải bỏ tiền ra mua đấy. – Thi quay lại, vẻ mặt không được vui.
- Anh chỉ nói lên điều anh nghĩ, không lẽ em giận sao?- An nhìn Thi nói một cách từ tốn.
- Em không giận mà chỉ buồn thôi. Anh vẫn như ngày nào, vẫn quẩn quanh với con sông quê, với lũy tre làng của một thời đã qua…
- Em thì còn lạ gì với má của anh. Mà theo anh, những người sinh ra ở những năm hai mươi, ba mươi của thế kỷ trước đều như vậy. Anh mà nói chuyện tiền bạc thì má sẽ từ anh và đuổi anh ra khỏi nhà mất.
- Như vậy bây giờ anh tính sao?
An nắm lấy bàn tay Thi:
- Hãy để anh thuyết phục má. Anh không muốn mất em một lần nữa.
Thi nhìn An xúc động, nói:
- Em sẽ cùng về với anh, để xin lỗi bác gái về những gì em và gia đình em đã làm bác không vui.
Một bản nhạc xuân vang lên nhè nhẹ. Căn phòng như chùng xuống. An và Thi đều đưa mắt về hướng sông Sài Gòn. Gió có vẻ mạnh hơn. Rực rỡ ánh đèn điện, chiếu sáng, lan tỏa một góc trời.
Nhà An và Thi gần nhau, chỉ cách khoảng gần trăm mét. Chiều chiều, hai đứa thường hay ra bờ sông mót củi tre, thỉnh thoảng luồn trong đám bắp bẻ trộm; có lúc cũng không quan tâm đến chuyện con gái con trai, hai đứa nắm tay nhau nhảy ùm xuống sông tắm và đùa giỡn thỏa thích mới thôi. Mấy đứa bạn cùng lứa thỉnh thoảng chơi nghịch, rủ nhau về sớm và giấu củi của hai đứa nên An và Thi phải tay không về nhà, bị ăn đòn vì không có một khúc củi nào. Rồi, Thi ngày càng trổ mã con gái, trông xinh hẳn lên. Cả làng ai cũng trầm trồ. Thi không ra sông mót củi nữa. An vẫn ra sông một mình. Buồn và nhớ. Khi có việc đi ngang qua nhà An, Thi chỉ lén nhìn và bước thật nhanh vì sợ làng xóm, nhất là mấy đứa bạn nói nọ nói kia thì khổ lắm. Chiến tranh lan rộng, Thi được gia đình đưa về thị xã học. Chỉ mới vắng Thi một tuần, bỗng dưng An nhớ Thi, một nỗi nhớ vô hình cứ cồn cào lấy An. Chiều thứ bảy, An xách xe đạp ra đứng đầu làng, nhưng vẫn không thấy Thi về. Những chiều thứ bảy tiếp theo cũng thế, Thi vẫn không về. Đến một ngày, chiếc xe hơi bóng loáng, sang trọng dừng lại trước nhà Thi, nhìn người thanh niên xuống xe cùng Thi bước vào nhà, An như đã hiểu ra, Thi không còn là cô bé cùng anh mót củi tre ngày nào nữa. An nghe bà con lối xóm nói với nhau rằng, đây là vở kịch được dàn dựng bằng bàn tay khéo léo của má Thi, bởi bà đã nhìn thấy mối quan hệ tình cảm ngày càng khăng khít của Thi và An, bà muốn Thi có một người chồng giàu sang, chứ không muốn cái thằng An nghèo khổ làm rể của bà. Hôm ấy, An âm thầm ra bờ sông, ngồi khóc cho số phận của riêng mình. Ngày hôm sau, An xuống thị trấn đón xe đò lên thành phố lập nghiệp. Và, kể từ đó, cái xóm ven sông không còn thấy An nữa. Nghe đâu sau đó Thi lấy chồng, mua nhà Sài Gòn và đưa mẹ vào để chăm sóc tuổi già. Ngôi nhà ở xóm ven sông thì cho người cháu họ ở, trông coi cúng kính giỗ chạp. Và, thời gian cứ trôi, cũng không ai nhắc đến chuyện của An và Thi nữa.
Cứ tưởng, dòng đời sẽ nhấn chìm tất cả. Nhưng, điều tưởng như không thể lại xảy ra. Đó là một ngày, Thi đưa mẹ về quê an táng theo di nguyện của bà trước khi qua đời. Bà muốn được sự bình yên vĩnh viễn bên cạnh cha mẹ, ông bà của mình. Thế là sau gần bốn mươi năm, An và Thi lại gặp nhau ở cái xóm ven sông Sài Gòn. Tạo hóa cũng khéo bày trò tan hợp, hợp tan. Hai đứa trẻ năm xưa chiều chiều rủ nhau đi mót củi, tắm sông giờ gặp lại nhau tóc đã bạc hơn nửa mái đầu. An, sau bao tháng năm lưu lạc cũng đã lập gia đình và đưa vợ về quê sinh sống. Thế nhưng sự nghèo khó và khổ cực đã không giữ nổi người phụ nữ ấy hơn mười năm rồi. Còn Thi thì theo chồng sang Mỹ diện HO. Ba năm trước, chồng của Thi đã theo một người phụ nữ khác trẻ hơn, giàu có hơn. Số phận và hoàn cảnh thực tế như vậy đã đưa đẩy An và Thi sẽ có thể đến với nhau trong quãng đời còn lại của mình, nhưng đúng là cuộc sống này không hề đơn giản một tý nào cả. Má của An lại phản đối kịch liệt. Bà cho rằng, Thi là người phụ nữ chỉ biết chạy theo đồng tiền, nên không thể tránh khỏi những bi kịch trong cuộc sống gia đình. Chẳng phải người vợ của An bỏ đi hơn mười năm rồi bởi vì đồng tiền đó sao? Một chữ bẻ làm đôi- không có, nhưng cái câu ca dao: Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon, thì bà phân tích rất sâu sắc, không thua kém gì người có học hành chữ nghĩa đàng hoàng. Theo bà, trong cuộc sống này, nhất là trong mối quan hệ vợ chồng, chữ nghĩa chữ tình là phải đứng hàng đầu, và dù cho đến thế kỷ nào cũng vậy.
*
Khi An và Thi về đến nhà An thì trời vẫn còn tối. Khoảng bốn giờ. Nhưng trong nhà đèn điện được bật sáng. Cửa mở.
- Thưa má, con mới về!
- Chào bác!
- Hai người xếp hành lý vào trong cho gọn, ra sau rửa mặt, rồi vào đây chúng ta bàn chuyện.
Bà Bảy ngồi trên chiếc giường chõng tre, khuôn mặt không biểu lộ cảm xúc của sự buồn vui. An cảm thấy bất an, Thi thì lúng túng thấy rõ, bởi bà Bảy chẳng động tĩnh gì. Khoảng một lúc sau, bà Bảy mới lên tiếng:
- Tôi già rồi nên có chút lẩm cẩm. Cô Thi cho tôi biết, cô có ý định bảo lãnh thằng An nhà tôi sang Mỹ, phải không? – An vội lên tiếng:
- Dạ, không phải như vậy đâu, má à!
- Má không hỏi con. – Bà Bảy nghiêm sắc mặt.
Có lẽ, trải qua với bao sóng gió của cuộc đời, đã giúp Thi chững chạc và dày dạn hơn. Thi tự nhủ, nếu không thay đổi kịp thời sự nhận thức hôm An đón Thi tại Sài Gòn thì Thi sẽ mất An một lần nữa, hay nói đúng hơn, An và Thi sẽ vĩnh viễn không còn cơ hội để là của nhau trong những ngày tháng còn lại của tuổi xế chiều này. Thi nói nhẹ, từ tốn:
- Thưa bác, là người cùng làng với nhau, cháu với anh An thân nhau từ bé, nên cháu hiểu anh An rất yêu thương bác, không bao giờ muốn rời xa bác. Chỉ có điều, cháu xin bác cho cháu được qua lại nhà này như người thân trong một gia đình.
- Tôi không phải là người cố chấp. Hơn ai hết, tôi hiểu tình cảm của cô và thằng An nhà tôi. Nhưng có điều này, tôi phải nói cho cô biết, nếu cuộc sống gia đình mà lấy đồng tiền làm nền tảng có thể dẫn đến những bi kịch, đó là điều không thể tránh khỏi. - Bà Bảy đưa tay lấy bát nước chè nóng uống một ngụm rồi nhìn sang An, nói:
- Con hãy tự quyết định lấy chuyện của mình. Má ra vườn hái nắm rau, chuẩn bị cho bữa sáng cái đã. – Bà Bảy đứng dậy, chỉ mới đi được hai, ba bước thì lảo đảo muốn té. Rất may là An ngồi gần đó nên kịp thời đỡ lấy bà, tránh được chấn thương đáng tiếc, và có thể dẫn đến nguy hiểm nữa.
Chứng kiến tận mắt cảnh ấy, Thi đã nhận ra, bà Bảy rất cần có An bên cạnh, không thể khác được. Và, tuy bà Bảy có cái khó của người già, nhưng cũng phải thấy rằng, bà yêu thương và tôn trọng quyết định hạnh phúc riêng của An. Thi tự nhủ, có người mẹ nào không muốn con mình hạnh phúc? Má của Thi cũng thế mà! Thi biết mình ngay bây giờ phải làm gì. Cô bước lại xách hành lý lấy điện thoại- gọi 115, và tiếp theo là gọi hãng hàng không, báo hoãn chuyến bay ngày mai mà Thi đã đặt vé để vào Sài Gòn, trở lại Mỹ.
Khi chiếc xe của bệnh viện đến chở bà Bảy đi cấp cứu, trời chưa sáng hẳn, những giọt sương còn đọng long lanh trên những cành mai đang hé nụ trước nhà An. Và, trong Thi, mùa xuân như đang đến thật gần!
Nguyễn Hữu Duyên
*Được chỉnh sửa lại từ một truyện ngắn cùng tác giả