Nhà văn Nguyễn Khoa Đăng
Em là tình yêu của anh
Vài hôm sau, anh Phụng từ bắc đường số 10 trở lại làng tôi. Lần này, tôi thấy anh có vẻ vui hơn những lần trước. Mặc dù trông anh vẫn như xưa, vẫn bộ quần áo gụ, đôi đép cao su con hổ, vẫn cái túi zết bên trong đựng vài bộ quần áo, quyển sổ tay chép bài hát và Nghị quyết của mặt trận Việt Minh mà anh có nhiệm vụ phổ biến cho đồng bào. Và cái túi nhỏ đựng cây kèn hacmonica nữa chứ. Khác hẳn mọi lần, lần này anh còn mang theo nhiều tin vui mà tôi nghe cứ xốn xang cả người. Tin Đại hội Thanh niên sinh viên thế giới họp ở Bucaret (Hung gari), bài thơ “Thăm lúa” của nhà thơ Trần Hữu Thung được tặng giải thưởng, tin hai người Pháp là Hangrimactanh và Raymôngđiêng nằm lăn ra đường, cản không cho xe chở quân đội Pháp sang bắn giết đồng bào ta. Anh bảo đã có bài hát về các chiến sĩ vì hòa bình này, rồi anh hát, vừa hát vừa đệm hacmonica, cho chúng tôi nghe:
“Raymong điêng chắn xe cho ngừng máu rơi, ngăn chiến tranh cho đời huy hoàng…” . Hết thời sự, chính trị, anh kể sang chuyện khoa học kỹ thuật, những phát minh mới của Liên Xô, trong đó có những chuyện chúng tôi nghe mát cả lòng. Trước khi vào câu chuyện anh hỏi tôi: “Sợi bông vải màu gì”. Tôi trả lời: “Màu trắng”. Anh hỏi cái áo của tôi màu gì, cái quần của chị Thắm màu gì. Tôi trả lời nâu và đen. Anh lại hỏi tiếp: “Từ bông trắng dệt thành vải rồi làm sao cho nó thành những màu sắc ấy?”. Chúng tôi đồng thanh trả lời: “Nhuộm!”
Anh cười:
- Vậy mà Liên Xô hiện nay không cần nhuộm vải, thế mới tài. Người ta tác động vào hạt giống để khi bông ra quả, rồi từ quả chế thành sợi, sợi đó đã có màu sắc như ý muốn của con người, khỏi cần phải thêm công đoạn nhuộm như hiện nay.
Anh Phụng còn kể: Liên Xô hiện nay còn lai tạo được những giống cây mà một gốc ra năm sáu loại quả như gốc thì gốc đa nhưng quả thì cho nào ổi, nào bòng, nào cam, nào khế, nào đu đủ… muốn gì được nấy.
Cả nhà tôi chỉ biết há hốc mồm ra nghe và ngồi “mơ nước Nga” như lời trong một bài thơ của Tố Hữu, chúng tôi mới thuộc.
Tối hôm ấy theo đề nghị của anh Phụng, bố con tôi lại có buổi “hòa nhạc” gia đình. Tôi thì vẫn đàn cóng bơ, bố tôi đàn bầu, chị Thắm sáo trúc, anh Phụng tất nhiên hacmonica. Sau buổi “hòa nhạc” vui vẻ ấy, anh Phụng nói với chúng tôi về tình hình sắp tới. Anh cho biết sẽ có đánh lớn. Bộ đội chủ lực sẽ phối hợp với dân quân du kích san phẳng bốt cầu La để mở rộng và nối liền vùng giải phóng nam đường số 10 với vùng phía bắc. Mọi người đi lại, làm ăn sẽ không phải nơm nớp lo sợ địch phục kích bắn giết nữa. Trường học sẽ được mở lại. Cậu Khôi nhà này sẽ không còn phải chịu cảnh thất học nữa.
Nghe anh Phụng nói thế, tôi không kìm được xúc động, đã nhảy cẫng lên vỗ tay hoan hô. Chị Thắm cũng vui lây niềm vui của tôi. Chị nói:
- Nếu được đi học lại, cậu nhớ dành thời gian tham gia bình dân học vụ để dạy cho chị em tôi đọc thông viết thạo nhé!
Tôi vểnh mặt lên:
- Tất nhiên rồi!
Hôm sau anh Phụng nói với tôi và chị Thắm:
- Có chuyện này muốn nói với hai em. Trong kỳ họp vừa qua, một anh cán bộ Tỉnh đội có nói với anh rằng: Hồi “trung đội pháo binh” giải tán, ông Già chỉ huy có chôn lại một số vũ khí ở một địa điểm có tên là Ruối Đôi, thuộc làng Tuộc. Vậy đồng chí về đó thử tìm hiểu xem sao. Trong những ngày sắp tới bộ đội ta rất cần vũ khí”.
Anh Phụng cho biết, sau đó người cán bộ Tỉnh Đội có đưa cho anh một kỷ vật, cũng là một ám hiệu liên lạc. Kỷ vật ấy anh đang còn giữ đây. Các em có muốn anh lấy ra cho mà xem.
Nghe anh Phụng nói thế, khỏi nói, tôi và chị Thắm vui thế nào. Tôi nghĩ đây rất có thể là điều bí mật mà chị Tần đang nắm giữ. Anh Phụng mở túi zết và lấy kỷ vật từ trong cuốn sổ tay ra.
- Ôi, tấm ảnh Bác Hồ.
Bác nhìn chị em tôi, đôi mắt sáng rực như hai ngôi sao. Cách đây ít lâu, gia đình tôi cũng có được bức ảnh như thế này nhưng do sợ giặc bất thình lình càn vào làng, phát hiện ra trong nhà chứa đồ “quốc cấm”, sẽ đốt nhà hoặc bắt giam, tra tấn chủ nhân nên mẹ tôi sợ đem dúi vào cót thóc. Sau đó thóc cứ đổ trùm lên thóc, đến nay muốn có được tấm ảnh ấy là phải chờ đến khi xay hết thóc trong cót.
Tôi nhìn Bác mà cứ ngỡ Bác đang nhìn và âu yếm khuyến khích chúng tôi “Người nhỏ làm việc nhỏ, tùy theo sức của mình, đi tham gia kháng chiến để gìn giữ hòa bình” theo lời một bài mà chúng tôi thường hay hát.
Chúng tôi lật ra đằng sau bức ảnh để xem có mật hiệu như chị Tần nói không. Chữ “Vive papa” và chữ ký “Tý", tên thật ông Già đây rồi. Thật đúng là “kỳ phùng hội ngộ”
Tôi và chị Thắm kể lại với anh Phụng, về cái “kho” vũ khí ở gốc cây ruối Đôi do chị Tần đang coi giữ.
Anh Phụng reo lên:
- Ôi, tưởng ai chứ chị Tần thì anh có quen từ khi anh tham gia Việt Minh.
Tối hôm sau bộ đội về làng tôi. Mũ nan, chân đất, và vũ khí đen trùi trũi, bóng loáng trĩu năng đôi vai. Ánh lửa đuốc bập bùng. Chân bước rầm rập, rung động cả đường làng, rung động cả trời sao. Các anh về đúng là “mái ấm nhà vui, tiếng hát câu cười rộn ràng xóm nhỏ, nồi cơm nấu dở, bát nước chè xanh” như lời bài hát chúng tôi thường hát.
Hôm sau là một ngày thật đáng nhớ đối với tôi. Tôi được cùng chị Thắm dẫn anh Phụng ra cây ruối Đôi để gặp chị Tần. Bình thường ban ngày chị Tần ở nhà nhưng nay có “nhiệm vụ” chị phải có mặt ở cái nơi mà xưa nay, chị Tần luôn phải giữ kín và canh phòng cẩn mật.
Khác hẳn hôm qua và những ngày trước đây, ao Ngoẹo, cây ruối Đôi rồi cả cái tiểu táng treo, không còn làm tôi sợ “vãi ra quần” nữa. Mà ngược lại làm tôi phấn chấn khác thường.
Kho báu dưới nền miếu được chị Tần mở ra. Tôi thì còn nhỏ nên không hiểu hết ý nghĩa của những cây súng đối với bộ đội trong giai đoạn này nhưng anh Phụng thì khác hẳn. Anh cúi xuống, bê lên từng bộ phận đã tháo rời của những khẩu súng và những viên đạn được gói ghém kỹ lưỡng trong những chiếc bao tải, vuốt ve, cưng nựng.
Tôi thấy mắt anh Phụng chớp chớp như muốn khóc.
Số vũ khí này, sau đấy được chúng tôi chia nhau vác về nơi đóng quân của đơn vị bộ đội mới về làng, giao lại cho các anh.
Trên đường về chị Thắm hỏi tôi:
- Vậy là rõ ràng cây ruối Đôi không có xác con chim cuốc! Vậy cậu còn đi tìm chỗ khác nữa không?
Tôi trả lời cụt lủn:
- Còn tìm! Bao giờ có được điều ấy mới thôi!
Ngay tối hôm đó quân ta mở màn tấn công đồn Cầu La. Những tiếng nổ lớn nhỏ, inh tai, nhức óc. Những ánh chớp nhoang nhoáng như rạch màn đêm.
Thanh niên trai gái trong làng được điều đi phục vụ chiến dịch không sót một ai. Tất cả vui như đi trẩy hội. Chị Thắm không là ngoại lệ. Tôi chưa đến tuổi, nhưng thấy lúc này không thể ở nhà được nên cứ nằng nặc đòi xin các anh được đi tiếp đạn cho mặt trận. Các anh không nỡ từ chối tôi.
Trận đánh mở màn lúc chập tối thì khoảng 2 giờ sau, quân ta đã chiếm lĩnh hoàn toàn trận địa. Đồn bốt được san bằng. Một trung đội lính com-mang-đô, ngoài một số tên bị tiêu diệt, số còn lại lốc nhốc kéo cờ trắng xin hàng.
Chiến dịch vậy là thắng lợi. Anh Phụng vui vẻ báo tin những quả đạn pháo bazoka lấy từ cây ruối Đôi đã nổ rất giòn giã và đã góp phần san bằng hệ thống phòng vệ bốt Cầu La.
Tôi cảm thấy sung sướng, vì thấy mình được góp phần nhỏ bé vào sự thắng lợi của chiến dịch.
Đêm ấy, trong khi anh em bộ đội ở lại thu dọn chiến trường thì tôi và chị Thắm được đơn vị cho về, vì là “đàn bà, trẻ con”, lực lượng chưa cần đến lúc này.
Bỗng có tiếng đạn pháo nổ “lục ục” đầu vào và tiếng “oành oành” đầu ra, từ xa dội lại. Bằng kinh nghiệm nhiều năm sống trong vùng “xôi đỗ”, ta và địch ở gần nhau, tôi nhận ra đây là tiếng đạn phát ra từ súng moocche từ một đồn địch. Đạn moóc chê có hai lần nổ. Một lần nổ khi đạn vừa ra khỏi nòng súng. Một lần nổ khi đạn rơi vào mục tiêu.
Tôi nói với chị Thắm:
- Hình như bọn lính ở đồn cầu Nhì, bắn pháo chi viện cho bốt cầu La ?
Chị Thắm cười nhạo:
- Đồ chó chết. Rõ rơ chưa, chết đến đít rồi mà còn ra oai. Mà cậu có để ý không? Tiếng nổ lần thứ hai mà “oành oành” là nổ ở xa chỗ mình. “Oàng oàng” mới là nổ gần.
Chị Thắm vừa nói xong, hình như kẻ thù muốn chứng minh lời chị là đúng, nên liên tiếp mấy tiếng nổ “oàng oàng” vang lên. Chớp sáng nhoang nhoáng quanh chỗ chúng tôi đang đi. Đất cát bay rào rào. Khói bốc mù mịt, khét lẹt.
Vừa lúc ấy tôi nghe tiếng chị Thắm quát lên:
- Nằm xuống!
Tôi vừa kịp làm theo ý chị, đã nghe có tiếng nổ như xé màng tai, kế tiếp là có vật gì đè nặng lên người tôi khiến tôi muốn nghẹt thở. Cùng lúc đó là có một thứ gì như nước, rỉ ra ướt đẫm lưng áo tôi.
Khi mọi thứ trở lại bình thường, hoàn hồn, tôi kịp nhận ra cái vật nặng đè lên người tôi chính là chị Thắm và cái nước ướt đầm đìa lưng áo tôi là máu của chị.
- Trời ơi! Chị Thắm!
Tôi bế thốc Thắm lên tay. Một anh bộ đội đến tiếp sức tôi, chúng tôi cõng chị chạy dưới ánh sáng pháo địch và tiếng đạn nổ vang rền. Thắm được đưa về trạm cấp cứu tiền phương.
Một lúc sau, Thắm tỉnh dậy. Tôi ôm lấy chị mà gào mà khóc. Tôi nói với mọi người rằng, Thắm đã chết vì tôi, vì chắn đạn cho tôi.
Thắm nở đôi môi thâm xịt vì mất máu nhiều, mệt mỏi, khó nhọc thì thào, câu nói bao nhiều năm nay tôi ước ao giờ mới có được:
- Thôi, đừng khóc nữa và từ nay cũng đừng mất công đi tìm xác con chim cuốc nữa! Em là tình yêu của anh đây!
Thắm ghì đầu tôi xuống, rối rít hôn lên môi, lên mặt tôi.
Cặp môi xám xịt của Thắm dần dần hồng thắm trở lại.
Gò Vấp 25.10.2015
Nguyễn Khoa Đăng