Home » Archives for tháng 11 2023
Tôi kể bạn nghe niềm sung sướng của tôi mới đây. Nó liên quan đến một hồi ức đẹp. Hồi năm xưa, thập niên đầu tám mươi, tôi là bộ đội đóng quân trong rừng Pleiku. Là chiến sĩ Tiểu đoàn 16, thuộc Sư đoàn Bộ, Sư đoàn bộ binh 2. Theo nếp sống lính, tối tối sau phần sinh hoạt theo từng đơn vị riêng là tập trung theo dõi thời sự trên ti vi.
Sân đất nện, chỗ làm lễ chào cờ, làm lễ xuất quân là địa điểm xem ti vi của Tiểu đoàn. Đó là cái ti vi 32 inchs đen trắng mở cho cả tập thể tiểu đoàn xem. Không có gì giải trí, chỉ biết xem ti vi. Trên ti vi không có gì giải trí ngoài những bộ phim, nhà đài cho cái gì thì xem cái đó.
Tôi còn nhớ như in đó là vào năm 1983, mùa mưa. Đài truyền hình chiếu bộ phim “Người nông dân nổi dậy”, phim truyền hình Pháp, 6 tập, mỗi tập dài 60 phút. Tôi đã xem đủ cả 6, không bỏ bữa nào. Có bữa mưa tầm tã, giữa trời không mái che, mọi người bỏ chạy về lán trại, chỉ còn lại tôi nép bên mái hiên say mê buồn vui theo anh chàng Jacquou – nhân vật chính trong phim.
Tôi muốn rơi nước mắt trước hình ảnh cậu bé Jacquou nghèo khổ, lẽo đẽo đi theo mẹ cùng với vị luật sư tốt bụng tìm cách cứu chồng thoát khỏi cảnh tù tội oan ức. Nhưng rồi không chỉ cha chết, mà mẹ cũng lìa cõi trần. Chi tiết mẹ cậu ra đi trong một túp lều tồi tàn nơi hoang vu và mưa như trút nước làm tôi ràn rụa nước mắt thật tình luôn.
Nội dung tiểu thuyết “Jacquou le croquant” được dịch ra tiếng Việt là “Người nông dân nổi dậy”, Đài truyền hình quốc gia Pháp đã dựng thành phim vào thập niên 60 của thế kỷ XX. Mãi đến năm 1983 mới được chiếu ở Việt Nam. Tôi đã xem phim một cách đắm đuối, mê say.
Phim dựng dưới dạng nhân vật chính thuật lại cuộc đời hồi trẻ của mình, qua giọng kể của diễn viên Daniel Le Roy. Phim có nội hàm rộng lớn và phong phú, mô tả trung thực và tinh tế phong tục xã hội và cảnh quan Pháp đầu thế kỷ XIX. Tôi thích chuyện kể trên nền nhạc, thấy đây là một "tiểu thuyết thôn quê", một bản "dân ca hương quê" ngọt ngào làm say đắm lòng tôi.
Bao giờ tôi cũng ngồi cho đến hết phần chạy chữ mới ra về, bởi tôi thường chờ đợi phần cuối là muốn nghe đoạn độc tấu ghita rất truyền cảm, buồn như những giọt âm thanh rơi trong tim tôi. Nhờ vậy, tới giờ tôi vẫn nhớ và lấy làm hãnh diện khi thấy trên màn hình, trong đoàn làm phim đông đảo người Tây có tên hai người gốc Việt là Nguyễn Đại Hồng và Nguyễn Thị Lan.
Mê phim đã thúc giục tôi đi tìm sách. Tôi xin kể đường đi của niềm đam mê tìm kiếm tác phẩm. Tôi đã có gần ba mươi năm, kể từ khi xem phim và sau khi xuất ngũ để mắt đến “Người nông dân nổi dậy” của nhà văn Pháp Eugène Le Roy, dịch ra tiếng Việt mà không hề thấy. Sách in năm 1986, nhà xuất bản Văn nghệ thành phố Hồ Chí Minh, dày 330 trang, khổ 13x19.
Nó ra đời trong những năm bao cấp, nên là loại giấy tái sinh, đen đúa, có cả cộng rơm, cộng rác trong đó, mực in lem luốc, đọc không ra chữ. Những năm đó, bất kỳ loại sách gì cũng có tiarage lớn, bao giờ cũng là 20 nghìn bản trở lên. Vậy mà tôi lùng sục đi tìm một bản cũng không ra. Chắc là nó tiếp tục hành trình tái sinh thành giấy vụn từ rất sớm. Khắp các quày sách cũ, sách xôn, gánh hàng bán giấy vụn tôi đều để mắt tới nhưng chưa bao giờ gặp “Người nông dân nổi dậy”.
Mới đây tôi “lượm” được cuốn truyện “Người nông dân nổi dậy” cũ kỹ in trên giấy đen nhẻm của thập niên 80 xưa tại một quày sách cũ chuyên bán giấy vụn trên đường Ông Ích Khiêm, Đà Nẵng mà thấy mừng rơn. Tôi như gặp lại người thương vậy đó, như người ta nói, mừng như bắt được vàng chính là tâm trạng của tôi lúc này.
Tôi có cả cuốn nguyên bản tiếng Pháp- “Jacquou le croquant” nhưng đọc thấy mệt, vì trình độ đọc tiếng Pháp của tôi không trôi chảy lắm nên ngăn trở xúc cảm của mình. Có người chuyển ngữ giùm- dịch giả Thiên An, phần nào giúp tôi đến với thế giới văn học, làm lòng tôi yêu đời, yêu cuộc sống hơn. Vậy đó, như nói ở trên, “nhặt” được “Người nông dân nổi dậy” tôi thấy mừng rơn như gặp lại người thương vậy đó.
N.P
VÀI THÔNG TIN HẤP DẪN VỀ “Người nông dân nổi dậy”
* Bản phim qua hơn 50 năm đến nay vẫn được lưu hành ở Pháp và nhiều nước khác, bởi hình ảnh được quay ngay tại các địa điểm nêu trong truyện và không sử dụng các hình ảnh phim trường nên tính chân thực cao.
* Tại Pháp, do ảnh hưởng của bộ phim, Jacquou được đặt tên cho một loại bánh. Nhưng do giới trẻ khá ít người biết, khi phim công chiếu mới biết Jacquou không phải là một loại bánh và là một nhân vật.
* Các địa danh mô tả trong truyện bao gồm lâu đài Herm, nhà gia đình Jacquou, Lina, nơi mẹ Jacquou mất, nhà cha xứ Bonnal... đều được bảo tồn và là địa điểm du lịch.
* Ở Việt Nam, nhiều người lớn tuổi có ấn tượng, nên không ít cha mẹ đặt tên "Jacquou" là tên thứ hai cho con cái của mình, cũng giống như một số nhân vật khác trên phim Hàn Quốc thập niên 1990.
* Sau khi phim công chiếu, nhà báo Jean Gavel về tận vùng quê của nhân vật Jacquou để viết một bài báo ca ngợi như một anh hùng dân tộc. Bài báo nổi bật một thời, được công chúng đánh giá cao.
* Và Jacquou đã trở thành một biểu tượng anh hùng, nay vẫn có tượng được vinh danh ở Dome, Dordogne.
ĐÔI DÒNG TÓM TẮT CỐT TRUYỆN
Jacquou, nhân vật chính của câu chuyện, sinh ra trong một gia đình tá điền, ở thuê trên đất của bá tước Nansac ở lâu đài Herm thuộc Rouffignac. Cậu là con trai của Martissou (có biệt danh là Người nông dân nổi dậy), và Marie, từ bé đã phải chứng kiến cái chết oan nghiệt của người cha trong tù - do bị kích động nên ông bắn chết Laborie, quản gia khát máu của Nansac, Jacquou bị đẩy khỏi nhà và chứng kiến cái chết của người mẹ sau khi không tìm ra được việc làm, đói rét và ốm nặng.
Jacquou được linh mục Bonal ở Fanlac, có nguồn gốc nông dân, một người tốt bụng nuôi nấng và dạy dỗ. Jacquou vận động dân quanh lâu đài Herm nổi dậy chống Nansac và cho đốt tòa lâu đài. Anh bị bắt và xử tại Périgueux song được trạng sư Vidal-Fongrave bào chữa với bài hùng biện tuyệt vời và áp lực của cách mạng Tháng Bảy năm 1830 nên được tha bổng.
Kate Chopin, tên khai sinh là Katherine O’Flaherty (1850 - 1904), là một tác giả truyện ngắn và tiểu thuyết người Mỹ. Bà được coi là một tác giả nữ quyền của thế kỷ 20. “Regret” được viết bởi Kate Chopin. Câu chuyện được xuất bản lần đầu trên tạp chí Chopin’s “A Night in Acadia”.
MAMZELLE AURLIE sở hữu một thân hình cường tráng, đôi má hồng hào, mái tóc chuyển từ nâu sang xám và ánh mắt cương nghị. Cô thường đội một chiếc mũ như đàn ông ở trang trại, mặc một chiếc áo khoác quân đội cũ màu xanh khi trời lạnh, và đôi khi đi giày ống cổ cao.
Mamzelle Aurlie chưa bao giờ nghĩ đến việc kết hôn. Cô chưa bao giờ yêu. Năm hai mươi tuổi cô đã nhận được một lời cầu hôn, nhưng cô đã nhanh chóng từ chối, và năm mươi tuổi cô vẫn sống một mình nhưng chưa bao giờ cô cảm thấy hối hận về quyết định của mình. Cũng vì vậy mà cô sống khá đơn độc, không tiếp xúc với thế giới bên ngoài ngoại trừ con chó Ponto, những người da đen sống trong những túp lều giúp cô ta canh tác vụ mùa, những con gà, một vài con bò, một vài con la, khẩu súng (cô dùng để bắn gà- diều hâu), và niềm tin tôn giáo của mình.
Một buổi sáng, Mamzelle Aurlie đứng trên phòng trưng bày, trầm ngâm, với cánh tay chống nạnh, một đoàn trẻ con xuất hiện cứ như từ trên mây rơi xuống. Chúng là con của người hàng xóm lân cận của cô, Olile, Olide không chỉ là hàng xóm mà còn là chị em thân thiết của cô. Người phụ nữ trẻ xuất hiện trước đó năm phút, cùng với bốn đứa trẻ này. Trên tay, Olide bế bé Lodie; cô ấy kéo lê Ti Nomme bằng một tay; trong khi Marcline và Marclette theo sau với những bước đi miễn cưỡng. Khuôn mặt cô ấy đỏ bừng và méo xệch vì nước mắt và sự lo lắng. Cô được báo phải đến giáo xứ lân cận để chăm sóc bệnh tình nguy hiểm của mẹ cô; chồng cô ấy đang ở Texas - cách xa nhà cả trăm dặm; mà Valsin thì đang đợi trên chiếc xe la để chở cô ấy đến nhà ga.
Không còn gì phải bàn cãi, Mamzelle Aurlie; chắc chắn là người chăm sóc những đứa trẻ giúp Olide đến khi cô ấy quay trở về. Cô ấy nói nếu còn cách nào khác có thể, cô cũng không cậy nhờ Manzella. Cô ấy không thể mang chúng theo đến giáo xứ, vì nếu làm như vậy cô ấy sẽ không chăm sóc được chúng, cũng không chăm sóc được mẹ của cô.
Olide bỏ mặc những đứa con của mình chen chúc trong dải bóng râm hẹp trước hiên ngôi nhà dài, thấp; ánh nắng trắng hắt vào trên những tấm ván cũ màu trắng; một số con gà đang bới cỏ tìm thức ăn dưới chân bậc thang, và một con gà dạn dĩ hơn lần bước băng qua phòng trưng bày. Một mùi thơm dễ chịu của hoa hồng hòa trong không khí, và tiếng cười của những người da đen đang vang lên trên cánh đồng bông đang nở hoa.
Mamzelle Aurlie đứng nhìn lũ trẻ. Cô ấy nhìn Marcline với ánh mắt thương hại, nó đã bị bỏ lại phía sau bởi sự chen lên trước của Lodie mũm mĩm. Cô ấy nhìn quanh xem xét một lúc, Marcelette lặng lẽ khóc, còn Ti Nomne hét to đòi mẹ. Trong khoảnh khắc ấy, Mamzelle biết bản thân mình phải làm gì. Cô lau nước mắt cho những đứa trẻ và an ủi chúng. Sau đó cô ta bắt đầu cho chúng ăn.
Nếu trách nhiệm của Mamzelle Aurlie chỉ là dỗ dành những đứa trẻ một lúc, và cho chúng ăn thì không có gì đáng nói. Cô ta có thể làm tốt công việc được cậy nhờ. Nhưng những đứa trẻ nhỏ không phải là những chú lợn con: chúng đòi hỏi và yêu cầu sự quan tâm và yêu thương mà Mamzelle Aurlie hoàn toàn không biết đến thứ tình cảm này trước đây, vì vậy cô lúng túng không biết phải làm như thế nào.
Quả thật, cô đã rất bất lực trong việc quản lý các con của Odile trong những ngày đầu tiên. Làm sao cô ấy có thể biết rằng nét riêng biệt của Marclette là luôn khóc khi nghe ai đó nói lớn tiếng. Và chỉ khi Ti Nomme nhổ tất cả những cây dành dành và hồng đẹp nhất của cô cho mục đích nghiên cứu về cấu tạo thực vật, cô mới quen với niềm đam mê hoa của nó.
"Nó hư lắm, dì không bảo được nó đâu. Tốt hơn hết bắt nó nằm yên trên ghế đi" Marcline nói với Aurlie. Chiếc ghế mà Mamzelle Aurlie buộc Ti Nomme nằm lên rộng rãi và thoải mái, và nó chớp lấy cơ hội để chợp mắt ngon lành, một buổi chiều thật ấm áp.
Vào ban đêm, khi cô buộc tất cả chúng đi ngủ theo cái cách cô ta lùa gà vào chuồng, Nhưng những đứa trẻ đứng trước mặt cô có vẻ ngơ ngác, không hiểu cô muốn gì. Chúng không biết những chiếc túi ngủ nhỏ màu trắng được lấy ra từ tấm lót gối mà chúng mang đến sẽ làm thế nào và ai lắc mạnh cho đến khi chúng bật ra như roi bò? Còn cái bồn nước lẽ ra phải được mang ra đặt giữa nhà để rửa tay chân bụi bặm và sạm nắng của chúng trước khi đi ngủ chứ? Marcline và Marclette bật cười khi Mamzelle Aurlie kể chuyện về Croque- mitaine hoặc Loup - garou cho Ti Nomme nghe, vì chỉ cần nằm yên một lúc , nó có thể ngủ thiếp đi, cu cậu tinh ranh này có thể ngủ thiếp đi mà không cần được kể chuyện hay ru ngủ.
Mamzelle Aurlie nói với dì Ruby, đầu bếp của mình: "Cháu, cháu thà quản lý một tá đồn điền" hơn là chăm sóc những đứa trẻ con này. Thật kinh khủng! Cháu muốn điên lên luôn! Đừng nói với cháu về những đứa trẻ nữa." "Cháu rất ngưỡng mộ dì, Làm sao mà dì có thể chăm sóc tốt đươc những đứa trẻ chứ, dì có thể cho cháu một số bí quyết không? Cháu thấy những đứa trẻ đôi khi cứng đầu và khó bảo quá. Cháu muốn học một số bí quyết để có thể chơi cùng chúng, chăm sóc chúng tốt hơn".
Mamzelle Aurlie chắc chắn không phải giả vờ mà khao khát có được kiến thức tinh tế và sâu rộng về việc nuôi dạy trẻ con như dì Ruby. Cô rất vui khi học được một vài mẹo nhỏ của những người mẹ để chăm sóc những đứa trẻ.
Những ngón tay nhớp nháp của Ti Nomme buộc cô phải đeo chiếc tạp dề trắng mà cô đã không sử dụng trong nhiều năm, cô phải làm quen với những cái hôn đầy nước dãi của nó- mỗi khi nó thể hiện sự trìu mến dành cho cô. Cô lấy giỏ đồ may vá của mình, thứ mà cô hiếm khi sử dụng, từ kệ trên cao, và đặt nó trong tầm tay với để dễ dàng vá lại những chiếc quần rách hay đơm lại những chiếc cúc áo bị sổ ra. Cô phải mất một vài ngày để quen với tiếng cười, tiếng khóc, tiếng huyên thuyên vang vọng khắp nhà và chịu đựng nó suốt cả ngày. Và không phải là đêm đầu tiên hay đêm thứ hai cô có thể ngủ một cách thoải mái với cơ thể nóng bỏng, đầy đặn của Lodie bé nhỏ áp sát vào người cô, hơi thở ấm áp của nó phả vào má cô như cánh chim đang quạt.
Vào những ngày cuối của tuần thứ hai, Mamzelle Aurlie đã khá quen với những điều này, cô không còn phàn nàn hay cảm thấy khó chịu nữa. Cũng vào cuối hai tuần, vào một buổi tối Mamzelle Aurlie, đang nhìn về phía cũi nơi gia súc đang được cho ăn, cô thấy chiếc xe đẩy màu xanh lam của Valsin đang rẽ vào khúc quanh của con đường. Odile ngồi bên cạnh con chó, vui vẻ và tươi tắn. Khi họ đến gần, khuôn mặt rạng rỡ của người phụ nữ trẻ cho thấy rằng việc nhà của cô đã giải quyết ổn thỏa.
Olide đến không báo trước và bất ngờ, làm cho Mamzelle Aurlie rơi vào tình trạng bối rối thực sự. Những đứa trẻ phải được tập hợp lại. Ti Nomme đã ở đâu? Có lẽ ở trong nhà kho đằng xa kia, đang mài dao trên phiến đá . Còn Marcline và Marclette đang cắt vải vụn để may áo cho những con búp bê ở góc phòng trưng bày. Về phần Lodie, nó đang bình yên trong vòng tay của Mamzelle Aurlie; và nó đã hét lên sung sướng khi nhìn thấy chiếc xe đẩy màu xanh quen thuộc đang đưa mẹ nó trở lại.
Sự vui mừng mẹ trở về đã qua, những đứa trẻ đã biến mất như cái cách chúng đến. Mamzelle Aurlie đứng trên phòng trưng bày, nhìn theo chúng và lắng nghe mãi đến khi cô hầu như không còn nhìn thấy xe hàng nữa. Hoàng hôn đỏ và bầu trời chạng vạng màu xám xanh đã hợp thành một làn sương tím phủ lên khắp cánh đồng và cả con đường đã che khuất tầm nhìn về chiếc xe hàng kia. Cô không còn nghe thấy tiếng kêu cót két của bánh xe nữa. Nhưng cô vẫn có thể lờ mờ nghe thấy những giọng nói vui mừng chói tai của lũ trẻ.
Cô quay vào nhà. Có nhiều việc đang chờ cô. Bọn trẻ đã đi, đã để lại trong cô một nỗi buồn khó tả, nhưng cô không muốn xóa nó ra khỏi kí ức. Mamzelle Aurlie ngồi xuống cạnh bàn. Cô liếc thật chậm qua căn phòng, bóng tối đang len lỏi và hằn sâu quanh bóng dáng cô độc của cô. Cô gục đầu xuống cánh tay uốn cong của mình, và bắt đầu khóc. Cô đã khóc! Khóc không giống như những người phụ nữ vẫn thường làm, mà khóc như một người đàn ông, với những tiếng nức nở như muốn xé nát tâm can. Cô không nhận thấy Ponto đang liếm tay mình.
Trần Minh Nguyêt dịch
GẶP VỢ CŨ
Thì thôi về lại bến sông
Thả đôi nhẫn cỏ để bồng bềnh trôi
Lời thề em, lời thề tôi
Lạnh tanh hóa gió cuối đồi heo may.
Mùa đông bỗng buốt bàn tay
Lá diêu bông rụng từ ngày không nhau
Tôi buồn lưu lạc trăng sao
Em thành chim sáo bay vào lầu son.
Trăm năm chẳng đặng vuông tròn
Gặp chi để lệ phải còn lung linh?
Chào nhau
Chào nửa nghĩa tình
Nửa kia gói lại
Nhớ mình người dưng..
QUÀ TẶNG ĐÊM MƯA
Nửa đêm
Dạo biển Vũng Tàu
Hẹn em hái hết trăng sao làm quà.
Em cười…
Đêm bỗng tan ra
Trăng sao vỡ xuống
Thế là mưa rơi!
SOI GƯƠNG
Ta soi ta
Tìm nửa mình hư thực
Nửa lẳng lơ
Nửa nghiêng lệch đời thường.
Ảnh ảo là ta
Hay ta ảo ảnh?
Soi nửa đời người
Chỉ thấy nửa đời gương...
KHÚC HÁT MÙA ĐÔNG
Này cô bé mùa đông về đấy nhé
Nhớ thương ai sao khoác áo len hồng?
Ta cô độc mang nỗi buồn hóa đá
Gió Sài Gòn nghiêng ngả nắng trên sông.
Gió lạnh lắm bé ơi đừng vội bước!
Cây không chao nhưng run rẩy bên đường
Tóc bé thả bồng bềnh mây ký ức
Theo áo dài ta chợt vấp làn hương…
Ta thảng thốt nhớ tháng ngày đi học
Thuở theo ai ngong ngóng bước đợi chờ
Mùa đông khóc thương tình ta câm lặng
Trăng phương nào ta còn mãi bơ vơ?
Giờ gom lại những mảnh tình vụn vỡ
Đốt mùa đông ta sưởi trái tim mình
Mùa đông cháy đôi má bầu ửng đỏ
Bé không cười sao ánh mắt lung linh?
Xin từ giã áng mây buồn xám ngắt
Ta theo em tìm đón nắng mai hồng
Mùa xuân biếc vẫn ngập ngừng phía trước
Bé chớ quay nhìn kẻo thấy mùa đông.
T.T.N.V
Nhà thơ Đỗ Thị Kim Hải
NỤ CƯỜI 1
Đẹp nhất là khi nhoẻn miệng cười
Đầu Xuân ấm áp rực làn môi
Long lanh ánh mắt bừng tia sáng
Rạng rỡ làn da nhuận sắc tươi
Cứ tưởng làn mây đang ghé ngắm
Chừng như ngọn gió cũng quên chơi
Xôn xao giọt nắng vui sà xuống
Để điểm tô thêm nét tuyệt vời.
09.02.2020
NỤ CƯỜI 2
Bút mực làm sao nói hết lời
Khi ai chúm chím động vành môi
Cho niềm hạnh phúc bừng lên má
Để nét yêu thương đọng giữa đời
Có phải em ra từ cổ tích
Hay là gió đến tự trùng khơi
Lòng run khiến trái tim anh đập
Loạn nhịp... Trời ơi! Chết thật rồi.
09 02.2020
EM VÀ TÔI
Đồng tiền lúm xoáy tuyệt vời ơi!
Khiến cõi lòng ta quyến luyến rồi
Em mãi hồn nhiên đi dạo phố
Anh thường ngốc nghếch nguyện làm đuôi
Mười năm chẳng bỏ công đeo đuổi
Một kiếp không phai nghĩa đắp bồi
Cô bé ngày xưa bên xóm ấy
Bây giờ... là mẹ của con tôi.
31.3.2020
K.H
Đọc tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi” – “Life of Pi” của nhà văn Yann Martel, đoạt giải thưởng Man Booker (Canada)
*
Từ lâu tôi đã thấy gia đình là nơi nhiều bão tố mà đời tôi là một con thuyền. Tôi phải dập dềnh trên đó học bài học khó để làm người chân chính. Tôi có muốn chạy cũng không chạy đâu cho thoát, bỗng nghĩ về “Cuộc đời Pi”, một tiểu thuyết mà tôi đã đọc lúc này phù hợp với mình làm sao!
Tôi đã đọc “Cuộc đời của Pi” ba lần, tôi cũng đã xem bộ phim cùng tên ba lần. Qua đó tôi thấy nhiều điều lắng đọng, gợi lên những suy nghĩ sâu xa, chiêm nghiệm những giá trị vĩnh hằng về tình yêu, về niềm tin tôn giáo, về sức mạnh của con người. Tôi lần theo “cái phao” của Pi để chiến đấu trong thực tế, tiến đến chỗ yên lòng được chăng.
Nhà văn Yann Martel đã đoạt giải thưởng Man Booker (Canada) với cuốn tiểu thuyết “Cuộc đời của Pi” – “Life of Pi”. Tác phẩm này đã được đạo diễn nổi tiếng Lý An chuyển thành bộ phim thu hút hàng triệu khán giả trên thế giới. Lý An là đạo diễn người Đài Loan, tôi đã từng mê ông qua phim kiếm hiệp “Ngọa hổ tàng long”
Tác phẩm kể về cậu bé Piscine Molitor Patel, cậu tự gọi mình là Pi - đặt theo tên một hồ bơi ở Paris, bởi cậu cũng như của cha mình đặc biệt thích bơi. Piscine Patel hay còn gọi là "Pi" - là người kể chuyện và là nhân vật chính của cuốn tiểu thuyết.
Pi là con trai của một chủ vườn thú tại vùng Pondicherry của Ấn Độ. Cậu say mê tôn giáo và cùng một lúc theo cả đạo Hindu, đạo Hồi và đạo Thiên Chúa.
Để tránh những biến cố chính trị, gia đình cậu chuyển toàn bộ vườn thú tới Canada trên một con tàu của Nhật Bản có tên là Tsimtsum. Con tàu đã gặp một cơn bão lớn và chìm, còn Pi lạc mất gia đình mình, cậu sống sót trên chiếc thuyền cứu hộ cùng một con hổ Begal có tên Richard Parker, một con linh cầu, một con đười ươi và một con ngựa vằn.
Cuối cùng, chỉ còn lại con hổ và cậu lênh đênh trên biển. Sử dụng những hiểu biết về nuôi dưỡng thú hoang, Pi đã duy trì sự sống của cả cậu và Richard Parker cho tới khi cả hai dạt lên một bờ biển. Câu chuyện bắt đầu khi tác giả gặp Pi, lúc này đã ở tuổi trung niên có vợ và hai con, tại Winnipeg- Canada và bắt đầu ghi chép lại chuyện đời của anh.
Phần 1 câu chuyện bắt đầu được kể khi Pi ở tuổi trung niên, bây giờ đã kết hôn và có gia đình riêng của mình, và sống ở Winnipeg – Canada.
Phần 2 kể chuyện khi cậu mới mười sáu tuổi. Pi kể lại câu chuyện của cuộc đời mình và 227 ngày hành trình của mình trên xuồng cứu sinh sau khi con tàu chìm ở giữa Thái Bình Dương trong một chuyến đi đến Bắc Mỹ. Chuyến đi này là thử thách cực độ cả về tinh thần lẫn thể xác. Bạn đồng hành của Pi là một con hổ Bengal trưởng thành, vừa là mối nguy lại vừa là cái neo giúp Pi bám lấy cuộc sống.
Phần 3 của câu chuyện diễn ra tại một bệnh xá của Mê-hi-cô, nơi hai viên chức của hãng tàu Nhật Bản phỏng vấn Pi về nguyên nhân tàu chìm. Giải thích thêm về tên "Pi": Do tên Piscine phát âm là "Pit-xin", rất dễ nhầm với Pissing (đi tiểu), do đó nhân vật chính quyết định lấy tên là Pi để tránh bị trêu chọc.
*
Tôi rút tỉa được bốn bài học cho riêng mình
1.
Khi chiếc tàu bị chìm, Pi được ném xuống biển trên một chiếc tàu cứu sinh với một số lượng thực phẩm và đồ cấp cứu rất hạn chế. Pi buộc phải thực hiện một kế hoạch sống sót với một thời gian không chắc chắn trên vùng biển khắc nghiệt. Tôi rút ra bài học số một: Tôi phải lập kế hoạch cho nhiều tình huống khác nhau, ngay cả khi nguồn thu nhập thấp, tôi vẫn có thể có một cuộc sống ý nghĩa.
2.
Khi Pi bất ngờ tìm thấy con hổ Richard Parker trên thuyền cứu sinh, anh quyết định mang thức ăn dự trữ sang chiếc bè để tránh bị con hổ ăn thịt. Ngay lúc đó, có vẻ đó là một quyết định khôn ngoan, vì anh vẫn chưa hình dung được những nguy hiểm lớn hơn mà anh chưa bao giờ biết đến. Vào một buổi tối, một con cá voi khổng lồ xuất hiện lật úp chiến bè, vứt đi tất cả nguồn thực phẩm dự trữ và nước ngọt. Lúc đó Pi nhận ra rằng sống chung với con hổ Parker trên thuyền có lẽ là một sự lựa chọn tốt hơn.
Sau sự cố cá voi, Pi nảy ra ý định cần phải "hòa giải" với hổ Parker để cùng sống trên tàu cứu sinh, một ý tưởng mà anh luôn gạt bỏ từ trước tới nay. Sống cùng Parker trên thuyền, anh luôn giữ chính mình ở trạng thái cảnh giác. Nhưng khi Parker đói bụng và nhảy xuống biển bắt cá, Pi đã giúp nó trở lại thuyền một cách từ từ. Bài học số hai: Bao giờ cũng có cách chung sống trong hòa hoãn, khó khăn- thuận lợi hai bên cùng nương tựa nhau.
3.
Pi bị trôi dạt đến một hòn đảo tảo ăn thịt người, là một ốc đảo dồi dào thực phẩm và nước ngọt, là một nơi trú ẩn lý tưởng. Nếu hài lòng thì coi như Pi tìm ra một giải pháp trung bình cho một vấn đề chiến lược. Lúc này là lúc dễ thỏa hiệp nếu Pi quyết định sống trên đảo với đầy loài tảo ăn thịt vào ban đêm.
Tuy nhiên đáng học tập là Pi luôn để mắt và tâm trí đến mục tiêu cuối cùng. Pi đã quan sát cách tồn tại của những sinh vật trên đảo để tìm ra cách thức tồn tại của chính mình. Anh đã rời bỏ hòn đảo. Bài học thứ ba: Không thỏa hiệp với thuận lợi trước mắt.
4.
Giữa đại dương bao la, bão to, sóng lớn, cá voi, hỗ dữ, rơi vào trạng thái tuyệt vọng, gần như bên bờ vực phá sản. Bao giờ Pi cũng nghĩ đến triết lý vô thường của cuộc sống, những khó khăn chỉ là tạm thời. Pi đã thử hết tất cả mọi cách, thử đi thử lại nhiều lần. Pi đang đói bỗng nhiên có cá bay cung cấp thực phẩm, có cơn mưa rào cung cấp nước ngọt, có hòn đảo để nghỉ ngơi. Pi không bao giờ từ bỏ hy vọng sống sót. Bài học số bốn: Sẽ luôn có cơ hội cho bạn, khó khăn chỉ là tạm thời.
N.P
PHỤ LỤC
Đây là một chương ngắn nói về sự sợ hãi (Chương 56). Mời bạn cùng nghiền ngẫm xem cuộc đời này có gì đáng để sợ không?
Sự sợ hãi là đối thủ thực sự duy nhất của cuộc sống. Chỉ có sợ hãi mới đánh bại được cuộc sống. Nó một đối thủ khôn ngoan và xảo quyệt. Nó không có liêm sĩ, không tuân thủ bất cứ luật lệ gì, không biết thương xót. Nó tấn công chỗ yếu nhất của ta, và bao giờ cũng tìm thấy chỗ ấy một cách dễ dàng. Nó luôn tấn công trước hết vào tinh thần ta.
Ta đang bình tĩnh, chủ động, hạnh phúc. Đùng một cái, sợ hãi ngụy trang dưới một nghi ngờ nhẹ nhàng, lẻn vào tinh thần ta như một tên gián điệp. Nghi ngờ gặp phải Không tin và Không tin cố đánh bật nó ra. Nhưng Không tin là một anh lính quèn kém võ trang. Nghi ngờ loại anh này ra khỏi vòng chiến một cách dễ dàng. Ta bắt đầu lo lắng bồn chồn. Lý lẽ liền xung trận bảo vệ ta. Ta thấy yên lòng lại. Lý lẽ được trang bị bằng mọi loại vũ khí công nghệ hiện đại nhất. Nhưng trước sự kinh ngạc của ta, mặc dù đã có những chiến thuật siêu đẳng và một số chiến thắng không thể phủ nhận, Lý lẽ vẫn bị yếu thế. Ta lại thấy yếu lòng, hoang mang. Nỗi lo lắng và bồn chồn của ta trở thành kinh hoàng.
Lúc ấy sợ hãi đổ dồn toàn lực sáng cơ thể ta, vốn đã lờ mờ cảm thấy có chuyện chẳng lành đang xảy ra. Lập tức hai lá phổi ta vỗ cánh bay mất như một con chim, và ruột gan thì như bầy rắn hốt hoảng trườn đi. Rồi đến lưỡi ta cứng đơ lại, còn hàm thì bắt đầu phi nước kiệu tại chỗ. Tai ta điếc đặc. Cơ bắp bắt đầu run rẩy như sốt rét và hai đầu gối thì lắc như múa. Tim ta thắt lại quá nhỏ và các cơ vòng thì lỏng ra quá nhiều. Và tất cả bộ phận khác cũng vậy. Bộ phận nào cũng hỏng, theo kiểu riêng của chúng. Chỉ có hai con mắt vẫn chạy tốt. Chúng luôn chú ý đến Sợ hãi.
Và thế là ta nhanh chóng có những quyết định rất tai hại. Ta bỏ rơi những đồng minh cuối cùng là Hy vọng và Tin tưởng. Đó là lúc ta đánh bại chính mình. Và Sợ hãi thực chất cũng chỉ là một ấn tượng, đã đánh bại ta.
Chuyện đó rất khó nói ra bằng lời. Bởi vì Sự hãi, nỗi Sợ hãi thật sự, hằn sâu vào cốt tủy như khi ta phải đối mặt với cái chết, sẽ làm tổ trong ký ức ta như một ổ thịt thối: nó tìm cách làm thối mọi thứ, kể cả những lời sẽ phải dùng để nói về chính nó. Cho nên ta phải tranh đấu kịch liệt để diễn đạt nó ra. Ta phải chiến đấu đến cùng để làm rỡ ràng ánh sáng của những lời dùng để nói về nó. Bởi lẽ nếu không thế, nếu nỗi Sợ hãi của ta trở thành một cõi đen tối không lời mà ta lẫn tránh, thậm chí có thể lãng quên, ta sẽ bỏ ngõ chính ta cho những cuộc tấn công khác nữa của Sợ hãi, vì ta đã chưa bao giờ thực sự kháng cự kẻ đã từng đánh bại ta.
*
TÓM TẮT TỪNG TRƯỜNG ĐOẠN “CUỘC ĐỜI CỦA PI”
1.
Pi sống trong một gia đình trung lưu điển hình của Ấn Độ trong những năm 50, 60 của thế kỉ trước. Gia đình gồm có 4 người ấy sở hữu một khách sạn hạng trung. Thế rồi một ngày kia, ông bố nhận thấy mình thích gắn bó với những loài thú hoang dã. Ông đưa gia đình về với vườn thú Pondicherry.
Lòng say mê khám phá, yêu quí những loài động vật hoang dã ấy cứ lớn dần lên trong lòng Pi Patel theo những năm tháng ấu thơ của cuộc đời. Càng ngày Pi càng cảm thấy gắn bó hơn với chúng, chúng là một phần của cuộc sống mà em đang có, quan sát chúng làm em học được rất nhiều điều.
Và trong số những loài vật ấy, có một con hổ vùng Bengan tên là Richard Paker - một con thú có ảnh hưởng vô cùng lớn đến phần đời còn lại sau này của cậu bé.
Cuộc sống có thể vẫn cứ tốt đẹp như thế, bên cái “vườn địa đàng” và niềm tin thành tâm, sâu sắc vào tôn giáo ấy nếu không có những biến đổi về chính trị sâu sắc trên chính trường Ấn Độ thời đại Neruh.
Những thiết chế cũ nhanh chóng bị phá vỡ để thay vào đó là sự độc tài, kìm hãm nhiều mặt sự phát triển của đất nước. Ông bố lại một lần nữa quyết định: họ sẽ bán vườn thú và di dời sang đất nước Canada.
2.
Từ đây, thảm họa bắt đầu. Biển nổi sóng ầm ĩ sau bao ngày yên ả. Con tàu chìm nghỉm vào đêm đen của đại dương và cuốn theo toàn bộ thành viên lẫn thủy thủ đoàn, chỉ còn lại một mình cậu bé Patel sống sót. Chẳng còn ai khác ngoài cậu trên một chiếc xuồng cứu hộ ngoài khơi.
Bọn thú hoang không hiểu làm sao đã thoát ra được khỏi chuồng và đang hấp hối trên mặt biển như hình ảnh tái hiện của một trận Đại Hồng Thủy trong Kinh Thánh.
Bất chợt một con ngựa vằn rơi từ trên boong tàu xuống xuồng cứu hộ, què một chân. Pi nhìn thấy Richard Packer - con hổ Bengan đang vùng vẫy, một phút yếu lòng cậu đã ném cho nó 1 chiếc phao cứu sinh.
Ngay lập tức cậu bé nhận ra mình đã sai lầm thì quá muộn, con hổ dùng chân đạp nước cho cái phao tiến nhẹ về xuồng và nhảy phắt lên, Pi nhảy ùm xuống biển. Rồi những vệt sáng lân tinh của bầy cá mập lóe lên trong làn nước đen ngòm làm cậu hốt hoảng bơi lại vào xuồng.
Sự sống như bị giằng co từ 2 phía, con hổ trên xuồng và bầy cá đói mồi dưới nước. Chẳng bao lâu sau cậu còn phát hiện thêm có một con linh cẩu trên xuồng nữa, nó ở đó trước khi cậu được thả xuống xuồng. Ngày hôm sau, cậu lại cứu thêm được một con vượn cái đang bám vào 1 mảng chuối trên biển.
Như thế là chiếc xuồng cứu hộ có đến 5 thành viên: 1 con người, 1 con hổ đói Bengan đang say sóng, 1 con linh cẩu hung hãn, 1 chú ngựa vằn què chân và một con vượn cái.
3.
Bằng số lương thực, nước uống ít ỏi dự trữ trên xuồng cứu hộ, cậu bé đã sống được đến khi cậu có thể tự tay săn bắt và tạo ra nước ngọt từ những máy biến nước mặn thành nước ngọt trên xuồng.
Tận mắt chứng kiến cảnh con ngựa vằn tội nghiệp bị con linh cẩu giết chết, rồi đến con vượn cái cũng là một nạn nhân tiếp theo của con linh cẩu, để rồi cuối cùng con linh cẩu chết dưới móng vuốt của con hổ Richard Packer, Pi đã vô cùng lo sợ.
Cuối cùng chỉ còn lại một mình cậu bé và con hổ trên xuồng. Cậu ăn thịt rùa, cá các loại, uống máu rùa, ăn tảo, đập vỡ mai rùa, mổ bụng, moi gan cá… dù trước đó có nằm mơ cậu cũng không nghĩ rằng đến một ngày mình có thể làm những việc như thế.
Bóng tối với những con commando đi dạo quanh xuồng, ban ngày với cái nóng vô cùng của xứ nhiệt đới và cái mặn mòi của nước biển làm da thịt cậu lở loét, quần áo rách nát, cuối cùng chẳng còn manh áo trên ngườ.
Cậu bé phải kiếm đồ ăn cho mình và cả cho con hổ đói. Những nỗi sợ hãi vô cùng trong khoảnh khắc đối diện với móng vuốt sắc nhọn của con hổ dữ, sự hi vọng leo lét về một ngày nào đó mình sẽ gặp được một con tàu đi ngang qua, để rồi quay trở lại với nỗi cô đơn và thất vọng ngập tràn, trong giờ phút ấy cậu vẫn tin vào Chúa.
Rồi đến một ngày, những “công cụ lao động” của mình bị cơn bão biển cướp đi sạch sẽ.
Cậu bé không còn gì ăn, mắt mù, chân mỏi, đói và khát, sự sống dường như tắt lịm thì lại lóe lên một tia hi vọng le lói cuối đường hầm: cậu đã lạc vào một “hòn đảo” kì lạ. Và suýt chút nữa cậu bé đã quyết định “định cư” hoàn toàn trên hòn đảo kì lạ ấy nếu như không phát hiện ra rằng nó là một “hòn đảo ăn thịt người”.
Cậu lại quay về những ngày tháng lênh đênh trên biển cả với con hổ là bạn đồng hành - cậu không nỡ bỏ nó lại nơi này, với lại nó cũng gần như hoàn toàn thuần phục.
4.
Thế rồi cậu bé vẫn sống, cho đến ngày cái xuồng của mình xuôi theo sóng biển đến tận bờ biển Mexico. Khi chạm tay vào đất mẹ cậu mới tin là mình đã sống, con hổ Bengal chính là lý do giữ cậu lại trên đời, cậu nợ nó một điều gì đó.
Khi chiếc xuồng cập bến, con hổ nhảy phắt lên bờ và mất hút trong cách rừng bên cạnh, không kịp một lần ngoái đầu lại nhìn “người bạn đồng hành” của mình đang kiệt sức lịm đi trên cát.
Pi được đất nước Canada mở vòng tay chào đón, một gia đình tốt bụng mang Pi về nuôi, khoản tiền bảo hiểm của công ty tàu biển, một trường đại học danh tiếng, người vợ hiền và một gia đình hạnh phúc.
Nhưng vẫn còn lại trong anh những nỗi đau thường nhức nhối lên trong lòng sau những đêm mất ngủ. Và con người ấy vẫn sống, vẫn tiếp tục sống hết cuộc đời của mình để xứng đáng với những gì anh đã làm để giữ nguyên vẹn sự sống mà Thượng Đế tối cao đã ban tặng cho anh.
*
(Tác giả: Yann Martel. Dịch giả: Trịnh Lữ. Nhà xuất bản Văn học, năm 2019).
Tiểu thuyết được Mỹ chuyển thể thành phim, do Lý An đạo diễn, đầu tư 120 triệu USD, Phim đã được công chiếu tại Anh ngày 03.12.2012.
Năm 2013, tại lễ trao giải Oscar lần thứ 85, Cuộc đời của Pi đã được đề cử ở 11 hạng mục (xếp thứ 2) và chiến thắng với bốn giải: Đạo diễn xuất sắc nhất (Ang Lee), Nhạc phim hay nhất, Quay phim xuất sắc nhất.
“Life of Pi” là một tiểu thuyết của nhà văn người Canada Yann Martel, được xuất bản năm 2001. Năm 2002, cuốn sách giúp tác giả giành được giải Man Booker. Năm 2003, văn bản tiếng Anh, Life of Pi, được chọn cho giải Canada Reads và văn bản tiếng Pháp L'Histoire de Pi, được chọn cho giải Le combat des livres; cả hai giải là của CBC Radio./.
Viết nhân sinh nhật người ta.
Ngày em ra đời, đất trời vần vũ y như những ngày hôm nay. Những ngày hôm nay, mưa lụt hoành hành, dâng lên khắp miền Trung, tôi đọc báo, xem truyền hình thấy buồn lòng trước cảnh bà con cô bác gặp nạn. Vui vẻ gì mà sinh với nhật, nhưng tôi chợt nghĩ cuộc sống phải tiếp diễn chứ. Tử làm nên sinh, cho đi làm ra nhận vào như quy luật muôn đời của cuộc sống.
Xưa Tế Hanh có những ngày nghỉ học hay tới sân ga xem người ta tiễn biệt, thấy lòng buồn đau xót nỗi chia xa một cách vu vơ. Còn tôi vu vơ thấy cuộc đời dương gian theo lý thuyết thì rất ngắn ngủi nhưng vẫn dài với tôi. Gắn với tình yêu - điều thiêng liêng, chỉ để chiêm nghiệm hơn là kể ra. Không có hoặc giấu đi những điều mơ mộng này thì kể như cắt bỏ một phần tâm hồn tôi.
Hoài niệm những cơn mưa Đà Nẵng, những đêm không trăng, không những vì sao lấp lánh trên bầu trời. Khung cảnh không yên bình, không tĩnh lặng làm cho lòng cả hai tê tái. Giờ đây một mình giữa màn mưa tầm tã, bước chân lặng lẽ, trên vai trĩu nặng nỗi sầu. Tôi lạc bước giữa làn gió lạnh trên con đường xưa rất ngắn nhưng tôi bước hoài vẫn không thấu chạm. Vào dòng thời gian thầm lặng xưa tôi đã chọn. Ở đó có tôi có em trọn vẹn bên nhau. Còn bây giờ chỉ là hoa đốm phù du, hụt hẫng như thể mình vừa mất đi báu vật riêng mang.
Giờ đây tôi không còn ở tuổi hồ hỡi yêu thương nhưng rung động về tình yêu mãi có trong tôi. Thỉnh thoảng tôi vẫn giật mình nhớ về những người con gái đã đi qua đời tôi nhẹ tênh, để lại trong tôi những vết hằn năm tháng.
*
Trong mơ, tôi ước một lần được gặp lại nụ cười hồn nhiên của em như ngày xưa xa lắc. Tôi sẽ chạy đến bên em, lau những giọt nước mắt dỗi hờn và ôm chặt em vào lòng. Để thỏa trong tôi ấn tượng ban đầu - xao lòng bởi ánh mắt, khuôn mặt xinh xắn đáng yêu. Có vẻ khó gần nhưng mãi gần rồi mới thấy, chỉ là cảm giác sai lạc, em thật dễ thương dễ mến.
Tuổi hai mươi nhiều lần yêu đơn phương và dường như bây giờ cũng còn nếu tôi không dối lòng. Là lặng lẽ nhìn người ta vô tình, vui với ai đó. Là thẫn thờ nhìn xa xăm khi nghe một bản tình ca cũ. Là khi đi qua những con đường ấy, nhớ lại những kỉ niêm ấy, những cảnh cũ người xưa. Lòng se lại, chỉ muốn chạy tới bên người và nói ta nhớ người biết bao.
*
Vậy đó, đơn giản chỉ là vu vơ chẳng có lý do nào cả. Khi mà trái tim tôi luôn hướng về, đập loạn xạ không điều khiển được. Tưởng người luôn ở bên tôi, luôn là bờ vai cho tôi mỗi khi tôi kêu buồn.
Em dù cao niên nhưng dưới mắt tôi vẫn như ngày nào trẻ trung, sôi nổi, hồn nhiên như ngày nhỏ dại. Chỉ có điều ở ngoài tầm với, do đổ vỡ không cưỡng cầu, không níu kéo, như đã an bài từ xa lắc xa lơ. Chỉ còn đó ám ảnh đôi mắt buồn- đôi mắt mà một thời tôi như bơi trong dòng nước mùa thu ngập ngụa.
N.P
Vichtor Remizov là nhà văn Nga, sinh năm 1958, tốt nghiệp Khoa Triết Đại học Tổng hợp Quốc gia Lomonosov, hiện đang sống ở Moskva.
*
Andrei đi về phía lều bạt, ngâm sợi dây xỏ cá xuống nước. Những con cá hồi trắng được xỏ bằng nhánh liễu mềm, đập đuôi xuống cát một cách bất lực. Không thể thoát ra được nữa, chúng chỉ có thể cố há miệng hớp bầu không khí quá dư thừa đối với chúng ở đây. Người đánh cá để bộ cần câu quăng xuống dưới chiếc thuyền lật úp rồi đi rửa tay. Con cá hồi ngoài cùng bị tuột ra khỏi sợi dây, giẫy đành đạch, người dích đầy cát. Andrei ngồi xuống, vuốt tay lên lớp da nhẵn thín của con cá, gạt hết cát và rong rêu đi. Con cá hồi lại trở nên vàng ánh, cố phùng mang ra. Andrei lấy con dao, đập chuôi dao vào đầu một con cá và với tất cả những con còn lại, rồi anh lấy hết cá ra khỏi sợi dây, gạt hết cát đi và rửa trong nước. Ngay lập tức những con cá hồi trở nên sẫm lại, mất đi những sắc màu sinh động vốn có của mình. Andrei mệt mỏi ưỡn thẳng người lên, bước về phía đống lửa đang bốc khỏi. Chiều hôm qua, khi họ neo thuyền lại đây và dựng lều, trời đổ một cơn mưa to. Bầu trời trở nên xám xịt không phân biệt nổi với dòng sông, tất cả quần áo, lều bạt, củi đuốc biến thành một mớ hỗn độn ẩm ướt, còn hai tay thì bẩn và ướt đến tận khuỷu… Bây giờ dòng sông trở nên hiền hoà dưới ánh nắng mặt trời và phản chiếu bầu trời trong veo. Mới mười một giờ sáng mà đã nóng như rang.
Cái lều võng xuống và vẫn còn chưa khô hết, đồ đạc bị ướt được mang ra phơi trên thân cây gỗ súc và trên các bụi cây. Stas lôi tất cả mọi thứ ra phơi dưới ánh nắng và biến đi đâu đó. Andrei nhìn quanh - không thấy anh bạn nhỏ đâu cả.
Bình thường, lúc nào Stas cũng loay hoay với việc gì đó: may vá hay dán lại giày dép, gọt khoai tây, có thể thấy, anh ta rất thích làm những công việc giản đơn chỉ liên quan đến bản thân. Stas giặt cái quần trong nước sông và nở một nụ cười với chính mình dưới bộ râu mép lưa thưa, bợt bạt đến mức hầu như không nhận ra trên khuôn mặt. Đó là khi Stas chỉ có một mình, còn nếu có ai đó bên cạnh, thì cái quần sẽ được giặt sạch kèm với những câu chuyện hài hước mà anh ta biết khá nhiều. Stas đùa cợt chủ yếu là về bản thân mình, như muốn ngỏ lời xin lỗi, rằng tôi chỉ là một kẻ vụng về, hậu đậu, rất biết ơn mọi người đã mang tôi đi theo để chỉ giáo. Đó là khi không có chuyện gì xảy ra, nhưng rất có thể mọi người bỗng phát hiện ra một con vật nào đó đã chết cứng ở bên sông hay ở gần đống lửa. Stas viết nhật ký gần như suốt đời, bao giờ cũng trong những cuốn sổ tay bé xíu có thể bỏ lọt vào tất cả các túi. Anh ta kê lên đầu gối để viết, hay chỉ đơn giản là trên lòng bàn tay, và vì cận thị nên gần như dí sát mũi vào những dòng chữ nhỏ li ti. Họ chơi với nhau đã ba mươi năm, nhưng Andrei không biết Stas viết nhật ký để làm gì. Quả thật, cũng có đôi lần anh cảm thấy thích thú khi quay trở lại bến sông xưa sau nhiều năm xa cách. Stas vội vàng lật tìm cái gì đó trong cuốn sổ ghi chép, rồi xưng hô với ông lão vừa ghé vào bến với đầy đủ tên họ…
Andrei kéo những thanh củi đang cháy dở bốc khói mù mịt ra khỏi đống lửa sắp tàn, bỏ thêm cành nhỏ vào. Anh chống cả chân tay xuống đất, thích thú thổi vào đống lửa sắp tắt. Thoạt đầu anh thổi nhè nhẹ, khói bốc lên nhiều hơn, những đốm lửa ở đầu thanh củi đen nhẻm càng đỏ hơn và lan rộng ra… Anh ném một ít rác khô vào. Khi ngọn lửa bùng lên, anh bỏ thêm những cành lớn hơn, rồi cầm cái xoong nhỏ đi lấy nước.
Đứng trên bờ, Andrei đưa mắt nhìn quanh. Phía dưới, con lạch mở rộng ra, nước trong veo, phía trên chỗ họ dựng trại là khúc ngoặt với những đoạn lở lớn ở bờ bên kia. Không nhìn thấy Stas đâu cả. Andrei lội xuống nước, lấy cái xoong nhỏ vục vào dòng nước trong veo. Có thể Stas đi lấy nấm, cần phải làm cá.
Andrei bỏ thêm củi vào đống lửa, treo cái xoong nhỏ lên, chùi hai bàn tay ướt vào quần và lấy thuốc lá ra. Bình thường anh hút bằng tẩu, nhưng đi bè thì hút thuốc điếu, tiện hơn, không phải bận tâm với chúng. Mọi việc với Stas cũng vậy - càng đơn giản, càng tốt. Đấy, như cái cành củi cong queo với cái xoong nhỏ trên đống lửa này. Nhưng với những người cẩn thận, khi vào rừng Taiga bao giờ cũng mang theo những cái kiềng. Cái xoong nhôm móp méo, buộc sợi dây thép thay cho quai, tuổi thọ của nó có khi lên tới cả trăm năm… Đối với họ, tất cả những điều đó không quan trọng, miễn là gắn bó được với rừng Taiga, còn ở đấy sẽ tìm cách xoay xở. Stas giữ lại trên ban công nhà mình tất cả những thứ vặt vãnh ấy, và hình như anh ta không bao giờ tu bổ nhà cửa. Bên đống lửa, Stas đùa cợt và bổ sung thêm bằng những câu chuyện tiếu lâm, nhưng nếu câu chuyện không buồn cười - cũng chẳng sao, anh ta chỉ vung tay lên và nheo nheo mắt một cách tinh quái: “Một lần, hai lần, đầu bếp vục tay vào đống bột, nhưng lại vớ phải củ cải cay, lại có cái mông trong sữa chua. Chúng ta phải kiên nhẫn thôi, Andrei ạ, ha ha…” Không phải lúc nào Andrei cũng thích câu chuyện nhạt nhẽo đó, nhưng anh cũng không nhớ, đã có khi nào họ cãi nhau. Hai người có thể la hét dăm ba câu, nhưng không ác ý, làm sao có thể tức giận nếu biết bạn mình chỉ trêu đùa. Và kết quả thường thuộc về người to mồm hơn. Mỗi người đều có quan điểm riêng của mình, nhưng cũng chỉ đến mức ấy, còn nếu vì nguyên nhân nào khác thì cũng không bao giờ ép buộc nhau.
Một con quạ khoang bay đến, đậu trên cái cành cao nhất của cây dương già bị đổ mà Andrei đang ngồi. Nó cúi đầu xuống, định kêu quạ quạ, nhưng nhìn thấy con người nó liền im bặt, vụng về quay đầu đi và vươn người lên. Nó suy tính gì đó, cặp mắt lấp loá. Andrei nhẹ nhàng rít một hơi thuốc rồi phả khói xuống dưới chân - con quạ đứng rất gần. Không hiểu sao Andrei lại yêu quạ, có thể vì sự khôn ngoan và ham sống của chúng, mà cũng có thể vì một số con thích sống trong rừng Taiga và trên đồng cỏ. Có vẻ như anh và Stas cũng thế. Bản thân anh thì muốn thoát ra khỏi thành phố Moskva no đủ. Ở đấy anh có tất cả: một văn phòng riêng ở khu trung tâm và một đám phóng viên dưới quyền. Những bữa ăn trưa, ăn tối được mời trong những nhà hàng sang trọng nhất, những chuyến công du xa hoa ra nước ngoài vào bất cứ lúc nào. Tất cả đều có ở đấy và bao nhiêu tuỳ thích. Vậy mà anh lại ngồi ở đây, trên cái cây dương già này, trong đôi ủng màu đen hàng nội địa dùng để đi trong đầm lầy và trong bộ quần áo bảo hộ nhàu nát mua ở cửa hàng nhỏ bán đồ nghề câu cá. Còn con quạ khoang này cũng thế, rõ ràng là nó có thể sống ở đâu đó bên đống rác thực phẩm trong thành phố, nhưng nó, một con quạ không lười biếng, lại vất vả kiếm ăn bên dòng sông nhỏ trong rừng Taiga này. Bây giờ, nó liếc một mắt quan sát Andrei, còn mắt kia thì đang tính toán về những con cá hồi nằm trên thuyền.
Đột nhiên, như bừng tỉnh cơn mơ, con quạ khoang bay vút lên và lao sang bờ bên kia. Andrei mỉm cười: con quạ rất giống họ - đuôi và một bên cánh rõ ràng là không đủ lông, nhưng điều đó chẳng làm nó bận tâm. Stas bước nhanh theo bờ sông, vấp vào những hòn đá. Một tay xách xâu cá hồi, tay kia giữ “cái bụng” căng tròn, và đang tính toán gì đó…
- Andriukha! - Stas gần sáu mươi ba tuổi nhưng luôn làm cho mọi người phải ngạc nhiên. - Người ta đang bắt cá hồi, Andriukha! Cả cá trích! Thả ra đi, thả ra đi!
Andrei rít một hơi thuốc, nheo nheo mắt quan sát người bạn. Chuyện cá mú không thể làm cho Andrei phải ngạc nhiên. Stas biết rõ điều đó và chính vì vậy mà anh ta, râu tóc và lông mày dựng ngược, liền giơ xâu cá lên cao và đúng là có vài con cá hồi to đang giãy. Tuy nhiên, có đúng là Stas rủ bạn đi câu cá hay để làm chuyện gì khác? Stas không thích khoe khoang, có lẽ chỉ đơn giản là anh muốn bạn vui, cũng như các cậu học sinh may mắn muốn làm vui lòng ông thầy nghiêm khắc, nhưng Andrei chưa bao giờ dạy Stas. Anh không nghĩ vậy. Andrei sinh ra đã là một người đánh cá. Bình thường Stas chưa kịp dựng lều và lấy củi thì đã nghe bên tai tiếng cá giãy đành đạch trên bờ sông… Stas yêu quý Andrei và muốn mang lại niềm vui cho anh. Mà cũng có thể là Stas chỉ muốn thư giãn.
- Lại đứt cước… ba lần rồi. Lưỡi câu cũng hết. Cả mồi châu chấu cũng hết mà không bắt được nữa. - Stas bước lại, đặt xuống dưới chân Andrei một con cá.
Trong ngực áo của Stas nhét đầy nấm. Anh ta trải cái bao xuống đất và đổ lên đấy một mớ nấm cứng. Những cây nấm thân mập màu vàng nhạt, mũ màu nâu.
- Đấy. Tôi chạy khắp khu rừng thông, rồi ngồi xuống và nhìn quanh, khắp nơi toàn nấm, hái không kịp! Chỉ ngồi một chỗ đã nhặt đầy. Chúng ta sẽ rán lên! Cho tôi cước và lưỡi câu chứ?
- Tốt lắm! - Andrei ngắm nghía những con cá hồi. - Để đây, tôi sẽ làm. Chúng ta sẽ nấu món canh cá, Stas?
Andrei chỉ muốn ngồi với Stas bên đống lửa. Uống cà phê. Trò chuyện đôi câu về bữa trưa, hay chỉ đơn giản là im lặng. Nhưng cặp mắt Stas như cháy lên, và Andrei phải mở cái hộp gỗ ra. Lục lọi trong mớ đồ nghề, lấy ra cái hộp nhỏ cần tìm.
- Đây… mồi đây. Anh không cần lưỡi câu đâu, mồi châu chấu cũng không cần nữa. Cầm cả hộp đi… Đổ cà phê cũ đi, tôi sẽ pha mới…
Stas không nghe rõ về cà phê, anh nhét cuộn dây vào túi, cầm mẩu bánh mỳ rồi bước về phía thượng nguồn dòng sông.
- Tôi sẽ quay lại ngay, Andriukha…
Andrei chỉ gật đầu với hàm ý “Cứ làm đi, làm đi!”. Để có thể câu được những con cá hồi to như anh câu, Stas phải đi thêm khoảng ba trăm mét dọc theo bờ sông về phía trên, phải lội qua bãi cạn sang bờ bên kia rồi đi xuống chỗ bãi cá trích. Ở đấy, ngồi trong lều cũng có thể câu được những con cá hồi Thyman to, nhưng Andrei không nói gì cả. Chính anh cũng muốn câu cá trích. Trong việc ấy có những thú vui thời thơ bé. Chỉ cần đứng đó, đu đưa trên những thân cây, cẩn thận thả mồi là con ruồi xuống chỗ nào đó theo dòng chảy, giữa khe hở của các nhánh cây, hồi hộp chờ đợi: trượt rồi, nhưng mồi câu vẫn còn… Tuy nhiên, Andrei chỉ im lặng vì Stas ít khi đi câu.
Andrei nhấm nháp cà phê, hút thuốc và quan sát dòng sông đang uể oải dưới ánh nắng mặt trời. Stas ít đi câu không phải vì anh ta không thích việc này, mà vì… đã giao việc bắt cá cho Andrei. Chỉ có hai người, không cần nhiều cá. Andrei cứ ngẫm nghĩ về việc ấy, và đó không phải là ý nghĩ mà chỉ là một cảm xúc mà anh và Stas không bao giờ nói ra bằng lời.
Nói chung, tâm trạng của Andrei rất tuyệt. Không gian tĩnh lặng. Mọi việc đã xong xuôi đâu vào đấy, không phải đi đâu cả, chỉ ngồi bên đống lửa nhâm nhi cà phê. Và buổi sáng, tất cả còn đang ở phía trước, cả một ngày, nói chung còn nhiều việc lắm. Bầu trời trên đầu, sau cơn mưa ngày hôm qua trời quang mây tạnh, những con cá, những cái nấm… cà phê còn hơn nửa cốc. Người bạn hạnh phúc. Thế là đủ.
Họ gặp nhau hơn ba mươi năm trước. Có lẽ là ba mươi lăm năm. Andrei phụ trách biên tập của phòng thông tin báo “Vận tải hàng không”. Cả một bộ máy khổng lồ nằm dưới sự điều hành của anh. Khi đó, Stas là phóng viên thường trú ở Khabarov và bay về để ra mắt lãnh đạo.
Theo quy định, các phóng viên của “Hàng không” phải mặc đồng phục như các phi công. Mọi việc rất rõ ràng, không có ai vi phạm, nhưng xuất hiện cậu phóng viên thường trú mới tuyển, đến từ Viễn Đông. Andrei liếc về phía cậu ta đang đứng ở cửa và hiểu ngay là anh chàng lính mới kia đã để bộ đồng phục của mình trong va ly và chỉ mới mặc vào trong phòng vệ sinh của ban biên tập. Bên dưới cái mũ lưỡi trai cao màu xanh đậm với phù hiệu là cặp mắt ranh mãnh đang đảo qua đảo lại vẻ lo lắng. Stanislav Glukhov hoá ra là một người trung thực và ngang ngạnh, lẽ ra anh ta đã bị đuổi vài lần, nhưng Andrei lại thích những người như thế. Vậy là ngay trong năm đó, họ cùng đi câu cá bên sông.
Nhìn Stas, không ai và không bao giờ có thể nói, anh ta chỉ là người thả bè gỗ, người đánh cá và thợ săn. Và đúng là Stas chẳng phải là người đánh cá, chẳng phải thợ săn, và có lẽ cũng chẳng phải là người thả bè. Chỉ đơn giản, anh ta là bạn của Andrei. Họ đã kết bạn với nhau trong suốt cả cuộc đời và trên khắp mọi miền đất nước. Khabarov - Moskva - Moskva - Khabarov…
Andrei ngồi trên súc gỗ, bên chân là cái ca cà phê bị ám khói khắp xung quanh. Cái ca cũ của anh, to, tráng men, màu xanh đốm trắng nhỏ li ti, mua hai mươi năm trước trong một cửa hàng tỉnh lẻ bán dụng cụ đánh cá của Mỹ nhân một chuyến công tác. Khi đó anh bỗng nhớ tới nhà văn Hemingway với tác phẩm “Bên dòng sông lớn”, ở đó người ta cũng nấu cà phê bên sông, rồi sau đó câu được con cá hồi to tướng bằng mồi châu chấu. Cái ca tráng men to, bình thường, không phải là loại hai lớp đang là mốt thịnh hành như bây giờ. Andrei thích ngồi hút thuốc, đặt cái ca bên những hòn than đỏ trong đống lửa. Bằng cách ấy, cà phê lúc nào cũng nóng… Stas thường lấy cát để chà sạch cái ca.
Andrei bò từ trên súc gỗ xuống, ngồi dựa lưng vào đó, nhấp một ngụm cà phê nữa, đưa điếu thuốc mới vào miệng, ngửa đầu lên trời, vẻ thích thú như vừa phát hiện ra một điều gì đó.
Bầu trời trong veo./.
ĐÀO MINH HIỆP dịch từ nguyên bản tiếng Nga, tạp chí THẾ GIỚI MỚI (Liên bang Nga)
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)