Home » Archives for tháng 2 2024
BUÔNG
* Nguyễn Thị Hồng Đào
Đêm dài tăm tối mãi tơ vương
Mộng tưởng lang thang chốn bụi đường
Muôn nẻo Nhân gian ngàn biển khổ
Vạn đường Thiên lý bể sầu thương
Vui đây mấy độ hồ tia chớp
Sầu thẳm khôn nguôi phủ dặm trường
Tỉnh giấc chiêm bao lìa gác trọ
Buông rồi hoa nở tựa như gương.
12.2017
N.T.H.Đ
GIỮ
* Ngô Văn Cư
(Họa nguyên vận)
Có một mối tình mãi vấn vương
Dù không đi trọn một cung đường
Chưa hề buông bỏ niềm nhung nhớ
Chẳng thể xóa nhòa chuyện luyến thương
Đất cũ còn in từng nhịp bước
Nỗi xưa lại thắm mỗi canh trường
Trái tim bừng giấc thèm môi ngọt
Thèm giữ cuộc tình sáng tựa gương.
N.V.C
Nhà văn Nguyễn Văn Học
Không gian ấy bình lặng mà tươi thắm, hoa đua nhau nở. Hoa vẫy mời chim chóc về ríu rít. Hoa gọi nhành nắng xuân. Tất cả do bàn tay ông Đức làm ra. Khi ông đang chăm sóc chậu mai chiếu thủy thì tiêng ông Hiệp vọng vào. Cổng chỉ khép. Ông Hiệp khoái trí cười với sắc hoa đón chào.
- Vào đây thưởng trà thôi, tôi vừa pha được ít phút - Ông Đức đon đả mời.
Ông Hiệp ngồi xuống, đôi mắt không thôi ngắm từng chậu hoa, được cắt tỉa, uốn nắn gọn gàng. Ông khoe chậu mai của mình đẹp rực rỡ vào dịp Tết, nhưng sẽ vẫn còn tươi thắm qua tháng Giêng.
- Hoa vườn nhà tôi cũng nhờ ông hướng dẫn cả, không thì... - Ông Hiệp nâng chén trà lên, nói thay lời cảm ơn, cũng là để động viên mình.
- Có gì đâu - ông Đức xua tay - nhờ chia sẻ với ông mà hoa nhà tôi cũng đẹp hơn, tôi lại thêm kinh nghiệm để hiểu hoa, chăm hoa. Mà năm nay hội làng, ông vẫn hát chèo nhỉ? Gì chứ món chèo này thì tôi không thể hát được.
Ông Hiệp gật gù. Bên bàn trà, hương thơm quyện hòa với hương hoa xuân. Tiếng mấy con vành khuyên, họa mi líu lo trong lồng. Mấy chú chim sâu cũng lượn mãi trên tán cây tùng la hán dáng song long, vạm vỡ, uyển chuyển.
***
Ông Đức và ông Hiệp cùng nhập ngũ một ngày, ở cùng đơn vị pháo binh. Sau ngày đất nước hoàn toàn thống nhất, hai ông về quê lập gia đình. Ông Đức là thương binh nhưng tinh thần luôn lạc quan, yêu đời và cưới được cô vợ xinh nhất nhì làng năm đó. Chỉ một năm sau, nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, vợ chồng ông xung phong đi xây dựng kinh tế mới tại Sông Bé. Việc gì ông Đức cũng xắn tay làm với tất cả nhiệt tình, sốt sắng. Nào là khai hoang, sản xuất, rồi còn phối hợp với lực lượng ở địa phương đảm nhận truy quét phản động Fulro, bảo vệ an ninh địa phương. Mồ hôi nhỏ vào đất cằn, đất không phụ lòng người đã sinh sôi cây trái. Những đôi bàn tay cần cù cải tạo đất, làm đất dậy hương. Sắc xanh cứ thế mà lan rộng. Con người sinh sôi nảy nở, lại bám đất, bám quê hương mới. Nơi ấy trở thành quê hương thứ hai của những cặp vợ chồng trẻ xung phong như ông. Có của ăn của để, ông lại trồng hoa, chơi chim, làm nên mỗi mùa xuân ấm. Hoa với chim không chỉ là những chất xúc tác cho cuộc sống thi vị, mà còn cho ông sự lãng mạn. Chẳng là ông thường nhìn vào sự kỳ diệu của thiên nhiên để nhủ lòng mình sống tốt, nhắc nhở các con ăn ở phúc đức. Nhưng cuộc sống ở vùng kinh tế mới còn cơ man là khó khăn. Học sinh ngoài đến trường còn phải đỡ đần bố mẹ công việc ruộng rẫy, trồng cây trái. Ông Đức thấy nhiều em khá thông minh nhưng bận bịu, học bữa đực bữa cái. Ông lại cất công vận động các em đến trường đầy đủ. Các thầy cô trong vùng quý mến ông. Mấy đứa nhỏ trong xóm học lực yếu, nhờ ông phụ đạo đã học khá hơn, siêng năng đến lớp. Bố mẹ chúng cười như được mùa, thích ơi là thích.
Sáu năm trước, lòng thao thiết nhớ quê, ông bàn với ba con, đã trở thành những người thành đạt, rằng mình sẽ trở về quê cha đất tổ. Với ông, việc phụng sự đất nước, phụng sự đời sống là chuyện tốt đẹp. Nhưng ông cũng có tuổi, lại hay đổ bệnh, nên về dưỡng già ở quê nhà. Các con ủng hộ bố. Gì chứ, việc gì chúng con cũng làm được, làm thay cả phần bố ở mảnh đất này, chỉ cần bố mẹ an lành. Các con đã nói như thế, ông phấn khởi lắm. Vậy là ông bà trở về bắc, cùng cặp vợ chồng con cả. Anh con cả yêu bố mẹ nên dứt khoát đòi về quê sống cùng. Sẵn phần đất của gia đình rộng rãi, anh xây hai ngôi nhà khang trang, cạnh nhau, một để bố mẹ dưỡng già, tiếp khách, đỡ phải vướng víu, một dành vợ chồng anh và các con.
Ông Đức mừng lòng vì các con thu xếp ổn thỏa mọi chuyện, tính trước tính sau. Ông lại được thuận tiện gặp gỡ những đồng đội cũ năm xưa. Ông Đức thân với ông Hiệp vì tính tình cởi mở, hào phóng như nhau. Hai ông cũng kết nối những đồng đội ở xã bên để giao lưu, thăm hỏi nhau lúc ốm đau, đàm đạo văn chương, cỏ cây hoa lá. Vốn yêu thiên nhiên, hoa và cây cảnh, ông Đức mang cả “nghề cũ” về bắc. Thời gian rảnh, ông tầm cây, trồng hoa rồi tỉ mỉ uốn tỉa. Chẳng mấy chốc mà khuôn viên, ngôi vườn của ông bừng sắc xuân. Ông Hiệp, ông Toàn, ông Mãn sang chơi, cứ tấm tắc, rồi muốn học. Điều đó thì khó gì đâu. Nhưng cây và hoa cần con người ở chữ “nhẫn”. Để trồng được hoa đẹp, uốn tỉa được cây cảnh, ta phải hiểu tính nết, đặc trưng của từng loại, rồi bỏ công bỏ sức ra. Cây và hoa dưỡng thần rất tốt. Ở bên cây và hoa thơm có thể cải thiện sức khỏe. Sức xuân của cây và hoa lan tỏa sang tâm hồn người. Từng giọt xuân sẽ đọng lại, làm cuộc sống thi vị. Trong những người bạn cùng theo trồng hoa, ông Hiệp “năng khiếu” hơn cả. Ông cũng tận tâm, chịu nghe, vì thế vườn nhà ông dần đầy lên những vóc cây hội tụ đủ bốn yếu tố: cổ, kỳ, mĩ, văn. Ông Đức mừng lắm vì người đồng đội hợp với mình ở cái nết chơi cây.
***
Có những chuyện chen ngang vào tâm thức hai người yêu cỏ cây hoa lá. Chẳng là thằng Luyện con ông Hiệp biết bố mình thân với ông Đức, lại thi thoảng qua nhà chơi nên gã biết ông Đức sở hữu những chậu mai chiếu thủy giá trị. Gã đã tìm cách khuân trộm hai chậu, đem bán được hơn hai mươi triệu đồng. Điều đó làm ông Đức mất ăn mất ngủ mấy ngày trời. Những người bạn, đồng đội đến chia sẻ cùng người cựu binh đang trĩu nặng cả lòng dạ. Có điều lạ là, khi về tay một người chủ, hai chậu mai chiếu thủy bỗng trở nên héo úa như bị rút hết sức sống. Lão ta đã mang đến tận nhà trả thằng Luyện và đòi lại tiền mua cây… rởm. Luyện ú ớ nhưng cũng phải nôn tiền ra. Mấy triệu gã trót tiêu, phải xin khất trả sau. Thấy hai chậu cây lạ ở khuôn viên, ông Hiệp hỏi con. Luyện sợ hãi, chỉ dám nói là nhặt được ở ngoài đồng. Ông Hiệp nhận ra dáng quen của cặp cây mai chiếu thủy. Ông gọi điện cho ông Đức. Ông Đức nhận ra tài sản của mình. Thằng Luyện phải cúi đầu nhận lỗi. Khi mang chậu cây về, chỉ ba ngày sau khi được ông Đức chăm sóc, hai chậu mai chiếu thủy đã hồi sinh.
Vừa rồi, giới chơi lan đôn đáo về chuyện lan đột biến với những cái tên thật kêu: “Vương mỹ nhân”, “Bạch tuyết cánh trắng”, rồi “Hồng hoa hạc”, “Hồng minh châu”… Nhiều ông bố bà mẹ khản giọng, nhọc lòng khuyên can, nhưng bọn trẻ như con thiêu thân. Lãi được chút ít thì vống lên cả làng cả xóm biết, thua lỗ cả tỉ đồng thì im phăng phắc. Hôm rồi khách đến đánh cờ cũng rổn rảng nhắc đến lan đột biến. Thằng Luyện được tha thứ, cũng lân la hỏi chuyện ông Đức về cách chơi hoa. Gã bảo: “Bác chuyển dòng đi. Người ta chơi những loại đó mới nhanh giàu”. Ông Đức lắc đầu. Những năm qua ông chỉ chơi dòng lan khó chăm sóc nhưng thanh tao “Thanh vũ”, “Hoàng vũ”, “Hoàng cẩm tố”, rất lặng lẽ nhưng đầy truyền thống. Ông không sính trào lưu. Nhưng Luyện âm thầm cùng chúng bạn gom về. Thị trường đảo chiều. Nghe đâu Luyện lỗ mất đến cả tỉ đồng. Đó là tiền gã bán mảnh đất cuối làng. Luyện không chừa, lại mua về những con chim đắt tiền, thể hiện đẳng cấp. Trong đó có con chim khuyên màu vàng, thị trường gọi là hoàng khuyên, giá đắt cắt cổ. Sang nhà chơi, ông Đức khuyên: “Cháu chơi gì thì chơi, nhưng phải nhìn người đi trước, đừng chơi theo phong trào. Chơi là phải hiểu lẽ chơi, thú chơi. Chơi để nhận về những giá trị sống”.
***
Hội làng xốn xang. Nắng nhảy nhót trên tán lá. Tiếng trống hội giục giã. Ông Hiệp đã sửa giọng chèo để hát cùng bà con lối xóm, những thành viên tích cực của đội văn nghệ làng. Đám thanh niên có khu vực chơi riêng. Nào chọi gà, khoe giọng hót của chim, đập niêu đất, bịt bắt bắt gà… Ông Đức say đắm nghe người đồng đội hát giữa không gian sân đình. Những cây cau vươn lên trời như ngọn bút. Ông Hiệp xong tiết mục, trở xuống ngồi cạnh ông Đức, nghe một cặp đôi trẻ xóm Bãi lên hát bài “Duyên phận đôi ta”. Lúc ấy, thằng Luyện chạy ra hốt hoảng, nói với ông Hiệp con hoàng khuyên đã xổng lồng, giờ không biết ở đâu. Ông Hiệp lặng đi. Con chim đó là cả tài sản của thằng Luyện. Giờ phải làm sao? Ông Đức trấn tĩnh hai bố con: “Chắc nó chỉ quanh quẩn bên vườn nhà, chứ không đi xa đâu”.
Trưa hôm đó, ông Đức trở về vườn thì thấy con hoàng khuyên đẹp mã đang đậu trên lồng của mấy chú chim nhà ông. Tiến lại gần, ông nhận ra con chim quý của bố con ông Hiệp, vóc dáng tinh nhanh, lông vàng ruộm, cặp mắt ruby. Nó có vẻ vẫn mải mê với những “ca sĩ bầu trời” khác, bên mấy chiếc lồng tre mộc mạc. Mà sao nó sang được đây? Ông đưa tay đón lấy con hoàng khuyên, đưa vào lồng rồi gọi điện cho ông Hiệp. Bố con ông Hiệp ào sang.Ông Đức nói với Luyện:
- Cháu đặt con chim ở cái lồng sang chảnh cầu kỳ quá. Con hoàng khuyên này thích giản dị. Đấy, chú đưa được nó vào lồng, chính là nó thích những con vành khuyên bé nhỏ, giản dị nhà chú.
Bố con ông Hiệp há hốc miệng. Đúng là, nuôi chim cũng phải bằng cái tâm, thấu hiểu tính cách, sắc lông và thậm chí đôi mắt của nó để đoán biết tình cảm, tâm trạng, không thì sao dưỡng nuôi được nó.
- Cháu xin ghi nhớ lời chú. Cháu xin cảm ơn ạ. Bọn cháu còn trẻ người… Đúng là chỉ biết chơi là chơi, chứ thiếu sự sâu xa.
Hai ông nhìn nhau. Tin rằng, Luyện đã học được một bài học. Luyện mang chú chim quý về, còn ông Hiệp ở lại thưởng trà, thưởng hoa cùng ông Đức.
Chim chóc, hoa lá có thể dưỡng chí, dưỡng thần. Cũng là dưỡng nuôi cái chất xuân trong lòng mỗi người. Trong vạn vật, có lẽ, chỉ con người mới đủ tầm lắng nghe mọi âm thanh từ thiên nhiên dội lại. Ngoài đình, tiếng chèo vẫn ngân vang, tươi mới. Năm nay thật nhiều bạn trẻ tham gia, lại hát hay, giọng khỏe. Đúng là hậu sinh khả úy!
N.V.H
Từ những ngày Nga tấn công- gọi là chiến dịch quân sự đặc biệt vào Ucraina, tôi bỗng có ý định xem lại tính cách, con người của dân tộc Nga qua tác phẩm văn học. Phải chăng, người Nga hung hăng, chuyên đem quân đi đánh xứ người như vậy không. Dĩ nhiên không chỉ đọc một cuốn mà biết được tính cách Nga, tôi còn phải làm việc với nhiều tiểu thuyết khác nữa.
*
“Sông Đông êm đềm” là bộ tiểu thuyết lớn của nhà văn Nga Mikhail Sholokhov, được tặng giải Nobel văn học vào năm 1965. Tôi đọc “Sông Đông êm đềm” đã lâu, từ hồi rất trẻ, hồi đó đọc trong tâm trạng thấy cuốn sách sao mà khó đọc và nhàm chán. Nhưng nay thì khác, đọc với thái độ tìm hiểu và thấy mê say hơn. Tôi cảm thấy hứng thú và bị cuốn hút vào những câu chuyện và bi kịch của các nhân vật trong “Sông Đông êm đềm”, qua đó tôi thấy con người Nga dần được đẩy lên cao trào trong cơn biến động dữ dội của lịch sử.
Tôi cũng đã say mê với bộ phim cùng tên, đạo diễn Sergey Ursulyak, được quay lại làng Elanskaya thuộc tỉnh Rostov. Các nhân vật chính của bộ phim do diễn viên trẻ Evgheny Tkachuk (Grigory Melekhov) và Polina Chernyshova (Aksinya) thực hiện. Nhờ xem phim, tôi cảm nhận truyện thêm phần sâu sắc và rõ nét.
*
“Sông Đông êm đềm” đã đưa tôi đến một vùng sông Đông không hề yên ả, mà tràn đầy hơi thở rất nóng của nhân gian, của thời cuộc, về sự tàn bạo, tính chất vô nghĩa của những cuộc chiến tranh. Số phận con người bị xô đẩy từ phe này sang phe kia như một miếng giẻ rách trong cuộc chiến giành giật của hai bên quái thú hung hãn, ngang tàng.
Bên bờ sông Đông là cảnh vật quê hương đất nước, những tập tục, bài hát dân ca hòa quyện vào các chàng trai, cô gái Kozak coi sông Đông như điểm tựa cuộc sống. Sông Đông là mẹ tự nhiên nuôi nấng họ bởi dòng nước ngọt, bởi những con cá ngọt từ thịt đến xương, bởi những mối tình đầu thơ mộng. Dẫu có lúc sông Đông cáu bẳn bực tức bày ra nét hung dữ nhưng dù sao vẫn dịu dàng đến kì lạ.
*
Sông Đông êm đềm trước hết là câu chuyện về gia đình Melekhov, Astakhov, Korshunov... Sự đối đầu của những thế lực chính trị là cái nền, điều chủ yếu là bi kịch của một dân tộc bị diệt vong, của người Ca-dắc bình thường buộc phải liên tục đổ máu.
Người dân Ca-dắc của Sholokhov là những người thợ cày, lúc rảnh việc quốc gia, họ không một phút nào ngồi không. Nhưng họ không thể lao động, vì mọi thứ đã bị tước đoạt, họ không có gì để bảo vệ. Cho dù đứng về phe nào thì sự lựa chọn của họ cũng gây ra chết chóc cho những người thân – là tôi nói chuyện của Grigory.
Sholokhov không chỉ nói về bi kịch của người Ca-dắc sông Đông. Cuốn sách đã làm sống lại lịch sử của thế kỷ XX, trong suốt chiều dài của nó - chia tất cả mọi người thành quân ta và quân địch. Cuộc nội chiến đã nghiền nát cả người đúng lẫn kẻ sai, máu kêu trả máu, đầu kêu trả đầu.
Cá nhân tôi phát biểu sau khi đọc xong Sông Đông êm đềm, là cần phải nhìn sự vật một cách rộng hơn, nhận thức được cái hữu hạn của kiếp nhân sinh, và không làm hỏng đời nhau vì những bất hòa tư tưởng. Không chơi những trò chơi bị áp đặt, không chia con người thành bên ta, bên địch.
*
Tôi bị rối với trên 100 nhân vật diễn ra trong 10 năm trên một không gian rộng lớn, với những sự kiện dồn dập, nhưng tôi ghi chép cẩn thận nên tương đối nắm được, do kết cấu và bố cục chặt chẽ. Có thể nói, tính hiện thực của Sông Đông êm đềm thể hiện rõ nét ở từng hình tượng nhân vật với tất cả những gì tốt đẹp, bình thường, thậm chí xấu xa như cuộc đời vẫn luôn là như vậy.
Mỗi nhân vật đều được mô tả với đặc điểm tâm lý, tính cách và cả thể hình rất riêng biệt, từ người nông dân bần cùng nhiệt tình đi theo cách mạng đến tầng lớp phú nông chống phá cách mạng với lòng hằn thù sâu sắc, từ những đảng viên trung kiên đến những chỉ huy, binh lính trong các đạo quân bạch vệ liều lĩnh và tàn bạo, từ những chàng trai Cossack bộc trực và quả cảm đến những cô gái Cossack yêu thương say đắm và giàu lòng vị tha.
*
Đọc “Sông Đông êm đềm” tôi cảm thấy một bầu không khí hết sức u ám và ngộp thở của những năm nội chiến Nga, nhưng cũng thấy le lói một niềm tin về những con người trong biến động dữ dội của lịch sử, ai nấy cũng khao khát yêu thương, khao khát một cuộc sống yên bình. Những con người ấy, ai cũng có trong mình những mâu thuẫn nội tại rất chân thật và bởi vì nét thật ấy mà họ sống mãi trong tôi với từng gam màu trắng đen và xám. Tôi như hòa mình vào thế giới nhân vật, vào không khí truyện.
N.P
NÓI THÊM
Vài nét về vài nhân vật chính
1. Nhân vật chính Gregori Melekhov: thuộc gia đình trung nông điển hình. Mặt vô sản kéo Grigôri về phía cách mạng (Hai lần Grigôri tham gia Hồng quân), ngược lại mặt tư sản lại kéo chàng đứng về phía phản cách mạng (Hai lần tham gia quân Bạch vệ và bọn phiến loạn).
Khi là chiến sĩ Hồng quân, chiến đấu để bảo vệ chính quyền Xô viết, Grigôri thực sự phát huy những mặt tốt trong bản chất lao động của mình. Khi Grigôri đi theo Bạch vệ, làm sư đoàn trưởng lực lượng phiến loạn là xuất phát từ lý do sợ cách mạng đe dọa, xóa bỏ quyền tư hữu của mình. Cho thấy anh ta là một người Côdắc điển hình, biểu hiện rõ tính chất mâu thuẫn của giai cấp mình.
Đó là một Gregori táo bạo, chính trực, đầy lòng tự trọng nhưng cũng có những mặt xấu như thô bạo, ít nhiều tàn nhẫn, tư hữu. Gregori cho rằng cách mạng đã tước đoạt quyền lợi của cộng đồng Kozak, xâm phạm bờ cõi truyền thống, danh dự của con người Kozak. Bản thân anh cũng mang trọng tội khi phản bội lại chính quyền Xô Viết và một mình trơ trọi giữa cuộc đời.
Gregori đưa đến cho tôi cảm giác vừa yêu vừa ghét, vừa kính trọng, nể phục nhưng cũng vừa khó chịu về tính thô bạo của anh. Tôi cũng công nhận anh là một người tràn đầy tình yêu thương, rất người, rất Cossack. Gregori hoàn toàn không phải là người có lí tưởng cách mạng, không phải là người có thể chết vì lí tưởng cách mạng.
Anh hết từ “bên Đỏ” rồi lại sang “bên Trắng”, dưới mắt tôi, anh ta không phải là người thiếu lập trường, mà anh là người thực tế. Khi bị đấu tố và có khả năng bị giết, thì dĩ nhiên là cần phải chạy trốn, ở đây anh lựa chọn chạy sang bên “Trắng”. Đó là cái bản năng rất người, rất chân thực.
2. Nhân vật Aksinia hấp dẫn, mãnh liệt, chiến đấu đến cùng để giành giật tình yêu nhưng cũng không vượt qua nổi những phút cô đơn, tuyệt vọng và cả bản năng rất đàn bà. Tôi bị cuốn hút bởi tính cách, tâm hồn Aksinia và cũng nhớ cả “lọn tóc trên cái gáy rám nắng” của nàng.
Con người bên lề cuộc chiến này dường như không còn được sống với đúng nghĩa con người nữa, dám đứng lên đấu tranh đến hơi thở cuối cùng để được yêu thương nhưng cũng có lúc không vượt qua được bản năng rất đàn bà, ngã vào vòng tay người khác.
*
3. Nhân vật Natalia thủy chung, hiền dịu nhưng nhẫn nhục, cam chịu và yếu đuối nhưng nhất mực thủy chung, dịu dàng và đằm thắm. Chính vì vậy những nhân vật của Sông Đông êm đềm lại càng thực, càng sống trong lòng tôi.
*
4. Nhân vật Côsêvôi mang bản chất tốt đẹp vốn có của nhân dân lao động, vốn xuất thân là tầng lớp nông dân Côdắc. Khi Cách mạng tháng Mười Nga thành công, những người nông dân khốn khổ như Côsêvôi được giải phóng khỏi sự bóc lột của bọn địa chủ ở nông thôn, họ đã được sở hữu ruộng vườn để cày cấy và sinh sống.
Vì vậy, khi cuộc nội chiến bùng nổ, Côsêvôi nhanh chóng đứng vào hàng ngũ phe Xô viết để chống lại bọn phản cách mạng, bảo vệ quyền lợi cho giai cấp vô sản và quyền lợi cá nhân. Và sau này, Côsêvôi trở thành một đảng viên xuất sắc và kiên định với Đảng, là Chủ tịch Xô viết ở thôn.
*
Tóm tắt truyện “Sông Đông êm đềm”
Tác phẩm miêu tả một giai đoạn lịch sử 10 năm từ 1912-1922 tập trung ở hai bờ sông Đông và một làng quê người Kozak ở ven sông đồng thời cũng khắc trọn vẹn mười năm cuộc đời của nhân vật Gregori Melekhov. Anh đem lòng yêu Aksinia, vợ người hàng xóm nhưng để ngăn cản mối quan hệ này phát triển khó thể cứu vãn, gia đình Melekhov đã dạm hỏi và cưới Natalia cho Gregori.
Gregori và Aksinia cùng nhau bỏ đi biệt xứ làm thuê để lại Natalia tủi nhục vì bị chồng mới cưới ruồng bỏ mà quyên sinh nhưng may mắn không chết ở phía bên kia bờ sông Đông. Sau đó, Gregori bị bắt buộc đi lính tham chiến vào Thế chiến I. Khi về phép, chàng phát hiện Aksinia vì quá cơ cực, nghèo đói, đứa con đầu lòng chết vì bệnh tật mà nàng đã dan díu với con trai chủ nhà. Gregori quay về với Natalia và sau hết nghỉ phép quay về quân ngũ, Natalia sinh đôi một trai, một gái.
Sông Đông giống như một nhân chứng sống cho cuộc đời Gregori bất hạnh, vò võ vì cô đơn, hối hận, chán ghét tính chất vô nhân đạo của chiến tranh. Sau những mất mát về lòng tin, sự trong trắng của người phụ nữ trong thời kì chiến tranh, Gregori vẫn quay lại với Askinia khiến Natalia một lần nữa tuyệt vọng. Nàng tìm đến bà lang để bỏ đi giọt máu của hai người, nhưng do mất máu quá nhiều, nàng ra đi.
Trải qua nhiều biến cố về chính trị, Gregori Melekhov bỏ trốn theo quân thổ phỉ đến khi hết đường trốn chạy, chàng ước mong mang Aksinia bỏ chạy thật xa vì mong muốn, khát cầu một cuộc sống bình yên nhưng Aksinia trúng đạn chết trong vòng tay Gregori trên đường trốn chạy. Tất cả Gregori còn lại trên mặt đất này chỉ là đứa con trai duy nhất.
*
Phân kỳ bốn tập của bộ tiểu thuyết
Sau khi tham gia cuộc nội chiến phía Hồng quân năm 1920, Sholokhov trở về quê - một làng Cossack thuộc trấn Veshenskaya vùng sông Đông (nay là tỉnh Rostovsky, Liên bang Nga) năm 1924. Ông bắt đầu viết Sông Đông êm đềm từ năm 1925 và lần lượt phát hành:
Phần một, 1928, viết về giai đoạn 1912 đến1916 (tập 1): nhân vật chính Gregori Melekhov mới bắt đầu lớn lên, tham gia chiến tranh thế giới lần thứ nhất.
Phần hai, 1929, viết về giai đoạn 1916 đến đầu 1918 (tập 2): giai đoạn cuộc Cách mạng tháng Mười nổ ra, hoạt động của đội quân Bạch vệ của tướng Cornhilov, khởi đầu cuộc Nội chiến Nga.
Phần ba, viết trong năm 1933 (tập 3): viết về giai đoạn đầu 1918 đến tháng 5 năm 1919, giai đoạn cuộc nội chiến diễn ra khốc liệt.
Phần bốn, viết trong năm 1940 (tập 4): viết về giai đoạn từ tháng 5 năm 1919 cho đến khi cuộc nội chiến kết thúc năm 1922.
Hà Phi Phượng là một cây bút nữ có giọng điệu riêng của Hội Văn học nghệ thuật Thái Bình. Chị có nhiều sáng tác thơ văn được in trên các báo, tạp chí Văn nghệ trung ương và địa phương. Thơ Hà Phi Phượng là tiếng rung ngân của một tâm hồn giàu cảm xúc trước con người, thiên nhiên và thấm đượm tình yêu cuộc sống.
Cơn mưa bình minh
Ào ạt trút xuống dòng mưa
bản nhạc tấu lên chào ngày mới
chớp lóe sáng đường truyền mạnh mẽ
châm vào mưa gió rền vang
mưa/ mưa/ mưa
mưa đền đêm chiếc gối cằn nhằn
mưa vẽ vòng sóng loang vào kí ức
mưa nào đẫm ướt mắt môi...
mưa gột bụi nồng mở lối bình minh
bóng người vụt qua miết mải
những chuyến hàng mau những vòng xe vội
và tôi sửa soạn một ngày
ai lúc này cùng nhịp điệu với mưa đây?
Giáng sinh và giấc chiêm bao
Có phải vì nhớ tôi người tìm về theo lối mây
một ánh mắt sao xa, một nụ cười hương gần
hay tôi thương người mà không gọi thành tên
ồn ào bề bộn lợp kín
chỉ đêm sâu xuất lộ qua giấc chiêm bao
người nhắc điều gì không bằng ngôn ngữ thường khi
chắc là người mong hơi ấm
khói sương tan loãng từ lâu lạnh tàn
hay người cầu cho bình an
lũ cuốn dòng đời
làm sao giữ được mùi cỏ khô từ ngàn năm trước
thơm giọt sữa trên vành môi thơ dại
Merry Christmas
tôi mang ánh mắt sao xa nụ cười hương gần
cùng búp nến trái tim
chầm chậm bước dưới vòm trời huyền nhung
trong vòng tay bao dung ấm áp của Chúa.
Mùa đông
Thêm chiếc áo choàng mà co ro
mưa bụi rây ướt tóc
mùa đã thật đông- mùa thương quê mẹ
người đi xa có nhớ về?
chị lao công cần mẫn bên đường
anh đánh giày bày hàng xăm xắn
chàng trai kính đen pha trà
bên cây đàn im lặng
gió mùa làm nhịp ngày chầm chậm
lũ chim dường thưa đường bay
tôi tặng mình một thoáng
thời gian như cội như cây...
H.P.P
1. Dạo đầu
"Tội ác và trừng phạt" là một tác phẩm phân tích sâu sắc về tâm lý con người. Tác giả Fyodor Dostoyevsky đã tạo nên một nhân vật chính phức tạp và đầy mâu thuẫn là Raskolnikov. Anh ta tự cho mình là một "người phi thường" và cảm thấy có quyền đặc biệt để vi phạm luật pháp. Do vậy anh đã giết chết một người đàn bà mà anh cho là độc ác nhằm mục đích phục vụ cho “mục tiêu cao cả” của mình.
Tuy nhiên, sau khi thực hiện tội ác, Raskolnikov bị vùi dập bởi lương tâm và tội lỗi. Anh sống trong sự liên tục lo âu, sợ hãi, cô đơn và luôn đối đầu cảnh ác mộng, dần trở nên đến mức không thể chịu đựng được. Đó cũng chính là hình phạt không khác chi hình phạt giam trong nhà tù.
Và năm đó Rodion Raskolnikov đã 20 tuổi, làm tôi liên tưởng tiểu sử của Dostoievski mà tôi có đọc, cứ ngỡ chuyện được xây dựng dựa trên chính tác giả - người mà những năm đầu tiên của cuộc đời có quan điểm cực đoan tương tự, nhưng sau đó lại đổi sang quan điểm bảo thủ.
Trái với tiêu đề, tiểu thuyết này không thực sự tập trung vào tội ác hoặc hình phạt mà tập trung vào sự đau khổ bên trong của Raskolnikov, cũng như tác động của nó đến trí tuệ và cảm xúc của anh ta. Cho đến cuối cùng, do sự dày vò tội lỗi áp đảo Raskolnikov và anh ta ra đầu thú và kết thúc sự tha hóa của mình.
*
2. Khắc họa rõ nét những nhân vật
- Razumikhin, một con người cần cù, thiện lương, bao dung và nhân ái. Anh luôn tìm cách ở bên cạnh Raxcolnicov những lúc nguy nan nhất, ngay cả khi bạn phản ứng và cự tuyệt một cách gay gắt. Sau này trở thành chỗ dựa chính cho mẹ và em gái của Raxcolnicov.
- Sonya, con gái của một công chức mà Rasconikov vô tình gặp ngoài quán rượu, cô tạm quên liêm sỉ của mình để làm những công việc được cho là mạt rẻ để kiếm tiền nuôi con của dì ghẻ. Sonya tưởng như tìm được bình an bên Raxcolnicov - người đã từng là ân nhân của gia đình, dùng những đồng tiền cuối cùng của mình giúp ma chay cho bố cô. Nhưng rồi lời trần tình thú tội của anh đã làm cô bàng hoàng, và chính tình yêu của cô đã thức tỉnh anh, để sau những ngày bị dày vò lương tâm, anh đã ra tự thú và bị phạt tù ở Siberia trong 8 năm.
- Lão địa chủ Svidrigailov đã đối xử rất thô bạo, vô lễ và nhạo báng Dunhia, em gái Rasconhikov khi cô đến làm gia sư nhà lão rồi ve vãn và dùng tiền âm mưu chiếm đoạt cô, nhằm thỏa mãn dục vọng của mình. Anh ta sống một cuộc sống đa nghi và đã kết thúc đời mình bằng một phát súng sau khi ban phát tài sản cho những cô gái mình đã từng liên quan.
Và cứ như vậy, xuyên suốt tác phẩm “Tội ác và trừng phạt” cho thấy giá trị đạo đức không còn mà mọi cán cân của xã hội đều cân đo đong đếm qua đồng tiền. Khi đồng tiền thống lĩnh mọi mặt cả về đời sống vật chất lẫn tinh thần thì con người không còn giữ được thiên lương nữa, họ lừa dối nhau, chà đạp lẫn nhau để có được nó.
Thông điệp ở đây là không có bất cứ lý do gì để có thể biện hộ cho tội ác, chỉ có trừng phạt là cách thức duy nhất. Trừng phạt không chỉ nằm ở tâm trí của tội nhân mà là ảnh hưởng đến cuộc sống của những người liên quan.
*
Tôi thật sự ngưỡng mộ tài năng phân tích tâm lý con người sâu sắc tinh tế đến kỳ diệu, tác giả đã xây dựng được con người “nhị nguyên” thông qua nhân vật Raxcolnicov. Giá trị của cuốn tiểu thuyết nằm ở việc mô tả trạng thái tâm lý của nhân vật chính Rodion Romanovich Raskolnikov. Tội ác mà Raxkolnikov gây ra không phải chỉ là một hành động bộc phát mà đã được nhen nhóm ấp ủ trong tiềm thức để rồi khi các điều kiện tụ hội đầy đủ thì tội ác được thực hiện. Những đoạn độc thoại trước và sau khi xảy ra vụ án phản ánh được sự mâu thuẫn và tâm lý phức tạp của nhân vật. Những mẫu độc thoại này được nhà văn lồng ghép tài tình vào tình huống và mạch kể của truyện. Con người nhân vật chính đầy những mâu thuẫn nội tại, tàn nhẫn và lạnh lùng khi phạm tội nhưng cũng có sự cảm thông, yêu thương đối với những thân phận bất hạnh. Biểu hiện ở chỗ, nghèo là vậy mà Raskolnikov sẵn sàng đem những đồng tiền cuối cùng để giúp một người bạn học nghèo túng và ho lao; lo ma chay cho bác công nhân nghèo Marmeladov. Trái tim nhận hậu còn giúp anh nhìn ra được phẩm giá của Sonya- một cô gái phải bán mình để nuôi gia đình. Anh ngưỡng mộ chân thành trước sự hi sinh của cô. Anh khóc thương chú ngựa già yếu bị hành hạ đến chết bởi lũ người vô nhân tính. Mặt khác anh lại sẵn sàng thực hiện một hành vi giết người hết sức man rợ.
Tình yêu như liều thuốc giải độc trong mọi tiểu thuyết của Dostoevsky, ở các tác phẩm nhỏ thì đó là tình yêu trai gái. Còn trong những kiệt tác thì đó là tình yêu dành cho Thiên Chúa, cuốn Phúc Âm mà Raskolnikov gối đầu trong suốt tám năm chuộc lỗi đã nói lên tính nhân văn cao cả của Dostosvsky khi cứu chuộc những con người ở tận cùng tầng lớp xã hội Nga lúc bấy giờ.
Tình yêu sâu sắc, sự hy sinh cao cả và tấm lòng nhân hậu của cô gái Sonya cùng sự quan tâm, yêu thương giúp đỡ của mọi người đã thức tỉnh Rasconikov. Từ đó anh đã chấm dứt những giằng xé nội tâm, đưa ra quyết định: thà bị giam cầm về thể xác còn hơn bị tù đày về tâm hồn. Qua đó, “Tội ác và Trừng phạt” đã dạy tôi rằng hãy luôn nhìn vào những mặt tốt của con người, và hãy bớt hoài nghi, đừng vì xã hội quá thực dụng hay một vài vết xước mà để tâm hồn mình vẩn đục.
*
4. Khai thác tâm lý học tội phạm
Cuốn tiểu thuyết đề cập đến tội phạm và hình phạt theo một phương cách độc đáo. Tội ác được diễn ra ở phần đầu của câu chuyện, nhưng hình phạt không xảy ra liền ngay sau đấy mà tác giả dẫn ta vào trọng tâm vấn đề - không phải là hậu quả mà là sự khám phá sâu sắc về tâm lý của một tên tội phạm.
Những suy nghĩ của Raskolnikov, với tất cả những nghi ngờ, mê sảng, sợ hãi và tuyệt vọng, đối mặt với cảm giác tội lỗi giày vò. Điều đó cho thấy hình phạt thực sự ít quan trọng mà quan trọng là sự căng thẳng và lo lắng khi cố gắng trốn tránh hình phạt. Bởi vì một tên tội phạm mang trong mình cảm giác tội lỗi phải trải qua sự tra tấn tinh thần, cuối cùng hắn sẽ thú nhận hoặc phát điên.
Dostoyevsky, một nhà tâm lý học có óc phân tích nhạy bén, đã chỉ ra sự khác biệt giữa những người phụ nữ trong truyện biết hy sinh bản thân mình, và những người đàn ông bạo lực vì lợi ích của bản thân mà ảo tưởng rằng họ là phi thường, và có những quyền đặc biệt ngoài luật pháp. Đó là sức mạnh của thiên tài kể chuyện Dostoyevsky, đã tạo ra những nhân vật có những khuyết điểm lớn và những vị trí rất khác nhau, và cho tất cả họ không gian, tiếng nói, khoảnh khắc trên sân khấu. Và khi họ xuất hiện, họ thu hút toàn bộ sự chú ý của khán giả. Dostoevsky kết nối các trạng thái cảm xúc của các nhân vật, tạo ra sự chuyển tiếp liền mạch giữa các cảnh hoặc từ tâm trí của nhân vật này sang nhân vật khác một cách đầy cảm xúc.
Có những cảnh tượng đáng kinh ngạc ám ảnh tôi và làm tôi thích thú, chẳng hạn cảnh thoát khỏi hiện trường vụ án trong gang tấc khiến tôi lo lắng, hay cảnh buồn thảm tại một bữa tiệc tang lễ, hoặc một cuộc gặp gỡ lạnh lùng giữa Dunya và Svidrigaïlov. Raskolnikov điên cuồng khi nhận ra sự khác biệt về ưu thế của mình, vì anh ta tưởng mình là một Napoléon bình thường. Nhưng anh ta bị khuất phục trước những ý tưởng phàm trần của chính mình và mở ra cái nhìn trên cơ sở đạo đức. Không thể vượt qua tính ích kỷ của mình, anh ta vẫn tin rằng mình chỉ đơn giản là loại bỏ một ký sinh xã hội, vẫn tin rằng mình đã làm điều đúng và trở thành người hùng trong mắt những người bị đau khổ. Tuy nhiên, khi tiếp xúc với những người bình thường, anh ta trở nên nhỏ bé và các phân tích logic hiển nhiên trông giống như những biểu hiện của tính ích kỷ và kiêu ngạo.
*
5. Những lời biện minh
Vài tháng trước, tôi đã đọc "Đỏ và đen" của Stendhal và nhận ra có nhiều điểm tương đồng với “Tội ác và trừng phạt”. Cả hai nhân vật chính đều là anh hùng sinh ra trong tầng lớp lao động và được định sẵn cho những điều lớn lao và tốt đẹp. Cả hai đều coi Napoléon là anh hùng của cá nhân họ. Cả hai đều nghĩ ra những kế hoạch mà họ tin rằng sẽ đặt họ trên con đường hướng tới sự vĩ đại của Napoléon. Và cả hai đều có những người phụ nữ thánh thiện yêu thương họ trong tất cả sự khốn khổ. Thật thú vị khi so sánh hai cuốn tiểu thuyết, cách các nhân vật khác nhau, địa lý khác nhau nhưng vấn đề lại là tương tự.
Chẳng phải tất cả chúng ta đều biện minh cho bản thân và cuộc sống của mình mỗi khi gặp thử thách sao? Theo nhiều cách, tác phẩm đã đưa ra hành động được xây dựng từng giai đoạn thể hiện rõ một tên tội phạm không tin mình là tội phạm. Ai trong số chúng ta sẵn sàng thừa nhận rằng mình là tội phạm? Do đó, theo chân nhân vật chính Raskolnikov, trải qua quá trình diễn giải, đánh giá và biện minh cho những việc làm của mình, tôi hiểu rõ hơn về hành động tâm lý xuyên suốt cuốn sách này.
*
Hình phạt được đúc kết qua một câu ngắn gọn: “Người mà có lương tâm thì sẽ đau khổ nếu nhận thức được lỗi lầm. Đó chính là hình phạt rồi, không nói chi đến ngục tù nữa.” Sự dày vò lương tâm đáng sợ hơn so với hình phạt bề ngoài của pháp luật nhà nước và cũng hiệu nghiệm hơn trong việc cứu vớt con người. Lương tâm con người còn lạnh lùng tàn nhẫn hơn pháp luật, nó trừng phạt con người một cách đau đớn nhất. Và thông qua đau khổ con người mới vươn cao lên được, đau khổ là thước đo chiều sâu của tâm hồn con người.
Raskolnikov đã cho mình cái quyền tự do quyết định sinh mạng người khác và tạo ra giá trị đạo đức cũng như tầm vóc của bản thân. Đó là cái tự do ảo, tự cho mình bước ra ngoài luật pháp, tách rời khỏi quy luật tự nhiên, nó sẽ đẻ ra cái ác nếu hệ quy chiếu sai ngay từ ban đầu. Kết quả anh đã sa vào cái tự do sai lầm, biến thành tự tung tự tác, vị kỷ và nổi loạn. Tự do đó chống lại chính anh, bằng chứng là cơ thể anh đã không chịu nổi những phát xét từ lương tâm.
6. Kết
Đọc "Tội ác và trừng phạt" không phải là một công việc dễ dàng, nhưng theo nó đến cùng tôi mới thấy đây là một cuốn sách đầy triết lý và sâu sắc về tâm hồn con người. Nó khám phá bản chất nỗi đau trong tâm hồn con người thông qua cuộc phiêu lưu của một kẻ giết người và hành trình cứu rỗi linh hồn của mình. Rằng con người không phải là một cỗ máy mà là một sinh vật sống động luôn chịu áp lực từ những ảnh hưởng xã hội, tâm lý, và cảm xúc. Dostoyevsky đã cho chúng ta trải qua những dòng suy nghĩ phức tạp của Raskolnikov, từ tội ác gớm ghiếc, đau khổ đến sự cứu rỗi. Tất cả các gam màu của đói nghèo, khốn cùng và sự suy đồi của con người không thể chạy thoát khỏi lương tâm, không ai vứt bỏ đi đạo đức của mình được và cuối cùng tội lỗi phải được trả giá.
"Tội ác và hình phạt" là một kiệt tác về tâm lý học con người và là một cuộc phiêu lưu khám phá bản chất của sự đau khổ và lòng trắc ẩn của nhân loại. Tác giả Fyodor Dostoevsky đã tạo ra một câu chuyện đầy cảm xúc và tinh tế, với các nhân vật đầy sức sống và sâu sắc, khiến tôi suy ngẫm về cuộc đời và bản chất của chính mình.
Dostoievsky có khả năng vượt trội khi viết về thân phận con người mà hơn 157 năm sau vẫn còn mới mẻ và hấp dẫn. Đôi khi nó tẻ nhạt, không phải đoạn nào cũng thú vị, không phải lúc nào cũng có nhịp độ nhanh, nhưng nếu kiên trì đọc cuốn sách này cho đến khi kết thúc là điều xứng đáng. Các nhân vật được vẽ lên tràn trề sức sống đến mức ngay cả những nhân vật tưởng chừng như nhỏ nhặt cũng cho tôi lý do để quan tâm khi họ xuất hiện. Không có quá nhiều nhân vật phụ nhưng đều được viết rất đẹp, cho dù tôi có thích chúng hay không.
N.P
Cây bút trẻ Trần Quốc Toàn
Trần Quốc Toàn, tên thật cũng là bút danh, sinh năm 1992 tại Tuy Phước - Bình Định. Tốt nghiệp Trường Học viện Hành chính Quốc gia, hiện đang công tác tại Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Bình Định. Đã xuất bản tập thơ Linh giác trắng do NXB Hội Nhà văn ấn hành năm 2023, có thơ và truyện in chung trong các tuyển tập, các báo và tạp chí trong nước.
Mùa xuân không tha phương
Nơi đó có lạnh không,
Em, xứ sở tôi nắng ấm
Mùa nào chim đậu trên cây trâm
Chim kể tôi nghe lời mùa xuân có em bên bếp lửa
Tôi yêu em, cuộc sống như chim trời.
Cuối đông rồi, hoa tỏi cứ tím chiều mưa
Tôi hỏi tôi có còn nhớ màu mây
thuở làng còn hoang vắng.
Nơi đó có lạnh không,
Em, xứ sở tôi mùa khổ qua đắng chén canh
Ngoài đường cái mùa xuân như thật gần
Có lẽ, tôi đã quá mơ mộng
Nên tha thiết đợi chờ em về làng tôi ở mãi…
Hôm nay, con cái ra đời
Mùa xuân tôi không còn hỏi em câu hỏi cũ
Tôi ngồi nhìn bầy chuồn chuồn
đến ở cùng bọn trẻ
Nhìn em phơi áo ở ngoài vườn.
Mùa xuân gieo luống hành, rò cải
Gieo vào cuộc sống đương đại sự sống
Tôi không tha phương nữa
Như đất làng ngoài kia đang phơi những con đường
Đầy hoa và bóng dáng những người đi chợ Tết...
Bản quán
Bản quán là trang viết đầy những dấu chấm, phẩy
như cây đa đầu làng cằn cỗi
phủ bóng suốt trăm năm
mái chùa cổ oằn mình cõng bóng trăng
vẫn hương trầm, áo nâu sồng, con cá gỗ
bầy chim sẻ làm tổ mái vòm
ríu ra ríu rít những buổi trưa
nơi cơn gió Nồm thổi tạt qua
chiếc cày vẽ lối trên cánh đồng
con trâu lầm lũi bước mỏi
tiếng tắc kè vọng trên mỏm đá núi
cha đội nón giục ngọn roi về phía sinh tồn.
Bản quán là nửa đêm gác tay lên trán nghĩ ngợi
nơi cửa đông làng những ngọn gió lang thang,
con cá bày bán giữa ngày biển động
ngọn rau mọc lên từ đất sỏi khô cằn
của ngọn gió thổi vào kí ức
như thước phim đen trắng nhòa dần...
Bản quán là lời Mẹ ru em bằng giọng miền Trung ngọn gió lào rát bỏng
những đồi núi trập trùng,
hoa chạc chìu chạt hương thơm dìu dịu vào mùa thu
trái Vạn tuế rụng xuống nơi bầy sóc đang dũ mưa trên đuôi
là nơi cha gùi rau lủi về xóm nhỏ
và mẹ bắc bếp thổi lửa nấu cơm...
Những đỉnh đêm cát và gió
1.
Vây quanh, sa mạc nhắm mắt!
Hãy đếm lại những sợi tóc đã rụng mơ hồ
Ngày sau cỏ, hoa, một chớp biển đánh thức hi vọng vùng âm u
Trùng vây những mùa nối tiếp
Chợ cá, chậu linh sam, bóng râm lộc vừng
Chiều xám xẩm nồi cơm, những thiên thần thức dậy trong khói bếp
Những hòn đá, trên cao nguyên hun hút
Nơi ta đánh mất quá khứ của mình
Nơi tiếng chuông nhà thờ gieo hạt trên những xóm nhà, ruộng và con
thuyền mộc
Mười lăm năm bên Nhà Thờ Làng Sông
Con dế đã lập gia đình và xây cất những nấm đất để chôn da thịt và tiếng
kêu của đồng loại
Đứa bé mười lăm năm trước trong xóm đạo
Mười lăm chiếc áo bão cởi trả cho thời gian
Cỗ xe trâu còn cất giữ dấu vết của trăng tháng Giêng
Trên núi mưa lất phất những đốm hoa Vạn Tuế
Con chồn đèn nhìn cánh chim quạ bay che những linh hồn thỏ con
Những ngôi miễu phong thần
Khói đốt rạ, những con mòng mòng đậu ngửi lửa
Nơi góc biển
Eo gió trầy xước, những ngôn từ biển mặn
Những đỉnh đêm cát và gió
Những tha phương cầu thực rú lạnh
Những hôm căn phòng như một hoang thú đầy nanh vuốt và cô độc
Nơi chén trà Thiên Mục nằm cạnh chén rượu Vĩnh Cửu
Ta mơ thấy em, nàng thiên thần dã quỳ
Lau mắt, những ngày mồ hôi tắm trên những nóc nhà, những cột kèo,
những cây đinh đóng sâu vào lòng gỗ
Gân tay nổi trên mỗi nhát búa người thợ mộc
Đêm trở về ngả lưng lên chiếc giường nhân thế
Mới biết bóng tối là nơi nghỉ ngơi cuối cùng của thể xác.
2.
Những đỉnh đêm cát và gió
Một con kiến eo vườn xoài
Những trầm tích, giác lạnh, ngồi ôm con mèo đốt củi ngày mưa
Trời ơi, dấu chim thuyền, chợ cá, Phước Thuận, đầm Thị Nại giờ buồn, chỉ
những đêm gió ngư diêm luồn vào chăn gối
Cái giếng quốc ngữ của linh mục Alexandre de Rhodes.
Những ngôi đền dơi
Đèo phố cũ lâu lắc anh về cưới cột điện
Hoa mười giờ nở thẳng tắp hai bờ ruộng
Đôi mắt nhái bén, con ong bầu, thiên lý chờ một giàn nắng cũ
Những đỉnh đêm cát và gió
Những ông già ngồi nghe nhạc Phạm Thế Mỹ
“Uống nước dừa hay nước mắt quê hương”
Mùa mai cúc, nhạt nhoà con lộ
Dưới mái am, Tu viện Nguyên Thiều.
3.
Những đỉnh đêm cát và gió
Bên dòng La Tinh sương móc những linh hồn Thủy chiến
Những chiếc bánh xèo tôm nhảy Mỹ Cang
Nơi dạ dày người những tử ngữ
Uống dòng nước suối, sóc nhảy, chim cưỡng trên những hòn đá
Linh Phong Cổ Tự
Một nhà sư ôm bát khất thực
Thánh Thất cao đài
Ông trời một mắt
Trên những trũng cát vẫn còn điệu múa vũ nữ Apsara.
4.
Những đỉnh đêm cát và gió
Chúng ta là tiếng chim trời cất cao giọng hót
Là mây trôi nghìn năm trắng mộng
Trên những ngày biển động Quy Nhơn...
T.Q.T
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)