Cây bút trẻ Trương Hồng Phúc
Thảng thốt nhìn lại, bất tận những cánh đồng. Cũng xanh và xa. Nhưng đó là cánh đồng của quê hương, của những đàn trâu, đàn bò trầm mình, của những con người đang chạy dài trên ven mương trong mùa gặt – lúa trĩu nặng.
Đó là tất cả những gì tôi gọi là “kí ức quê hương”. Ngao ngán ngước mắt lên trời, tôi như cô quạnh, lạc lõng giữa con đê mà xưa kia chiều nào tôi cũng từng chạy dài để thả diều, chăn trâu.
Miền quê ấy mang những kỉ niệm không thể phai nhòa trong tôi. Dưới rặng tre ngà vài chục năm tuổi vẫn hàng ngày kẽo cà kẽo kẹt đong đưa những lóng dài theo gió, mẹ đã sinh tôi ra; đó là nơi chôn rau cắt rốn của tôi. Nghe mà ngộ! Thế rồi, người ta đưa tôi về nuôi nấng, chăm bẵm, mà kì thực đến giờ tôi cũng không ý thức được tiếng mẹ thiêng liêng đến nhường nào. Bởi lẽ, người đẻ ra tôi đã bỏ tôi từ ngày lâm bồn ấy. Khi tôi lớn lên, tôi chỉ mang máng rằng, có một người phụ nữ đã già, tóc ngả sương gần hết luôn kề cận bên tôi, đến từng bữa cơm, giấc ngủ. Nhưng người ấy không gọi tôi là con, cũng chẳng bao giờ xưng mẹ cả. Tôi chỉ nghe hai từ: Bà – cháu.
Năm tôi học lớp 3 thì bà qua đời vì một cơn hen suyễn trong mùa đông lạnh giá. Tôi về ở với gia đình bác Khoan – con trai của bà. Cả nhà ai cũng quý tôi, duy chỉ có cậu con trai của bác, học lớp 5 thì luôn tỏ vẻ chãnh chọe với tôi, hơn kém từng tí. Hồi ấy, tôi cũng hay đôi co lắm, hay mách lẻo, lại ngang ngạnh, lắm mồm; không biết tôi đã chịu bao nhiêu cái vả của anh. Nhưng rồi đâu lại vào đấy, tôi vẫn xếp chăn màn gọn gàng khi thức dậy – lúc ấy anh đã chạy tít ra sân kho để say sưa với những trận bóng sớm cùng mấy đứa choai choai trong làng, kể cả chuyện đồ áo tôi cũng lo tất. Anh bảo:
- Mày lo cho tao, không thì tao cho mày ngủ dưới đất.
Tôi tức lắm chứ, nhưng cũng phải cắn răng mà chịu; ngủ dưới đất thì hãi lắm. Ít ra cũng có chăn ấm gối êm cho mình. Đến giờ nghĩ lại, tôi chỉ nhẩm cười một mình. Hai anh em cùng học ở trường làng, tôi lúc nào cũng phải ôm “cặp sách” (bao gai có dòng chữ “cám con cò”) to đùng đi lẽo đẽo sau anh, còn quàng bên vai mình là cái túi xốp trong đó có sách vở của tôi đến trường. Vất vả thế đấy, thân phận osin thế đấy, nhưng cũng có lúc tôi phải thét lên vì sung sướng bởi người anh không máu mủ của mình. Đó là lúc tôi bị lúc nhóc cùng khối bắt nạt, chúng gọi tôi là “đồ con hoang”, rồi lăng mạ đến cả mẹ tôi rằng “mẹ mày làm đĩ”... Tức máu tôi nhảy đến đạp thằng to con nhất một cái, nó té nhào, rồi nó lao đến vùi đầu tôi xuống đất mà đánh, tôi chỉ biết ôm mặt để giữ cho chúng khỏi đánh vào mắt, mũi, miệng mồm... Bỗng tôi nghe rầm một cái, anh từ trong lớp bung cửa ra, chúng sững người, anh phi vào tẩn cho nó mấy cái đấm bầm mặt rồi kéo tôi đứng dậy, nép vào sau anh, tôi run lẩy bẩy.
- Đứa nào đụng vào nó tao không tha cho đâu. – anh gằn giọng.
Cả lũ xám hồn rút chạy, tôi ngỡ ngàng chưa hiểu ra chuyện gì thì anh đã hất tay mạnh một cái, tôi ngã nhào ra sau: “Ui da, đau quá”. Tôi quên mất là nãy giờ đang bấu chặt tay anh, chắc anh đau nên mới vậy. Anh lẳng lặng đi rồi quay lại bảo tôi:
- Lần sau bị gì thì gào lên, tao lo cho.
Tôi thật sung sướng biết bao, kể từ đó trở đi chẳng bao giờ tôi bị bắt nạt nữa.
Theo năm tháng chúng tôi dần lớn lên, anh cũng thân thiện hơn với tôi. Bác trai và bác gái bảo tôi gọi là bố - mẹ, nhưng tôi thấy miệng mình cứng đơ, chả thể gọi được, những lúc ấy tôi chỉ cười khì.
Năm anh học 12, tôi thấy anh hay trầm ngâm, rồi bực dọc nhiều hơn. Có những hôm anh còn bỏ tôi lại trường, đi đâu đó thật lâu rồi quay lại đón tôi. Đêm đến anh trằn trọc không ngủ. Tôi khẽ lay người:
- Anh sao vậy?
- Tao không sao? Mày ngủ đi.
- Anh không ngủ, em cũng không ngủ.
- Vậy thì đi!
Nói xong, anh văng mùng rồi ra ngoài, tôi lẽo đẽo theo sau. Ra đến đầu ngõ, anh leo lên cành nhãn, còn tôi leo cành vải, hai anh em nằm vắt vẻo đối đầu nhau. Anh mở lời:
- Tao tính lên Hà Nội làm, tao hỏi hết rồi, học cho lắm cũng chỉ làm thuê, tốn tiền của bố mẹ. Mấy nay tao hỏi dò đám thằng Du, nó có dì trên đấy mở tiệm bánh mì lớn lắm, đang cần người làm.
- Anh học giỏi thế cơ mà. Sao không thi đại học đã? – Tôi hỏi lại.
- Thi rồi rớt thì xấu hổ lắm, mà đậu thì lấy tiền đâu ra mà học? Mấy năm nay mùa màng thất bát, có cái mà ăn là ngon lắm rồi đấy. – Vắt tay lên trán, anh thở dài.
Tôi cứng họng, chả biết thế nào, cũng ngán ngẩm theo. Đêm khuya vắng lặng, chỉ còn tiếng ộp ộp của mấy con ếch và tiếng gáy của những chú dế mà thôi. Hơi thở anh nghe nặng như chì. Anh tiếp:
- Mày lo mà học đi, tao đi làm nuôi mày. Mày hứa với tao phải vào được đại học, mày phải làm thủy thủ lái tàu biển thay tao. Mày chịu không?
Tôi ngỡ ngàng, không hiểu anh đang nói gì. Nói về học thì tôi là siêu lười và siêu lì, không bao giờ cúp học nhưng cũng chẳng bao giờ tôi hiểu được những gì cô thầy đang ra rả trên bục giảng kia. Tôi đi học dường như chỉ là nghĩa vụ.
- Em học ngu như bò, có mà đại học... lái đò nhà mình chưa xong nói gì lái tàu? – Tôi đáp.
Anh nổi sùng:
- Mày ngu vừa cho thiên hạ nhờ.
Nói rồi một mạch leo xuống đi vào nhà.
Những ngày sau đó, tôi thấy bố mẹ cũng thấp thỏm chẳng yên, nhất là trong những bữa cơm, không khí thật sầu thảm. Tôi ăn liền một mạch 3 bát cơm, xong tôi bảo:
- Chiều nay cháu ra đồng với hai bác.
Cái nắng tháng tư như hé lửa cho một mùa hè nóng bức. Mọi người ra đồng như bở hơi tai, nhiều người lả đi vì nắng, thế mà tôi lại ngông nghênh đòi ra đồng. Bác Khoan bảo:
- Học hành không lo, đồng áng, cuốc cày cho khổ. Rõ ngu.
Tôi dại mặt, im bặt, không nói tiếng nào. Bác gái lên tiếng:
- Nay mai thằng Hải nó lên Hà Nội làm rồi, con lo học đi mà làm thủy thủ thay nó.
Chuyện anh nói mấy đêm trước là thật sao? Nhà đã neo người, giờ anh đi chỉ còn mỗi tôi. Rồi ai bảo vệ cho tôi? Ngoài việc bếp núc, nhà cửa, thả diều, chăn trâu ra tôi chẳng còn biết làm gì nữa...
Thế rồi anh cũng đi, còn tôi thì tiếp tục ép mình vào những con chữ. Tất cả động lực của tôi là vì anh. Tôi không hiểu mình đã học như thế nào để đỗ vào Đại học hàng hải. Ngày tôi nhận được giấy báo cũng là ngày bác Khoan ra đi – căn bệnh ung thư quái ác đã đưa bác đến tận ngàn trùng xanh thẳm. Anh phải về để lo việc đồng áng cho bác gái. Những năm tháng qua, tôi đã gồng mình để suy nghĩ, để trải nghiệm, ngần ấy năm cũng đủ để tôi trưởng thành, tôi không còn vô tư đến vô tâm như trước nữa, tôi bắt đầu hướng ánh mắt đa cảm vào những gì quanh mình.
... Sau khi tốt nghiệp, tôi được nhận làm ở cảng Hải Phòng, không kịp về quê thăm bác gái và anh, tôi đi thẳng, có biên thư trở về. Thế rồi tôi mải miết với những chuyến tàu lênh đênh hàng tháng trời trên biển; nên những dòng thư cũng nhạt dần với quê hương. Trên mỗi chuyến đi, trong đầu tôi vẫn phảng phất lời nói của anh, khuôn mặt của anh; có lúc tôi còn tưởng tượng ra hình ảnh anh mặc bộ đồ thủy thủ như tôi, rồi hai anh em kề cận nhau cùng xoay bánh lái. Đấy là khi mắt tôi cay nhòe, trên khóe mắt như chực trào ra hai giọt nước. Chợt tôi như hiểu ra sự hi sinh của anh và gia đình anh cho mình: Bà anh đã mang lại sự sống cho tôi, bố mẹ anh đã nuôi tôi khôn lớn, còn anh đã dang rộng vòng tay của mình để tiếp bước cho tôi tung cánh như hôm nay. Tôi nghẹn ngào.
Cho đến ngày trở về tôi mới được biết, anh và bác gái đã rời khỏi miền quê ấy từ rất lâu, nghe nói là họ đi vào Tây Nguyên để lập nghiệp và sinh sống. Một cảm giác tội lỗi đến gần, tôi như tự trách mình thật vô tâm. Như một chút ân hận vì chưa đáp đền được ơn nghĩa. Rời khỏi căn nhà ba gian, ngói phủ rêu vàng úa, tôi lê những bước nặng nề quay về phía mộ bà và bác, trên con đường đê quen thuộc, tôi chợt nhận ra hơi ấm của một mái nhà.
T.H.P