Home » Archives for tháng 11 2020
CÁNH CHUỒN
Em như cánh mỏng chuồn chuồn
Bay về xứ lạ tôi buồn bâng khuâng
Nhặt từng kỷ niệm xa xăm
Chẻ đôi hạt lệ chia phần nhớ thương.
Em đi xa mấy năm trường
Bỏ sông nước lại cội buồn ngẩn ngơ
Bỏ chiều thơ thẩn bơ vơ
Bỏ mây lạc xứ bên bờ tịch liêu
Chiều nghe chim vịt kêu chiều
Tim đau từng đợt sóng triều bâng khuâng
Mắt đăm chiêu xuống một vùng
Bóng em khuất giữa muôn trùng khói sương.
Bay đi đâu hỡi cánh chuồn
Trùng lai đâu biết vô thường mà trao
Thôi thì cứ vẫy tay chào
Cầm như hạt lệ xưa trào qua mi.
THEO EM ANH VỀ
Theo em - theo em anh về
Về nghe hoa trái hồn quê gọi tình
Nước phù sa bổ bồi xanh
Thương nhau sợi tóc biến thành sợi tơ
Theo em - theo em anh về
Ăn canh bông súng làm thơ bốn mùa
Về nghe câu lý xa đưa
Thương nhau bất kể nắng mưa bất thường
Theo em về với yêu thương
Phù du bỏ lại vô thường gió bay
Thương nhau muối mặn gừng cay
Bể dâu bất kể dù mai mốt đắng buồn
Theo em về với quê hương
Như con cá rọ tìm đường về sông
Theo nhau giũ bụi phiêu bồng
Trút sầu cho gió mở lòng tri âm.
HỒN QUÊ
Bảng lảng hoàng hôn bóng cố hương
Phù vân lạc xứ sầu tha phương
Bóng chim tăm cá tình ngàn dặm
Sương khói tiêu tương vọng khúc buồn
Ráng chiều vàng vọt mờ trong sương
Móng mắt hồn vương trời quê hương
Ngày đi không để lòng vướng bận
Nay bước chân về lệ lại tuôn
Chuông chiều khởi vọng bóng vô thường
Cố quận ta về tóc điểm sương
Danh lợi nhân gian như phấn thổ
Hồn quê tiếp nối suối yêu thương
Nay về đứng giữa trời mênh mông
Hít thở vô tư ngọn gió đồng
Cuối xuống tay nâng hòn đất mẹ
Quay về tâm thức thuở hàn ôn.
MÙA THU TÔI VÀ EM
Mùa thu thưa nắng nghe buồn rớt
Nỗi nhớ về đầy như lá bay
Đã mấy thu rồi khung cửa khép
Nét buồn vàng đọng áo mơ phai
Ngồi tựa song thưa tìm lấy bóng
Gió thu về lạnh bến sông Tương
Mòn hai con mắt chờ em đến
Chỉ thấy mưa bay trắng nẻo đường
Mưa thu như bụi mờ che mắt
Em rắc vào tôi những đợi chờ
Tôi sợ hoàng hôn về tím ngắt
Nỗi sầu đâm nhánh giữa bơ vơ
Chiều nghiêng bóng đổ qua thềm nhớ
Rót xuống tơ lòng một bến sông
Nhặt chiếc lá vàng thu chợt ngộ
Một mình một bóng một hư không.
B.N.B
Người ta nói rằng thần làng Năng linh thiêng lắm!
Sóng gió từ đâu nổi lên cuồn cuộn, gầm rú ghê rợn, chiếc xà lang chao đảo điên cuồng. Chín Nhạn bị gió nhấc bổng, cuốn ra khỏi xà lang rồi hất mạnh xuống lòng sông. Con sông ấy rất sâu, sâu hoắm. Cho tới một lúc nào đó, lâu lắm, ở một nơi nào đó, lạ lắm, ông tỉnh dậy. Xung quanh là một vùng rộng lớn tối sẫm. Có luồng sáng lờ mờ hắt ra. Nhìn kỹ, trước mặt là một ông lão có gương mặt phúc hậu, râu tóc bạc trắng, già đến mức không thể đoán được khoảng bao nhiêu tuổi…
Giấc mơ kỳ cục, quái gỡ, đáo đi đáo lại suốt mấy ngày như thế. Hôm sau y hệt hôm trước, hình như không dư không thiếu chi tiết nào. Như một đoạn phim lập trình sẵn, cứ đến giữa khuya phát ra, bóp nghẹt giấc ngủ của Chín Nhạn. “Cái gì không phải của mình thì đừng chiếm đoạt”. Chỉ một câu ấy, bao nhiêu giấc mơ trôi qua ông lão kỳ lạ cũng chỉ nói mỗi một câu ấy, rồi mất hút. Có đôi lần trong mơ, Chín định chạy đến hỏi ông ấy là ai, nhưng lúc đó giọng nói trở nên ú ớ, như có thứ gì nén chặt lại, thanh âm tắt lụi. Đến khi thức dậy, ông chạy ào ra khỏi phòng, sợ rằng mình còn nằm trong đây một phút một giây nào nữa, thì lão già ấy sẽ bắt luôn cả mình đi.
Ngoài kia, đám nhân công vẫn đang khai thác cát đều đều trong đêm bình lặng, không hề có chuyện gì xảy ra.
Chín Nhạn quyết định đi tìm lời giải. Ông rời xà lang, dùng chiếc xuồng nhỏ bơi vào bờ. Thật ra ông biết người làng Năng không ưa gì mình. Nhưng cũng may là trong làng không phải ai cũng biết mặt ông, chỉ có những người từng bơi ra xà lang khai thác cát của Chín Nhạn mới biết ông. Chính vì thế mà ông có thể ung dung lân la đến các quán cà phê ở xa xa, vậy xem như tạm yên ổn. Ông hỏi ở đây từng có ông già nào tướng tá như vầy, mặt mũi như vầy… Mọi người nghe xong ngó nhau, ai nấy lắc đầu. Ông lão là ai? Chín Nhạn suốt mấy ngày tức tối vì không ai trả lời được câu hỏi nầy.
Tối qua ông lại mơ, đoạn phim lặp lại như trước. Thức dậy mồ hôi đổ như tắm, thở ra nghèn nghẹn. Cơn lạnh ngoài sông lùa về chạy dòng dọc sống lưng, lạnh ngắt. Ông lấy ly nước uống, cố nuốt vô mà cảm thấy thấy cổ họng vẫn khan. Đêm nay ông lão kỳ lạ kia không chỉ nói một câu như trước mà còn thêm câu thứ hai. “Đất đai của làng ta thì hãy trả lại cho làng ta”. Vậy là đã tìm được câu trả lời. Nhờ câu nói thứ hai của ông lão do Chín Nhạn kể lại, người ta đã đoán ra. Dân làng Năng quả quyết rằng ông lão ấy chính là thần làng Năng.
Người ta nói rằng thần làng Năng linh thiêng lắm!
Dân làng Năng bày ra trước mắt Chín Nhạn một bức tranh lắp ghép nhiều mảnh về vị thần họ sùng tín. Những câu chuyện được mọi người thay nhau kể. Đại ý là thần luôn phù hộ những người tốt với dân làng, thẳng tay trừng trị những kẻ ăn ở ác đức. Chín bĩu môi không tin, nhưng không dám nói ra. (Nếu nói là không tin chắc sẽ bị mọi người đập tơi bời, ông đã quá sợ dân làng Năng nầy rồi). “Ông thần làng Năng linh cỡ nào? Giỏi lắm thì cũng chỉ ngồi trong đình hưởng đồ cúng. Làm gì được tao? Tao ở giữa sông, thần có bơi ra tới đây vặn cổ bẻ họng được không? Ông thần tài ba gì ngoài mấy cái trò chui vô giấc mơ để hù dọa”. Chín Nhạn vẫn chịu khó ngồi nghe và chỉ dám cười thầm trong bụng. Vậy mà không hiểu sao ông cứ mơ hồ nghe như văng vẳng đâu đó bên tai, rằng thần làng Năng linh thiêng lắm!
Về tới xà lang, mấy thằng đệ tử cho hay neo bị mắc kẹt vào vật gì rồi, nhổ lên không được. Kỳ lạ! Xà lang đi biết bao con sông, hạ neo bấy nhiêu nhiêu chỗ, làm gì có nơi nào nhổ neo không được. Một người nhổ không lên, hai ba người cùng kéo không được, cả chục người xúm lại, sợi dây vẫn nằm trơ. Tiếng hì hục, tiếng hò dô, tiếng dây cọ vào xà lang trèo trẹo, tiếng thở dài, tất cả nghe như nghẹn ứ.
“Lặn xuống!”, Chín Nhạn ra lịnh cho đệ tử. Thằng nhỏ cỡ mười sáu tuổi lặn tài tình, phóng cái đùng xuống sông rồi mất tăm, để lại một chùm tia nước hất lên cao. Đến khi ngoi lên, thằng nhỏ nói không thấy cái neo đâu. “Trời! Sao lại không thấy? Không có neo mà sao sợi dây nặng trịch kéo không lên?”. Chín Nhạn sai hai thằng lớn hơn lặn xuống lần nữa, lần nầy lặn lâu, phải mang theo bình dưỡng khí. Gần mười phút sau, hai thằng trồi lên.
“Trời ơi thấy ghê quá ông Chín ơi! Nói ra hổng biết ông tin hông nữa. Thiệt là ma quỷ gì đâu!”.
“Sao, nói lẹ coi”.
Hai thằng ú ớ, vẻ sợ sệt, ngó nhau đăm đăm. Một thằng đưa tay quẹt nước trên mặt cho tỉnh táo lại rồi nói ngập ngừng:
“Ở dưới… có ông già… ổng nói… lấy cái neo mình rồi”.
Chín Nhạn chưng hững, trợn mắt nhìn hai thằng trân trân:
“Khùng hả mầy? Bị ma nhập hả? Sông sâu làm gì có ai ở dưới được?”.
Thằng nhỏ nói tiếp:
“Bởi vậy tui đã nói là khó tin lắm, kể ông cũng không chịu tin. Tụi tui bơi lại đòi mà ổng đi mất tiêu”.
Chín Nhạn bắt đầu thấy hoang mang, ngờ ngợ như nhớ ra điều gì:
“Ông già đó ra làm sao?”.
“Già già chát khú đế, râu bạc, tóc bạc, mà ổng mặc đồ đẹp ghê luôn ông Chín”.
Chín Nhạn nghe xong giựt mình, có cảm giác đầu óc bần thần, choáng váng, hai lỗ tai lùng bùng. Ông già tụi nó tả không lẽ là thần làng Năng? Có phải ông thần làng Năng linh thiêng như vậy? Chín chợt nhớ đến lời thách thức của mình ban nãy, nghe cơn lạnh lại từ đâu tràn tới chạy rần rần, xô ông liêu xiêu muốn sụp té. Trong đầu ông lại nghe văng vẳng đâu đây có tiếng nói, rằng thần làng Năng linh thiêng lắm! Ông thở dài thườn thượt.
Tối nay Chín Nhạn không ngủ. Ông không muốn giấc mơ lặp lại, nên thức một đêm cũng không sao, ban ngày sẽ ngủ bù lại. Trên xà lang, nhân công và máy móc vẫn đang làm việc đều đều. Công việc khai thác cát vào ban đêm đã không còn xa lạ. Đôi lúc Chín thấy mình thiệt tài. Năm giờ chiều ngừng khai thác đúng như quy định, đến khuya khi mọi người ngủ say, xà lang lại tiếp tục cho khai thác đến tờ mờ sáng thì ngừng, rồi bảy giờ sáng hôm sau khai thác tiếp. Như vậy mọi người sẽ nghĩ rằng xà lang khai thác cát của Chín Nhạn hoạt động đúng theo thời gian cho phép của chánh quyền. Đâu ai biết rằng hằng ngày vẫn có kẻ đang “đi đêm”.
Bữa sau, Chín Nhạn đem mâm trái cây đến đình. Không biết thần làng Năng có linh thiêng như lời đồn không, thôi cứ thử một phen, xem như tự cứu mình. Không gian trong đình yên ắng, chỉ nghe tiếng thở của Chín Nhạn. Có ánh mắt nào đó gần lắm đâu đây, cuốn trôi tuồn tuột bao dũng khí ban đầu của ông. Ông đặt mâm trái cây lên bàn thờ, khấn rằng mình làm sai và đã biết lỗi, mong thần tha thứ, lại còn hứa sẽ không đụng tới đất đai của thần nữa. Chín cảm thấy thấy cơ thể nóng bừng. Dường như thần đang có mặt ngay lúc đó, đang kề mắt sát bên ngó chăm chăm từng cử chỉ của ông. Đây đó xong xuôi, vậy mà bước khỏi đình ông lại còn đâm ra lo lắng, không biết kế sách nầy có linh nghiệm không? Cả tháng nay chuyện làm ăn đã rắc rối lắm rồi, giờ lại còn vướng vào chuyện thần chuyện quỷ…
* * *
Rắc rối! Đúng hơn phải là điêu đứng. Từng đi qua nhiều nơi, nhưng chưa nơi nào làm Chín Nhạn phải khốn đốn như cái xứ sở nầy. Nửa tháng qua, vài ngày người dân lại tụ tập ra xà lang khai thác cát của ông để gây khó dễ. Mỗi lần đi là một tốp khoảng vài chục người, trai gái già trẻ có đủ. Công việc khai thác phải tạm dừng. Nhân công đứng chết trân, mặt mày xanh lét, ngốn hết tất cả những lời chửi bới của dân làng. Chiếc xà lang thì phải hứng đủ thứ gạch, đá, trứng ung, cà chua, rau thúi… Có chạy xà lang đi cũng không xong, ghe của người dân đã bao vây bốn phía và sẵn sàng đuổi theo, đành phải đứng chịu trận.
Đơn giản là vì làng Năng lở đất quá nhiều. Đất đai của làng mỗi ngày càng bị sóng nước vồ lấy. Dân làng sợ tiếp tục khai thác cát sẽ làm trôi thêm đất xuống lòng sông. Chín Nhạn từng lấy một đống giấy tờ ra, nè, mấy ông mấy bà coi đi, khai thác được cấp phép đàng hoàng. Vậy mà cũng vô ích, suýt chút nữa tờ giấy phép đã phải tắm nước cà thúi. Dân làng ai nấy nhao lên:
“Kệ tía mầy! Hổng có cấp phép gì ở đây ráo trọi. Giấy tờ gì của mầy hông cần biết, chánh quyền cho thì kệ, nhưng bây giờ dân tụi tao không cho. Tụi bây hút cát dưới sông thì đất đai bên bờ sẽ trôi xuống”.
“Ờ, phải rồi. Có cấp phép, nhưng khai thác nhiều hơn quy định thì cũng có ai biết! Nên bây giờ nói gọn là dù khai thác ít hay nhiều cũng không được”.
Chín Nhạn đứng im thin thít, người đơ như tượng, nghe máu trong mình nóng lên sùng sục, tức muốn nổi khùng. Nhưng đành chịu. Chừng nào mệt, họ sẽ tự bỏ về. Hết cách rồi!
Đôi ba lần chánh quyền cảnh cáo người dân, nhưng vẫn không xong. Cuối cùng phải mời họp giải quyết. Đơn vị khai thác cát có Chín Nhạn và hai thằng đệ tử, trong khi dân làng thì cả một… “đại đội”! Buổi họp hôm đó xôn xao như nhóm chợ, không khí nóng hầm hập. Phòng họp chật cứng như bị giãn ra thêm bởi đủ thứ tiếng bàn tán, kể tội, chửi rủa, hăm dọa… Nhà khoa học được mời đến, nói rằng đã dùng phương pháp khoa học để thăm dò kỹ lưỡng mới cho phép khai thác cát. Họ giải thích đất làng Năng lở là do tác động của dòng chảy chứ không phải do việc khai thác cát. Người dân nhốn nháo bàn tán, rồi ai nấy lắc đầu:
“Tui hỏi mấy ông cán bộ, cát ở đáy sông bị hút lên tạo thành lõm ở dưới đó, thì đất trên bờ làm sao không chảy xuống cái lõm đó cho được? Tui không tin mấy ông đâu. Mấy ông là phe phái với nhau, mấy ông ăn hối lộ nên mới theo tụi nó”.
“Phải rồi, hút cát lên thì đất phải sụp xuống chớ. Mấy ông là nhà khoa học, giải thích sao cũng được, làm sao dân tụi tui biết. Nhưng khai thác cát ít nhiều gì cũng làm lở đất”.
Mặc kệ phiên họp chưa kết thúc, dân làng kéo nhau ùn ùn bỏ về, cửa phòng họp nhỏ xíu tưởng chừng bị tét làm đôi. Nhà khoa học lắc đầu. Chánh quyền bất lực. Cũng phải, khi thấy đất đai của mình đang bị uy hiếp như vậy, có ai chịu đứng nhìn đâu?
* * *
Chín Nhạn từ trong đình lững thững ra về. Ngoài đường, nắng vừa đủ vàng ươm rọi nghiêng nghiêng mấy bóng cây, đậu xuống mái tóc hớt cua trùi trụi của ông. Ông nghe ngực mình đánh trống thình thịch, mồ hôi rũ nhau trườn ra lưng áo. Về vừa đến xà lang, mấy thằng đệ tử mặt tươi rói, la rố ráo: “Nhổ neo lên được rồi ông Chín ơi!”. Chín Nhạn giựt mình, không tin được những gì mình đang nghe, đang thấy. Ông chạy tới nhìn trân trân. Đúng thật là cái neo rồi, nó đang lù lù ngay trước mắt. Kế bên là sợi dây neo đang nằm im re, hiền khô, yếu đuối, cứ như khác hẳn so với sợi dây trình trịch ngày hôm qua. Chín Nhạn run hai môi, bắt đầu cảm thấy nỗi sợ đang lần lần mơn trớn và áp đảo đầu óc mình. Chẳng lẽ ông thần làng Năng linh thiêng thật như vậy sao?
Trong bụng ông mở cờ.
Ông đang nghĩ đến một dự định khác.
Sáng sớm hôm sau, Chín Nhạn lại bưng một cái mâm lớn đến đình. Trong mâm lần nầy không chỉ đơn giản là trái cây như hôm trước nữa, mà là cả một con heo sữa quay, mỡ tươm ra bóng lộn. Chín hồ hởi đặt lễ vật lên bàn thờ rồi ung dung thắp nhang đứng khấn. Trong đình hôm nay, ông cảm thấy đủ tự tin hơn để đứng một mình, dẫu có con mắt vô hình nào đó đang ngó mình, ông cũng không sợ. Dường như ông nắm bắt được điều gì đó từ vị thần mà ông đang cầu khẩn. Ông cố tình khấn lớn:
“Con đây người trần mắt thịt không biết oai linh của thần nên đã có ý khinh khi, nhờ thần linh ứng dạy dỗ cho con được sáng tỏ. Nay con xin đem lễ vật đến thành tâm dâng thần, trước mong thần tha thứ tội, sau nhờ thần che chở và phù hộ cho con trong việc làm ăn. Xin thần giúp đỡ con tránh được đám dân làng phá rối, qua mắt được chánh quyền. Nếu con khai thác cát ở làng Năng lần nầy được lợi nhuận nhiều, con sẽ trả lễ thần thật hậu hỷ”.
Khấn xong, Chín Nhạn cười đầy đắc ý. Trước khi về, ông thong thả nhìn quanh một lượt, như đang muốn tìm một sự thỏa hiệp từ ánh mắt nào đó đang dòm ngó mình. Lúc không thể nhờ người khác được nữa, người ta đành cậy nhờ thế lực vô hình. Chín Nhạn hối lộ, mua chuộc cả thần linh! Khi lòng tham lên đến một mức độ không còn nhỏ nữa, người ta bắt đầu bất chấp mọi chuyện, bất chấp lẽ phải. Và lần nầy, cao hơn, Chín Nhạn bất chấp cả luật trời, cả thần thánh.
* * *
Mấy ngày sau, cả làng Năng xôn xao tin ông chủ xà lang khai thác cát bị té sông. Tuy trong làng không phải ai cũng biết mặt Chín Nhạn, nhưng nói đến ông chủ xà lang khai thác cát thì hầu như mọi người cũng đã đôi lần nghe qua. Khi hay tin ông gặp nạn, ai cũng cảm thấy bất ngờ. Sao mới đó mà gặp nạn rồi? Sao dân sống trên sông nước mà bị té như vậy? Sao còn trẻ mà ra nông nỗi nầy?
Nghe nói khi chèo từ trong bờ ra gần tới xà lang, xuồng của Chín Nhạn bị lật, làm ông té xuống nước. Không hiểu lúc đó người ngợm ông bị gì mà lại không chịu bơi? Cứ chấp chới rồi chìm dần. Đám nhân công trên xà lang nhìn thấy liền nhảy xuống sông cứu ông chủ của mình. Họ lặn giỏi, nên không lâu sau đó đã cứu được Chín Nhạn. Sau khi hô hấp nhân tạo, ông từ từ tỉnh dậy, nhưng mắt vô hồn, miệng cứ ú ớ không thành tiếng, có lúc lại cười một mình.
Hình như thần kinh ông gặp vấn đề, không còn nhận thức rõ ràng nữa. Gia đình Chín Nhạn đã nhanh chóng đưa ông đi điều trị, chiếc xà lang khai thác cát cũng đã rời khỏi khúc sông bên cạnh làng Năng, không biết có còn trở lại nữa không?
Dân làng kháo nhau rằng đó là báo ứng dành cho người làm hại làng Năng. Họ nói những người muốn lấy đất đai của làng để làm giàu cho bản thân mình thì phải chịu trừng phạt như thế, và quả quyết rằng tai nạn của Chín Nhạn chính là do thần làng Năng trừng phạt chứ không phải vì lý do nào khác. Cái gì không phải của mình thì đừng chiếm đoạt, đất đai của làng Năng thì phải trả lại cho làng Năng.
Người ta nói rằng thần làng Năng linh thiêng lắm!
V.T
Sống là cho đi
Hình như trời đã chuyển mùa
bên ngoài cửa lớp
nắng vừa dịu đi
chẳng hay gió nói điều gì
cây bàng lặng lẽ vàng đi ít nhiều!
Nhìn những ánh mắt đáng yêu
mong một năm học thật nhiều niềm vui
ta chào em tóc rẽ ngôi
ngày mai còn đó bầu trời thênh thang!
Biết là rồi sẽ cũ càng
một ngày đứng lớp
một trang vui buồn
mỗi năm, kính lại thay tròng
miệt mài gom góp vào trong tim mình!
Mỏng manh một chiếc cầu tình
ngày kia ai sẽ còn hình dung ra
như trang giáo án lật qua
ngẩng đầu ta hát: sống là cho đi!
Buổi học cuối
Lớp học có gì bao ánh mắt đỏ hoe
Căn phòng nhỏ sụt sùi ngơ ngác
Bài giảng của Thầy bỗng dưng đi lạc
Dắt đám học trò về miền nhớ rưng rưng...
Vẫn biết tình cờ gắn những người dưng
Người tận đâu đâu trở nên thân thiết
Mấy năm cũng dài nhưng qua nhanh thiệt
Lòng bỗng bồi hồi buổi học cuối rồi ư...?
Vạn nẻo đường đời "tình" bỗng thực - hư
Ngỡ mới hôm qua nay đành giã biệt
Buổi học cuối cùng, trôi trong nuối tiếc
Nhìn những chỗ ngồi thầm gọi tên nhau...
Ghi khắc trong đời mãi đến ngày sau
Phía trước bạn ngồi chỗ tôi đó nhé
Hết buổi học này ta vào ngả rẽ
Bao nỗi vui buồn như cánh phượng nhẹ rơi...!
Một thời đã xa
(tặng các bạn 12A)
một thời xa thật là xa
từng yêu ai đó nhưng mà dám đâu
ba mươi năm đã qua rồi
bây giờ lòng vẫn bồi hồi. lạ chưa?
này em, em của ngày xưa
này tôi, tôi của tuổi vừa chớm yêu
biết thương, rồi nhớ thật nhiều
gặp nhau lại nói những điều không đâu
này em, xin hỏi đôi câu
ngày xưa có hiểu mắt tôi nói gì?
những dòng lưu bút tôi ghi
rưng rưng giữa cuộc chia ly. có còn?
đi qua chớp bể mưa nguồn
vui còn ở lại, nỗi buồn mây trôi…
xin nắm tay một lần thôi
vui ngày hạnh ngộ để rồi lại xa
tình riêng giờ đã phôi pha
giữa vòng bè bạn, cứ là ta thôi
thầy cô ơi, bạn tôi ơi!
cho tôi gửi lại mấy lời tri ân!
V.T
Châu Đoàn
Ghe cập bến làng đảo. Vậy là chúng tôi thoát chết trong cơn giận dữ của biển. Tôi thả neo rồi nhảy xuống. Không ngờ lúc con sóng trở ra nên ngã chúi xuống nước. Một bàn tay ai đó nâng tôi lên. Đó là em Thọ lớp trưởng.
- Thầy có sao không?
- Không sao. Cảm ơn em. Hồi nãy không bỏ mạng giữa biển thì ở đây làm sao chết được.
- Mưa to, sóng lớn tụi em lo cho thầy lắm.
- Nhờ Trời mọi chuyện rồi cũng qua. Em kêu tụi nó lên thuyền đem đồ vào lớp đi.
- Dạ. Đi theo tao mấy đứa!
Thấy tụi học trò lo lắng và sốt sắng thì thương quá. Bỗng tôi nghe tiếng gọi ở đằng sau vọng lại: "Thầy!". Tiếng "Thầy" mà đã lâu tôi chưa được nghe. Nó làm lòng tôi bồi hồi, xúc động. Tôi quay lại thì ra là Huyến. Em vội cởi miếng nhựa từ bao phân hóa học đưa cho tôi.
- Thầy mặc vào kẻo ướt.
- Cảm ơn em. Thầy ướt như chuột lột hơn một tiếng đồng hồ rồi.
Nói xong tôi choàng miếng nhựa vào cổ em và gút lại rồi đi vào trụ cột thôn. Đồ đã đem vào. Mấy đứa nam mình mẩy ướt hết.
- Vậy là tốt rồi. Cảm ơn các em. Bây giờ về tắm rửa, ngủ để mai đi học.
Tụi nó dạ rân rồi chạy trong cơn mưa. Những khuôn mặt ấy là thường ngày nhưng giờ đây rất đổi thân thương. Lòng tôi ấm áp vô cùng. Tôi đưa Huyến về vì nhà em ở cuối làng. Đến cổng, tới bảo:
- Em vào nhà đi. Thầy về.
- Dạ thầy về.
Tôi bước đi trong cơn mưa tầm tã. Mưa đến rát mặt. Đi một đoạn thì linh cảm có ai đang nhìn mình. Tôi quay lại thì ra em Huyến tay bưng cây đèn dầu leo lét đứng ở thềm nhà nhìn tôi. Hình như em muốn rọi soi đường để tôi đi.
Tôi về nhà, tắm rửa rồi chuẩn bị ăn cơm. Nghe tiếng chó sủa,Thọ đi ra xem.
- Có ý gì đây mà bưng cơm cho tôi ăn. Hí hí.
- Còn lâu mới cho ông. Tôi đem cho thầy.
- Bà chê nhà tui không có gạo hả?
- Ai dám chê nhà ông. Tui sợ thầy đói.
Nghe vậy tôi bước ra.
- Huyến hả. Thôi vào đây ba thầy trò mình cùng ăn. Em cũng chưa ăn sao?
- Dạ từ chiều đến tối em ở bãi biển đợi thầy.
Tôi nghe mà lòng xốn xang. Ba thầy trò ăn ngon lành. Tôi chia cơm và miếng cá em mang tới. Một bữa cơm đơn sơ mà ấm cúng vô cùng.
Thời gian trôi đi rất nhanh. Thế là kết thúc năm học. Buổi chia tay thật bùi ngùi. Ghe chạy xa dần mà vẫn thấy bóng các em lố nhố trong bãi biển...
Ba năm sau tôi trở lại thăm trường đảo, thăm những học trò đầu tiên của tôi. Tôi mừng vì trong hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà chúng vào Nha Trang ở trọ để đi học. Huyến thì lên Ninh Diêm ở nhờ nhà bà con. Chỉ có em Trợ đã lấy chồng. Tôi đến nhà em Trợ khi trời nhá nhem tối. Thấy tôi em vui lắm nhưng rồi ngại ngùng, có lẽ là mắc cỡ. Tôi ẵm thằng bé bụ bẫm, chắc nịch rồi đùa với nó. Nó chẳng biết lạ là gì. Giỡn một lát rồi ngủ trên tay tôi.
- Chồng em đâu?
- Dạ ảnh đi biển chưa về?
- Cuộc sống ra sao hả em?
- Cũng tốt thầy ạ. Trúng thì có tiền để dành.
- Nghe em nói thầy cũng mừng.
Tôi nhìn ra biển và nhớ câu: "Lấy chồng làm ruộng em theo/Lấy chồng nghề biển hồn treo cột buồm ". Lòng có ái ngại thật nhưng cầu mong sao đứa học trò này luôn may mắn.
- Trợ này.
- Dạ
- Vợ chồng phải tin yêu và nhường nhịn lẫn nhau mới bền chặt được. Thầy cầu mong em an lành và hạnh phúc.
- Em nghe lời và cảm ơn thầy.
Mắt nó ngấn nước. Trợ nhà nghèo nên không đi học. Xây dựng gia đình như thế cũng tốt rồi. Tôi đưa con cho em ẵm rồi đi ra nhà Huyến.
Tôi đến cổng thì con chó chạy ra sủa rân lên. Một người đàn bà bước ra.
- Trời! Thầy Châu. Thầy ra hồi nào?
- Dạ mới sáng nay.
-Huyến ơi! Thầy con tới thăm nè.
Huyến mừng rỡ chạy ra nhìn tôi đăm đăm. Tôi biết cái nhìn đó biểu đạt gì.
- Không chào thầy sao?
- Dạ em chào thầy. Em mừng quá nên...
- Chị cho phép hai thầy trò xuống biển nói chuyện nhé.
- Dạ được. Đi với thầy đi con!
Tôi và Huyến xuống biển đã thấy đông người. Ngồi chỗ cũ ngày nào mấy thầy trò tụ tập ăn kẹo và nghe kể chuyện cổ tích. Gió biển mát lành, những bông rau muống tim tim rung rinh trong gió. Ánh trăng sáng tỏ mặt người. Huyến ngắt lá rau muống biển và cứ xé nhỏ ra.
- Em giờ khác xưa quá!
- Khác gì hở thầy?
- Em sắp là một cô gái xinh đẹp rồi.
Mặt em ửng đỏ hơi cúi xuống và hai tay cứ vân vê tà aó. Tôi bỏ em ngồi đấy để vào quán mua kẹo như ngày xưa thầy trò cùng ăn. Tôi hỏi chuyện học hành, chuyện bạn bè ra sao.
- Em biết thầy ước muốn gì không?
- Dạ không.
- Thầy muốn khi các em có chồng, có vợ thì đến nhìn mấy em mặc áo cô dâu và chúc phúc cho các em.
- Em cũng không biết nữa.
- Sao lại không biết chứ? Em sẽ có một gia đình hạnh phúc mà. Hãy tin lời thầy nói. Thôi ta về.
Đến cổng. Tôi chìa tay ra.
- Thầy trò mình bắt tay tạm biệt. Chúc em toại nguyện.
Tôi quay lưng đi thì nghe: "Thầy ơi!". Tôi nhìn em mĩm cười:
- Thôi vào nhà ngủ đi, khóc làm gì. Thầy trò mình còn gặp lại mà. Mai thầy đi sớm, cho thầy gửi lời chào mẹ em.
Tôi bước nhanh về nhà chị hai Lực, mặc Huyến đứng đấy dõi theo. Sáng sớm, tôi ra ghe đã thấy Huyến đứng cạnh cây dừa sát biển. Tôi giả vờ không biết. Ghe xa dần xa dần...
Mười mấy năm không nhớ nữa,tôi đi gieo lúa vụ về. Có lẽ tôi bị say nắng nên đầu ong ong như bầy ong vỡ tổ nên chẳng cần rửa ráy, nhét cái bao và thúng vao giỏ xe, vác trang lên vai đạp vội về nhà để uống ly nước chanh cho đỡ mệt. Tới gần giữa làng Tân Hưng thì một xe máy chạy tới rồi dừng lại. Cô gái xuống xe và bước ngược về phía tôi.
- Dạ cho em hỏi thăm... Trời! Thầy.Thầy còn nhớ em không?
Nói rồi em chụp tay tôi đầy bùn non. Tôi xuống xe.
- Làm sao thầy quên học trò mình được. Huyến mà.
- Thầy còn nhớ tên em sao?
- Nhớ chứ. Em đi đâu vậy?-
- Dạ đi đám cưới. Anh ơi lại đây!
- Chồng em phải không?
- Dạ
- Vậy là ước muốn của thầy không thành. Thầy xin lỗi không đến để chúc phúc em được.
- Thầy có lỗi gì đâu. Lỗi ở em.
Anh thanh niên tôi. Tôi cất tiếng:
- Chào em. Tôi là thầy giáo cũ của Huyến. Chúc mừng các em.
- Em chào thầy.
- Thầy Châu mà em từng kể anh nghe.
Một xe cộ bò chở rơm đang đi tới. Tôi bảo chồng Huyến:
- Em lại dắt xe vào để cộ nó mang.
Còn lại tôi và em Huyến đứng bên đường. Tôi gỡ tay em ra khỏi tay tôi rồi lấy cái mũ đang đội trên đầu lau bàn tay xinh xắn và trắng trẻo của em.
- Thầy xin lỗi vì làm tay em lấm bùn. Chạy một đoạn nữa là tới ngã ba sẽ gặp đám cưới. Vào rồi em xin nước rửa tay nhé. Thầy rất vui gặp lại em và chúc em luôn an vui. Em tới để chồng em chờ.
- Thầy ơi...!
- Đừng khóc! Khóc sẽ làm trôi lớp trang điểm trên khuôn mặt xinh đẹp. Lòng thầy bao giờ cũng có hình ảnh của các em. Thôi em đi đi.
Huyến lên xe và luôn ngoái đầu nhìn tôi. Tôi thấy mình xúc động và rưng rưng vì lớp học trò đầu tiên đã trưởng thành. Tôi móc thuốc lá ra hút. Thuốc hôm nay sao ngon đến thế. Tôi mỉm cười vì lòng vui.
Kỉ niệm năm học đầu tiên 1978-1979.
C.Đ
CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com
Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)