Nhà văn Nguyễn Thị Mây
- Con khốn nạn! Nó hại tôi mà, đúng là thứ gái độc không con!
Thi đưa hai tay ôm lấy đầu. Anh không muốn nhìn thấy vợ nữa. Cô đang ngồi bó gối bên góc bếp, mắt nhìn trân trối cái bồ lúa. Mỗi lần bà Tư, mẹ Thi lặp lại câu mắng nhiếc, cô gục xuống, nước mắt ràn rụa. Nét hồng hào, xinh đẹp trên gương mặt đã biến mất, thay vào là làn da trắng bệch, thiếu sinh khí khiến Thi liên tưởng đến một xác chết. Cô lặng lẽ khóc. Cái vẻ chịu đựng khiến Thi nổi nóng. Anh đứng bật dậy. Tiếng khóc ngừng bặt. Cô hoảng hốt ngả nghiêng người ra sau để né tránh những cú đấm. Thi thét lên:
- Mầy sợ à! Nếu sợ mầy đâu hại mẹ tao!
Anh nghiến răng chỉ vào cái bồ lúa:
- Mầy thấy chưa? Mọi năm cũng với số tiền đó, chị tao vô “Sroc” cho vay bạc lúa thì cái bồ nầy đầy tràn. Còn tới phiên mầy, lúa chưa được nửa bồ. Mầy giấu đút tiền cho ai hả?
Tiếng khóc rấm rứt lại vang lên cùng với tiếng tru tréo của bà Tư:
- Đồ quỷ cái. Vậy mà tôi phải trầu cau tới rước nó chứ!
Thi thấy máu nóng lên, sôi sục rồi dâng thẳng lên đầu. Tóc anh dựng ngược. Anh xông tới, tay trái nắm tóc vợ, tay phải đấm điên cuồng vào mặt, vào ngực cô. Tiếng van xin rối rít khiến anh càng điên tiết, anh vừa đá vào vợ vừa gầm lên:
- Oan à..., oan à...!
Khi Thi dừng lại, cô đã bất tỉnh. Máu mũi trào ra, chảy dọc xuống miệng. Những vết đỏ bầm nổi lên cùng với đường xây xát dọc ngang khiến cho khuôn mặt cô hoàn toàn bị biến dạng. Bất giác Thi rùng mình. Anh ngồi phịch xuống cái giường cạnh đó thở dốc, bỏ mặc cho mẹ la hét:
- Con kia, làm bộ chết hả? Mau ôm quần áo ra khỏi nhà tao!
Lời xua đuổi như một thùng nước lạnh dội lên thân thể, cô choàng tỉnh, hớt hãi ngồi bật dậy nhìn ngơ ngác. Bà Tư nhảy tới kéo hai tay cô lôi xềnh xệch ra cửa. Những bộ đồ xanh đỏ nhầu nát bị ném theo sau rơi lả tả tựa những cánh bướm khổng lồ tan tác trước bão dông. Nắng chiều chấp chới đỗ xuống chiếc bóng gầy guộc. Như không chịu nổi gió lùa, cô gục xuống.
Khi Thi về tới, căn nhà đã trở thành một đống than hồng ngổn ngang. Mấy cây cộ chạm trổ tinh vi đã gãy gục. Chỗ đặt cái bồ lúa, mỗi lần có gió thổi qua, những hạt than còn nguyên dạng hạt lúa no tròn lại loé lên đỏ rực. Người quanh vùng đã bó tay vì nhà Thi cách rất xa nhà họ, lại bị những hàng cây cao che khuất. Tiếng cầu cứu của bà Tư không vang đến tai họ. Khi ngọn lửa lên tới nóc nhà thì đã muộn. Họ vất thùng gáo tứ tung để lo cứu tỉnh bà Tư. Bà đã ngất vì quá sợ hãi, nuối tiếc, ân hận. Tất cả chỉ vì sự hơ hỏng của bà.
Hôm sau, người trong Sroc đổ ra nườm nượp. Đàn bà gánh gạo, gánh vịt. Con nít bưng rau đắng, rau muống. Đàn ông đẩy những chiếc xe bò chất đầy tre lá, họ đến thẳng nhà Thi.
Dưới sự điều khiển của một ông cụ, họ bắt tay ngay vào việc thu dọn căn nhà cháy. Xong, họ cất lại trên nền cũ ngôi nhà mới. Suốt buổi, bà Tư và chị của Thi chỉ còn biết chạy ra, chạy vô với những tiếng “cảm ơn” không ngừng. Y như hai con két đang tập nói.
Khi mọi người quây quần ăn trưa, Thi đứng lên, nghẹn ngào:
- Tôi không biết nói sao cho hết lòng biết ơn của gia đình tôi đối với bà con trong “Sroc” nữa!
Ông cụ kéo Thi ngồi xuống bên cạnh:
- Xin cậu Út đừng bận tâm. Chúng tôi chỉ muốn đền đáp lòng tốt của bà Tư đối với người trong Sroc.
Bà Tư ngạc nhiên hỏi:
- Tôi có làm gì tốt cho ai đâu?
- Chắc tại bà lo lắng quá nên quên đó thôi. Chứ tụi tui bao giờ cũng nhớ. Hồi tháng ba, lúa thất trắng. Mợ Út vào Sroc cho vay bạc lúa có nói bà Tư dặn từng tính tiền lời của ai hết. Bà còn bảo mợ Út đem quần áo, thuốc men cho con cháu chúng tôi. Bà tốt với chúng tôi nên chúng tôi cũng phải giúp lại bà trong lúc hoạn nạn thì ông trời mới cho lúa đầy bồ chứ. Nếu trước đây con cháu chúng tôi có nói xấu bà thì xin bà bỏ qua cho. Tụi nó ân hận lắm rồi.
Một chị người trong Sroc tò mò hỏi:
- Mợ Út đâu sao không thấy vậy cậu?
Thi nghẹn ngào:
- Đi mất rồi!
- Trời đất! Sao dại quá! Bà Tư tốt bụng, nhân đức như vậy còn đi kiếm ai nữa?
“Nhân đức - tốt bụng”, những tiếng đó như ngọn lửa hôm nào bỗng dưng bừng lên dữ dội, thiêu đốt lòng Thi. Đúng rồi! Cô ấy đã đi mất sau khi dùng số tiền của bà Tư, mẹ anh để đánh đổi tiếng chửi “đồ bạc ác” , “đồ cắt cổ mổ họng người nghèo” thành ra “nhân đức, tốt bụng” cho gia đình chồng.
Căn nhà cất xong, chị Thi phải xin phép gia đình bên chồng về chăm sóc người mẹ đau yếu. Còn Thi, anh đã ra đi biền biệt. Người trong Sroc lại ra sức tìm anh cho gia đình. Nhưng bà Tư hiểu rõ hơn ai hết là Thi không bao giờ trở về nhà nữa. Và chị Thi phải đem cho cái bồ lúa mới mua. Vì mỗi lần trông thấy nó, bà Tư thét lên: “Tại nó! Tại nó!”. Rồi ngã ra bất tỉnh.
N.T.M