MÊNH MÔNG - Thơ Nguyễn Văn Ân

                                      Nguyễn Văn Ân 
RU EM NGÀY XANH

Ru em mềm câu vọng cổ
Giai điệu trầm lắng du dương
Dòng sông mênh mông từ độ
Lau sậy tóc gió tha phương
Ru em chồi non lộc biếc
Khi tình chín đỏ trên cây
Suối thơ trong veo tinh khiết
Mầm yêu mềm mại tròn đầy
Ru em đôi tà áo mỏng
Dây tình kết dính hương hoa
Bài toán nhân, chia, trừ, cộng
Ta tìm đáp số ngày qua
Ru em xô bồ thật giả
Chen chân đốt lửa chân đồi 
Mặt trời như người khách lạ
Trăm ngàn giọt nắng đánh rơi
Ru em bốn mùa thay lá
Giao hòa trời đất hôn nhau
Gom trang thơ tình môi lạ
Về khơi vết mực không màu


NHẶT

Nhặt đôi ba chữ i tờ
Nhặt câu lục bát ngẩn ngơ đầu ngày
Nhặt đi giọt nắng liêu trai
Nhặt trăm ngọn gió múa may bên đời
Nhặt sương mỏng mảnh vỡ đôi
Nhặt dòng lưu bút ai phơi dáng chiều?
Nhặt mây làm gối tay yêu
Nhặt dòng nước chảy thủy triều trào dâng
Nhặt bờ cát trắng trong ngần
Nhặt mùa mật ngọt gieo vần cho thơ
Nhặt cay và đắng đang mơ
Nhặt màu mắt biếc bây giờ về đâu?
Nhặt câu hoang dại tím sầu
Nhặt câu nhân nghĩa về sau tôn thờ
Nhặt câu ân ái đang chờ
Nhặt câu vọng cổ bên bờ tháng năm


NHỮNG BÀI THƠ XUÂN

Những bài thơ xuân, anh viết
Ngồn ngộn một mùa lá hoa
Trăm con én bay biền biệt
Vạt tóc nào xa, thật xa?
Những bài thơ xuân dậy sóng
Sỏi đá bỗng mềm dưới chân
Có một trái tim bé bỏng
Phù sa màu mỡ phong trần
Những bài thơ xuân nhen nhóm
Lửa lòng cháy đỏ từng trang
Những đêm lập lòe đom đóm
Bờ tre, bờ chuối, lệ tràn
Những bài thơ xuân, mọc cánh
Êm đềm giai điệu dân ca
Sương khuya rơi rơi oán trách
Đời người tựa như chuyến phà
Những bài thơ xuân, dan díu
Đường tơ kẽ tóc nhuốm sầu
Bàn tay của ai còn níu?
Một vầng trăng mọc ngõ sâu
Những bài thơ xuân muôn điệu
Chắt lọc, từ ngữ, thanh âm
Gieo vần nôm na dễ hiểu
Thương ai gánh hết nhọc nhằn?

N.V.Â
Read more…

TÂY SƠN BI HÙNG TRUYỆN (Chương 10) - Tiểu thuyết lịch sử của Lê Đình Danh


Nên nghĩa vợ chồng, Diệu Xuân hết lòng vì chúa
Bày trận thủy hỏa, Nguyễn Huệ diệu kế dụng binh.

*    *    *

 Nói về Tôn Thất Hương sai con là Tôn Thất Chính đem năm ngàn quân đi tiên phong vượt đèo Thạch Tân đánh quân Tây Sơn, tự mình dẫn đại quân đi sau tiếp ứng. Đạo quân tiên phong Tôn Thất Chính đi đến đâu quân Tây Sơn lui đến đấy. Tiến một mạch đến chân núi Bích Kê thấy núi non trùng điệp cây cỏ um tùm. Chính sợ phục binh bèn đóng đồn cách núi Bích kê hai mươi dặm chờ đại binh trợ chiến. Tôn Thất Hương dẫn đại binh đến nói:
- Giặc không đánh trận nào mà chỉ lui quân. Chúng muốn bảo toàn lực lượng dụ ta vào eo núi này mà đánh. Kể ra cũng lắm mưu nhiều kế, nhưng lừa ta sao được.
Vừa nói dứt lời bỗng nghe tiếng trống dập dồn, tiếng quân hò reo vang trời dậy đất, quân Tây Sơn từ trong núi xông ra. Đi đầu là hai viên tướng đầu đội mũ lông thú, mình mặc giáp trụ uy nghi, toàn quân đều mặc áo đỏ, ào ào xông đến. Tôn Thất Hương sai quân dàn trận sẵn sàng đợi địch. Hai bên giáp chiến, chém giết rất hăng. Tôn Thất Hương thấy quân Tây Sơn dũng mãnh, tiền quân mình đã núng thế liền sai con là Tôn Thất Đính chia hậu quân làm hai cánh tiến lên đánh vào hai bên sườn địch. Vũ Văn Nhậm trông thấy liền đánh trống thu quân. Quân Tây Sơn làm như hỗn loạn theo đường đèo mà chạy. Tôn Thất Chính xua tiền quân đuổi tràn theo. Bỗng nghe chuông thu quân, Chính liền quay ngựa lại hỏi:
- Thưa cha! Sao không nhân lúc thắng trận đuổi theo giặc đánh giết một trận rồi chiếm lại thành Quy Nhơn?
Tôn Thất Hương nói:
- Con còn nhỏ chưa từng xông pha trận mạc nên không biết đấy thôi. Hãy nhìn xem hai bên sườn núi có phục binh.
 Tôn Thất Đính ngơ ngác hỏi:
- Thưa cha, con có thấy phục binh nào đâu?
Tôn Thất Hương cười bảo:
- Nếu phục binh mà cho ta thấy thì sao gọi là phục  được. Hãy quan sát thiên nhiên để biết điều nhân sự. Ở cánh rừng hai bên sườn núi rộng chừng vài dặm chim chóc tự nhiên bay lên hàng đàn thì trong ấy chẳng phải là có phục binh đó ư !
Đính và Chính cùng nói:
- Cha liệu việc như thần. Giờ ta phải tính kế nào qua khỏi đèo này?
Hương đáp:
- Việc này ta đã có kế!
Nói xong bèn viết một phong thơ sai sứ giả đem trao cho Tây Sơn Nguyễn Nhạc, rồi kéo đại binh lui về đóng đồn ở phía nam sông Lại Dương.

*    *    *

Nguyễn Nhạc nhận thư Tôn Thất Hương bèn hội các tướng bàn việc quân. Nhạc nói:
- Tôn Thất Hương biết kế mai phục của ta nên không đuổi theo tiền quân Nhậm và Dũng. Nay lại cho người đưa thư nói rằng: “Quân ta khởi binh  tôn phò Hoàng Tôn Dương là thuận lòng trời hợp lòng người, hắn bất đắc dĩ nghe lệnh tổng trấn Quảng Nam dinh là Nguyễn Phúc Nghiêm nên phải đem quân chinh chiến chứ lòng chẳng muốn. Nguyễn Phúc Nghiêm rất thích ăn thú rừng, trong dinh lúc nào cũng nuôi vài mươi con để dùng dần. Nay nếu quân ta nộp cho hắn nai hươu, lợn rừng, mang mển, dê rừng mỗi thứ hai mươi con, cả thảy một trăm con còn sống. Hắn sẽ đem dâng cho trấn thủ Quảng Nam Nguyễn Phúc Nghiêm, rồi lựa lời ngon ngọt để Nghiêm đừng hối thúc việc quân, ấy là kế hoãn binh. Sau đó hắn sẽ sai người tâm phúc ra kinh thành mật báo với Hoàng Tôn Nguyễn Phúc Dương bỏ kinh thành vào với quân ta để đánh đổ Trương Phúc Loan. Không biết những lời ấy là thật hay có ẩn ý gì? 
Nhạc nói xong có quân thám mã về báo:
- Địch lui về mười dặm đóng quân ở phía Nam sông Lại Dương.
Quân sư Trương Văn Hiến cười rằng:
- Tôn Thất Hương quả nhiên trí dũng hơn người, lại rất rành binh pháp. Nay đang là mùa hè nóng nực gió Nam thổi mạnh khí hậu khô rốc, nên hắn lui về đóng quân gần sông Lại Dương để nhờ hơi nước ẩm mát giữ gìn sức khỏe tướng sĩ và tránh xa núi này để dễ đề phòng quân ta tập kích, đồng thời cho ta tin rằng hắn có thiện ý như đã viết trong thư, người như thế thật đáng là danh tướng.
Nguyễn Nhạc nghi ngờ hỏi:
- Quân sư nói vậy có nghĩa là hắn có mẹo gì ư?
Hiến trầm ngâm đáp:
- Núi rừng mùa khô rất dễ bị địch dùng hỏa công mà đốt. Nhưng quân triều đóng ở phía bắc, mà gió Nam đang thổi ngược ra, nên Tôn Thất Hương không thể dùng hỏa công đốt núi. Nay nếu ta nộp đủ trăm con thú hắn sẽ cho đại quân tiến sát rừng rồi bất ngờ thả thú có mang lửa và chất dẫn hỏa trên mình. Thú rừng tất sẽ chạy vào rừng. Ấy là không thuận gió mà vẫn có thể dùng dược hỏa công. Khi ấy ắt là phục binh của ta sẽ làm mồi cho lửa.
Nguyễn Nhạc giật mình hỏi:
- Tôn Thất Hương quả nhiên lợi hại. Nếu ta không nộp thú cho hắn thì hắn làm thế nào?
Hiến đáp:
           - Hắn tiên liệu rằng nếu ta không nộp thú ắt phải hẹn ngày để dùng kế hoãn binh. Ấy là hắn dùng kế hoãn binh của ta để làm kế hoãn binh của hắn. Rồi nhân lúc ta không đề phòng, hắn chia quân dùng thuyền nhỏ ra cửa biển An Dũ vượt qua núi Bích Kê vào cửa biển đầm Đạm Thủy rồi đổ bộ đánh vào sau lưng ta. Khi ấy hắn phóng hỏa đốt núi thì quân ta nguy mất.
       Hiến vừa dứt lời, viên tiểu tướng vào báo:
- Bẩm chủ trại, có hai viên tướng người Tàu tên là Lý Tài và Tập Đình đem quân vào cửa biển Đạm Thủy xin nương nhờ quân ta và xin lương thực. Tướng quân Nguyễn Văn Tuyết không dám quyết nên sai thần đến đây xin lệnh trại chủ.
Nguyễn Nhạc hỏi:
- Hai viên tướng ấy hiện ở đâu?
Tiểu tướng đáp:
- Một người theo thần đến đây đang chờ ngoài doanh trại.
Nhạc liền cho mời vào hỏi:
- Chẳng hay tướng quân là người ở phương nào vì sao phải đến đây nương nhờ Tây Sơn ta?
Người ấy đáp:
- Tôi tên Lý Tài và người em kết nghĩa tên Tập Đình quê ở Quảng Đông nguyên là thuộc tướng của nhà Minh. Chúng tôi dấy binh phản Thanh phục Minh, nên bị quân Thanh đánh đuổi, không còn đất dung thân phải theo đường bể chạy vào đây. Hiện nay quân lương hết sạch xin chúa công thương tình cho mảnh đất dung thân, cấp lương thảo qua cơn hoạn nạn. Nếu có gì sai bảo anh em tôi xin đem thân khuyển mã báo đền.
Nói xong khóc lạy. Nhạc động lòng nói: 
- Việc ấy đối với ta chẳng khó gì. Nhưng từ Quảng Đông Mãn Thanh đến đây đường xa hàng vạn dặm, sao tướng quân không vào Bắc Hà xin nương nhờ chúa Trịnh mà phải vượt sóng gió đến nơi này?
Lý Tài gạt nước mắt đáp:
- Ở Bắc Hà vua Lê chúa Trịnh đang chịu thụ phong và nộp cống cho nhà Thanh. Nếu tôi vào đất ấy thì có khác gì làm mồi cho kẻ muốn tâng công. Trên đường đi có ghé vào Phú Xuân thì bị quân chúa Nguyễn đánh đuổi bảo tôi là cướp bể. Rồi cứ thế đi lần vào Nam. Hôm tháng trước tình cờ gặp một toán quan quân đi thuyền ra Phú Xuân. Hỏi ra mới biết đó là quan trấn thủ thành Quy Nhơn bị Chúa Công đánh đuổi. Tôi trộm nghĩ Chúa Công vì dân nghèo dấy nghĩa ắt thương kẻ cùng đường; vả lại, không lệ thuộc người nào ắt là nương nhờ được. Nên mới mạo muội đến đây xin Chúa Công mở lượng hải hà.
Nói xong lại khóc lạy. Nguyễn Nhạc cảm động đỡ Lý Tài dậy hỏi:
- Tướng quân hiện có bao nhiêu quân, đang đồn trú ở đâu?
Lý Tài đáp:
- Tôi hiện còn một ngàn quân và năm mươi chiếc thuyền, hết lương nên cho thuyền vào cửa bể Đạm Thủy. Tướng quân Nguyễn Văn Tuyết đem quân ra đánh. Tôi treo cờ trắng và bỏ khí giới. Tuyết tướng quân cho đóng tạm trong đầm Đạm Thủy.
Nhạc quay sang hỏi Trương Văn Hiến:
- Ý quân sư thế nào?
Văn Hiến đáp:
- Thấy người cùng đường không cứu thì đâu phải là chính nghĩa. Xin trại chủ cấp cho họ một ngàn hộc thóc. Khi có việc cần nhờ họ giúp một tay. Ấy là cả hai cùng có lợi vậy.
Nhạc nghe lời, nói với Lý Tài:
            - Tướng quân hãy quay về tạm neo thuyền trong đầm Đạm Thủy, ta sẽ sai người vận tải lương thực, và lệnh cho Tuyết tướng quân trả khí giới cho binh sĩ của tướng quân. Hiện nay quân ta đang chống nhau với binh triều Nguyễn. Tướng quân cứ nghỉ cho khỏe, khi cần có thể vì ta mà giúp một tay chăng?
Lý Tài mừng rỡ lạy tạ ơn:
- Ơn sâu của Chúa Công nguyện kết cỏ ngậm vành. Dù nhảy vào dầu sôi lửa bỏng quyết chẳng từ nan. 
Nói rồi lạy tạ ra đi. Võ Đình Tú đứng lên nói:
- Thưa trại chủ, tôi thấy người này mắt lươn, môi mỏng, mũi thời nhọn, mà nhân trung thời ngắn ắt không phải người ngay. Xin trại chủ chớ khá tin dùng.
Văn Hiến cười khen Đình Tú:
- Đình Tú tuổi còn nhỏ mà biết xem tướng nhìn người quả có mắt tinh đời. Ta cũng biết thế nhưng cứ đem ân đức mà cảm hóa ấy chẳng phải là con đường nhân đạo hay sao? Nếu về sau ăn ở hai lòng ta sẽ liệu sau, Đình Tú đừng ngại. Bây giờ trại chủ hãy đưa thư hẹn Tôn Thất Hương trong nữa tháng nộp đủ số thú rồi kíp sai người triệu Nguyễn Huệ đem quân hợp sức định ngày phá địch.

*    *    *

Nói về Nguyễn Huệ sau khi lấy thành Quy Nhơn vâng mệnh anh về Tây Sơn Thượng cùng nữ tướng Bùi Thị Xuân dời trại luyện binh xuống miền Tây Sơn Hạ. Trần Quang Diệu đem năm trăm quân đến gia nhập nghĩa quân. Diệu nói:
- Tôi vâng lệnh tướng quân đem quân bản bộ mở đường thượng đạo. Tôi theo lối mòn của người Thượng thông thương với nhau, nên đường núi này trong có thể vào đến Bình Thuận, ngoài có thể ra tới Nghệ An. Nay việc đã xong đem quân về phục mệnh. 
Nguyễn Huệ mừng rỡ vỗ vai Diệu khen:
- Tướng quân thật là bậc kỳ tài trong thiên hạ. Mở được con đường này coi như ta đã hoàn thành một nửa sứ mệnh đập đổ hai nhà Trịnh, Nguyễn, xóa bỏ ranh giới Linh Giang, đem giang sơn về một mối, mang lại thái bình cho trăm họ rồi vậy. Nay quân ta chiếm thành Quy Nhơn, đang tiến ra thu phục hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn. Tôi vâng lệnh đại huynh dời doanh trại xuống miền Tây Sơn Hạ để huấn luyện tân binh. Tôi và cô Xuân phải gấp đi ngay, phiền tướng quân tạm ở lại đây chờ người Thượng mang voi đến nộp, rồi xuống hội quân ở Tây Sơn Hạ. Chẳng hay tướng quân có vui lòng chăng?
Trần Quang Diệu khẳng khái đáp:
- Đã là việc quân thì phải gạt bỏ tình riêng sao tướng quân lại hỏi vui hay không vui.
Nguyện Huệ vờ hỏi:
- Sao tướng quân lại nói là gạt bỏ tình riêng? Có phải tướng quân còn phu nhân ở quê quán hay chăng?
Diệu thành thật đáp:
- Tôi chưa gặp được ý trung nhân nên chưa thành gia thất.
Huệ lại quay sang Bùi Thị Xuân hỏi:
- Còn cô Xuân quê nhà ở Tây Sơn Hạ, lâu nay vì việc quân mà phải xa nơi chôn nhau cắt rốn. Nay được về nơi ấy nên vui mới phải, sao nét mặt lại ưu phiền như thế?
Bùi Thị Xuân ngập ngừng đáp:
- Tôi lâu nay huấn luyện tượng binh ở nơi này có đôi phần quen người quen cảnh. Nay ra đi cũng ít nhiều lưu luyến vài kỷ niệm mà thôi. 
Huệ bật cười ha hả hỏi:
- Có phải kỷ niệm xạ tiễn giết hổ cứu người không?
Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân cùng thẹn thùng cúi mặt. Nguyễn Huệ cầm tay Diệu và Xuân nói:
- Nỗi lòng của hai ngươi ta đã rõ. Nếu ta không làm cầu ô thước thì biết bao giờ Ngưu Lang, Chức Nữ mới gặp được nhau đây? Thôi tướng quân hãy cùng theo về Tây Sơn Hạ, ta sẽ xin phép Bùi ông tác hợp cho hai người. 
Quang Diệu ái ngại hỏi:
- Vậy còn việc nhận voi của người Thượng phải tính thế nào? 
Huệ cười đáp:
- Lão làng tự khắc sai người mang về Tây Sơn Hạ. Lúc nãy ta nói thế là lập mưu cho rõ lòng hai vị mà thôi.
Diệu và Xuân đồng thanh nói:
- Đa tạ tướng quân thương tình tác hợp. 
Về đến Tây Sơn Hạ, Huệ đứng ra chủ hôn cử hành hôn lễ cho Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân. Việc vừa xong có sứ giả đến đưa thư của Nguyễn Nhạc. Nguyễn Huệ mời Trần Quang Diệu và Bùi Thị Xuân đến giở bản đồ ra nói:
- Tổng binh Quảng Nam dinh là Tôn Thất Hương đem ba vạn quân vào đóng ở phía nam sông Lại Dương. Đại huynh cùng quân sư đem toàn quân trong thành Quy Nhơn hợp với quân Nhậm và Dũng đóng tại núi Lại Khánh và núi Bích Kê chận địch. Đại huynh bảo ta kíp đem quân hợp sức phá giặc. Nay hai người mới nên duyên gia ngẫu, vì việc quân khẩn cấp ta có việc muốn nhờ Diệu, trong lòng ái ngại lắm thay.
Diệu vòng tay nói:
- Tôi đã thưa với tướng quân, vì việc quân phải gạt bỏ tình riêng. Xin tướng quân xuống lệnh, tôi dù phải phơi gan trải mật chẳng dám chối từ. 
Huệ chỉ vào bản đồ nói:
- Phiền tướng quân đem năm trăm quân bản bộ ngược theo đường thượng đạo ra huyện Bồng Sơn đến thượng nguồn sông Lại Dương đắp đập chặn nước rồi đốn cây thả ở trên đập. Chờ khi nào thấy lửa cháy, nghe tiếng súng nổ ở hạ lưu Lại Dương Giang thì sai quân phá đập. Ta muốn mượn dòng nước này chặn đường lui quân của binh Nguyễn triều. Còn cô Xuân ở lại giữ doanh trại, huấn luyện tượng binh. Ta kíp đem quân hợp sức với đại huynh phá địch.

*    *    *

Nguyễn Huệ dẫn quân đến phía nam núi Bích Kê và núi Lại Khánh, quân Tây Sơn trông thấy hô vang:
- Tướng quân Nguyễn Huệ đến, lo gì giặc chẳng tan.
Nguyễn Nhạc ở trong doanh trại nghe tiếng ồn ào liền hỏi:
- Ngoài kia có việc gì mà binh sĩ náo động thế?
Quân canh đáp:
- Thưa trại chủ, tướng quân Nguyễn Huệ dẫn quân về, tướng sĩ trông thấy mừng rỡ hô vang rằng: Tướng quân Nguyễn Huệ đến lo gì giặc chẳng tan đấy ạ!
Nguyễn Nhạc liền cho triệu Nguyễn Huệ cùng các tướng họp bàn việc quân. Huệ quỳ tâu:
- Em vâng lệnh đại huynh đến phục mệnh. Nghe nói Tôn Thất Hương đem đại binh đóng ở phía nam sông Lại Dương. Thưa đại huynh việc ấy có không?
Nguyễn Nhạc chưa kịp trả lời. Vũ văn Dũng bước ra nói:
- Đúng là như vậy. Lúc tôi cùng Vũ Văn Nhậm chiếm xong huyện Bồng Sơn, thì binh triều đem ba vạn quân vượt đèo Thạch Tân đánh xuống. Trại chủ lệnh cho tôi cùng Nhậm không được đánh mà cứ giả vờ sợ hãi chạy một mạch đến đây. Nay có sư huynh đến xin trại chủ cho chúng tôi cùng sư huynh ra huyết chiến một phen.
Nguyễn Huệ trấn an Văn Dũng:
          - Sư đệ đừng nên nóng nãy. Đại huynh và quân sư ắt có kế rồi đây.
      Rồi quay sang Hiến, Huệ hỏi:
- Nay kế phá giặc đại huynh và quân sư định liệu thế nào xin xuống lệnh, chúng tôi lập tức ra trận lập công.
Trương Văn Hiến trầm ngâm đáp:
- Tôn Thất Hương dùng kế hoãn binh bắt ta nộp cho hắn một trăm con thú, hắn sẽ lui binh. Ta sẽ tương kế tựu kế hẹn nữa tháng sẽ giao nộp đủ. Rồi lệnh cho Nguyễn Văn Tuyết cùng Lý Tài phục thủy binh ở cửa biển đầm Đạm Thủy, nhất định hắn sẽ chia quân đi đường thủy vào cửa bể này đánh sau lưng doanh trại của ta. Đợi khi Tuyết phá địch ở đầm Đạm Thủy xong, đại binh của ta sẽ đánh vào đại bản doanh của chúng bên bờ sông Lại Dương, thì việc đuổi chúng ra khỏi đèo Thạch Tân nào có khó gì.
Nghe xong Nguyễn Huệ tâu:
- Đại huynh đưa thư hẹn với hắn cứ một ngày nộp mười con, trong mười ngày sẽ nộp đủ số thú rừng, để hắn khinh thường là ta đã trúng kế của hắn. Sau ba ngày tôi xin đem năm ngàn quân làm tiên phong đánh giặc. Nếu không phá được binh triều xin về đây chịu chém đầu theo tướng lệnh.
Nguyễn Nhạc nổi giận vỗ án quát:
- Ngươi là đứa con nít cứ cậy khỏe nói càn, quân ta một vạn chưa dám ra giữa chiến trường đánh nhau với ba vạn quân địch. Cái đầu ngươi nào có sá gì. Nhưng còn tính mạng năm ngàn quân của ta thì sao?
Văn Hiến đứng dậy can rằng:
- Xin trại chủ bớt giận. Huệ nói vậy ắt là có kế sách. Rồi quay sang hỏi Huệ: - Con định đánh thế nào mà năm ngàn quân có thể phá được ba vạn quân của địch?
Huệ quỳ tâu:
          - Thưa thầy, con sẽ cho quân đối mặt giáp chiến với binh triều.
          Nói vừa dứt lời, Trương Văn Hiến lắc đầu, các tướng Nhậm, Dũng, Tú đều ngơ ngác nhìn nhau. Nguyễn Nhạc thấy thế lại vỗ án hét lớn:
- Sức ngươi đã bạc sơn, cử đảnh như Hạng Võ ngày xưa chưa mà cậy khỏe ngông cuồng?
Nguyễn Huệ sợ hãi quỳ lạy:
- Em chưa hết lời xin đại huynh bớt giận, nguyên là nhờ hồng phúc của đại huynh, em vừa chế được một thứ binh khí một quân ta có thể đánh được mười quân địch.
Nguyễn Nhạc nghi ngờ hỏi:
- Thứ vũ khí nào mà lợi hại thế? Nếu còn nói càn ta quyết trị tội không tha! 
Nguyễn Huệ vội gọi quân mang vào một cây sắt vừa vặn tay cầm, dài chừng hai thước. Huệ cầm lên nói:
 - Đây là cái ống bằng đồng, rỗng ở bên trong, có hai khoen dùng để gắn một cây đuốc ở ngay miệng ống. Trong ống đựng đầy một thứ nhựa cây, khi ra trận chỉ cần cầm ống này vung về phía địch, nhựa trong ống văng ra, gặp lửa ở miệng ống lặp tức bốc cháy. Giặc bị phỏng tất phải quăng gươm mà chạy. Thứ nhựa cây này văng đâu dính đó, phủi không rời, dập không tắt, sức nóng vô cùng tôi cùng ba quân gọi là hỏa hổ, xin đại huynh xem xét. 
Văn Hiến lấy làm lạ hỏi:
- Thứ hỏa hổ này cổ kim chưa từng nghe nói. Huệ lấy đâu ra nhựa cây ấy?
Nguyễn Nhạc cầm ống hỏa hổ săm soi nói:
- Thứ nhựa cây của người Thượng lấy ở trên rừng, ban đêm cần ánh sáng thì thay dầu mà đốt. Ta từng sống với người Thượng bao nhiêu năm mà chẳng nghĩ ra. Nguyễn Huệ quả nhiên là thần cơ diệu toán. Truyền quân chuẩn bị xuất quân. Phong Nguyễn Huệ làm tiên phong, Văn Dũng làm phó tướng đem năm ngàn quân đánh vào trại địch. Ta sẽ đem đại binh tiếp ứng. 
Nguyễn Huệ nói: 
         - Em đã cho bộ tướng là Trần Quang Diệu đem năm trăm quân chặng đường về của địch. Ba vạn quân triều không thể nào chạy khỏi Lại Dương Giang. Đại huynh kíp ra chiếu lệnh truyền Lý Tài và Tập Đình dẫn một ngàn binh bản bộ đem chiến thuyền vào cửa biển An Dũ rồi án binh bất động khi nào thất lửa cháy ở bờ phía nam sông Lại Dương thì đem quân theo bờ bắc bất ngờ đánh lấy đèo Thạch Tân, ắt là toàn thắng. 
Trương Văn Hiến xua tay nói:
- Tôn Thất Hương là đại tướng của chúa Nguyễn rất giỏi dụng binh, dù quân thua vẫn trật tự mà lui. Trần Quang Diệu đem năm trăm quân sao chận được đường về của ba vạn quân địch. 
Các tướng đều nói:
- Lời quân sư hữu lý.
Nguyễn Huệ giãi bày rằng:
- Tôi sai Trần Quang Diệu đem năm trăm quân lên thượng nguồn sông Lại Dương đắp đập chặn nước rồi đốn cây thả ở đầu dòng. Hẹn thấy lửa cháy ở hạ lưu sông Lại thì phá đập. Nước và cây gỗ sẽ đổ xuống như thác. Quân triều dù mọc cánh cũng không qua khỏi Lại Dương Giang.
Văn Hiến cười ngặt nghẽo:
          - Huệ ơi con đã tính nhầm rồi. Nay đang là mùa nắng hạn, sông Côn còn phải cạn trơ gò huống hồ là sông Lại Dương, thì nước đâu mà con đắp đập ngăn sông?
Nguyễn Huệ đáp:
- Thưa thầy, thông thường mùa này các sông đều khô cạn. Nhưng đặc biệt con sông Lại Dương  mùa mưa thì không bị lụt lớn, mùa nắng hạn nước vẫn tràn đầy. Bởi thế nhân dân trong phủ thường có câu hát rằng: “Nước Lại Dương mênh mang mùa nắng, dòng sông Côn lai láng mùa mưa”. Xin thầy cùng đại huynh an tâm, đánh trận này nếu có một tên quân Nguyễn triều qua được bờ bắc Lai Dương Giang, Huệ tôi xin về chịu tội. 
Trương Văn Hiến ngạc nhiên nói:  
- Trong cõi trời đất này lại có con sông lạ lùng thế sao? Nếu quả vậy là trời giúp ta rồi đó. Nguyễn Huệ biết dùng cỏ cây nước lửa thay cho quân lính thật tài năng hiếm có trên đời. Ta trước dạy binh thư võ nghệ cho Huệ, nhưng tùy cơ mà ứng dụng binh pháp cũng không bằng Huệ vậy. Tâu trại chủ cứ theo kế ấy mà làm, trận này nhất định bắt sống cha con Tôn Thất Hương.

(Hết chương 10) 
Read more…

TIẾNG CÁT GỌI MÙA SANG - Thơ Lê Thanh Hùng


Đưa em qua bến Hồng Phong

    “Gió đưa trăng, thì trăng đưa gió
      Trăng lặn rồi, gió biết đưa ai?”
Đưa ai qua, qua quãng vắng Dốc Dài (*)
Chiều chập choạng, truông Hòn Rơm, Suối Nước (*)
Trăng quạnh quẽ, trôi câu thề óng mượt
Sóng trở mình, ùa thức dậy sớm mai
*
Rừng thì Lớn (*), mà em sao bé nhỏ?
Trĩu nặng đường xa, quá khứ vội vàng!
Đời thiếu nữ đã qua vầng trăng tỏ
Vọng tiếng đời, tiếng cát gọi mùa sang
*
Năm tháng nào rơi dọc lối anh đi
Tàu thì Bể (*), mà em hiền như cát
Ai tuổi trẻ một thời, nghêu ngao hát
Đằng trước, đằng sau, dấu cát phẳng lì
*
Xẩm trắng, xẩm đen (*) mờ mịt một màu
Ai hay em? Biết sao mà không thấy?
“Hai mốt nước nằm, hai lăm nước dậy
Biết con nước nào ta lại gặp nhau…
                              *
Đưa ai qua, đường xa ngái dặm dài
Tình yêu mới, như một ngày đã cũ…
Trong vắt, nguyên sơ, triều dâng, bão lũ
Son sắt trên đường, ta bước tới ngày mai…

_____________
(*)  Tên địa danh ở xã Hồng Phong, Bắc Bình, Bình Thuận
- Chữ nghiêng: Ca dao


Qua bến Phan Rí

Giọt rơi, nắng treo ngang trời
Muộn rồi, năm tháng rối bời đếm đong
Hoàng hôn lạnh cả hư không
Chợt nghe tiếng sóng bến sông vọng về
 
           
 Điều gì?

Anh tiếc nuối và em nuối tiếc
Ngày tháng trôi, quá mộng chiều mưa
Nắng tháng sáu, cỏ non xanh biếc
Cỏ bây giờ hay cỏ ngày xưa?
                     *
Ta xa nhau, lý do gì đó
Trong một chiều xanh đẫm ước mơ
Con đường quen, ngập tràn nắng đổ
Cứ ngập ngừng, rối bước, qua bờ...
                     *
Em đã yêu người con trai khác
Rất dịu dàng... nhiều mặt hơn anh
Không bồng bột, long đong, phiêu dạt
Vậy điều gì? Réo mộng ngày xanh...
                     *
Vậy điều gì? vô tình gặp gỡ
Cứ long lanh mắt biếc dại khờ
Trong thẳm sâu, còn gì để nhớ
Một bến tình trống vắng, bơ vơ...
                     *
Anh đâu nói những lời xưa cũ
Chỉ nhìn thôi, đăm đắm nhìn thôi
Cười trong mắt, ngập ngừng ngoa dụ
Em bước qua, lưỡng lự dặm bồi...

L.T.H
Read more…

ỐC BIỂN - Tạp bút Trần Tâm



   - Ông ăn chán ốc bao giờ chưa? Rỗi rãi chiều nay đi với tôi!
        Danh chỉ vào mủng. Khoái quá, tôi gật đầu, cùng Danh lênh đênh trên vịnh Bái Tử Long.
- Trong các loài ốc biển, ông thích loại nào?
- Tôi có biết đâu. Tùy Danh thôi.
      - Kém nhất là ốc mút, ở sát bờ. Có nhiều loại: ốc rơm, ốc cỏ, ốc đá, ốc gai... Ốc mút tôi ăn từ bé, bẻ đít bằng đồng xu, bằng dao ghè, mút rát cả lưỡi. Giờ cao cấp rồi, thứ ấy dành nuôi vịt, chả ai ăn nữa. Ốc vôi xoàng, cay nồng, cũng ít người bắt. Các loại khác mỗi loại một cách làm, một cách ăn. Khi đã nhiều, đã no, người ta thích sang. Đều luộc cả nhưng luộc thế nào, với lá gì cho thơm, cho giòn là cả một công trình truyền đời. Tôi sẽ cho ông ăn để nhớ. Trước đây bạt ngàn san dã, vơ một lúc có hàng gánh. Giờ bắt phải tùy lúc, tùy nơi. Có nói, ông cũng quên. Phải đi, phải thấy, phải làm mới biết. Ốc thường ở nơi cát lẫn bùn. Nước lên to, ốc mới đi ăn và ẩn nấp khi nước xuống. Chậm như ốc nên bắt tốt nhất vào lúc ấy, chúng chưa kịp ẩn. Bắt ốc đêm nhiều hơn nhưng cũng mệt hơn bắt ban ngày. Ốc trên bãi đấy nhưng phải hiểu biết mới bắt được. Hàng trăm loài ốc. Sẵn như ốc điếu, ốc dỗ, ốc đỏ mồm... quý như ốc đĩa, ốc hương, ốc nhảy... to như ốc loa, ốc tù và... và nhỏ như ốc kim, ốc lộn hồn... Không phải loại ốc nào cũng ăn được. Ốc kim nhỏ như đầu đanh. Miệng vỏ lật ra hai mảnh màu vàng còn lớn hơn thân, vô tích sự. Ốc tôm do con tôm rụi kiếm vỏ ốc làm nhà, trốn tránh kẻ thù. Loại ấy chỉ dành cho các nhà khoa học nghiên cứu quy luật sinh thái. Chúng thường chạy bằng chân, kéo lê vỏ, thấy động thì rụt lại, cho vui bãi.
     Vừa khua mái chèo be bé như chiếc đũa cả đảo cơm trên bếp ăn khu tập thể, Danh thủng thẳng đưa tôi ra hang ông Thao. Gọi thế vì trước đây, hồi chiến tranh chống Giôn - xơn, gia đình ông sơ tán ở hang này. Tên ông thành tên hang từ đấy...
     Danh quăng neo, kéo tôi lên bãi:
- Bắt ngay!
    Danh thoăn thắt nhặt ốc sát mé nước. Tôi lập bập nhìn mãi, chú ý lắm mới thấy. Nước biển rút. Thoáng chốc, chiếc mủng đã nằm trơ trên doi cát lẫn bùn. Lúc đầu còn hăng hái, mê mải nhặt nhưng rồi mỏi lưng, tôi cùng Danh khiêng vào chân núi lưng rổ xề ốc. Ốc nhảy vỏ dày, to như quả cau, cái chén. Ốc hương nhỏ như ngón tay, ngón chân cái, có chấm hoa đẹp. Ốc đĩa có vằn vân xanh trong. Ốc dé tương tự như ốc đĩa nhưng màu nhạt, hình dáng xấu xí, không hấp dẫn bằng. Ốc dỗ sù sì những u lồi. Ốc vôi u gai còn gầy guộc, rõ rệt hơn. Danh xách can, tìm  vào khe lấy nước:
- Hết rồi! Giờ có cố bắt cũng vô ích.
    Danh xóc xóc, chọn ốc hương, ốc nhảy ra. Còn lại, Danh đổ một phần vào nồi gang cỡ bốn người ăn đã lót lớp lá bòng, đổ lưng bát con nước, bắc lên bếp vừa xếp bằng ba hòn đá làm đầu rau.
     Tôi ngạc nhiên lắm. Danh bảo:
     - Ốc luộc không cần hoặc cần rất ít nước.  Ông vơ vài cây củi, để mặc tôi.
     Danh gom tất cả số ốc nhảy, ốc hương cho vào bao tải. Được non nửa bao. Chỗ còn lại khoảng một rá đầy. Danh vo gạo, gạn nước vào:
     - Có giỏi, tối nay hai đứa cũng chỉ chén hết chỗ này thôi!
     Nồi ốc bắt đầu sôi. Hơi nước phả ra mùi lá bòng thơm quyến rũ. Danh bắc nồi ra, xóc xóc rồi lại đặt lên bếp:
     - Cho nó thơm đều.  Ông ăn nhớ lấy!
     Lát sau, Danh đổ ra rá. Chúng tôi khều, chấm tương ớt trộn gừng,  ăn trong ngùn ngụt hơi lá bòng.
     - Ốc đĩa là loại sang. Giờ hiếm rồi. Ngoài chợ cũng bán, toàn ốc dé. Hai loài ấy chắc có cùng cố nội. Ăn chấm nước mắm gừng, lá chanh thái chỉ, thịt giòn ngọt và thơm lắm. Ốc dỗ trước đây người ta không khêu, cứ dỗ dỗ vẩy vẩy cho ruột ốc ra, đưa vào miệng, nhằn nhằn bỏ vảy rồi mới nhai. Thịt nó đậm, dai, giòn, chấm tương ớt là đúng vị. Mải ăn thế nào cũng phải dành bụng mỗi đứa bát cơm. Bà tôi bảo cơm tẻ là mẹ ruột. Đừng quên nó vì không gì thay thế được.
     Ăn xong, chúng tôi lên mủng nằm dài, ngủ tới chạng vạng.
     - Tối nay khuya nước mới lên. Nếu một mình, tôi ở mủng, chuẩn bị đèn vợt để vớt mực hoặc soi cù kỳ nhưng có ông. Ông chưa quen thức đêm, vất vả lắm.  
     Tối hôm ấy, Danh đổ nốt chỗ ốc đĩa, ốc dé, ốc dỗ, ốc vôi... đã ngâm nước vo gạo vào nồi luộc. Chúng tôi ăn trong củi lửa bập bùng.
     - Ốc vôi bắt con to thôi. Nó có mẩu đầu, ăn ngon, dai sần sật nhưng ruột cay. Bắt con nhỏ về, người ta cười cho. Nó hay bám đá, ăn rều rác, bùn bọt ở đấy. Người sành ăn còn chê nó nồng nồng mùi vôi.
     Nước ào ào lên to. Đêm đã khuya. Sóng oàm oạp nâng mủng dập dềnh. Danh kéo neo, dong ra khỏi núi.
     - Ngủ ở đây, gió lớn. Muỗi dĩn không dám đến. Chẳng cần màn.
     - Còn đồ?
     - Không ai lấy mất đâu. Ở biển còn lo không giúp được nhau nhiều ấy chứ. Ngao ốc... con nào bò được thì bò. Chim trời cá biển không tham được. Tham thì thâm. Ông nghe chuyện lưới Thang chưa? Bà tôi ngày trước hay kể lắm.
     Ngày xưa, vua Thang đi vi hành. Qua một cánh rừng bắt gặp một kẻ giăng lưới bắt chim. Gã ta hát rằng: - Đông tây nam bắc - con dưới con trên - ba bề bốn bên - vào lưới tao cả. Vua nghe thấy thế, gọi anh ta lại: - Anh còn muốn làm nghề này nữa không? -“Cái nghề đã nuôi mấy đời chúng tôi rồi. Sao ông lại hỏi vậy?”. Nhà vua tươi cười nói với anh rằng: - Anh hát thế thì anh giết hết nòi giống còn đâu để chúng sinh sôi cho anh đánh lưới nữa”. “Tôi hát thế chỉ để đỡ vất vả chứ có mong ước gì chúng vào hết lưới mình?”. - Vậy tôi bày cho. Anh hát thế này: - Đông tây nam bắc - con thấp con cao - con nào muốn chết - hãy vào lưới tao. Hát thế chỉ mong con nào dại dột hãy bay vào lưới của mình thôi. Về sau, người ta dùng lưới Thang để nói lòng nhân ái, khoan dung, độ lượng.
     Danh cứ thủ thỉ kể. Tôi nằm nghe trên sóng dập dềnh không cần hỏi lại rồi ngủ mê mệt. Tỉnh dậy thấy mình nằm trong cái mủng trơ trên cát ướt. Danh đã đi từ bao giờ, khuân về lưng một rổ ghẹ, cù kì, cà khé.
     Hôm ấy, chúng tôi quanh quẩn quanh mủng bắt sá sùng, bàn mai, móng tay và ăn ốc. Danh chặt đít những con ốc dài như ngón tay vừa bắt, trộn gừng, tương ớt, bột canh, lá sả thái, xóc đều để quãng nửa giờ, đặt lên bếp, đốt lửa lom dom:
     - Đây là loài ốc kém. Làm thế này lâu công và ngon nhất. Tiếc rằng thiếu khế. Nếu ở nhà, khều ruột nấu với nụ hoa bí đỏ còn thơm và dậy mùi hơn. Các loài ốc biển thường rất bổ, ăn lâu tiêu nên gia vị phải nóng cay. Dân đảo thường truyền nhau cho đàn ông âm hư huyết tổn ở đất liền ra biển sống vài tháng. Gặp lại, cụ người ta gọi là ông, ông thành chú bác, chú bác thành anh không mất tiền thuốc.
     Tôi mút dễ dàng những con ốc điếu om không cần chấm. Ruột nhiều, dày ngon, không thể tả.
     - Cũng may, sáng dậy gặp ốc điếu chứ chả lẽ để ông ăn vọp xào. Ngon lắm nhưng không thích vì đã hứa cho ông ăn chán ốc. Chiều nay, ăn ốc nhảy, ốc hương mới ngon. Chú ý một chút thì ông biết. Ốc nhảy thường ở chỗ bùn pha cát. Ốc hương ở phần cát nhiều hơn. Có điều, cả hai đều ở nơi sạch sẽ, không nhiễm bẩn. Ốc hương thường bò ngang dọc bãi, gặp mỏ quạ, đồng đáo là nó cuộn mỏ quạ, đồng đáo vào vào lòng mình mút đến hết nước. Ngâm trong nước vo gạo một hai ngày, nó mới nhả hết bùn cát. Chỉ tiếc ta không tìm được ốc loa, ốc cu lơn, ốc tù và. Những loại ốc phải kéo chã đôi hoặc lặn bắt trong các giản. Giản là những doi cát ngập chìm trong nước. Trước đây sẵn. Những con to như cái chậu, cái nồi, cái bát, cái mũ ấy chứ. Ốc loa màu thiếc thẫm, miệng loe như cái loa. Ốc cu lơn màu hồng vàng có đầu lưỡi to, ăn giòn ngọt. Xưa ai bắt được nó phải chọn con to nhất, cắt phần đầu lưỡi mang biếu cụ lớn và các vị quan tước, chức sắc ở đảo. Sau này, người ta bỏ dấu, gọi là ốc cu lơn. Ốc tù và màu trắng xám, lấy ruột ăn. Vỏ làm tù và, thổi báo hiệu với tàu thuyền trên biển. Các loại ấy giờ đã hiếm, may mới gặp. Mấy hôm trước, tôi đã lặn, bắt một con, luộc hơn hai cân ruột. Loại ốc to ấy, thịt mịn như mỡ đông. Giòn thơm ngọt. Cứ thái mỏng ra, dầm khế gừng, xào giá đỗ, hành tây, khoai tây. Vỏ làm tù và, làm chậu cảnh. Bé hơn thì để bàn, chứa nước thải, làm cái gạt tàn...
     Nồi ốc nhảy, ốc hương ấy, tôi khiều chấm nước mắm gừng với vài lát chanh thái mỏng ăn đến no. Hương vị của nó thật khó quên. Ốc nhảy phần đầu giòn ngọt. Ốc hương trái lại, phần ruột ngon nhất trong các loài ốc biển. Theo lời Danh, tôi còn nướng ốc hương, ăn dẻo ngọt, thơm béo, ngậy bùi không thể lẫn.
     Tối hôm ấy nước lên. Biển nhấp nhóa đèn và ánh lửa chài. Danh dong mủng đưa tôi vào bến, bắt tôi vác lưng bao ốc hương, ốc nhảy về làm quà. Danh dặn tôi nói gì thì nói, kể với ai thì kể nhưng phải chân thành, không được bịa, kể cả với ý đồ tốt đẹp.
     Tôi chỉ còn biết khâm phục Danh.

T.T





Read more…

TRANG THƠ CHỦ NHẬT: EM TRẢ TÌNH TÔI MỘT ĐỜI - Thơ Vĩnh Tuy

                                      Vĩnh Tuy

RU ĐÊM

Ru đêm mấy nốt nhạc trầm
Hồn phiêu đến tận mấy tầng mơ xa
Lời nào ta hát
Ru ta?
Lời nào ta đã thật thà với đêm 
Ngoài hiên gió cũng thật êm 
Để tình trôi dạt về miền phai phôi
Bên thềm lá rụng
Bồi hồi . . .
Giữa khuya trăng cũng mồ côi
Rưng buồn!


NỢ

Nợ tôi
Nợ cả ngày xưa
Ai cầm cái tuổi đời chưa biết sầu
Mắt cười em rót vào đâu
Tình cờ tôi vấp 
Để rồi tôi say!
Mùa trôi
Qua kẽ bàn tay 
Nợ đời
Vay trả, trả vay bằng tình
Nợ tôi em vẫn lặng thinh
Để đêm ngái ngủ giật mình lá rơi. . .
Bây giờ tôi kẻ hám lời
Đợi em, em trả tình tôi một đời!



MÙA THIÊN SỨ 

Thu lưu luyến lúc cạn mùa thiên sứ 
Mắt lá vàng ươn ướt tiễn heo may
Ai đã vội tuôn nắng vàng đi giấu
Tiết giao mùa mưa lất phất mù khơi...
Chút ngơ ngác những ngày đầu hạ giới
Man mác buồn bên khóm cúc gầy khô
Khe khẽ chạm những bờ môi khô nẻ
Thu ngỡ ngàng hương hoa ngạt ngào xô!
Thu không tuổi, mãi hòa mình trong gió 
Mê say đùa cùng đám lá vàng khua
Mang hương sắc của một vòng tạo hóa 
Phiêu du khắp trời, xua hạ già nua. . .
Mùa thiên sứ, mãi quay vòng đắp đổi
Nắng rát lòng ngày khô hạn đi qua
Thu êm dịu xoa vết đời nứt nẻ
Đông sắp về, gột sạch những chiều loang
Rồi xuân đến cho đất trời rực rỡ
Mùa dậy thì chờ đợi chuyến đi hoang...


HƯƠNG DỪA

Tóc dài thoang thoảng hương dừa
Một chiều trên phố 
Say sưa 
Tôi nhìn!
Sao em ra phố một mình?
Để tôi ngây ngất bóng hình gái quê!
Ngỡ ngàng giữa những cơn mê 
Lắng nghe trong gió bốn bề ngát hương
Phải chăng mùi tóc còn vương?
Khi tôi ngơ ngẩn bên đường em qua
Thầm thương trộm nhớ loài hoa
Khiến tôi nửa tỉnh 
Nửa ngà ngà say. . . !


MIỀN NHỚ

Ta hốt hoảng khi buồn vui ngày hội ngộ sắp tàn 
Chẳng thể nhận ra 
dẫu biết em đang cố tình giấu ánh nhìn đâu đó 
Những lời trách cứ giận hờn hay chờ mong 
gói trong miền nhớ,
Lặng lẽ vơi dần khi từng phút trôi qua 
Em chắc vẫn là em của hôm qua 
Nhưng giờ những buồn vui đã thay màu áo mới
Sợi dây níu tình chới với, tự rơi buồn
dần bạc vết ngày qua. 
Ta hiểu rồi
mình ở rất gần nhưng lòng đã quá xa
Mỗi ngày ta xa là sợi dây 
nối dài thêm khoảng cách.
Trò chơi trốn tình
ai nỡ trách kẻ trượt chân!
Tiệc tan 
xa vẳng tiếng đùa vui,
Mặt trăng cười khuất dần trong màu tối. 
Đêm mở lối, tình về. . .
hun hút bóng nẻo đường côi!



NHẬT KÝ ĐÊM

Trăng nghiêng quá nửa triền đêm 
Sương khuya bàng bạc lạnh bềnh bồng trôi
Lim dim khúc hát lở bồi 
Sông mơ màng ngủ quên đời đục trong
Lạc bầy, con nhạn đa đoan
Gọi ngày khi mắt đêm còn khép mi
Bờ lau trắng gió nhẹ lay
Từng đàn cá quẫy đuôi say trăng tà
Ngày dần nhô phía núi xa
Cạn đêm vàng võ những bao la tình!

V.T

Read more…

ÁNG MÂY XANH BAY QUA THÀNH PHỐ - Truyện ngắn Sơn Trần

                                        Sơn Trần

     Thành về. Hơn 12 giờ. Tôi biết chính xác điều này khi kín đáo liếc nhìn màn hình điện thoại ném ở góc giường. Đêm nào cũng vậy, rất nhẹ nhàng, nó tụt giày xách tay, lách cửa vào phòng. Lúc này, Duy và Ninh đã buông mùng, chỉ còn tôi cố ngồi trông viết cho xong đoạn cuối cái truyện ngắn để kịp mai gởi báo. Thức khuya thế? Có gì mới đọc nghe đi! Thành giả lả khi biết tôi còn thức. Tôi ló đầu ra, thoái thác: Đâu có, viết thư xin tiền thôi! Nhắc đến tiền, hình như đối với sinh viên bọn tôi bao giờ cũng có hiệu ứng tức thời. Thành cười như mếu. Ừ, tao cũng sắp hết tiền rồi. Nói xong, Thành leo lên giường. Trông mặt nó buồn buồn làm sao ấy…
      Phòng có bốn thằng con trai năm thứ hai, tuổi sàn sàn nhau. Đều dân tỉnh lẻ vô thành phố học đại học. Bốn đứa không cùng quê. Chúng tôi gặp nhau ở bến xe, lúc xe vừa đỗ bến. Ở chốn lạ người đông trời lại sắp tối, đứa nào cũng lo lắng  đành líu ríu theo chân gã xe ôm về căn nhà trọ tồi tàn nằm trong con hẻm sâu ngoằn ngoèo này. Thoắt cái gần hết hai năm, chúng tôi dần thích nghi với cuộc sống xa nhà nhiều niềm vui nhưng cũng lắm nỗi buồn, cuối tháng thường trực nỗi lo ngay ngáy, hết tiền. Tôi biết nhà đứa nào cũng nghèo, để con được bước chân vào giảng đường  là cố gắng lớn của các bậc phụ huynh. Bố mẹ tôi cũng thế. Tôi là người duy nhất của dòng họ tính đến thời điểm này được vào đại học. Đi liền sau niềm vui, niềm tự hào là nỗi lo như màn sương phủ lên đôi mắt thâm quầng, trũng sâu của bố mẹ. Nhà nghèo, mẹ lại hay đau ốm. Miếng ăn cho cả gia đình đều trông vào vài sào ruộng và mảnh vườn chuyên trồng sắn. Mà thời tiết miền Trung quê tôi thất thường mưa nắng, có năm sắp vào vụ gặt, bão lũ tràn về, mất trắng. Chị tôi phải chạy chợ và đứa em gái mới lớn đành bỏ học theo bạn bè đi may. Tôi may mắn hơn vì là con trai, phải học hành đỗ đạt mở mặt mở mày cho gia đình, dòng họ. Cũng chính sứ mệnh thiêng liêng, nặng nề này, bố mẹ quyết định bán đi nửa mảnh vườn để tôi có tiền  nhập học. Khi biết điều này, tôi đã khóc, định buông xuôi trở về. Bạn bè động viên, an ủi, tôi dần nguôi ngoai và lao đầu vào học.
    Cũng như hầu hết sinh viên tỉnh lẻ xa nhà, chúng tôi đều đi làm thêm. Duy phục vụ bán thời gian cho một quán cà phê vườn. Ninh phụ bán hàng trái buổi học. Tôi thì khá hơn, dạy kèm Anh văn và tập tành sáng tác thơ truyện gởi báo. Còn Thành thì chịu. Nó làm gì không đứa nào biết. Chỉ thấy nó đi về thất thường, có hôm đang học bài nghe ai đó điện là đi. Có bữa nó ở đâu đó qua đêm, hôm sau mới mò về, ngủ mê mệt. Hỏi, nó chỉ ậm ừ, lảng tránh. Riết rồi cũng quen, không ai đá động gì nữa. Như tối nay về, nó lẳng lặng và tôi biết Duy và Ninh đều còn thức nhưng hai đứa không lên tiếng. Dẫu vậy, trong thâm tâm ai cũng mong Thành làm những việc đàng hoàng, lương thiện.
                                                  *

    Quán nằm sâu trong con hẻm rộng, không gian đẹp, thoáng mát lại sát bờ sông nên rất đông khách, nhiều khách sang. Nhìn những hàng xe đời mới, đắt tiền, dựng san sát, có cả xe con, thằng Duy huých tay, ngần ngại: Thôi, đứng ngoài cũng được... Thằng Ninh trố nhìn. Chẳng lẽ đã đến đây mà đứng ngoài nhìn thì làm sao biết được. Tôi giục:Vô đi, coi chừng nó thấy bây giờ. Dứt lời, tôi mạnh dạn bước. Duy và Ninh khép nép theo sau. Chọn bàn tít trong cùng, dưới tán cây mận vào mùa đơm bông trắng xoá. Ngồi đấy có thể bao quát xung quanh. Tôi đang loay hoay với menu mà cô bé phục vụ mang tới thì Ninh ghé sát vào tai: Nhìn kìa! Cả ba đồng loạt nhìn theo hướng chỉ của Ninh. Ở bàn mé trái quán, cạnh lối xuống bến sông, Thành đang ngồi với một người đàn ông khoảng chừng bốn mươi. Trông ông ta có vẻ giàu có qua bộ trang phục cùng mái tóc chải chuốt. Thành ngồi quay lưng phía chúng tôi. Nhìn điệu bộ và nét mặt người đàn ông, chúng tôi nhận định họ đang trao đổi một công việc gì đó liên quan đến tiền. Người đàn ông rút một xấp tiền đẩy về phía Thành, nó lắc đầu, lúng túng bưng lấy ly nước cam uống dở. Người đàn ông nài nỉ, vẻ căng thẳng lộ rõ, đôi môi như mím lại. Thành bỗng đứng dậy hướng về phòng vệ sinh. Chúng tôi lập tức quay về chỗ cũ, yên vị ngay ngắn. Bất ngờ, ba cặp mắt chạm nhau, những ánh nhìn khó hiểu giao cùng một điểm. Tôi lắc đầu. Ninh lắc đầu. Và Duy cũng vậy. Lúc này, ở bàn kia, người đàn ông cúi mặt, tay bóp cằm ra điều suy nghĩ. Rồi ông lấy điện thoại gọi cho ai đó. Gịong buồn bã: Chưa xong, có thể là khó. Nó không như mấy đứa trước đâu. Ừ, để tính lại đã. Trưa nay, dẫn nó đi sắm vài bộ cho tươm tất. Mà mọi việc vẫn tốt chứ? Thôi, cúp máy đây! Thành đã đứng trước mặt khi người đàn ông vừa nhét điện thoại vào túi quần. Ông nhìn Thành cười thân thiện. Họ nói với nhau mấy câu rồi rời khỏi quán. Chiếc xe màu đen bóng lộn từ từ chuyển bánh kéo theo sự ngạc nhiên đến nghi ngờ của ba đứa tôi.
      Tao đoán không sai mà. Cháy nhà ra mặt chuột. Nó đang làm một việc phi pháp hay ít ra cũng là... Duy tức giận chì chiết. Tôi thì không nghĩ vậy. Tính Thành trầm, ít nói nhưng sống rất chỉn chu, quan tâm đến mọi người. Là người nội tâm, Thành ít khi tâm sự với ai, cả chuyện bố nó ở quê bị tai nạn nó cũng giấu mọi người. Trong mấy đứa cùng phòng, Thành thân với tôi nhất. Nó hay kéo tôi ra quán nước đầu hẻm, chuyện của nó với tôi bao giờ cũng là cố gắng học tốt, ra trường có việc làm ổn định, mà phải ở lại thành phố, chứ về quê ngành học của nó không phù hợp lắm. Vò nát chiếc lá mận vừa rơi xuống chạm tay, mùi hăng nồng như thể đánh thức, khiến tôi cất lời: Mày đừng nói vậy. Nếu sự thật không phải thế thì có tội với nó. Tao… Không để tôi hết lời, Ninh bồi thêm, ôn tồn hơn: Nhưng dù sao sự giấu giếm của nó cũng khiến cho mình ngờ vực. Bạn bè cùng phòng  nhưng nó đã làm mình mất lòng tin. Tôi lắc đầu, đuối lý. Hai đứa nói nhiều lắm, điều ấy khiến tôi phải lục tung trí nhớ để xâu chuỗi những điều mà Thành từng nói với tôi về những chật vật, mưu sinh ở chốn phố phường đông đúc, đầy cảm bẫy này. Tôi nhớ có lần Thành hỏi: Nếu có một công việc ít ngưòi làm, đặc biệt là con trai, thì mày chịu làm không? Lúc nghe nó nói, tôi đã lờ mờ nghĩ đến những người phụ nữ cô đơn ngay trong sự tiện nghi, thừa mứa bạc tiền mà báo chí nói đến gần đây, cả những thanh niên thích đua đòi chưng diện đã đánh mất mình trong những cuộc tình không trong sáng. Như đọc được suy nghĩ của tôi, Thành cười, mặt dần đỏ lên: Đừng đen tối thế! Tôi cảm thấy xấu hổ khi đã để suy nghĩ của mình đi quá xa nên ngồi im. Kể từ đó, Thành ít tâm sự với tôi. 
                                                           *
    Thành lại đi. Người đàn ông hôm nọ đợi nó đầu hẻm. Lúc này Duy chưa về, chỉ có tôi và Ninh. Thành khoác túi lên vai, quay lại: Có lẽ tối nay tao không về, đừng đợi cửa. Tôi ừ, theo nó ra ngõ với mục đích nhìn rõ mặt người đàn ông. Nhưng ông ta không ra khỏi xe, chỉ đẩy cửa đủ cho Thành bước vào.                                                    
  Ninh lôi từ trong cặp tờ báo rồi ném về phía tôi. Cái gì thế? Tôi hỏi, nghĩ đến bài thơ của mình nằm trong đó. Không phải, đây là tờ báo của ngành công an. Thấy tôi còn chần chừ, Ninh giật phắt và mở ra, rất nhanh. Một câu chuyện về người đồng tính đập vào mắt tôi. Tôi à lên khi vỡ lẽ, thì ra cả Ninh và Duy đang nghĩ đến cái điều tệ hại nhưng rất tế nhị là Thành đang có quan hệ với người đàn ông nọ. Thực tình, có lúc tôi cũng nghĩ như hai đứa nhưng rồi chính những lần tâm sự trước đây của Thành khiến tôi gạt đi. Thành đã có người yêu, cô bạn học cùng lớp từ hồi còn ở quê. Hiện giờ đang học cao đẳng. Hai người thường gọi điện cho nhau, cuối tuần Thành hay lò dò ra quán nét, chát cùng người yêu. Với lại trong suốt thời gian ở chung, tôi chưa thấy ở Thành những biểu hiện bất thường liên quan đến giới tính. Nhưng tại sao Thành không thể nói với chúng tôi về công việc của mình nếu như công việc đấy là lương thiện? Cũng có thể Duy và Ninh nói đúng. Vì tiền con người ta có thể hành động thiếu suy nghĩ. Cũng có thể Thành đang đánh đổi, đang đánh mất mình cho mối quan hệ đầy mắc mứu này… Nếu thật như thế thì… Tôi không dám nghĩ nữa, ngước nhìn Ninh. Lúc này nó đang đứng bên cửa sổ nhìn vơ vẩn ra đường. Chắc nó cũng suy nghĩ nhiều lắm mới quyết định thông qua bài báo để ngầm nhắc tôi về Thành.
    Uả, cơm nước gì chưa mà đứng thần mặt như đưa đám thế! Duy ào vô phòng, liếng thoắng, trông nó vui lắm, chắc hôm nay nhận lương đây. Tôi ơ hờ nhìn nó. Còn Ninh lúc này đã leo lên giường kéo chăn trùm kín đầu. Gì nữa đây? Duy ngạc nhiên. Tôi không nói gì chỉ đẩy tờ báo về phía nó. Duy cầm lấy chăm chú đọc, không nói gì, vẻ mặt bần thần trông tội nghiêp. Mày thấy sao, liệu thằng Thành có rơi vào trường hợp này không? Tôi hỏi nhằm phá vỡ sự im lặng đang bao trùm, ngột ngạt. Duy lắc đầu: Tao cũng không biết nữa? Nghĩ đến nó, thấy mỏi mệt quá! Duy vừa dứt lời thì Ninh cũng tung chăn ngồi dậy vẻ tức giận: Tao cũng không chịu được nữa, sẽ dọn đi chỗ khác thôi. Tôi trấn an Ninh, dù biết là mình cũng không thể làm hạ được cơn giận của nó: Đừng vội vã thế, chỉ là suy đoán thôi mà, để tao trực tiếp nói chuyện với nó. Ninh xẳng giọng: Ừ, mày muốn làm gì cứ việc, bọn tao không muốn dây vào.  Ai có thân người ấy giữ. Ninh gay gắt, muốn kéo Duy cùng quan điểm với mình. Nó còn nói, hôm trước nó trông thấy hai người dắt vô cửa hàng xe máy nữa. Một kẻ vì tiền thực dụng như Thành không nên là bạn. Đến nước này tôi chỉ biết làm thinh và đi dọn chén. Hai đứa vẫn còn hậm hực, quạu quọ nhìn theo.
                                                                 *

      Đến ngày thứ hai Thành vẫn chưa về.Tôi đâm sốt ruột, gọi điện nhưng chỉ nhận tiếng tút dài đáp lại. Ninh thì vô kí túc xá chơi với bạn từ hôm qua. Mấy bữa nay thi học kì xong nên Duy làm thêm buổi sáng, có khi ở luôn tại quán. Mà nếu có hai đứa lúc này chắc cũng không giải quyết được gì. Mọi cố gắng để tìm hiểu Thành bị chính sự im lặng đến khó hiểu của nó phản lại. Buồn bã, mệt mỏi tôi định leo lên giường đánh một giấc thì điện thoại báo có cuộc gọi đến. Giọng đàn ông ấm, gọn vang lên: Em là bạn của Thành phải không? Hãy đến bệnh viện thành phố. Đêm qua Thành bị tai nạn, nặng lắm. Tôi chưa kip hỏi lại thì người đàn ông đã cúp máy. Tim tôi đập loạn xạ, cứ quanh quẩn mãi trong phòng như người mất phương hướng. Một lát sau, định thần lại, tôi gọi cho Ninh và Duy.
    Thành nằm thiêm thiếp trên chiếc giường trải grap trắng xoá, mùi ete thoang thoảng. Cô y tá vừa thay băng xong, lui ra miệng càu nhàu điều gì đó. Chúng tôi đứng yên không cất nổi lời. Phía đuôi giường người đàn ông cũng đang khoanh tay, hình như ông đã khóc. Không khí trong phòng trở nên u uất, khó thở. Nhìn Ninh và Duy, tôi đoán biết hai đứa cũng đang muốn nói một điều gì đó nhưng mở lời sao khó khăn quá. Tôi vội vàng bước ra ngoài, hòng xua tan cơn xúc động đang dâng lên bóp nghẹt cổ họng. Người đàn ông bước theo. Duy và Ninh cũng quày quả theo ra, mắt đứa nào cũng đỏ.
     Mấy em ngồi xuống đây, tôi có chuyện muốn nói. Người đàn ông cất lời. Cơn xúc động tựa hồ đang kéo đến làm giọng ông ướt sũng, run run. Và ông đã nói về Thành, về công việc Thành làm suốt mấy tháng nay. Ông là Việt kiều mới về nước vài năm nay vì mẹ ông đã già yếu lại hơi đãng trí. Ông cần người chăm sóc mẹ  một cách chu đáo. Ông đã gặp nhiều người nhưng không ai trụ  được đến tuần thứ hai. Bởi mẹ ông khó tính, già mà, hơn nữa việc chăm sóc người già cũng nhiêu khê, khó nói… Chỉ có Thành là mẹ ông ưa. Nó là đứa chịu khó và giàu lòng tự trọng. Tiền thì ông không thiếu, chỉ cần mẹ ông hưởng tuổi già yên ổn. Nhiều lúc, đi làm suốt ngày về nhà thấy cơm canh tươm tất, mẹ già vui vẻ, ông muốn thêm tiền cho Thành, nó đều thoái thác. Nó nói chỉ nhận số tiền đúng trong hợp đồng mà thôi… Ông còn nói nhiều nhưng lúc này cả Ninh và Duy không còn tâm trí để nghe nữa. Hai đứa quay mặt đi,vụng về lau nước mắt. Những giọt nước mắt  thương cảm hay ân hận vì đã nghĩ sai bạn mình? Tôi không biết nhưng tôi thấy ý nghĩa vô cùng. Bởi nó được chắt ra từ trái tim bè bạn, biết sẻ chia, đồng cảm.
      Đêm qua, người đàn ông tiếp tục nói, mẹ tôi thèm ăn cháo cá, nằng nặc đòi mua  bằng được. Thành có điện cho tôi, lúc này tôi đang bận tiếp đối tác ở nhà hàng, khó về đươc. Tôi bảo Thành lấy xe máy mà đi cho nhanh, chiếc xe tôi mua cho Thành nhưng Thành từ chối, vẫn để góc nhà. Vì chưa quen lại lúc đường cái đông đúc nên… Người đàn ông đưa tay quệt mắt, lắc đầu vẻ ân hận. Tôi nắm chặt tay ông định an ủi một lời thì tiếng cô y tá gọi, Thành đã tỉnh, mở mắt. Chúng tôi ùa vào. Thành hấp háy mắt, lộ vẻ ngạc nhiên. Người đàn ông mừng quá, rút điện thoại gọi về nhà. Cả tôi, Duy, Ninh đồng loạt nắm lấy tay Thành. Một dòng nước mắt nóng hổi từ từ lăn trên má nó. Lần đầu tiên tôi thấy Thành khóc. Ngoài ô cửa kính, những đám mây màu ngọc bích lặng lẽ, bình thản lướt qua thành phố ồn ào, náo nhiệt.

S.T

                                                                             
Read more…

TÂY SƠN BI HÙNG TRUYỆN (Chương 9) - Tiểu thuyết lịch sử của Lê Đình Danh



Bỏ tiểu tiết, Vũ Văn Dũng ra tài
Tham đại công, Chu Văn Tiếp ôm hận.

*    *    *

 Nói về Nguyễn Khắc Tuyên chỉ kịp dắt theo vài chục tên lính cận vệ ra cổng bắc thành Quy Nhơn mà chạy. Ngặt nỗi Khắc Tuyên thân hình mập béo ngựa nặng quá không chạy mau được. Một giờ đi được ba mươi dặm. Lại thêm trời nắng chang chang, đi đến trưa người ngựa đều mệt. Đến chân núi Bô Chinh Sơn, thấy cây cao bóng mát Khắc Tuyên hối quân xuống ngựa ngồi nghỉ mệt. Bỗng thấy trong núi một đoàn người ngựa kéo ra, đi đầu là năm viên dũng tướng. Khắc Tuyên hoảng sợ than:
- Sau lưng giặc đuổi, trước mặt cướp chặn đường về, bởi trước giờ ta giết người vô tội hà hiếp lương dân nên nay phải đền mạng ở nơi này. Ngựa đã đuối sức làm sao chạy kịp nữa.
Bỗng nghe một trong năm viên tướng ấy hỏi:
- Người ngồi ấy có phải là Tuần Vũ phủ Quy Nhơn là Nguyễn Khắc Tuyên chăng?
Khắc Tuyên thất sắc chối:
- Không phải! Tôi là dân trong thành Quy Nhơn. Thành bị quân cướp Tây Sơn Nguyễn Nhạc cướp nên  chúng tôi mới bỏ nhà chạy loạn đến đây.
Người kia ôn tồn nói:
- Tôi có nghe bá tánh bảo rằng Quan Tuần Vũ Phủ Quy Nhơn hình dung to lớn khác thường. Nay thấy người cốt cách sang trọng hơn kẻ bình thường thì chẳng phải là đại quan đó sao?
Khắc Tuyên ấp úng chưa biết làm thế nào thì người ấy nói tiếp:
- Xin đại quan chớ ngại. Tôi là Chu Đoan Chữ cùng các em của tôi là Chu Văn Tiếp, Chu Đoan Chân, Chu Đoan Hãn và Phạm Văn Sĩ  quê ở huyện Phù Ly tập hợp được năm trăm binh mã ở núi Bô Chinh Sơn định ngày đầu quân đánh thằng buôn trầu Nguyễn Nhạc. Nay nghe chúng cướp thành Quy Nhơn mới đem quân đến cứu mà thôi.
Khắc Tuyên lúc bấy giờ mới hoàn hồn mừng quá liền hỏi:
- Tôi chính là Tuần Vũ Nguyễn Khắc Tuyên. Thành Quy Nhơn bị chúng lấy mất. Lũ giặc sắp sửa đuổi đến đây vậy phải làm sao?
Chu Văn Tiếp bước lên nói:
- Đại quan nên sai vài tên quân chạy về phi báo cho hai huyện Phù Ly, Bồng Sơn, rồi bảo quan huyện Bồng Sơn kíp báo về cho quan tổng trấn dinh Qủang Nam là Nguyễn Phúc Nghiêm được biết mà đem đại binh vào đánh dẹp. Còn đại quan nặng quá ngựa không chở nổi đi đường bộ không tiện, tôi sẽ cho Phạm Văn Sĩ theo phò đại quan về phía đông Bô Chinh Sơn rồi dùng thuyền ra cửa Cách Thử mà xuôi gió đông nam về bắc.
Chu Văn Tiếp nói đến đây bỗng nghe tiếng quân hò reo, tiếng trống dồn dập liền hối:
- Phạm Văn Sĩ theo phò tá đại quan còn bốn anh em ta ở đây chặn giặc.
Khắc Tuyên vội vàng lên ngựa chạy theo Phạm Văn Sĩ. Chu Đoan Chữ hỏi:
- Giặc đông ta ít phải liệu thế nào?
Tiếp đáp:
          - Quân cốt giỏi chẳng cốt nhiều. Ta chia quân làm hai cánh phục ở hai bên bìa rừng, chờ chúng đến rồi đổ ra đánh ắt là phải thắng.
           Khi ấy tướng Tây Sơn là Vũ Văn Dũng và Vũ Văn Nhậm kéo quân đến phía nam núi Bô Chinh Sơn, thấy rừng rậm hoang vu cỏ cây sầm uất Nhậm có ý lo ngại hỏi Dũng.
- Nơi này địa thế hiểm trở nếu địch cho mai phục rồi chờ quân ta đến hai mặt giáp công thì làm thế nào?
Văn Dũng cười đáp:
- Lúc đi ông nói với tướng quân Nguyễn Huệ rằng lấy sông Phù Ly và Bồng Sơn thì quân Nguyễn triều ở đèo Thạch Tân bỏ đồn mà chạy, nay mới đến núi Bô Chinh Sơn là địa đầu của huyện Phù Ly mà lại e ngại thế.
Văn Nhậm đáp:
- Không phải là tôi sơ, nhưng muốn thắng địch thì phải hiểu rõ địch tình. Nay cho quân tạm nghỉ rồi phái người dò xét tình hình rồi sẽ tùy cơ ứng biến.
Văn Dũng nói:
- Theo tôi không cần phải dò xét làm chi.
Nhậm hỏi:
- Binh pháp có câu: “Biết người biết ta trăm trận trăm thắng”. Nay chưa dò biết địch tình cứ nhắm mắt mà tiến quân ngộ nhỡ có mai phục ắt là ta đem binh vào chỗ chết hay sao?
Dũng đáp:
- Trong binh gia phải biết nắm thời cơ. Nay quân ta khí thế đang hăng đi đến đâu dân ùn ùn theo đến đấy, binh triều chỉ nghe tiếng là đã vắt giò lên cổ mà chạy, ta cứ thừa quân thế như chẻ tre mà tiến ấy là việc lớn. Còn nếu chúng có mai phục nhưng lòng quân đã rã, cầm giáo tay run, trong lòng chực chạy. Binh như thế thì dù mưu mẹo thế nào cũng dễ hồ thắng được ta sao? Ấy là ta biết lấy cái lớn mà bỏ điều nhỏ vậy. Tôi xin dẫn năm trăm quân đi trước mở đường nếu có mai phục tôi sẽ cố sức mà đánh. Tướng quân đem toàn quân hai mặt giáp công lại binh mai phục của địch, ấy là dùng kế của địch mà thắng địch vậy.
Văn Nhậm nói:
- Thôi được, cứ theo kế ấy mà làm.
Văn Dũng quay lại nói với ba quân:
- Các ngươi theo ta đi tiên phong đánh quan quân chúa Nguyễn. Lúc còn ở Tây Sơn Thượng tướng quân Nguyễn Huệ huấn luyện cho các ngươi một đánh được hai ba, vào chỗ giáo gươm không hề nao núng. Nay ở cánh rừng phía trước có quân mai phục. Nếu chúng bắn tên thì dùng khiên mà đỡ. Nếu chúng đến gần thì liều chết mà đánh. Chỉ có tiến chứ chẳng có lùi. Các ngươi có đồng lòng gắng sức cùng ta chăng?
Ba quân đồng thanh nói:
- Chúng tôi xin cùng sống chết với tướng quân.
Nhậm hỏi Dũng:
- Tướng quân quả quyết trong ấy có mai phục hay sao mà bảo quân chuẩn bị kỹ lưỡng thế?
Dũng đáp:
- Binh pháp có câu: “Đừng cậy là địch không đến, hãy cậy là địch đến ta đã có kế sách để đợi chúng rồi vậy”. Tôi dặn quân như thế là đề phòng trường hợp nguy nhất mà thôi.
Nói rồi cầm đại đao lăm lăm đi trước, năm trăm quân hùng hổ theo sau.
Chu Đoan Chữ, Chu Văn Tiếp, Chu Đoan Chân, Chu Đoan Hãn, chờ quân Tây Sơn lọt vào ổ mai phục liền hô quân tiến lên. Văn Dũng lập tức chia quân làm hai cánh sẵn sàng nghênh địch. Nhưng khi thấy đạo quân đối địch mặc toàn y phục dân thường, Dũng bèn gò ngựa lại hỏi lớn:
- Các ngươi là ai? Có đánh lầm nhau chăng?
Chu Đoan Chữ chẳng nói chẳng rằng thúc ngựa xông tới chém Văn Dũng. Văn Dũng tràn mình tránh khỏi thuận tay hoành đao chém một nhát, Đoan Chữ đầu rơi xuống đất. Chu Văn Tiếp thấy anh chết thảm khí uất xông lên hét vang một tiếng cùng hai em vây Văn Dũng vào giữa. Vũ Văn Dũng một mình chống đỡ ba anh em họ Chu không hề nao núng. Quân Tây Sơn vốn đã chuẩn bị khí thế rất hăng lại thêm võ nghệ tinh nhuệ đánh quân họ Chu mỗi lúc một lùi. Khi ấy Vũ Văn Nhậm nghe tiếng trống trận của quân mình liền thúc quân tiến lên. Chu Văn Tiếp thấy quân mình thua, lại thấy Tây Sơn có binh tiếp ứng liền hô lui quân, chạy vào sào huyệt ở trong núi Bô Chinh Sơn. 
Đến nơi Tiếp nghiến răng khóc rằng:
- Giặc Tây Sơn giết chết anh ta thật là thê thảm. Thù này ta quyết chẳng đội trời chung.
Nói xong uất hận, ngã ra kêu gào thảm thiết. Chu Đoan  Chân, Chu Đoan Hãn hết lời khuyên giải Tiếp cũng chưa nguôi. Lúc ấy Phạm Văn Sĩ vừa về đến lựa lời khuyên nhủ:
- Nay việc đã lỡ nhị ca dẫu có khóc than đại ca cũng không thể sống dậy được. Xin nhị ca tạm gác ưu phiền để cùng bàn kế sách về sau.
Chu Văn Tiếp gạt lệ hỏi:
- Quân ta còn được bao nhiêu?
Chu Đoan Chân đáp:
- Còn bốn trăm quân hao mất một trăm quân. 
Văn Tiếp nói:
- Hãy cho người ra liên lạc với quan trấn thủ dinh Quảng Nam Nguyễn Phúc Nghiêm đem quân vào đánh. Còn ta tuyển thêm quân, nếu giặc lấy Phù Ly và Bồng Sơn thì ta sẽ chặng đường về của chúng. Ấy chẳng phải là lập được đại công sao?
Phạm Văn Sĩ bàn:
- Nếu giặc lấy xong hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn thì quân ta nguy mất, còn mong gì lập được đại công!
Văn Tiếp ngạc nhiên hỏi:
- Sào huyệt của ta trong núi Bô Chinh Sơn địa thế hiểm trở, giặc Tây Sơn không thể vào được. Lương thảo của ta đủ dùng trong một năm. Nay nghe mất Quy Nhơn, triều đình ắt lập tức đem binh thảo phạt, khi ấy ta xuất quân đánh giặc lập công thì nguy là nguy làm sao?
Văn Sĩ đáp:
- Nếu giặc lấy xong hai huyện tất đem quân đóng ở các  cửa biển đề phòng binh triều đánh thủy binh. Nay đang là mùa khô nếu chúng dùng hỏa công đốt núi, khi ấy quân ta bốn mặt đều thọ địch thì chẳng phải là nguy ư!
Chu Văn Tiếp giật mình hỏi:
- Vậy giờ ta nên làm thế nào?
Văn Sĩ đáp:
- Nhân khi chúng chưa chiếm giữ cửa biển ta đem toàn quân xuống cửa Cách Thử mà chạy ra Quảng Nam đầu quân.
Văn Tiếp xua tay nói:
- Ta nhân lúc loạn tụ chúng thừa thời mà lập nên công lớn lưu danh hậu thế. Nếu ra Quảng Nam đầu quân chẳng qua chỉ làm một chức cai cơ là cùng. Ấy không phải là chí hướng của bậc đại trượng phu.
Phạm Văn Sĩ hiến kế:
- Ở phủ Phú Yên có một dãy núi tên là núi Trà Lang nằm về phía nam đèo Cù Mông. Thế núi rất là hiểm trở lại nằm án ngữ con đường độc đạo vào nam. Nếu nhị ca không muốn đầu quân, thì ta đi thuyền vào Phú Yên chiếm cứ núi này chiêu binh mãi mã truyền hịch phò chúa Nguyễn diệt Tây Sơn. Chận đường nam tiến của giặc Tây Sơn, ấy cũng là lập nên đại công đó!
Văn tiếp khen:
- Diệu kế! Lời ấy rất hợp ý ta. Truyền quân mở đường theo chân núi ra cửa biển Cách Thử rồi xuống thuyền vào Phú Yên.

*    *    *
 Ngày ấy Nguyễn Nhạc và Trương Văn Hiến mở kho khóc phân phát cho dân trong thành Quy Nhơn vừa về dinh phủ, quân thám mã mặt nam về báo rằng:
- Bẩm trại chủ, tướng quân Ngô Văn Sở và Phan Văn Lân đã chiếm đèo Cù Mông.
Lại có quân thám mã mặt đông về báo:
- Bẩm trại chủ, tướng quân Nguyễn Văn Tuyết và Nguyễn Văn Lộc toàn thắng ở cửa Giã lấy được hàng trăm chiếc thuyền của binh triều. 
Nguyễn Nhạc mừng rỡ nói:
- Hay lắm! Việc tranh lấy địa lợi còn chờ cánh quân mặt bắc của Vũ Văn Nhậm và Vũ Văn Dũng lấy đèo Thạch Tân nữa là xong. Không biết cánh quân mặt bắc đã tiến đến đâu rồi? 
Vừa nói xong quân thám mã về báo:
- Bẩm trại chủ, tướng quân Vũ Văn Nhậm và Vũ Văn Dũng đã chiếm được hai huyện Phù Ly và Bồng Sơn.
Nhạc vội hỏi:
- Sao không thừa thắng đánh lấy đèo Thạch Tân?
Tên quân đáp:
- Đèo Thạch Tân binh triều canh phòng cẩn mật quân ta không tiến được. Tướng quân Vũ Văn Nhậm có thư trình trại chủ. 
Nguyễn Nhạc giở thư ra, xem xong nói:
- Văn Nhậm gửi thư nói đèo Thạch Tân là con đường độc đạo, địch ở trên cao lăn gỗ đá bắn cung tên xuống như mưa quân ta không làm sao tiến được. Lại có tin tổng binh dinh Quảng Nam là Tôn Thất Hương đem ba vạn tinh binh đóng ở phía bắc đèo Thạch Tân thuộc phủ Quảng Ngãi. Nay mai sẽ vượt đèo vào đánh quân ta. Nhậm và Dũng xin viện binh. Ý quân sư thế nào?  
Trương Văn Hiến đáp:
- Nay quân ta trong thành được năm ngàn quân đem ra tiếp viện cho Vũ Văn Nhậm và Vũ Văn Dũng cả thảy chỉ có tám ngàn quân cũng chưa phải là đối thủ của ba vạn tinh binh triều. Quân của Sở và Lân, của Tuyết và Lộc cũng không thể điều ra mặt bắc mà bỏ các nơi hiểm yếu ở mặt đông và mặt nam thành Quy Nhơn được. 
Nguyễn Nhạc thở dài nói:
- Nếu lấy được đèo Thạch Tân (1) thì quân ta có sợ gì ba vạn quân của chúng. Nhạc chợt nhớ điều gì liền hỏi: - Nguyễn Huệ liệu việc không sai. Sao Huệ lại biết rằng đèo Thạch Tân lại khó đánh?
Hiến đáp:
- Đèo Thạch Tân địa thế hiểm trở, dễ giữ khó đánh. Ai lấy được đèo này từ trên đánh xuống, địch quân chỉ có một con đường độc đạo từ dưới đi lên, chẳng khác đèo Cù Mông ở phía nam. Nhưng khi ta đánh thành Quy Nhơn thì Khắc Tuyên mở cổng bắc thành mà chạy, nên binh triều ở đèo Thạch Tân hay được đã kíp đề phòng.
Nguyễn Nhạc nói:
          - Theo ý tôi, ở địa giới huyện Phù Ly và Bồng Sơn có một đường đèo (2) nằm giữa hai ngọn núi Lại Khánh ở phía 
tây và núi Bích Kê ở phía đông. Ta đem năm ngàn quân đến phục ở hai sườn núi này, rồi truyền cho Nhậm và Dũng chờ quân Tôn Thất Hương đến thì ra đánh rồi giả thua mà chạy, nhử cho chúng lọt vào đèo này phục binh ta đổ ra đánh nhất định phải thắng. Quân sư thấy thế nào? 
Văn Hiến đáp:           
- Lúc tôi còn ở kinh thành có nghe anh em Tôn Thất Hương, Tôn Thất Tiệp đều là tướng trí dũng và trung nghĩa. Kế này chưa hẳn đã dụ được Tôn Thất Hương. Nhưng nếu Tôn Thất Hương không dám tiến binh thì ta dựa vào thế hiểm yếu của núi Lại Khánh và Bích Kê mà bảo toàn lực lượng, giữ vững từ huyện Phù Ly trở vào. Ấy cũng là thượng sách vậy. Trại chủ nên theo kế ấy mà làm.
Nguyễn Nhạc bèn để Nguyễn Lữ, Nguyễn Thung ở lại giữ thành Quy Nhơn rồi tiến quân ra đóng ở núi Bích Kê và núi Lại Khánh. 

(Hết chương 9)


(1) Nay là đèo Bình Đê, ranh giới giữa Bình Định và Quảng Ngãi  
(2) Nay là đèo Phủ Cũ.


Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (138) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (6) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) Đan Ngọc (2) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đặng Toán (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (30) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Bích Hà (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (3) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (33) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (52) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (26) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Minh Anh (1) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (30) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (7) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (2) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (34) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) Stephen Crane (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (621) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) Tân Vương Huy (1) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3149) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (103) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (528) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (17) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (17) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (2) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2480) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (13) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------