CÕNG – Thơ Hoàng Trọng Quý



Nắng cõng tơ vàng quấn quýt chân em
Mưa cõng giọt buồn rơi trên tóc mềm
Anh cõng đời em đi trong rơm rạ
Mây núi lặng nhìn bóng ngã về đêm.
H.T.Q

Read more…

BỨC THÊU QUAN ÂM – Truyện ngắn Võ Diệu Thanh


Lựa nổi tiếng trong nghề thêu nhờ mũi kim cô luôn đều tay và tỉ mỉ.  Mắt cô vừa tỏ vừa lanh. Lướt qua như chớp cô đã biết mũi kim cần phải trổ tại can chỉ nào.  Cô thêu rất mau và thuần thục hầu hết  các mẫu thêu. Từ  ngày Út Lim chết, cô làm biếng nhận hàng. Có cảm giác không còn gì để cô phải nỗ lực nữa.  Nhưng khi có người đặt thêu  một bức Quan Âm  để trị bệnh cô gật đầu liền. Ơ bức này cô thêu thật chậm, thành kính rút từng mũi chỉ. Lần đầu thêu tranh Phật, cô gởi vào từng đường kim mũi chỉ những lời cầu nguyện trong lành. Chú Tám  trước cửa nhà cũng khuyến  khích “thêu tranh Phật ráng thêu cho đẹp, vừa kiếm tiền mua gạo vừa được phước”.
 Ngày đã trôi một nửa, đời cũng đã qua gần dốc bên kia. Hai Lựa vừa tạm quên  mình sẽ cả đời neo đơn, xóa được phần  nào  ám ảnh  đỏ  nhức nhối  ngày Út  Lim chết. Hắn lù lù xách bọc ni lông bước vô nhà. Hắn vô nhà hắn nhưng Hai Lựa lại muốn châm lửa đốt nhà mình. Nhẹ nhàng lắm cũng là đóng cửa nhà mình  rồi biệt xứ.  Hai Lựa cầm chắc những ngày kế đó cô sẽ nhai  nuốt những hột cơm hiền lành như nuốt sạn, cắn miếng tàu hủ mềm xèo sẽ thấy cứng như bê tông. Chắc chắn vùng đỏ lòm ngày nào lại hiện về, gương mặt Út Lim thoi thóp  nói “Hai ơi, em…”  rồi tắt thở sẽ  đáo lại y nguyên. Hắn  đã được ân xá trước hạn. Thời gian tệ hết biết, chưa làm tròn bổn phận xóa nhòa quá khứ lại để hắn nhong nhỏng trước mũi  Lựa. Ngay bữa đầu tiên đã hắn tuyên bố với mấy thằng bạn nhậu. “Nhất nhật tại tù thiên thu tại ngoại.  Chưa có nơi nào yên lành hơn nhà mình dù nó chỉ là cái  chòi. Xa nó hơn mười năm... Nhứt định  không  khi nào  tao xa nó lần nữa". Ôi nhà mình.  Nằm trong nhà mình,  Lựa nghe rõ từng lời của hắn.
Nhà Lựa cách vách nhà hắn một khoảng lớn cỡ… bề ngang sợi tóc. Đêm  nằm cô nghe rõ tiếng ngáy, tiếng mớ nặng nề đầy lo sợ, thù hằn của tên giết người…  Có bận đi nhậu xóm nào về,  hắn  đi huốt  nhà mình sừng sừng trước cửa nhà Lựa, gục gặc... Khi ở nhà hay đi đâu cô đều phải đóng kín cửa. Ngột ngạt bực  dọc  muốn  nổi điên, muốn ra giữa trời gào la cho  trời đất rùng mình một  trận nhưng không làm được.  Lựa kêu bán  nhà.   Vài người   dòm tới dòm  lui cái nền  của Lựa lắc đầu.  Nhà  gì mà như cái bụm tay, vừa không thông thoáng vừa  sát nách một thằng bán trời không mời thiên lôi, chỉ có cô  dám ở.
Chú Tám nói “Lỡ  rồi, con ráng chịu đi. Đừng khi nào đôi co với  thằng đó, ai biết được nó lại nổi khùng lúc nào” . Nghe chú nói  Lựa muốn khóc vì ức. Cô ra chợ mua mấy thước lưới kẽm rào bọc quanh cửa nhà cô.
Đi nhậu về hắn vịn  hàng rào nhà Lựa lắc lắc, cười hịt hịt  bằng giọng mũi như chế giễu “rào kiểu này cũng  bày đặt rào..."
Lúc đó nhìn  cái mặt  hất  hất, hai  hàng mày nhướng nháy của hắn, Lựa  muốn đạp bừa lên đám lưới kẽm vặn cổ hắn lọi ngược ra sau.
  Ngày đó hắn  chụp  hai chân con chó quật  tới tấp vào cột điện, mặt của hắn cũng nghinh ngang y như  bữa nay. Con chó mất mạng cũng chỉ vì lẻn vô nhà hắn ăn vụng mấy con cá ươn. Hắn nhởn nhơ thọc huyết con chó, vừa hát vừa bắt nồi nước sôi, múc từng giá xối lên mình, cạo lông nó ngay trước mặt  chị em Lựa. Út Lim bườn qua cửa vừa rủa vừa khóc. Út Lim chửi càng quyết  liệt  hắn càng nuốt nước  miếng ừng ực… Nồi thịt chó đã sôi. Mùi sả, mùi dừa, mùi tương tẩm đều mùi thịt xộc vô mũi hắn. Hắn háo hức. Út Lim  nổi khùng, chửi  nghe nhức óc.
Lựa đã cản em mấy lần nhưng làm sao cản được. Mẹ đã chết khi mới sanh nó. Cha đi cưới vợ khác. Nhà chỉ có hai chị em. Lựa chúi mũi may vá mới đủ chén cơm, đủ quần áo mặc nên ít trò chuyện với em. Người chơi với nó thường  nhất chỉ có con chó. Trong mắt Út con chó là một người. Nó vừa gan góc vừa trung thành. Hễ thấy ai hung dữ hay ăn hiếp Út Lim là nó nhào ra vừa cắn vừa gừ, mặc kệ đối phương là người lớn kẻ nhỏ. Vậy mà thằng chó đẻ đó dám ăn thịt  nó. Đồ chó, đồ ác đức sát nhân. Quân ăn thịt người. Cao trào của những câu nguyền  rủa  vừa  rớt ngay cơn say  đạt đỉnh. Nghĩa là hắn không đủ tỉnh để kìm mình, không đủ mê để vùi đầu  trên chõng tre ngáy ầm  bên mâm nhậu dở dang. Ngọn mác để thọc cổ chó giờ xuyên yết hầu Út Lim.
Lựa chay trường đã  mười tám năm, máu con cá màu gì cô muốn quên rồi  vậy mà một   tích tắt  nhà  đẫm máu đứa em trai duy nhất. Nếu hắn không đi tù Lựa không biết mình có  dằn nổi cơn uất hận, có thể là hắn giết  phức  cô, hoặc là hắn chết.
Hắn đi tù, hai ngôi nhà  chỉ còn mình  Lựa.  Cô có đủ yên tĩnh để tụng niệm,  dằn xuống  những cơn chấn động của tình cảm. Những lúc yếu trong mình, Lựa nghĩ nhiều tới tuổi già.  Lim chết  rồi, con đường chay lạt đã làm cô  lắc đầu  chuyện chồng con. Ngôi nhà này  vĩnh viễn  sẽ không có trẻ con. Nếu cô  nằm xuống sẽ kết thúc ngôi nhà này giữa thế gian. Ai sẽ vào đây ở. Ai sẽ thờ  cúng mẹ  cầu siêu  cho cô, cho Lim. Lòng cô  rũ rục  như  sắp rã tan các thứ. Rồi  cô tự an ủi mình. Bận tâm làm gì, cả thân xác này cũng  không phải là của  ta  thì bận lòng chi chuyện còn mất. Cô  nhắm nghiền mắt chìm tâm trạng vào  vùng thành kính với đức Như Lai.
Khi quên được, lòng nhẹ  như chưa có sự hiện diện của chính mình. Nhưng  không phải lúc nào Lựa cũng tìm được an lạc. Chẳng hạn như lúc nghiêng  mặt   đụng  thấy ngôi nhà của hắn, lúc nhìn thấy ánh mắt Lim trên bàn thờ, lúc quét dọn nền nhà… Máu người  là dòng chảy linh hồn, nó lẩn quẩn như dòng gió dày đặc, có thể quơ tay đụng, lành lạnh, gờn gợn, bò vào lòng người ngậm nhấm, kéo dai dẳng từng cơn đau. 
Hắn đã trở về. Nhà tù không khiến hắn nhìn thấy dòng chảy đang lẩn quẩn quanh hắn, dù hắn có sợ nỗi túng quẩn của tù ngục. Chuyện ở  trại giam cũng thành  nơi đào sâu chôn chặc. Hắn chỉ có hay gục gặc cái đầu nhìn về phía nhà Lựa, như còn ẩn ức lắm. Có bữa Lựa nhón người phơi cái áo bà ba màu chàm  trên  sào quần cặp ngõ, hắn  ngồi bên kia nhà vừa nhâm nhi vừa nhướng nháy. 
- Dị thường, cả đời nó chỉ  tàu hủ với rau luộc mà hai  cái vú lúc nào cũng nẩy ngược. Thằng chó chết, mầy chổng ngồng vầy hoài sao tao sống nổi hả trời.
Lựa chỉ hiểu được một nửa câu nói, nghĩa là khi cô nhìn xuống, thấy hai khối tròn cứ muốn xé lần áo bà ba chui tọt ra ngoài. Như có điện, cô cụp hai tay xuống  quay phắt người  vô nhà, ngồi thụp khuất vào vách. Cô trách mình tiếc chi cái  áo cũ, trách  sao bước vào  tuổi  ngoài ba mươi người cứ ngày một căng tròn.  Trách ba má ngày xưa đất đai minh mông thiên địa lại chui vô cái xó này tìm chỗ ở, rồi mạnh ai nấy đi. Để bây giờ cô đứng ngồi bên nách hắn, một hơi thở cũng sợ hắn  dệt  ra cả một câu chuyện thô thiển, tục tằng.
Và nửa câu  sau của hắn cô cũng hiểu tường tận sau đó không lâu. Thoạt đầu cô tưởng hắn nói chuyện với mấy con cá sình. Lúc  chiều cô thấy hắn vớt được dưới sông đem lên.
- Đồ chết bầm, đừng có dựng đứng lên như vậy. Nằm xuống, không được  ý kiến gì hết mày biết không. Không chịu hả, để tao vuốt ve mày nghe.  Chỉ có bàn tay tao mới dám tới gần mày thôi, biết chưa thằng khốn kiếp.
Hắn thì thào, thì thào một lúc lâu...  Khi Lựa đội nón đi mua rau  nấu  cơm chiều, cô thấy hắn đi ra  cái lu kê sát cửa nhà Lựa, múc nước  rửa  tay, miệng láp dáp:
- Thứ này vô bụng  đàn bà là thành con nít đây.
Dường như hắn biết Lựa nghe hết nên cố tình  diễn tả thật tỉ mỉ. Cũng có thể do biến thái, hắn thích mô tả những điều chỉ mình hắn biết.
 Lựa nói với chú Tám sao mà con khổ quá chú ơi, chắc con chết quá. Chú  vỗ nhẹ vai Lựa. “Không sao đâu con, nó bị tù một lần cũng sợ lắm rồi, không dám làm gì bậy bạ đâu. Ở đây còn bà con, còn chú.  Lúc khuya chú hay thức giấc đi một vòng qua bên này".
Chú Tám là một người nhiều tuổi, cường tráng lại hiểu chuyện.  Có gì khó khăn là Lựa chạy qua hỏi ý chú. Trò chuyện với chú cũng  là cách làm  giảm áp lực đè cứng Lựa. Cô ước mình là con của chú, được ở bên chú mỗi ngày.
  Lần nào nói chuyện với chú Lựa cũng yên tâm về ngủ ngon hơn.
                                                 
Trời âm u. Bóng tối  lạnh tanh đông cứng người Lựa. Cô cựa mình một cái coi có cử động được không. Tay chân cứng ngắt, mắt Lựa cũng không mở  lên được. Nhà bên cạnh có âm thanh như  bàn tay đang vẹt lá, như có tiếng người chui qua kẽ lá. Hắn đang làm điều đó. Ý nghĩ đầu tiên xuất hiện khi Lựa trấn tỉnh được mình. Cô muốn mở miệng  la lớn nhưng không biết kêu thế nào.  Cô  muốn kêu chú Tám nhưng miệng cũng đóng kín. Nỗi hoảng sợ làm cô  muốn bật khóc  thì có một giọng thì thầm bên tai.
- Đừng  sợ, có chú  nằm kế bên nè.
Lựa thấy một hơi ấm.  Trời rất tối nhưng sao nụ cười chú sáng lạ lùng. Người chú tỏa ra một mùi lạ nhưng khiến cô vững vàng. Cô quay mũi qua người chú hít một hơi, thấy luồng không khí  đi sâu vào lòng ngực nở  bùng ra ấm rực. Chú  choàng tay qua người Lựa nhè nhẹ  xiết cô vào lòng. Mơ hồ cô  thấy mình kháng cự, mơ hồ cô thấy mình ngất ngây.  Hơi ấm từ môi chú chạm vào má  cô… lần xuống cổ. Bàn  tay chú  lòn sâu vào  lưng  áo, lần ra phía trước, lướt nhẹ qua bầu vú.
     - Nó căng tròn hà.
Tiếng chú thì thầm ngọt hơn cả tiếng an ủi lúc chiều.
Bàn tay ấm  xoay  nhẹ đầu vú…
- Ôi đã quá.
             Lựa choàng tỉnh dậy. Tiếng  nói vừa rồi là của hắn. Thì ra là chiêm bao. Ở  nhà bên cạnh hắn vẫn không ngừng dòng âm thanh mơn trớn. Giống như là hắn đang lần mò chỗ kín một người đàn bà nào đó đang nằm dưới hắn.  Có lẽ hắn đang tưởng tượng, bởi vì Lựa biết ngay cả những cô gái điếm cũng chưa từng dám bước vô nhà hắn. Lựa biết cái thứ lạ tai đó đã làm nên giấc chiêm bao tội lỗi của cô.                                    
Lựa  chợt rùng mình nhận ra cái hoa con gái  đã nở,  bầu ngực căng cứng lên, cái nút bóp bật tách một cái.  Cô thoáng nóng mặt, bịt kín tai lăn mình sát vách bên kia. Tại sao mình  lại đĩ thỏa như vậy được chớ? Mình là thứ gì, ôi tội lỗi. Nam mô...  Lựa niệm tới đó lại không dám  niệm nữa. Hình như mình làm ô uế  chốn thanh bạch của tâm linh… 
 Bức thêu Quan Âm vẫn chưa có mặt. Mỗi lần cầm kim cô lại nghe tiếng nhừa nhựa chửi thề,  phô diễn chuỗi động từ  thô tục. Lựa nghiến răng, cắn môi.  Chỉ có khi hắn  đi phức chỗ này hoặc khi hắn chết cô mới đủ bình yên tu tĩnh.  Cô nhắm mắt niệm Phật.  Trong đầu, những dòng  ý nghĩ cuộn  xà quần, những câu từ tục tằng thối tha của hắn xen lẫn tiếng tụng niệm như đang rượt đuổi, như giành giật nhau.  Cô  đâm kim vào mặt vải hậm hực bỏ đi ra đường, lang thang một lúc.
Một hôm, hắn trèo lên xe lôi đi đâu đó, Lựa thở ra một cái, cầm kim thêu  riết riết. Đói cô không ăn vì cô  biết chẳng mấy khi được thanh thản làm  cho rồi  bức thêu. Khi mũi kim vừa chạm dứt viền môi tươi hồng của Ngài  thì…
- Trời, hình  Phật gì mà con mắt láu liên như  đang rình...
Lựa nhìn lên thấy nụ cười nham nhở  man dại, hai con mắt đục ngầu như  mắt cá chết. Lựa thấy như mình sa xuống địa ngục và quỷ sứ có bầy đang vây  quanh. Cô cầm khung thêu lùi lại tự vệ.  Hắn cười ắc ắc  rồi lúc lắc người bỏ đi.
Cô ngồi nhìn lại bức thêu. Ui trời, cô thêu đôi mắt  Quan Âm nhìn vừa lãnh đạm, vừa quạu quọ, như đang soi mói ai đó. Mắt của Ngài trong lòng Lựa không phải như vầy. Cô tỉ mẩn tháo từng mũi chỉ. Thật bối rối.  Đúng ra ngay từ đầu cô nên từ chối lãnh bức thêu này. Giờ đây cô giống vừa thêu vừa  chui kẹt hóc trốn bọn  thú ăn thịt người. Từng mũi thêu nhập nhằng  chằng chịch như đám chỉ rối.
Hơn một ngày Lựa đóng cửa nhà kín mít, tập trung tâm trí thêu. Nhưng khi thêu được  hết vầng trán, chạm vào đôi mắt Ngài là tai Lựa lại vang lời nói trong đêm. Lựa nghiến răng lắc đầu nhiều lần. Mọi thứ tưởng như tan rồi cô mới cầm kim. Khi mũi kim nhú khỏi mặt vải tai cô lại cuộn lên mấy lời gợi dục, những hình ảnh của đêm… bàn tay ấm áp…  Cô cắn môi  chạy ào tới bàn thờ, lấy mấy chung nước cúng nghiêng đầu đổ vào tai, đổ hết tai này lại đổ qua tai kia rồi nghiêng ngược lại cho nước trút ra, hy vọng nó sẽ rửa  sạch thứ rác rưởi. Tai Lựa đã bít chịch màng nước, có cảm giác bóng đêm trộn nước, đóng cứng trước cửa tai. Lựa  phải ra lu nước múc một ca nước lạnh đổ vào tai để dẫn nó ra.
   Cô bước tới bức thêu, không dám  cầm kim vì  cô sợ lại đụng phải  dòng âm thanh lúc nãy. Lựa hoảng loạn thực sự. Điều tồi tệ nhất là nỗi lo sợ này  cô không dám nói cùng  ai thậm chí người cô tin tưởng nhất là chú Tám. Cô  ngồi xuống xếp bằng, hít thở, gạt mọi ý nghĩ ra khỏi đầu óc. Lòng cô  hạ dần xuống cho tới khi:
-         Má mày, sao nứng không có giờ giấc vậy hả…
           Âm  vang tụng  niệm của Lựa  bắt đầu trộn lẫn mấy lời trần trụi nhớt lầy của gã cuộn thành một  dòng  kì quái, ầm ập, ngoằng ngèo đổ ụp vào đầu Lựa, lớn từ từ rồi  nổ bùng ra. Lựa lơ mơ không biết  mình đang ở cõi nào. Mình mẩy bức rức như người nghiện ma túy đang tới cơn ghiền, ruột gan cồn cào  như đang chờ đợi cái gì đó và không đủ sức chờ nữa. Đầu  óc đầy cứng mà trống rỗng, đảo đi đảo lại một câu nói, ta phải đi khỏi  chỗ này, ta phải đi khỏi chỗ này…
  Cái ý nghĩ đó cứ đáo đi đáo lại ngay cả khi Lựa đã rời khỏi nhà mình thật. Trầm cảm cấp tính. Bác  sĩ nói  có phải cô đang sợ cái gì đó? Hay là cô  lo  mất cái gì đó dữ lắm. Chuyện  chiêm bao thấy chú Tám không phải cô yêu ông ấy mà do cô đang  chới với lại được chú động viên nên vương vấn. Bỏ hết, thay đổi môi trường,  ví dụ  như đổi chỗ ở. Khi hết bệnh những tình cảm vụng dại cũng từ từ  dẹp bỏ được.
Đổi chỗ ở? Đi đâu? Bỏ Lim cho ai? Vô chùa? Lựa đang có ý nghĩ đó hoặc là  hắn  chết hoặc là Lựa vô chùa. Tại sao một người ác như hắn không bị trừng trị, một người cả đời không tranh chấp giành giật với ai như Lựa phải mang bệnh trầm kha, phải bỏ chạy, bỏ trốn. Phật ơi con có tội gì đâu mà phải trốn. Đáng lẽ người biến mất khỏi  miếng đất gọn ghẽ này là hắn. Hắn hãy chết đi, càng sớm càng tốt. Sau đêm này, sau đêm Lựa mở trừng mắt nhìn lên nóc mùng thì  hắn  đã biến mất khỏi  thế gian này là tốt nhất. Cô muốn bật khóc vì cô biết chắc ngày mai đây hắn vẫn  còn ở y đó, tẩm đầy rượu cái đầu man rợ  rồi  ém  đầy tai Lựa mấy lời lầy lụa. Lựa bật khóc hức, đấm xuống vạt  rầm rầm  như đang giẫy chết.
                                                  *
Tản  sáng, người trong xóm  bu  đen kịn nhà hắn y như bữa Lựa phát bệnh. Gã đang gồng mình  rên  vì một cơn đau đâu đó ở bụng.
 Tiếng  xe cấp cứu của hội chữ thập đỏ xa dần.
Người trong xóm nói  hắn đang hấp hối, nãy giờ  chết rồi cũng không chừng. Lựa nằm nhà nghe không khí im ắng một cách rợn người. Hình  như nhà bên cạnh có tiếng gió.  Có khi hắn đã chết chỗ  bệnh viện  và… vong hồn hắn  đã về bên nhà đó. Hắn chết rồi? Sao cô không thấy  nhẹ như trong tưởng tượng của mình? Đáng lẽ cô phải ngồi dậy nhảy nhót cười hí hửng, thậm chí mở tiệc ăn mừng. Tại sao vẫn như có  tảng đá thật lớn đè  nặng đâu đó trong lòng, trong đầu hay trong linh hồn. Hắn đã chết  rồi phải không? Đầu óc cô lại căng ra. Cô biết nếu  để những câu hỏi đầy thêm đầu óc cô sẽ nổ tung lần nữa. Phải làm cái gì đó…Lựa  vói lấy bó nhang để vô bọc, bước lên xe, đạp về hướng chùa. Cô  muốn hít một ít mùi nhang ở chùa, nghe một ông sư nào đó giảng đạo.
Không phải ngày lễ ngày rằm nên chùa rất vắng, mấy sư cũng đang  tìm chỗ yên tĩnh  tụng niệm. Lựa  quỳ gối bên tượng đức Như Lai nhắm mắt niệm Phật. Cô ngồi rất im, nghe được tiếng trái tim gõ từng nhịp rối bời. Đừng sợ, hãy thành tâm. Cô tự trấn tĩnh mình. Vẳng  phía ngoài vườn tiếng  gió vi vút. Trong  điện không có âm thanh nào. Một lúc sau cô nghe  tiếng một con muỗi  vo vo bên tai. Nó lượn xuống  khuỷu tay Lựa kiếm chỗ ghim. Cô mở mắt ra phủi phủi đuổi nó đi. Nó lại bay tới, cô lại phủi phủi đuổi nó đi. Cô đủ từ tâm làm điều đó.  Mười mấy năm nay, một con kiến lỡ cắn Lựa cũng chỉ đuổi nó đi  chớ không giết… Nghĩ tới đó dòng nghĩ  ngừng lại, máu trong tim cuộn lên cơn chấn động. Lựa ơi,  hôm nay cô nguyện cho chết một con người. Tội này tu tới kiếp nào mới giải cho xong? Linh hồn hắn sẽ  vất vưởng  đâu đó. Lựa tin  chắc người chết để lại dòng tâm linh. Tại sao cô có thể  cầu chết một mạng người? Cô ác có thua gì hắn  đâu? Xin đức Phật từ bi tha thứ cho con,  tại lúc đó con ức lòng quá, tại hắn  ác đức với con quá. Xin ngài hãy chứng  giám mà tha cho con, phù hộ cho tâm trí con  minh mẫn an lành.  Lựa niệm tới đó thì lại nghe một tiếng thở của hắn bên tai. Có phải hắn  đã chết rồi không?  Hắn đã về trú ẩn ngôi nhà  quen thuộc của hắn. Nơi đó giờ này lạnh như a tỳ. Lựa đã đem a tỳ đến sát vách nhà mình. Cô tu hành làm chi, cô tu được cái gì rồi? Nam mô A Di Đà Phật. Con phải làm sao, Ngài hãy cứu con. Lựa ngồi bệt xuống  nền nhà chùa mắt không rời khỏi  bức tượng. Cô như nghe tiếng nói chính mình. Mình  gieo nhân thì hãy gặt quả, không ai gặt thế được đâu…
Lựa trở về nhà bụng trống không. Cô với tay lấy chung nước cúng  xối một ít vào lòng tay rồi vuốt đều mặt. Lòng cô nhẹ hơn một chút.  Trước mặt cô bức thêu vẫn chưa có mặt. Cô nhớ lại tiếng nói của người đặt bức thêu:
- Con gái tôi bệnh gì không biết nữa, sao nó  cứ buồn buồn hoài.  Một bữa tôi nghe người ta khuyên tìm một hình Phật  cho nó nhìn mỗi ngày từ từ  tâm trí sẽ  an lành. Nhà tôi treo nhiều tranh Phật rồi  nên muốn  tìm một bức thêu. Thấy cô chay lạt hiền lành  lại  khéo tay nên nhờ cô thêu  để lấy đức.
Bức thêu đã ố vàng. Người thuê cô đã hết hy vọng sau lần cô ngã bệnh.  Thêu tranh Phật để trị bệnh, điều cao đẹp như thế sao cô không làm được?  Cô  chay lạt làm gì mà điều đơn giản thế không làm được? Có phải cô chỉ giống  một  con bò, không ăn được thịt nên ăn cỏ rồi khi người ta đâm một nhát vào mông thì quay sừng  móc lòi ruột họ. Mấy năm nay cô  đã làm gì? Mất thời gian cho cái gì? Tại sao không để thời gian đó vào trong từng đường thêu. Dường  như  căn bệnh trầm cảm của cô không phải vô cớ, dường như  ông trời đã muốn cô bệnh để cô cảm nhận được những thống khổ của người bệnh…
Lựa  tháo bỏ bức thêu cũ, cô thay tấm vải mới, trắng tinh. Tay cô thoăn thoắt múa lượn theo từng  đường chỉ. Bức thêu  hiện dáng dần dần mau hơn cô  dự định.
Khi cô thêu đến  gương mặt Ngài thì hắn xuất viện.  Bác sĩ biểu về thèm gì ăn nấy, vô phương rồi. Từng đêm hắn rên rỉ chửi rủa cơn đau. Lựa có cảm giác cô đem cơn đau tới cho hắn . Rõ ràng đang thử thách Lựa. Cô  ngồi im, hít thở chậm, để  đầu óc hoàn toàn trống…Lựa  bỏ khung thêu ngồi niệm bài chú Đại bi, tâm hướng về tên và gương mặt đang đau đớn của hắn.  Lựa niệm  như thế gần một ngày rồi lại ngồi vào khung thêu. Mỗi bữa cô chỉ  ăn một chén rưỡi cơm  với ít muối hột, niệm chú và thêu. Đôi mắt Ngài  dần hiện ra gần gụi như chính đôi mắt mình những khi  tràn ngập thương yêu ai đó. Lựa thêu thật mau, viền môi hồng tươi thuần khiết. Cô vừa thêu vừa say sưa ngắm. Mải miết  với công việc, mệt quá cô thiếp đi. Khi tỉnh  dậy  Lựa không tin đó là bức thêu của mình. Cô đi tới đi lui, đổi từng  góc nhìn, lòng phơi phới một niềm hạnh phúc. Cô nhìn thấy nụ cười của người mẹ, nụ cười trẻ hơn của đứa con bệnh hoạn của bà. Một thoáng cô cười một mình với bức thêu.
- Oa… sao mà giống y như thiệt vậy?
           Lựa  giật mình nhìn lại, gương mặt đen đúa hì hà của hắn  sát bên  cô. Lo thêu Lựa quên không đóng cửa nhà. Hắn ốm kinh khủng.  Cô  chợt nhớ mấy hôm nay cô bỏ quên mất hắn trong trí nhớ  dù ngày nào cô cũng  hình dung về gương mặt về tên của hắn để  cầu chúc phước lành.  Vẫn gương mặt đó nhưng  cô không có phản  ứng gì trừ một cái cười. Mắc cười chớ. Hắn nói  bức thêu giống y như thật.  Làm như hắn đã  từng nhìn thấy gương mặt thật sự của Quan  Thế Âm rồi vậy.
          Hắn  đứng nhìn bức thêu thật lâu, chăm chú thành kính. Gương mặt  tự nhiên hiền như  đứa con nít đang ngắm nghía một công trình  rực rỡ  lần đầu tiên  nó được gặp.  Lựa kệ cho hắn nhìn… Lúc  đó có  chiếc xe tải  chạy ào qua làm hắn giật mình. Nghĩ ngợi một chút hắn  bỏ  đi  vô nhà.  Khi trở ra hắn  đưa cho Lựa một nắm tiền.
         - Hổm rày bệnh quá, chú Tám quyên cho tôi một  mớ tiền. Tôi muốn có một bức thêu y như vậy. Cô  hai... thêu cho tôi một cái nghe. Lúc bệnh tật  như vầy sao thấy thèm nhìn một tượng Quan Âm.
           Lựa nhìn hắn trân trân rồi nhìn bức thêu. Cô lắc đầu.  Chắc chắn cô không thể  thêu được một bức giống y như bức này rồi.  Nhưng cô thầm hứa sẽ thêu cho hắn một bức khác thiệt đẹp. 
V.D.T

Read more…

THƠ LÊ PHƯƠNG CHÂU


Nhà thơ Lê Phương Châu tên thật là Lê Thị Tuyết Phượng
Nguyên quán: Nha Trang
Hiện ở tại 69/7 Kinh Dương Vương, phường 12, quận 6, TP. HCM

Tác phẩm đã xuất bản:
-        Tình khúc mưa tháng năm (1969)
-        Thơ Lê Phương Châu (1972)
-        Nắng hát chiều đông (2006)
-        Mây trắng đầu non (2008)
-        Cùng tử ca (2012)




Vô tình

tuổi hồng nương mây xám
đáy cốc đọng tình ai
soi bóng mình vất vưởng
tiếng khóc cười không hai

không gian ngời nét ngọc
bừng ánh sáng ban mai
tỉnh cơn say dừng lại
vô tình trên ngón tay.

Hoài niệm
ta về cố quận tìm hoa rụng
cài ánh sao trời lên tóc mai

bao năm lưu lạc miền viễn xứ
tản mạn bên mình dấu khứ lai

lặng đứng ngược bờ soi bóng hiện
dòng sông con nước gội trần ai!

Ru ta

dìu em cuối dặm đường quên
níu thời gian đọng ướt mềm mắt mi
tự thân còn mất những gì
cơn mê hấp hối vận suy nửa vời
khoanh tay đủ kín giọng cười
bình yên hơi thở ru hời đêm qua.
L.P.C


Read more…

THƠ ĐƯƠNG ĐẠI - THƠ KHÓ HAY ĐỘC GIẢ KHẮT KHE? - Bài của Trần Thư




Thơ đương đại khó?
Không ít ý kiến cho rằng “Nhìn chung thơ đương đại khó đọc – khó hiểu – và vì thế khó nhớ hơn rất nhiều so với thơ truyền thống”. Điều đó đúng.
Trước hết, các nhà thơ (có tên tuổi hiện nay) làm thơ là cho chính mình, đúng như nhà thơ Ly Hoàng Ly đã từng bộc bạch “Với tôi, làm nghệ thuật là công việc đường dài, càng làm càng mê, càng làm càng thấy đuối sức. Như người bắt đầu từ con đường mòn và đi mãi, đi mãi, thấy mình lạc vào mê lộ. Rồi sau những lúc đuối, mệt, kiệt lực, lại là những phút giây sung sướng khi phát hiện ra một điều mới, dù là nhỏ nhoi. Tôi làm nghệ thuật là để khám phá thế giới quanh mình và khám phá chính mình”. Họ không còn ràng buộc với thời đại và với lịch sử, họ là những con người sinh ra và lớn lên trong hòa bình, những thế hệ 7x, 8x đang sống và làm việc trong môi trường tự do về mọi mặt và chẳng có lý do gì để họ không làm thơ tự do cả về nội dung và hình thức. Sự phát triển về hình thức từ thơ có niêm luật đến thơ phá thể, biến thể rồi hợp thể trong giai đoạn trước và sau chiến tranh và tới thơ đương đại, hầu như những niêm luật hay tên gọi cho hình thức thơ không còn phù hợp nữa “Họ không bị ràng buộc bởi niêm luật, hình thức, vần vèo. Họ chơi thơ, thả thơ, họ tự do, để được cháy bỏng, tuôn trào thể hiện những ý niệm mới trong đời sống đương đại” (Nguyễn Quang Thiều). Có lẽ thơ tự do là cái tên gọi dễ chấp nhận nhất cho hình thức thơ đương đại. Nhưng tự do cho dù thuộc lĩnh vực nào cũng là điều khó nắm bắt nhất. Cũng chẳng phải tới những năm gần đây, thơ tự do mơi xuất hiện mà trước đó, những bài thơ trong thời kháng chiến với hình thức thơ biến thể, cách thể như  Nhớ máu (Trần Mai Ninh), Màu tím hoa sim (Hữu Loan) hay thơ hợp thể với Tre Việt Nam (Nguyễn Duy)… Những bài thơ ấy xuất hiện khá ít và hình thức thơ tự do vẫn được coi là thơ nằm trong khuôn khổ. Chỉ đến thơ đương đại, hình thức thơ mới thay đổi hoàn toàn. Những bài thơ không vần điệu khiến nguời đọc dường như hụt hơi vì không biết ngắt nghỉ để rồi đọc xong người ta lại lật lại để biết xem đâu là một câu thơ: “Và nước đã thấm sâu/ Nước đã đẫm từng cọng non mềm của rễ/ Dâng lên đi dòng nhựa trắng/ Dâng lên đi mùa hoa trắng/ Dâng lên dâng lên bung từng chùm/ Trắng như áo lụa/ Trắng như mây trắng/ Trắng như nụ cười/ Không nói toả hương mà nói là mê hoặc/ Không nói đẹp mà nói là kỳ diệu/ Không nói ngắm nhìn mà nói là ngất ngây/ Suốt một ngày chạy đuổi/ Suốt một ngày hai tay dang rộng/ Chỉ cây tiếp cây hoa tiếp hoa đến tận chân trời/ Hoa không nói lời hoa/ Chỉ trắng như một niềm vui sướng/ Và gió và ong và bướm/ Mang hoa về muôn nơi/ Và trên hoa lộng lẫy nắng trời..” (Trong mùa tưới rẫy - Đinh Thị Như Thuý). Hay thậm chí những dấu chấm ngày càng xuất hiện nhiều hơn để rồi tự người đọc lại “mò mẫm” suy đoán cái ứ đọng cảm xúc của nhà thơ trong những dấu chấm ấy.
[...]
Tiếng hát như chiều thảng thốt
Tình yêu
…………..thở
…………………qua
……………………….kẽ tay
[...]
(Dòng sông không trở lại – Vi Thùy Linh).
Phải nói rằng chính sự tự do trong hình thức thơ đã góp phần không nhỏ làm nên độ khó của thơ nhưng cái quyết định phải chờ đến nội dung. Độ khó trong nội dung thể hiện của thơ đương đại tỉ lệ thuận với độ tự do của hình thức. Điều này thật dễ lí giải bởi các nhà thơ đương đại đều làm thơ để thể hiện bản thể mà mỗi cá nhân con người như một mê cung khiến cho người khác (dù là yêu hay gắn bó cả đời) cũng không thể hiểu hết được. Thời đại thơ từ cái Ta chung của nền văn học trung đại đã bước sang cái Tôi riêng trong thơ Mới, nó đã bị gián đoạn trong hai cuộc kháng chiến bởi đó là thời điểm tất cả phải hi sinh bản thân mình cho Tổ quốc và tới thơ đương đại, cái Tôi ấy đã trở về: mạnh mẽ, dữ dội và khó hiểu hơn bao giờ hết! Nếu cái Tôi của thơ Mới chỉ dừng lại là sự khẳng định cá nhân trong nỗi cô đơn, lạc lõng giữa thế giới: “Ta là Riêng, là Một,  là thứ Nhất/ Không có chi bạn bè nổi cùng Ta” (Hy Mã Lạp Sơn – Xuân Diệu) thì cái Tôi cô đơn trong thơ đương đại lại là sự khẳng định cái cô đơn ngay giữa những người thân yêu nhất:
Bố
Mặt trời nóng rực và ồn ã
Con muốn gần … lại sợ …
tan ra…
Mẹ
Mặt trăng xa
Con ngần ngại cận kề
Con
Vì sao lạc giữa
Lớn lên và sáng bằng nước
mắt
Bầu trời không ngừng bão tố
Sấm, sét chớp rạch đấy…
(Những đối lập – Vi Thùy Linh)
Càng cô đơn thì cái Tôi bản thể càng trỗi dậy mãnh mẽ hơn và các nhà thơ đương đại tìm đến thơ ca như một nơi trú ẩn. Thơ mang tính cá thể nghĩa là “việc của tôi là viết những gì là chính tôi. Đấy là việc của tôi chứ không phải là việc của người khác”. Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều đã khẳng định như vậy sau khi tập thơ “Sự mất ngủ của lửa” được Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam, nhưng đồng thời nó cũng bị một số nhà thơ – nhà phê bình lên tiếng phản đối dữ dội. Nhưng từ cái Tôi riêng làm sao có thể đi đến công chúng dễ dàng?
Phải chăng độc giả quá khắt khe với thơ đương đại?
Mỗi một loại hình văn học nghệ thuật khi muốn tồn tại và khẳng định vị trí của mình đều cần đến độc giả. Và thơ ca cũng vậy. Nhưng thái độ của độc giả dành cho thơ đương đại như thế nào?
Thứ nhất, về thời gian đọc, xã hội ngày càng phát triển và thế giới ngày càng “phẳng” hơn, chính vì thế mà mối quan tâm của con người ngày càng phong phú và đa dạng hơn cho dù quỹ thời gian của họ không thể thay đổi. Mối quan tâm dần được chia sẻ vụn vặt và đầy ứ hơn. Nếu trước đây, sau mỗi ngày làm việc, con người ta thường làm bạn với sách thì chỉ sau hơn chục năm, mối quan tâm ấy đã phải chia sẻ tới 8, 9 lần với  ti vi, mạng internet, điện tử, báo chí, băng đĩa hình hay những khu vui chơi. Họ bận rộn lo toan, vì thế để có thời gian để tâm vào thơ là cả một vấn đề lớn. Có những người từ khi bước ra khỏi ghế phổ thông, họ không hề đọc thêm một bài thơ nào nữa, con số đó không hiếm trong thời đại hiện nay.
Thứ hai, cách đọc thơ của quần chúng hiện nay còn quá hờ hững và phụ thuộc. Họ phụ thuộc vào các nhà phê bình, hay rõ nhất là báo chí. Những bài thơ họ tìm đọc chắc chắn là những bài thơ được nhắc đến thường xuyên trên mặt báo. Sẽ chẳng mấy ai lại tự mình mò mẫm các hiệu sách và tìm cho mình một tập thơ mà chưa từng nghe để mua về đọc. Cách đọc thơ của độc giả đương thời có thể nói là “rất ngược”, chỉ đợi khi tác phẩm đạt một giải thưởng nào đó hay có một Scandal nào đó họ mới tìm đọc và bắt đầu mổ xẻ nhưng đâu biết rằng sự mổ xẻ của họ không hoàn toàn từ chủ quan cá nhân mà đã được định hướng bởi ý kiến các nhà phê bình trước đó. Họ đọc và tìm ra những cái “đúng” của “sự phê bình” trong bài thơ.
Thứ ba, cách phê bình. Đã có ý kiến nói (đùa) (tuy hơi bi quan), ngày nay các nhà thơ phải tự mình sáng tác và tự mình “phê bình” lẫn nhau. Điều này không phải là không có. Hầu hết các tập thơ khi ra đời đều được gửi đến các nhà phê bình thơ (thường là nhà thơ) có tên tuổi để được nhận sự đánh giá và thẩm định. Tuy nhiên, khác với đội ngũ người làm thơ càng ngày càng trẻ hóa thì đội ngũ người phê bình thơ càng ngày càng già hóa. Tôi không dám đánh giá bất kỳ điều gì về trình độ của đội ngũ phê bình thơ hiện nay nhưng liệu rằng khoảng cách thế hệ có thể không là vấn đề khi nhìn nhận, đánh giá thơ trẻ đương đại?
Với hai vấn đề: Phải chăng thơ đương đại khó? Và phải chăng độc giả quá khắt khe?, chúng tôi không mong có thể đưa ra một kết luận nào để khẳng định điều nào là đúng mà chỉ mong sao có thể giảm bớt khoảng cách của hai vấn đề “Thơ bớt khó” và “Độc giả bớt khắt khe hơn”?. Thơ khó vì thơ luôn cần sự cách tân sáng tạo và sự khẳng định bản thể nhưng phải chăng, mỗi khi viết thơ, nhà thơ nên cân nhắc mình sẽ viết cho người khác hay chỉ là viết nhật ký? Bởi “Trong hành trình đi vào bản thể, hướng tới con người cá nhân ấy, nhiều nhà thơ chúng ta đã lạc bước vào những cái tôi tủn mủn, nhỏ nhặt thậm chí sa đà và lạm dụng sex. Họ tung hô chủ nghĩa cá nhân, ca tụng cái riêng tư không đại diện, không liên quan đến ai” (Vũ Quần Phương). Còn về phía độc giả, chúng ta nên danh nhiều thời gian và tiếp nhận thơ chủ động hơn. Trước đây, cả thế giới đã từng đón nhận thơ khó của Mallarmé (thậm chí ông phải cố tình làm sao cho thật khó để không ai hiểu được mới coi là thành công) hay thơ của Valéry tới mức người ta chỉ có thể truyền nhau “Đây là thơ Mallarmé, thơ Valéry, đừng động tới!” nhưng chúng ta vẫn đọc và bỏ thời gian ra để hiểu thơ của họ. Trở lại thơ Việt Nam, đặc biệt là thơ Mới, Xuân Diệu có không ít những bài thơ bị phản đối như “Hy Mã Lạp Sơn” hay “Lời kỹ nữ” nhưng càng đọc, càng tìm hiểu thì những bài thơ khó đó lại càng giá trị. Thơ điên của Hàn Mặc Tử cũng thế…Tất nhiên, không thể so sánh thơ Pháp với thơ Việt Nam hay thơ Mới với thơ đương đại. Nhưng nên chăng, độc giả hãy cho thơ đương đại cơ hội được đọc, được hiểu như thơ Mới, tới lúc đó, có lẽ thơ đương đại không còn khó nữa!
T.T
(Nguồn: phebinhvanhoc.com.vn)
Read more…

GIẶC BÊN NGÔ – Truyện ngắn Vũ Thị Huyền Trang


 

“Năm nay anh lấy vợ có được không cô?”, đấy là tin nhắn Lan nhận được từ anh trai cách đây tròn ba tháng. Vào đúng ngày cô nhận bằng tốt nghiệp của một trường đại học danh tiếng. Cách đây bốn năm, ngày tiễn Lan xuống Hà Nội nhập học, anh cả từng hứa với bố mẹ rằng bao giờ nuôi xong Lan ăn học thì mới tính chuyện vợ con. Anh cả đợi đúng ngày cô cầm tấm bằng đỏ ra trường thì tính chuyện cho mình. Thế là cả nhà cứ phấp phỏng một niềm vui. 

Anh dẫn nàng dâu tương lai về nhà, cô dì, chú bác cứ ngó nghiêng ngoài ngõ. Mấy bác gái bên nhà nội ăn mặc gọn gàng như đi chợ ngày rằm, công việc là nấu cơm dưới bếp nhưng cứ thi thoảng lại lấy cớ pha ấm chè, rót ấm nước sôi để lên nhà trên nhòm mặt cháu dâu một tí. Mấy bác trai tập trung xây lại cái bếp để hôm nào đón nhà gái xuống chơi, thấy cháu dâu về cũng định chạy vào xem mặt ngang mũi dọc thế nào. 

Cả bếp im lặng một lúc, chỉ thấy tiếng dao thớt lạch cạch va vào nhau. Một lúc sau tiếng dì Hà thở dài cuối bếp:

- Không biết có hợp tính hợp nết nhau không nữa. 

Lại tiếng dì Năm vừa cuộn nem vừa chêm vào:

- Không hợp thì sao chúng nó tính chuyện lấy nhau.

- Hợp ở đây là em nói chuyện tuổi tác, giờ sinh có khắc nhau hay không.

Tiếng mẹ Lan thở dài, mọi người mới giật mình ngẩng lên không biết bà chủ nhà đã xuống bếp tự lúc nào. Mẹ Lan nói là mê tín cũng không phải nhưng được cái hay đi xem thầy nọ thầy kia. Bố Lan có mắng thì bà bảo: “Có thờ có thiêng, có kiêng có lành. Các cụ ta đã dạy điều gì thì cấm có sai”. Cả nhà nói mãi không được nên mặc kệ. Vừa nãy ngồi hỏi chuyện với con dâu tương lai mới biết nó sinh năm Đinh Mão. Con gái mà cầm đầu chữ Đinh là không có hợp với con trai bà. Cuộc chuyện trò chưa đầy nửa tiếng mà đã nhẩm tính ra bao nhiêu cái họa. Con trai bà mà lấy con “mèo” này thì sớm muộn cũng rước cái khổ vào thân, vợ chồng không cãi nhau thì con bà cũng mệnh yểu. Mệnh con gái nhà người ta át mệnh con trai bà, thế mà chúng nó cứ quấn quýt lấy nhau hỏi làm sao mà lòng bà không buồn cho được. Suốt cả bữa cơm, cô con dâu tương lai ăn uống thẹn thùng còn bà mẹ chồng tương lai thì mặt như đưa đám. Anh cả vì thế nên cũng buồn, chỉ có bố, và các chú bác là vẫn vui vẻ chuyện trò đủ chuyện trên trời dưới đất. Đàn ông thì thường vô tâm, Lan đúc kết như vậy sau rất nhiều chuyện. Suốt cả buổi Lan vẫn không nói một câu nào với bà chị dâu tương lai ngoài việc chào hỏi xã giao. Điều này khiến anh cả thấy lo lo. Mấy hôm trước anh cả đã nhắn tin cho Lan “Anh sẽ kiếm một người phụ nữ biết cách sống về làm dâu trong nhà. Nhưng cô cũng đừng như “giặc bên ngô” nha”. Trong bữa cơm, nghĩ lại, tự nhiên Lan bụm miệng cười. Anh cả chỉ lo hão huyền. Lan bảo với anh rằng chỉ cần chị dâu sống tốt với anh, với bố mẹ thôi chứ cô cũng chẳng đòi hỏi gì nhiều. Nhưng nếu chị dâu mà đá thúng đụng nia, sau này bố mẹ già rồi mà không biết cách sống thì cô sẽ “cho biết tay”. Anh cả đọc tin nhắn mà vừa mừng vừa run. 

Trong nhà anh quý Lan nhất, vì cô vất vả từ tấm bé lại chịu khó học hành làm bố mẹ mở mày mở mặt. Trong nhà em gái cũng là người có học hành, hiểu biết nên anh không muốn làm cô em phật lòng. Lan cũng chẳng ghê ghớm gì nhưng chỉ sợ chị dâu về nhà lại làm khổ bố mẹ. Mà Lan vốn tính thương cha mẹ nên suốt từ sáng đến giờ Lan vờ như không quan tâm đến vị khách quan trọng ngồi trên nhà nhưng kỳ thực lại để ý từng hành động nhỏ. Dĩ nhiên là không ai biết điều ấy trừ anh cả. Anh vốn là người tinh ý. Nên vừa đưa người yêu trả về nhà xong là anh nhắn tin ngay cho em gái “Thấy chị dâu thế nào? Sao hôm nay em ít nói thế, có điều gì làm em không hài lòng à? Chị Hạnh trông ít nói thế thôi nhưng biết cách sống lắm”. Lan nằm trong buồng cười khúc khích “Cũng được nhưng gò má hơi cao”. Anh lo lắng nhắn lại “Cao đâu mà cao, em nhìn lại xem, cũng bình thường thôi mà”. Lan lại bụm miệng cười “Không cao à, thế thì cái mồm hơi rộng. Mà các cụ bảo “con trai rộng miệng thì sang, đàn bà rộng miệng tan hoang cửa nhà. Mà mẹ chả bảo, các cụ đã nói thì cấm có sai”. Anh cả chẳng biết phải làm thế nào cả, vì đúng là Hạnh rộng miệng thật, cái này thì ai cũng chê đến tai anh rồi nhưng chả nhẽ… Anh thở dài, nhắn lại cho em gái “Con người có ai toàn vẹn đâu em, đẹp cái này thì lại xấu cái kia. Cái quan trọng là tính cách con người, em yên tâm đi, người con gái mà anh đã chọn thì chuẩn không cần chỉnh về tính nết”. Lan nhắn lại chỏng lỏn “Cứ để xem…”. Anh cả đọc mà lè lưỡi, lắc đầu.

Lúc tổ chức ăn hỏi cho anh cả xong xuôi đâu vào đấy rồi, bố mới ngớ người ra bảo:

- Ôi, bây giờ nhìn kỹ mới thấy cái Hạnh mồm cá ngão. Kiểu này khéo ăn hết của chồng, của con.

Mẹ vừa dọn mâm vừa nguýt:

- Quý hóa cho lắm vào. Bây giờ biết thì đã muộn.

Thằng út cười sặc sụa:

- Chịu bố, con dâu mồm rộng cả làng biết, mỗi bố là bây giờ mới biết.

“Giặc bên ngô” cầm đũa múa theo điệu nhạc trên ti vi, không tham gia bàn luận nhưng bụng thì vừa thương bố vừa buồn cười không chịu nổi.

Trước ngày cưới một tuần, chị Hạnh và anh cả cãi nhau to. Anh nhắn tin cho Lan bảo rằng sẽ chia tay với chị Hạnh. “Giặc bên ngô” lo lắng cả đêm không ngủ được. Chuyện người lớn chứ có phải trẻ con đâu mà nay bảo lấy mai lại thôi, mà hai gia đình đã qua lại với nhau, tổ chức ăn hỏi hẳn hoi rồi chứ. “Giặc bên ngô” không gọi điện cho anh trai mà gọi cho chị dâu hỏi rõ nguyên nhân. Chị dâu khóc nức nở bảo anh cả ghen tuông mấy chuyện vớ vẩn. Lan thở phào bảo bệnh này cũng dễ chữa nhưng vẫn không quên dằn mặt chị dâu bằng một câu gọn lỏn:

- Có đúng chị oan không vậy?

Hỏi thì hỏi vậy nhưng cùng là con gái Lan biết là chị dâu không có tính trăng hoa, chắc tại chị đi tập văn nghệ trong công đoàn nên anh cả ghen thôi. Lan ra tay dàn hòa đúng ba hôm thì lại thấy đôi tân lương vui vẻ, lại bàn nhau mua loại đệm nào cho ấm, loại gối nào gối mới thích. Lan cười thầm, lòng thấy vui đến lạ. Nhà sắp có chị dâu, thế là một năm sau thể nào cũng có cháu bế. Thích ơi là thích nhưng cái mặt vẫn giả bộ lạnh tanh như không quan tâm đến việc đại sự trong nhà. 

Ngày cưới, còn mấy tiếng nữa đến giờ đón dâu mà cô dâu gọi điện kêu bị đau bụng suốt từ đêm qua, mặt tái mét. “Giặc bên ngô” lo cuống cuồng, phi xe máy hơn mười cây số mang xuống nắm lá ngải đắng vò sẵn bảo chị dâu uống nhanh còn kịp giờ đón dâu. Khi xe đón dâu đến cổng, Lan vẫn còn đang lúi húi giúp cô dâu trang điểm lại để che bớt đôi mắt thâm quầng vì thiếu ngủ. Cô dâu vừa mệt, vừa buồn vì phải về nhà chồng nên vừa thấy chú rể đã bật khóc tu tu. Lan lấy khăn lau nước mắt còn động viên cô dâu:

- Cách nhau hơn chục cây số ăn nhằm gì. Chị thích thì ngày nào chả về thăm mẹ được. Chị mà còn khóc là trôi hết phấn, lộ cái mắt thâm ra đấy. Cả đời mới được làm cô dâu một lần mà để xấu là phí lắm đấy.

Lúc đưa cô dâu về đến nhà mình Lan mới thở phào. Trong khi mọi người đang no nê đánh chén thì Lan chui vào giường đánh một giấc no tròn. Đến lúc thấy cô dâu đang lúi cúi rửa bát ngoài giếng thì Lan mới thức dậy. Sau khi đuổi cô dâu vào nhà nằm nghỉ, Lan một mình lụi cụi rửa mấy chậu bát đĩa đầy vì các cô dì, chú bác đều bận dọn bên trong. 

Cơ quan cho nghỉ có ba ngày, tối hôm ấy Lan ngủ sớm để mai lấy sức đi hơn trăm cây số xuống Hà Nội. Mẹ lúi húi trong bếp gói ghém sẵn mấy thứ để mai cho con gái mang đi rồi mới đi ngủ. Con gái ôm mẹ trêu:

- Thế là từ nay mẹ có con dâu rồi nhé. Sướng nhất mẹ còn gì.

Mẹ thở dài bảo:

- Chả biết có sướng hay lại mang cái tội nợ vào thân. Bọn con gái dưới thị xã là hay cãi lắm, nhìn mấy đứa về làm dâu trong làng mình thì biết.
Con gái ôm mẹ chặt hơn, thủ thỉ:

- Chưa gì mẹ đã nghĩ thế tội cho chị ấy. Mẹ quý chị ấy như con đẻ thì chị ấy cũng kính trọng mẹ. Có chị dâu về, con đi xa cũng thấy bớt lo, lúc trái nắng trở trời còn có chị.

Mẹ dúi nhẹ một cái vào trán con gái:

- Chỉ được cái khéo mồm, chưa gì đã bênh chị dâu hơn mẹ.

Con gái dụi đầu vào mái tóc đã điểm bạc của mẹ mà thấy cay cay sống mũi, vừa hít hà hương bồ kết trên tóc mẹ vừa bảo:

- Đâu nào, con không bênh mẹ thì còn bênh ai chứ. Chị dâu cứ thử hư với mẹ xem, con khắc hỏi tội cho.

Mẹ vén lại màn, trước lúc chìm vào giấc ngủ mẹ nhớ ra mấy bộ quần áo của con dâu phơi ngoài sân quên chưa lấy vào, mẹ lại lật đật ngồi dậy. Con gái vờ ngủ như không biết gì, trong lòng gợn lên một nỗi buồn đến lạ. Mai này con gái cũng đi làm dâu xa, mai này bỏ bố mẹ lại nơi này, chắc ngày về nhà chồng con gái cũng khóc nhiều như chị dâu hôm nay vậy. 

Sáng, con gái dậy sớm đã thấy mẹ lụi cụi nấu nướng dưới bếp, chị dâu chắc cả ngày hôm trước mệt nên ngủ muộn. Con gái quét dọn nhà cửa, giặt quần áo cho cả nhà rồi mới đi. Trước khi đi vẫn không chào được chị dâu một câu mà chỉ bảo mẹ:

- Chị ấy mệt, mẹ cứ kệ cho chị ngủ.

Con gái phóng xe đi mà lòng buồn rượi, cứ sợ chị dâu ở nhà không đối xử với bố mẹ tốt, chỉ sợ ở nhà mẹ chồng nàng dâu lại xảy ra xích mích thì tội lắm. Sự lo lắng ấy làm con gái không yên trong suốt chặng đường dài.


Sáu tháng sau, “giặc bên ngô” cũng lịch kịch chuẩn bị về nhà chồng. Đang vội cùng mẹ chồng tương lai làm cơm mời họ hàng trong buổi ra mắt thì anh cả gọi điện báo tin chị dâu bị sẩy thai đang nằm trong bệnh viện tỉnh. Lan cuống cuồng xin phép nhà trai, lại một mình lao xe gần hai trăm cây số tận Bắc Giang về bệnh viện tỉnh. Chị dâu vừa nhìn thấy em chồng thì khóc òa, “giặc bên ngô” cũng khóc thương chị trông xanh xao gầy yếu đến thảm hại. Suốt đêm Lan thức dỗ dành chị dâu ngủ. Mẹ khóc đứng khóc ngồi bảo cái số chúng nó không hợp nhau nên mới xảy ra những chuyện như vậy. Lan dù lòng trăm mối tơ vò nhưng vẫn cố gắng động viên mẹ:

- Thôi mẹ ạ, chuyện xui xẻo chẳng may ập đến. Mẹ đừng trách móc mà hãy thương lấy chị. Chị mất con chắc chị đau lòng lắm. 

Chị nằm bao nhiêu ngày thì “giặc bên ngô” cũng xin nghỉ việc cơ quan ở nhà chăm nom, động viên chị bấy nhiêu ngày. Lúc chị dâu bình phục cũng là ngày “giặc bên ngô” về nhà chồng. Hôm ấy người ta thấy chị dâu là người khóc nhiều nhất. Chị gói lại từng chiếc áo, dặn “giặc bên ngô” từng tí một. Lúc xe cô dâu ra khỏi ngõ nhỏ ngoằn ngoèo, cô dâu ngoảnh lại thấy chị dâu vẫn lẽo đẽo đi theo, qua tấm cửa kính xe, nước mắt cô dâu cứ nhạt nhòa. 

V.T.H.T

Read more…

TRĂNG VÀ NÚI – Thơ Lâm Cẩm Ái


* Cảm tác từ thơ Bạch Xuân Phẻ

Trăng và núi
êm đềm tĩnh lặng

nắng đưa chiều
rơi xuống 
hoàng hôn



vũ khúc mưa
nhảy múa
trong cái nhìn thanh thản

trăng và thơ
quấn hồn da diết
và ai biết
ta say gì 

đêm
huyền dịu lạ
trên cao dãi ngân hà
lả lơi kiều diễm
ngự hồn ta

bao nhiêu 
ngôn ngữ lạ
lấp lánh
òa bình minh
Read more…

HƯƠNG RẠ - Tạp bút Võ Hạnh


Nắng vẫn giòn giã nhưng máy đã ngừng chạy và nước cũng thôi reo. Chân ruộng bắt đầu ráo hoảnh, rắn đanh, thôi thúc những bờ lúa quằn trĩu chóng vàng óng cho một mùa gặt mới. Cũng vào độ ấy, nhiều nhà lo dọn chỗ cao ráo để chuẩn bị chất rơm.
Ngày mùa, làng quê tất bật chuyện cắt hái, thóc lúa về bồ, rơm vàng vương vãi trong sắc nắng giòn tan. Hạt lúa, hạt ngọc của trời được người nâng niu trong niềm vui no đủ. Còn rơm rạ thừa, cái tận dụng cùng sau…
Một ngày đã xa, ngoái lại những mùa gặt, mùa rơm, ta bỗng chợt nhận ra điều giản đơn nhưng nặng sâu tình quê bình dị: trong bước chân hối hả ngày mùa có sợi rơm vàng quấn quýt; trên cánh đồng thênh thang hanh hao nắng gió có tiếng cười nắc nẻ của lũ trẻ đang thích thú nhún nhảy, chơi trò với những đụn rơm khô; trong những giấc mơ trưa có sắc rơm vàng vung vẩy và trong hơi thở nơi sống mũi cay nồng có mùi ngai ngái của rơm rạ đồng quê…
Còn nhớ ngày ấy, mỗi mùa rơm, má chuẩn bị cho hai anh em chiếc đòn xóc nhỏ và đôi chàng nhỏ. Sương chưa tan đã vội ra đồng, cơn ngái ngủ vẫn còn lẵng nhẵng bám theo chân đến thửa ruộng. Tay vẫy, tay vung, mùi ngai ngái của rơm rạ ủ đêm xộc lên rửa mắt mũi cay nồng. Ngày ấy, khi nắng chiều quái xế, anh trước, em sau đòn xóc nhẵn vai gầy. Đường xa, gánh nhỏ, kiến tha lâu cũng đầy tổ. Rơm vàng ngất ngưởng chất đầy cây. Vui sao khi nghe má cười bảo, đã dỡ được cái lo trong ngày đông tháng giá và có hương rạ ngày mùa thơm nồng một góc sân.
Nhớ năm ấy mưa về tỉ tê dai dẳng, cả cây rơm chuyển màu nâu đất nhọc nhằn. Nhìn rơm mục cứ xuống dần từng lớp, má lo chẳng biết có còn đủ dùng.
Rồi một sáng, đưa tay rút nắm rơm nhóm bếp, bỗng bất ngờ… ôi những nấm là nấm chi chít khắp dưới chân rơm. Liền má. Liền anh. Cả nhà rối rít. Rơm đã mục rồi nhưng hương rạ vẫn thơm nồng trong vị ngọt lịm của nồi cháo nấm hôi hổi giữa đông. Cũng từ đó, tuổi thơ mênh mang những háo hức đợi chờ, mong những sáng mùa đông bất ngờ tay mình bắt gặp những nấm là nấm.
Lâu rồi. Đồng quê không còn bóng dáng lũ trẻ lộn nhào trên những đụn rơm khô giữa mùa gặt. Đòn xóc, quang chàng, rơm rạ, còn mấy ai phải nhọc nhằn lo cất giữ cho mùa đông. Bên bát cơm trắng dẻo thơm tưởng mình cũng đã quên cái mùi ngai ngái của rơm rạ.
Thế mà chiều qua, má gọi về dọn giàn cây mối mọt. Trong mớ cũ kỹ, má vẫn thường bảo là “lục lăng hủ đế”, con tìm được gì? Chính là những“kỷ vật” của mấy chục năm qua: một đôi chàng nhỏ, một chiếc đòn xóc nhỏ.
Lạ sao! Ở đâu bỗng rơm đồng hiện về quấn quýt và hương rạ ngai ngái, thơm nồng làm mắt… xốn cay.
V.H
(Nguồn: Báo BĐ)

Cùng tác giả
Điều ước
Hương rạ

Read more…

EM LÀ LOÀI HOA MẮC CỠ - Thơ Hoàng Kim Chi



Như loài hoa mắt cỡ
Em nép vào hổ ngươi
Mạ la, em cũng sợ
Gái Huế chưa nên người…


Cho đến chừ anh ơi
Như ri…còn ốt dột!
Một thoáng cầm tay thôi
Anh về rồi, em khóc…

Ui chao mình ngu thật
Răng không để rứa hoài?
Trong tay anh nồng ấm
Hạnh phúc túa quanh đời.

Rụt về, rồi chơi vơi
Anh giận em thật rồi
Mười ngón tay đầy nhớ
Em lùa vào đơn côi…

Dõi tìm ánh sao trời
Tưởng mắt anh vời vợi
Em thương mà không nói
Chừ mềm lòng anh ơi!

H.K.C

Read more…

CÂY KIM, SỢI CHỈ, MẸ TÔI... – Tạp bút Nguyễn Thị Việt Hà


Khuya lang thang trên mạng đọc câu status của bạn: “Ngày của mẹ là của ai? Bắt đầu từ đâu? Mình cứ hỏi vẩn vơ kiểu như ngày ấy được tác giả nào viết ra? Tác phẩm ấy được đón nhận như thế nào? Để nhắc nhở với mọi người rằng có một ngày nào đó ta nên dành cho mẹ. Tại sao không phải là 365 ngày? Tại sao phải lấy một ngày bất kỳ để yêu thương?”… Ngày của mẹ  xa lắc xa lơ tận phương Tây rồi du nhập vào nước ta như một ngày truyền thống tốt đẹp ngợi ca những người mẹ - người đàn bà Giao Chỉ muôn đời gắn liền với hy sinh, chịu đựng được tôn vinh.
Bà tôi, mẹ tôi chẳng nghĩ những điều to tát ấy, cả đời chỉ quanh quẩn như con ong, cái kiến, chuyện đồng áng, bếp núc, cây kim, sợi chỉ… Quần áo, cặp sách chúng tôi đi học mẹ đều may bằng cây kim, sợi chỉ ấy. Mẹ lùa kim vào tấm vải được cắt lại từ chiếc áo, chiếc quần cũ, tỉ mẩn dưới ngọn đèn dầu khâu khâu vá vá. Mẹ khéo tay nên tuy là quần áo tận dụng nhưng vừa vặn, phẳng phiu. Mẹ còn kết những chiếc cúc vải hình chiếc nơ rất điệu trên tấm áo ấy. Mũi khâu lại rất khéo, đều đặn thẳng thớm như thể người ta may bằng máy. Có lẽ vì thế nên chẳng bao giờ chúng tôi cảm thấy chạnh lòng bởi những manh áo cũ mà còn hãnh diện khoe với chúng bạn: mẹ tớ khâu cho đấy!
Mùa đông, mưa phùn gió bấc lạnh cắt da cắt thịt được tấm áo bông dày mẹ may cả mùa thu sưởi ấm, che gió lùa mưa giá… Chiếc áo bông của chúng tôi cũng không giống như của chúng bạn. Những mảnh vải nhỏ đủ màu sắc  người ta bỏ mẹ xin từ cửa hàng may, cắt thành những ô hình lục giác rồi kết lại, dồn bông giữa hai lớp vải, cắt rồi khâu thành áo. Khâu một chiếc áo bông lâu lắm, cả tháng mới xong một chiếc. Có lần gà gáy canh hai, tôi chợt thức giấc thấy mẹ vẫn cặm cụi bên chiếc thúng đựng rất nhiều thứ vải vụn, kim chỉ… Những vụn vải tưởng chỉ có thể làm mồi nhóm bếp lại hoá thành chiếc áo bông tươi tắn những bông hoa vải, thơm tho hơi thở mẹ ủ ấm cho chúng tôi suốt cả mùa đông.
Chiếc ba lô của cha tôi bị chuột gặm một lỗ thật to, mẹ tần ngần tìm mãi không được tấm vải màu bộ đội nào trùng màu. Cũng may, chiếc mũ cối của cậu tôi bị hỏng, vải mũ cùng màu, mẹ xin… Chiếc ba lô lại lành lặn, mẹ ôm vào ngực rưng rức khóc… Cha tôi không hy sinh trên chiến trường để trở thành anh hùng, liệt sĩ… Cha tôi đào ngũ khỏi gia đình mình để lập một gia đình mới… Chiếc ba lô đựng bao nhiêu thư, ảnh của cha gởi cho mẹ những năm 70, khi mẹ đóng quân ở Vĩnh Phú, còn đơn vị cha tôi ở Hà Nam. Nước mắt mẹ thấm ướt miếng vá… ba lô thì vá được rồi nhưng cuộc đời mẹ thì cứ mãi trống trải bốn mùa gió lộng chẳng kim chỉ nào vá được.
Sau này nhà khá hơn một chút, mẹ mua được chiếc máy may nhưng vẫn không bỏ quên thói quen kim chỉ, dường như những mũi khâu tặt mặt ấy là niềm vui, nỗi buồn, tình yêu thương, sự chờ đợi của mẹ khi những miếng vá cẩn trọng, nâng niu ấy thấm mồ hôi và nước mắt mẹ tôi… Ngày mẹ về cõi vĩnh hằng, dì tôi mua đủ gương lược, giày dép, quần áo, chiếc ô… tất cả đều mới. Lại còn nhét thêm vài phân vàng vào tay mẹ, dì bảo “Để mẹ có cái mà đưa cho quỷ thần… dễ qua cửa ngục…”. Chị em tôi nước mắt ngắn dài chạy mãi miết ra đầu ngõ mua kim chỉ và xin ít mảnh vải vụn để vào áo quan của mẹ. Bỗng dưng tôi thấy mẹ nhẹ cười…
N.T.V.H

Read more…

CÒN GẶP NHAU – Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương


Nhà thơ Tôn Nữ Hỷ Khương tên thật là Công Tằng Tôn Nữ Hỷ Khương, sinh năm 1937 tại Vỹ Dạ - Huế.
Đã cộng tác với nhiều tờ báo ở Huế và Sài Gòn (TP. HCM) từ năm 1959.
Hội viên Hội nhà văn TP. HCM

Đã xuất bản:
-        Đợi mùa trăng (thơ) – 1964
-        Mộng thanh bình (thơ) – 1970
-        Hồi ức về cha tôi: Ưng Bình Thúc Giạ Thị (hồi ký) – 1996, tái bản năm 2002, 2011
-        Còn gặp nhau (thơ) – 1999
-        Bâng khuâng tình khúc (thơ) – 2011
-        Hãy cho nhau (thơ) – 2004, tái bản 2005, 2008, 2011
-        Nước vẫn xanh dòng (thơ) – 2005
-        Thơ tình và tình thơ (thơ) – 2006
-        Thơ dâng cha mẹ (thơ) - 2007



CÒN GẶP NHAU
Ưu ái dành tặng những tâm hồn đồng điệu

Còn gặp nhau thì hãy cứ vui
Chuyện đời như nước chảy hoa trôi,
Lợi danh như bóng mây chìm nổi
Chỉ có tình thương để lại đời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ thương
Tình người muôn thuở vẫn còn vương,
Chắt chiu một chút tình thương ấy
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chơi
Bao nhiêu thú vị ở trên đời,
Vui chơi trong ý tình cao nhã
Cuộc sống càng thêm nét tuyệt vời.

Còn gặp nhau thì hãy cứ cười
Cho tình thêm thắm, ý thêm tươi
Cho hương thêm ngát, đời thêm vị
Cho đẹp lòng tất cả mọi người.

Còn gặp nhau thì hãy cứ chào
Giữa miền đất rộng với trời cao,
Vui câu nhân nghĩa, tròn sau trước
Lấy chữ chân tình gửi tặng nhau.

Còn gặp nhau thì hãy cứ say
Say tình, say nghĩa bấy lâu nay
Say thơ, say nhạc, say bè bạn
Quên cả không gian lẫn tháng ngày.

Còn gặp nhau thì hãy cứ đi
Đi tìm chân lý – lẽ huyền vi
An nhiên tự tại – lòng thanh thản
Đời sống tâm linh thật diệu kỳ.

T.N.H.K
(Trích trong tập Hãy cho nhau – NXB Trẻ, 2011)

Read more…

CÁCH NHẬP COMMENT TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ

Đầu tiên, nhấp chuột vào ô Nhập nhận xét của bạn rồi viết comment. Viết xong, nhấp chuột vào ô Tài khoản Google. Sau đó nhấp chuột vào Tên/URL thì sẽ hiện ra 2 ô. Ô phía trên, ghi Họ và tên của bạn. Ô phía dưới, ghi dòng chữ:huongquenha.com

Cuối cùng, nhấp chuột vào ô Tiếp tục và nhấp chuột tiếp vào ô Xuất bản là xong. (Nếu bạn đã có sẵn Tài khoản Google, thì sau khi viết comment, chỉ cần nhấp chuột vào ô Xuất bản là thành công)

Số lượt xem tháng trước


-------------------------------------------------------------------------


TÁC GIẢ & TÁC PHẨM
* TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM * TÁC GIẢ & TÁC PHẨM---------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------------
Ái Nhân (21) Ambrose Bierce (1) ẢNH (58) Anh Ngọc (1) Anh Nguyên (1) Anh Phong (4) Anh Phương (9) âm nhạc (2) âm thanh (1) Ân Thiên (1) Bạch Diệp (5) Bách Mỵ (2) BÀN TRÒN VĂN NGHỆ (87) Bảo Hồ (1) Bảo Lâm (1) Bảo Ninh (2) Bé Hải Dân (1) Bích Ái (3) Bích Lê (4) Bích Ngọc (1) Bích Vân (2) Bình Địa Mộc (3) Bình Nguyên (1) Bình Nguyên Trang (2) binh pháp (1) Bình Tâm (1) Bobby Nam Giang (3) Bùi Anh Sắc (1) Bùi Công Thuấn (1) Bùi Danh Hải Phong (1) Bùi Đức Ánh (66) Bùi Hoài Vân (5) Bùi Huyền Tương (2) Bùi Hữu Phước (1) Bùi Nguyên Bằng (25) Bùi Nhựa (4) Bùi Văn Bồng (5) Bùi Việt Thắng (2) BÚT KÝ (17) Ca Dao (2) Cao Duy Thảo (1) Cao Kim Quy (1) Cao Thị Thu Hà (3) Cao Thọ Thêm (2) Cao Thoại Châu (1) Cao Thu Hà (1) Cao Trọng Quế (1) Cao Văn Tam (5) Cát Du (7) Catherine Mansfield (1) Cẩm Lệ (4) Cẩm Tú Cầu (1) Chàng Cát (1) Chánh Đức (1) CHÀO XUÂN 2014 (1) CHÂN DUNG VĂN NGHỆ SĨ (2) Châu Đoàn (1) Châu Quang Phước (1) Châu Thạch (9) Châu Thường Vinh (1) Chí Anh (1) Chính Đức (1) chủ (1) CHỦ BIÊN (136) Chu Giang Phong (1) Chu Lai (2) Chu Ngạn Thư (10) Chu Trầm Nguyên Minh (16) Chu Vương Miện (1) Chúa Sơn Lâm (1) Cỏ Dại (7) covid 19 (1) Công Nguyễn (1) Cơ Xương (1) Cúc Dương (1) Cuộc thi văn chương (1) CỬA SỔ VĂN HÓA (6) Dạ Ngân (1) Dã Phong Bình (2) Dã Phương (1) Dạ Thảo (2) Dạ Thy (1) Diệp Linh (18) Diệp Uy (1) Dino Buzzati (3) DỌC ĐƯỜNG (29) Du Tử Lê (1) Dung Thị Vân (28) Duy Bằng (1) Duy Phạm (3) Dương Diệu Minh (1) Dương Đăng Huệ (1) Dương Hải Yến (2) Dương Hằng (7) Dương Kim Nhi (4) Dương Kim Thoa (1) Dương Phương Vinh (1) Dương Thành Thái (3) Dương Thị Yến Trinh (2) Dương Xuân Triều (6) Dzạ Lữ Kiều (6) Đàm Lan (17) đạo đức (2) Đào Hiền (2) Đào Hữu Thức (2) Đào Khương (2) Đào Minh Hiệp (2) Đào Phạm Thuỳ Trang (82) Đào Quang Bắc (1) Đào Quý Thạnh (1) Đào Thanh Hoà (14) Đào Thị Quý Thanh (1) Đào Thị Thu Hiền (3) Đào Văn Đạt (31) Đào Viết Bửu (7) Đặng Châu Long (1) Đặng Diệu Thoa (1) Đăng Đăng (1) Đăng Huỳnh (1) Đặng Quốc Khánh (8) Đặng Quý Địch (3) Đặng Tấn Tới (2) Đặng Thị Hoa (2) Đặng Thị Xuân (1) Đăng Trình (1) Đặng Tường Vy (3) Đặng Văn Sử (1) Đặng Việt Trinh (1) Đặng Xuân Xuyến (9) ĐIỂM BÁO (2) Điêu Thuyền (1) Đinh Lốc (2) Đình Thậm (1) Đinh Vương Khanh (4) Đoàn Khương Duy (1) Đoàn Thị Minh Hiệp (4) Đoàn Tuyết Thu (1) Đoản văn (1) ĐỌC SÁCH (23) Đỗ Chiến Thắng (6) Đỗ Duy Hoàng (15) Đỗ Hồng Ngọc (5) Đỗ KIm Dung (1) Đỗ Phu (1) Đỗ Quyên (2) Đỗ Tâm Linh (1) Đỗ Tấn Đạt (2) Đỗ Thị Kim Hải (2) Đỗ Trúc Hàn (1) Đỗ Văn Tiến (1) Đỗ Xuân Phương (1) Đức Linh (1) Đức Tiên (3) Elena Pucillo Truong (6) gan jing world (1) Ghi chép (2) Giang Đình (8) Giang Hiền Sơn (6) Giáo dục (1) Guy de Maupassant (1) Hà Đoàn (2) Hạ Ly (1) Hà Nguyên (2) Hà Nhữ Uyên (2) Hà Phi Phượng (1) Hạ Thi (3) Hà Thị Thu Hằng (1) Hà Tùng Sơn (1) Hải Điểu (1) Hải Miên (3) Hải Phong (2) Hải Thăng (1) Hải Thuỵ (6) Hải Yến (2) Hàm Sơn (1) Hàn Dã Thảo (2) Hàn Du Tử (17) Hàn Hữu Yên (1) Hàn Lâm (1) Hãn Nguyên Nguyễn Nhã (1) Hàn Nguyệt (1) Hàn Phong Vũ (19) Hàn Tín (1) Hạng Vũ (1) Hậu Cốc Ngang (1) Hậu Đậu (1) Hiếu Dũng (1) Hoa Hướng Dương (1) Hoa Mai (2) Hoa Tím Buồn (4) Hoa Tuyết (2) Hoà Văn (10) Hoa Xuyến Chi (1) Hoài Huyền Thanh (53) Hoan Giang (1) Hoàng Anh (6) Hoàng Anh 79 (26) Hoàng Chẩm (53) Hoàng Chẫm (1) Hoàng Đình Quang (2) Hoàng Giao (4) Hoàng Hạ Miên (6) Hoàng Hữu (1) Hoàng Khánh Duy (5) Hoàng Kim (1) Hoàng Kim Chi (1) Hoàng Kim Oanh (2) Hoàng Linh (6) Hoàng Long (2) Hoàng Lộc (8) Hoàng Mẫn (1) Hoàng Minh Tường (2) Hoàng Nghĩa Lược (1) Hoàng Ngọc Xuân (4) Hoàng Nguyên (1) Hoàng Phủ Ngọc Tường (1) Hoàng Thảo Chi (1) Hoàng Thị Nhã (8) Hoàng Thị Thu Thủy (2) Hoàng Trang (1) Hoàng Trần (1) Hoàng Trọng Quý (9) Hoàng Trọng thắng (1) Hoàng Tuấn Sơn (1) Hoàng Tuyên (2) Hoàng Vũ Thuật (1) Hoàng Xuân Hiến (1) Hoàng Xuân Niên (1) Hồ Bích Ngọc (4) Hồ Bích Vân (2) Hồ Đắc Thiếu Anh (1) Hồ Hải (2) Hồ Lê Diêm (1) Hồ Nam (1) Hồ Ngọc Diệp (1) Hồ Nhật Quang (1) Hồ Sĩ Duy (1) Hồ Thanh Ngân (10) Hồ Thế Hà (2) Hồ Thế Phất (3) Hồ Thế Sinh (1) Hồ Tĩnh Tâm (1) Hồ Tịnh Thuỷ (21) Hồ Vũ Khánh Linh (1) Hồ Xuân Thu (3) Hội Nhà văn TP. HCM (1) Hồng Hạnh (3) Hồng Liễu (1) Hồng Phúc (8) Hồng Tâm (10) Huệ Triệu (3) HUMICHI (5) Huy Nguyên (15) Huy Vọng (17) Huy Vũ (1) Huyết Kiệt (1) Huỳnh Dạ Thảo (1) Huỳnh Gia (18) Huỳnh Kim Bửu (1) Huỳnh Minh Lệ (2) Huỳnh Ngọc Nga (1) Huỳnh Ngọc Phước (29) Huỳnh Như Phương (1) Huỳnh Thanh Lan (1) Huỳnh Thị Quỳnh Nga (1) Huỳnh Thúy Thúy (1) Huỳnh Văn Diệu (1) Huỳnh Văn Mỹ (1) Huỳnh Văn Yên (1) Huỳnh Xuân Sơn (3) Hương Đêm (1) Hương Đình (4) Hương Quê Nhà (1) Hương Văn (6) Hửu Thỉnh (1) Irina Polianxkaia (1) James Dylan (4) James Joyce (1) Jeffrey Thai (9) Jerry Thu Trà (7) Kai Hoàng (1) Kate Chopin (1) Kha Tiệm Ly (4) Khả Xuân (1) Khán Võ (2) Khảo Mai (1) khoa học (1) Khổng Trường Chiến (3) Khổng Vĩnh Nguyên (1) KỊCH BẢN (1) Kiên Giang (1) Kiến Giang (12) Kiều Huệ (1) Kim Chuông (4) Kim Dung (2) Kim Ngoan (15) Kim Quyên (1) Kim Sơn Giang (22) Kim Tiết (9) Kim Yến (1) Kỳ Nam (2) Ký sự (14) Lã Bố (1) La Hán (1) La Mai Thi Gia (1) Lạc Thảo (1) Lại Ngọc Thư (1) Lam Giang (3) Lan Anh (1) Lan Phương (1) Lan Thanh (1) Lãng Du (6) Lâm Bích Thuỷ (8) Lâm Cẩm Ái (3) Lâm Hạ (11) Lâm Huy Nhuận (1) Lâm Trúc (30) Lâm Xuân Vi (1) Lâu Văn Mua (1) Lê Ân (5) Lê Bá Duy (9) Lê Đình Danh (79) Lê Đức Hoàng Vân (1) Lê Đức Lang (13) Lê Giang Trần (1) Lệ Hằng (3) Lê Hoài Lương (4) Lê Hoàng (2) Lê Hứa Huyền Trân (39) Lê Khánh Luận (1) Lê Minh Chánh (1) Lê Minh Dung (2) Lê Minh Hải (2) Lê Minh Vũ (3) Lê Ngân (3) Lê Ngọc Phái (1) Lê Ngọc Trác (1) Lê Ngũ Nam Phong (11) Lê Nhựt Triết (8) Lê Phương Châu (30) Lê Quang Trạng (23) Lê Sa Long (2) Lê Thanh Hùng (34) Lê Thanh My (8) Lê Thấu (1) Lê Thị Cẩm Tú (6) Lê Thị Hồng Thắm (1) Lê Thị Kim (1) Lê Thị Ngọc Lệ (1) Lê Thị Ngọc Nữ (32) Lê Thị Thu Hiền (1) Lê Thị Xuyên (13) Lê Thiếu Nhơn (15) Lê Thống Nhất (6) Lê Thụy Phương (2) Lê Tiến Dũng (1) Lê Tiến Mợi (6) Lê Trọng Nghĩa (3) Lê Trung Hiếu (1) Lê Tuân (4) Lê Uyên (1) Lê Văn Hiếu (12) Lê Văn Ngăn (3) Lê Vi Thuỷ (1) Lê Vinh (4) Lê Xuân Tiến (1) Lindsay Polak (1) Linh Lan (7) Linh Lan (Quảng Nam) (8) Linh Phương (3) Linh Thy (2) Long Khánh (4) Long Vương (1) luân hồi (1) Lữ Hồng (3) Lư Nhất Vũ (1) Lương Cẩm Quyên (1) Lương Duyên Thắng (3) Lương Đình Khoa (1) Lương Sơn (27) Lưu Ly (6) Lưu Quang Minh (15) Lưu Thành Tựu (1) Lưu Thị Mười (2) Lưu Xuân Cảnh (2) Lý Khánh Vinh (15) Lý Thành Long (1) Lý Thời Miễn (1) M.T.N.H (7) Mã Nhị Lan (1) Mạc Minh (2) Mạc Tố Hồng (1) Mạc Tường (2) Mai Đức Trung (6) Mai Hạnh (1) Mai Kiệm (1) Mai Loan (12) Mai Nhật (2) Mai Thanh (1) Mai Thị Vân (1) Mai Thìn (3) Mai Tuyết (37) Mang Viên Long (63) Marie Hải Miên (4) Mẫu Đơn (1) Mèo Con (1) Mi Thu (1) Miên Đức Thắng (2) Miên Linh (1) Minh Châu (2) Minh Đan (Lọ Lem Đất Võ) (6) Minh Nguyên (15) Minh Nguyễn (3) Minh Nguyệt (15) Minh Nguyệt (NT) (1) Minh Nhân Tông (1) Minh Vy (25) Mỗi tháng một tác giả và một bài thơ hay (2) Mộng Cầm (8) Mộng Nam (1) Mùa Xanh (3) Mưa (1) Mường Mán (1) MỸ THUẬT (6) My Tiên (1) Mỹ Vân (1) Nam Art (2) Nam Cao (1) Nam Thi (17) Năm Bửu (1) Nấm Độc (1) NCCGL (4) Ngàn Thương (33) Ngày Đẹp Tươi (1) nghệ thuật. (1) nghiên cứu (1) Ngọc Bút (8) Ngọc Diệp (35) Ngọc Thịnh (1) Ngô Càn Chiểu (1) Ngô Cự Chính (2) Ngô Diệp (6) Ngô Đình Hải (7) Ngô Hồng Nhung (1) Ngô Liêm Khoan (1) Ngô Minh Trãi (3) Ngô Nguyên Ngiễm (1) Ngô Thị Hoà (1) Ngô Thị Ngọc Diệp (10) Ngô Thuý Nga (30) Ngô Thúy Nga (16) Ngô Thy Học (7) Ngô Văn Cư (51) Ngô Văn Giảng (11) Ngô Văn Khanh (17) Ngô Viết Hòa (1) Nguyễn (1) Nguyễn An Bình (70) Nguyễn An Đình (4) Nguyễn Ánh 9 (1) Nguyễn Bá Nhân (1) Nguyễn Bích Sao Linh (1) Nguyễn Bình (1) Nguyễn Bính Hồng Cầu (2) Nguyên Cẩn (26) Nguyễn Châu (2) Nguyễn Chinh (4) Nguyễn Công Thụ (2) Nguyễn Công Tùng Chinh (1) Nguyễn Cử Tú Quỳnh (2) Nguyên Diệp (1) Nguyễn Dũng (1) Nguyễn Duy Khương (6) Nguyễn Duy Phương (1) Nguyễn Duy Thịnh (3) Nguyễn Đại Duẩn (2) Nguyễn Đặng Mừng (3) Nguyễn Đăng Thanh (20) Nguyễn Đăng Trình (4) Nguyễn Đình Bảng (1) Nguyễn Đình Trọng (1) Nguyễn Đoan Tuyết (25) Nguyễn Đồng Bội Thảo (1) Nguyễn Đức Chính (5) Nguyễn Đức Cơ (1) Nguyễn Đức Mậu (2) Nguyễn Đức Minh (6) Nguyễn Đức Minh Hùng (10) Nguyễn Đức Nhân (1) Nguyễn Đức Phú Thọ (25) Nguyễn Đức Quyền (4) Nguyễn Đức Tấn (6) Nguyễn Đức Tình (4) Nguyễn Gia Long (1) Nguyên Hạ (11) Nguyễn Hải Thảo (2) Nguyễn Hậu (2) Nguyễn Hiếu (8) Nguyễn Hiếu Học (2) Nguyễn Hòa Hiệp (2) Nguyễn Hoài Ân (1) Nguyễn Hoàng Thức (2) Nguyễn Hồng Diệu (1) Nguyễn Huệ (3) Nguyên Hùng (1) Nguyễn Huy (3) Nguyễn Huy (HD) (1) Nguyễn Huy Khôi (1) Nguyễn Huỳnh (1) Nguyễn Hữu Minh (1) Nguyễn Hữu Phú (1) Nguyễn Hữu Quý (2) Nguyễn Hữu Thuần (4) Nguyễn Hữu Trung (2) Nguyễn Khiêm (1) Nguyễn Khoa Đăng (51) Nguyễn Kiều Lam (2) Nguyễn Kiều Phương (3) Nguyễn Kim Hương (7) Nguyễn Kim Thịnh (1) Nguyễn Lam (2) Nguyễn Lương Vỵ (4) Nguyên Minh (1) Nguyễn Minh Dũng (46) Nguyễn Minh Hoà (1) Nguyễn Minh Khiêm (1) Nguyễn Minh Nguyệt (1) Nguyễn Minh Phúc (47) Nguyễn Minh Quang (5) Nguyễn Minh Thuận (9) Nguyễn Minh Toàn (1) Nguyễn Mỳ (1) Nguyễn Mỹ Nữ (3) Nguyễn Nga (14) Nguyễn Nghiêm (3) Nguyễn Ngọc Dũng (1) Nguyễn Ngọc Đặng (1) Nguyễn Ngọc Hà (4) Nguyễn Ngọc Hưng (6) Nguyễn Ngọc Thơ (31) Nguyễn Ngọc Tư (5) Nguyễn Nguy Anh (21) Nguyễn Nguyên Phượng (69) Nguyễn Nhật Hùng (4) Nguyễn Như Tuấn (14) Nguyễn Phin (23) Nguyên Phong (1) Nguyễn Phú Yên (8) Nguyễn Phượng (2) Nguyễn Phương Dung (2) Nguyễn Quang Quân (8) Nguyễn Quang Tâm (2) Nguyễn Quang Tuấn (1) Nguyễn Quân (2) Nguyễn Quốc Ái (1) Nguyễn Quốc Bảo (1) Nguyễn Quốc Đông (1) Nguyễn Quy (2) Nguyên Tâm (1) Nguyễn Tấn Thuyên (3) Nguyễn Thái An (3) Nguyễn Thái Dương (6) Nguyễn Thái Huy (35) Nguyễn Thành Công (48) Nguyễn Thành Giang (22) Nguyễn Thanh Hải (1) Nguyễn Thanh Huyền (8) Nguyễn Thanh Mừng (1) Nguyễn Thánh Ngã (1) Nguyễn Thành Nhân (18) Nguyễn Thanh Tuấn (7) Nguyễn Thanh Xuân (2) Nguyễn Thế Kiên (1) Nguyễn Thế Kỷ (1) Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (2) Nguyễn Thị Bích Phượng (2) Nguyễn Thị Cẩm Thuỳ (3) Nguyễn Thị Chi (2) Nguyễn Thị Diệu Hiền (3) Nguyễn Thị Hải (1) Nguyễn Thị Hằng (6) Nguyễn Thị Hậu (1) Nguyễn Thị Hồng Đào (10) Nguyễn Thị Huệ (1) Nguyễn Thị Kim Huệ (2) Nguyễn Thị Mây (127) Nguyễn Thị Ngọc Hải (1) Nguyễn Thị Ngọc Sen (2) Nguyễn Thị Như Tâm (3) Nguyễn Thị Phụng (27) Nguyễn Thị Thanh Bình (6) Nguyễn Thị Thành Nhân (1) Nguyễn Thị Thanh Toàn (1) Nguyễn Thị Thanh Xuân (1) Nguyễn Thị Thu Ba (23) Nguyễn Thị Thu Hiền (1) Nguyễn Thị Thu Hoài (1) Nguyễn Thị Thu Thuý (3) Nguyễn Thị Thùy Linh (3) Nguyễn Thị Tiết (3) Nguyễn Thị Tuyết (1) Nguyễn Thị Việt Hà (39) Nguyễn Thị Xuân Hương (14) Nguyễn Thu Hằng (1) Nguyễn Thủy (4) Nguyễn Thúy Ngân (13) Nguyễn Thuý Quỳnh (2) Nguyễn Thường Kham (3) Nguyễn Thượng Trí (2) Nguyễn Tiến Đường (8) Nguyễn Trần (1) Nguyễn Trí Tài (40) Nguyễn Trọng Luân (2) Nguyễn Trung (1) Nguyễn Trung Nguyên (1) Nguyễn Tuyển (4) Nguyễn Văn Ân (68) Nguyễn Văn Bút (6) Nguyễn Văn Công (2) Nguyễn Văn Cường (CCK) (4) Nguyễn Văn Hiến (5) Nguyễn Văn Hoà (5) Nguyễn Văn Hòa (1) Nguyễn Văn Học (53) Nguyễn Văn Ngọc (1) Nguyễn Văn Thanh (1) Nguyễn Văn Thành (1) Nguyễn Văn Thảo (17) Nguyễn Văn Toan (1) Nguyên Vi (1) Nguyễn Việt Hà (2) Nguyễn Vinh (1) Nguyễn Vĩnh Bình (3) Nguyễn Xuân Cảm (3) Nguyễn Xuân Dương (1) Nguyễn Xuân Khánh (1) Nguyễn Xuân Thuỷ (1) Nguyễn Xuân Thủy (1) Nguyễn Xuân Tư (3) Nguyệt Linh (5) Nguyệt Quế (1) Ngưng Thu (44) Nhã Ngọc (1) Nhã Thiên (7) nhà Thương (1) Nhân Hậu (2) NHÂN VẬT (1) Nhật Nguyệt Xuân Hương (1) Nhật Quang (17) Nhất Sinh (1) Nhật Vũ (1) Nhi Hạ (1) NHỚ THUỞ ẤU THƠ (37) Như Hoài (4) NHỮNG ÁNG VĂN HAY VỀ LÀNG QUÊ VIỆT NAM (7) NHỮNG NGƯỜI BẠN ĐÂT THỦ (6) NHỮNG NGƯỜI THỰC HIỆN HQN (5) Nông Quốc Lập (2) NP phan (1) Nửa Đời hư (1) NỬA THÁNG MỘT TÁC GIẢ VÀ MỘT BÀI THƠ HAY (38) nước (1) O. Henry (1) P.N. Thường Đoan (1) Pearl (1) Phạm Ánh (33) Phạm Anh Xuân (3) Phạm Bá Nhơn (2) Phạm Cao Hoàng (1) Phạm Đình Nghi (1) Phạm Hổ (1) Phạm Hữu Hoàng (20) Phạm Kiều Hưng (1) Phạm Lâm (1) Phạm Lê Tường Vi (1) Phạm Minh Dũng (14) Phạm Minh Hiền (9) Phạm Minh Thuận (10) Phạm Mỹ (1) Phạm Ngân (3) Phạm Như Vân (1) Phạm Phan Hòa (1) Phạm Phương Lan (1) Phạm Quỳnh An (1) Phạm Thái Ba (4) Phạm Thị Hải Dương (9) Phạm Thị Liên (1) Phạm Thị Mỹ Liên (30) Phạm Thị Phương Thảo (3) Phạm Thuý (6) Phạm Trần Ái Linh (4) Phạm Trung Tín (2) Phạm Tuấn Vũ (29) Phạm Tử Văn (21) Phạm Văn Phương (16) Phạm Văn Thạnh (1) Phạm Vũ (1) Phan Anh (12) Phan Cung Việt (1) Phan Đức Nam (1) Phan Hoài Thương (1) Phan Hoàng (2) Phan Huỳnh Điểu (1) Phan Hữu Lý (1) Phan Khanh (2) Phan Mai Thư Nhã (6) Phan Nam (20) Phan Quỳnh Như (1) Phan Sửu (1) Phan Tấn Lược (6) Phan Thanh Cương (2) Phan Thị Huỳnh Trang (2) Phan Tiên Phát (1) Phan Tình (1) Phan Trang Hy (25) Phan Văn Bình (1) Phan Văn Thạnh (1) Phan Văn Thuần (3) Phan Vĩnh (1) phần 1 (1) phần 2 (1) phần 3 (1) phần 4 (1) Phiêu Vân (1) Phong Dương (2) Phong Điệp (1) Phỏng vấn (7) Phú Ngọc (1) Phú Quang (3) Phú Xuân (8) Phùng Gia Lộc (1) Phùng Hiếu (10) Phùng Hiệu (1) Phùng Hoàng Chương (1) Phùng Phương Quý (7) Phùng Văn Khai (1) Phước Vũ (1) Phương Phương (10) Phương Uy (5) Quan Thế Âm (1) Quảng Ngọc (1) Quảng Ngôn Lê Ngữ (1) Quang Thám (1) Quang Tuấn Dũng (9) Quốc Hùng (2) Quốc Tuyên (1) quy luật dịch (1) Quỳnh Lệ (1) Quỳnh Nga (16) Quỳnh Trâm (1) Rason Helmandollar (1) Raymond Carver (1) Raymond Thư (1) Rêu (Cao Hoàng Từ Đoan) (13) SÁCH BẠN VĂN (71) SARAH HALL (1) SINH NHẬT (1) Song Ninh (11) Sông Hương (11) Sông Lam (1) Sông Song (8) Sơn Tịnh (2) Sơn Trần (15) Sruthi Thekkiam (1) T.T.Hiếu Thảo (22) Tạ Nghi Lễ (1) Tạ Thị Hoa (14) Tam quốc diễn nghĩa (4) TẢN VĂN (230) TẠP BÚT (612) Tạp chí Văn Mới (1) TẠP CHÍ VN BÌNH DƯƠNG (11) Tashi Dawa (1) Tâm Lãng (1) Tâm Nhiên (2) Tấn Hòa (1) Tần Khánh (4) TẬP SAN ÁO TRẮNG (39) Tập san Văn học nghệ thuật Hương Quê Nhà (1) Tây bá hầu Cơ Phát (1) Tây Du Ký (1) Tây Sơn bi hùng truyện (2) Thạch Anh (2) Thạch Cầu (1) Thạch Đà (7) Thạch Lam (1) Thạch Sene (5) Thái An Khánh (2) Thái Hoà (1) Thanh Bình Nguyên (27) Thành Dũng (1) Thanh Hải (1) Thanh Huyền (2) Thanh Lương (2) Thanh Minh (4) Thanh Phong (1) Thanh Sơn (1) Thanh Thảo (3) Thanh Trắc Nguyễn Văn (42) Thanh Tùng (7) Thành Văn (3) Thạnh Văn (1) Thanh Xuân (2) Thảo Nguyễn (1) Thâm Tâm (1) Thần Y (1) Thi Ngọc Lan (1) Thiên Ân (1) Thiên Di (5) Thiên Sơn (1) Thiên Thần Áo Trắng (7) Thiên Tôn (10) Thiên Trần (1) Thiệp chúc mừng năm mới (4) Thiệp chúc Tết (3) Thiệp mừng (3) Thông báo (1) Thơ (3139) Thơ Lê Nhựt Triết (1) THƠ MỜI HOẠ (7) THƠ PHỔ NHẠC (100) Thời sự Văn nghệ (6) Thu Dung (3) Thu Hằng (1) Thu Hiền (1) Thu Hoài (1) Thu Nga (1) Thuận Thảo (8) Thuận Yến (1) Thục Minh (7) Thuỳ Anh (13) Thuỵ Du (1) Thụy Du (3) Thuỳ Dương (1) Thùy Dương (1) Thủy Điền (1) Thuỳ Nhân (1) Thư cảm ơn (1) Thư ngỏ (1) THƯ NGỎ CỦA HQN (2) Thư tin (285) THƯ VIỆN TÁC GIẢ (1) Tiểu luận (4) Tiểu Mục Đồng (1) Tiểu Nguyệt (5) Tiểu thuyết (107) Tiêu Tương (1) Tin buồn (2) TIN VĂN (2) Tịnh Bình (19) Tịnh Minh Tiến (2) Tô Hồng Phương (1) Tô Kiều Ngân (1) Tố Mai (1) Tô Minh Yến (21) Tôn Nữ Hỷ Khương (2) Tôn Thất Út (2) Tôn Tư Mạc (1) Tống Ngọc Hân (1) Tống Xuân Tám (1) Trà Bình (4) TRABATHA (1) Trác Phi (1) Trang Linh (1) Trang Lộc (1) Trang Thơ Chào Xuân Mậu Tuất 2018 (1) TRANG THƠ CHỦ NHẬT (519) Trang Thơ Đón Xuân Đinh Dậu 2017 (1) TRANG THƠ ĐƯỜNG LUẬT (16) Tranh ảnh (3) Trầm Mặc (4) Trần Anh Dũng (1) Trần Bảo Định (4) Trần Băng Khuê (1) Trần Biên Thùy (1) Trần Dần (1) Trần Duy Đức (17) Trần Dzạ Lữ (4) Trần Định (1) Trần Đình Sử (2) Trần Đoàn Luận (1) Trần Đức ÁI (2) Trần Đức Hiển (1) Trần Đức Tín (1) Trần Hà Nam (4) Trần Hoàng Vy (2) Trần Hồng Vân (5) Trần Huiền Ân (2) Trần Huy Minh Phương (2) Trần Hữu Du (1) Trần Hữu Hội (17) Trần Kim Đức (5) Trần Kim Loan (2) Trần Kim Quy (1) Trần Lê Sơn Ý (2) Trần Linh Chi (1) Trần Long Thạch (1) Trần Lưu (1) Trần Mai Hường (11) Trần Mạnh Hảo (1) Trần Minh Nguyệt (16) Trần Năm (1) Trần Ngọc Hồ Trường (4) Trần Ngọc Mỹ (11) Trần Nguyên Hạnh (6) Trần Nhã My (2) Trần Như Luận (3) Trần Nhương (1) Trần Phù Nam (1) Trần Quang Dũng (4) Trần Quang Khanh (12) Trần Quang Lộc (1) Trần Quang Ngân (10) Trần Quốc Tiến (8) Trần Quốc Toàn (1) Trần Quốc Việt (1) Trần Tâm (7) Trần Thái Hưng (5) Trần Thanh Hải (3) Trần Thành Nghĩa (1) Trần Thế Nhân (13) Trần Thị Bích Thu (1) Trần Thi Ca (9) Trần Thị Cổ Tích (2) Trần Thị Huệ (1) Trần Thị Huyền Trang (3) Trần Thị Ngọc Hồng (1) Trần Thị Thanh (5) Trần Thị Thắng (1) Trần Thị Thương Thương (4) Trần Thị Trúc Hạ (1) Trần Thị Uyên (7) Trần Thiện (3) Trần Thiện Tuấn (1) Trần Thoại Nguyên (2) Trần Thuận (7) Trần Thúy Lành (6) Trần Thuỳ Trang (1) Trần Thư (1) Trần Thương Nhiều (1) Trần Trọng Hưng (2) Trần Trọng Tân (1) Trần Trọng Vũ (2) Trần Tuấn Anh (2) Trần Tuấn Thanh (10) Trần Vạn Giã (2) Trần Văn Bạn (16) Trần Văn Nhân (5) Trần Văn Thiên (1) Trần Việt (1) Trần Viết Dũng (11) Trần Võ Thành Văn (24) Triết học (2) Triều Âm (2) Triều Châu (1) Triều La Vỹ (2) Triệu Lam Châu (1) Triệu Từ Truyền (30) Trịnh Bửu Hoài (106) Trịnh Duy Sơn (2) Trịnh Hoài Linh (5) Trịnh Huy (4) Trịnh Thuỳ Mỹ (1) Trịnh Tuyên (1) Trịnh Viết Hiền (1) Trịnh Viết Hiệp (1) Trịnh Yến (2) Trọng Mật (2) trụ vương (1) Trúc Giang (4) Trúc Lập (1) Trúc Linh Lan (2) Trúc Thanh Tâm (12) Trúc Thuyên (3) trung quốc (1) Trung Trung Đỉnh (1) Trung Y (1) Truong Nguyen (1) Truyện dài (10) TRUYỆN DỊCH (15) Truyện ký (2) TRUYỆN NGẮN (1173) TRUYỆN VỪA (14) Trương Công Tưởng (16) Trương Diễm Phiến (1) Trương Đình Phượng (8) Trương Đình Tuấn (3) Trương Hồng Phúc (14) Trương Huỳnh Như Trân (2) Trương Lan Anh (1) Trương Nam Chi (5) Trương Thanh Cường (2) Trường Thắng (65) Trương Thị Thanh Tâm (22) Trương Thị Thúy (2) Trường Thịnh (6) Trương Tri (2) Trương Văn Dân (21) Trương Viết Hùng (1) TTM (1) Tuấn Nguyễn (7) Tuấn Quỳnh (3) Tuệ Mỹ (1) Tuti (2) Tuỳ bút (2) TÙY BÚT (120) Tuyết Nhung (1) Tuyết Vân (1) tứ đại mỹ nhân (1) Tường Vi (1) TX (1) Út Lãng Tử (1) Uyên Khuê (2) Uyên Minh (1) Uyển Phan (1) Vạn Lộc (1) Vành Khuyên (1) Văn (2469) Văn Công Mỹ (2) văn hóa truyền thống (5) Văn học nước ngoài (11) Văn Lưu (1) Văn Nguyên (1) Văn Nguyên Lương (7) Văn Nhược Ba (1) Văn Thạnh (2) Văn Thành Lê (1) Văn Thắng (23) Văn Trọng Hùng (1) Vân Đồn (3) Vân Giang (12) Vân Khanh (2) Vân Phi (32) Vân Tùng (2) Vi Ánh Ngọc (2) Vi Quốc Hiệp (1) Victor Remizov (1) VIDEO CLIP (2) Viễn Trình (25) Việt Quỳnh (1) Việt Trang (1) Việt Trương (1) Vĩnh Sơn (7) Vĩnh Thông (43) Vĩnh Tuy (21) Võ Bá Cường (1) Võ Chân Cửu (17) Võ Chí Nhất (3) Võ Công Liêm (1) Võ Diệu Thanh (18) Võ Dõng (1) Võ Đông Điền (4) Võ Hà (1) Võ Hạnh (2) Võ Mỹ Cát (1) Võ Ngọc Thọ (4) Võ Như Văn (3) Võ Thị Nga (13) Võ Thị Thu Thủy (1) Võ Thuỵ Như Phương (15) Võ Văn Hoa (1) Võ Văn Luyến (1) Võ Xuân Phương (3) Vũ Bình Lục (1) vũ đạo (1) Vũ Đình Huy (9) Vũ Đình Liên (1) Vũ Đình Minh (1) Vũ Đình Nguyệt (2) Vũ Đình Thung (2) Vũ Đức Trọng (1) Vũ Hạ (1) Vũ Hạnh (3) Vũ Hùng (2) Vũ Miên Thảo (5) Vũ Thành An (1) Vũ Thị Huyền Trang (115) Vũ Thụy Khuê (8) Vũ Trọng Quang (1) Vũ Trọng Tâm (2) Vũ Trọng Thanh (1) Vương Doãn (1) Vương Hạnh (1) Vương Hoài Uyên (4) Vương Tâm (3) Xanh Nguyên (4) Xuân Đài (1) Xuân Phong (6) Xuân Phương (1) Xuân Tiến (20) Ý Thu (3) Yên Kha (7) Ziken (2)
-------------------------------------------------------------------------
+ 817 TÁC GIẢ CÓ BÀI ĐĂNG TRÊN HƯƠNG QUÊ NHÀ
-------------------------------------------------------------------------