tranh đinh cường
An có thói quen tắt nguồn điện thoại trước lúc đi ngủ. Phòng ngủ của anh lại gần kề phòng con và các cháu; nên mỗi lúc chuông điện thoại reo mà chưa kịp bắt máy, thì con cháu không ngủ yên được! An bị rầy rà mấy lượt, nên khi uống hai viên Rotundin, chuẩn bị lên giường, là đã tắt máy ngay! Cho khỏi phiền...
Đêm hôm qua, không rõ vì sao, An đã lên giường ngủ một giấc, mà điện thoại lại reo vang inh ỏi? Lúc ấy vào khoảng 10 giờ 30, cả nhà đang ngủ say hết. An giật mình, đưa vội tay lên đầu giường như cái máy, mở to mắt nhìn, thấy tên “Nguyễn Viết Đào”…Anh bắt máy, chủ yếu chỉ nghe, không dám nói. Câu nói duy nhất của An trước khi tắt máy, tắt nguồn, là “Tôi sẽ đến. Cám ơn anh!”.
Nếu An nhớ tắt nguồn như mọi đêm, thì đã bỏ mất một cơ hội gặp gỡ, chia sẻ với bạn. Sự “quên ngẫu nhiên” có lẽ, đôi khi - cũng là một diều tốt, An nghĩ vậy - cũng có thể là một “nhân duyên lành”; vì trong cái rủi vẫn có cái may bên cạnh...
Sáng sớm hôm sau, An gọi cho Đào để xin lỗi, và cho biết lý do đêm qua không thể trò chuyện lâu hơn được. Biết An sẽ có mặt, Đào rất vui: “Anh em ít có dịp gặp nhau, nay nhân ngày giỗ bà xã, cậu nhớ xuống để mình còn cảm thấy gần gũi - như xưa nhé!”.
Lời người bạn như âm vang trong đầu An “để anh em còn cảm thấy gần gũi như xưa”; thật ra quê của Đào chỉ cách An khoảng mười mấy cây số thôi, nhưng anh em ít có dịp gặp nhau lâu. An chợt nhớ lời người bạn vừa thuật lại tuần trước, khi An được mời đến dự ngày giỗ cha của anh ta. Anh ta kể, vừa gọi cho một cậu bạn đang là Phó giám đốc một cơ quan ngày xưa của anh, với lời mời rất thân tình, dầu cậu ấy nhỏ tuổi hơn: “Nhân ngày giỗ ông già mình, mời cậu mười giờ hơn ghé uống chén rượu cùng gia đình và anh em…” - người bạn đáp gọn một câu “chưa chắc!”, rồi cúp máy cái rụp; mà không thể hiểu nổi sự kì quặc của một con người, có thể nói là đã “có chút địa vị và học thức” trong xã hội của chính mình đang sống! Mỗi ngày, An vẫn thường bắt gặp những sự kỳ quặc như thế nhiều hơn, mà không thể giải thích được…
Đào mời An có mặt từ khoảng 10 giờ đến 10 giờ 30, nhưng An đã quyết định đi sớm, để đến sớm hơn. An có thói quen “không dám” đi trễ. Nếu bận việc phải đến trễ hơn 15 phút - đều gọi báo và xin lỗi trước. Đào lớn hơn An hai tuổi, học cùng trường Cường Đễ, nhưng học trên một lớp. Cả hai đã có thời gian ba năm sống chung một nhà trọ từ lớp đệ tứ. Đào thi hỏng tú tài hai, bị động viên vào học trường võ bị Thủ Đức; trong lúc An tiếp tục học đệ nhất, và cuối năm vượt qua được kỳ thi với tỷ số đậu mười phần trăm giai đoạn thi viết, qua phần oral chỉ còn lại tám phần trăm. An chọn thi vào trường Đại học Sư phạm Sài Gòn…
Đào là con út một gia đình phú nông khoa bảng, danh giá ở xã TP, được lo cho việc ăn học xa rất chu đáo; trong lúc An ít khi trả tiền cơm tháng một lần cho bà chủ nhà trọ đúng hẹn. Trong đám chín cậu học trò đang tá túc ở trọ ấy - có lẽ, An là người bất hạnh nhất: An mồ côi cả cha lẫn mẹ từ nhỏ, sống nhờ vào chút tình thương của người anh. An luôn trả tiền cơm một tháng đến hai ba đợt vì người anh chưa bao giờ vui vẻ đưa cho An một lần. Nhưng, Đào lại chọn An để kết thân, gần gũi, quý mến anh nhiều nhất. Cả hai thường đi học chung mỗi sáng. Đào thường rủ An đi long rong ngoài phố, vào quán ăn kem, vào xi nê chiều thứ 5, hay ra biển mỗi chiều tối, trước giờ ngồi vào bàn học cho đến khi đôi mắt không mở ra được nữa. Đào vẫn hay dành nhiều thời gian cho việc chải chuốt, săm soi gương mặt, mái tóc, áo quần; nên khiến An thường bị đi học trễ vì chờ đợi Đào đứng trước tấm gương soi hơi lâu… Có hôm, đã ra đến đường - Đào còn kéo An lại, hỏi: “Cậu nhìn thấy cái đầu tóc mình thế nào? Mình ăn mặc vậy có được không?” - “Number-one, trễ rồi, cha nội…”. An không ưa Đào về chuyện chải chuốt, nhưng lại mê Đào về chuyện đàn hát; Đào chơi guitar rất giõi, nhưng hát thì chỉ “hay hát” thôi (chứ không phải hát hay)…
Đào ra trường bộ binh một thời gian, nhưng sau đó được tuyển vào không quân. Có lẽ vì nhu cầu, cũng có thể vì “bộ gió” cao ráo, khỏe mạnh, hào hoa của anh ta nữa. Đào được cử sang Mỹ học lái máy bay trực thăng và L19 hơn một năm, về nước phục vụ ở phi trường Cam Ranh; trong lúc An đang còn học năm cuối đại học.
Khi còn ở Sài Gòn, nghe Đào báo tin sẽ cưới Kim Thanh vào dịp cuối năm - An hơi ngỡ ngàng một chút, nhưng không ngạc nhiên nhiều. Thuở còn học đệ nhị, trong lúc đang nỗ lực để chuẩn bị thi tú tài phần một, An đã nghe Đào rỉ rả tâm sự về cuộc tình của anh với Kim Thanh. Rất mùi mẫn. An chỉ nghe, mà không ý kiến. Mới vừa tuổi mười tám, nhà nghèo, An chỉ lo cắm đầu học, không hề dám nghĩ nhiều đến chuyện yêu đương, mặc dầu cũng có đôi bóng hồng chen vào đầu An, nhưng không ở lại lâu, không sâu đậm…An hiểu lờ mờ rằng, Tình Yêu rất rắc rối, rất kỳ cục - nên An chỉ ngồi nghe Đào say sưa kể chuyện vì nể tình, mà không dám góp vào câu nào… Không biết rõ, tốt hơn là nên im lặng - An luôn ghi nhớ lời khuyên đó của chị, khi rời nhà đi học xa.
Đào đã giới thiệu Kim Thanh cho An biết vào một lần gặp nhau ở bãi biển. Kim Thanh đẹp. Có duyên. Vóc dáng gợi cảm. Cô có học qua năm đệ nhất ở trường tư thục Bồ Đề, nhưng thi tú tài hai không đậu; đang làm việc ở Ty Xã hội. Trước khi gặp Đào, Kim Thanh đã có một đứa con trai hai tuổi với chàng trung úy thiết giáp, mà chưa làm đám cưới. Rút cuộc, chàng trung úy hào hoa đã theo đoàn xe tăng lên cao nguyên, không hẹn ngày trở lại…Trước ngày nhận về làm “phù trể” cho Đào, An còn nghe vài người bạn cùng trường thuở xưa cho biết, Kim Thanh còn lớn hơn Đào hai tuổi! An cười: “Cậu không nhớ lời ông bà ta đã nói sao? - “Nhất gái hơn hai, nhì trai hơn một” đó mà!”. Ngày theo họ nhà trai đến nhà gái để làm lễ, An chỉ trông thấy một mình mẹ của Kim Thanh (và chú bác, cô dì…) trên bàn họ đón khách - hỏi nhỏ Đào: “Ông già của Kim Thanh đâu rồi, cậu?” - Đào thì thầm: “Ông già còn đang ở Hà Nội!”.
tranh Đinh Cường
Cách nay chín năm, Kim Thanh mất vì bệnh ung thư, mặc dầu Đào đã lo chạy chữa cho vợ gần như “sạch sẽ” vốn liếng còn lại sau năm 75. Kim Thanh mất, để lại cho Đào bốn người con - Đào gọi người con riêng của Kim Thanh là “con Cả”, người con trai đầu tiên của Đào là “con Trưởng”, và tiếp theo là cô gái và một cậu con trai út. Đào đã cùng Kim Thanh lo việc xây dựng gia đình cho người con Cả bài bản, dù hoàn cảnh lúc ấy đang rất khó khăn. Hai người con trai sau nầy của Đào đang sống và làm việc ở Sài Gòn. Chỉ có người con Cả và cô con gái giữa là vẫn sống ở quê, gần Đào. Tất cả, cho đến nay - đều đã được lập gia đình riêng, có cửa nhà, công việc làm ăn tương đối ổn định. Đào đã có cháu nội và ngoại đầy đủ, đuề huề.
Hằng ngày, người con Cả ở trên phố chợ đều chạy về tưới vườn cây cảnh, quét dọn khu vườn cho Đào một lần vào buổi sáng sớm. Trưa, cô con gái mang thức ăn đã nấu sẵn đến cho Đào và đứa cháu nội (con của người con Cả) dùng cả ngày. Đào chỉ nấu nồi cơm điện, cho vui - tùy thích. (đứa cháu nội lớn nhất chín tuổi con của người con Cả đã về sống với ông nội từ hai năm nay, cho ông nội vui!). Nhờ có đứa cháu nội, Đào có thể nhờ đỡ vài việc lặt vặt như chạy lên phố chợ mua gói thuốc, mấy lạng café, hay cái card điện thoại khi đang bận soạn tiếp vở tuồng hát bội “Kim Vân Kiều” (sau khi đã soạn xong tuồng “Ngọn Sóng Bạch Đằng” và “Tiếng Gọi Biên Thùy”), hay đang có bạn ghé thăm chơi. Hằng ngày, vào lúc ông cháu được thư thả - Đào chăm chút dạy thêm cho cháu học Anh ngữ, rồi học đàn. Ngôi nhà lá mái cũ nơi cái xóm vắng giữa đồng của vợ chồng Đào chỉ cách khu phố chợ mấy đám ruộng, một đoạn đường bê tông vài trăm mét, thường là nơi giao lưu của những người bạn Đào từ thời còn cắp sách, đến bây giờ đã “răng long - tóc bạc”. Đây cũng là ngôi nhà từ đường của dòng họ “Nguyễn Viết” bởi người anh trưởng của Đào đã chết trong chiến tranh.
Buổi chiều, hai ông cháu thường ngồi ở chiếc ghế đá ngoài góc sân, Đào ôm đàn hát đủ thứ bài, từ tân nhạc, đến cổ nhạc - đứa cháu ngồi bên chỉ nhìn Đào mà cười, rồi vỗ tay! Nhiều bạn thân, kể cả bà con của Kim Thanh, có đôi lần góp ý, mong Đào “bước thêm bước nữa” cho có người kề cận sớm hôm, cho vui, mỗi khi nhìn vóc dáng Đào đã 62 nhưng còn rất phong độ; nhất là khi nhìn thấy cảnh sống quạnh hiu lúc đứa cháu nội chưa về sống chung - nhưng anh chỉ cười:“Tìm bồ bịch thì dễ ợt, nhưng tìm vợ - khó lắm!”.
Sau năm 75 - trong buổi giao thời rẫy đầy đổi thay khó lường, đời sống đang gặp vô vàn khó khăn, lòng người hiểm sâu khó biết; nhưng Đào vẫn áo sơ mi thẳng nếp, quân tây, bỏ vào trong tươm tất, giày vớ nhiêm túc, đầu tóc chải chuốt gọn gàng, mỗi khi có việc phải ra đường… Có việc lên thị trấn, Đào đều ghé thăm An thân tình, gần gũi như thuở cùng nhà trọ hơn bốn mươi năm trước, dầu lúc nầy An đang là người thợ lem luốc, vất vả (chứ không còn làm thầy nữa!). Lần nào gặp Đào (dù tình cờ ở đâu), An cũng vẫn thấy Đào “không có chút gì thay đổi” - nghĩa là vẫn áo quần thẳng thóm, giày tất đầy đủ; cử chỉ thong dong, kỹ lưỡng, và đạo mạo; khi thời cuộc đang thay đổi. Và An cũng đã tìm thấy nơi hình ảnh bạn một niềm vui sống trong cảnh ngộ bi đát đang phải vượt qua - nhất là mỗi lần được gặp, trò chuyện với Đào bên tách café nơi góc quán hiên nhà vỉa hè nào đó…
Ngày giỗ lần thứ ba của Kim Thanh, để xả tang - Đào có gọi mời An xuống nhà “uống ly rượu”, và anh đã có mặt dầu ngay chiều hôm ấy là phải bươn bả vào Sài Gòn. Trong buổi sáng hôm ấy, An đã rất vui được gặp lại anh và chị của Kim Thanh, mà đã hơn ba mươi lăm năm không có dịp gặp lại. Buổi sáng hôm ấy, có đông đủ các cháu gọi Đào bằng “dượng”, bằng “chú”. Từ con Cả đến con Út - đều đông đủ, sum họp - khiến An cứ nghĩ rằng, đó là một cuộc gặp gỡ hạnh phúc…
An xin phép Đào được thắp nén hương đầu tiên cho Kim Thanh sau ngày chị ra đi. Bức ảnh của Kim Thanh chụp năm 92 được Đào rọi lớn, đặt giữa bàn thờ sáng rực ánh đèn, vẫn còn ghi rõ nét duyên dáng, hồn hậu nơi gương mặt phảng phất buồn của chị; đã làm An bàng hoàng nhớ lại một thời tuổi trẻ nơi bãi biển, lần đầu được Đào giới thiệu. An thoáng nghĩ, thời gian đã làm đổi thay tất cả - nhưng, tình yêu thương vẫn còn đây bên đời sống của Đào đang nghi ngút khói hương…
tranh Đinh Cường
Quê nhà, Mồng 3 tháng 7 Giáp Ngọ, 2014
MANG VIÊN LONG
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét