Nhà
văn Lê Hoài Lương sinh năm 1961, hiện
sống và làm việc tại thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Hội viên Hội nhà văn
Việt Nam.
Tác phẩm chính đã in:
- Mỗi tháng có một rằm, tập truyện ngắn, NXB
Hội Nhà Văn, 2000
- Những thời gian hoang phế, tập truyện ngắn, NXB
Thuận Hóa, 2005
Các giải thưởng văn học:
- Giải nhì thơ 1983, Hội VHNT Nghĩa Bình, bài thơ dự thi: Ngọn lửa
- Giải nhì truyện ngắn (không có giải nhất) VHNT Bình Định, truyện ngắn dự thi: Tiếng rừng
- Giải 3 Truyện ngắn dự thi VNQĐ, 1996, truyện Mỗi tháng có một rằm
- Giải 2 truyện ngắn dự thi VNQĐ, 2005- 2006, truyện Tiếng chuông chiều
- Giải 3 truyện ngắn dự thi Văn Nghệ, 2006- 2007, truyện Một ngón tay nho nhỏ
- Giải B Văn học Nghệ thuật Xuân Diệu- Đào Tấn, Bình Định, 1995- 2000
-
Giải A giải thưởng VHNT Đào tấn Xuân Diệu, Bình Định 2001 – 2005
Hương Quê Nhà xin giới thiệu truyện
ngắn của anh viết về đề tài mang bản sắc riêng của miền đất võ Bình Định, đó là
nghệ thuật hát bội, tựa đề: ÁNH HỒI QUANG
HIU HẮT
1.
Nàng
thực sự lộng lẫy khi vừa mười lăm tuổi. Cả tài và sắc. Sắc thì có thể mỗi người
có “gu” riêng để mê, để yêu. Nhưng tài, chắc rằng sự thừa nhận rất dễ chung.
Tài được cộng đồng thừa nhận thì khó bài bác. Nàng là con gái của chánh ca Tầm.
Ở cái đất hát bội này, chánh ca là tôn vinh lớn nhất. Đó là sự tôn vinh sòng
phẳng vì không có bất kỳ thế lực nào chi phối. Phép vua thua lệ làng. Mọi tổng
đốc, tuần phủ nơi khác đến Bình Định đều tuân thủ “lệ” hát Văn miếu hàng năm để
tôn vinh tài năng hát bội ở địa bàn mình cai quản. Cái nôi hát bội, dân của hát
bội muốn cai quản tốt không thể không tuân thủ lề luật này. Hát Văn miếu, quan
ngồi cho có lệ để chứng kiến, người đề xuất các danh hiệu là những nghệ sĩ có
tên tuổi được nhân dân thừa nhận. Sự thừa nhận khắc nghiệt bằng chính thực tài
chứ không phải danh xưng hão. Vậy là các nghệ sĩ thực tài này sẽ “bỏ phiếu” cho
các danh hiệu chánh, phó ca. Người cầm quyền cao nhất tỉnh chỉ “chuẩn y”. Mọi
thứ đều hợp lòng dân. Thời ấy đơn giản lắm, chính xác và đàng hoàng lắm. Nhưng
thôi, trở lại chuyện nàng.
Khi
tôi kể những chuyện này, 2010, nàng đã tám mốt tuổi ta, nàng sinh năm Canh Ngọ,
1930. Bắt đầu theo cha đi hát từ năm lên mười, năm mười sáu tuổi ta, nàng đẹp
rực rỡ và thực sự nổi tiếng. Nàng nổi tiếng vai kép, Lữ Bố trong “Lữ Bố hí Điêu
Thuyền”. Vì nét mặt như hoa. Vì hát hay diễn giỏi. Sáu thứ cần cho một đào, kép
giỏi thanh, sắc, thục, tinh, khí, thần nàng đều có cả. Vậy là nàng nổi tiếng.
Ngay thời hát bội phải cạnh tranh với cuộc tấn công của cải lương. Các đoàn cải
lương dựng rạp ngay trên đất hát bội mà tranh khách, tranh thành công. Lao đao
vài năm, hát bội thích nghi bằng cách chế tác nhanh diễn các vở tiểu thuyết
diễm tình và đòi lại được khách xem. Nhất là khi Bầu Sa cho dàn dựng vở “Đông
Lộ Địch” của Ưng Bình Thúc Dạ Thị. Rạp Trung Hoa có thời bị cải lương ‘‘chiếm’’
giờ hát bội thành công vang dội khi cứ diễn đi diễn lại vở này cả nửa tháng
trời vẫn còn người xem. Cuộc giằng co lúc thiên bên này lúc ngả bên kia, cải
lương và hát bội bất phân thắng bại. Thời điểm này nàng bí mật vào tận Sài Gòn,
tới rạp lặng lẽ xem nghệ sĩ Phùng Há diễn cải lương cũng vai Lữ Bố và cách diễn
của nàng sau đó đã có chút pha trộn tinh túy cải lương, thành càng độc đáo.
Một
thế hệ tài năng mới đã vẽ mặt đeo râu làm nức lòng người xem.
Nhưng
cách diễn hát mới gặp sự phản kháng quyết liệt của lớp trước. Nàng chứng kiến
cuộc đấu khẩu nảy lửa của ông Mười Thanh, một danh ca bậc cha chú, dòng đích
truyền từ Học Bộ Đình của ông Tổ Đào Tấn với Trần Long, Hoàng Canh… ‘‘Bọn mày
hát kiểu đó đúng là đồ khi sư diệt tổ’’. Trần Long chỉ cười hì hì, thưa rất lễ
phép rằng, chú cho bọn con sống với chớ, bây giờ khác, diễn cái nỗi đau như chú
dài mất ba tháng, hì hì, dân nó về mất… Vừa nói anh vừa diễn, nhập hồn và quyết
liệt, chữ ‘‘đau’’ của câu hát với cách diễn cũ, rợn người, xuất hóa cùng nỗi
đau buộc lòng phải cách tân để tồn tại. Ông Mười Thanh trợn ngược râu, mắt ngồi
lặng. Rồi phủi đít bỏ đi, lẩm bẩm ‘‘bọn bay bá đạo’’, đôi vai run run, rũ xìu…
Nàng thấy thương ông nhưng nàng biết mình và các anh không thể làm khác.
Sau
này nhiều lần mời ông Mười Thanh hát trường, ông thẳng thừng từ chối. Ông lặng
lẽ kiếm sống bằng cách gánh mắm cho vợ bán dạo. Thỉnh thoảng nhớ nghề, bán đủ
tiền cho ngày, có người yêu cầu, hứng lên là hát diễn vài đọan. Mấy lần chứng
kiến cảnh đó nàng đều rớt nước mắt.
Nhưng
công chúng mới là người quyết định, họ đã ủng hộ và thừa nhận cuộc cách tân
quyết liệt này. Một thế hệ tài năng mới hình thành, cả danh hiệu “tứ đại danh
ca”, trong đó có nàng. Nàng không hiểu vì sao chỉ là ‘‘tứ đại’’, vì thế hệ này
có thể kể đến ‘‘thập đại’’…
Một
người ái mộ tài hát diễn của nàng sau này trở thành nhà nghiên cứu hàng đầu của
hát bội đang ngồi trước mặt tôi đây cùng hát mấy trích đoạn của “Hoàng Phi Hổ
quá giới bài quan” với nàng. Ông lớn hơn nàng mấy tuổi, cũng là người chứng
kiến cuộc tranh luận cay xót của hai thế hệ tài danh mấy mươi năm trước. Họ
hát, chỉ có giọng là còn âm vang…
2.
Chạng
vạng tối, một người mặc áo bôn-nha, cái áo chẽn để múa võ, hách cánh cổng gỗ
khép hờ vào nhà ông. Dưới chỉ còn độc cái quần đùi. Nghệ sĩ Trần Long của ‘‘tứ
đại’’. Ông đang là chủ tịch kháng chiến xã, mê hát rồi chơi thân với các diễn
viên này từ lâu. Ngạc nhiên hỏi sao áo quần kỳ cục, Trần Long cười ngượng không
nói. Chắc là bán sạch hút rồi.
- Anh giúp tôi làm mấy đêm, hổm rày đói quá!
- Thôi cứ vô nhà kiếm gì ăn đã rồi tính.
Ông
bảo vợ làm cơm rồi bà đi xé về mấy thước vải cắt may luôn trong đêm thành hai
bộ bà ba.
- Hát thì được, sẵn mùa trăng biển nghỉ nghề, dân đông. Nhưng anh phải rút cho
được mấy đào kép này…
- Được. Tôi đi luôn đêm nay. Đang hát Gò Bồi, tôi lẻn xuống đây. Chắc ông Ba
Đựng làm thịt tui nhưng cũng liều. Với lại nếu ổng giết tui lấy ai đóng Địch
Thanh, ai làm Bao Công, ai diễn Tiết Cương… Hà hà.
Ông
ra trụ sở bàn với xã đội. Đôi bên cùng có lợi, dân được xem hát hay, đào kép có
tiền, dân quân du kích cũng thêm quỹ. Chứ mấy đám ruộng còi nuôi quân chẳng ra
sao.
Sáng
hôm sau dân quân dựng sân khấu. Đơn giản lắm chứ không rườm rà phông màn đèn
điện bây giờ. Chỉ một màn hậu, mấy vác lá đùng đình về kết, mấy mẻ đèn dầu treo
là hát diễn, hát bằng chính giọng thật không qua mi- cờ- rô khuếch âm. Lại nói,
cái giọng đặc biệt của nàng, hát tận Gò Bồi cách cả chục cây số đường chim bay
mà mùa nam thuận gió, xóm Vũng của ông cũng nghe! Kèn trống thì cũng âm vọng
từng chặp trong gió.
Sáng
hôm sau lục tục kéo qua mấy diễn viên, nhạc công với đồ lề gọn nhẹ. Trốn đi,
làm sao mang vác lịch kịch. Thiếu người diễn đã có đội văn nghệ Vũng rất sẵn bổ
sung, thời này chủ yếu là hát bội với hô bài chòi.
Trần
Long rủ được mấy đào kép xịn qua vì người Vũng mê hát, tiền thướng luôn cao,
lại được ăn cá thỏa thích. Chuyện thướng điển hình là có ông gánh chiếu đổi cả
gánh lấy tiền cầm chầu, hôm sau hết tiếp tục tới người quen mượn tiền đăng ký
cầm tiếp, trả sau. Trả bằng tiền hay trả chiếu cũng được. Làng chiếu quê ông
cách Vũng hơn hai chục cây số. Thời ấy không có khái niệm xù nợ. Ông này đặc
biệt ở chỗ, ngày tang mẹ, dù mình là trai trưởng cũng phân đều chi phí cho các
em, keo và tính toán lắm, nhưng với việc xem hát, cầm dùi trống thưởng phạt thì
có thể bán lúa non mà chơi, dù Bình Định có câu “Trên đời có bốn cái ngu. Mai
dong, lãnh nợ, nuôi cu, cầm chầu!”
Lần
này hát đến bảy đêm chứ không phải ba đêm như dự tính, hát đến khi hết mùa
trăng, dân còn yêu cầu là còn hát. Từ “Cổ thành” đến “Hộ sanh đàn”, từ “Hoàng
Phi Hổ” đến “Đào Tam Xuân”, “Lữ Bố”, “Liễu Nguyệt Tiêm”… Lần đó Trần Long suýt
bị ông Ba Đựng làm thịt: ông phải nuôi không dàn diễn viên nhạc công còn lại vì
lèo tèo mấy mạng thường thường ai coi? Người Bình Định thuộc làu tuồng tích,
coi hát bội là coi diễn viên hát diễn đã từ lâu mặc định qua sự khổ luyện bao
thế hệ truyền lại. Hoàng Phi Hổ nằm miễu phải diễn thế nào, Tiết Cương chống
búa, Châu Thương bắt ngựa, Tạ Ôn Đình đá giáp… làm sao, nếu hát diễn không thấu
không tới là dân không coi. Những vở tuồng tiểu thuyết mỗi hồi diễn cả đêm, coi
mỏi ra trước làm cuốn nem nướng, vài cái trứng lộn rồi vô coi tiếp. Ở nhà nghe
kèn trống cũng hiểu tới lớp nào, ai đang diễn…
Mấy
năm sau, khi Đoàn văn công liên khu V thành lập ông xin chuyển công tác theo
đoàn, tập kết ra bắc với danh nghĩa diễn viên, được cử đi Trung Quốc học bảy
năm đại học rồi nghiên cứu sinh ngành lý luận sân khấu thành nhà nghiên cứu, đã
góp nhiều công trình quý giá cho hát bội nói riêng và cho lý luận sân khấu
truyền thống.
3.
Mươi
năm gần đây nàng sống với một người con ở thành phố trên Tây Nguyên, lâu lâu
mới về Bình Định ít ngày với cô con gái út. Nàng sinh ra là để hát chứ không
phải cho đời sống gia đình nhiều toan tính. Và cũng cháy vèo những rực rỡ, tăm
tiếng cùng đời sống gia đình chật hẹp và những cuộc tình thoảng qua hay dai
dẳng…
Nhờ
sự tác động của nhiều nhân vật hoạt động ngành văn hóa, tỉnh cấp cho nàng một
lô đất ở thành phố, chế độ nghệ sĩ ưu tú, sòng sành rồi đem bán, mấy tháng sau
cũng hết vèo cho tiêu pha, hùn hạp gì đó. Thực ra danh hiệu nghệ sĩ ưu tú
là do ngành Văn hóa Bình Định làm hồ sơ cho “tứ đại danh ca” vì họ sừng sững
sống trong dân chứ sau năm bảy lăm phần đông họ không về Nhà hát, đơn vị nhà
nước, vì không quen cách quản lý mới. Những ông bầu xưa khác, và một phần chất
nghệ sĩ cầm ca của họ, cũng khác. Họ mãi là các nghệ sĩ của nhân dân.
Tôi
thường lại chơi nhà ông nên mỗi lần nàng về ghé thăm tôi đều gặp.
- Máu nghề mà, sao bác không dạy học trò cho vui?
- Nhà hát cũng đôi lần đề nghị nhưng tôi không làm. Mà bên ngoài đâu còn ai tha
thiết học nghề này. Mấy gánh không chuyên giờ kiếm lựclượng trẻ không ra. Hết
thời lâu rồi. Họ còn cầm cự được là may đó cậu.
Nàng
thường gọi tôi là cậu, một cậu nhỏ có viết mấy bài báo về hát bội và tỏ ra vui
mừng mỗi lần gặp người còn lại của ‘‘tứ đại’’.
- Giờ đã bát tuần mà bác vẫn còn giữ được làn da đẹp, còn nét quá, chắc xưa
hàng hàng đàn ông mê? Tôi nịnh cho nàng vui. Quả nhiên mặt nàng thoáng đỏ, và
vui hẳn ra.
- Già yếu hom hem rồi cậu à, xưa thì nói gì.
Và
kể. Về những đêm diễn vĩ đại rực rỡ sự nồng nhiệt tán thưởng. Những khay thẻ
thưởng bay ào ào lên sân khấu. Những đón mời. Những đàn ông hâm mộ nữa, đương
nhiên. Trong câu chuyện có nhắc tới ông, còn ông cười cười cũng lẳng, không rõ
bao nhiêu đùa bao nhiêu thật chuyện hai người. Bao giờ nàng chào về, ông cũng
giúi vào tay nàng ít tiền xe, tiền quà.
Lần
này nàng về vì có ‘‘Liên hoan tuồng truyền thống toàn quốc’’ thành lệ cứ hai
năm một lần các đoàn về hát diễn trên đất tuồng quê nàng. Nàng được mời, ghế
danh dự bậc danh ca một thuở. Ngồi cạnh là ông, nhà nghiên cứu gạo cội. Hát bội
không có tiếng trống chầu khiến nàng bứt rứt, cứ làm động tác gõ chầu tay theo
nhịp hát, câu hát. Mọi thứ giờ khác quá… Ngay cả sân khấu nay cũng đẹp mắt bao
màn cảnh với độ chuyên nghiệp của họa sĩ sân khấu. Nàng nhớ hát bội thời mình,
chỉ có cái màn hậu, rạp trang trí bằng lá đùng đình, màn trướng kết thêm hạt
cam thảo, còn mẻ đèn cháy bập bùng hai bên. Đâu có cảnh tắt đèn chuyển cảnh như
bây giờ, ban nhạc và đào kép phải lo lấy các lớp lang: ra tuồng, đi lớp, màu
tuồng, hạ tuồng… Chao ôi nhớ, mỗi đoạn ra tuồng, nội tiếng trống chiến, trống
lệnh thúc rố lên, tiếng quân ó xa ó gần rộ lên dồn vọng lớp lớp, hát bội không
chỉ tạo không khí cho sân khấu, nó phục dựng không gian nghệ thuật bằng nghệ
thuật hát bội được truyền dạy kỹ càng từng vai diễn, từng kỹ thuật tạo nên sự
cộng thông tuyệt vời giữa tuồng tích và cuộc đời, giữa diễn viên, sân khấu và
công chúng. Không thể khác, vì khác là không còn hát bội.
Giờ
họ đang làm gì kia với những tích tuồng đã ăn sâu trong niềm yêu của công chúng
đất này như tín ngưỡng? Khác quá, khác lắm!...
Nàng
cứ miên man trong những đối sánh vô thức, bên cạnh nghe ông làu bàu điều gì đó.
Hôm ấy đoàn Bắc diễn ‘‘Tam nữ đồ vương’’, tới đoạn Tạ Ngọc Trân đấu với con Tạ
Kim Hùng, ôm con lao vào lửa, sân khấu rực lửa kỹ xảo. Còn diễn viên, các em
diễn lấy có. Nàng nghẹn ứ trong cổ. Đâu rồi Tạ Kim Hùng nhảy lửa vì lửa đốt?
Đâu rồi cảnh cha con đấu lưng trong lửa? Lớp ‘‘Lão Tạ lăn lửa’’ không còn nữa.
Nàng níu tay ông, anh, hết rồi, bữa nay bọn trẻ nó diễn vầy còn gì hát bội nữa.
Ông cũng run người, xúc động không kém. Trên đường lững thững về ông chợt hỏi,
em có nhớ cuộc tranh luận với chú Mười Thanh mấy chục năm trước không. Cả hai
cười như mếu… ‘‘Bọn bay hát vậy là khi sư diệt tổ…, là bá đạo…’’
Vậy,
hát bội giờ của nàng là thủ cựu hay của họ là “bọn bá đạo”? Nhưng nàng và các
anh Trần Long, Hoàng Canh… đã làm cho hát bội sống mấy chục năm qua. Giờ thấy
người ta trả lương tháng cho đào kép để hát diễn vì truyền thống. Cái truyền
thống mà nếu không trả tiền gìn giữ có thể sẽ tiêu vong. Phải không?…
Về
tới nhà, đột nhiên ông đề nghị hát, cùng hát. Tôi cũng từ chỗ hát bội về cùng,
mừng vui nghe hai người đối ca, ngồi đối diện nhau ca chứ không diễn, tám mấy
rồi còn gì. Ông tuy giọng còn vang nhưng đã xì hơi vì mấy cái răng trống. Nàng
tuy không xì hơi nhờ hàm răng giả nhưng cũng yếu hơi hẳn. Họ hát đoạn hồn Giả
Thị gặp Hoàng Phi Hổ lớp ‘‘Hoàng Phi Hổ quá giới bài quan’’. Nàng hát câu nam
hồn Giả Thị rợn người. ‘‘Aí tía tỏ lời sinh tử. Kể khôn cùng để sự thê lương’’.
Và câu tán ‘‘ Hồn lai phong lâm thanh phiêu phiêu hề di thế. Giang tâm thu
nguyệt bạch diếu diếu hề tương vong’’. Câu này tôi nghe ông khen nhiều lần, và
giảng nghĩa rằng, ‘‘hồn về rừng thông xanh chơi vơi trong cõi thế, trăng rọi
lòng sông buốt hai cuộc đời tiêu tan’’. Kể không cùng để sự…, ừ đúng, đây là
câu của hồn ma, nó vọng rợn, nó ám đến lạnh lưng.
Tôi
ngồi ngó sững hai người nổi tiếng. Ở họ vẫn còn được ánh mắt hạnh phúc nhớ lại,
thể hiện lại một thời vang bóng. Ông thì gì cũng để lại mấy cuốn sách quan
trọng cho hậu thế muốn để tâm nghiên cứu, tra cứu, dạy học, nhưng nàng thì chỉ
còn cái tiếng, cái tiếng tăm đào kép một thuở, tất cả qua rồi, giờ đã qua lâu
rồi.
Buổi
sáng. Mặt trời rực lên trên vách nhà bên kia đường hắt đúng vào giây phút hai
người hoài niệm thuở vàng son. Tôi rùng mình và miên man cuốn vào khoảnh khắc
xuất thần không phải vì nuối tiếc ngày xưa. Dù cái ngày xưa đó ông còn nhiều
lần nhiệt tình đề xuất bằng các bài báo, bằng gặp trực tiếp cán bộ quản lý
chuyên ngành nêu cách cứu nó, những gắng gỏi theo niềm yêu và máu thịt một đời.
Dù nàng còn chép miệng than theo ông. Cũng chỉ bộc lộ rõ sự buồn bã và bất lực
của hai người.
Còn
mất mọi sự đều có quy luật, đều theo quy luật. Chỉ tôi cảm ơn tôi có mặt nhà
ông hôm nay để vô tình chứng kiến ánh hồi quang hiu hắt trước khi mọi thứ biến
mất hoặc biến dạng.
Trại viết VNQĐ, Bến Tre 13/ 7/2010
Quy Nhơn, 7/2011- 9/2011
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét