Một tác phẩm nghệ thuật ra đời dù đẻ non hay đúng ngày đủ tháng, dù còn tồn tại với sự đào thải khắc nghiệt của thời gian hay đã chết yểu... đều nghiễm nhiên có số phận riêng.
Thơ ca nhạc họa cũng vậy. Có người viết ra hàng trăm ca khúc, hàng ngàn bài thơ nhưng không còn chút mảy may nào đọng lại trong lòng công chúng.
Thời tiền chiến, thi sĩ Hữu Loan chỉ cần một "Màu Tím Hoa Sim" là lưu danh muôn thuở. Trước 1975, người ta biết và nhớ Vũ Hữu Định chỉ bằng một bài thơ định mệnh "Còn Chút Gì Để Nhớ".
Màu Tím Hoa Sim là một bài thơ đẻ lén, sinh ra không danh chánh ngôn thuận lúc bấy giờ, không đăng báo, không in ấn nhưng người ta thích nó và chuyền tay nhau đọc, nhiều người thuộc lòng như ca dao. Nó sống không hề dễ dàng gì. Bầm dập, thăng trầm như người trót sinh ra nó. Sau này bài thơ còn được chắp cánh bay tít tầng cao khi qua tay nhạc sĩ phù thủy Phạm Duy với ca khúc "Áo Anh Sứt Chỉ Đường Tà".
Trước 1975, Vũ Hữu Định có làm thơ đăng báo dù chưa in cho mình một tập thơ nào. Khi và chỉ khi bài thơ "Còn Chút Gì Để Nhớ" của ông lọt đến cái mũi cực kỳ nhạy cảm của nhạc sĩ Phạm Duy và ca khúc phổ thơ "Còn Chút Gì Để Nhớ" được khai sinh ngay trong buổi tối hôm ấy tại phố núi Pleiku và chính tác giả là người hát đầu tiên khi trang giấy ký âm còn chưa ráo mực. Từ đó tên tuổi Vũ Hữu Định hốt nhiên như cồn. Công chúng yêu nhạc nhớ đến ông như đã từng nhớ những thi sĩ trứ danh Huy Cận, Thế Lữ, Hoàng Cầm, Cung Trầm Tưởng, Minh Đức Hoài Trinh, Nguyễn Tất Nhiên, Phạm Thiên Thư... mà Phạm Duy đã chắp cánh cho những thi phẩm của họ bay cao, bay xa và nhiều bài trở nên bất hủ trong lòng người yêu nhạc.
Rất nhiều người nghe ca khúc "Còn Chút Gì Để Nhớ" của Phạm Duy rồi mới tìm đọc thơ Vũ Hữu Định. Người ta bỗng dưng thuộc bài thơ qua ca từ trong ca khúc. Người ta vỡ lẽ ra cái hay, cái độc đáo của thi phẩm. Người ta tìm đến phố núi Pleiku ngày càng nhiều dù trước đó mấy ai quan tâm biết đến cái thành phố cao nguyên bé xíu, heo hút này. Bởi lẽ Pleiku đi vào thơ nhạc đẹp và nên thơ quá. Có người nói Vũ Hữu Định và Phạm Duy đã đội vương miện cho thành phố này. Cũng như người ta yêu thôn Vỹ Dạ có những hàng cau xanh ngọc mướt mát qua thơ Hàn Mặc Tử vậy.
Nhạc sĩ Phạm Duy từng nói ông chọn và phổ nhạc bài thơ của Vũ Hữu Định như một cái duyên đầy bất ngờ không định trước. Ông không hề thêm bớt một từ nào như thường thấy ở một số bài thơ của các tác giả khác. Ông giữ nguyên vẹn cấu trúc (Structure) và vận tiết (prosodie) của bài thơ. Tài năng thiên phú của nhạc sĩ họ Phạm ở đây là ông chỉ dùng đến một thanh âm có bán cung của âm nhạc đặc trưng dân tộc thiểu số (Bahnar, Jarai...) ở vùng cao này. Giai điệu đó đã gợi lên một không gian cao nguyên đặc thù của họ và thêm một chuyển giọng (tonalite') ở phần coda làm cho ca khúc trở nên màu sắc hơn.
Có thể nói các ca sĩ thành danh lúc bấy giờ ít nhất hơn một lần đã hát và thu âm ca khúc Còn Chút Gì Để Nhớ. Bài hát quá phổ biến. Có người thắc mắc không biết bài thơ này nếu không được Phạm Duy biết đến và phổ thành ca khúc liệu nó có nổi tiếng như đương thời không? Thiết nghĩ thắc mắc để làm gì khi đó là sự hợp duyên của thơ nhạc giao hòa đã để lại cho đời một tác phẩm nghệ thuật còn lại với thời gian.
Bài thơ hay như thế nhưng tác giả của nó thì quả bất hạnh. Sinh thời ông như một cuồng sĩ lang thang phiêu bạt, làm bạn cùng thơ rượu trong những năm tháng đen tối cuộc đời mình. Thời gian đó thơ rượu đã cứu rỗi ông nhưng cuối cùng ông ra đi bằng một cái chết đầy bi thảm.
Có phải tác phẩm và con người thường không thể song hành trên cùng thảm đỏ?
D.P