Chỉ trong mười ngày, Nguyễn Huệ đem quân dẹp yên xứ Bắc. Sợ Nguyễn Huệ chuyên
quyền, chúa Tây Sơn Nguyễn Nhạc vội vàng mang 500 quân ra Bắc. Đi đường bị thổ
dân cướp bóc, ra đến Thăng Long, chúa và tôi rách rưới như "đám ăn
mày". Nguyễn Huệ vừa thương, vừa thẹn, muốn bàn với đại huynh mở rộng biên
cương nhưng Nguyễn Nhạc xua tay "Nếu là đất của họ Trịnh, một tấc không
để, nhưng nếu là đất của nhà Lê, một tấc không lấy". Rồi Nhạc vội vã lệnh
cho Huệ rút quân về phương Nam.
Về thành Quy Nhơn, Nguyễn
Nhạc nhận định: Huệ không còn là đứa em nhỏ nhoi nữa mà là một viên dũng tướng
dưới trướng có hàng vạn quân tinh. Để tránh khỏi rắc rối sau này, tốt hết là
nên chia đất phong vương. Từ Quảng Nam trở ra bắc dưới quyền cai quản của
nguyễn Huệ, được phong là Bắc Bình Vương. Từ Bình Thuận vào nam phong Đông Định
Vương Nguyễn Lữ có quyền cai quản. Còn khúc giữa từ Bình Thuận đến Quảng Nam do
chính Nguyễn Nhạc
cai quản tự phong là Trung ương Hoàng đế.
Nhưng một thời gian, Nhạc thấy Huệ thoát
ly khỏi quyền hành của mình. Huệ tự đặt Phú Xuân là "Nam kinh" còn
Thăng Long là "Bắc kinh" và thiết lập một một chế độ hành chính
riêng, tự ý phong quan tước và lập ra chế độ khen thưởng không báo cáo cho
"trung ương" Nhạc lấy làm tức tối. Mấy lần gọi Huệ về chầu, nhưng Huệ
vẫn “khăng khăng không về". Nguyễn Nhạc định đưa quân ra Phú Xuân hỏi
tội...
Bây giờ là cuối năm 1786, Phú Xuân mưa rả
rích, thối đất. Những đám mây đen từ biển Đông bay về bị núi, đèo Hải Vân chặn
lại đổ mưa ngày đêm. Nguyễn Huệ ngồi bó gối trong cung, đột nhiên nghe tiếng
trống báo có khách. Lính hầu vào phi báo:
- Muôn tâu đại vương, có người tự xưng là Hai Đa muốn vào hầu.
Nguyễn Huệ "à" lên một tiếng. Thì ra đó là tướng Trương Văn Đa đang
phò tá cho Hoàng đế Nguyễn Nhạc. Đa là con của giáo Hiến, thầy dạy văn lẫn võ
cho anh em Nguyễn Huệ và Nguyễn Lữ. Từ năm mười tuổi Huệ đã xuống An Thái để theo
học thầy giáo Trương Văn Hiến và chơi thân với đứa con trai độc nhất của thầy.
Thuở nhỏ, Huệ là đứa trẻ rất nghịch, sau giờ học, hết nặn tượng đất đến đi tắm
sông Côn, còn Đa trắng trẻo đẹp trai, tính tình chững chạc. Huệ đi đâu cũng
khích tướng để rủ rê đi theo. Có lần hai đứa tắm sông Côn suýt chết đuối khiến
thầy giáo Hiến bắt nằm sấp đánh roi mây. Ấy vậy mà Huệ vẫn không chừa "nhất
quỷ nhì ma thứ ba học trò" mà. Sống ở An Thái rất vui. Cứ gần Tết, tụi học
trò lại tổ chức hát tuồng cho con nít trong làng coi. Trương Văn Đa thường đóng
kép chính, rất có thần thái còn Nguyễn Huệ chỉ biết làm hề. Huệ lấy lọ nghẹ tô
lông mày, làm râu cá chốt. Vẽ mặt lên ai thấy cũng cười. Lớn lên một chút, Huệ
và Đa đã cùng để ý một cô gái học cùng lớp, vừa đẹp vừa giỏi võ. Hai đứa chỉ
giỏi khích bác nhau, cuối cùng cô gái đi lấy chồng cả hai cùng tiếc hùi hụi.
Rồi Trương Văn Đa làm rể cho Nguyễn Nhạc...
Nguyễn Huệ ra tận cửa đón bạn. Vẫn là thằng Đa của ngày nào. Trong bộ võ phục
màu đỏ trang nghiêm, mũ kim khôi sáng chói, Đa mang thần thái của vị tướng Tây
Sơn. Cả hai ôm chầm lấy nhau. Rồi Đa chấp hai tay thăm hỏi:
- Chú Ba có khỏe không?
- Thôi đừng có chú cháu gì ở đây. Mày với tao là bạn từ nhỏ, miễn nghi lễ đi.
Tao vẫn khoẻ như voi. Mày ở trỏng ra, có mang theo món gì ngon không?
- Tôi biết chú mê cá lúi sông Côn nên bắt sống bỏ bình ra đây. Tôi đã bảo lính
hầu chuyển xuống nhà bếp làm rồi.
Học ở An Thái, Huệ vẫn mê cá lúi sông Côn. Đó là loại cá lòng tong, nhỏ cỡ ngón
tay. Loại cá này được làm ruột, ướp đường, nghệ, nước mắm kho thành hai lửa.
Ban đầu kho lửa lớn, cá cháy ở dưới bốc mùi thơm lựng. Cá mềm, vị đậm, xúc bánh
tráng nhắp rượu quê An Thái. Ngon khỏi chê.
Huệ kêu Đa ngồi cạnh bên, cá lúi được kho xong dọn lên. Tiếng bánh tráng nướng
bẻ cắt cụp, vui tai. Rượu An Thái rót sủi bọt trên chén nhỏ. Qua ba chén rượu,
Huệ hỏi thăm sức khỏe thầy giáo Hiến. Đa cho biết: thân phụ đã về quê Hoan Châu
Nghệ An nhân ngày kỵ ông cố. Lâu quá, thầy Hiến mới trở về quê thăm mồ, mả ông
bà. Phải một tháng thầy mới về lại Quy Nhơn. Nguyễn Huệ biết giáo Hiến đang làm
quân sư cho Nguyễn Nhạc. Trong thời gian giáo Hiến đi vắng, sự căng thẳng của
Nhạc với Huệ càng gia tăng.
Sau khi hỏi thăm tình hình Quy Nhơn, ôn
lại những kỷ niệm bè bạn, Nguyễn Huệ chợt nghiêm nét mặt.
- Tôi biết bạn tới đây không phải vì tình xưa nghĩa cũ mà vì muốn làm thuyết
khách phải không? Huệ đã đoán trúng nhưng Đa cho rằng Huệ chưa thấu tâm can của
mình. Nhạc đang giận Huệ vì tôi qua mặt chúa, em qua mặt anh nhưng trước khi
đem quân hỏi tội, để cho hết tình hết nghĩa, Nhạc cử người đến thuyết phục Huệ
về chầu. Nhạc cử Đa vì Đa và Huệ là chỗ bạn bè từ thuở nhỏ, dễ ăn dễ nói. Đa
miễn cưỡng nhận lời nhưng cảm thấy nhiệm vụ mình khó thành vì Đa biết tính của
Huệ. Từ nhỏ, Huệ đã quyết làm gì thì làm cho bằng được dù khó khăn cách mấy.
Huệ đã từng bơi ngang qua sông Côn ở một quãng rất rộng vào mùa nước lũ không
ai cản được và cuối cùng Huệ đã thành công. Huệ đã quyết không về chầu, rất khó
thuyết phục cho Huệ thay đổi ý định. Thôi thì, tốt nhất là cho Huệ biết mình
chỉ là người trung gian.
- Hoàng đế cho rằng chú đã qua mặt triều
đình, tự ý lập vương triều riêng! Nếu chú không về triều hoàng đế sẽ đem quân
hỏi tội.
Nguyễn Huệ đập bàn, quát lớn:
- Tội gì mà hỏi? Đánh nam dẹp bắc để giữ vững ngôi báu cho anh, đó là tội à?
Đất Thuận Hóa ngày nay la do tự tay ta lấy từ chúa Trịnh. Vàng, bạc châu báu,
vải vóc ta chở từ Thăng Long vào Quy Nhơn dâng hết cho vua anh. Ta nhận phong
vương để giữ hòa khí cho anh em, chứ đất của ta đâu phải của anh cấp cho mà
muốn làm gì thì làm.
Trương Văn Đa từ tốn thưa lại:
- Hoàng đế cho rằng của dâng cho anh chỉ là bề nổi. Đồ quý hơn, chú vẫn còn
giữ!
- Đồ quý nào?
- Thứ quý nhất của chúa Trịnh là viên ngọc Dạ Quang, chú đã giữ lại rồi!
Nguyễn Huệ nổi xung thiên, trợn mắt:
- Đúng là ngọc Dạ Quang quý thật nhưng Trịnh Tông đã chôn cất ở đâu, không ai
tìm được. Có phải vua anh nghe lời xàm tấu của thằng Chỉnh nên cứ vu ta
lấy ngọc. Ta đâu phải hạng tiểu nhân vì một viên ngọc mà mất tình anh em.
- Tôi phải về thưa lại với Hoàng đế như thế nào đây?
- Mày cứ nói là Huệ này đang dàn binh chờ ông anh ra hỏi tội đây.
Mấy ngày sau, ở Quy Nhơn, nghe lời tấu lại của Trương Văn Đa, Nguyễn Nhạc đùng
đùng nổi giận, lệnh xuống cho tùy tướng đem quân kéo ra Phú Xuân.
Đến Phú Xuân, Nguyễn Nhạc thân chinh ra trận. Nguyễn Huệ cỡi ngựa cầm thanh Ô
Long Đao xông ra. Ba quân hai bên nổi thanh la, reo hò ầm ĩ. Nguyễn Nhạc cưỡi
Bạch Long Câu, cầm độc thần kiếm ra chống đỡ. Kiếm và đao xoắn vào nhau như hai
con rồng bạc múa lượn. Hai cái bóng trắng và hồng của hai con ngựa chồm lên như
muốn táp vào nhau. Thanh Ô Long Đao của Huệ như con rồng đen giơ nanh vuốt muốn
chụp vào ngựa trắng của Nhạc. Nhưng Bạch Long Câu của Nhạc lẹ làng hụp đầu qua
lại tránh né. Nguyên Bạch Long Câu là con ngựa rừng trên Tây Sơn Thượng được
Nhạc dùng mưu kế vỗ về mới thuần phục được. Từ việc khuất phục ngựa rừng tạo
niềm tin cho dân Ba Na ủng hộ cho Nhạc khởi nghĩa.
Nói cho đúng, võ công của hai anh em không
học cùng thầy. Nhạc học võ từ họ Đinh ở Bằng Châu rồi lớn lên lo chuyện buôn
bán ở miền ngược. Còn Huệ thụ giáo ở thầy Trương Văn Hiến từ lúc nhỏ nên công
lực Huệ hơn Nhạc.
Đánh một hồi, cảm thấy thua sút, Nhạc quất ngựa chạy về trại. Do Bạch Long Câu
chạy quá nhanh, Huệ chạy theo không kịp, đành ra lệnh thu quân. Vừa về tới
trại, Nguyễn Nhạc nhắm đánh không lại hối tùy tướng thu quân rút về Quy Nhơn cố
thủ. Nguyễn Huệ điểm quân đuổi theo phong tỏa thành Quy Nhơn.
Thành Quy Nhơn là một tòa thành rất chắc chắn, được xây dựng bằng đá ong có bề
rộng 8.000m2, chỗ cao nhất 16 m, mặt thành rộng hơn hai thước có chổ để
đi lại bắn tên hoặc lăn đá xuống mặt thành khi bị tấn công. Quân của Nguyễn Huệ
tuy tinh nhuệ nhưng mỗi lần tấn công đều bị tên bắn như mưa, lại còn có đá lăn
xuống phải thối lui. Bao vây cả ba tháng, Nguyễn Huệ vẫn không hạ được thành.
Chiều hôm ấy, ở trong doanh trại, Huệ đang
tính kế hạ thành Quy Nhơn, bỗng lính hầu vào thưa: có người xưng là Giáo Hiến
muốn gặp. Huệ giật mình, lật đật ra trước cửa vái lạy thầy.
Giáo Hiến da trắng, râu ba chòm, mặc áo dài trắng, đội mũ vải, dáng nho nhã, đỡ
Nguyễn Huệ ngồi dậy.
- Ta ở Hoan Châu, vừa mới về, vội vàng ghé thăm con.
Biết tính thầy ở An Thái, khi trò chuyện thích uống chè Huế. Lá chè già phơi
khô sau khi đập giập, được bỏ vào ôm, nấu với nước cho thật sôi rồi pha ra bát.
Nước rót ra nhiều bột, uống càng ngon, thường Nguyễn Huệ cho quân giải khát
bằng nước chè này, vừa ngon và tăng sinh lực. Lúc nào hậu cứ của Huệ cũng
có sẵn lá chè khô.
Giáo Hiến là môn hạ của Trương Văn Hạnh- một đại thần nhà Nguyễn. Hồi ấy,
Trương Phúc Loan lộng quyền lập người thừa kế ngôi báu theo ý mình chứ
không theo di chúc. Trong triều, chỉ mình Trương Văn Hạnh đứng lên phản
đối. Trương Phúc Loan không bằng lòng sai người giết Hạnh. Giáo Hiến sợ quá,
lưu lạc xuống phía Nam, dừng chân ở đất An Thái lấy vợ rồi mở trường dạy học.
Giáo Hiến dạy cả văn lẫn võ. Ông chọn học trò rất kỹ, trước hết là tư
cách, đạo đức rồi mới tới năng lực, lần đầu tiên gặp Nguyễn Huệ, Giáo Hiến rất
chú ý. Lúc đó, Huệ chỉ là đứa trẻ mười tuổi tóc xoăn, da sần nhưng đôi mắt sáng
quắc và giọng nói rổn rảng. Nhưng khi ngồi, hai tay Nguyễn Huệ dài quá gối,
theo Giáo Hiến là tướng có vương mạng. Giáo Hiến nói với người nhà "Thằng
bé này lớn lên có cái chí muốn bẻ trời".
Sống ở An Thái lâu năm, Giáo Hiến vẫn ôm hận với triều Nguyễn. Bởi vì Trương
Phúc Loan, người ông kính phục phải bỏ mạng, còn ông phải lưu lạc xứ người. Bao
nhiêu năm ông đã truyền cái chí của mình cho Huệ. Còn Nhạc không phải là học
trò của ông nên khi Huệ đề nghị đánh Phú Xuân thì Nhạc nhiều lần can
không cho đánh.
Uống một bát nước chè Huế nóng hổi, bọt trà còn dính li ti trên râu mép, Giáo
Hiến thở hắt ra sảng khoái:
- Ta rất hài lòng vì con. Ta vẫn mơ lật đổ triều đình nhà Nguyễn nhưng chưa làm
được, nhưng hôm nay con làm hơn thế nữa, chẳng những đuổi Nguyễn mà diệt luôn
cả Trịnh. Từ nay dưới mắt người Tây Sơn, đất nước đã thông thống từ nam ra bắc.
Mừng thay!
Nguyễn Huệ vẫn khiêm tốn:
- Công lao này không phải tự con làm nên mà nhờ gia đình duỡng dục và nhờ thầy
dạy dỗ.
- Con nói như thế là phải. Đừng quên công ơn của anh Hai Nhạc. Những ngày đầu
tiên, anh Hai đã tốn bao công sức quy tụ anh tài, thu phục tấm lòng của người
Thượng, người Kinh, phất ngọn cờ nghĩa khí, trăm mưu ngàn kế để có đạo quân
hùng mạnh, đánh đâu thắng đó phải nói có Nhạc mới có Huệ, sao mới cầm quân đánh
thắng vài trận, con đã vội quên tình quên nghĩa đưa quân về bao vây thành Quy
Nhơn?
- Thưa thầy, con biết làm vậy là không
phải đạo nhưng anh Hai là người đưa quân ra đánh con trước. Đó là tình nghĩa
hay sao? Vả lại đầu óc anh Hai nông cạn quá, chỉ bo bo ở một khoảnh đất Quy
Nhơn làm sao mà giữ vững cơ đồ.
Nghe Nguyễn Huệ trình bày, Giáo Hiến nghĩ
thầm "cái chí của anh Hai có bao nhiêu đó, biết làm sao đây?", Nguyễn
Huệ tiếp tục:
- Anh Hai không biết nguy cơ của hai đầu
đất nước. Ở xứ Bắc, tuy Trịnh đã bị diệt nhưng vua Lê hèn yếu, lâu nay chỉ biết
dựa vào người khác nên Tây Sơn rút về, lập tức bọn cơ hội thao túng ngay, không
chừng vua Lê nhờ đỡ cả giặc Tàu. Nó mà vào được, không khéo nước ta trở thành
quận, huyện của nhà Thanh. Còn ở miền Nam, vì xa Phú Xuân nên dân ở đó chưa bị
khổ sở vì nạn chuyên quyền của Trương Phúc Loan nên không căm thù nhà Nguyễn
như dân miền Trung. Ở miền Nam, có hàng ngàn điền chủ, mỗi điền chủ nắm trong
tay ba, bốn trăm điền nô và cả nghìn trâu bò chúng ra sức hà hiếp bóc lột dân
nghèo. Tây Sơn chưa đem quyền lợi gì cho dân nghèo ở miền Nam như ở miền Trung. Điền chủ ở
đây thấy ai mạnh thì theo. Nguyễn Ánh đang lợi dụng họ. Nó mà tập trung được
tài, của, nhân lực kéo ra Quy Nhơn thì Tây Sơn "không có đất chọn
thây". Thế mà anh Hai làm việc gì cũng sợ. Kêu rằng xứ Bắc là của nhà Lê,
đừng đụng tới. Còn về phía Nam, chỉ kéo quân vô đánh vài trận, rút quân về,
không thay đổi cơ cấu, chính sách ở đó. Quân Tây Sơn đi rồi, Nguyễn Ánh lại về
làm vua mà để vậy có được không?
Nhìn cặp mắt sáng quắc, trừng nhìn khoảng
không gian hướng ra bầu trời ngoài cửa trại của người học trò, Giáo Hiến bỗng
rùng mình. Từ lâu, thầy cũng nhận định như trò nhưng ý kiến của trò sắc sảo
hơn, có tầm nhìn xa như con đại bàng bay suốt biển Đông. Còn Nguyễn Nhạc chỉ
nhỏ nhoi như con ếch ngồi đáy giếng. Nhưng con ếch nhỏ đấy đang gây trở ngại
cho con đại bàng. Giáo Hiến gặp Huệ với mục đích thuyết phục Huệ phục tùng
người anh cả, song với lời nhận định đanh thép của Huệ, Giáo Hiến thấy mình bất
lực. Bây giờ người thuyết phục được Huệ, phải chính là Nguyễn Nhạc. Không phải
bằng vũ lực mà bằng ý chí mà bằng tình cảm ruột thịt.
Bao vây ba tháng không lọt vô thành,
Nguyễn Huệ bắt đầu dùng loại vũ khí mới. Đó là loại súng thần công bắn bằng đạn
dồng.
Súng thần công của Huệ đặt bốn mặt thành
liên tục nã đạn. Hàng chục viên rơi khắp nơi, viên rớt vào giữa sân, viên làm
sạt mái dinh Nguyễn Nhạc cùng nhiều viên khác làm bể những mảng tường thành
dày. Quân sĩ trong thành nhốn nháo.
Nguyễn Nhạc nhặt một viên đạn đồng trước
cửa dinh đem tế trước bàn thờ tổ tiên "Xin cửu huyền thất tổ chứng giám,
chỉ vì một thằng em phản nghịch mà cơ đồ nhà Tây Sơn bao gian lao dựng xây sắp
thành tro bụi".
Giáo Hiến nói với Nhạc:
- Giờ này không phải là giờ của vũ khí và
ý chí mà nên dùng tình cảm ruột thịt. Hoàng đế nên thân chinh lên thành nói
chuyện phải trái với Nguyễn Huệ. Hoàng đế nên đọc lại bài "thơ bảy
bước" của Tào Thực cho Huệ nghe, Huệ sẽ cảm động mà bãi binh.
Nguyễn Nhạc nghe lời Giáo Hiến, sửa soạn
trang phục bước lên mặt thành, gọi quân của Nguyễn Huệ mời chủ tướng ra nói
chuyện.
Nhạc nhìn thấy em, nước mắt chảy ròng
ròng!
- Em ơi, sao anh em ta lại nỡ nồi da xáo
thịt. Ngày xưa Tào Thực có làm bài "thơ bảy bước"
Cành đậu cháy to đen tiêu hạt đậu
Hạt đậu trong nồi khóc hu hu
Hai ta cùng sinh từ một gốc
Lòng nào lại nỡ luộc nhau ra (*)
Vì cơ đồ Tây Sơn mà em nên dứt bỏ thù riêng để ra sức lo việc chung.
Nguyễn Huệ dưới thành nhìn lên thấy khuôn
mặt anh có vẻ bơ phờ. Khuôn mặt Nhạc gầy gò, vầng trán có nhiều nếp nhăn và mái
tóc muối tiêu. Huệ nhớ lại những ngày thơ ấu, anh Hai đã yêu thương mình như
thế nào. Lúc Huệ lên tám, Nhạc đi học võ với họ Đinh ờ Bằng Châu. Mỗi lần rảnh
về thăm nhà, Nhạc thường xoa đầu em và cho vài món quà quê. Lúc đó Huệ rất mong
anh về để được quà. Rồi những ngày đau ốm, có lúc Nhạc đã cõng Huệ lội qua sông
mùa nước cạn để đến nhà thầy thuốc. Khi đã trưởng thành, Nhạc vẫn tin tưởng em,
giao cho chức vụ, binh quyền.
Nghe thơ và hồi tưởng những kỷ niệm thơ ấu
Huệ bỗng rơm rớm nước mắt. Huệ vòng hai tay tạ tội anh và ra lệnh bãi binh.
Chứng kiến sự kiện đó, Giáo Hiến vui mừng
nhưng vẫn lo rằng vết rạn này nay mai sẽ đánh chìm con thuyền Tây Sơn trước bão
tố.
8-2008
L.X.T
.........................................................
(*) Bài "Thất bộ thi" của Tào
Thực nguyên văn
Chữ đậu nhiên đậu cơ
Đậu tại phủ trung khấp
Bản thị đồng căn sinh
Tương tiến hà thái cấp
(Bản dịch Nguyễn Tiến Cử)
***
Bài cùng tác giả L.X.T
Ngọc xứ Bắc
Vết rạn
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét