Nhà văn Trần Đức Tiến
Sinh ra và lớn lên ở Hà Nam, nhưng phần lớn thời gian của cuộc đời mình, Trần Đức Tiến sống và viết ở Vũng Tàu. Mảnh đất có biển, có nắng và gió ấy đã trở thành nơi ra đời cho rất nhiều tác phẩm văn học của ông. Ngày hôm nay, ông đã là một công dân của thành phố biển này, với kỷ lục “nhà văn đoạt nhiều giải thưởng văn học nhất thành phố” do Vietkings trao tặng. Dù cho tên ông đã đính vào không ít danh hiệu, nhưng chưa bao giờ ông đặt nặng vị trí của người cầm bút hơn bất cứ một ngành nghề nào khác trong xã hội. Tôi nhớ có một nhân vật trong truyện ngắn của Trần Đức Tiến đã nói: “Văn chương được làm ra bởi những kẻ ý thức về mình quá trầm trọng thì bao giờ cũng kém phẩm chất”.
Làm một cuộc thống kê, sơ sơ Trần Đức Tiến đã ẵm khoảng hai chục giải thưởng văn chương trong gần 40 năm cầm bút đã qua của mình, đấy là không kể đến cái giải nhất cuộc thi viết truyện châm biếm của báo Thanh Niên. Và giải của địa phương thì cũng không tính nốt. Lỏng và tuột là tên tập truyện được giải thưởng Hội Nhà văn năm 2011 của Trần Đức Tiến. Nghe cái tên sách, có người bảo, sao ông lại chọn cái tên nghe “chướng” thế nào, không nghiêm túc thế nào đó.
Trần Đức Tiến bảo, ông ghét nhất là những người không chịu đọc sách, cứ nhìn cái tên sách mà phán ba lăng nhăng. “Chả có cái gì là không nghiêm túc ở đây. Con người ta sống đến một lúc nào đó thì thấy cái đời sống xung quanh mình, mọi kết nối với mình dường như cứ “lỏng lẻo” và “tuột” ra khỏi mình. Đó là một trải nghiệm của tôi về cái đoạn đời mà tôi đang đi qua, và tôi mang nó vào trong trang viết của tôi”. Một trải nghiệm rất đáng kể của một người đã sống, đã viết khá nhiều, đã từng trải, lăn lộn với cuộc đời và nếm trải đủ mùi vị của thăng trầm, sướng khổ.
Trần Đức Tiến sinh năm 1953, nghĩa là năm nay ông đã ở tuổi 60 rồi, cái tuổi mà như ông tâm sự, luôn thấy thiếu thời giờ và tiếc thời giờ vô cùng. “Năm ngoái tôi bị một cơn thiếu máu lên não. Trong giờ phút hiểm nghèo ấy, ý nghĩ đầu tiên đến rất nhanh, rằng mình còn quá nhiều việc phải làm”.
Rồi Trần Đức Tiến qua khỏi, tuy nhiên đã có một sự thay đổi lớn trong cảm nhận của ông về thời gian, về cuộc đời. ông bắt đầu nhập vào đội hình những người cao tuổi chăm chỉ tập thể dục mỗi sáng, không phải vì sợ chết, mà là còn nhiều ý tưởng phải hoàn thành. Và để hoàn thành thì phải có sức khỏe. “Sức khỏe - tiền bạc là những thứ nhà văn cần phải có, để yên tâm ngồi vào bàn viết, và viết ra được những cái mình tâm đắc”.
Dường như trong ông đã có sự ám ảnh về cuộc đua thời gian. Những sinh hoạt khác trong đời sống cũng là sự chắt lọc kỹ càng hơn. “Tôi không có thời giờ dành cho những việc vô bổ nữa. Người mà tôi không cần tốn thời gian với họ, tôi không gặp. Nhưng nếu đã là người hay, tôi sẵn sàng bỏ cả ngày cho họ. Tiêu xài thời gian phải đích đáng, vì “vốn liếng” của mình không còn nhiều. Chẳng hạn có bạn văn trẻ tôi yêu quý như T.N.T, tôi có thể thư thái ngồi với hắn cả buổi mà không cần nói năng gì, trong lúc hắn ngồi nhìn thạch sùng trên tường nhà. Đấy vẫn là cuộc trò chuyện bổ ích hơn việc gặp những kẻ tầm phào, nhạt nhẽo”.
Ngoài việc dành thời gian cho bạn hay, còn lại Trần Đức Tiến đều ưu tiên cho việc đọc và viết. Ông là người chịu đọc và chịu viết. Những ý tưởng văn chương chưa khi nào thôi nảy nở trong đầu ông. Vừa thấy ông ra sách cho thiếu nhi, đã lại thấy ông xuất bản tập truyện ngắn. Trần Đức Tiến bảo: “Mỗi ngày không chịu ngồi vào bàn đối diện với trang giấy trắng thì đừng tính chuyện trở thành nhà văn. Nhiều hôm, tôi ngồi suốt từ sáng đến trưa mà chỉ viết được một mẩu nhỏ. Ngay cả lúc mình tràn ngập ý tưởng trong đầu thì việc gọi nó ra trang giấy cũng không hề dễ dàng”.
Nghề viết, cho dù như Trần Đức Tiến đánh giá, không có quyền sang trọng hơn bất cứ nghề chân chính nào trên đời, thì vẫn luôn là một trong những nghề cực nhọc nhất. Nó tạo ra khoái cảm nhưng đồng thời cũng hành hạ người ta đến cạn kiệt, đến dằn vặt mất ăn mất ngủ. Hỏi, viết nhiều khi là việc khó như vậy, hẳn là lúc hoàn thành một tác phẩm nào đó, ông phải sống trong cảm giác “trên mây” lâu lắm? Trần Đức Tiến thẳng thắn: “Tôi không dám nhận mình là người tỉnh táo nhất, nhưng có lẽ cũng thuộc vào số những người tỉnh táo. Viết xong một cái thì cảm giác đầu tiên là sung sướng. Nhưng chỉ ở trên mây trong chốc lát là vội đáp xuống mặt đất ngay. Có rất nhiều tác phẩm một thời gian ngắn sau đọc lại, tôi đã thấy không ổn, tôi bỏ đi không thương tiếc và viết lại hoàn toàn. Tôi rất sợ những anh nhà văn viết được một cái hay hay thì cứ ở tít trên mây xanh, cả đời không chịu xuống đất nữa”.
Trần Đức Tiến có lẽ là một nhà văn đề cập đến “sex” thẳng thừng nhất trong các tác phẩm của mình. Văn ông hấp dẫn độc giả bởi nhiều yếu tố, nhưng không thể không nhắc đến yếu tố “sex”. Nhưng bạn đọc đừng vội nhầm, “sex” chưa khi nào là chủ đích của nhà văn nhằm lôi kéo độc giả. Những trang viết về đàn bà, về sex của ông luôn được sử dụng như một phương tiện để chuyển tải một tư tưởng thẩm mỹ nào đó về đời sống.
Truyện của Trần Đức Tiến thường mang đến cho bạn đọc một cảm giác nửa hư nửa thực, đôi khi nó chập chờn như một giấc mơ mà lúc tỉnh dậy chúng ta không thể nào nhớ lại cho rành rẽ được. Ông thừa nhận mình là nhà văn viết “không bịa”. Rằng ông chỉ có thể viết về những gì mình đã trải qua. Ngay cả tên một nhân vật, tên một quán cà phê ông cũng không muốn bịa, cứ phải là cái tên ấy, cái người ấy mới đúng, rồi chập chờn đi vào trang viết của mình. Nhưng nếu chỉ là nguyên xi chuyện thật thì e rằng văn chương của Trần Đức Tiến đã làm thay ít nhiều công việc của báo chí. Khả năng làm “nhòe mờ” ranh giới giữa hư và thực trong ngòi bút của Trần Đức Tiến đã khiến cho tác phẩm của ông mang lại cho bạn đọc một cảm nhận đặc biệt mà rất ít người viết có thể tạo ra, là “thực” một cách dữ dội, quyết liệt đấy, mà đồng thời cũng “ảo” một cách kỳ dị.
Từng có độc giả hỏi Trần Đức Tiến, với những trang viết về “sex” một cách bản năng trong tác phẩm của mình như thế, ông có dám mang sách về cho con ông đọc không, hoặc giả sử bà xã của ông đọc được thì sẽ thế nào? Trần Đức Tiến tỏ ra rất “dị ứng” với những câu hỏi như vậy. ông bày tỏ: “Nhà văn ngồi trước trang giấy là lúc anh ta phải nói chuyện với cuộc đời. Anh ta phải lặn xuống cái đáy sâu nhất trong con người mình. Phải trung thực tận cùng với mình. Rất nhiều nhà văn ở ta, vì lo sợ vài nỗi tầm phào, vớ vẩn nào đó mà không dám phơi bày ra những khuất lấp trong thẳm sâu con người mình. Sự nửa vời như vậy chỉ tạo ra những nhà văn dở và những trang viết dở mà thôi”.
Không xem nhẹ việc viết, mà nhìn nó như một công việc bình thường trong cuộc đời, nên Trần Đức Tiến rất cẩn thận trong việc “giáo dục” người thân trong gia đình về cái danh hiệu gọi là nhà văn. Ông hài lòng khi: “Bà xã tôi không thần tượng chồng, và con cái tôi cũng thế. Họ quen nhìn tôi như một người bình thường trong nhà làm tôi thấy yên ổn và dễ chịu. Trong gia đình, tôi là người đàn ông không nề hà bất cứ việc gì. Khi cần, tôi có thể nấu cơm, rửa bát, giặt giũ quần áo. Thậm chí có lần vợ đẻ, tôi còn đứng cạnh an ủi bà ấy vượt cạn. Tôi làm tất cả chỉ để xóa đi ở mọi người cái cảm giác tôi là nhà văn, là một người… không bình thường. Viết văn chỉ là một công việc, không có gì cao siêu hay bí hiểm cả”.
Có một câu chuyện liên quan đến việc dạy con của nhà văn Trần Đức Tiến mà tôi được nghe kể lại. Số là con trai ông lúc còn là sinh viên cũng âm thầm sáng tác, mà thể loại cậu ấy chọn là truyện kinh dị. Một lần vô tình đọc được bản thảo của con, ông hơi ngỡ ngàng. Và khi vợ ông nói, cậu con muốn nhờ mẹ gửi bản thảo của cậu cho… tờ báo của bố (thời điểm đó Trần Đức Tiến vẫn còn là Chủ tịch Hội Văn nghệ kiêm Tổng Biên tập Tạp chí văn học nghệ thuật của tỉnh), thì ông dứt khoát bảo với vợ: báo ông sẽ không đăng truyện của con, cũng như không bao giờ đăng truyện của chính ông. Cậu chàng muốn “thử sức” ở báo nào thì tự đi mà gửi. Hai cha con ông vẫn chưa từng một lần ngồi nói với nhau về chuyện sáng tác văn học. Trần Đức Tiến bảo: “Tôi không muốn gieo vào đầu con tôi một hạt ảo tưởng nào về tài năng cả. Nếu nó muốn trở thành nhà văn, tự nó phải “chiến đấu” và tìm ra cách”.
Một thời gian sau, Trần Đức Tiến nhận được cuộc điện thoại của nhà văn Lưu Sơn Minh gọi từ Hà Nội. Lưu Sơn Minh bảo anh đang làm một tuyển tập truyện ngắn kinh dị, có nghe Nguyễn Hồng Lam nói là ở Vũng Tàu có một cậu trẻ nào đó đã từng viết truyện kinh dị, và nhờ ông Chủ tịch Hội Văn nghệ liên lạc với cậu này giúp để xin bản thảo. Nghe xong cú điện thoại của Lưu Sơn Minh, Trần Đức Tiến ớ người, chịu chết không nghĩ ra tác giả nào ở Vũng Tàu viết truyện kinh dị.
Mãi về sau, trong lúc ngồi một mình lẩn thẩn, ông mới sực nhớ: trời đất! Hóa ra chính ông có lần cao hứng kể chuyện thằng con cho Nguyễn Hồng Lam nghe. Rồi chắc Lam lại sang tai cho Lưu Sơn Minh… Và ông cứ ngồi cười tủm tỉm mãi về cái “sự dở hơi” của mình. Câu chuyện đó đã qua đi nhiều năm, cho đến giờ phút này Lưu Sơn Minh vẫn chưa tìm ra anh chàng viết truyện kinh dị nọ.
Đầu năm vừa rồi Trần Đức Tiến về thăm quê, người anh trai ông kể: Thằng con ông tâm sự với bác là nó vẫn viết văn đấy. ông bác bảo cháu: “Nếu mày máu văn chương thì ít nhất cũng phải viết được như bố mày, còn không thì làm việc khác. Xưa tao cũng tập tành viết văn, nhưng rồi sau thấy mình làm cơ khí giỏi hơn nên tao làm cơ khí. Hãy chọn cái việc mà mình thấy là mình giỏi nhất mà làm”.
Trần Đức Tiến chia sẻ, ông hoàn toàn hài lòng với cách dạy cháu của ông anh trai. Rất nhiều người đã bị văn chương làm cho “thân tàn ma dại” vì ảo tưởng, vì nghĩ mình tài năng, thần thánh. Viết văn là một nghề, và nghề ấy cực nhọc. Để thành danh với nó, phải hy sinh rất nhiều, phải có đủ bản lĩnh và tài năng. Cái đó không ai dạy được. Và ông không tin có sự trợ giúp nào hiệu quả cho việc ai đó trở thành một nhà văn. Họ phải tự mình, phải một mình. Trải nghiệm ấy Trần Đức Tiến có được là bởi ông đã đánh đổi cả một đời cầm bút nhọc nhằn. Và ông muốn chuyển thông điệp ấy cho con trai ông, bằng chính sự im lặng dửng dưng của mình như thế.
Bình Nguyên Trang
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét