Do ảnh hưởng của Thi
nhân Việt Nam quá lớn, người ta thường chỉ nói đến
nhà phê bình văn học lỗi lạc Hoài Thanh mà quên rằng ông còn là nhà lí luận văn
học xuất sắc bậc nhất của thế kỉ XX.
Hoạt động lí luận của Hoài Thanh chủ yếu
diễn ra trong khoảng bốn, năm năm từ 1935 đến1939, thời gian tuy không nhiều
nhưng đã để lại một ấn tượng và thành tựu đáng nhớ của thế kỉ. Ông không chỉ là
người khởi xướng và tham gia vào cuộc tranh luận nghệ thuật có tầm vóc to lớn
nhất trong thế kỉ, mà còn đề xướng nhiều tư tưởng văn học tiến bộ để lại những
trang văn sâu sắc và tinh tế có tính chất cổ điển.
Là một nhà văn, cuộc đời của Hoài Thanh
gắn bó sâu sắc với tiến trình văn học Việt Nam trong quá trình hiện đại hoá đầu
thế kỉ XX, là nhân vật xuyên qua hai giai đoạn văn học hiện đại Việt Nam và ở
giai đoạn nào ông cũng có những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp văn học của
đất nước. Trong bài phát biểu ngắn này tôi chỉ xin nói một điều, đó là: Hoài
Thanh là người đầu tiên khẳng định bản chất thẩm mĩ của văn học, một yêu cầu
hàng đầu của tính hiện đại.
Trước khi trở thành nhà phê bình
văn học nổi tiếng với Thi nhân Việt Nam (1941), Hoài Thanh đã xuất hiện trên
văn đàn như một nhà lí luận văn học, một người viết tiểu luận về nghệ thuật.
Những tiểu luận lí luận văn học được ông viết đều đặn từ năm 1935 (12 bài), năm
1936 (cuốn Văn chương và hành động, 8 bài báo). Từ năm 1939 ông chuyển dần sang
viết phê bình văn học. Nhưng đáng tiếc là cho đến nay nhắc đến Hoài Thanh trước
1945, ngoài nhà phê bình lỗi lạc, tinh tế, hầu như ít người nghĩ rằng ông là
nhà lí luận văn học, bởi họ vẫn còn ám ảnh định kiến xem ông chỉ là người chủ
trương một lí thuyết sai lầm là thuyết “nghệ thuật vị nghệ thuật”, một đối
tượng đáng phê phán của nhà văn cách mạng Hải Triều! Cách nhìn nhận có tính
chất áp đặt như thế đã xảy ra từ lâu và mặc dù Hoài Thanh đã phản đối, nhưng vì
một lối phê bình dựa theo công thức hơn là xuất phát từ tình hình thực tế,
người ta vẫn cứ quy ông vào phái “nghệ thuật vị nghệ thuật” trong cuộc đối đầu
mang nội hàm ý thức hệ. Ngày nay nhìn lại, ta cần từ bỏ lối phê bình xuất phát
từ các công thức có sẵn, mà xuất phát từ từng trường hợp cụ thể, phân tích thấu
đáo, nhìn nhận cho đúng mức thực chất tư tưởng của từng người, trong đó có Hoài
Thanh trước Cách mạng tháng Tám. Trên thực tế Hoài Thanh không phải là người
chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, mà chỉ là người đi tìm đặc trưng của nghệ
thuật, phân biệt nó với các loại hoạt động xã hội khác mà thôi. Và ở đây vai
trò đóng góp của Hoài Thanh về lí luận lớn hơn nhiều so với người ta tưởng.
Giữa lúc nhiều nhà văn có xu hướng bảo thủ như Phạm Quỳnh, Nguyễn Bá Học
hay nhà văn cách mạng như Phan Bội Châu đều chỉ nhấn mạnh tới chức năng giáo
hoá, học thuật của văn chương, mà thực chất là chưa phân biệt được đặc trưng
văn học so với các sáng tác học thuật và giáo huấn, thì Hoài Thanh lại quan tâm
xây dựng lí luận về đặc trưng của nghệ thuật, một vấn đề rất mới mẻ ở xứ ta.
Trong bài báo Hai cái quan niệm về văn chương (2.1935) và một số bài khác Thiếu Sơn
cũng đã sớm đề cập tới đặc trưng của văn nghệ, quan niệm của ông là quan niệm
hiện đại, chống lại quan niệm văn dĩ tải đạo và thực dụng cũ kĩ, nhưng còn
thiếu hệ thống và về sau lại chuyển sang bàn về đặc trưng của thể loại tiểu
thuyết. Hoài Thanh trái lại, không trích dẫn, nhưng ông đưa ra một quan niệm
văn chương đã được suy nghĩ có hệ thống. Ông bắt đầu từ mối quan hệ thẩm mĩ
giữa văn học và đời sống để lí giải văn học. Theo ông cuộc mưu sinh theo đuổi
những lợi ích vật chất, như tấm màn đen che mất tri giác con người với Thâm
chân mà ông hình dung như là thế giới của cái thật và cái đẹp, vì thế, nhiệm vụ
tối cao của nghệ thuật là “tìm những cái hay, cái đẹp, cái lạ trong cảnh trí
thiên nhiên và trong tâm linh người ta, rồi mượn câu văn, tấm đá, bức tranh,
làm cho người ta cùng nghe, cùng thấy, cùng cảm”. Nghệ thuật không chỉ đi tìm
mà còn sáng tạo: “tạo ra sự sống, tạo ra những thế giới khác, những người,
những vật khác”. Sáng tạo một thế giới sống khác không có trong đời thực mới là
thiên chức của nghệ sĩ. Mà muốn thế nhà văn trước hết phải có tài. “Vì nếu
không sẵn sàng có tài, có tính do thiên nhiên phú bẩm thì không sao tìm được
những lời có âm hưởng trong lòng người ta”. Ông tỏ ý “muốn cho cái tài một địa
vị danh dự” và cực lực chống lại sự “khinh thường”, “kiềm chế và vùi dập cái
điều đáng quý nhất ở đời là cái tài”. Đã thừa nhận tài năng thì phải thừa nhận
vai trò của cá nhân và cá tính của nhà văn. Giống như Montaigne, ông nói: “Cây
trên rừng muôn ngàn lá không có hai lá giống nhau. Trong rừng người cũng vậy,
chưa từng thấy hai người hình dung giống hệt như nhau”. “Nhà văn không có phép
thần thông để vượt ra ngoài thế giới này, nhưng thế giới này trong mắt nhà văn
phải có một hình sắc riêng”. Phải có cái hình sắc riêng thì mới có nghệ thuật
phong phú. Hoài Thanh đã khẳng định một cách mạnh mẽ: “Một dân tộc khinh miệt
cá nhân, không biết đến cá nhân, không thể có được một nền văn chương phong phú
là sự tất nhiên vậy”. Mà muốn cho các yếu tố ấy được phát huy thì phải đề cao tự
do và thành thực. Hoài Thanh đã nói một cách dứt khoát: “Tự do và thành thực, hai điều kiện cốt yếu để
dựng nên một nền văn chương phong phú”. Đúng như vậy, có tự do mới
có thành thực, mà có thành thực thì mới phát hiện được điều gì khả dĩ thực sự
mới mẻ. Vì vậy ông nói: “Hai chữ thành thực, ta sẽ cho nó một địa vị danh dự
trong quan niệm văn chương”. Văn chương mà không thành thực thì không còn gì để
nói cả. Ông quan niệm: “Nếu bây giờ ta muốn cho văn chương ta ngày một thêm
phong phú, cần nhất phải để cho nhà văn đuợc tự do”. “Chúng tôi muốn dư luận
hết sức rộng rãi với nhà văn… Rộng rãi nghĩa là không bắt buộc nhà văn phải bó
mình trong một đạo đức, một tôn giáo hay một đảng phái”. Điều này ngày nay có
vẻ khó được chấp nhận, song xét riêng về phương diện đặc trưng nghệ thuật thì
nó rất cần thiết. Tìm hiểu đặc trưng văn chương, Hoài Thanh muốn xây dựng cơ sở
cho phê bình, thưởng thức văn học đúng theo đặc trưng của nó. Ông viết: “Khi
thưởng thức một tác phẩm của nghệ thuật, lẽ cố nhiên phải để nghệ thuật lên
trên”. Hoài Thanh có quan niệm rõ ràng về tác dụng thẩm mĩ của nghệ thuật đối
với tinh thần con người và ông khẳng định: “Nhà nghệ sĩ có thể có ảnh hưởng lớn
lắm vậy”. Có thể nói vào thời điểm của những năm ba mươi thế kỉ XX, khi xã hội
Việt Nam chưa thoát khỏi quan niệm văn học phong kiến, xu hướng bảo thủ còn
nặng nề, thì đó là một quan niệm văn học khá sâu sắc và toàn diện. Nó có tính
chất khai sáng, có tính phản phong, phản đế, nó tiếp thu bao nhiêu tinh hoa
tiến bộ của lí luận văn nghệ dân tộc và thế giới đương thời. Quan niệm văn học
của Hoài Thanh tiêu biểu cho tư tưởng hiện đại hoá văn học đương thời, là phát
biểu sáng tỏ nhất cho tính hiện đại của văn học đương thời.
Chính từ quan niệm văn chương đó
mà Hoài Thanh đã đứng lên phê phán quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh của Hải
Triều thể hiện trong bài phê bình cuốn truyện Kép Tư Bền của Nguyễn Công Hoan. Phải nói ngay rằng
khẩu hiệu văn học vị nhân sinh gắn liền với nội dung văn học bình dân, với chủ
nghĩa hiện thực. Có thể nói Hải Triều đã tổng hợp các tư tưởng đó để nêu ra
khẩu hiệu nghệ thuật vị nhân sinh của ông. Nghệ thuật vị nhân sinh mà Hải Triều
nêu ra cũng là một yêu cầu thiết yếu của tính hiện đại, song đáng tiếc cuộc đấu
tranh ý thức hệ đã đem đối lập hai nội dung hiện đại ấy với nhau, tạo thành
những tính hiện đại phiến diện mà phải hơn nửa thế kỉ sau chúng ta mới thấy rõ
là cần thống nhất chúng lại với nhau.
Hoài Thanh, là một người tuy có
tâm lí ghét lí luận nhưng lại có tư duy lí luận sắc bén, không phải là một
chuyện ngẫu nhiên, mà vì ông muốn tìm quy luật của hoạt động văn nghệ, muốn làm
học thuật, Hoài Thanh muốn nhận rõ đặc trưng nghệ thuật trong tương quan với
các lĩnh vực hoạt động xã hội khác. Ông quan niệm “Cái đặc tính của sự tiến hoá
về tư tưởng là biết phân biệt” (T.Đ.S. nhấn
mạnh), tức là nhận thức được tính đặc thù, đặc trưng của các hoạt động tinh
thần của con người, trong đó có nghệ thuật. Trong một bài đáp lại Hải Triều,
Hoài Thanh có nói rõ: “Tôi nhận rằng một quyển sách có tính cách văn chương vẫn
có thể đèo thêm nhiều tính chất khác nữa như chính trị, xã hội, đạo đức, tôn
giáo… Tôi chỉ muốn người ta phân biệt các tính cách ấy (T.Đ.S. nhấn mạnh, hai chữ tính cách ở
đây chính là cái “đặc trưng” như ngày nay ta nói) ra và trong lúc xét quyển
sách về phương diện nghệ thuật, phải để ý đến tính cách khác”. Theo chúng tôi,
chính sự quan tâm tính đặc thù – “sự
phân biệt” đã thúc đẩy Hoài Thanh viết bài Văn
chương là văn chương để phê bình Hải Triều chứ không phải vì một
lí do nào khác. Ngày nay chúng ta không thể không đồng ý với Hoài Thanh: “Một
cái đầu đề của tôi: Văn chương là văn chương với mấy chữ: nghệ
thuật vị nghệ thuật đã
khác xa rồi”. Một đằng nêu cứu cánh của nghệ thuật, một đằng nêu đặc trưng của
nghệ thuật, phân biệt với các hình thái hoạt động khác. Sau đó, khi kết thúc
quyển Văn chương và hành động, trong mấy dòng Kết
luận ông viết: “Chúng
tôi nhận rằng nhà văn cũng phải hành động như mọi người: hành đông bằng việc
làm và hành động bằng ngòi bút. Nhưng đến đây cần phải phân biệt: người ta có
thể viết những điều không có tính cách văn chương, và trái lại. Chính ở chỗ
“trái lại” này chúng tôi muốn nhà văn được tự ý”. Thế là đã rõ, nhà văn muốn
hành động bằng văn chương thì phải tôn trọng tính đặc thù của văn chương. Đó là
tính thẩm mĩ, tính sáng tạo, cá tính, sự tìm tòi hình thức, sự thành thực và tự
do. Không phải ngẫu nhiên mà nếu như bỏ được các định kiến, thì ta sẽ thấy Hoài
Thanh là nhà văn đã để lại nhiều ý kiến hay bậc nhất về đặc trưng văn học nghệ
thuật vào thời ấy. Mỗi ý kiến của ông đều là kết quả của sự thể nghiệm và
nghiền ngẫm sâu sắc. Chẳng hạn ông viết: “Không! Văn nghệ không làm – hay không
phải chỉ làm công việc một tấm gương”. Một ý kiến tưởng như vừa phát biểu vào
thời kì Đổi mới năm 1986! Hoặc như những câu sau đây: “Điều cốt yếu trong văn
chương là tinh thần sáng tạo, là tự do, là không ngờ, là linh động, là sống
vậy”. “Văn chương gây cho ta những tình cảm ta không có, luyện những tình cảm
ta sẵn có; cuộc đời phù phiếm và chật hẹp của cá nhân vì văn chương mà trở nên
thâm trầm và rộng rãi đến trăm nghìn lần”, “Người ta có thể vượt ra ngoài giai
cấp mình. Một người không ăn cắp bao giờ vẫn có thể thích nghe nhà văn kể
chuyện một thằng ăn cắp. Vì thằng ăn cắp khi đã đưa vào trong một tác phẩm nghệ
thuật, nó không còn là thằng ăn cắp nữa, nó là Người (chữ Người viết hoa) và có
tính cách vĩnh viễn”. Điều này trước đây nói ra sẽ bị gây nhiều phiền phức vì “tính
người chung chung”, song ngày nay ai cũng thấy có biết bao sự thật văn học của
nhân loại chứng minh cho nó! Về tác động thẩm mĩ của văn học ông viết: “Có kẻ
nói từ khi các thi sĩ ca tụng cảnh núi non, hoa cỏ, núi non, hoa cỏ trông mới
đẹp; từ khi có người lấy tiếng chim, suối chảy làm đề ngâm vịnh, tiếng chim,
tiếng suối nghe mới hay. Lời ấy tưởng không có gì quá đáng” Kẻ nói đây thiết
nghĩ là Oscar Wild. Chúng ta còn có thể trích ra nhiều câu như thế nữa. Phân
biệt tính cách văn chương và tác dụng thẩm mĩ của văn học là một ý tưởng lí
luận quan trọng của Hoài Thanh trước năm 1945. Và các nhận thức của ông về đặc
trưng văn học như tính cách đẹp, hình thức đặc thù, sự thể hiện của tài năng,
tinh thần sáng tạo, tính cá nhân, cá tính, đòi hỏi một sự thành thực và môi
trường tự do, phân biệt văn học với báo chí (thông tấn) phải nói là những nhận
thức đúng đắn về lí thuyết. Sự phát triển tiếp theo của lí luận văn học phương
Tây những năm 60, 70 thế kỉ XX về tính văn học, về hình thức độc lập (như hình
thức trần thuật), khép kín (hệ thống kí hiệu riêng), tính sáng tạo của nghệ
thuật… đều đã xác nhận tính đúng đắn của những tiên liệu đi trước thời gian của
Hoài Thanh. Ngày nay chúng ta có thể và cần lấy đó làm một điểm xuất phát để
phát triển lí luận văn học hiện đại của chúng ta. Đó là những điểm thiết
nghĩ không nên quy vào cái ô nghệ thuật vị nghệ thuật để phủ nhận, tự làm nghèo
truyền thống lí luận văn học Việt Nam vốn không lấy gì làm phong phú.
Xét từ
phương diện này, cuộc tranh luận giữa Hoài Thanh và Hải Triều có phần không
phải là sự đối đầu giữa nghệ thuật vị nghệ thuật và nghệ thuật vị nhân sinh, mà
trước hết là sự đối lập giữa hai cách tiếp cận trong phê bình: một bên nhấn
mạnh tính đặc thù, một bên nhấn mạnh sự phụ thuộc của văn học vào xã hội, chức
năng xã hội, chính trị của văn học. Nếu tỉnh táo nhìn nhận thì đó sẽ là hai
quan niệm bổ sung cho nhau, tạo thành một quan niệm toàn diện về nghệ thuật. Sự
thắng thế của Hải Triều tuy đáp ứng nhu cầu bức thiết của cuộc đấu tranh xã
hội, song tiềm ẩn một nguy cơ nghiêm trọng là chủ nghĩa công lợi thực dụng, chủ
yếu chỉ coi trọng nội dung xã hội, chính trị, coi nhẹ hình thức và đặc trưng
nội dung của văn nghệ, một khuynh hướng tồn tại kéo dài trên nửa thế kỉ và cho
đến ngày nay chưa thể nói là đã được giải quyết hài hoà. Nguy cơ ấy không thể
nói là không có ảnh hưởng tiêu cực tới chất lượng nghệ thuật của sáng tác.
Khẳng định quan niệm sâu sắc của
Hoài Thanh về đặc trưng văn chương nghệ thuật, không có nghĩa là xoá bỏ những
hạn chế, thậm chí sai lầm trong quan niệm văn học của ông. Định nghĩa của ông
về nghệ thuật là “Đi tìm cái đẹp trong tự nhiên” cũng rất hạn hẹp. Quả đúng
“Văn chương là văn chương”, nó có tính độc lập, nhưng “thuần tuý” thì không,
bởi nó phải hướng về xã hội, đem những tư tưởng xã hội, lịch sử, chính trị,
luân lí, đạo đức, triết học biến thành máu thịt hữu cơ của mình. Nếu nghệ thuật
chỉ hướng tới cái đẹp thuần tuý mà toàn bộ cuộc sống nhiều mặt của con người bị
mờ nhạt thì còn đâu sức hấp dẫn? Có thể nói quan niệm văn học của Hoài Thanh ở
đây đã chịu ảnh hưởng ít nhiều của chủ nghĩa duy mĩ. Vào thời ấy Hoài Thanh
không đơn độc trong quan niệm của mình. Nguyễn Tuân, Hàn Mặc Tử, Chế Lan Viên…
đếu có quan niệm ấy. Quan niệm phân biệt văn học với báo chí của Hoài Thanh căn
bản là đúng. Sau này, khi đã trải qua thời gian dài thể nghiệm loại thơ phản
ánh hiện thực “chân chân chân, thật thật thật”, nhà thơ Xuân Diệu đã giác ngộ
ra và đã nêu lại sự phân biệt thơ ca và thông tấn trong bài tiểu luận nổi tiếng Lượng
thông tin và những kĩ sư tâm hồn ấy. Tuy
nhiên Hoài Thanh đã đối lập văn học và báo chí một cách quá ư tuyệt đối, hầu
như không thể dung hoà giữa cái nhất thời và cái vĩnh viễn, xem nội dung xã hội
của văn học chỉ có tính cách phụ, và nhà văn nếu hướng tới hiện thực chỉ là sự
tình cờ. Ở đây không thể nói là không có ảnh hưởng của quan niệm ảo tưởng về
“văn học thuần tuý”. Thật khó tán thành với Hoài Thanh khi ông cho rằng, khi
nhà văn “bênh vực kẻ yếu, chống lại với sức mạnh của tiền tài của súng đạn” thì
lúc đó nhà văn không làm văn nữa mà “chỉ làm cái phận sự một người cầm bút mà
thôi”. Vậy biết bao thơ của Đỗ Phủ, của Nguyễn Du chỉ là thơ của người cầm bút
hay sao? Thơ văn đâu chỉ “khiến cho khách giang hồ quên những nỗi nhọc nhằn mà
trong chốc lát hưởng những phút say sưa” mà còn hun đúc chí khí, tâm hồn con
người, giúp họ cảm được những nỗi đau thương thành thực của loài người như
chính Hoài Thanh đã không ít lần nhắc đến. Cái quan niệm xem mối quan hệ
chính trị, đạo đức, tôn giáo với nghệ thuật chỉ là quan hệ “tình cờ” cũng không
phù hợp với thực tế văn học xưa nay. Mặc dù đây đó còn phiến diện, ảo tưởng và
mâu thuẫn, song Hoài Thanh vẫn là nhà lí luận Việt Nam đầu tiên nêu ra một cách
sâu sắc vấn đề đặc trưng, bản chất thẩm mĩ của văn học, một vấn đề cốt tử của
lí luận văn nghệ mà đời sau vẫn phải còn tốn nhiều công sức và tâm huyết mới
mong giải quyết. Cuộc tranh luận “nghệ thuật vị nghệ thuật với nghệ thuật vị
nhân sinh” tất nhiên vẫn còn trong lịch sử văn học như một cuộc biểu dương quan
niệm Mác xít trong văn nghệ, chuẩn bị cho những bước phát triển về sau của quan
niệm văn nghệ cách mạng, và Hoài Thanh vẫn có những điểm để người ta liên hệ
ông với chủ trương nghệ thuật vị nghệ thuật, song xét về thực chất, sự mâu
thuẫn của Hoài Thanh với Hải Triều qua những bài tranh luận đương thời chủ yếu
chỉ là mâu thuẫn của hai cách tiếp cận đối với văn học. Lịch sử hiện đại đã cho
thấy nhiều cuộc tranh luận văn học đã bị chính trị hoá, làm che lấp mất hạt
nhân học thuật của nó, phải một thời gian rất lâu sau người ta mới nhận ra. Nếu
nhìn kĩ về mặt học thuật ta sẽ thấy cả hai khẩu hiệu đều có ưu điểm và khuyết
điểm. Quan điểm vị nhân sinh thấy được mối liên hệ khăng khít giữa văn
học với cuộc sống, song nó dễ dàng rơi vào chủ nghĩa thực dụng, coi nhẹ đặc
trưng văn nghệ. Ngược lại quan điểm vị nghệ thuật tuy nhận rõ đặc trưng văn
nghệ, coi trọng tính độc lập của văn nghệ, song nó lại dễ dàng thoát li hiện
thực. Vì thế không nên xem quan niệm nghệ thuật vị nhân sinh là quan niệm tuyệt
đối đúng và hoàn toàn khoa học. Bởi vì suy cho cùng cái gì mà chẳng vị nhân
sinh? Hoài Thanh là người có khuynh hướng học thuật. Trong bài báo Vấn
đề học thuật nước ta chỉ là một vấn đề tâm lí viết năm 1936 Hoài Thanh đã nêu rất
cao vấn đề học thuật, tuy có phần cực đoan. Ông viết: “Nếu dân tộc này không
bao giờ tự mình dựng lên được nền học thuật thì chẳng nói hai mươi triệu, có
đông đến hai trăm triệu cũng là một dân tộc bỏ đi, một dân tộc không có tên
trong pho lịch sử văn minh loài người”. Điều kiện để có một nền học thuật ông
viết: “Về học thuật cũng vậy. Nếu ta đặt cho học thuật một cái mục đích ngoài
học thuật thì chẳng nên mong gì chuyện thành đạt”. Có thể xem đó như một lời
nhắn lại cho những ai còn tha thiết với nền học thuật nước nhà, rằng nếu đồng
nhất học thuật với những vấn đề chính trị, ý thức hệ thì sẽ làm mất đi khả năng
giải quyết và đánh giá đúng các vấn đề học thuật.
Tháng 7-2009
T.Đ.S
Nguồn: Tạp chí Nghiên cứu văn học số 8/2009
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét