Văn hoa một tí thì gọi là Bệnh viện
tâm thần, nhưng tôi muốn gọi là Nhà thương điên hơn, nghe nó có gì đó cảm xúc,
ấn tượng và thực chất. Cậy cục mãi tôi mới xin được vào thực tế nơi đây.
Đơn
giản thôi, người ta sợ không bảo đảm được an toàn cho tôi, người ta sợ sự soi
mói vốn là đặc tính của mấy tay viết lách, người ta sợ tôi biết những điều mà
người ta không muốn cho biết. Nhưng với tài viện dẫn và thuyết phục cùng bao lý
do xã hội nghe rất kêu rất chính đáng rất hợp tình hợp lý, cuối cùng là rất
không thể từ chối, người ta phải mở cổng cho tôi vào sau hàng loạt cảnh báo đầy
đe doạ, và cam kết hùng hồn của tôi là tự chịu trách nhiệm với bất cứ tổn hại
gì xảy đến cho bản thân. Thực ra thì làm ra vẻ quan trọng thế thôi, chứ nhà cửa
phòng ốc kiên cố cùng những biện pháp bảo an thường trực cho cả bệnh nhân lẫn y
bác sĩ thế này thì dễ gì mà xảy ra chuyện. Nhưng cẩn thận vốn không thừa bao
giờ nhỉ.
Người hướng dẫn cho tôi là Trương, một
nam y sĩ tuổi chừng ngoài ba mươi. Anh chàng có vóc người khá lực lưỡng, có lẽ
đó cũng là một yếu tố trong tuyển chọn vào công việc này. Trương giới thiệu cho
tôi một số phòng ban điều hành và y tế. Những điểm ấy chỉ cần lướt qua thôi.
Tổng cộng nhân lực cho một nhà thương điên có gần trăm bệnh nhân nặng nhẹ các
loại này chưa đến hai mươi người, chính xác là mười tám cộng cả bảo vệ lẫn cấp
dưỡng. Trời ạ, chỉ thử hình dung số lượng công việc mà từng ấy người đảm nhận
đã hoa cả mắt chóng cả mặt. Nếu là một cơ sở y tế thông thường thì không đáng
ngại, đằng này…Cả một khuôn viên rộng chừng hai hecta có tường cao bao quanh.
Bên trong chia làm nhiều dãy. Vòng bìa những dãy thuộc về quản lý phục vụ ăn
nghỉ cho y bác sĩ cấp dưỡng bảo vệ, vì họ gần như ăn ở tại chỗ, lâu lâu mới về
thăm nhà. Còn lại là các khu bệnh được chia theo mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân.
Các dãy này hầu như bao quanh một khoảng sân rộng có bài trí thảm hoa cây cảnh,
khu tản bộ khu thể thao vận động. Lác đác có một số bệnh nhân đi lại, đôi ba
người ngồi gốc cây nói chuyện, vài nam thanh trung niên thì bập bồng mấy quả
bóng. Trương cho biết đó là những bệnh nhân đã thuyên giảm khá nhiều, họ đang
trở lại với những hình hài cuộc sống tự nhiên. Một số ít không có thân nhân đón
về thì ở lại làm những công việc phù hợp. Những người này có khi là thân nhân
bỏ hẳn từ lâu, có khi họ không muốn trở lại cuộc sống xô bồ giành giật ngoài
kia, họ tự nguyện ở lại để tìm cho mình một chốn an bình, tránh nguy cơ tái
bệnh. Ngang qua một dãy khác, tôi nhìn thấy trong những gian phòng là những
hoạt cảnh lạ lẫm. Những gương mặt vô hồn, những ánh mắt không có thần thức,
những hành vi không có chủ đích. Người thì ngồi nhìn chăm bẳm vào một khoảng
không, miệng lẩm bẩm lẩm bẩm, người thì ngồi mân mê mớ tóc rối và đưa vào miệng
nhai nhóp nhép, người thì cười một cách ngây ngô ngớ ngẩn, người thì nằm bò
trên sàn miệng bật những tiếng êu êu vô thức, người thì ôm một con búp bê bẩn
thỉu đung đưa miệng e a như ru…Đó là dãy phòng của nữ. Những người đàn bà tuy
không có sự khôn lanh của nhận thức, nhưng họ vẫn mang dáng dấp của một vẻ đẹp
nữ tính. Tiếp đến là dãy phòng của nam. Thấy tôi đi qua nhìn vào, vài người
nhổm lên tì tay vào song cửa vẫy gọi. Họ không tỉnh táo về mặt tinh thần, nhưng
phần bản năng vẫn mách bảo họ những nhu cầu. Trương cho biết, đây là những bệnh
nhân thuộc dạng điên hiền. Họ chỉ ngơ ngẩn khóc cười và có những hành vi không
mấy tác hại cho người ở cạnh. Tuy thế, một phòng cũng chỉ từ hai đến ba người
và luôn trong tầm ngắm của y bác sĩ. Đôi lúc các y bác sĩ cũng khá vất vả với những
bản năng hoang sơ của họ. Vốn con người ta luôn sống bằng hai phần, bản năng và
lý trí, phần bản năng bao giờ cũng mạnh hơn, lý trí nắm vai trò điều tiết hạn
chế, khi lý trí không còn thì tất cả sức mạnh bản năng không chế toàn bộ đời
sống con người. Những người này, có rất nhiều nguyên nhân mà có mặt ở đây. Khá
nhiều là bị thất tình, nguyên do này phía nữ nhiều hơn, còn là tai nạn, là bị
sang chấn, sốc vì một biến động mạnh nào đó, có khi là phân liệt bẩm sinh. Có
những người trước khi phải bước chân vào đây, họ cũng oai phong bệ vệ lắm lắm,
nhưng cái công cuộc tranh giành những phầm trăm lợi lộc mà ưu thế lại không
nghiêng về phía họ, lại trở thành một cú đẩy nhẫn tâm khiến họ chới với cả phần
đời còn lại. Có những người hồn nhiên trao tặng cả trái tim cả nhiệt huyết cả
niềm tin gần như tuyệt đối cho một người hoặc một hình thái đầy tôn thờ ngưỡng
vọng nào đó, rồi bị phản bội, một sự phản bội không hề được cảnh báo, khiến họ
rơi cái ẫng xuống tầng sâu hun hút như không còn chút lực ma sát và cả cái phần
trọng lượng hữu hình. Có người thì sau một thời gian điều trị đấy kiên nhẫn và
tận tâm từ nhiều phía thì có thể hồi phục, nhưng nếu đời sống không êm ả rất có
nguy cơ tái bệnh, bởi sự tổn thương hệ thần kinh là một di chứng lâu dài. Có
người thì mãi mãi không thể thoát ra khỏi bóng tối của chính mình. Họ như luôn
bị một bóng đen ám ảnh, bóng đen ấy khiến họ là người mà không được sống.
Những tiếng huyên náo vọng vào tai. Vẻ
mặt Trương chợt căng thẳng, lắng nghe một chút rồi nói nhanh:
-
Chị
đứng đây đừng đi đâu nha.
Nói xong Trương chạy vụt đi, tôi nấn
ná vài giây rồi hướng theo lối Trương vừa chạy, nhủ thầm, vừa đi vừa dè chừng,
thấy có gì nguy hiểm thì tránh ngay. Lò dò một đoạn tôi nhìn thấy một dãy phòng
khác hẳn các dãy phòng. Cảm giác đó như một nhà tù chứ không phải phòng bệnh.
Các song sắt bao quanh một cách lạnh lùng và cách biệt, Đằng sau đó là những
gương mặt cũng khác hẳn những gương mặt của dãy bệnh nhân hiền. Hầu hết họ có
vẻ dữ dằn hung ác. Trương đang cùng hai người áo trắng ra sức tách hai người
đàn ông đang lên cơn ôm ghì nhau vật bò dưới đất. Cả hai đều có những thương
tích, những vết máu nhầy nhợt trên khắp cơ thể của họ khiến tôi run cả người
trong một thứ cảm xúc hỗn tạp, vừa ghê sợ, vừa thương xót, vừa cám cảnh. Khi mẹ
cha họ sinh ra đời một người con, đã gửi gắm biết bao ước vọng về một tuơng lai
đẹp đẽ, để rồi sau bao tháng năm vất vả nuôi dưỡng, thành quả của họ là một
thực thể sống không ra người không ra vật thế kia ư? Những chiếc áo trắng cũng
lấm lem cả rồi mà vẫn chưa xoay chuyển được tình hình. Quả thật, những người y
bác sĩ làm việc ở đây quá vất vả. Vài lần nghe thông tin qua báo đài tôi được
biết chế độ đãi ngộ cho những người thầy thuốc trong lĩnh vực này không cao.
Vậy cái gì làm động lực cho họ để họ vắt kiệt sức mình cho công việc đầy khó
khăn và nguy hiểm này. Đó là chưa kể những nguy cơ lây nhiễm từ người bệnh. Bởi
hầu như tất cả họ, ngoài bệnh lý đặc biệt về thần kinh, họ cũng mang theo cả
những loại bệnh thông thường hoặc hiểm nghèo khác. Bất chợt vọng lên câu hát
“Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng. Gian khổ biết dành phần ai.” Cuộc sống được đan
kết vào nhau, phối tác vào nhau bằng nhiều loại hình công việc. Như một guồng
máy vận hành phải cần tất cả những chi tiết và phụ kiện cùng các thao tác. Và
nếu tất cả chỉ có cùng một chọn lựa thì chắc chắn cỗ máy không thể dẫn đến một
tính năng cần thiết mà nó được yêu cầu. Xã hội nói một cách đơn thuần là sự
phân bổ lao động tự nhiên. Nói một cách tâm cảm thì tạo hóa giao cho mỗi người
mỗi việc, tùy vào khả năng và tâm thức mà người ta đi theo một con đường trên
muôn vạn lối vào đời.
Tiếng la thét khua rộn cả một khu
phòng. Hai người đàn ông mất trí kia đã xoay sang mỗi người vật lộn với một
người áo trắng. Trương đang cố gắng phụ đồng nghiệp khóa chéo tay bệnh nhân để
khống chế sức mạnh của anh ta, mặc cho người còn lại đang chống chịu với sự
hung hãn tột đỉnh của bệnh nhân. Cuộc diện này như một luồng kích thích những
bệnh nhân đang trố mắt sau các chấn song, họ la thét lên như thể cổ vũ như thể
tiếp sức. Có gì như một sức phản kháng một sự thù địch đang dội lên trong họ.
Tôi run bắn người, không ngờ mình chứng kiến một cảnh ngộ hết sức bi kịch như
thế. Tiếng la thét cũng đồng nghĩa tiếng kêu cứu để rồi thêm mấy bóng áo trắng
nữa túa về, họ xông vào đám ẩu đả ấy mà xoay mà gỡ. Cuối cùng, hai bệnh nhân bị
oạt tay ra sau, trói ké lại như kẻ trộm. Gương mặt họ lộ rõ một thứ cảm xúc
đỉnh điểm, vừa như một con mãnh thú đau đớn bị hạ gục, vừa như một nỗi căm thù
muốn ném vào tất cả những ai đang có mặt. Những người này, trước khi bị bệnh,
họ phải chịu một cú sốc nặng từ thế giới người, cú sốc ấy làm họ bùng vỡ ý
thúc, tê liệt mọi cảm quan nhận thức, chỉ còn một nỗi đau hận thù vô thức. Và
mỗi khi tâm tưởng họ kéo về một hình ảnh đau tức từ ký ức, thì họ lại lồng lên
một thứ ngôn ngữ điên cuồng và bất lực. Nhìn những bệnh nhân cong queo thúc thủ
nằm dưới đất, nhìn những người thầy thuốc tơi tả lấm lem thở dốc quệt mồ hôi,
trong tôi trào lên một nỗi chua xót đến tê dại. Cõi người ta ơi, sao cợt đùa
lắm nghiệt oan đến thế? Những tiếng kêu la từ những gian phòng kia cũng từ từ
lắng xuống khi những y bác sĩ nữ xuất hiện với những đồ chơi trẻ em nhiều màu
sắc như lúc lắc hay bóng bay, cùng những bông hoa tươi vừa hái vội trong sân
bệnh viện. Những ánh mắt vô thức kia bị dẫn dụ bởi những cảnh sắc ấy, từ từ dịu
đi, từ từ hiền hòa hẳn lại, và họ như buông chùng cả cái cơ thể căng gồng lúc
trước.
Choáng váng và bủn rủn, tôi ngồi sệt
xuống một góc tường. Lan man ngẫm nghĩ, giá như tất cả những con người đang
tranh giành xâu xé lừa gạt nhau từng chút lợi nhỏ ngoài kia, hãy một lần bước
qua bức tường này, bước qua lằn ranh của một thái cực, để hiểu rằng mình đang
được sống hạnh phúc đến thế nào, để may ra bớt chút đi phần khắc nghiệt với
nhau, để biết trân trọng tin yêu lấy một chữ Người quý giá. Ôi, nhưng mà nói
cũng chỉ để mà nói, nghĩ cũng chỉ để mà nghĩ, khi con người ta không những tỉnh
táo mà còn quá khôn ngoan để sát phạt nhau, thì chẳng lý nào họ chịu dừng lại
vài giây để đo lường cái hậu quả. Để rồi, cách này hay cách khác, kiểu này hay
kiểu khác, người ta lại bao ngậm ngùi đắng đót sâu cay khi tàn một cuộc cờ.
Không biết tôi buông mình trong rời rã bao lâu, chỉ đến khi tôi nhìn thấy cái
dáng nhớn nhác tất tả có phần hốt hoảng của Trương vừa đảo mắt nhìn quanh quất
vừa chạy lóc xóc, chắc cậu ấy đang đi tìm tôi. Tôi vội đứng lên gọi to. Nghe
tiếng và nhìn thấy tôi, Trương vội vã chạy đến:
-
Trời
ơi! Chị ở đây mà tôi tưởng…
-
Không
sao, tôi không sao, chỉ thật bàng hoàng với cảnh xảy ra vừa nãy thôi. Thật là…
-
Ở
đây đó là chuyện thường ngày chị ạ. Anh em đây quá quen rồi.
Có
ngày xảy ra đến mấy vụ ấy.
-
Ôi
trời, khổ cho mọi người, thật quá nguy hiểm?
-
Ban
ngày còn đỡ, ban đêm một số y bác sĩ về nhà, còn lại ít người rất vất vả. Nhưng
biết làm sao được, việc là vậy mà.
-
Vợ
con ở nhà chắc lo lắng lắm.
Gương mặt Trương chợt trầm xuống.
-
Ai
dám lấy đâu chị. Họ sợ ở với người điên riết mình điên theo.
-
Trời…
Tiếng kêu tôi như nghẹn lại. Chẳng lẽ
những người này hy sinh cả cuộc đời cho những bệnh nhân này sao? Một sự hy sinh
lặng lẽ âm thầm mà thật vĩ đại.
-
Có
khi nào cậu muốn chuyển một công việc khác không?
-
Người
khác thì không biết, nhưng riêng tôi hầu như không có ý định chị ạ. Nói có thể
nhiều người không tin, nhưng quả thật nhìn họ đáng thương quá, mình bỏ đi là
chuyện nhỏ, nhưng rồi ai sẽ lo cho họ, anh em ở đây đã quá ít rồi. Tuyển người
mới khó lắm chị ạ.
Câu nói đơn giản ấy làm tôi ứa nước
mắt. Như chợt nhớ mục đích của tôi khi vào đây, Trương nói:
-
À,
nói chuyện chị nghe rồi bỏ đi nha, đừng có viết gì về tôi cả, nếu muốn viết,
hãy viết về những mảnh đời bất hạnh kia kìa. Những người như chúng tôi, tuy có
vất vả một chút nhưng còn hạnh phúc hơn họ gấp nghìn lần. Còn họ thì…
Bỏ dở câu nói, ánh mắt Trương như sâu
thẳm một nỗi niềm. Tôi không nói được gì nữa, chỉ im lặng, im lặng mà nghe mà
cảm nhận mà chao chát đến tận cùng tâm can. Chợt có tiếng động cơ vọng đến, tôi
bất chừng ngoái lại, Trương vội kéo tay tôi:
-
Chị
ra tham quan khu nhà bếp tí chứ?
-
Ừ
đi.
Trong khi bước vội theo Trương, tôi
còn kịp ngoái nhìn cánh cửa xe mở cho một bóng người bước xuống. Trông có vẻ
quen quen. Trương nói về những bữa ăn, cách cho bệnh nhân ăn, đây cũng là một
công việc khá phức tạp. Các cô bảo mẫu trường mầm non hãy lấy làm an ủi, vì
chăm sóc các cháu còn đơn giản hơn chăm sóc các bệnh nhân ở đây nhiều. Không
chỉ là vung vãi mà đổ tháo bôi trét cơm canh vào nhau là chuyện thường, nên cứ
sau bữa ăn là tắm. Hai nhân viên y tế và một bệnh nhân cho một lần tắm. Đó là
chưa kể đến những lúc vệ sinh tự phát. Trời ạ. Hãy tưởng tượng mà xem...
Tâm trạng tôi càng lúc càng bần thần
theo những gì được nghe được thấy. Trương lo lắng:
-
Chị
mệt hả? Mình vào đây nghỉ chút nha.
Gật đầu, theo Trương vào một gian
phòng nhỏ bên cạnh gian bếp. Là gian nghỉ tạm cho các nhân viên. Rót cho tôi
một ly nước và bóc cho tôi một quả quýt, Trương nói:
-
Chị
có thể nghỉ tạm trên giường này một lúc, tôi trông chị khá mệt mỏi rồi đấy.
-
Tôi
chỉ mới vào đây chưa đầy buổi sáng, mà đã thấy muốn hụt hơi thế này, vậy mà các
anh em phải thường trực ngày này sang ngày khác, thật vô cùng nể phục.
-
Có
gì đâu chị, quen rồi mà.
Hay cho cái chữ “quen rồi”. Nhờ nó mà
người ta đi qua được biết bao vật vã lầm lụi, tất tả long đong. Cho dù có những
“quen rồi” không nên và không thể tán dương. Trương đi ra rồi, tôi ngã người
trên chiếc giường gác tay lên trán và nhắm mắt. Những hình ảnh cứ đan xen nhảy
múa. Nỗi thương cảm khiến hai dòng lệ cứ tự nhiên chảy dài. Có tiếng người vào
gian bếp. Chắc họ chuẩn bị cho bữa trưa. Tôi chợt lắng tai.
“Này, ông K lại vào thăm con gái đấy.
Ừ thấy cái xe là biết rồi. Cũng khổ nhỉ. Ai bảo có chức quyền giàu sang đã là
sung sướng. Con gái ổng có ngày hôm nay cũng ở cái chức quyền và giàu sang đấy
đấy. Nghèo nàn vất vả từng bữa ăn như bọn mình thì lấy ai mưu mô đòn phép, chỉ
tội con nhỏ, xinh quá mà lại bị thành nạn nhân. Người xưa nói không sai mà, đời
cha ăn mặn đời con khát nước. Cha mẹ cứ việc thủ đoạn lật lường cho đã đi để
con cái nó trả giá cho sướng. Đời biết bao nhiêu tấm gương thế rồi mà thiên hạ
vẫn không mở mắt ra nhỉ? Làm sao mà mở được, khi cái danh cái lợi nó cứ túm lấy
người ta mà vật xuống. Chỉ khi nào nó đập cái chát vào mặt thì mới bật ngửa ra
thôi. Cái bà này, hôm nay miệng mồm khiếp thế. Cứ ở đây hàng ngày nhìn thấy bao
nhiêu cảnh não nùng ai oán, bao nhiêu cái cơ cầu trớ trêu của cuộc đời, không
miệng mồm thế mới lạ. Thôi đi mụ, bớt choang choác đi để phước cho hàng xóm
nhờ. Há há…
Tôi lặng người trước câu chuyện, lờ mờ
ra cái dáng quen quen ấy là ai rồi. Ra thế, một thời tin đồn con bé thất tình
đi tu, bố nó bỏ tiền trung tu một ngôi chùa nơi xa xôi nào đó, cũng có những
tin đồn khác, nhưng tất cả cũng đi vào lãng quên. Dư luận mà, om xòm ba bữa có
cái gì khác hút hơn là lại lăn theo. Những chuyện quan lớn quan bé sân trước
sân sau xưa nay có gì là lạ. Nhưng để đến nỗi con cái phải rơi vào cái vòng
nghiệt ngã này thì kinh khủng quá. Không muốn bị phát hiện mình đã vô tình nghe
lén. Tôi nhẹ nhàng trở dậy, men theo bờ tường đi vòng ra phía trước. Bỗng tôi
nhìn thấy một người phụ nữ có lẽ đã lớn tuổi. Cái mũ bảo hiểm còn chừa ra một
chùm tóc trắng đen, bà đang đứng ngay cửa số phòng bệnh nhân nữ, đầu nghiêng
tựa lên cánh tay bám vào song cửa, dáng thật thiểu não. Hẳn là một bà mẹ đi
thăm con gái, tôi lần chần không dám bước tới, ngại người ấy giật mình mà bất
tiện.
-
Chị
bớt mệt chưa?
Tiếng Trương làm cả hai người giật
mình, tôi và phụ nữ ấy, bà vội chùi mắt vào tay áo. Tôi thấy mình không thể ở
lại thêm phút giây nào nữa.
-
Cảm
ơn cậu đã giúp tôi, giờ tôi phải về rồi.
-
Vâng,
chị về ạ.
Có vẻ Trương đang chờ câu nói này ở
tôi. Cũng đúng thôi, dù với lý do nào. Tôi gửi lời tạm biệt mọi người rồi đi
vội ra cổng.
-
Sao?
Đi thực tế có kết quả gì không?
Không trả lời đồng nghiệp. Tôi lặng lẽ
ngồi vào bàn, chống hai tay lên cằm một lúc rồi bần thần mở máy.
-
Lại
thương vay khóc mướn ai rồi. Người đâu mà đa đoan…
ĐÀM LAN (Đắk Lắk)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét