Tác giả Trần Thị Thanh
Trần Thị Thanh
Sinh năm 1986
Quê quán: Nghệ
An
Học viên cao học ngành
Văn học Việt Nam, Đại học Đà Lạt
Hiện là giáo viên Văn
trường PTTH Huỳnh Văn Nghệ, huyện Tân Uyên, tỉnh Bình Dương
Hiện
tại, má tôi là người phụ nữ nội trợ. Nhờ má mà cả nhà tôi luôn được cơm ngon
canh ngọt. Đối với phụ nữ nội trợ, “ngày nào không đi thấy nhớ” - má nói vậy.
Hàng nào cũng quen, người nào cũng quen nên đi chợ như việc gặp những người bạn
thân vậy. Má bảo, mỗi hôm đi chợ, mua thì ít mà chào hỏi mọi người thì nhiều:
“Cá bữa nay tươi thế, rau xanh ghê!...” Tôi vẫn nhớ những lời chào hỏi mỗi bận
có thời gian đi chợ cùng má. Đáp lại là những lời chào mời vui vẻ: “Chị Tư vui
tính, mua lấy hên cho em. Em để giá sỉ thôi nè”.
Má
nhủ tôi, chợ phải mua hàng quen, để người ta không lận mình, khi có hàng tươi
ngon người ta cũng gọi mình. Má cũng đã sành điệu khoản chợ búa. Mua rau muống,
má thường chọn loại ống to, ít lá, da non trắng mơn mởn và đọt ngóng. Má nói,
rau muống ngóng là ngon nhất, xào lại giòn phải biết.
Má còn dặn tôi, muốn chồng sau này
khỏi ham nhậu nhẹt phải học nấu ăn thật ngon. Và đổi món thường xuyên. Tôi chỉ
cười, nghĩ bụng nhậu hay không nhậu đâu phải do miếng ăn. Tôi đoán má đang ám
chỉ chuyện khác, chỉ là tôi chưa hiểu đúng ý má thôi.
**
Chủ
nhật, nhà có tiệc sinh nhật cháu nội, tôi và má đi chợ. Mới đến đầu chợ, mấy cô
hàng rau đã rỉ tai:
- Cô Ngà đi Tây
về, mang cả con gái về đấy.
Cô
hàng hoa quả ngồi bên tò mò:
- Thế về với con thôi à?
Đáp
lại là lời kín đáo nhưng vẫn hớ hênh của cô hàng rau:
- Nghe bảo chồng
có công chuyện làm ăn sẽ về sau. Mẹ nó khoe vậy, bà ấy còn nói hai mẹ con nó
xinh lắm. Mẹ thì trẻ ra, nhìn đúng là gái Tây về. Còn đứa con, tóc vàng da
trắng, cao lớn nòi Tây đô lắm.
“Chợ
còn là tờ báo tin tức địa phương nhanh”, má nói chỉ đủ để tôi nghe. Tôi ậm ừ,
như vừa xem một bức họa báo chủ đề “đặt lời bình cho tranh” tha hồ suy nghĩ,
tưởng tượng người ta đang nghĩ, nói gì. Và tôi cũng thấy mình như vừa lướt vào
một tấm hình mang tên “hot girl lộ ảnh nóng” trên Facebook có hàng trăm “like”
và “comment” với nhiều thái độ. Người thì phẫn nộ chê cô nàng hot girl đã làm
hoen ố nét duyên thầm, tính kín đáo của vẻ đẹp tâm hồn người phụ nữ Việt, người
thì cho rằng táo bạo, dám sống thật với con người mình, người khác bình phẩm
chắc là gái nhảy chạy sô, là cave… Hết lời vào rồi lại ra. Nhưng có vẻ ai cũng
thích xem bức ảnh hở hang đó, có người còn xem đi, xem lại mấy lần chưa biết
chừng. Câu chuyện mẹ con chị Ngà trở về xứ U Minh này cũng tương tự như bức ảnh
hot girl trên facebook mà tôi đang nói vậy. Có những lời bình luận thật cảm
thông, cũng có sự chua chát. Đối với đám đông như thế, tôi thường im lặng.
Một
lúc, thấy hai mẹ con chị Ngà xuất hiện. Chiếc xe Fly êm ru tắt máy trước cổng
chợ. Ai nấy đều xuýt xoa: “Đó, đó hai mẹ con Ngà đó. Tây thế”. Mọi ánh mắt đổ
dồn về phía đứa bé. “Ôi, con bé dễ thương quá. Da trắng như trứng gà lột. Trắng
thế. Mẹ Ngà cho ăn gì mà trắng trẻo vậy con”. Có mẹ hàng Mắm không nhận ra bé
là người da trắng. Hỏi han một cách ngây thơ. Cô bé nhìn mọi thứ lạ lẫm. Nó chỉ
trỏ, hỏi han mẹ nó liến thoắng. Nó mới khoảng tám tuổi nhưng đã cao lớn gần
bằng mẹ.
- Kìa cô Ngà, về
độ này xinh thế, chứ bố đứa bé không về luôn sao. Đây, cho cô bé trái xoài nè.
Ngà
tránh nhắc đến bố đứa bé. Chỉ cảm ơn vì quả xoài và lời khen. Ngà bảo: “Con gửi
tiền xoài bà”, “Thôi, xoài vườn hái được. Con nhỏ cũng ít về nên tình cảm bà
cho”.
Đi
qua hàng thịt. Bà bán thịt heo có biệt hiệu “Loan kèn” (vì lời phát ra từ như
tiếng kèn, là loại kèn đám ma), lên tiếng:
- Giống nòi nhà
nào mà mát mẻ thế kia. Chồng Tây à. Chồng Tây mà lủi thủi nuôi con mình thế
cũng cực lắm, phải không cô Ngà. Cái Tình với cái Tiền, đâu được cả đôi, đúng
không cô Ngà, đúng không cô Ngà…
Bà
ta cứ nhấn mạnh làm cho mọi người đều ái ngại thay cho Ngà.
Chị
Ngà chỉ cười trừ.
Bà
Loan kèn hàng thịt lặp đi lặp lại cái ý đó. Bà còn nói thêm: “Cái Dịu nhà tôi
thế mà hay, chồng nó chỉ ghi số đề thôi mà cũng có tiền lắm. Số nó cũng nhàn,
lại được nhờ chồng. Nó cũng sướng chứ bộ”.
Chợ
những ngày cuối tuần đông đúc và tấp nập hơn những ngày thường. Má tôi chờ mãi
mới mua được con cá diêu hồng, ra mồ hôi lấm tấm trên chiếc áo bà ba mới, màu
sáng. Tôi cũng không rành khoản chợ búa, chỉ đi theo xách đồ cho má. Má tôi ít
đi chợ cuối tuần, thường thứ sáu là má mua đồ luôn về bỏ tủ lạnh, má nói: “Thôi
dành không gian cho các bà nội trợ trẻ, cuối tuần mới có thời gian rảnh đi chợ.
Để họ mua cho thoải mái. Những người trẻ họ cũng chọn hàng tinh tế lắm, mình
theo không nổi.”
Gặp
mẹ con chị Ngà bên hàng rau đã buồn, qua hàng gà lại gặp và nghe những lời thị
phi càng thấy xót xa. Một chị một tay vặt lông gà, một tay khều khều cọng tóc
vướng vào môi gây ngứa, mắt liến thoắng hết nhìn mẹ sang nhìn con chị Ngà rồi
lại nhìn vào con gà đang trụi lông: “Chồng không về à. Khổ, thích chi cái giống
mắt xanh, mũi thó cho lắm”. Chị Ngà nín lặng, bảo chị hàng gà vặt nhanh hộ, nhà
đang có khách. Chị bán gà gờm mắt, bĩu môi: “Cô xem, tôi là tôi bán gà ngon
nhất, rẻ nhất lại vặt lông nhanh nhất cái chợ này rồi đó”. Chị Ngà chỉ nói: “Vâng,
mẹ em cũng hay mua hàng chị đúng không ạ”, nhưng chắc Ngà đang nghĩ bụng: ngon
nhất, nhanh nhất thì có thể, chứ rẻ nhất thì để xem đã.
- Xong rồi đây,
hai trăm nghìn nhé.
- Chị à, gà mười
tám có trăm tám thôi mà.
- Ơ cái cô này,
Việt kiều gì mà “sộp” thế.
- Em không ki bo,
chỉ là bán mua sòng phẳng thôi.
Chị
Ngà cũng đanh lại, không để bị móc túi giữa ban ngày là một chuyện, cái chính
là chị ghét cái thái độ xỉa xói của bà hàng gà.
- Tiền… vặt lông hai
mươi nghìn. - chị bán gà nói.
- Em chưa mua hàng
nào tính tiền vặt lông cả.
- Ở Việt Nam nó
thế.
- Thì em toàn sống
ở mình mà. Em chỉ sang bển có mười năm thôi mà chị.
- Thoáng một chút
đi cho nó hiện đại, Tây về gì mà…
- Đây, em trả chị
đúng trăm tám.
Thấy
chị Ngà căng, mụ bán hàng cũng chùng xuống. Cầm tiền thối và còn chọc ngoáy một
câu: “Tưởng theo trai Tây mà đổi đời được à”. Rồi bà ta cong môi, “xí” một cái
mà mắt vẫn không thôi để ý đến bước đi của mẹ con chị Ngà. Đến lượt má tôi chọn
gà, bà hàng gà nói: “Nhà bà Tư gần nhà con Ngà phải không. Nó bị chồng bỏ rồi,
dắt con về đó. Tay trắng, không có xu dính
túi, mua con gà cũng trả giá lên trả xuống”. Má tôi chỉ nói, mỗi người mỗi cảnh
cô à. Mà được chọn lựa, đâu ai chọn ngồi bán hàng ngoài này, phải không. Ai
cũng sẽ chọn ngồi bàn giấy, phòng máy lạnh. Má tôi ít xen vào chuyện thị phi,
nhưng đã nói dù bằng giọng nhẹ nhàng, từ tốn rặt tiếng Bắc thì những người biết
suy nghĩ cũng phải nhìn lại mình.
Nhà
tôi ở gần nhà chị Ngà. Ba chị mất sớm. Chị lớn lên trong sự chăm sóc của mẹ. Mẹ
chị, một người phụ nữ trải qua những cú sốc cuộc đời: chồng mất, đi bước nữa
thì bị chồng bỏ. Qua hai đời chồng, bà nuôi con gái một mình ở tuổi lẻ 40.
Hai mẹ con chị sống nhờ nguồn thu
nhập chính là nghề may áo dài. Bà làm nghề này từ hồi lấy chồng. Nhưng mãi cũng
chỉ có vậy, khi người ta đã may kiểu thời trang thì chiếc máy đời cũ của bà đã hoàn
toàn lỗi thời. Người ta đến tiệm sang, sạch, đẹp và có thương hiệu. Còn bà chỉ
có cái nghề và may đồ đi lễ cho giáo dân quen trong vùng này với mấy cái đồ
đồng phục học sinh. Thế nên thường chỉ dịp đầu năm học mới bà mới bận rộn.
Ngà cũng làm với mẹ. Tốt nghiệp phổ thông, chị
ở nhà phụ may với mẹ. Công việc vắt sổ của chị không có gì vất vả nhưng phải
cầu kì. Để có được chiếc áo dài hoàn chỉnh, công đoạn vất vả nhất có lẽ là việc
vắt sổ. Tôi không biết người thợ may gọi công đoạn này là gì, nhưng từ vắt sổ
mà tôi dùng ở đây để diễn tả sau khi tấm vải đã cắt ra hình dáng chiếc áo dài
thì người thợ may phải vắt chỉ, hoàn toàn thủ công. Người thợ may phải khâu giả
các đường chỉ để giữ nếp cho chiếc áo không để mũi vải sổ ra, đôi khi có thể
làm mất thớ vải. Khi chưa biết may, chị hàng ngày ngồi bên bàn may chỉ để phụ
mẹ chị vắt sổ như thế. Nhìn đời mẹ luôn chật vật với bệnh đau lưng bên bàn may,
chị cũng không ham cái nghề này, chị chỉ làm phụ mẹ thôi.
Trên đất U Minh Thượng này, không ít
người con gái đã qua mai mối, về làm dâu Đài Loan, Hàn Quốc, lấy chồng Tây cũng
nhiều. Lứa với Ngà, có mấy cô cũng đổi đời khi làm dâu xứ lạ, nhưng cũng không
ít cảnh bi đát. Một bà mai đã dụ ngọt mẹ Ngà, đã bảo làm vợ anh ta sẽ được sống
trong nhung lụa, không phải lo đến cái ăn cái mặc. Mẹ Ngà thương con gái, cũng
đời chồng kiếm chỗ dựa cho vững vàng là tốt. Rồi bà ép Ngà phải lấy chồng Tây,
với lý lẽ bà sống cả đời quần quật, vất vả bên máy khâu đã biết nó cực thế nào.
Bà sẽ không an tâm nếu con gái bà lại cứ tiếp tục sự cực nhọc của mẹ. Ngà là
người con ngoan. Cô cũng có lý lẽ của cô: “Nhưng con chỉ muốn ở gần mẹ. Mẹ cũng
không còn khỏe nữa, mẹ cũng cần con bên cạnh đúng không? Con không muốn vì sự
nhàn nhã, no đủ hay sung sướng của con mà mẹ con mình xa cách nghìn trùng, biền
biệt”. Nhưng cô đã thua mẹ. Lý lẽ của mẹ cô còn đanh thép hơn: “Đành rằng mẹ
cần con, nhưng con gái có thời con ạ”. Rồi bà thiết tha: “Còn duyên kẻ đón
người đưa/ Hết duyên đi sớm, về khuya một mình. Con xem, con đã 28 tuổi rồi
đấy. Đừng có để lỡ dở một đời”.
Đã gần mười năm Ngà biền biệt trời Tây.
Chị trở về, không báo trước với mẹ chị.
Phút
gặp lại con và cháu ngoại, mẹ chị đã không hề nhắc đến ba của đứa cháu. Bà biết
những gì mà con gái bà đã chịu đựng khi có một cuộc hôn nhân không tình yêu.
Thôi thì hai mẹ con bà, có bé Xu làm động lực sống tốt vậy.
Con
gái chị tên Xu, chị nói: “Xu là đồng xu, chỉ là đồng xu thôi nhưng là báu vật
cuộc đời tôi”. Xu xa lạ về vẻ ngoài với mọi người nhưng nó là máu mủ của chị.
Chị cưng nó như nâng niu báu vật cuộc đời chị.
**
Bữa
chợ sáng chủ nhật để lại trong tôi nhiều nỗi niềm. Cái nắng của một buổi trưa tháng
5 xứ rừng nước này bình thường ngọt ngào sao hôm nay hanh hao quá. Tôi mở tủ
lạnh ra, định lấy đá làm nước mát uống thì thấy những quả kiwi hôm qua chị Ngà
và bé Xu qua chơi, mang biếu. Tôi thấy lòng xốn xang khó tả. Vị thanh ngọt của
thứ quả trời Tây tôi luôn thích ăn, hôm nay lại làm tôi sợ. Một cảnh đời. Một
thân phận có gì đó là tự do lựa chọn, lại như là sự sắp đặt trớ trêu, khi lại
vừa như sự xui khiến. Biết thế nào là toan tính. Tương lai, có lẽ đó là điều
khó tiên liệu nhất. Chi bằng sống thật với những gì mình có vậy. Tôi chợt nghĩ
vậy.
Tôi
mở web, định mở bài nhạc vui đổi cảm giác sầu đang len lỏi vào từng xúc cảm
trong mình. Tôi chọn bản nhạc “The beautiful life” (cuộc đời tươi đẹp). Trang
Baomoi.com (báo mới) tôi hay lướt lại hiện lên dòng chữ: “Thêm một cô dâu Việt
thắt cổ chết dưới cầu thang nhà chồng”. Cái tin như một cơn lốc, kéo rục tâm
trạng của tôi tới tận địa ngục. Chữ “thắt cổ” không làm tôi đau bằng chữ “thêm”
trong cái tít bài báo kia.
Hoàn
cảnh của chị Ngà hôm nay, được trở về với quê nhà, có con mạnh giỏi. Đó cũng là
một điều may mắn cho gia đình chị vậy. Bữa tiệc sinh nhật chiều chủ nhật đó,
nhà tôi có khách.
Trần Thị Thanh
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét