Vị chủ tọa tuyên bố buổi họp kết thúc, mọi
người thở phào, đứng lên, kéo ghế tìm lối ra cửa chính, anh chợt nghe một bàn
tay nhẹ nhàng vỗ vào vai.
- Lâu quá không gặp, dạo này khỏe không?
Quay lại, sự ngạc nhiên khiến anh như bất
động. Trước mặt anh, khuôn mặt trung niên phảng phất vẻ đẹp thời con gái, nét
quyến rũ mà ngày xưa vì nó mà anh phải vào bệnh viện điều trị bệnh trầm cảm sau
cú thất tình. Người phụ nữ mà hai mươi năm trước anh nghĩ sẽ chết nếu thiếu cô
ta trong đời. Hôm nay, đứng trước anh, vẫn ánh mắt lúng liếng, tinh nghịch, vẫn
nụ cười với chiếc răng khểnh xinh xinh. Anh ấp úng:
- Lâu quá không gặp. Nga vừa họp xong à
Đúng là câu hỏi ngớ ngẩn, nhưng Nga dường
như chẳng chú ý, trả lời vui vẻ:
- Ừ, mới họp ra. Nãy giờ em ngồi phía dưới
kia, thấy anh từ xa, ngờ ngợ, không ngờ chưa quên được dáng thân quen của anh.
Cả hai theo dòng người bước ra hành lang,
đứng đợi thang máy. Nga mời anh:
- Mình đi uống chút gì nhé.
Anh như bị thôi miên, theo Nga vào thang máy
rồi bước ra cổng Sở Giáo dục, băng qua đường vào một quán nước nhỏ. Nga gọi hai
ly sữa đá với chút cà phê rót lên mặt, mà không hề hỏi ý anh.
- Em biết anh vẫn thích uống vậy mà, phải
không?
Nga nheo mặt nhìn anh cười. Người phục vụ
mang hai ly sữa cà phê, anh quậy ly của Nga, rồi của anh. Anh cố che giấu sự
bối rối của mình. Chút cà phê phía trên hòa cùng sữa cho màu kem nhạt. Thói
quen giải khát của Nga, từ lâu lắm, anh bỏ quên thứ sữa pha cà phê này, ít ra
từ ngày anh cưới vợ. Nga chủ động hỏi han anh. Ừ, thì anh cũng có gia đình, có
một con trai, hiện đang học năm nhất. Còn em? Nga nhún vai:
- Em ly hôn rồi. Con gái em sang Mỹ với bên
nội.
Ừ, không hợp nhau thì ly hôn thôi. Nga về
sống cùng mẹ, trong căn nhà thênh thang vì chị em cô đều đã có gia đình và ra
riêng. Mặt trời đã đứng ngay đỉnh đầu. Anh từ giã ra về. Nga nắm tay anh:
- Chiều nay em và anh xem phim nhé, xuất 3
giờ, rạp chiếu phim ngày trước đó
Cô hẹn tỉnh bơ. Dường như cô biết rõ quyền
lực của mình với anh chàng này, người mà cô từng tự hào vì cô anh ta chết dở,
sống dở, ra vào bệnh viện nhiều lần, suýt không thể tốt nghiệp được. Cô hẹn,
bất cần sự đồng ý của anh, bất cần sự hiện diện của người phụ nữ hợp pháp trong
đời anh và cả đứa con đang ngồi đại học. Cô nói như giục:
- Anh nhớ đến nhé. Hai mình già rồi… Còn gì
để mất…?
Trở về bãi giữ xe của sở, anh nghĩ thầm: “Em
không còn gì để mất nhưng anh có đấy”
Vợ
anh dạy môn địa. Năm nay không thi địa nên chị không đi họp. Chị bảo anh tắm sơ
rồi ăn cơm, họp gì mà trễ dữ vậy. Anh chẳng trả lời. Những tia nước từ vòi sen
khiến anh tỉnh táo hẳn lên. Anh thong thả ngồi vào bàn ăn. Vợ anh ăn trước,
chuẩn bị đi vào trường truy bài các môn thi cho học sinh 12. Ăn xong, anh sẽ tự
rửa chén bát, rồi nằm nghỉ chút xíu, hai giờ rưởi, học trò đến, anh sẽ lại tiếp
tục những bài toán với những lời giải… Anh nhìn lịch. Hôm nay lớp 10 học. Thi
học kỳ 2 rồi, học sinh sẽ lười học đây. Bây giờ nếu anh điện cho từng đứa, hoặc
chờ chúng đến thông báo nghỉ, hẳn tụi nói sẽ nhảy cởn lên vui sướng đây. Anh
không thể ngã lưng được. Có lẽ vì cái hẹn chiều nay? Anh nhìn quanh. À, đống
quần áo chưa giặt, có lẽ vợ anh chờ chiều về sẽ giặt đây. Anh đứng lên, mở máy
giặt… Thôi thì phụ vợ chút vậy. Anh bấm nút chạy. Chiếc máy kêu rù rù êm ái.
Anh tưởng tượng những bộ quần áo đang được xoáy đều trong bột xà bông… Đôi mắt
anh nhìn lên khoảng không trên tường…
Ngày đó, sau cú sốc thất tình, anh trở về
trường trong sự cảm thông của thầy cô, bạn bè và chuẩn bị ôn tập cho kỳ thi tốt
nghiệp. Nga tránh mặt anh ngay trong lớp học, cũng như ở sân trường. Tuy nhiên,
những cái dáng phớt qua cho thấy sự tự hào đến cao ngạo của người con gái vì
mình một gã đàn ông, giáo viên toán tương lai suýt chết, đang sống trong tâm
trạng dở điên dở khùng. Tốt nghiệp, nhận nhiệm sở, anh lao vào công viêc như
điên dại. Người không biết nói anh yêu nghề và yêu… tiền - dạy toán mà, môn học
như con gà ấp trứng… tiền, nhất là giáo viên giỏi như anh, năm đầu tiên lớp anh
phụ trách 100% học sinh thi đạt điểm 8 môn toán. Người biết chuyện sẽ chắc chắn
anh dạy để… quên. Thôi thì phải sống chứ, nhất là khi anh nghe bạn bè nói Nga
tuyên bố cô bỏ anh, anh sẽ chết. Anh cười… Chết thì không, nhưng lao đao thì có
đấy.
Rồi
anh cũng gặp một đồng nghiệp cùng trường, hiền lành, khá xinh xắn. Không yêu
say đắm điên dại như với Nga, nhưng cũng đủ để anh tiến tới hôn nhân. Ngọc đơn
giản như một đóa thạch thảo, loại hoa anh yêu theo lời nhạc mượt mà của Phạm
Duy, phổ từ thơ Apollinaire: Ta ngắt đi cụm hoa thạch thảo... Suốt những tháng
ngày chung sống giữa hai vợ chồng biết bao kỷ niệm mà cũng theo Phạm Duy “buồn
ít hơn vui”. Thưở đó xe cub là cả một gia tài, hai vợ chồng tích cóp được hơn
một cây, mua một chiếc xài rồi. Chiếc xe “vật” hai vợ chồng suốt đoạn đường từ
nhà đến trường để khoe bạn bè. Chưa kịp khoe đã phải gởi xe vào tiệm người thợ
máy mát tay nhất xóm để chỉnh sửa. Lấy nhau, mẹ anh cho một khoảnh đất nơi
trước đây bà trồng rau muống cải thiện. Nhờ tiền mừng cưới và tiền dành dụm của
cả hai, một căn nhà nhỏ, nền xi măng được dựng lên tuềnh toàng. Cũng từng đồng
lương phụ trội, tiền dạy thêm của anh, hai vợ chồng dần dần cơi nền, lót gạch
men, mua chiếc tivi đen trắng xem đỡ buồn. Nhu cầu học thêm toán của học sinh,
trường mở lớp luyện thi đại học, khả năng truyền đạt của anh nổi tiếng đến độ
lớp ở trường học sinh chỉ đăng ký tên anh. Lớp ở nhà, phụ huynh đích thân tìm
đến xin cho con được nhận học. Những học sinh qua tay anh, đi khối A đều chen
được vào đại học công lập, ít nhứt cũng một cao đẳng và không hề “có cửa” cho
trường dân lập loàng xoàng Đời sống hai
vợ chồng khá lên, chiếc cub đổi chiếc DD, rồi Future, vợ anh dành đi chiếc DD
cũ vì: “Em có đi đâu, anh đi xe đẹp lên Sở họp để người ta đừng xem thường”, tivi
đen trắng đổi tivi màu, nhà nới thêm tầng lửng làm góc học tập cho con trai.
Con đậu đại học, anh mua cho con chiếc Wave Alpha để con tiện đi lại thay cho
gần 10 năm thằng bé cọc cạch xe đạp đi học
Nhớ lúc con trai bập bẹ tập nói, bà nội dẫn
cháu vào phòng hài cốt chỉ đây là hũ cốt của ông nội, con anh ngây thơ hỏi hũ
cốt của bà nội đâu khiến bà nội vừa tức cười, vừa giận dỗi méc anh: “Con trai
mày trù tao chết…” Chỉ là lời mắng yêu thôi, nhưng có lẽ nhờ câu hỏi đó bà nội
được phước, vừa mừng thọ 80 tuần rồi.
Máy giặt báo hiệu quần áo đã sấy ráo, anh
vớt ra mang đi phơi. Có tiếng ồn ngoài cổng, học trò lục tục kéo đến. Anh mở
cổng. Tiếng học sinh ồn ào:
- Thầy ơi, thi rồi, cho tụi em nghỉ đi thầy.
- Thầy ơi, thầy không vô điểm, phê học bạ và
nghỉ ngơi sao?
…
Mỗi đứa một câu, thầy trò vào phòng, anh lên
tiếng:
- Ba mẹ đóng tiền đủ, thầy phải dạy đủ. Ôn
tập lại chương trình cũ để sang chương trình lớp 11
Vài đứa đến sau gương mặt thất vọng khi thấy
bạn bè đã an vị, thầy đang viết bài tập và chẳng có dấu hiệu nào được nghỉ cả.
Lớp đông dần lên. Anh đã xong hai chục đề bài, rồi ngồi nhìn những cái đầu
nghiêng nghiêng chép bài của học trò. Nhớ năm đầu tiên sống cùng nhau, một hôm
vợ anh làm bữa cơm thật ngọn, canh chua cá lóc, món ăn đắt tiền thời đó. Chị
mua con cá bự chảng kho màu đỏ tươi trong chiếc nồi đất, chị hỏi anh biết hôm
nay ngày gì không, anh ngơ ngác, chị giận anh, ngày cưới mà chẳng nhớ… Ngày 8
tháng 3, anh hí hửng mang về một cành hoa hồng, rồi chợt tẻn tò khi thấy trên
bàn mình những nhánh hoa thạch thảo chị mới hái từ bụi hoa trước nhà. Anh chỉ
nhớ đến chị một ngày, nhưng chị nhớ đến anh mỗi ngày khi tưới bụi thạch thảo,
cắt tỉa chưng trên bàn của anh. Lúc mới sinh con, anh đi dạy, nhìn nhà cửa bề
bộn, chị lao xuống bếp giặt giũ, dọn dẹp để rồi bị cảm sốt, đưa vào bệnh viện
bác sĩ la quá chừng. Mẹ vợ nói đàn bà mới sanh như con cua lột, tại sao để giọc
nước sớm vậy. Thế là bà khăn gói đến nhà anh phụ chăm sóc chị, mẹ anh cũng bán
tranh thủ về sớm phụ bà sui. Bạn bè nói không ai có phước bằng anh chị, hai bên
cha mẹ đều thương
Con mới lẫm chẫm bước đi, cả hai đưa con đi
hội hoa xuân, mua hai cây kem thế nào mà hai cục kem rớt luôn xuống đất. Đang
khát nước, làm sao ăn miếng bánh còn lại? Chẳng có nhiều tiền, thế là hai vợ
chồng mua ly cà phê đá uống chung, đút cho con trai vài muỗng khiến cụ cậu thức
quấy suốt đêm. Hai vợ chồng trẻ lại bị mẹ mắng một trận nên thân khi biết
chuyện: tập cho con uống cà phê… Thiệt là hết nói nổi.
Anh dạy từ sáng sớm đến tối mịt. Nhiều bữa
trưa anh vùng vằng tới lớp dạy thêm, chị nhẹ nhàng: “Anh được dịp kiếm tiền
thêm là tốt lắm đó. Như em muốn dạy thêm cũng đâu có được”. Nhiều lúc chị nói
như có lỗi: “Em chẳng phụ giúp anh được gì. Phải chi ngày trước ba mẹ em khá,
có tiền để em luyện thi, em đã học toán như anh rồi. Nhà nghèo, em chọn khối C
để chỉ ở nhà tự luyện, khỏi tốn tiền học thêm, bây giờ không làm ra nhiều tiền”.
Nghe thế lòng anh dâng lên một sự cảm thông vô bờ bến. Từ đó, anh xem việc mình
phải bù đầu với học trò là một phước lớn.
Có tiền, bữa ăn ngon hơn. Chị rất khéo tay
lại chịu khó học hỏi những món ăn ngon để bồi dưỡng chồng. Đêm nào sau khi về,
tắm táp xong, anh đều có ngay ly cam vắt mật ong và tô cháo, khi thì cháo thịt,
lúc thì cháo gà, có cả súp cua, súp bắp… để anh không ngán. Con trai luyện thi
cũng chẳng mất sức với đôi tay chăm sóc của mẹ. Anh mê bóng đá, chị không cản
anh được với những tối thức suốt để sáng lừ đừ với những con số. Chị chỉ cố bồi
dưỡng cho anh những món ăn đêm để lấy sức. Chị chẳng biết gì về bóng đá, chỉ thấy
quả bóng vào khung thành anh la lên là chị cũng la theo. Có lần quả bóng vào
khung thành, chị la mừng rỡ không kịp nhìn thấy ánh mắt thất vọng và tiếng kêu
trời của anh, anh bực lên: “Có gì mà vui, bị mất một trái rồi…vui lắm hả”. Chị
ngớ ra bối rối, anh chợt thấy mình vô lý, dịu giọng nói rằng anh chọn đội Pháp,
cái đội vừa bị đối thủ đá thủng lưới…!
- Sao
thầy cười một mình vậy?
Anh giật mình. Có đứa tinh nghịch:
- Thầy nhớ cô thầy cười…
Anh lơ đãng nhìn lên lịch, rồi lên đồng hồ.
Hốt hoảng anh nói với học trò:
- Các em hôm nay về sớm 15 phút nhé, buổi
học sau thầy sửa bài. Em nào chưa chép xong đề bài thì chép đi để về nhà làm
Lớp học vỡ òa, các em tíu tít: - Tụi em chép
xong hết rồi thầy ơi
Anh dặn dò: - Các em nhớ về nhà nghe, đừng
đi chơi. Thầy nghe ba mẹ méc mấy em không về sớm hôm nay là thầy sẽ không bao
giờ cho về sớm nữa đó.
Các em nhao nhao: - Về nhà chứ thầy. Có tiền
đâu đi chơi. Tụi em thèm ngủ gần chết. Mấy ngày trời ôn thi phờ người…
Học sinh ra cổng, anh không khóa, mà trở vào
nhà thay bộ đồ tươm tất nhứt, gọi vài cuộc điện thoại, miệng lẩm bẩm mong sao
kịp giờ. Anh dắt xe ra, mặt mày như chưa từng vui như hôm nay. Anh ghé cửa hàng
hoa mua bó hoa hồng tươi thấm, ghé Brodard mua một ổ bánh kem rồi bước vào một
quán ăn gia đình bậc trung. Anh nói tên, tiếp tân nhận ra vị khách mới đặt bàn
vài phút trước đó, lễ phép đưa anh vào căn phòng nhỏ, chiếc bàn nhỏ, trên bàn
ngọn nến nhỏ và một lọ hoa nhỏ cùng cành thạch thảo. Người tiếp viên cúi chào.
Anh mỉm cười chờ đợi… Cửa phòng bật mở:
- Anh bày đặt gì vậy? Em chuẩn bị về thì
nhận điện của anh. Em cũng gọi cho con rồi. Chuyện gì vậy?
Âu yếm, anh nhẹ nhàng: - Hôm nay kỷ niệm 20
năm ngày cưới của tụi mình.
Đôi
mắt vợ anh mở lớn, lấp bấp: - Anh… anh còn nhớ à?
- Nhớ chứ. Mấy năm trước chỉ một bữa hủ tíu,
năm nay phải đãi nhà hàng mới sang chứ.
Lại tiếng mở cửa, con trai vừa xong giờ học:
- Ba mẹ…
Nhìn cách bày trí nó reo lên: - A, ba mẹ
mừng ngày cưới.
Chị ngồi vào bàn, người phục vụ bày vài món khai
vị. Thằng con mở nắp hộp bánh: - Trời ơi, ba ghi kỷ niệm 20 năm ngày cưới, hay
quá!
Anh nói với con: - Đến ăn món mặn trước, rồi
bánh sau. Có cả sâm banh nữa đó.
Chị giẫy nẫy: - Trời đất, anh sang vậy.
Anh cười: - Mình cực khổ 20 năm rồi. Cuộc sống
giờ khá hơn, làm ra tiền để chi. Ngày Lễ Bạc, vợ chồng mình đi một chuyến sang Hong Kong, hoặc Thái Lan chơi.
Thằng con vỗ tay tán thưởng: - Con lúc đó
tốt nghiệp rồi, hổng chừng có luôn việc làm. Ba mẹ tự do hưởng trăng mật lần
hai. - Nó xuống giọng: Ước gì sau này con cũng có gia đình hạnh phúc như ba mẹ.
Anh trầm giọng: - Hạnh phúc trong tay con ạ.
Quan trọng là mình có nhận ra và gìn giữ không. Vợ anh chẳng nói gì nhưng anh
biết chị đang ứa nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng.
Cách đó không xa, một phụ nữ trang điểm khá
kỹ, trong bộ đầm sang trọng. Cô bước ra từ cửa một nhà hàng bậc nhất nhì thành
phố, hai tay cầm hai chiếc vé, nhìn xuống, buồn bã. Cô bước đến con chim cánh
cụt đang há miệng rồi bỏ hai chiếc vé vào. Cô đi trên lề đường thong thả nhưng
người ta vẫn cảm nhận được sự nặng nhọc ở đôi chân. Thành phố sáng choang hàng
ngàn ánh đèn điện. Bóng cô ngã trên đường. Một mình…
Nguyễn Ngọc Hà (TP. HCM)
Chị Ngọc Hà,
Trả lờiXóaThật lý thú khi được đọc lại lần thứ 2 tác phẩm này của chị, và vẫn còm men: RẤT HAY!
Mong chị gửi tiếp đến Hương quê nhà những sáng tác khác để mọi người được thưởng thức góc nhìn và sự cảm nhận rất riêng như thế, chị nhé!
Thành Công (Bạc Liêu)
Anh trầm giọng: - Hạnh phúc trong tay con ạ. Quan trọng là mình có nhận ra và gìn giữ không. Vợ anh chẳng nói gì nhưng anh biết chị đang ứa nước mắt, những giọt nước mắt sung sướng.(NNH)
Trả lờiXóaNếu ai cũng nghĩ được như (NNH) thì đã không còn những G/Đ đỗ vỡ vì người thứ ba. Truyện viết có hậu hay đó NNH ơi!
OK. đồng ý với Song Song. Happy end- ket thuc co hau. Mong trong cuộc sống thực có nhiều cái kết như thế, như mong muốn của tác giả.
Trả lờiXóaKính gởi hai bạn Văn: Thành Công và Sông Song
Trả lờiXóaChân thành cảm ơn những nhận xét quý báo của hai bạn. Truyện hẳn không hay lắm đâu nhưng những ý kiến của độc giả đã khiến tác phẩm trở nên sống động và thu hút hơn. Một lần nữa xin cám ơn ý kiến của các bạn. Chúc khỏe!
"Hạnh phúc trong tay con ạ. Quan trọng là mình có nhận ra và gìn giữ không.". Cảm ơn thông điệp của chị Hà. huhu !
Trả lờiXóaVĩnh Sơn có "lẩu" zì hay sao mà đọc "thông điệp" lại hu hu zậy hử? Hiiiiiiiiiiiiiiiiiiii
Xóa"Hạnh phúc trong tay, quan trọng là có nhận ra và biết giữ gìn", không phải là "thông điệp" của chị Hà đâu, mà chị Hà rút thông điệp đó từ cuộc sống...Hi hi
Trả lờiXóaTuong tac giua nguoi doc va tac gia rat tot, khien viec cam thu rot rao hon
Xóavan chuong xua thieu cai khoan nay, chi Ngoc Ha nhi?