Tặng N.Y.P.N.
tác giả “ Pleiku nhìn từ đồn điền trà
Bàu Cạn"
Đã sinh ra trên đời, ai cũng có một quê hương. Cái nơi
quê cha đất tổ, nơi cất tiếng khóc chào đời và nơi ta lớn lên không phải bao
giờ cũng là một. Vì thế mà nhiều người đã nhận nơi này hay nơi khác là quê
hương thứ hai (thậm chí có khi thứ ba) cũng là lẽ thường. Cá nhân tôi cũng ở
vào trường hợp như thế. Như bao người dân khác, ba mẹ tôi phải rời mảnh đất
nghèo khó ở một vùng quê miền Trung để lên Tây nguyên lập nghiệp khi tôi còn
rất nhỏ. Vì thế mà kí ức tuổi thơ của tôi thuộc về quê hương thứ hai: Sở trà
Bàu Cạn – tên gọi chính thức là đồn điền trà Catecka – do các ông chủ người
Pháp khai thác và quản lí từ năm 1923 (cách Pleiku khoảng 20 km về hướng Tây),
còn bây giờ phố núi Pleiku đối với tôi lại là quê hương thứ ba và không biết có
phải là cuối cùng?
Cũng vì yêu mến thiết tha và gắn bó lâu dài hơn nửa
thế kỉ với phố núi và cũng do cương vị công tác trong ngành điện lực mà một
người bạn của tôi, đã ngược dòng thời gian để tìm về lịch sử hình thành và phát
triển của thành phố Pleiku. Từ đó, đã “phát hiện” ra trong buổi ban đầu Pleiku
phải mua điện từ sở trà Bàu Cạn và trước khi có sân bay Cù Hanh ở Pleiku, máy
bay của Air VN phải đáp nhờ xuống sân bay Gia Tường (Ia Từng) ở Bàu Cạn. Điều
này làm cho tôi cảm thấy thật thú vị và cảm động vì nó gợi nhớ đến người thân
và những kỉ niệm thời thơ ấu của tôi. Hồi ấy, bọn trẻ con chúng tôi có lần rủ
nhau ra sân bay để xem máy bay lên, xuống mà đối với con mắt trẻ thơ đó là một
hiện tượng vô cùng kì thú. Hình như giữa Pleiku và Bàu Cạn đã có một mối cơ
duyên từ trước vậy. Chẳng thế mà nhiều cư dân Bàu cạn đã ra Pleiku sinh sống
cho đến tận bây giờ nhưng vẫn nhớ về chốn cũ,người xưa đầy ắp những kỉ niệm
thân thương, những câu chuyện kể hoài mà không biết chán.
Thời ấy có lẽ con người sống gần gũi, hòa hợp với
thiên nhiên hơn, bằng chứng là có thể “sống chung” với hổ. Ấy, xin đừng vội cho
tôi là người khoác lác, nói xạo. Hổ và người dễ gì làm bạn với nhau để có thể
sống chung! Nói cách khác, con người sợ hổ như… sợ cọp ,nếu thấy hổ là đã chạy
bán sống bán chết hoặc sợ quá hóa bủn rủn chân tay mà xỉu luôn tại chỗ!. Ý tôi
muốn nói ở đây là hổ và người sống rất gần nhau nhưng… không thấy nhau. Ơn trời nếu có ai đó mà gặp hổ trong hoàn cảnh
ấy thì đã mất xác từ lâu!!!.
Hồi ấy, các ông chủ Pháp đã cho quy hoạch khu
dân cư có đường sá đi lại như bàn cờ. Lúc đầu, nhà tôi được bố trí ở vành đai
ngoài cùng, nghĩa là con đường trước nhà tiếp giáp với khu vực trồng trà và trà
thì lại tiếp giáp với rừng. Vào những năm cuối của thập niên 50 hổ còn nhiều
lắm, nhiều đến nỗi có những đêm mưa gió mịt mùng, chắc là do đói mồi nên “ông
ba mươi” từ đâu trong rừng lảng vảng tìm về khu dân cư. Dù cửa đóng then cài
rất chắc chắn nhưng người dân ở đây đều thót tim, không ai dám ra ngoài, lắng
nghe mơ hồ có tiếng hổ gầm rú đến ghê rợn lúc gần, lúc xa vẳng lại. Sáng ra, ba
tôi cùng với mấy người láng giềng đi quanh quất để quan sát xem dấu chân hổ lưu
lại ở nơi nào. Không những thế, trong
hầu hết các lô trà vào mùa mưa, công nhân đi hái trà vẫn thường phân biệt được
những dấu chân của hổ ở nhiều nơi. Rất may chưa có ai làm mồi cho loài thú dữ
này ngoại trừ mấy con bò trong chuồng trại chăn nuôi của sở trà đã từng bị hổ
tấn công, làm vật tế thần cho chúng. Tuy nhiên, “Hùm thiêng khi đã sa cơ cũng
hèn” (Truyện Kiều)- đó là những khi một trong những ông chủ Pháp (rất mê săn
bắn mà lúc đó chưa có lệnh cấm như bây giờ) đã bắn hạ được hổ và đem triển lãm
ở khu trung tâm của sở trà để khoe tài cầm súng, lòng can đảm và cũng để làm
thỏa mãn lòng hiếu kì của người dân khi được nhìn tận mắt chúa tể của rừng xanh
nằm sóng soài đo đất.
Ngoài tài săn bắn, họ còn là những ông
chủ rất ga lăng đối với phụ nữ, nhất là các cô gái trẻ đẹp thường được chú ý
nhiều hơn, và thường được cất nhắc từ vị trí đi hái trà tươi ở ngoài trời để vào làm việc trong nhà máy chế biến trà thành
phẩm đỡ phải dãi dầu mưa nắng, hoặc làm bếp nấu ăn cho ông chủ nếu có khả năng.
Những người có chút chữ nghĩa thì tuyển làm thư kí cho văn phòng. Trong số đó
có cô H chuyên nấu ăn các món Tây qua mấy đời giám đốc sở trà. Cô là sự kết hợp giữa vẻ đẹp hình thể mang
dáng dấp rất Tây, tầm thước mà cân đối – với một khuôn mặt đẹp thuần túy Á Đông.
Cô cũng từ dưới quê lên cao nguyên kiếm sống giống như ba mẹ tôi, là người bạn
giao hảo thân tình với cả ba mẹ, người duy nhất mà mẹ tôi không hề ghen chút
nào mặc dù sắc đẹp của cô H có thể đe dọa hạnh phúc của chính bà. Vì thế, khi
chưa lấy chồng, có một dạo cô H thường đến nhà tôi để làm mẫu cho một bức tranh
phong cảnh có điểm xuyết thêm chân dung của cô và có lẽ do xúc cảm trước cái đẹp và mối quan hệ thâm giao
mà ba tôi vẽ nên bức tranh đó.
Sau khi trao tặng cho cô H bức tranh, không hiểu tâm trạng ba tôi như thế
nào nhưng riêng ông chủ Portier thì hẳn là vui lắm vì ông ta đã được sở hữu cả bức tranh lẫn người đẹp trong tranh. Khi làm vợ ông
Portier, cô H đã bước lên địa vị một bà
chủ nhưng cô vẫn giữ cung cách giản dị, hòa đồng với bà con trong sở như bản
tính xưa nay của cô vậy. Cùng một cảnh ngộ như cô H nhưng kém may mắn hơn là cô
L. Cô cũng rất xinh xắn, đã không cưỡng nổi sự quyến rũ của ông Salvaire- người
kế nhiệm trước ông Portier. Ông Salvaire có vẻ đẹp đầy nam tính, nổi tiếng có
nhiều tài lẻ, nổi tiếng cả cái chuyện thích chinh phục phụ nữ, nghe đâu ông đã
có một cô đầm bồ ruột ở bên Pháp và đã từng sang thăm ông. Ông tự lái máy bay
riêng để đi kiểm tra các đội sản xuất và cuối tuần bay về Sài Gòn hay Đà Lạt để
vi vu cùng người tình. Khi mãn thời nhiệm, ông chủ- vốn là một quan tư phi công-
cũng bay khỏi cuộc đời của cô L, để lại cho cô một nỗi trống vắng bẽ bàng. Phải
chăng những người đàn ông có tài dù thuộc sắc tộc nào cũng thường hay có tật và
“làm khổ “ phụ nữ? (còn người có tật hay có tài lại là chuyện khác). Thế mới
biết sắc đẹp vừa là thứ vũ khí vừa là mầm họa đối với phụ nữ
Bây giờ nghĩ lại, tôi cho rằng việc
các ông chủ Pháp lấy vợ hoặc có người yêu ở đây cũng là một cách hòa nhập đối
với cuộc sống và văn hóa Việt, cũng tương tự như Việt kiều ta ở nước ngoài vậy.
Khi sang đây, có khi họ cũng “chịu chung số phận” như người Việt mình, chẳng
hạn như ông Mercier trong một lần đi
kiểm tra các đội hái trà đã phải chết thảm vì vướng phải mìn. Hoặc như ông Portier bị bệnh phải bỏ mình nơi đất khách quê người,
may mà có người em trai của ông đang làm việc ở một hãng của người Pháp tại Sài Gòn sẵn lòng thay ông để bảo bọc năm mẹ con cô H để rồi sau năm 75 đưa tất cả về định cư ở
ngoại ô Paris cho đến bây giờ. Có lẽ những cuộc hôn nhân như thế đã góp phần xóa
nhòa những khoảng cách về màu da, ngôn ngữ, phong tục… và tạo nên văn hóa đa sắc
màu giữa các dân tộc.
Đó là trong đời sống, còn về
công việc- nếu không có vấn đề người chủ bóc lột công nhân thì họ thực sự là
những nhà quản lí giỏi. Họ có thái độ cứng rắn đối với những kẻ làm dối và làm
ẩu, những người vi phạm kỉ luật lao động và thưởng phạt rất phân minh chứ không
chỉ phê bình kiểm điểm rồi chuyển vị trí công tác hoặc hưu non như ta bây giờ.
Catecka lúc ấy nổi tiếng với trà lipton đóng hộp (logo trên hộp trà vào thời
điểm này do ba tôi vẽ và được chọn), xuất khẩu mạnh sang thị trường châu Âu.
Sau năm 75 khi người Pháp rời khỏi sở trà là cũng mất luôn nguồn lợi đáng kể
này. Để bảo vệ sản xuất, họ đã nghĩ ra cách thức
diệt sâu bọ rất độc đáo. Vào mùa khô, có thời điểm bọ rầy xuất hiện nhiều vô kể
và là kẻ thù số một của cây trà. Để diệt trừ lũ phá hoại này, các ông chủ đã cử
ra một bộ phận chuyên… mua bọ rầy. Thế là cả người già lẫn trẻ con như chúng
tôi, vì không phải đi làm cũng có việc để làm. Hồi ấy, trục đường chính dẫn vào
sở trà là hai hàng thông xanh thẳng tắp. Cứ đêm đến, người ta gom lá thông khô
thành từng đống nhỏ rồi đốt lên để dụ bọ rầy lao vào như những con thiêu thân.
Lúc ấy phải nhanh tay lẹ mắt mà bắt chúng đừng để chúng tự thiêu rồi bỏ vào
những đồ đựng có lỗ thông hơi để chúng khỏi chết vì nếu để chết thì sẽ không
bán được mà coi như diệt giùm cho mấy ông chủ để họ khỏi mất tiền mua (ôi! chủ
mà khôn quá thế thì chỉ tội cho dân nghèo). Sau đó, họ sẽ cho đốt hết bọ rầy
thành tro bụi trong những lò lửa ở nhà máy. Có nhiều cách bắt bọ rầy, cứ đi tha
thẩn ngoài đường, gần các lô trà thế nào cũng thấy. Có những người bắt giỏi đem
cân cả bao tải được món tiền kha khá. Thật là một cách diệt sâu bọ nhanh, đơn
giản mà rất hiệu quả, vừa tăng thêm thu nhập cho người dân lại không gây độc
hại cho môi trường, cho cây trà.
Đây là lần
đầu tiên trong đời tôi kiếm được đồng tiền bằng chính công sức của mình, để phụ
vào tiền mua sách vở, mua quà vặt và những thứ linh tinh khác mà không phải xin mẹ.
Thiên nhiên
ở đây cũng rất hào phóng ban tặng cho con người nhiều sản vật, mùa nào thức ấy.
Mùa mưa tha hồ mà hái nấm mối, măng và các loại rau quả rừng. Vào những ngày
giáp tết, ba tôi thường được cho mượn xe hơi chở tôi vào rừng để chặt mai- thứ không thể thiếu trong mỗi nhà của người
dân ở đây trong dịp xuân về. Để phục vụ cho thú săn bắn, các ông chủ Pháp cho
làm những con đường ngang dọc xuyên rừng để xe hơi có thể chạy được. Thỉnh
thoảng, những con gà rừng bay hoảng loạn trước đường xe đi, hoặc một vài con
nai hay mang- loại thú cùng họ với nai, giật mình co giò chạy sâu vào rừng mất
hút… Khi tìm thấy vùng có nhiều mai, ba tôi tha hồ lựa chọn tùy thích để chất
lên xe và thế nào cũng chọn được một cành vừa khúc khuỷu, vừa thanh tao với
những nụ hoa sẽ nở đúng như mong đợi.
Trong tất cả những chuyện mà tôi còn nhớ có lẽ cái lớp
học tiểu học của thầy giáo Hồng để lại một dấu ấn sâu đậm trong suốt thời thơ
ấu của tôi. Đến đây tôi xin thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ người thầy đã
hết lòng hết sức vì học trò mình. Đó là một lớp học đặc biệt mà tôi từng biết
vì có cả từ lớp vỡ lòng cho đến lớp nhất (tức là lớp 5 bây giờ). Bây giờ nghĩ lại tôi không biết thầy Hồng đã phải
xoay sở như thế nào để vừa bảo đảm nội dung và phương pháp học tập cho 5 lớp
khác nhau cùng một lúc vừa giữ được trật tự cho học sinh ở khác lưá tuổi như thế.
Thầy giảng bài rất dễ hiểu và tận tâm, giảng cho đến khi nào học trò hiểu được
bản chất của vấn đề mới thôi. Thầy xử lí những sai trái của học trò rất nghiêm khắc,
công minh và bằng roi vọt. Không chỉ “quân
pháp” mà “giáo pháp” cũng “bất vị thân”- kể cả con cái của thầy cùng học với
chúng tôi hay con em của các sếp cũng vậy. Không biết có phải thầy muốn thực
hiện đúng câu “thương cho roi cho vọt” không mà lúc nào cái roi tre dài cũng để
trên bàn đầy uy quyền và đe dọa sẽ không tha cho bất cứ trò nào phạm lỗi. Thế
nhưng ở ngoài lớp học tức là ngoài tầm kiểm soát của thầy thì bọn trẻ lại hiện
nguyên hình là "nhất qủy, nhì ma, thứ ba học trò". Ngoài những trò đùa nghịch
phổ biến của học trò ra, vào mùa mưa, chúng tôi còn dùng các lon sắt tây đục lỗ
cột dây để đi như cà khoeo đến lớp cho khỏi bị dơ chân, đôi khi bị ngã lăn cù
còn lấm lem cả người và sách vở. Cũng có lần nhóm bạn của tôi rủ nhau ra “nhà
thương” (tên gọi một trạm xá- nơi cấp thuốc và điều trị các bệnh thông thường
miễn phí cho người dân của sở trà) để xin thuốc ho. Thế là khi vừa bước vào
cổng, bọn tôi luân phiên nhau ho
oạch… oạch… cho đến khi mỗi đứa được cho uống thứ nước xi-rô ho ngọt lịm
như mật ong. Đúng là không có cái dại nào giống cái dại nào!.
Học trò của thầy lớp nào ra lớp ấy,
không ngồi “nhầm lớp” bao giờ, tỉ lệ đậu vào lớp đệ thất ở tỉnh rất cao nên
thầy thường phải chối từ nhiều phụ huynh dẫn con em đến xin học lớp tư thục của
thầy vì quá tải, dù ở đây vẫn có một trường công bài bản hẳn hoi. Việc học hành, giáo dục con em ở một đồn điền
trà, dù nhỏ, vẫn có một hướng đi riêng tích cực của nó.
Sau năm 75, người Pháp đã phải trao
trả quyền quản lí sở trà lại cho bên ta. Người công nhân làm thuê mà trước kia
bị người Pháp gọi bằng cái tên “cu li” một cách khinh rẻ đã có cơ hội để làm
chủ và đổi đời. Thế nhưng trong một lần cùng người thân vào thăm lại sở trà Bàu Cạn, tôi không khỏi ngỡ ngàng vì sự thay đổi không giống như mình nghĩ. Sự quy
hoạch hợp lí ban đầu đã bị phá vỡ, nhà cửa mọc lên vô tội vạ, những hàng cây
bóng mát trên khắp các con đường không còn nữa. Khu biệt thự dành riêng cho nơi ở của mấy ông chủ mà người
dân quen gọi là “nhà Tây” xưa kia có
khuôn viên trồng hoa trông rất đẹp mắt (thật không hổ danh là "ăn cơm Tàu, ở
nhà Tây, lấy vợ Nhật”) còn bây giờ tàn tạ hẳn đi, cứ như là cảnh “cha chung
không ai khóc” vậy . Tôi trộm nghĩ nếu “gạn đục khơi trong” thì những bài học
từ người Pháp cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị: vấn đề khai thác, sử
dụng nguồn tài nguyên, năng lượng tại chỗ mà từ buổi ban đầu Pleiku phải mua
thêm điện ở Bàu Cạn là một ví dụ (vì Bàu Cạn có thủy điện từ rất sớm, lại có
sân bay riêng); vấn đề quy hoạch, cảnh quan môi trường, nâng cao dân trí và
quản lí…
Gần
một nửa thế kỉ đã qua đi, biết bao vật đổi sao dời. Cảnh đã khác xưa, kẻ còn
người mất nhưng kí ức tuổi thơ tôi vẫn còn sống mãi. Nếu có thể sống lại quá
khứ lần nữa tôi vẫn muốn được trải qua đoạn đời ở sở trà Bàu Cạn- Catecka để
tôi được sống lại thời tuổi nhỏ êm đềm, ấm áp và vui tươi trong tình yêu thương
của ba mẹ với tuổi học trò đầu đời thơ dại, hồn nhiên, giữa những con người tuy
vất vả mà sống rất cởi mở, chan hòa, và còn để cho tôi được đắm mình giữa thiên
nhiên trong mát, hữu tình nơi đây…
Đó là một nơi thấm đẫm tình người, sống mãi trong tâm
tưởng những người như tôi về những ngày tháng cũ.
Nguyễn Đoan Tuyết (Pleiku)
Comments[ 0 ]
Đăng nhận xét